SU'U TÂ`M 2

Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | VA(N VUI 8 | VA(N VUI 9 | VA(N VUI 10 | VA(N VUI 11 | VA(N VUI 12 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI [1] | TA.P GHI [2] | TA.P GHI [3] | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | BÀI VIÊ'T 13 | BÀI VIÊ'T 14 | BÀI VIÊ'T 15 | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | SU'U TÂ`M .. TIN | SLIDESHOW

VA(N 9

Cải Táng Mộ Tướng Nam



CẢI TÁNG MỘ TƯỚNG NAM

(Trần Thị Kim Ðính)

(Cô Trần Thị Kim Ðính, Giáo Sư Vạn Vật, - Phu nhân của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Khoa Phước-TQT-QN )

 

 

Ðầu năm 1984 .. vừa ra Tết Nguyên Ðán năm Giáp Tý, có người ở Cần Thơ lên báo cho tôi biết Nghĩa Trang Quân Ðội Cần Thơ sắp bị giải tỏa, các mộ phần trong nghĩa trang cần được bốc đi trước tháng 5-1984. Tôi biết mình phải làm gì.

 

Sau tháng 5-1975, từ lúc chồng tôi đi cải tạo dài hạn, năm đầu ở trong Nam, năm sau chuyển ra Bắc, tôi quen phải đối phó với nhiều tình huống xẩy ra trong gia đình chồng. Vì phải quán xuyến một phần lớn công việc nhà chồng, tôi nhiều lúc lo không xuể, nên cần sự giúp đỡ của chị chồng, Nguyễn Khoa Diệu Khâm, các cháu Diệu Thu, Diệu Thúy và các bác, các chú trong gia đình.

 

Tôi lên nhà chị Diệu Khâm để cùng bàn chuyện đi Cần Thơ cải táng mộ Tướng Nguyễn Khoa Nam. Lúc bấy giờ chị chồng tôi đã lớn tuổi, không thể lặn lội đường xá xa xôi, nên nhờ cô con gái lớn là Diệu Thu cùng đi với tôi. Ngày 15-2-1984, tôi và cháu Diệu Thu ra bến xe đò miền Tây thật sớm để kịp chuyến xe 5 giờ sáng và khoảng 1 giờ trưa hai mợ cháu đến Cần Thơ. Chúng tôi dò hỏi rồi tìm đến ngôi nhà của chú Hai, nằm bên kia đường đối diện với nghĩa trang. Chú Hai là một cựu quân nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũ, giữ việc trông coi nghĩa địa này. Chú thím Hai, đều khoảng 50 tuổi, tính tình thật thà đôn hậu, nhất là khi biết chúng tôi là người nhà của Tướng Nam thì chú thím tỏ ra rất chân tình và sẵn lòng giúp đỡ. Tôi ngỏ ý muốn cải táng mộ phần Tướng Nam với chú thím. Chú thím Hai đồng ý giúp ngay, nhưng hẹn vài tuần sau chúng tôi sẽ trở lại gặp chú vì chú phải chuẩn bị các phương tiện cần thiết cho việc bốc mộ. Ngay 3 giờ chiều cùng ngày, tôi và Diệu Thu ra bến xe trở về Sài Gòn để khỏi ngủ lại đêm.

 

Hai tuần sau, tôi viết thư cho chú thím Hai định ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tý, tức là ngày 14-3-1984 chúng tôi sẽ có mặt tại Cần Thơ để nhờ chú thím lo lắng giùm chuyện bốc mộ. Ðúng ngày 14-3-1984, vì Diệu Thu bận việc ở trường, nên lần này tôi và Diệu Thúy, em của Diệu Thu, khởi hành đi Cần Thơ cũng thật sớm. Hai mợ cháu chúng tôi đến Cần Thơ khoảng 3 giờ chiều cùng ngày và thấy chú thím Hai đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả dụng cụ cần thiết cho công việc.

