|
CỞI ÁO CHO NHAU (Kathy Trần) Áo em Lewinsky! Tựa bài nghe ghê quá, tình tứ
quá nên quí vị tưởng đâu tiểu-muội
sẽ nói chuyện gì hấp dẫn, nóng hổi
lắm chăng ? - Cỡ chừng 50% hay 70% ? Không chừng
tới .. 90% chăng ? Có khi quí vị thắc mắc: - Chắc cô tiểu muội lắm chuyện lại
phiếm tào lao về chuyện Vi Tiểu Bảo
Clinton, về chuyện đượm đầy mùi vật
chất như chiếc áo của em Lewinsky giữ lại
sau khi được "Quân vương ban ơn
mưa móc" hòng "Xếp tàn y lại
để dành hơi" đi kiện chăng ? Tiểu muội sẽ không nói tới chuyện
đó đâu dù chiếc áo của em
đã được các ông điều tra giữ
khư khư như quốc bảo của nước Mỹ
đấy. Cái áo bẩn ấy mà bị mất
cắp thì .. khối người chết, từ
quân vương Chuyện áo quần ở bên Mỹ này
lúc nào cũng dư thừa như bất cứ
mọi thứ vật chất nào khác. Rảnh rảnh,
sáng thứ bẩy đi một vòng garage sale,
quí vị sẽ thấy hàng đống quần
áo cũ bán rẻ rề, quí hóa gì
cái áo mua ở tiệm quần áo GAP
làng nhàng lại bị bẩn của cô em
Lewinsky mà mình phải thắc mắc cho mệt ? Xứ Mỹ này luôn có những chuyện
quái đản xẩy ra. Rồi quí vị coi, sau
vụ này, em Lewinsky (1) cứ đem quần áo ra
đấu giá cũng được khối tiền
làm của hồi môn. Cứ thong thả kê khai rõ như đang
đứng trước bồi thẩm đoàn: - Cái này em mặc để đánh
máy cho Quân vương ! - Cái này em mặc đi mua McDonald cho
ngài ngự. - Cái này em mặc để đi mua
xì gà cho Quân vương ! - Cái này nữa là cái em mặc
lúc ôm Quân vương ngoài vườn hồng
! - Cái nhỏ xíu, ngắn thiệt ngắn
này là cái em .. vén lên để dụ
Quân vương lúc đầu ! - Cái này đặc biệt, em mặc
lúc được Quân vương "Chi
chút trên tay" như nàng cung nữ .. v.v ..
và v.v .. Thế là em dư tiền mua một lô quần
áo mới vì những cái cũ chật lắm
rồi. Từ ngày vào làm trong cung vua tới
lúc ra chắc em phải thay tới 4, 5 size quần
áo ! Chẳng hiểu em ăn uống ra sao trong tòa Bạch
cung mà độc thế ? Chắc từ nay, chẳng
em Tập sinh nào dám có ý đồ bắt
con cá mập thứ hai như em Lewinsky nữa vì
khó lắm, các bà đệ nhất, đệ
nhị, đệ tam, đệ .. tùm lum phu nhân, cứ
trông gương bà Clinton nên đã lập
hàng rào phòng thủ kỹ lưỡng rồi.
Không chừng các bà đã gài
mìn tùm lum quanh các ông to nữa,
đâu dễ tập kích nữa ! Trở lại em Lewinsky, chưa kể thêm
màn em túng tiền đòi viết hồi
ký, đóng phim, thêm mắm, thêm muối
vào nữa là em giầu có ngay (2). Xứ Mỹ
loạn lắm, không khéo mà sắp tận thế
thật chứ không phải chơi. Cái áo bẩn đó của em để
cho Mỹ họ nhặng lên, tiểu muội chả muốn
đem cái áo bẩn đầy mùi tục lụy
của cô em tuổi trẻ, tài cao quá trời,
quá đất vào đây làm gì. Cởi áo cho nhau .. - Áo quần Việt Sở dĩ tiểu-muội đặt cái tựa
đề hấp dẫn vậy vì tiểu muội lấy
từ ca dao của ta, mà mới nửa câu
thôi nhé: "Yêu nhau cởi áo cho nhau
.." Ca dao đàng hoàng, nghĩa là có từ
bao giờ, từ lúc chưa có thành ngữ
50%, 70% hay 100% cơ, thế mà đọc lên
thiên hạ nghe vừa quyến rũ vừa giật mình,
hồi hộp đợi chờ. Ðã bảo ca dao ta
hấp dẫn, tình tứ và phóng khoáng
không hạn hẹp, gò bó tâm hồn con
người mà ! Cái áo trên cành hoa ..
