SU'U TÂ`M 9

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | Su'u Tâ`m TIN | Su'u Tâ`m TIN [tt] | CHUYÊ.N LA. KHO' TIN | LINKS .. Dê~Thu'o'ng ! | CU'̉'I CHÚT CHO'I

VA(N VUI 1

Bà Xã Tôi Làm Ngành Thẩm Mỹ

 

Bà Xã Tôi Làm Ngành Thẩm Mỹ

(PHÚC THIỆN NHỰT)

 

 

Tác giả tên thật là Phùng An, cư dân Westminster, Nam Californiạ Tự sơ lược tiểu sử: trước 1975, Công chức. Từ 1975 đến 1979, bán chợ trời. Năm 1980, vượt biên đến Mỹ. Nghề nghiệp ở Mỹ: Electronic Technician. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông    "Cơm Chỉ" đã phổ biến và in trong tuyển tập  "Viết Về Nước Mỹ 2008". Bài mới của ông là một tự truyện kể về ngành thẩm mỹ.

 

***

 

Gia đình chúng tôi vừa tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ tháng 09-2008, đúng lúc năm bầu cử, thế là chúng tôi có điều kiện biểu dương quyền công dân. Nhân dịp này, chúng tôi muốn ôn lại đoạn đường vừa đi qua trên quê hương mới, để cám ơn quốc gia đã cho chúng tôi cuộc sống tự do và nhiều cơ hội.

 

Ngày ấy, một tuần trước lễ Tạ ơn (Thanksgiving) năm 2002, chúng tôi đặt chân xuống phi trường LAX, diện ODP, giai đoạn đầu bỡ ngỡ giữa xã hội văn minh, máy móc tân tiến cũng qua nhanh nhờ gia đình ông, bà nội và mấy đứa em qua trước hướng dẫn. Tuy nhiên, vấn đề xin việc làm còn nhiều trở ngại, lý do dễ hiểu, đến hãng, xưởng tìm việc, nói chuyện với chủ hãng, xưởng người bản xứ bằng cử chỉ nhiều hơn ngôn từ.

 

Hơn sáu tháng sau, nhờ bạn bè giới thiệu tôi xin được việc làm trật tự viên (security) cho một cơ sở kinh doanh của người đồng hương. Riêng "bà xã", ở lớp tuổi sắp "mãn chu kỳ", xin việc gì cũng khó. Tôi nghe nhiều người nói, quý bà lớn tuổi có thể xin phụ bếp ở nhà hàng, sắp xếp rau cải trong các chợ, hoặc đứng bán thức ăn tại các tiệm "Cơm Chỉ", hy vọng tìm được một chỗ đứng giữa xã hội quá bon chen, luôn luôn đòi hỏi khả năng chuyên môn và nhiều kinh nghiệm.

 

Sau khi bàn bạc ở nhà, tôi đưa "bà xã" đến tiệm "Cơm Chỉ" gần nơi tôi làm việc xin phụ bếp hoặc đứng bán thức ăn ở quày hàng, tình cờ gặp người bạn học ngày xưa thời trung học hiện đang làm nghề "neo" (nail), mỗi sáng đến đây mua phần ăn, chờ chủ tiệm đến đưa đi làm, thế là hai người "xa quê hương ngộ cố tri", líu lo nói với nhau đủ thứ chuyện và trao nhau số điện thoại.

 

Chiều đi làm về tôi nghe "bà xã" nói, em muốn đi học "neo". Từ lúc ông tơ bà nguyệt xe duyên vợ chồng chúng tôi đến giờ, chưa lần nào tôi nghịch ý với "bà xã" nhưng lần này tôi phân vân vì ngành "neo" cần đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn, đôi mắt tinh tường, "bà xã" tôi ở lớp tuổi quá nửa chừng xuân, làm việc gì cũng phải đeo kiếng "hai tròng" (gọi nôm na là kiếng lão). Tôi bàn bạc với "bà xã" điều bâng khuâng này, "bà xã" giải thích, bạn em cũng cỡ tuổi em, đeo kiếng "hai tròng" trước em nhưng vẫn làm "neo" được. Bạn em làm mấy năm rồi, khá lắm. "Bà xã" nói tiếp "Trong ngành thẩm mỹ có nhiều nghề khác nhau, những phần việc cần sự tỉ mỉ mấy em tuổi trẻ lo, những việc khác tụi em làm."

