Nhân cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ
(Miss Universe 2008) đang diễn ra tại Nha Trang, VN. Xin gửi lại bài viết
khá hay và cảm động về HOÀNG HẬU NAM
PHƯƠNG (1914-1963) , Bà đã từng "nổi
tiếng xinh đẹp với ba lần liên tiếp
đoạt vương miện Hoa Hậu Đông
Dương”.
"Hồng Nhan Cô Đơn"
Hoàng Hậu Nam
Phương Lúc Cuối Đời
(Nguyễn
Tấn Lai)
Hồi còn rất nhỏ (1952) chúng tôi
(người Viết) theo học tại trường Trung
Học Phương Mai, một trường Trung Học
Công Lập đầu tiên của Việt Nam tại
Dalat .. Trường nầy, theo biến cố lịch sử đã
lần lượt đổi tên thành trường
Quang Trung rồi kế tiếp là trường Nữ
Trung Học Bùi Thị Xuân. Một hôm người
bạn học cùng lớp là Lê Văn Lộc
và người cậu của anh, sau nầy là
nhà văn Bửu Ấn. Hai anh bạn học nầy
là người xứ Huế lại có liên hệ
đến Hoàng Tộc nên cứ nằng nặc rủ
tôi đi xem mả ông Nguyễn Hữu Hào bởi
vì công chúa Phương Mai là cháu ngoại
của ông Hào. Lê Văn Lộc
khi lớn lên được nhiều người biết
đến tên từ trước năm 1975,
đó là nhạc sĩ quá cố tên
Phương của cặp nghệ sĩ Lê Uyên
Phương.
Mộ Ông Bà Nguyễn Hữu Hào nằm
về phía Bắc thác Cam Ly trên một ngọn
đồi rất cao, thoáng mát với quanh năm
gió lùa về từ những rừng thông cao
chất ngất rất ư thanh thản. Từ chân
đồi đến phần mộ trên đỉnh
đồi cao phải leo lên hơn
500 bực tam cấp. Phần mộ Ông Bà Nguyễn
Hữu Hào, thời đó, chỉ là hai khối
xi măng rất cao nằm song song cạnh nhau trong một
nhà mồ rộng thênh thang đầy gió lộng
và chỉ có vậy thôi, thời đó,
chúng tôi không thấy có gì đặc
biệt xung quanh. Đi lên rồi đi xuống gần
ngàn bực cấp đôi chân mỏi đến
rã rời !
Nhà tỷ phú Nguyễn Hữu
Hào, một đại điền chủ ở
Gò Công, một trong những người giàu
có nhất nhì ở miền Nam thời Pháp Thuộc. Tại Sàigòn ngày nay vẫn
còn một nhà thờ mang tên người bỏ
tiền ra xây cất đó là Nhà Thờ
Huyện Sĩ. Ông Huyện Sĩ có tên
là Lê Phát Đạt và cũng là
người anh vợ của ông Nguyễn Hữu
Hào. Nhà tỷ phú Nguyễn Hữu Hào
có một người con gái rất xinh đẹp
là cô Nguyễn Hữu
Thị Lan sinh năm 1914. Cô Lan xinh đẹp
đó được Ba Mẹ gửi sang Pháp
năm 12 tuổi và theo học trường Trung Học
Couvent Des Oiseaux (Paris - Pháp). Cô Lan nổi tiếng
xinh đẹp với ba lần liên tiếp đoạt
vương miện Hoa Hậu Đông Dương.
Cô Lan đỗ Tú Tài Toàn phần
vào năm 1932 khi vừa đúng 18 tuổi.
Theo chuyến tàu của hãng
Messagerie Maritime trở về nước từ Marseille
(Pháp) đến Cap Saint Jacque (Vũng Tàu VN). Suốt hơn một tháng lênh
đênh trên biển, cô Marie Thérèse
Nguyễn Hữu Thị Lan chỉ từ xa xa nhìn
được thiên nhan của vị vua nước Việt
Nam, thời đó, rất đẹp trai và
còn rất trẻ, chỉ mới 20 tuổi. Hoàng Đế Bảo Đại trở về
Việt Nam
cùng trên một chuyến tàu.
Về Việt Nam được ít
lâu và khi vua Bảo Đại lên nghỉ
mát tại Dalat và bởi sự giàn xếp của
vị Toàn Quyền Pháp Pasquier và viên
Đốc Lý Darle (Thị Trưởng) Dalat. Tại khách sạn Langbian Palace, Cô Marie
Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan được
giới thiệu đến vị Hoàng Đế
đang còn độc thân Bảo Đại.