sen. Khi người ta yêu, người ta muốn gần
gũi, tâm sự để tỏ tình, ngỏ
ý. Tơ tưởng ngày đêm đến
thành bệnh: bệnh tương tư. Căn bệnh
làm người ta như thơ, như thẩn, ra ngẩn,
vào ngơ. Nhưng bất ngờ gặp người
trong mộng, người ta đã tỉnh như
sáo, vội vàng kiếm chuyện để
tìm cách cho nàng phải dừng chân đứng
lại. Tình yêu làm người ta thông
minh ra, giầu tưởng tượng ra: "Hôm qua tát nước đầu
đình Bỏ quên cái áo trên
cành hoa sen .." Ơ, hay cho anh chàng ! Hoa sen mọc trong hồ, trong ao, thẳng tưng từng
cọng, trên mỗi ngó sen nở một bông
độc nhất. Lá sen tuy to nhưng mềm, mọc
cao và nghiêng nghiêng xuống mặt nước.
Thân sen thuộc loại cây cỏ, rỗng như bạc
hà và nhỏ như ngón tay út, sức
nào cưu mang cho nổi cái áo của
chàng mà đòi để quên áo
trên cành hoa sen ? Chàng chỉ lấy cớ đấy thôi. Gặp
lúc bí vận, bí lời chàng bèn
nói đại là chàng để quên
áo trên cành .. hoa sen rồi hỏi han: "Em được thì cho anh xin
.." Nói được mấy câu rồi,
chàng trở nên dạn dĩ hơn, ỡm ờ
trêu ghẹo: "Hay là em để làm tin
trong nhà ?" Chàng kể lể, thở than, gợi lòng
thương cảm của người đẹp: "Áo anh sứt chỉ đường
tà Vợ anh chưa có, mẹ già
chưa khâu Áo anh sứt chỉ đã
lâu .. Mai mượn cô ấy vào
khâu cho cùng" Nàng đã chịu đứng nghe chàng
than thở thì chắc chắn lòng nàng
đã có chút gì ái ngại, quyến
luyến: "Tội nghiệp quá, áo chàng đứt
chỉ đã lâu mà chàng cứ
đành để vậy chịu trận thôi
à. Mình làm gì được cho
chàng bây giờ ?" Chàng chẳng chờ nàng thắc mắc
lâu đã tỉ tê, dụ dỗ: "Khâu rồi anh sẽ trả
công .. Ðến lúc lấy chồng anh sẽ
giúp cho Giúp em một thúng xôi
vò Một con lợn béo, một
vò rượu tăm Giúp em đôi chiếu em nằm Ðôi chăn em đắp,
đôi trằm em đeo Giúp em quan tám tiền cheo Quan năm tiền cưới, lại
đèo buồng cau." Công của nàng được chàng
báo đền trọng hậu để từ
cái áo tưởng tượng để quên
trên cành hoa sen oan uổng đưa họ tới
duyên đá vàng ! Cái áo không
có thật để quên đâu đó
trên cành hoa .. sen được việc quá chứ
! Qua cầu gió bay. - Ðâu phải nàng nào cũng nghe lời
chàng rủ rê về khâu áo cho chàng
ngon lành. Nếu nàng còn sợ sệt mẹ
cha, không dám nghe chàng dụ dỗ, chàng sẽ
chỉ cách cho nàng nói dối khi chàng xin
manh áo ấp ủ hơi nàng về làm kỷ
niệm: "Yêu nhau cởi áo cho nhau Về nhà mẹ hỏi, qua cầu,
gió bay !" Chiếc áo tứ thân ngày xưa
các cô chỉ khoác sơ bên ngoài hay
có khi còn vắt trên đòn gánh những
khi đi buôn hay đi chợ. Nói "qua cầu
gió bay" cũng có lý nhưng tiểu-muội
tin rằng các cô ngày xưa không táo
bạo đến ngỏ lòng mình như thế
mà đó là lời nói của chàng
để "chỉ đường cho hươu chạy"
mà thôi. Chàng còn “vẽ” cho
nàng về nũng nịu với mẹ: "Tại mẹ may áo rộng tay, Con quên cài áo, áo bay mất
rồi." Áo mầu hồng tươi. "Ba đồng một mớ trầu
cay Sao anh không hỏi những ngày
còn không ? Bây giờ em đã có chồng, Như chim vào lồng, như
