Năm Này Tôi Bằng
Tuổi Ba Tôi
(PHAN NHIÊN HẠO)
1.
Một buổi chiều tháng 3 năm 1975. Phi
trường Kontum loang lổ cháy, đám cỏ
khô dưới chân úa vàng, mặt trời
đỏ bầm đang lặn xuống sau núi. Tiếng
pháo kích vẫn tiếp tục nổ rất gần.
Tôi có một con dế than trong vỏ hộp quẹt.
Con dế duy nhất còn lại sau những trận
thư hùng với dế của lũ trẻ trong
cư xá. Tôi mở hộp, thả con dế xuống
đám cỏ khô. Mặt đất đã bắt
đầu tối, chỉ một chớp mắt, con dế
lẩn mất. Nhiều năm sau tôi thường tự
hỏi tại sao tôi đã hành động
như vậy vào lúc đó. Có lẽ
tôi đã linh cảm sự chấm dứt tuổi
thơ và những ngày khổ đau phía
trước, và vì vậy đã thôi
không muốn cầm tù một con dế nhỏ.
Ba tôi trong buổi chiều ảm đạm
đó là một hình ảnh vừa rõ
ràng vừa nhập nhoạng trong trí nhớ
tôi. Ông mặc quân phục thẳng nếp,
dáng điệu bình tĩnh nhưng buồn rầu.
Mọi người đều hoang mang và vội
vã. Rồi mẹ và ba anh em tôi lên
máy bay, chỉ với một chiếc valise. Hai em của
tôi còn quá nhỏ và chắc chúng
đã chẳng nghĩ ngợi gì. Cả tôi cũng
vậy. Tôi chỉ linh cảm một điều
gì không giống những cuộc chia tay trước
đó, khi anh em chúng tôi bay về nhà
ông bà nội ở Đà Nẵng những kỳ
nghỉ hè. Chiếc phi cơ quân sự bốc
lên cao, tôi còn nhìn thấy những đốm
lửa cháy đỏ cuối đường phi đạo.
Tôi không nhớ ba tôi có nói những
lời cuối cùng nào với tôi lúc
đó, tôi đã có ôm hôn từ
biệt ông không. Ông đã dặn dò
gì mẹ tôi. Chúng tôi đi. Ông ở
lại, rút lui theo đoàn quân ra khỏi cao
nguyên, bị chặn đánh và bắn chết
trong một cánh rừng gần đèo Mang Giang.
Một cuộc rút quân kinh hoàng và
đẫm máu. Đó là tất cả những
gì gia đình tôi biết được từ
những lời kể lụn vụn, những phỏng
đoán và suy luận từ nhiều nguồn tin
khác nhau sau nhiều năm chờ đợi. Không
có ai chứng kiến những giây phút cuối
cùng của ba tôi. Tôi luôn hình dung
ông chết vào buổi tối. Một cái chết
chậm chậm, đau đớn vì những vết
thương mất máu. Chúng tôi không bao
giờ tìm thấy xác ông.
2.
Tôi đã lớn lên trong nỗi chờ
đợi đăng đẳng và tiếng khóc
thầm lặng của mẹ tôi. Một người
không bao giờ thôi chờ đợi và hy vọng.
Rồi tôi cũng lớn lên. Tôi tưởng
tôi đã quên. Tôi tưởng chiến
tranh không đụng chạm gì đến
tôi. Tôi đã không đánh nhau và
tôi cũng đã không bị tù
đày. Nhưng ba tôi thì đã bị bắn
chết vào những giờ phút cuối cùng
của cuộc chiến. Một người đàn
ông nho nhã, đọc tạp chí Văn, thẳng
thắn và tận tụy với công việc.
Ông đã từng đặt tôi lên
bàn tiệc để tôi đọc thơ, giữa
những người bạn bắt đầu ngà
ngà của ông. Những câu thơ chú
tôi dạy, tôi không biết tác giả: “Thừa
Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa. Khi
mùa đông rớt xuống vai người. Chiếc
lá vàng khô chết hồn vui …”,
Ông đi vớt từng con lăng quăng cho tôi
nuôi cá, dẫn tôi ra bờ sông Dakla chỉ
cho thấy cây lúa, để lần đầu
tiên tôi biết lúa và gạo không phải
là hai loại khác nhau.
Chúng tôi đã từng sống ở
đồn Mangbuk, trong căn phòng xây ngầm
dưới đất. Buổi chiều những người
phía bên kia chĩa loa vào kêu đích
danh tên ba tôi. Lính của ông trả lời
họ bằng những phát đại bác.
Không có đường bộ tiếp tế
vào Mangbuk. Sân bay phía trước đồn
lót bằng những tấm vỉ sắt dã chiến
bốc đỏ bụi mù vào những ngày
khô, Một người lính làm việc
trên bãi đáp bị cánh quạt
máy bay chém đứt đầu. Bụi mù
đã khiến ông bước thẳng đến
cánh quạt trong khi cố gắng nhặt lại chiếc
mũ bị gió thổi bay. Tôi gọi ông
là chú Tùng. Ba tôi nói những người
lính trong đồn đã dùng xôi nếp
ráp đầu chú Tùng vào người
lúc khâm liệm.
