BẠO MỒM BẠO MIỆNG
(Hoàng Long Hải)
Ông Phan Văn Đệ, em chú bác với
mẹ tôi, thường bị mẹ tôi mắng
là người "bạo mồm bạo miệng".
"Nói nặng lời làm mất lòng người
ta". Tuy nói vậy nhưng sau lưng cậu, mẹ
tôi vẫn thường khen ông với chúng
tôi rằng "cậu Đệ là người
ngay thẳng". Quả thật cậu Đệ tôi
là người ngay thẳng. "Thẳng ruột ngựa"
như tục ngữ nói, nhưng "thẳng mực
Tàu, đau lòng gỗ", tục ngữ cũng
nói như vậy.
Khi phê bình ai, cậu tôi nói thẳng,
không sợ mất lòng, dù người
đó có chức quyền hay giàu có,
có thế lực trong phường. Ví dụ
như với ông lý trưởng phường
tôi, cậu tôi chê: "Anh sao mà
"dê" quá, bà góa nào anh cũng
vơ". Biết cậu tôi tính thẳng,
ông lý trưởng bỏ đi, sau đó chỉ
than phiền với mẹ tôi: "Cậu Đệ
làm tui mất mặt". Với những người
làm nghề "xanh xít đít đui",
nó rõ ra là nghề cho vay lấy lãi, vay
năm trả thành sáu, vay mười trả
mười hai, (cinq, six - dix, douze - tiếng Pháp), cậu
tôi nói với họ là mấy ông bà
không nên đi chùa, đi nhà thờ,
Chúa Phật sẽ đuổi mấy ông bà
ra khỏi nhà thờ. Vốn dĩ nhà tôi
nghèo, thân phụ chúng tôi mất sớm,
nhiều khi để có đủ cho các con
ăn học, mẹ tôi trở thành "nạn nhân"
của họ. Thấy vậy, cậu Đệ tôi bất
mãn.
Tính tình và hình ảnh cậu
Đệ tôi gây ấn tượng cho tôi nhiều
lắm, nói rõ ra là khâm phục, không
hẳn vì cậu là em mẹ tôi mà
vì cái tính thẳng của cậu. Tôi vốn
là người hay nể vì người khác,
tránh không nói hay làm điều gì mất
lòng ai. Càng dồn nén của cái
tính vì nể, tôi lại càng nguỡng mộ
cái tính thẳng của người cậu.
Năm 1956, cậu Đệ tôi vượt vĩ tuyến
17 ra Bắc hoạt động tình báo, rồi mất
tích, tính đến nay đã 50 năm.
Có lẽ cậu Đệ tôi bị bắt, bị
cộng sản Hà Nội xử tử hay giam tù
đâu đó ngoài Bắc và với
cái tính thẳng đó làm sao cộng sản
ưa được. Đó cũng là một
lý do khiến cậu Đệ tôi, nếu cộng
sản không xử tử, cũng không có
ngày về.
Như tôi nói, càng nể vì người
khác, càng dồn nén cái tính cả nể,
tôi lại càng ngưỡng mộ cậu Đệ
tôi, và cũng ngưỡng mộ những ai
có cái tính như cậu tôi. Vì vậy
khi đọc Lỗ Tấn (1), tôi thấy thích
thú. Khoảng các năm 1957, 58, báo chí miền
Nam có giới thiệu Lỗ Tấn. Trong cuốn
"Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc"
của Giáo sư Hoàng Văn Chí, ở trang
đầu, in ngay hình ông Phan Khôi đang đọc
một bài diễn văn ca ngợi Lỗ Tấn khi
ông đi Bắc Kinh tham dự một buổi lễ kỷ
niệm nhà văn lớn nầy của Tàu
vì ông được Trung Cộng mời năm
1956.
Trung Cộng tuyên truyền cổ động cho
Lỗ Tấn khá mạnh mẽ. Cộng sản
Hà Nội cũng vậy. Giới văn học miền
Nam Việt Nam
sau 1954 cũng ngưỡng mộ nhà văn nầy.