 

Tôi không biết người bạn học gặp trong tiệm "Cơm Chỉ" sáng hôm qua đã rủ rê và hướng dẫn "bà xã" tôi con đường đi tìm tương lai như thế nào mà "bà xã" tỏ ra rất thích thú, quyết định đi học "neo". "Bà xã" thuyết phục tôi, nhiều chị em bạn gái, theo gia đình qua diện H.O.muộn màng như tụi em hoặc các em tuổi còn trẻ, lấy chồng Việt kiều vừa qua Mỹ, bỡ ngỡ trong nếp sống mới, xã hội càng văn minh, đời sống càng nhiều nhu cầu nên thường rủ nhau đi học nghề "neo". Nghề dễ học, dễ làm, dễ kiếm tiền, dễ có bạn hiền, và ... dễ làm chủ.  

 

Nghề "neo" là một trong những nghề thuộc ngành thẩm mỹ làm đẹp cho người, cho đời. Ở đây tôi không dám "múa rìu qua mặt thợ", đề cập đến những phòng mạch bác sĩ chuyên giải phẫu thẩm mỹ, hoặc những viện thẩm mỹ chuyên nghiệp, dành cho giai cấp thượng lưu, nhiều dụng cụ tối tân và kỹ thuật tân tiến hơn. Phạm vi bài này, tôi xin trình bày những nét tiêu biểu theo nhu cầu thực tế, tô điểm dung nhan hàng ngày của mọi giới, từng lãnh vực nghiệp vụ trong thời đại sắc đẹp người phụ nữ được xếp lên hàng ưu tiên :

 

1.- Neo (nail). Làm đẹp đôi tay và chân, gồm: Tay, chân nước (spa manicure & pedicure); "Geo" (Gel); "Xiêu" (Silk); móng bột; móng giả; "phiêu" (fill); cắt da; đánh bóng (buff shine); sửa chữa (broken nail repair); Vẽ hoa (nail design) v . . .v . . .

 

2. - Tóc (hair). Hớt tóc nam và nữ có nhiều kiểu: "Ball" hoặc "Skin head" (hớt trọc); "Bob cut" (hớt bum bê); "Spike cut" (hớt tóc đứng); "Layered haircuts (tóc so le); "Square playered" (hớt tỉa góc cạnh); "Buzz" (hớt tóc ngắn.); "Step cut" (hớt gợn sóng); "Rasor cuts" (tỉa dao)..v..v... Tuy nhiên, hớt tóc nam đơn giản hơn làm tóc nữ vì quý bà, quý cô lúc nào cũng thích làm đẹp, chỗ nào cũng muốn đẹp nên thường cầu kỳ, kỹ lưỡng và cần chải chuốt nhiều hơn quý ông.

 

3.- Uốn tóc (perm) vừa đa dạng vừa nhiều phân đoạn khác nhau (uốn, gội, hấp, sấy, chải...). Có người thích uốn kiểu cổ điển như thiếu nữ Phi châu, quăn từng lọn lớn, nhỏ; người chọn kiểu nàng dâu Đại hàn, nét đẹp mịn màng, hình ảnh Á đông. Quý cô lớp tuổi xuân thì thường chọn kiểu tân thời như các minh tinh, người mẫu. Tuy nhiên, số đông quý bà, quý cô muốn thích nghi cuộc sống lúc nào cũng vội vã với thời gian, thường chọn kiểu đơn giản dễ chải, dễ gội.

 

4. - Nhuộm có 2 kiểu thông dụng, nhuộm toàn phần (tint, color) dành cho lớp trung, cao niên, thường thường nhuộm một màu; nhuộm "xen kẽ" (high light), có người quen gọi là nhuộm kiểu "sọc dưa", hoặc nhiều màu theo thời trang của tuổi trẻ.

 

Nhuộm và "high light" không có gì khó, chỉ cần chọn đúng màu khách yêu cầu, áp dụng đúng công thức pha màu, dung lượng, thời lượng, nhuộm đúng phương pháp đã học và khéo tay là "ăn tiền"

 

5.- Săn sóc da mặt (facial) ngoài mục đích làm động tác co, giãn làn da mặt, nắn, bóp các bắp thịt cổ và vai; nhu cầu chính là trị mụn, nám, tàn nhang, da khô, da nhờn . . .

 

Làm da mặt thỉnh thoảng dễ bị "côm-pơ-len" (complain) khi gặp khách nhiều tàn nhang quá đậm, khó làm mờ, hoặc quý bà, quý cô sắp đến "chu kỳ" thường có nhiều mụn dù săn sóc kỷ cách nào cũng không thể nhìn da mặt mịn màng như lứa tuổi ô mai.