Cựu Hoàng Bảo Đại viết trong cuốn
hồi ký mang tên Le Dragon D'Annam (Con Rồng Việt
Nam)
ở trang 63 ông viết (Tiếng Pháp): "... Dans les salons du
Langbian Palace, me présente une juene fille ... Elle vient de terminer
ses études au Couvent Des Oiseaux, en France. Elle a dix huit ans
...." (Tại phòng khánh tiết Khách sạn
Palace, Tôi được giới thiệu với một
thiếu nữ còn rất trẻ, mới 18 tuổi, vừa
hoàn tất việc học từ trường Couvent
Des Oiseaux ở Pháp ...)
Nhờ theo học một
trường thuộc nhà Dòng, được
các nữ tu chỉ dạy các lễ nghi Tây
Phương đối với Vua Chúa nên hôm
đó, lúc vừa diện kiến Bảo Đại,
Nguyễn Hữu Thị Lan đã quỳ gối
và cúi đầu sát mặt đất để
tỏ lòng tôn kính nhà Vua. Lẽ tất
nhiên, một vị vua trẻ tuổi và hào
hoa như vua Bảo Đại thì làm sao không
thể không xiêu lòng trước sắc đẹp
mỹ miều của Nguyễn Hữu Thị Lan. Và
chuyện sẽ đến đã đến. Bảo Đại
say mê Nguyễn Hữu Thị Lan và khi Bảo
Đại hỏi cưới thì gia đình
Ông Nguyễn Hữu Hào ra điều kiện: (1)
Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn
phong Hoàng Hậu ngay trong ngày cưới. (2)
Được giữ nguyên đạo Công
Giáo, và các con khi sinh ra phải được
rửa tội theo luật Công Giáo và giữ
đạo. (3) Riêng Bảo Đại thì vẫn
giữ đạo cũ là Phật Giáo. (4) Phải
được Tòa Thánh La Mã cho phép
đặc biệt hai người lấy nhau và giữ
hai tôn giáo khác nhau.
Bởi vậy cuộc
hôn nhân giữa Bảo Đại và Nguyễn
Hữu Thị Lan gặp phải rất nhiều phản
đối của Triều Đình vì đa số
người trong Hoàng Tộc, thời đó,
đều theo Phật Giáo. Một lần, trước
Hoàng Tộc Vua Bảo Đại nói: "Trẫm
cưới vợ cho Trẫm đâu phải cưới
vợ cho cụ Tôn Thất Hân và Triều
Đình" ( Đại Lão rất
uy quyền của Triều Đình Huế thời
đó là Cụ Tôn Thất Hân: Viện
Trưởng Viện Cơ Mật kiêm Thượng
Thư Bộ Hình (Bộ Tư Pháp) là người
chống đối quyết liệt nhất khi Bảo
Đại quyết định thành hôn với
Nguyễn Hữu Thị Lan một người theo
Thiên Chúa Giáo).
Người con gái
đến từ Phương Nam mang theo cái
hương thơm Miền Nam đã quyết định
bước qua ngưỡng cửa hoàng cung, vào Cấm
Thành. Và do tình yêu gắn liền với
định mệnh, một định mệnh không khỏi
trớ trêu, vào buổi sáng mùa Xuân
đó, cả một cuộc đời mới
đã mở ra. Bỗng chốc cô trở
thành Hoàng Hậu của cả nước. Từ
nay không còn ai nhắc đến cái tên
Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan nữa.
Cô là Nam Phương Hoàng Hậu. Lòng chất
đầy cảm xúc suốt hành trình từ
Nam ra Huế, chen lẫn lo âu và sung sướng
trong niềm hân hoan không tả xiết, mỉm
cười chấp nhận những gì sắp xảy
ra cho mình.
Lần đầu
tiên trong triều Đình Huế, có một phụ
nữ xuất hiện giữa Triều Đình. Bảo
Đại giải thích thêm về hai chữ Nam
Phương như sau: "Tôi chọn tên trị
vì cho bà Hoàng Hậu mới Nam
Phương có nghĩa là hương thơm của
Miền Nam (Parfume du Sud) và Tôi cũng ra một chỉ dụ
cho phép Bà được phục sức màu
Vàng - Màu dành riêng cho Hoàng Đế".
Đám cưới của
vị thiếu quân hào hoa Bảo Đại
lúc 21 tuổi và một nữ lưu tràn trề
hương sắc miền Nam mới lên 19 tuổi
đã diễn ra tại Huế ngày 23 tháng 4
năm 1934, trước sự hiện diện của
đình thần và đại diện nước
Pháp tại Điện Cần Chánh. Triều
đình đứng thành hàng dọc theo tấm
thảm hai màu Vàng và Đỏ dành
riêng cho Hoàng Đế.
