SU'U TÂ`M 2

Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | VA(N VUI 8 | VA(N VUI 9 | VA(N VUI 10 | VA(N VUI 11 | VA(N VUI 12 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI [1] | TA.P GHI [2] | TA.P GHI [3] | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | BÀI VIÊ'T 13 | BÀI VIÊ'T 14 | BÀI VIÊ'T 15 | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | SU'U TÂ`M .. TIN | SLIDESHOW

TA.P GHI 9

Những thành phố "bất lịch sự" nhất

 

NHỮNG THÀNH PHỐ "BẤT LỊCH SỰ" NHẤT

(Huy Phương)

 

Nguyên nghĩa tiếng "lịch sự" là trải việc đời, việc gì cũng biết, lâu ngày người ta dùng thành nghĩa biết giao thiệp khôn khéo, tử tế với người khác.

 

Muốn biết mức độ lịch sự của dân chúng tại các thành phố trên thế giới như thế nào, tạp chí Reader's Digest của Mỹ đã cử phóng viên đi làm khoảng 2,000 cuộc trắc nghiệm bằng cách: 1/ thả một tờ giấy trên đường phố tấp nập xem có ai "lịch sự" cúi xuống nhặt không ? 2/xem người bán hàng có "lịch sự"  cám ơn khách hàng không? 3/xem người ta đã "lịch sự" đỡ những cánh cửa tự động cho người đi sau không ?

 

Kết quả là thành phố Bombay của Ấn Độ được xếp hạng bét. Đứng trên một chút là Bucarest của Rumanie. Dân chúng ở những thành phố "bất lịch sự" thường cáu kỉnh, ích kỷ, không muốn giúp đỡ ai, như một người dân Moscow đã nói về việc đỡ cánh cửa cho người đi sau :"Tôi đâu phải là người giữ cửa, nếu không muốn cánh cửa  táng vào mặt thì tốt hơn là phải nhanh chân lên !"

 

Châu Á, một châu thường được coi là nho phong, quân tử, có nền văn hoá lâu đời lại được đánh giá là tồi, vì trong số 11 thành phố được xếp loại chót, có tới 8 thành phố Châu Á, trong đó có Bangkok, Hongkong, Taipei, Seoul, Singapore, Kuala Lumpur .. Dân Mỹ thường bị Âu Châu coi là lấc cấc, thiếu văn hoá thì New York lại được xếp hạng nhất, và gần gũi với tinh thần Mỹ là Toronto được xếp hạng ba, trong khi Paris lại được xếp hạng thứ 15. Không nghe nói tới Hà Nội, đỉnh cao của nhân phẩm con người và thành Hồ, nơi có nhiều khẩu hiệu văn hoá vẽ đầy các khu phố. Ở thành phố này, cách đây 24 năm, nghĩa là lúc người viết bài này mới 45 tuổi, ra đường đi xe đạp lỡ cọ quẹt sáp nhỏ, đã bị kêu toáng lên là "cha già .." và công an gác đường, thấy xe tang đi ngang qua, cái mặt vẫn tỉnh bơ. Nay thì có vụ đụng xe, nạn nhân máu me nằm đường, thiên hạ bâu lại xem nhưng chẳng ai buồn gọi công an hay xe cứu thương, thậm chí chỉ một chiếc xe taxi.

 

Kết quả nghiên cứu của Reader's Digest cho rằng những người lịch sự nhất là những người dưới 40 tuổi, còn đàn ông trên 60 tuổi là những người tệ nhất. Đây là kết quả của cả thế giới, nhưng qua  nhận xét cuộc sống chung quanh ta, có lẽ  ta đã thấy phần nào. Đau ốm, bệnh tật, tuổi tác chất chồng, bực dọc chuyện nhà có thể đưa đến thái độ không mấy tốt đẹp trong lối đối xử ngoài đường phố.

 

Về trường hợp New York, các nhà tâm lý học đều cho rằng, sau biến cố 9/11, nghĩa là sau cái chết đến quá gần, sau khi thấy bao nhiêu đổ vỡ, bao nhiêu thảm cảnh của những người chung quanh, con người trở nên bao dung, tử tế hơn. Bằng chứng là sau ngày này, nhiều cặp đang chờ ly dị trở lại làm lành với nhau, và trong cuộc sống hằng ngày người ta trở nên dễ tha thứ, yêu thương nhau hơn. Đó là lý do giải thích việc dân New York được đánh giá là những người lịch sự nhất hành tinh hôm nay.

 

Nhiều người đã công nhận, phần đông người ta lịch sự với người ngoại quốc (nhất là người Âu Mỹ) do mặc cảm nhược tiểu, trong khi đối với đồng hương của mình thì coi thường, thiếu tôn trọng. Điều này chúng ta có thể thấy khi vào một tiệm ăn, nhìn thái độ đối xử khác biệt của chủ nhân hay người chạy bàn đối với hai loại khách này.