  

Hai vợ chồng chú thím Hai và chúng tôi đi theo đường chính vào cổng Nghĩa Trang Quân Ðội Cần Thơ, rồi rẽ vào phía góc trái. Chú Hai vừa nói vừa chỉ vào một ngôi mộ nằm trong góc:

"Ðây là ngôi mộ của Tướng Nguyễn Khoa Nam, 9 năm qua tôi vẫn thường đến chăm sóc và cầu nguyện cho ông. Tôi cũng thắp hương và cầu xin ông giúp đỡ gia đình tôi được nhiều bình an .. Hồi xưa, mỗi lần ông Nam đến đây thăm mộ chiến sĩ, tôi vẫn đứng xa nhìn ông với tất cả niềm tin yêu và kính trọng."

Ngưng một chút, chú Hai nói thêm:

"Cách đây 2 tháng, bà mẹ của Bác Sĩ Tựu cũng đã về đây nhờ tôi bốc mộ cho ổng rồi. Ông Bác Sĩ Tựu cũng tự bắn chết ngày 30-4-1975 tại Quân Y Viện Cần Thơ."

 

Nói xong, chú Hai bắt tay vào việc. Hai vợ chồng chú Hai đào mộ thật nhanh vì đã quen công việc này. Chẳng mấy chốc, nắp quan tài đã hiện ra, phần lớn nắp đã mục nát. Khi mở nắp quan tài Tướng Nam, tôi thấy bộ quân phục tác chiến của ông cũng đã mục hết rồi.Chú Hai tìm ra được tấm thẻ bài quân nhân và đưa cho tôi xem. Tấm thẻ bài có sợi dây chuyền đã rỉ sét một phần, trên mặt có ghi rõ tên Nguyễn Khoa Nam, số quân 47Axxxxxx. Dần dần, chú Hai tìm thấy một bọc plastic nhỏ bằng bao thuốc lá trong là cuốn Kinh Chú Lăng Nghiêm còn nguyên một phần nhờ được bao kín và một khẩu Browning ở túi áo phía dưới. Tôi để tất cả kỷ vật này trong túi ny lông và giao cho cháu Diệu Thúy giữ.  

Xương sọ của Tướng Nam còn nguyên với hai hàm răng thật tốt, có lẽ chưa hề thấy răng người nào tốt như vậy. Tôi nói đùa với Diệu Thúy:  

" Dòng Nguyễn Khoa răng ai cũng tốt .. răng cậu Phước cũng vậy, Ðông à !"

 

Tất cả xương cốt được chú Hai xếp lên một tấm tôn rồi chú rưới xăng lên đống xương hoả thiêu. Tôi và cháu Diệu Thúy đứng nhìn, miệng niệm Phật mà lòng thương cảm vô cùng. Sau đó, chúng tôi trở về nhà chú Hai ngồi nghỉ, chờ cho việc hoả táng hoàn tất. Khoảng 6 giờ chiều, trời bắt đầu tối, đoạn đường đi ngang nghĩa trang đã vắng người, ánh nắng chiều đã tắt hẳn sau hàng tre của nghĩa trang, bỗng dưng tôi cảm thấy lạnh người. Tôi và Diệu Thúy đi theo chú Hai vào lại nghĩa trang, đến chỗ hỏa táng bên mộ Tướng Nam, tôi thấy trên tấm tôn chỉ còn lại một đống tro hài cốt. Chú Hai xúc tất cả tro cốt vào trong hai túi ny lông, bọc kỹ nhiều lớp và giao cho tôi. Chúng tôi lặng lẽ đi ra cổng nghĩa trang, trả thù lao, cám ơn và từ giã chú thím Hai.

 

Tôi và Diệu Thúy đi bộ một quãng cách xa nghĩa trang rồi gọi xích lô về khách sạn ở ngay trung tâm thành phố Cần Thơ. Hai mợ cháu lặng lẽ mở cửa phòng khách sạn, cất hết kỷ vật và hai bao ny lông hài cốt Tướng Nam vào dưới đáy xách tay đựng áo quần và hành lý rồi cùng nhau ra phố ăn cơm tối, định sáng mai sẽ khởi hành về Sài Gòn. Tôi hơi lo vì sợ công an xét hỏi dọc đường nên thì thầm khấn vái: "Em đem hài cốt anh về Sài Gòn để thờ ở trong Chùa, xin anh phù hộ cho em đi về bình an."

