ĐÀ NẴNG, TÔI VỀ
(Trần Yên Hòa)
Khi biết tôi dự định về Việt Nam vì
công chuyện gia đình, tại cà phê
Factory, nhà văn Phạm Xuân Đài
đưa tôi một trăm đô la và
nói, "về VN mà thấy anh em văn nghệ
nào trước bảy lăm có đời sống
khổ cực quá thì gởi". Khi tôi đi,
anh Thành Tôn cũng ân cần căn dặn,
"nếu có về Đà Nẵng, nhớ
tìm thăm nhà văn Nguyễn Văn Xuân, nghe
nói ông già yếu và bịnh hoạn lắm".
Dù biết công việc riêng rất nhiều,
nhưng tôi nghĩ phải cố gắng thực hiện
hai điều trên.
Đà Nẵng,
trong tâm tưởng tuổi thơ tôi, một cậu
học trò quận lỵ, là một nơi phồn
hoa đô hội, chỉ
đứng sau Sài Gòn.
Đà Nẵng,
trong giấc mơ tôi, trong những năm tôi học
đệ thất, đệ lục, rất xa vời với
tôi. Đà Nẵng có bờ sông Hàn,
có cổ viện Chàm, có rạp chiếu
bóng chợ Cồn, Trưng Vương, Li Đô,
Kinh Đô, có trường trung học Phan Chu Trinh,
Hồng Đức, Phan Thanh Giản, Sao Mai .. Tôi mơ
tưởng đến nơi chốn đó trong những
giấc mơ đẹp.
Mãi đến
năm tôi thi tú tài phần một, tôi mới
bước chân đến Đà Nẵng. Dự
thi xong rồi về. Cậu bé học trò
nhà quê ra tỉnh, đi đâu cũng sợ lạc
đường, nên không dám đi xa. Chỉ
biết đi từ nhà trọ đến trường Kỹ
Thuật để dự thi, thế thôi, nên
tôi chưa biết Đà Nẵng là gì.
Đến
khi tôi đi lính, năm 1972, được đổi
về làm việc tại Bộ Tư Lệnh Quân
Đoàn I & Quân Khu 1, tôi mới nhìn tận
mặt rõ Đà Nẵng. Đà Nẵng to lớn
bao nhiêu và đẹp bao nhiêu. Tôi cận kề
với bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Thanh
Bình, cận kề với các rạp chiếu
bóng, khiêu vũ trường, các snack bar, cận
kề với chợ Hàn, chợ Cồn, cận kề
với khu đường rầy xe lửa, khu Đống
Đa v.v.. mới biết Đà Nẵng thật
là muôn mặt.
Tôi rời
Đà Nẵng khoảng tháng 1/1975 nên
không được nhìn thấy một
Đà Nẵng tháo chạy, di tản và hỗn
quân hỗn quan. Tôi nghe các bạn bè kể
lại những ngày cuối cùng của
Đà Nẵng trước khi mất vào tay cộng
sản, lính Thủy Quân Lục Chiến
đã làm chủ Đà Nẵng với biết
bao nhiêu cảnh kinh hoàng đã xảy ra khi
Đà Nẵng dẫy chết.
Về
Quảng Nam, quê
tôi, tôi thích nhất là bài thơ Hai
Miền Thương của nhà thơ Tường Linh
viết về miền đất địa linh nhân kiệt
nầy, một bài thơ , mà theo tôi, là
hay nhất trong những bài thơ viết về Quảng
Nam:
Quê Hương tôi bên ni
đèo Ải
Nhấp nhô bóng thuyền cửa
Đại
Già nua nếp phố Hội An
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm
sông Hàn .. (*)
Còn về Đà Nẵng, tôi chưa
được đọc một bài thơ nào
hay và có sắc thái riêng cho Đà Nẵng.
Chỉ nhớ một vài câu, đã lâu lắm
rồi, hình như khoảng thập niên sáu
mươi, của Yến Nguyên Thanh:
Và Đà Nẵng chiều nay trời
trở gió
Con phố buồn hun hút ngã
tư, năm.
Tôi nhớ
câu thơ đó, có lẽ, Ngã Năm
Đà Nẵng là nơi tôi thường đến
ăn bánh hỏi thịt nướng, hay ăn
bún bò Huế ở đường Lý Thường
Kiệt, hay chợ Mới, sát nách Quân
Đoàn.