Khi chúng tôi dọn về ở trong thị
xã Kontum, chúng tôi cũng có một hầm
nổi đắp bằng bao cát như tất cả
những nhà khác trong cư xá sĩ quan.
Tôi đã từng thấy trực thăng Chinook cẩu
những quan tài kẽm trắng bạc lủng lẳng
bay ngang nhà. Tôi chưa từng thấy tận mắt
người chết. Sự thật thì tôi
không bao giờ dám đến nhìn những
người bị xe cán như những đứa trẻ
khác. Tôi sợ thấy máụ
Nhưng tôi biết thế nào là sự
mất mát mà cái chết mang lại cho những
người sống. Những người bạn của
ba tôi bỗng lâu không thấy đến
nhà, rồi thì ba tôi nói họ
đã tử trận. Một người em gái của
ba tôi không bao giờ lấy chồng sau khi người
yêu của cô, một sĩ quan trẻ, chết
vì xe cán phải mìn.
Cái chết đối với tôi là sự
vắng mặt vĩnh viễn của những người
thân, không phải những con số trên giấy
tờ, không phải mô tả tiểu thuyết hay
tưởng tượng thơ ca. Tôi không can dự
vào chiến tranh, nhưng cũng giống như nhiều
người Việt Nam khác, chiến tranh đã
can dự đến tôi.
3.
Trong nhiều năm trời sau 1975, người ta
đã dạy những đứa trẻ như
tôi cách nhục mạ cha mẹ chúng. Người
ta muốn trong trí óc tôi, ba tôi chỉ
là một phần tử của cái tập hợp
những kẻ bại trận. Ông chỉ là một
con số trong tổng số những địch quân bị
tiêu diệt. Và bằng cách đó,
người ta muốn những đứa trẻ như
tôi nhìn cuộc chiến tranh với con mắt biện
chứng ráo hoảnh như thể cái chết của
cha mẹ chúng là một tất yếu lịch sử.
Người ta không chịu hiểu rằng chẳng
có một tất yếu lịch sử nào
hàn gắn được những đổ vỡ
trong lòng một đứa trẻ đã bị
cướp mất tuổi thơ. Tôi biết tôi
không phải là trường hợp duy nhất.
Tôi biết có hàng trăm ngàn, có lẽ
cả triệu những đứa trẻ miền Nam sớm mồ
côi cha như tôi. Một thế hệ lớn
lên trong những xung đột không ngừng giữa
cố gắng lãng quên và các ám ảnh
ký ức, giữa sự kinh tởm chiến tranh
và tinh thần bạo động, giữa ý muốn
tha thứ và lòng căm thù.
Trong nhiều năm tôi cũng đã tự
dạy tôi quên lãng. Nhưng tôi vẫn
thường mơ thấy ba tôi. Người ta
nói mơ thấy một người thân bị mất
tích mà người đó không nói
cười gì trong giấc mơ thì đó
là một người đã chết. Khi còn
nhỏ mỗi lần tôi mơ thấy ba, mẹ đều
gặng hỏi xem ba tôi có nói cười
gì trong giấc mơ không. Bao giờ tôi cũng
nói có. Sự thật thì trong những giấc
mơ, ba tôi là một người rất trầm
lặng, vẻ mặt buồn rầu. Một người
mà ngay cả trong những giấc mơ tôi cũng
biết là đã ở quá xa, và
không bao giờ còn trở về với anh em
chúng tôi nữa.
Chúng tôi còn giữ vài tấm
hình cũ của ông, nhưng khuôn mặt trong
những tấm hình đó không có
gì giống với ngườI đàn ông
trong những giấc mơ tôi, nơi ông có vẻ
là một biểu tượng hơn là một
con người thật.
Sau cái chết của ba tôi, tôi
đã không bao giờ còn tin vào một hạnh
phúc vẹn toàn. Tôi luôn nhìn thấy
cái kết thúc buồn bã ngay cả trong những
giờ phút tươi sáng nhất, giống
như cái kết thúc của tuổi thơ
tôi ở phi trường Kontum một buổi chiều
tháng 3 năm 1975.
4.
Ba tôi mất khi ông mới 35 tuổi. Ông
đã hành động như tất cả những
người đàn ông đàng hoàng
và có trách nhiệm trong thời buổi
ông cần phải làm. Một người
đàn ông thời chiến vẹn toàn.
Bây giờ tôi đã bằng tuổi ba
tôi. Ông không còn sống để
cùng tôi già, nhưng tôi sẽ không bỏ
ông lại sau lưng. Cho đến tận bây giờ,
thỉnh thoảng tôi vẫn còn nằm mơ thấy
ba tôi. Ông không chỉ là người
đã sinh ra tôi mà còn là dấu ấn
của chiến tranh và những mất mát
tôi mang theo suốt đời.
Tôi luôn hãnh diện về ba tôi, cho
dù lịch sử đã phản bội ông.
Phan Nhiên Hạo
(Bai Chuyen)