Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến:
DÂN TỘC CÓ ĐUÔI
Tác phẩm Thằng Người Có
Đuôi, của Thế Giang, do Người Việt xuất
bản năm 1987. Vào thời điểm
này, tác giả vừa mới đến
được Thế Giới Tự Do. Tuy đã thoát, ông vẫn cứ
còn phập phồng bất an, giao tiếp với ai cũng
lo sợ họ (có thể) là người thuộc
Cục Tình Báo Hải Ngoại. Nói
cách khác, theo lời của
chính tác giả, ông "luôn luôn sống
với cảm giác sau lưng mình có mọc một
cái đuôi".
Con cá nó sống nhờ nước,
nhà đương cuộc Hà Nội sống nhờ
vào tiền cứu trợ từ nước
ngoài; do đó, cái gọi là Cục
Tình Báo Hải Ngoại - nếu có thực -
chắc chắn cũng chưa bao giờ làm được
trò trống gì ra hồn. Bởi vậy, với
thời gian, nỗi ám ảnh bị canh chừng
và theo dõi của đại
đa số những người Việt tị nạn cộng
sản thưa dần và nhạt bớt. Cái đuôi của họ cũng teo lại,
rồi biến mất.
Đời sống mới tạo ra những
nỗi bận tâm và lo âu mới. Tựu trung thì cũng
chỉ là những bận tâm bình thường,
hay tầm thường, của kiếp nhân sinh, nơi
vùng đất mới. Chuyện cũ,
ở chốn xưa, rồi cũng phai mờ trong tâm
trí của mọi người.
Quê nhà xa lắc,
xa lơ đó.
Ngoảnh lại tha hồ
mây trắng bay.
Mây trắng bay ra sao thì chỉ có Trời
(hay Nguyễn Bính) may ra mới biết nhưng ai cũng
biết rõ là những người còn ở
lại Việt Nam - phần lớn - đều không có
cái may mắn được sống một cách
bình thường (hoặc tầm thường) như
thế. Họ vẫn thường trực phải
đối phó với những cái đuôi, mỗi
lúc một thêm nhiều, ở khắp mọi
nơi.
Từ Sài Gòn, ông Nguyễn
Chính Kết, đã có lời than phiền
như sau: "Sáng hôm 23/3/2006 (hôm anh
Phương Nam bị bắt), có người báo
cho tôi biết ít nhất có 5 người lạ
mặt bắt đầu xuất hiện trong sân
nhà này với 3 chiếc gắn máy luôn
luôn quay đầu ra ngoài trong tư thế sẵn
sàng lên đường. Họ hầu hết
là những thanh niên khoảng 25-30 tuổi
.. Vì họ phải canh gác tôi cả
ngày lẫn đêm, nên tôi đoán
có người thay thế họ ban đêm, nghĩa
là số người canh chừng tôi còn nhiều
hơn nữa. Vì họ không thể
nào thức luôn cả ngày lẫn đêm
trong tình trạng căng thẳng như thế".
Ở Hà Nội .. cũng thế -
theo lời của một công dân khác, ông
Bạch Ngọc Dương:
" .. để theo dõi tôi trong suốt buổi
sáng ngày hôm nay, tức ngày 8-6-2006, họ
đã phải huy động tới khoảng gần
10 cán bộ an ninh mật vụ thay thế nhau để
bám theo tôi, điện thoại di động
và máy bộ đàm luôn được họ
sử dụng để thông báo cho nhau, thông
báo ngay cho trụ sở của họ về vị
trí của tôi, họ còn bố trí
người đóng ở các chốt cần thiết
như trước cửa nhà tôi đang ở,
trước cửa văn phòng của luật sư
Nguyễn Văn Đài"
Và ở Huế .. cũng vậy - theo như lời cằn nhằn
của ông Nguyễn Thanh Giang: "Ba chúng tôi
đành rủ nhau ra bờ Sông Hương ngồi
nghỉ trưa. Công an lại vẫn vòng trong,
vòng ngoài và hai cậu quen mặt vẫn
áp sát bàn chúng tôi. Tôi khó chịu
quá, thấy mình như một tên tù bị
công an áp tải .. mặc trang trang trưa nắng, hai chiếc
Honda của công an cứ thế bám theo
ôtô của chúng tôi suốt non trăm
kilomet, cho đến khi xe chúng tôi ra khỏi địa
phận Huế".
Nghe thiệt là ớn chè đậu. Quí ông Nguyễn Chính Kết,
Bạch Ngọc Dương, và Nguyễn Thanh Giang -
rõ ràng - đều rất oải chuyện họ
có quá nhiều đuôi, và đều
tưởng lầm rằng họ bị nhà nước
VN chú ý .. cách
riêng !
Tưởng vậy là tưởng
năng thối. (Don't take
it personally, men). Đây thực ra là tình trạng
chung của cả nước cơ
đấy. Xin hãy nghe cô Nguyễn Thị Tuyết,
một công nhân thuộc nhà máy làm
bao bì (chủ Đài Loan) ở Sài Gòn
cho biết về hoạt động của những
cái đuôi nơi hãng xưởng:
"công đoàn là bộ phận an ninh của Đảng và an ninh nội
bộ luôn bám sát chúng tôi. Bộ phận
công đoàn sẵn sàng lợi dụng những
người nhẹ dạ không biết thương
nhau trong đám công nhân, để phát triển
thành đoàn viên, là cánh tay hậu bị
của đảng làm công cụ cho công
đoàn, sẵn sàng đàn áp chúng
tôi bằng những tờ báo cáo mật hay
chỉ trích một khi chúng tôi có sự
đòi hỏi chính đáng".