Nhóm "Mùa Lúa Mới" ở Huế
không ít người ca tụng ông ta. Tôi biết
được điều đó cũng vì khoảng
thời gian 1957, 58 khi tôi tập tễnh làm
"nhà văn sữa" thường vào ra
tòa soạn nầy nên thường nghe mấy
ông văn thi sĩ đàn anh ở đây
như Võ Thu Tịnh, Đỗ Tấn, Quang Đạo,
Thế Viên, v.v .. bàn về Lỗ Tấn. Do
hoàn cảnh đó, tôi cũng có đọc
những truyện ngắn của Lỗ Tấn, trong
đó có một tác phẩm được
nhiều người ưa thích là "AQ
Chính Truyện".
Lỗ Tấn sinh năm 1881, qua đời năm
1936, mười ba năm trước khi Mao Trạch
Đông chiếm được lục địa Trung
Hoa. Lỗ Tấn là người khai sáng ra nền
văn chương hiện thực xã hội Trung Hoa,
một số nhà văn tiền chiến Việt Nam
như Tam Lang, Nguyễn Công Hoan, .. cũng có chịu
ảnh hưởng của ông. Các nhà phê
bình đánh giá ông là bậc thầy
trong thể loại nầy. Xét về năm sinh
và năm tử của ông, chúng ta có thể
thấy một điều quan trọng trong bối cảnh
lịch sử Trung Hoa hồi đó là thời kỳ
rối rắm vô cùng. Các cường quốc
Tây Phương hè nhau xâu xé Trung Hoa, trong
đó có trận "Bát Quốc Liên
Minh" là 8 nước Tây Phương liên
minh với nhau để đánh Tàu, vào tận
Bắc Kinh, bà Từ Hy Thái Hậu và triều
đình nhà Thanh phải bỏ Bắc Kinh mà
chạy. Đó là thời kỳ suy đồi của
nhà Thanh, loạn lạc nổi lên, chiến tranh
nha phiến, cách mạng Tân Hợi, Trung Hoa rơi
vào vòng hỗn loạn, chia năm xẻ bảy,
v.v .. Mãi đến khi Lỗ Tấn qua đời,
tình hình lịch sử, xã hội đó
cũng không có gì khá hơn.
Hoàn cảnh xã hội như thế cho Lỗ
Tấn một cái nhìn thực tế về
xã hội và con người Trung Hoa. Xin đừng
quên rằng ông là một nhà văn thuộc
trường phái hiện thực xã hội. Từ
đó, Lỗ Tấn có một nhận xét
"động trời" về người Tàu của
ông. Ông từng gọi rằng "xã hội
người Tàu là xã hội ăn thịt
người" và người Tàu thì "tàn
bạo như sư tử, xảo quyệt như hồ
ly, nhát gan như thỏ đế".
Tôi thích những nhận xét nầy của
Lỗ Tấn hơn những truyện ngắn của
ông. Lý do: Vì tôi ngưỡng mộ
cái tính thẳng của ông cậu tôi ?
Vì tôi mang cái "mặc cảm truyền thống"
người Việt bị người Tàu đô
hộ ngàn năm, thường bị người
Tàu xâm lược nên hễ ai chê người
Tàu thì tôi thích hay vì cái nhận
xét đúng, cái thực trong tư tưởng
Lỗ Tấn ?
Có lẽ không ít người Tàu phản
đối cái nhận xét nầy của Lỗ Tấn.
Là một nước lớn, dân đông,
có một nền văn minh rất sớm, từng
là "thiên tử" của nhiều nước
chư hầu, từng là một nước mạnh,
phải "Bát Quốc Liên Minh" mới
dám gây chiến với Tàu, v.v .. và v. v ..
tại sao Lỗ Tấn dám có nhận xét
như thế. Như thế là xúc phạm đến
dân tộc, coi thường cái tinh hoa, tài
năng, đạo đức của người Tàu,
v.v ..