Lần nầy, về thăm Việt Nam, phải
đợi đến những ngày cuối cùng
tôi mới ghé Đà Nẵng được.
Sau khi làm xong mả mồ cho ông bà, cha mẹ,
tôi mới đón xe đò ra Đà Nẵng
để từ đó vào Sài Gòn.
Tôi
đón xe ở bến xe Tam Kỳ. Một chiếc xe
đò dừng lại, người lơ xe hỏi
tôi, có đi Đà Nẵng không anh ?
Tôi nói, đi, bao nhiêu ? Anh cho mười
ngàn. Thấy chiếc xe van bề ngoài có vẻ
sang, xe du lịch tốc hành, tôi bước
lên. Khi vừa ngồi an vị, người lơ xe
đòi tiền ngay, tôi trả tiền vì nghĩ,
trước sau gì cũng trả. Tôi vừa trả
tiền vừa hỏi: Xe chạy suốt không anh ?
người lơ nói, chạy suốt chớ.
Nói vậy nhưng tôi nhìn trên xe, chỉ
lơ thơ có mấy người khách. Sau
đó cũng có khách lên, ai đi
Đà Nẵng cũng trả chỉ có tám
ngàn, có người còn trả rẻ hơn.
Xe còn đón khách đi Hà Lam,
Hương An, Vĩnh Điện. Có người
khách lên xe cò kè, bớt một thêm
hai. Xe chưa đầy khách nên cứ chạy ra,
chạy vô nhiều lần. Tôi ngồi phía sau
tài xế, hành khách hút thuốc tự
do, nhả khói đầy cả xe, mùi khói
thuốc nồng nặc, thật khó thở. Tôi muốn
nói một tiếng xin họ đừng hút thuốc
nhưng sực nhớ, đây là ở Việt Nam chứ
đâu phải ở Mỹ. Xe chạy đến
Hương An. Xe dừng lại. Nóng. Nóng
quá. Xe được gọi là có máy lạnh
mà máy lạnh không mở, chỉ kéo kiếng xuống. Nay
xe dừng lại, không có gió, nên mùi
mồ hôi, mùi hơi người và mùi
khói thuốc lá quyện vào nhau tạo
nên một mùi rất ngột ngạt. Người
lơ và tài xế bỏ xe chạy đi
đâu đó, họ hẹn với ai chở
hàng hay giao hàng gì đó. Phải đợi
cả gần một giờ sau xe mới chạy.
Nóng. Nóng. Nóng kinh khủng.
Đi xe
đò ở Việt Nam, tài xế chạy
tranh giành đường nhau, chạy vun vút,
bóp còi tin tin, inh ỏi. Họ qua mặt, chửi
thề, rồi cười nói hỉ hả. Xe chạy
lướt như bay trên mặt đường, qua mặt
xe đạp, xe gắn máy, xe lam, qua mặt người
đi bộ. Tôi nổi da gà trong nỗi sợ. Phải
thật sự là tôi sợ. Tài xế trẻ
nên lái xe quá ẩu, xe chạy không
có luật lệ gì cả, cho nên, báo hằng
ngày ở trong nước đã đăng biết
bao nhiêu tai nạn xảy ra. Tôi tự trách
tôi, tôi dại dột, đem thân nạp mạng
khơi khơi, là đã đi xe đò.
Khi xuống
xe, bước vào khách sạn Thanh Long, phía
trước bến xe liên tỉnh để nghỉ lại
qua đêm, người lơ xe còn xin thêm tiền,
gọi là tiền bồi dưỡng, tôi
không biết bồi dưỡng gì đây ?
Nhưng tôi cũng cho, coi như trút được
nỗi lo đi xe đò chạy ẩu cũng
được.
Vào khách sạn thuê phòng xong,
tôi liên lạc với Vỏ, thằng em bà con
đang làm ở đường sắt Đà Nẵng,
nó là kỹ sư, tốt nghiệp Đại Học
ngành đường sắt. Tôi điện thoại
thăm hỏi nó, nhờ nó có xe gắn
máy đến chở tôi đi thăm một
vài nơi, cũng như hỏi luôn về
nhà văn Nguyễn Văn Xuân:
- Ở đây,
em có biết nhà văn Nguyễn Văn Xuân ở
đâu không ? Anh cần tìm gặp ông ta một
chút.