cá cắn câu Cá cắn câu biết
đâu mà gỡ ? Chim vào lồng biết thuở
nào ra ?" Phải chăng đó là tiếng than thở,
nỗi tiếc nuối, niềm ân hận khôn
nguôi của chàng khi người yêu "lỡ
bước sang ngang" chứ không phải lời
người con gái thổn thức trả lời
khách tình si. Người thiếu phụ trẻ
mà chàng đang ân hận tiếc nuối tự
hỏi mình: "Sao anh không hỏi những
ngày còn không ?" Ðã có chồng, nàng đâu
dám ngỏ lòng mình như thế ? Còn
gia phong, còn đạo đức, còn lễ
giáo và còn tai tiếng với họ
hàng, làng nước ! Một bài thơ chữ Hán được
dịch ra tiếng Việt cũng rất lãng mạn,
đa tình và đằm thắm, cùng ý với
những câu ca dao trên của ta: "Chàng hay em đã có chồng, Còn thương còn tặng
đôi vòng ngọc châu Cảm chàng ý nặng,
tình sâu Vòng kia em ủ áo mầu hồng
tươi Nhà em vườn Ngự kề
nơi Chồng em cầm kích vốn
người Ðiền Quang Biết lòng chàng sáng
như gương Thờ chồng sinh tử, đạo
thường dám sai Châu về quyện hạt châu
rơi Hận rằng ai chẳng biết ai ..
những ngày." Người thiếu phụ đa tình trên
rõ ràng thua cô thôn nữ mộc mạc
trong ca dao của chúng ta. Nàng có chồng
mà còn hẹn hò ra nhận ngọc của
người yêu, ấp ủ chiếc vòng trong tấm
áo hồng nõn nà của mình.
Thương cảm cho mối tình vô vọng,
đau khổ, bịn rịn, nức nở trả lại
đôi vòng ngọc châu cho người
tình mà ân hận sao chẳng biết nhau .. những
ngày .. - Tiểu muội hay tò mò và cắc cớ
một chút. Xin đặt câu hỏi: "Người
thiếu phụ đã biết, đã yêu
người tặng ngọc trước khi nàng
có chồng chăng ?" - Tôi chắc là họ yêu nhau trước
rồi nàng phải đi lấy chồng. Tiếc nuối
mối tình, hai người hẹn hò nhau ra để
tâm sự và chàng tặng ngọc cho
nàng. - Cứ cho là họ yêu nhau trước
đi, nhưng biết người ta có chồng
mà còn dụ dỗ, còn đòi ăn cắp
ái tình ? Tấm lòng chàng có thật
như lời nàng khen: Biết lòng chàng
sáng như gương không ? Ông Mạt-Chược cười phá ra,
khoái chí: - Ừ, sáng là sáng chỗ nào ?
Ðúng là bà ấy ngây thơ vô số
tội ! Lại còn tự khoe: "Thờ chồng sinh tử, đạo
thường dám sai." Vợ ông Hát-dù cười: - Gớm, ông khó thế. Ông nên nhớ
đàn bà sống bằng tình cảm hơn
là bằng lý trí. Các bà "cảm"
ra sao thì nói và hành động theo những
cảm quan của mình chứ các bà
đâu có lý luận khi yêu ? Với lại,
nói thật với ông, nếu các bà giỏi
lý luận thì .. Ông gắt nhặng lên: - Thì sao ? Vợ ông Hát-Ô ngon lành đỡ lời: - Thì các bà đã chẳng để
các ông dụ dỗ đưa về dinh chứ
sao nữa. Ông Hát-Ô cười khẩy: - Ai dụ dỗ ai thì các bà biết
đấy. Thánh kinh còn ghi rõ ràng kia. Ảnh
ông Adam và Eva còn đầy dẫy ra kìa.
Mà các bà ấm ức nỗi gì khi
được người ta "đưa về
dinh" cơ chứ ? - Ấm ức chứ sao không ấm ức. Tự
nhiên về làm vú em, đầy tớ, đầu
bếp, thư ký không công .. đủ cả,
rồi cứ thế các ông trói chặt
các bà vào hàng trăm công việc,
hàng ngàn nhiệm vụ bằng mấy chữ hoa
mỹ: "Thiên chức, làm vợ, làm mẹ".