Bà Nam Phương, mặc
áo thụng. Chân đi hài mũi cong, đầu
đội vương miện đính 9 con Phượng
bằng vàng thật và nhiều ngọc ngà
châu báu óng ánh. Bà Nam Phương
đi dến giữa tấm thảm, cả Triều
Đình cúi rập đầu vái chào. Với
một vẻ đẹp lộng lẫy, Bà đi thẳng
vào phòng lớn giữa lúc nhà Vua
đang ngồi trên ngai vàng. Sau đó,
Hoàng Đế và Hoàng Hậu sánh vai
bước đi trong tiếng nhạc mừng qua Tử Cấm
Thành và vào Điện Kiến Trung, nơi ở
và làm việc của Hoàng Đế.
Ngay ngày hôm
đó Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn
phong làm Hoàng Hậu với danh hiệu Nam
Phương. Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan
được tấn phong làm Hoàng Hậu ngay sau
khi cưới là một biệt lệ đối với
các bà vợ Vua triều Nguyễn. Vì 12
đời vua nhà Nguyễn trước Bảo Đại,
các bà vợ Vua chỉ được phong tước
Vương Phi và đến khi chết mới
được truy phong Hoàng Hậu.
Lần đầu
tiên, trong hoàng cung triều đình nhà
Nguyễn, vóc dáng một người phụ nữ
uy nghi, đoan trang đem lại những nét đổi
mới trong sinh hoạt cung đình: Giản dị
hóa lễ nghi, giản dị hóa những
tương quan giao tiếp giữa bầy tôi và
chủ, tư tưởng phóng khoáng, ngay thẳng,
ghét những xun xoe xu nịnh, những lời
đàm tấu. Nam Phương Hoàng Hậu
là người phụ nữ Việt Nam đầu
tiên cùng vua tiếp đón các nguyên
thủ quốc gia khác trong vai trò đệ nhất
phu nhân như thời đại nầy.y.Toàn Quyền
Decoux đã hết lời khen ngợi bà Nam
Phương là người đức hạnh, nề
nếp, một sự tổng hợp hai nền
văn hoá Đông Tây.
Đêm 4 tháng 1
năm 1936, người dân Huế nghe những tiếng
súng bắn mừng, báo tin Nam Phương
đã hạ sanh, và lờ mờ sáng lại
một lần nữa 7 tiếng súng thần công
làm lay động cả Hoàng Thành, báo
hiệu Nam Phương đã sanh ra một hoàng tử.
Người đó chính là Đông Cung
Thái Tử Bảo Long. Hoàng Hậu Nam
Phương và Vua Bảo Đại có tất cả
5 người con: Thái Tử Bảo Long (4/01/1936) -
Công Chúa Phương Mai (01/08/1937) - Công
Chúa Phương Liên (03/11/1938) - Công Chúa
Phương Dung (05/02/1942) - Hoàng Tử Bảo Thắng
(09/12/1943).
Sau biến cố lịch
sử tháng 8 năm 1945 .. Bảo
Đại thoái vị và một thời gian sau
trong bối cảnh nhà Nguyễn suy vong, Bảo Đại
càng ngày càng mất hết quyền lực,
rồi thì danh sách những người đẹp
lăng nhăng với Bảo Đại thêm dài:
Mộng Điệp, Lý Lệ Hà, Hoàng Tiếu
Lang (Jenny Woong). Thời gian sau là Phi Ánh, Vicky,
Clément, Monique Baudo ... Cứ thế, Bà Nam Phương ẩn
nhẫn trong cô đơn chịu đòn một
mình theo cái cách của một bậc mẫu
nghi thiên hạ được ăn học, có
nhân cách. Để rồi cuối cùng Bà
Nam Phương tự chọn con đường của
mình là phải đi xa, giã từ vinh hoa
phú quý và nhất là chấp nhận sự
quên lãng của Hoàng Thượng. Vì vậy,
kể từ năm 1950 dòng họ Nguyễn và Bảo
Đại kể như không còn trong mắt
bà nữa.
Năm 1950, Bà quyết
định mang các con sang Pháp sống ở Paris,
phần lo chuyện học hành cho các con, phần
tránh xa những nhớp nhúa của dư luận.