Vỏ trả lời:
- Em không biết
Nguyễn Văn Xuân là ai hết.
Tôi nói thêm chi tiết
về nhà văn Nguyễn Văn Xuân.
- Thầy Nguyễn
Văn Xuân hồi trưóc bảy lăm dạy học
ở trường Phan chu Trinh và Đại Học Quảng
Đà, ông là nhà văn kỳ cựu, rất
nổi tiếng, với các tác phẩm như
Hương Máu, Khi Người Lưu Dân Trở Lại.
Anh nghĩ ai cũng biết chớ.
- Em không biết.
Thôi để em điện thoại hỏi Hội
Văn Nghệ Đà Nẵng thử coi.
- Bây giờ em
đến khách sạn đón anh đi ăn
trưa với anh nhé.
Vỏ nói
dạ. Tôi đón Vỏ ở phòng khách
khách sạn 10 phút sau đó.
Tôi
nói:
- Anh đói bụng rồi, có quán
ăn nào ngon ở đây, em chỉ anh và em
đến đó ăn.
Vỏ nói:
- Có quán cơm niêu ở đường
Hùng Vương, mình đến đó ăn
đi anh.
Đây là một
quán cơm sang nhất nhì Đà Nẵng.
Cơm niêu là cơm nấu trong cái niêu
đất, khoảng một người ăn thôi. Ở
đây có biểu diễn cơm niêu đập,
cũng như cơm niêu nhưng "cơm niêu
đập" được nấu khô hơn,
có một phần cơm cháy bên ngoài,
vàng rụm, dòn tan. Người tiếp viên cầm
niêu cơm trên tay, xoay xoay và đập mạnh
trên một cái mâm nhỏ. Cà cái
niêu đất bị vỡ, cơm được cuộn
tròn phía trong không dính một chút mảnh
niêu vỡ nào, trông rất đẹp mắt,
cơm cháy ăn rất dòn nếu răng
còn chắc.
Khách
ăn ở quán cơm nầy phần nhiều là
công an và bộ đội, hay là cán bộ
gì đó. Họ ăn cơm với đồ
ăn thức uống đầy bàn. Họ uống
nhiều bia lắm.
Có bàn ngồi cả mười người.
Vỏ bia Hennecken chất đầy dưới sàn
nhà. Tôi nghĩ không biết tầng lớp nầy
làm việc gì mà ăn xài dữ vậy.
Đây chỉ thuần túy là quán ăn
thôi. Còn những quán nhậu và những
nơi chơi bời không biết họ sẽ
tiêu xài tới đâu. Họ uống bia nhiều
nên mặt người nào cũng đỏ
ké. Họ đi ra cửa nhìn tôi trừng trừng,
không biết tôi có vẻ gì lạ
không, chắc họ không biết tôi từ
nước ngoài về, nhưng có lẽ cái
thói kẻ cả, mất lịch sự của họ
nên nhìn ai cũng trừng trừng vậy.
Buổi
chiều tôi một mình ra phố Đà Nẵng,
tôi đi taxi xuống Bến Bạch Đằng, đứng
nhìn cây cầu bắc sang bên kia An Hải.
Cây cầu được coi như là bộ mặt
của thành phố Đà Nẵng, là niềm
hãnh diện của cấp lãnh đạo
thành phố. Một công trình hiện đại,
chỉ sau cầu bắc Mỹ Thuận ở miền
Tây. Tôi lại nghĩ, đã hơn hai
mươi bảy năm, một đất nước
không chiến tranh, chỉ xây dựng, thì chuyện
xây một cây cầu bắc qua sông như thế
nầy đâu có gì mà tự hào.
Tôi đi đến trường Phan Chu Trinh, Trường
Phan Thanh Giản, trường Sao Mai ..Tôi không
có cảm giác nào. Tất cả các cửa
trường đều đóng im ỉm.