Úi chà, các ông thiệt khéo ngụy
biện .. Ông Trà Tầu: - Biết thế sao lại cứ theo người ta
"về dinh" ? Ðừng theo thì ai bắt buộc
được các bà ? Người ta trói
các bà khiêng về chắc ? Bao nhiêu đời
nay rồi, người ta đón thì trang điểm
lộng lẫy, yểu điệu đi theo người
ta. Ông chắc lưỡi, lắc đầu: - Lúc đưa ra cửa cô nào cũng mếu
máo: "Em muốn ở lại với má, em hổng
muốn lấy chồng !" nhưng lại cứ
hùng dũng leo lên xe bông ! Lạ cho sự
mâu thuẫn của các bà ! Bà có muốn
nghe chuyện cô Tầu lấy chồng không ? - Không, chúng tôi không cần nghe. Bà Mạt Chược chen vào: - Cứ để ông Trà Tầu kể nghe
cho vui. Ông Trà Tầu hứng chí: - Thế này nhé, ngày xưa ấy
mà, các cô Tầu đi lấy chồng
được nhà trai tới đón dâu bằng
kiệu. Theo thủ tục, các cô phải
khóc lóc kêu gào, ra vẻ con có hiếu,
không muốn bỏ cha mẹ để đi lấy chồng.
Các cô được thể càng làm
mình, làm mẩy, khóc than, vật vã trong
kiệu ghê gớm lắm. Dĩ nhiên chỉ
làm mầu lúc rước dâu thôi là
xong. Nhưng có một cô, cô khóc lóc,
kêu gào, đập đầu trong kiệu
đôm đốp nghe ghê gớm quá, ra khỏi
nhà gái một quãng mà cô vẫn cứ
thế, mọi người khuyên bảo mãi
không được, cô cứ đòi: "Cho em về với má, em không chịu lấy
chồng đâu, trả em về nhà em đi". Mấy người khiêng kiệu chịu đựng
mãi sốt ruột quá, ngừng ngay kiệu lại,
vén màn ra, bảo cô: "Cô mà than khóc quá thế
này thì chúng tôi chịu, không đi
được nữa, đành phải khiêng trả
cô về nhà cô vậy". Cô dâu giật mình, ngưng nức nở
rồi vẫn nép mặt trong khăn tay, nhỏ nhẹ: "Thôi, các bác cứ khiêng đi,
từ bây giờ em không khóc nữa
đâu". Ông phá lên cười: - Thế, không mâu thuẫn thì gọi
là gì ? Bà Trà Tầu gắt: - Thôi, thôi, ông đừng bôi
bác, than phiền các bà nữa. Nếu
không mâu thuẫn thì đã chẳng
là đàn bà cho các ông dụ dỗ
! Ông Mạt Chược can: - Thôi, trở lại cái bà mặc
áo hồng, vợ anh chàng cầm kích
gác cửa điện Ðiền Quang đi. Bà Hát-dù hỏi chồng: - Ông có ý kiến gì không ? Ông tỉnh bơ: - Tôi mà là cái thằng cầm
kích, tôi bắt được đang sụt sịt
với nhau thì tôi .. cho mỗi đứa một mũi
kích là xong đời. Bà đập vai chồng: - Khiếp, ông nói nghe ghê quá. Ông Hát-dù múa hai tay: - Tại ở bên Mỹ lâu nó nhiễm
đấy. Ra đường, thấy khẩu súng ..