 

6. - Xâm cũng có 2 cách, xâm vĩnh viễn (tattoo); xâm tạm thời (temporary tattoo). Xâm vĩnh viễn thường thể hiện ở mí mắt, vành môi, lông mày và lông mị Xâm tạm thời, mỗi khi có dịp họp bạn, du ngoạn, hội hè, tuổi trẻ thích dán những câu chữ khôi hài, dí dỏm hoặc vẽ những hình thù quái dị, ngộ nghĩnh vào những nơi dễ nhìn, nhiều người thích ngắm trên cơ thể, mục đích tạo sự chú ý của người chung quanh.

 

7. - "Nhổ và tỉa" (wax), ngành này có nhiều nét độc đáo, lắm khi cười ra nước mắt. Là một trong những ngành tân tiến làm đẹp trên thân thể mọi giới, nhứt là nữ giới từ nơi trống trải đến chốn "thâm cung". Phòng "nhổ và tỉa" cần kín đáo, riêng tư không như bàn làm "neo" hay ghế làm tóc. Phần khách phải bình tĩnh chịu đựng những cảm giác bất ngờ trực tiếp trên cơ thể. Chuyên viên "nhổ và tỉa" phải khéo tay, dày kinh nghiệm khách sẽ thoải mái, hài lòng.

 

Ngày đầu tiên đi học ngành thẩm mỹ, "bà xã" rất thích thú. Ngày qua ngày càng khám phá thêm những điều mới lạ trong lĩnh vực làm đẹp, "bà xã" lại càng tỏ ra yêu nghề. Sau khi có bằng "neo" và hành nghề được 1 năm, "bà xã" tôi thừa thắng xông lên, lần lượt lấy thêm bằng tóc, săn sóc da mặt và bằng ... "nhổ và tỉa"  (wax).

 

Nhu cầu "nhổ và tỉa" không như những phương pháp làm đẹp bằng hình thức bơm, nâng, hút, cắt, xâm, nhuộm... " Nhổ và tỉa" chỉ "lấy bớt ra" hoặc "cắt ngắn" chứ không "cho thêm vào".

 

Trên cơ thể có nhiều chỗ người phụ nữ cần hoặc thích "nhổ và tỉa". Quý vị nữ lưu chuẩn bị đi nghỉ hè với "ông xã", thích hoặc cần "nhổ và tỉa" nơi có thể tạo cho "ông xã" sự bất ngờ, thích thú. Quý tiểu thơ, đài các, mơn mởn, yêu đời, thích tắm nắng bên bờ đại dương, thường yêu cầu "nhổ và tỉa"  kiểu bi-ki-ni. Có những vị hàng tháng cần "nhổ và tỉa" định kỳ vì sự "sanh sôi nẩy nở"  vượt quá sự bình thường. Riêng quý ông, cần "nhổ và tỉa" lông mày (eye brows), ria mép, ngực và lưng. Thỉnh thoảng cũng có ông đến yêu cầu "nhổ" hoàn toàn 2 vùng mầu mỡ dưới cánh tay, nơi thường tỏa ra mùi không họp với khứu giác người bên cạnh.

 

Tuy có đủ các chứng chỉ cần thiết trong ngành thẩm mỹ, "bà xã" tôi thích và chuyên làm nghề "nhổ và tỉa" hơn vì có nhiều uy tín, vững tay nghề và nhiều khách quen. Vả lại, những nơi cần "nhổ và tỉa" thường khuất trong nơi kín đáo của cơ thể, thỉnh thoảng nếu "nhổ và tỉa" không đúng tiêu chuẩn, khách không "côm-pơ-len" (complain).  Nhờ làm lâu năm, thuộc lớp chuyên viên thẩm mỹ đàn chị trong tiệm, ở lĩnh vực nào khách cũng hài lòng nên tình giao hảo giữa "bà xã" tôi với chủ tiệm và bạn đồng nghiệp lúc nào cũng được nể nang, quý trọng.