Tôi
đi bộ về khách sạn, để tiện ngắm
nhìn những nơi quen thuộc ngày xưa của
Đà Nẵng một chút. Đi trên
đường Ông Ích Khiêm, qua đường
Hùng Vương, đi ngang qua chợ Cồn, qua
đường Khải Định, một mùi
hôi thối từ các cống rãnh, từ
ngôi chợ làm vệ sinh không kỹ, những
đống rác chất cao để ngoài
đường mà xe vệ sinh chưa kịp đến
hốt đi, ruồi nhặng bay vo vo đày đặc.
Mùi xú uế bốc lên thối cả một
khu vực, ai đi ngang qua cũng bịt mũi hay chạy
xe thật nhanh. Tôi không chịu thấu nên
kêu xe về khách sạn.
Buổi tối,
thằng em gọi điện thoại cho tôi, nó
nói:
- Em hỏi dưới
Hội Văn Nghệ rồi, họ cho em địa chỉ
ông Nguyễn Văn Xuân đây. Anh rảnh
không em tới chở anh đi đến nhà ổng
?
Tôi hỏi
lại:
- Em có biết số
điện thoại của nhà văn không để
anh gọi đến xin phép trước ?
- Không có,
dưới Hội Văn Nghệ họ nói ổng
nghèo lắm, già yếu lắm rồi, ăn
còn không đủ làm gì có tiền
sắm điện thoại.
- Thôi em đến
chở anh đi nhé. Kệ cứ tới thử coi ?
Thằng em
đến chở tôi đi. Buổi tối gió mát
lồng lộng. Đi lòng vòng một hồi
lâu, chúng tôi đến đường
Thái Phiên, vào trong một con hẻm sâu mới
tìm ra địa chỉ. Căn nhà ở sát
tận cùng con hẻm cụt. Nhà vắng
quá, tôi bước vào gõ cửa. Một
hai đứa con gái khoảng mười hai mười
ba tuổi lấp ló phía trong, tôi hỏi vọng
vào:
- Xin lỗi
đây có phải là nhà giáo sư
Nguyễn Văn Xuân ?
Tiếng đứa
con gái ở trong vọng ra:
- Phải, mà ổng không có ở
nhà ?
Tôi hỏi
tiếp:
- Thầy Xuân đi đâu vậy cháu,
bao giờ thầy về ?
Tiếng
đáp lại cộc lốc:
- Không biết.
Tôi cụt
hứng, quay ra chỗ dựng xe thằng em đang chờ.
Có mấy người đàn bà đang giặt
áo quần ở đó, họ kéo ống
nước ra ngoài hẻm và ngồi giặt tự
nhiên, họ nói:
- Nhà ông Xuân đó, ổng đi rồi,
đừng hỏi mấy người trong nhà, họ
không nói đâu.
Tôi hỏi lại:
- Sao vậy chị ?
- Nhà đó
khùng hết, ai cũng khùng hết, không ai
thương nhau đâu.
Tôi
cùng thằng em lên xe .
Tôi
nói:
- Thôi mình
đi, ngày mai một mình anh tới cũng
được.
Thằng em chở
tôi chạy vòng vòng thành phố, tôi
rủ :
- Mình tìm quán
cà phê nào uống đi.
Nó chở
tôi đến một quán cà phê ở
đường Lê Duẩn, đường nầy mới
mở rất rộng. Quán cà phê trên lầu,
có máy lạnh. Ngồi trên lầu, nhìn
khắp Đà Nẵng, một Đà Nẵng
sáng choang ánh điện phía dưới. Thằng
em uống ngụm cà phê và hút thuốc. Ở
đây tôi thấy ai cũng hút thuốc,
hút thuốc tự do, khói thuốc đày
đặc cả căn phòng. Thằng em nhìn
tôi cười nói:
- Anh muốn đi
"xạc vít" không ?
Nghe lạ,
tôi hỏi lại:
- "Xạc vít" là gì ?
Thằng em
cười:
- Là đi chơi gái đó, ở
đây có đủ mọi loại hình, mọi
loại gái, mọi lứa tuổi. Từ năm chục
ngàn trở lên. Bao nhiêu cũng có cả.
- Ở đâu ?
- Nhan nhản khắp
thành phố. Từ hồi có chiến dịch
bài trừ mãi dâm và thành lập
đội 113 di động thì gái thành phố
cũng làm ăn di động. Anh thấy đó,
mình đi trên đường lúc nào cũng
có những chiếc xe gái rà theo. Nếu anh
muốn thì mấy cô xáp lại ngay. Thoả
thuận nhau vào quán karaokê vừa hát vừa
"xạc vít"’, hay vào quán cà
phê "chuồng" cũng được.