Tôi tin rằng cô Nguyễn Thị Tuyết -
cũng như qúi ông Nguyễn Chính Kết, Bạch
Ngọc Dương và Nguyễn Thanh Giang - sẽ cảm
thấy bớt bị xúc phạm hơn nếu biết
rằng, chả riêng chi ở công trường hay
nhà máy, bất cứ nơi đâu (kể cả
nhà thờ, chùa chiền, hay đền miếu
..) đều có người canh chừng và
làm những báo cáo mật tương tự
(y) như vậy.
Nói tóm lại - ở Việt Nam, bây giờ -
thánh thất hay tư thất đều có thể
biến thành .. lao
thất bất cứ lúc nào. Cứ nhìn cảnh
nhà ông Hoàng Minh Chính - theo như tường
thuật của nhà báo Nguyễn Khắc
Toàn, vào ngày 12 tháng 6 năm 2006 - sẽ
thấy hoạt cảnh này: "Hiện nay cuộc sống
của gia đình ông Hoàng Minh Chính
không khác gì mấy một nhà tù, lối
đi duy nhất vào nhà ông hiện nay tại
ngõ 26 phố Lý Thường Kiệt, phường
Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
bị công an Việt Nam lập hẳn một trạm
canh gác nghiêm mật suốt ngày đêm chỉ
còn cách nhà ông Chính có 5
mét, họ bố trí người thay ca nhau
liên tục túc trực 24/24 giờ".
Sau khi mất đuôi, loài nguời
sống dễ chịu hơn. Họ nằm ngồi thoải mái
hơn, và đi đứng nhanh nhẹn hơn.
Nguời Việt, tiếc thay, không cùng chung qui trình tiến hoá như thế
với đa phần nhân loại. Đến
thế kỷ 21, dân tộc này vẫn loẵng ngoẵng
có đuôi. Và đó là lý
do khiến họ lạc hậu, hay nói theo
ngôn ngữ "đương đại" là
tụt hậu.
Họ tụt lại bao xa ?
Báo Tiền Phong - số ra ngày 7 tháng 10
năm 2005 - có đăng bài Chúng Ta Chưa Tự
Làm Được Cái Đinh Vít, như sau:
"Mỗi năm kinh phí cho hoạt động
NC&PT lên tới 200 triệu USD. Chúng ta cũng
đã có trên 1,4 vạn tiến
sĩ và 1,6 vạn thạc sĩ. Đây là niềm
tự hào bởi con số này cao gấp gần
năm lần so với Thái Lan
và gần 6 lần so với Malaysia. Nhưng nhìn lại
trên góc độ hiệu quả thì thật
đáng buồn .. dù
có hàng chục luận án tiến sĩ về
tôi thép và cơ khí nhưng trong nước
vẫn chưa tự làm được con ốc cho
xe máy, ô tô đạt tiêu chuẩn quốc
tế (cứ vặn là trờn ren)" .
Làm được một con ốc cho xe máy, loại vặn vẫn (cứ)
còn ren, kể như là chuyện nhỏ. Người Việt chưa làm vì bận,
chứ không phải là không làm được.
Sau mấy mươi năm nửa nước Việt Nam bị
ép buộc phải chiến đấu chí tử
để giải phóng nửa nuớc kia,
bây giờ thì nửa phần dân tộc Việt
đang được giao cho nhiệm vụ phải canh chừng
(ráo riết) nửa phần còn lại. Có ai
còn được chút tâm trí sức lực
nào nữa, để nghĩ đến những
điều nhỏ nhặt - cỡ như chuyện
làm một con ốc cho xe máy ?
Dư luận, gần đây, xem ra
có vẻ kỳ vọng nhiều vào nhân sự
lãnh đạo mới ở Việt Nam - trong
"sứ mệnh" hòa nhập đất nước
vào thế giới bình thường. Tân thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, kẻ được coi là có khuynh hướng
cấp tiến và "muốn tăng tốc tiến
trình đổi mới kinh tế" ("who wants to
accelerate the process of economic change") - theo
như nhận xét của ông Jonathan Pincus, người
đứng đầu Chương trình Phát triển
Kinh tế của Liên Hợp Quốc ở VN. Tương tự, tân chủ tịch nước
Nguyễn Minh Triết, cũng là người miền Nam, và
vốn được tiếng là chống tham nhũng.
Theo nhận xét chung thì ông sẽ năng nổ
hơn người tiền nhiệm, đặc biệt
trong lĩnh vực cải tổ kinh tế và
pháp luật, làm nền cho VN gia nhập tổ chức
WTO trong năm nay ("And there is a widespread perception he will be
more active than his predecessor, particularly in implementing economic and
legal reforms that pave the way for Vietnam's accession to the World Trade
Organization (WTO) this year" - Karl D John, Vietnam's south takes
leadership wheel.)
Nghe thế cũng mừng nhưng nghĩ
lại vẫn lo. Đi vào WTO với cái đuôi
là hình ảnh rất khó coi. Và hòa nhập vào thế giới
văn minh cũng là chuyện rất khó khăn,
với cái đuôi (cộng sản).
TƯỞNG NĂNG TIẾN
(Sưu Tầm Liên Mạng)