Đến năm 1958, để tránh mặt gia
đình, người quen và báo chí,
Bà Nam Phương mua lại một khu nhà của
dân quý tộc tại một nơi có địa
danh là làng Chabrignac thuộc Tỉnh Corrèze nằm
cách xa Paris 500Km về phía Nam. Một lâu
đài có 32 buồng, 4 phòng khách và
7 phòng tắm tọa lạc trên một khu đất
rộng 160 mẫu có tên là Trang Trại La
Perche (Domain De La Perche). Bà sống ở nơi nầy
trong yên ắng và đơn độc. Các
con của Bà học hành và làm việc ở
xa, thỉnh thoảng mới về thăm Bà.
Riêng cựu hoàng Bảo Đại thì
ít khi về thăm bà ở nơi nầy.
Dân ở trong làng nói rằng vài lần
Bảo Đại có ghé thăm nhưng mới
nghe xe ông về thì thoắt một chốc xe
ông đã lại quay đi ! Có dư luận
cho rằng Bà Nam Phương bị bệnh ngứa nặng
và lãng tai nên Bảo Đại không
thích gần gũi !
Bà Nam Phương với
tháng ngày còn lại tại Chabrignac trong
cô đơn đã từng bước, từng
bước đi đến chỗ để về ! Mỗi
ngày, mỗi năm tháng, cứ héo mòn
như cái cây không có nước, cứ ủ
rũ cho đến lúc tàn lụi. Ngày một
ngày hai, mỗi ngày vẫn phải chạm
trán với cái sống thực bên ngoài
và nỗi cô đơn ở bên trong. Nỗi
cô đơn từ mọi phía. Nỗi cô đơn
cả đời. Sức khoẻ thì càng ngày
càng suy yếu về bịnh suyễn và tim.
Tháng ngày vẫn trôi qua trong niềm hy vọng
cứ dần dần tan bởi những câu hỏi về
cuộc đời, về cớ sự đa đoan, về
tình người và cuối cùng là
tình vợ chồng !
Một lần, sau chuyến
đi chơi về, Bà thấy đau ở cổ.
Bác Sĩ đến khám bệnh nói Bà bị
viêm cổ họng nhẹ. Không ngờ sau
đó bà bị khó thở. Hai người
giúp việc vội chạy đi tìm bác sĩ
ở làng bên, cách mươi cây số
và khi bác sĩ chưa đến thì Bà
Nam Phương càng lúc càng khó thở
hơn và trái tim của Bà đã ngừng
đập ở tuổi đời mới có 49. Đó
là ngày 14 Tháng 9 Năm 1963 !
Theo Tôn Thất An Cựu
viết trong Đặc San "Huế" thì
đám tang của Bà Hoàng Hậu Việt Nam
lưu vong được tổ chức một cách rất
sơ sài. Hôm đưa đám, ngoài hai
Hoàng Tử và ba Công Chúa đi bên cạnh
quan tài mẹ không có một người
bà con nào khác và Cựu Hoàng
Bão Đại cũng không có mặt. Bởi
vì khi hay tin mẹ chết Công Chúa
Phương Liên tức tốc đánh điện
báo tin cho Cựu Hoàng nhưng gặp lúc Cựu
Hoàng đang đi chơi xa với Bà Mộng
Điệp vì vậy nên không hay biết
gì và đã vắng mặt.
Nếu xưa, khi đặt
chân vào làm dâu trong triều đình
nhà Nguyễn, với một đám cưới trọng
thể, uy nghiêm dưới sự chứng kiến của
tất cả quần thần văn võ thì trong giờ
phút lâm chung, ngoài những người
giúp việc, bên cạnh bà không có một
người thân. Đám tang thưa thớt, vắng
vẻ, không có tiếng khóc, không lời
ai điếu. Báo chí Việt Nam tới
hàng chục năm sau vẫn không biết Bà
Nam Phương Hoàng Hậu cuối cùng của
triều Nguyễn mất bao giờ !
Mộ của Bà Nam
Phương rất đơn sơ, trên phần mộ
dựng một tấm bia nhỏ quen thuộc của
người bình dân Việt Nam. Hai mặt bia
có khắc chữ Hán và chữ Pháp. Mặt
trước khắc chữ Hán 'Đại Nam Nam
Phương Hoàng Hậu Chi Lăng' (Lăng Mộ của
Hoàng Hậu Nam Phương Nước Đại Nam) .. Mặt sau chữ Pháp: 'Ici Repose
L'Impératrice D'Annam Née Marie Thérèse Nguyễn
Hữu Thị Lan' (Đây Là Nơi An Nghỉ Của
Hoàng Hậu An Nam, Nhũ Danh Marie Thérèse Nguyễn
Hữu Thị Lan) !
Nguyễn
Tấn Lai
11/10/2007
(Trịnh Sơn
Lượng sưu tầm và chuyển)