Tuy nhiên, một con người cũng như một
dân tộc, không lý cái nào cũng tốt
cũng hay, cũng giỏi mà không có cái
xấu hay sao ? Nói chi xa, đọc ngay "thất
tài tử" của Tàu, người đọc
cũng thấy hai mặt của người Tàu,
dân tộc Hán. Cách đây gần năm
mươi năm, khi còn dạy học, một
hôm nói chuyện với Cụ Lâm Toại, một
nhà giáo nổi tiếng ở Huế, có lần
Cụ Toại bảo tôi: "Chỉ cần đọc
"Đông Chu Liệt Quốc" anh thấy hết
cái xã hội Tàu. Bao nhiêu cái xấu
xa, cái dâm đãng, tàn ác, vô
đạo của người Tàu đều có ở
trong đó". Tôi từng đọc
"Đông Châu Liệt Quốc" và cũng
có cái nhận xét như Cụ Lâm Toại,
cũng như tôi từng đọc "Tam Quốc"
và cũng như mọi người, sợ cái
tính đa nghi, bá đạo của Tào
Tháo. Ngày xưa sợ Tào Tháo bao
nhiêu thì ngày nay sợ Cộng Sản bấy
nhiêu ! Cộng Sản Hà Nội cũng đa nghi,
bá đạo không thua gì Tào Tháo. Khi
nghe Cụ Lâm Toại nhận xét như trên,
tôi vẫn cười thầm. Có lần tôi kể
câu chuyện đó cho một người bạn,
người bạn tôi đưa ra thêm một nhận
xét: "Cậu nên nhớ ông Lâm Toại
là người Minh Hương". Người Minh
Hương có nghĩa là người Việt gốc
Tàu, cha ông họ đã bỏ Tàu mà
chạy trốn qua Việt Nam khi các phong
trào "Phù Minh diệt Thanh" bị thất bại.
Ấy là chuyện ngày trước. Nay khi
nghe cô Dương Thu Hương nhận xét về
người Việt, tôi không thể không giật
mình. Không phải giật mình về cái
nhận xét của cô mà giật mình về
cái tính "Bạo mồm bạo miệng"
như mẹ tôi nhận xét về ông cậu
tôi vậy.
Mới đây, hồi cuối tháng Tư
thì phải, tham dự Festival Văn Chương Quốc
Tế - Pen World Voices - Tiếng Nói Văn Bút Thế
Giới tại New-York, trả lời một cuộc phỏng
vấn của hai nhà văn trong nhóm nầy,
hình như trong đó có ông Salman Rushdie,
tác giả tác phẩm "Những Vần Thơ
Của Quỉ", cũng lại là một người
"Bạo mồm bạo miệng" dám
"xúc phạm" đến đạo Hồi, bị
treo án tử; cô Dương Thu Hương
nói một câu như sau: "Người Việt
Nam có đủ can đảm để chết
nhưng không đủ khôn ngoan để sống,
không đủ khát vọng để sống một
cách tử tế". Cái "bạo mồm bạo
miệng" của cô Dương Thu Hương gặp
cái "bạo mồm bạo miệng" của
ông Rushdie.
Cái nầy mới thiệt là gay. Mới
vô trại cải tạo, tôi đã thấy buồn
cười khi so sánh "Trung Quốc Vĩ Đại"
(như Cộng sản Hà Nội tuyên truyền) với
những nhận xét của Lỗ Tấn, Cụ
Lâm Toại như vừa nói ở trên. Vậy
thì "Cái vĩ đại cộng sản
Hà Nội nói là nằm ở chỗ mô
?" Tôi hỏi anh Phạm Quang Chiểu, một người
"bạn tù", người từng "mê
sách" câu hỏi như thế. Sau cặp
kính trắng, miệng hay cười cười, Phạm
Quang Chiểu nói với tôi: "Hà Nội xin
cái gì Trung Cộng cũng cho hết. Một
người bà con bên ngoại tôi, cán bộ
Cộng sản mới vô Sài Gòn kể cho
tôi nghe khi qua công tác biên giới, phía
Trung Cộng cho phụ nữ tới phục vụ, rửa
chân, rửa tay, phục vụ ăn uống và cả
"thưa bác". Nói xong anh ấy cười
ha hả, nói tiếp: "tới cái thưa
bác thì không vĩ đại làm sao
được !"