giả tay chân cũng ngứa lên, muốn bắn
thử một phát. Bà đập tay ông: - Thôi, tôi can ông, chỉ được
cái nóng xằng. Bây giờ Mỹ nó bang
giao với Việt Cộng rồi, ông lôi thôi
nó dẫn độ trả về Việt Ông cười hề hề: - Nói thế chứ tôi đâu có
điên bà. Tôi xúi thằng cha cầm
kích chứ tôi đâu có dại mà
làm ? Tôi vẫn khoái cái "áo mầu
hồng tươi" của bà vợ thằng cha cầm
kích canh cửa điện Ðiền Quang ấy lắm. Ta nắm vạt áo - Trong ca dao, tiểu muội thấy tình ý
thiết tha, âu yếm và nỗi ân hận
mênh mang của chàng, ít thấy chút
tình câm của nàng. Mối tình của chàng có thể chỉ
là mối tình một chiều, tuyệt vọng
và nàng vẫn làm đầy đủ bổn
phận một người vợ hiền chỉ biết
người đàn ông độc nhất trong cuộc
đời: Người chồng đầu gối tay ấp
của nàng. Cái áo trong ca dao đóng vai rất dễ
thương, để cho người ta đòi "Cởi
áo cho nhau", để người ta lưu luyến,
đòi "ta nắm vạt áo .." người
thương lại mà kể lể: Nàng về ta chẳng cho về Ta nắm vạt áo, ta đề
câu thơ Câu thơ ba chữ rành
rành: Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ
Tình là ba Chữ Trung thì để phần
cha Chữ Hiếu phần mẹ,
đôi ta chữ Tình Chàng vừa bày tấm lòng khắn
khít, đam mê với nàng vừa tỏ ra
mình là con người biết ăn ở hợp
đạo lý thánh hiền. Con người đủ
cả Trung, Hiếu lại nặng tình như vậy,
người đẹp nào nỡ lòng từ chối
? Chàng về để áo lại
đây .. Khi yêu, người ta tương tư ghê gớm
lắm. Cái gì cũng gợi nhớ đến
có cặp, có đôi, cũng gợi nhớ
đến thân phận đơn côi của
mình: Cầm lược thì nhớ tới
gương, Nằm chăn nhớ chiếu, nằm
giường nhớ nhau. Rồi càng thấm thía nỗi
đơn chiếc hơn khi cơn gió lạnh
kéo về: Gió lạnh đêm đông
trường, Nửa chăn, nửa chiếu, nửa
giường chờ ai ? Người phụ nữ mê đắm người
yêu nhưng nàng có dám vượt qua những
ước lệ, nghi thức thường tình hay
đây chỉ là tiếng lòng nức nở,
âm thầm: Chàng về để áo lại
đây Nửa khuya em đắp, gió
Tây lạnh lùng .. (Ca dao) Chiếc áo được
nhân-cách-hóa, đại diện chàng,
ôm ấp, che chở nàng trong đêm dài
cô đơn, rét mướt, dưới những
đợt "Gió Tây lạnh lùng". Tội quá, thương quá cho những
tâm hồn cô quạnh ! KATHY TRẦN (Bai Chuyen) ********************************** (1): Chắc tiểu muội phải mở phòng
coi bói, vừa đoán ở phần đầu
là Lewinsky sẽ giầu to nếu em garage sale quần
áo thì có chứng cớ ngay là tiểu
muội đoán trúng bóc. Trong Bán nguyệt san Tự do số 229 tháng
8/98 ở Houston có đăng tin Ông Steven Fisher, một
người chơi đồ cổ ở New York vừa ra
giá: Nếu cái váy của Lewinsky có dấu
ái ân của Clinton và nếu Clinton bị quốc
hội cho về nhà đuổi gà cho bà
xã, ông sẽ mua chiếc váy .. bẩn với
giá 500 ngàn đô ! Không hiểu bà nội
tướng của các ông nghĩ sao ? Ông Jesse Briggs cũng sưu tầm đồ cổ
ở 11/9/1998 Ông Clinton đã ra xin lỗi quốc
dân đồng bào, vợ con, cộng tác
viên và cả em Lewinsky. Không hiểu cái
áo của em Lewinsky sẽ còn lên giá tới
đâu ? Biết vậy hôm đó, tiểu muội
xúi cô em mặc năm, bẩy lớp áo một
lượt, bán hết cái áo bẩn này
lại còn cái áo bẩn khác. Tha hồ
làm giầu. Mấy ông chơi đồ cổ đúng
là ngược đời, áo sạch không
mua, cứ thích mua áo .. bẩn ! (2): Tiểu muội lại đoán trúng một
lần nữa. Báo đăng ông nhà văn Mỹ
nổi tiếng đã viết "Anh cung bí sử
của Diana" sẽ giúp Monica viết lại chuyện
"Bạch cung bí sử". Nghĩa là
"em" chỉ việc ngồi ôn lại kỷ niệm
"hồ hởi" với Quân vương là
em ẵm bạc triệu ngon ơ ! Lại nữa, một ông người Nga
đòi trả đâu năm hay sau triệu
đô để em đóng phim em với Quân
vương trong Bạch Cung ! Các nhà làm phim Mỹ
chạy làng, không dám tơ tưởng tới
việc mướn em đóng phim Mỹ nữa,
đành để em đóng phim cho Nga vậy ! Kỳ quá, chuyện tào lao thì thiên
hạ trả bạc triệu, còn người
làm việc tốt, việc lành thì được
thưởng bằng giấy .. khen ! Nản thật !
|
|
|