 

Thường thường sau bữa cơm tối, thời gian chờ mấy đứa nhỏ học hoặc làm bài (home work) chúng tôi có thì giờ kể cho nhau nghe những chuyện vui, buồn hàng ngày nơi làm việc. Chuyện nghề nghiệp của "bà xã" ngày nào cũng có. Năm đầu tiên mới vào nghề, chân ướt, chân ráo, chưa có kinh nghiệm, chưa có khách quen, "bà xã" được giao làm tay, chân nước đều đặn. "Bà xã" kể, có lần gặp bà khách người bản xứ, tuổi "sồn sồn", mặt nhìn trẻ trung, da trắng nhưng đôi bàn chân, ôi thôi mất vệ sinh không tưởng tượng được. Nhưng đã chọn nghề, phải yêu nghề.

 

Mỗi lần nghe "bà xã" kể chuyện ngành thẩm mỹ , nhứt là chuyện "nhổ và tỉa" tôi không thể nhịn cười. "Bà xã" kể đến đâu, tư tưởng tôi liên tưởng đến chỗ đó, thấy vui vui và thích thú vì khám phá được những chi tiết ngộ nghĩnh làm cho cơ thể vừa đẹp, vừa đau nhưng quý bà, quý cô vẫn thích làm.

 

Sau nhiều lần nghe "bà xã" kể chuyện ngành thẩm mỹ. Tôi nghĩ, thuở tạo thiên lập địa Thượng Đế dựng nên loài người thật là tuyệt hảo, chẳng cần mặc quần, áo hoặc bơm, nâng, cắt, xâm, nhuộm, nhổ, tỉa, cắt da, giũa khóe, móng giả, móng cong, móng bằng, móng nhọn, vẽ hơa, sơn màu ..., chỗ nào nhìn cũng đẹp. Dần dần loài người có tư tưởng lệch lạc, ánh mắt không trong lành, nhìn những chỗ đẹp trên cơ thể tưởng tượng thành xấu nên mới có ngành thẩm mỹ ngày nay. Đã vậy, loài người còn phát minh nhiều phương pháp làm đẹp tân tiến bằng cách thêm vào, bớt ra nhiều thứ, nhiều chỗ trên cơ thể nên chẳng ai còn dám để cơ thể "trống trơn" như thuở ban sơ khi mở mắt chào đời.

 

Trong các tiệm chuyên ngành thẩm mỹ, nói chung; tiệm"neo", nói riêng, nếu có những bon chen, mâu thuẫn vì cạnh tranh nghề nghiệp, đó là lẽ thường tình. Tuy nhiên, tình cảm chung trong ngành, anh, chị, em lúc nào cũng quý mến nhau, hướng dẫn, giúp đỡ nhau trao dồi thêm khả năng chuyên môn. Nếu quý vị đã đọc qua mục: "Chuyện Dài Dài Làng Thẩm Mỹ", thứ bảy hàng tuần trên Việt Báo do bà Trương Ngọc Bảo Xuân phụ trách, quý vị sẽ thích thú vì tâm tình những nhân vật từ chủ tiệm (chị Ngà) đến tất cả nhân viên trong tiệm, cô Thanh, cô Kim, cô Láng, cô Thu, cô Trang , cậu Tuấn, cậu Khải, cậu Vinh đều cư xử với nhau bằng tình đồng nghiêp cao đẹp, thường thăm hỏi và chia xẻ nhau hoàn cảnh gia đình, thỉnh thoảng cũng chọc ghẹo nhau bằng những câu tiếu lâm vui nhộn. Nói chung, không khí trong các tiệm thuôc ngành thẩm mỹ lúc nào cũng có nhiều tiếng cười, luôn luôn nhìn nhau bằng ánh mắt thân tình, quý mến .

 

 Càng ngày ngành thẩm mỹ càng phát triển, tiệm "neo" khai trương càng nhiều. Tôi không có số liệu trên toàn nước Mỹ nhưng riêng Tiểu bang Cali đã có khoảng 2,500 tiệm do người Việt nam làm chủ (số liệu này do Hiệp hội Hair & Nails của người Việt Nam mới thành lập nói trên Đài phát thanh LSR trong chương trình hội thoại do xướng ngôn viên Đ.Q.A.T. thực hiện đêm thứ hai, 29-09-2008.)

 

Từ ngày "bà xã" tôi thành chuyên viên thẩm mỹ, nàng rất thích thú, yêu nghề đến độ đam mê. Ngày xưa khi còn là một nữ sinh trung học, "bà xã" thuộc nằm lòng những công thức toán, lý, hóa, hình học hoặc những áng văn, vần thơ bất hủ của những văn hào tiền bối; ngày nay, trong ngành thẫm nỹ, "bà xã" kể không thiếu một chi tiết nào trong lĩnh vực nghề nghiệp, nhớ vanh vách tên các loại mỹ phẩm, hóa chất và phương thức sử dụng hàng ngày.