Trong 10 bài học căn bản khi chúng
tôi vào trại cải tạo, trước khi cầm
dao đi phá rừng hay vác cuốc đi cuốc
đất, bài quan trọng nhất là không
được phục Mỹ, sợ Mỹ, Mỹ là
con cọp giấy, và phải vững lập trường
"Mỹ xâm lược nước ta là kẻ
thù của nhân dân ta", "là kẻ
thù của nhân dân tiến bộ trên
toàn thế giới". Về phía Cộng Sản
thì toàn là vĩ đại: "Hồ
Chí Minh vĩ đại", "Mao Trạch
Đông vĩ đại", "Trung Quốc vĩ
đại", "Liên Xô vĩ đại",
hoặc "nhân dân ta anh hùng", "Đảng
Cộng Sản Việt Nam là tinh hoa, là đạo
quân tiên phong của dân tộc". Nghe riết
cũng quen, theo cách tuyên truyền "Tăng
Sâm giết người". Nay bỗng nghe
Dương Thu Hương nói thế, bỗng giật
mình; nhắm bộ cô nầy gan thép, da đồng,
xương sắt hay sao, hay điếc không sợ
súng ?
Quả thật những gì cô Dương Thu
Hương phát biểu hoàn toàn trái
ngược với những gì cộng sản Hà
Nội tuyên truyền hay cho học tập. Hình
như có một người cộng sản Đức
hay Thụy Điển gì đó còn tuyên
bố mong được sau một đêm ngủ dậy
được thấy mình trở thành người
Việt Nam.
Như vậy cô Dương Thu Hương
nói sai ? Như thế, cũng có thể cho rằng
Lỗ Tấn nói sai hay tập "Satanic Verse" của
Rushdie sai, và triết học của Nitzche cũng sai tuốt
luốt. Tôi không nghĩ như vậy. Không
phải ai nói những gì nghịch với
nhà cầm quyền, những tổ chức quyền
thế hay người có quyền thế là sai.
Tổ tiên chúng ta đã từng mai mỉa giọng
lưỡi những người có quyền thế
qua câu tục ngữ: "Miệng nhà quan có
gang có thép, lồn nhà khó vừa lọ
vửa thâm". Miệng đem đối với lồn
là mai mỉa cái gang thép của nhà quan lắm
đấy.
Ngày xưa, Lỗ Tấn gọi xã hội
Trung Hoa là xã hội ăn thịt người. Vậy
ngày nay ở nước ta tham nhũng như thế,
đàn áp bóc lột người nghèo khổ
và thân cô thế cô như thế, mua độ
bán độ thể thao như thế, rút ruột
những công trình xây dựng như thế,
buôn người bán người, kể cả sức
lao động thanh niên và bán con gái
đàn bà qua Đài Loan, Đại Hàn
như thế thì ai không nghĩ rằng
đó cũng là một xã hội ăn thịt
người. Dĩ nhiên, Lỗ Tấn theo nghĩa
bóng, tôi có ví von như trên cũng
là nói theo nghĩa bóng.
Sau 30 tháng Tư - 1975, khi vào tới Sài
Gòn, Dương Thu Hương kể lại thái
độ của cô như sau: "ngồi xuống
vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết
vì nhận ra rằng kẻ thắng trận là một
chế độ man rợ hơn người thua và
có cảm giác vô cùng hoang mang cay đắng
vì cái đẹp phải tan nát và
văn minh phải quy hàng". Và cô kết
luận "cả
thế hệ chúng tôi bị lừa .. Năm 69, khi tôi gặp những
tù binh đầu tiên hoàn toàn là những
người Việt Nam
thì tôi biết mình đã bị lừa.
Tôi tưởng kẻ thù của mình phải
là mắt xanh mũi lõ và da trắng. Năm
69, tôi thấy họ là người mũi tẹt
da vàng tóc đen. Cả thế hệ chúng
tôi bị lừa bịp
.."