 

Tôi cho rằng cuộc trắc nghiệm của Reader's Digest chưa đều khắp và thấu đáo. Tôi và các bạn có thể cũng đã đến một vài thành phố mà thái độ của người dân ở đây thuộc loại "bất lịch sự". Tôi vào một tiệm ăn ở đó, chờ mãi mới có người phục vụ đến (vì chủ nhân bao giờ cũng thuê người ít hơn với nhu cầu cho đỡ tiền). Người ta dọn cho chúng tôi hai cái chén ăn cơm để trên hai cái dĩa, một tô canh và mấy món khác. Tôi gọi cô hầu bàn mang lại cho một cái dĩa để đựng món cá trong tô canh chua. Cô hầu bàn lẳng lặng tiến lại, rút cái dĩa nhỏ dưới chén cơm của tôi, dằn xuống bàn và nói:  "dĩa đây nè !". Ở một tiệm cơm khác, chúng tôi có bảy người bạn chung bàn, nhà hàng chỉ dọn ra một tô cơm, bạn tôi gọi đem ra thêm một tô cơm nữa. Ông hầu bàn hỏi lại cộc lốc: "lấy một tô cơm nữa hả ?". Ở một tiệm phở khá nổi tiếng khác, ông bạn ngồi quầy tính tiền mặt mày lầm lì, chuyên ném mạnh tay tiền thối ra trên bàn cho khách. Tôi đã lui tới tiệm này trên mười năm, chẳng bao giờ nghe ông ta dùng đến hai tiếng "cám ơn".

 

Ở thành phố này, sau khi ăn tại một cửa tiệm xong, bạn đừng bao giờ dại dột để "góp ý" với chủ nhân về những thức ăn dở hay cách phục vụ bê bối của nhân viên nhà hàng. Bạn sẽ được chủ nhân dạy dỗ ngay một hồi như tôi đã từng bị.

 

Nói về việc trắc nghiệm vứt một mảnh giấy xuống đường cho người khác lượm, tôi e nhà nghiên cứu sẽ hoài công, trong thành phố này, vì thấy có giấy vụn dưới đất, không những chẳng ai lượm (hoạ là điên), mà người ta lại quẳng thêm giấy gói kẹo hay tàn thuốc lá xuống đất cho nó "rất ư là quê hương".

 

Chuyện cánh cửa tự động là chuyện bình thường, nếu nhà nghiên cứu chịu khó quan sát một thương xá lớn nổi tiếng ở thành phố này thì sẽ thấy bao nhiêu phút mới có một người "lịch sự" đỡ cánh cửa cho người đi sau. Mà bạn có đỡ, cũng chẳng được một lời cám ơn cho mát ruột. Nhà văn Bá Dương trong cuốn "Xú Lậu Đích Trung Quốc Nhân" mà ông Nguyễn Hồi Thủ dịch là "Người Trung Quốc Xấu Xí", đã kể chuyện trong thời gian ở Mỹ ông đã tập được thói quen giữ cánh cửa cho người đi sau, và luôn luôn được người ta nói lời "cám ơn" nghe sướng cả lỗ nhĩ. Khi về tới Đài Loan, thói quen ấy đành phải bỏ, vì trong khi mình cung kính giữ lấy cánh cửa, thì ông bạn da vàng ở sau, mồm như ngậm "cứt khô", không thể nào nghe được một âm thanh gì giông giống hai tiếng "cám ơn" . Từ đó về sau : "tôi bèn cứ thả cho cửa nó bung ra như thói quen cũ, mặc kệ mẹ cho nó đập vào mặt ai thì vào, có đập chết cũng được !" (nguyên văn)

 

Cũng như khi bạn nhường đường cho một chiếc xe ở phía trong đâm ra, hoạ hoằn mới được cám ơn bằng một cái vẫy tay, còn thì người lái xe mặt lạnh như tiền, y như thằng lính là bắt buộc phải nhường đường cho ông đại tá đi.

 

Nếu nói phải chờ sau một biến cố tầm cỡ như 9/11, thì con người ta mới tử tế với nhau, không lẽ cái thành phố này phải chờ cho tới ngày hoả tiễn tầm xa của Bắc Hàn bắn tới, mới bắt đầu ăn ở phải quấy với nhau hay sao ? Người dân ở đây không trải qua những giây phút kinh hoàng như việc hai chiếc máy bay đâm vào hai toà cao ốc của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, nhưng đã trải qua nhiều nỗi khổ đau của chiến tranh, tù đày, áp bức và đôi lúc đã kề cận với cái chết ngoài mặt trận hay trên biển cả. Nhưng thật sự là con người ta rất chóng quên. Còn nói vì đời sống kinh tế khó khăn, làm ăn chật vật người ta sinh ra cáu kỉnh, khó chịu thì cũng không phải. Dân thành phố này hầu hết đều nhà lớn, xe đẹp. Người không đi làm cũng có cơm ăn, thuốc men đầy đủ, quanh năm cũng có đủ các mục cờ bạc, du lịch, ăn chơi.

 

Cũng có thể người ta chỉ lịch sự tử tế với người ngoại quốc (da trắng thôi) nhưng nếu cái thành phố này vẫn còn những điều chưa được lịch sự cho lắm, thì cũng không ai dám tới, dám đi sâu vào cái "ghetto" này.

 

Các bạn đừng vội nóng mà hỏi tôi: "thành phố nào thế ?" Tôi cũng muốn nói, nhưng khổ một nỗi cái thành phố này không có tên: một nơi yêu dấu mà tôi đang sống. Người ta đã bực dọc, bất bình, nhưng thực sự nó là quê hương. Nhiều người nói rằng, khi đi xa về, dù là về từ Việt Nam, trong lòng, người ta cảm thấy an toàn, thân thuộc khi trở lại nơi này. Tôi đã bỏ cả quê hương, làng mạc, mồ mả cha ông mà ra đi rồi, bây giờ ở đây là họ hàng, thân thích, bạn bè khuya sớm vui buồn có nhau, nên tôi đành phải ôm cái thành phố này vào lòng cho đỡ nhớ: cái thành phố chắc sẽ được Reader's Digest xếp vào những hạng cầm cờ đỏ.

 

 

HUY PHƯƠNG

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

website counter