 

Nhờ có chuyên viên thẩm mỹ trong nhà, lợi tức hàng tháng "bà xã" mang về, giúp giải quyết được nhiều điều hữu ích trong gia đình, việc từ thiện ngoài xã hội. Thỉnh thoảng giúp đỡ bà con bên nhà khi hữu sự, lòng thấy vui vui với danh nghĩa "gia đìnhViệt kiều". Ngoài ra, trong gia đình 3 cha con tôi cũng đỡ được tiền hớt tóc quanh năm. Cứ vài ba tuần, trong bữa cơm tối, mỗi lần thấy "bà xã" thỉnh thoảng vừa ăn, vừa nhìn mái tóc ba cha con, tôi biết thế nào sau bữa ăn "bà xã" cũng sẽ nói: "Ngày mai em "ốp" (off), sáng mai em sẽ hớt tóc, cắt móng tay 3 cha con". Mỗi khi lệnh ban ra, 3 cha con tôi lúc nào cũng phải nghe răm rắp. Điều nghịch lý là mái tóc "muối tiêu" của tôi mà "bà xã" không hớt "kiểu cao niên" (senior style), hay kiểu thông thường (regular cut), luôn luôn hớt kiểu "ca-rê" (gọi nôm na là kiểu "tân binh", phần trước dài khoảng 1.5 inch, phía sau và chung quanh láng cóng). Sau khi hớt, "bà xã" ngắm nghía, mỉm cười, nói: "Em hớt anh kiểu tóc này trẻ trung, khỏe mạnh và trông có vẻ ... "còn phong độ". "Bà xã" đâu có biết câu nói vô tình của nàng, trông có vẻ ..."còn phong độ" làm tôi thoáng mặc cảm, hay là "bà xã" đã khám phá thấy tôi bắt đầu có triệu chứng "yếu xìu" rồi chăng ?

 

Hai đứa nhỏ, đứa lớn khi thì " bà xã"" hớt kiểu "dựng đứng tua tủa" (kiểu bờm ngựa), khi thì hớt kiểu "húi cua" (kiểu tóc của một nghị viên trẻ ở thành phố Westminster); thằng nhỏ "bà xã"" luôn luôn hớt kiểu "buzz" (cắt ngắn). Hai "nhóc tì" "má mi" hớt kiểu nào cũng ô kê. Riêng tôi, "bà xã" hớt kiểu nào cũng ... ô kê luôn vì, nếu đã chọn nhà này là mái ấm gia đình và "bà này" là "bà xã" thì phải luôn luôn nhớ câu "thần chú" bạn nhậu thường nói : "nhứt vợ, nhì trời" là thượng sách. 

 

Tôi đang viết bài : "Bà Xã" Tôi Làm Ngành Thẩm Mỹ", từ chiếc máy thâu thanh phát ra chương trình phóng sự cộng đồng do xướng ngôn viên B P đài Little Saigon Radio phụ trách phát thanh bài ca  "Neo Neo Neo" . . . tôi nghe loáng thoáng 2 câu cuối: "Nghề "Neo" đâu có bèo... Tiền vô đầy ngăn kéo... "Neo"... "Neo"...

 

"Neo" ... ", tôi xin mượn vần "eo" ở cuối câu góp thêm vài vần thơ lục bát cho đủ bộ vừa có nhạc, vừa có thơ cho vui cửa, vui nhà cùng các bạn đồng nghiệp trong ngành :

 

"Nghề "Neo" đâu có bèo

Tiền vô đầy ngăn kéo ... " Nếu ...

Đôi tay em khéo và nhanh,

Tiền vô rủng rỉnh, để dành trong băng (ngân hàng).

 

Bõ công kiên nhẫn, nhọc nhằn,

Móng dài em cắt, móng bằng em phiêu (fill)

Dù cho nắng sớm, mưa chiều,

Miễn sao đông khách, "típ" nhiều, em vui.

 

Tiền lương lo chuyện tương lai,

Tiền "típ" tiêu vặt hàng ngày vẫn dư

Nuôi dạy con, cháu nên người

Công lao cắt, giũa miệt mài ngày nay.

 

Mong sao con, cháu mai đây,

Công thành, danh toại, ngày ngày an vui...

 

 

 

PHÚC THIỆN NHỰT

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

website counter