  

Sáng hôm sau, hai mợ cháu ra bến xe đò thật sớm để về Sài Gòn. Tới bắc Cần Thơ, hai mợ cháu xuống phà trở qua bên kia Sông Hậu. Ðứng trên phà Cần Thơ nhìn mặt nước mênh mông và khung cảnh mộc mạc hai bên bờ sông, tự nhiên tôi có ý nghĩ : "Có lẽ mình nên rải một ít tro của Tướng Nam ở đây vì thuở sinh tiền người đã chiến đấu và chết cho vùng đồng bằng sông Cửu Long này." Nghĩ là làm ngay, tôi đi lần ra phía mũi phà, trong lúc không có ai để ý, tôi mở một bao ny lông đựng tro cốt Tướng Nam và rắc xuống sông một nửa. Tro cốt hòa vào làn nước đục phù sa, và ít bụi tro theo làn gió sông lướt qua mặt tôi lành lạnh. Tôi có cảm tưởng như anh linh của Tướng Nam và các vị tướng sĩ khác vẫn hiện diện khắp nơi trên núi sông đất nước để phù trợ, quan phòng cho quê hương và dân tộc Việt Nam. Tôi gói bao ny lông còn nửa phần tro cốt lại, định sẽ làm như vậy khi qua sông Tiền Giang ở Bắc Mỹ Thuận. Khi qua Bắc Mỹ Thuận, tôi cũng rải tro cốt Tướng Nam xuống sông y như tôi đã làm ở sông Hậu Giang, và tôi chỉ còn một bao cốt khi về đến Sài Gòn.

 

Về đến Sài Gòn, tôi đem cốt lên chùa Già Lam ở Bình Hòa, Gia Ðịnh là chùa do Hòa Thượng Thích Trí Thủ trụ trì, Hòa Thượng Thích Trí Thủ là một vị sư nổi tiếng và có những thâm tình với dòng họ Nguyễn Khoa từ lúc ngài còn ở Huế và đã trụ trì chùa Ba La Mật một thời gian khá lâu. Tro cốt của Tướng Nguyễn Khoa Nam được đựng trong một bình sứ có in hình màu và có ghi họ tên ở dưới tấm hình. Tôi trình lên Hòa Thượng Thích Trí Thủ để xin làm lễ cầu siêu và ký cốt.

 

Hòa Thượng ngày xưa là bạn của ông nhạc và cha chúng tôi nên ngài đã chấp thuận đứng ra chủ lễ mặc dù trong khoảng thời gian này chùa đang gặp khá nhiều chuyện rắc rối. Buổi lễ được tổ chức rất trọng thể và trang nghiêm. Gia đình tôi cố tình giữ kín nhưng bà con và thân hữu, đặc biệt là nhiều sĩ quan thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ đã tham dự đông đảo ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi và nhà chùa.

 

Tôi cũng không ngờ sau buổi lễ cầu siêu cho Tướng Nam một tuần, Hòa Thượng Thích Trí Thủ bị đưa vào Bệnh Viện Thống Nhất (Bệnh Viện Vì Dân cũ) với bệnh trạng không rõ và Ngài đã viên tịch sau đó mấy ngày. Lễ cầu siêu cho Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được tổ chức vào ngày 18-3-1984 tính đến ngày Hòa Thượng Trí Thủ viên tịch chỉ khoảng 12 ngày. Ngài đã đứng ra chủ lễ cầu siêu cho Tướng Nam và đó cũng là buổi hành lễ cuối cùng trong đời của Hòa Thượng  Thích Trí Thủ.

 


TRẦN THỊ KIM ÐÍNH

(Quới Nhơn chuyển)

 

website counter