Quí vị có tin cô ấy nói thật
không. Trong tại cải tạo, tôi đọc
"Ruồi Trâu" và tôi hiểu được
tâm tình Ruồi Trâu (Arthur), nhân vật
chính của cuốn tiểu thuyết nầy. Arthur
yêu mến và kính trọng vô cùng linh
mục linh hướng của anh ta: Montanelli. Anh ta yêu
nước Ý, tham gia một tổ chức cách mạng
tên là "Nước Ý Trẻ" để
chống lại ách thống trị của Áo. Khi
ông linh mục được bổ nhậm làm
giám mục, ông ta để cho Arthur quyết định
rằng ông ta có nên đi hay không ?! Sau khi
Arthur xưng tội với một linh mục, ông nầy
làm tay sai cho đế quốc Áo, bèn tố
cáo những hoạt động của Arthur và
nhóm của anh cho bọn Áo. Cùng lúc,
Arthur cũng khám phá ra rằng chính anh ta
là con ruột của linh mục Montanelli. Mẹ anh
đã ngoại tình với ông linh mục nầy
mà đẻ ra anh ta. Arthur khám phá ra một
điều đau khổ: anh ta bị cha của mình lừa,
giáo hội lừa. Trong nỗi thất vọng
đó, anh bỏ nước Ý ra đi, lưu lạc
qua Nam Mỹ, sống một đời giang hồ
phiêu bạt với rất nhiều cay đắng. Phần
cuối truyện, anh ta trở về lại Ý và
phục thù những kẻ đã lừa dối
anh, ngoại trừ người cha đẻ.
Không riêng gì tôi, rất nhiều
người bạn của tôi ngưỡng mộ
nhân vật Ruồi Trâu trong truyện. Thật
đấy, cuốn truyện của tôi đã
được chuyền tay cho nhau đến nỗi
không còn bìa, không còn gáy
sách.
Nghe cô Dương Thu Hương phát biểu
"cả thế hệ chúng tôi bị lừa"
tôi bèn so sánh hai cái bị lừa của
Dương Thu Hương và Ruồi Trâu, và
tôi tin giọt nước mắt của cô là
giọt nước mắt thật. Người ta đặt
mình trong trường hợp của cô, với bao
nhiêu đau xót, khốn khổ, gian lao, nguy hiểm
của cô và nhóm của cô (gồm 40
người, chỉ còn sống 3, trong đó
có DTH) phải gánh chịu, chịu đựng mới
hiểu được, thông cảm tâm trạng
cô khi cô vào tới Sài Gòn và tỉnh
cơn mê. Chính cái "tỉnh"
đó mới có thể đem lại cho cô một
sự đau xót nhất trong những đau xót
mà cô cũng như dân tộc Việt Nam
đã gánh chịu: "và có cảm
giác vô cùng hoang mang cay đắng vì cái
đẹp phải tan nát và văn minh phải quy
hàng".
HOÀNG LONG HẢI
(Bai Chuyen)
--------------------------------------------------------------------------------
Lỗ Tấn (Lu Xun hay Lu Hsun) là biệt danh của
Zhou Shuren, sinh 25 tháng 9, 1881 tại Shaoxing, tỉnh
Zhejiang, cách Hangzhou 58 km. 17 tuổi vào học
trường sĩ quan hải quân tại Nanjing
nhưng sau bị chuyển sang trường Mỏ và
Kỹ sư Xây dựng thuộc Trường Võ bị
Nam Trung Hoa. Bốn năm sau, 1902, Lỗ Tấn sang Nhật
học tại trường y khoa Sendai. Đến năm 1906, Lỗ
Tấn bỏ trường Y để viết văn. Trở
về Trung Quốc năm 1909, sau cách mạng 1911 giữ
chức hiệu trưởng tại một trường học
ở Shaoxing. 1927 là giáo sư tại đại học
ở Xiamen rồi Zhongshan nhưng sau đó từ chức
về sống, viết và chết ở Shanghai. Lỗ
Tấn chết vì bệnh lao phổi ngày 19
tháng 10, 1936. Một số tác phẩm chính của
Lỗ Tấn là "Sức mạnh của thơ
Mara", "Nhật ký một người
điên", "AQ chính truyện", "Kong
Yiji", "Căn nhà cũ của tôi",
"Tóm lược lịch sử tiểu thuyết
Trung Quốc", v.v ..