- Cà phê
"chuồng" là gì ?
- Là những
quán cà phê đèn mờ, làm từng
ghế đôi riêng rồi che kín lại.
Vào đó uống cà phê chỉ là
cái cớ, còn "xạc vít" mới
là chính, "chuồng" là nơi dùng
làm bãi đáp đó mà.
Tôi bật
cười. Thành phố Đà Nẵng ngày
xưa, trước bảy lăm, nơi tôi
đã sống và làm việc, đâu
có như bây giờ.
Tôi
nói:
- Anh không đi
đâu, hỏi em cho biết vậy thôi.
Xong chúng
tôi ra về.
Chiều
hôm sau, sau khi đi thăm Hội An về, tôi
đến nhà thầy Nguyễn Văn Xuân.
Hôm nay ban
ngày, tôi thấy rõ con hẻm hơn. Con hẻm
nhỏ ở đường Thái Phiên, bên
trong khách sạn Hàng Không đồ sộ.
Tôi đến căn nhà cũ, gõ cửa. Tiếng
người đàn ông vọng ra:
- Ai đó ?
Tôi trả lời:
- Tôi đây, tôi đến thăm thầy
Nguyễn Văn Xuân.
Có tiếng
người ngồi dậy, rồi tiếng nói:
- Đẩy cửa
vào đi, cửa không khóa.
Tôi đẩy
cửa vào, vẫn căn phòng hôm qua, bừa
bộn những đồ linh tinh trên sàn nhà,
trên sofa, nào là giấy, khăn, quần
áo, vất bừa bãi. Một ông già từ
phòng trong lệnh khệnh bước ra. Ông
đang mặc áo vào vì ông ở trần,
tay ông run run nên ông mặc áo rất
khó khăn. Ông bước ra ngoài phòng
khách mà chân đi không nổi. Ông
đi như lết từng bước ngắn. Thấy vậy,
tôi liền bước vào phòng trong để
dìu ông. Tôi vừa dìu ông vừa hỏi:
- Thầy là thầy Xuân ?
- Dà.
Tôi biết
chắc ông là thầy Nguyễn Văn Xuân
nhưng cũng hỏi, vì hồi ở Đại Học
Quảng Đà, trước bảy lăm, tôi
đã gặp ông
một vài lần. Hồi đó, ông còn
trẻ, khoảng trên năm mươi, còn phong
độ, đi dạy học thầy bận áo
sơ mi trắng, thắt cà vạt trông rất chững
chạc. Bây giờ, trước mặt tôi là
một ông già trên tám mươi tuổi,
gầy còm, ốm yếu, bịnh hoạn. Đôi
chân ông khẳng khiu, teo lại như chỉ
còn 2 khúc xương, không còn chút thịt
nào. Đầu tóc ông hói đậm,
tóc lưa thưa, răng rụng gần hết.
Ông bước đi không được, tôi
phải dìu ra ghế. Khi ông đã ngồi
trên ghế, tôi suy nghĩ và tính toán
: "Ông già quá, bịnh quá, khổ sở
quá thế nầy thì mình nên biếu
ông chút quà, thêm chút tiền của
anh Phạm Xuân Đài nữa cho ông vui".
Nghĩ thế, tôi liền nói với ông:
- Con ở Mỹ về,
về thăm Đà Nẵng, ghé thăm thầy,
anh Phạm Phú Minh, chủ bút tạp chí Thế
Kỷ 21 ở bên đó, có gởi biếu thầy
chút đỉnh. Thầy biết anh Pham Phú Minh
không ?
Thầy
Xuân trả lời:
- Không biết,
nhưng mà có nghe.
Tôi lấy
tiền đưa cho thầy, thầy cầm lấy
và kêu vào trong:
- Hải ơi, cầm
tiền.
Một
người con trai khoảng trên hai mươi tuổi
ở trần, ra cầm tiền đi vào trong,
không nói một lời nào. Tôi hỏi tiếp:
- Thầy có
còn viết lách gì không ?
Ông trả
lời :
- Già rồi
còn sức đâu mà viết, mà lúc
nầy bịnh hoạn quá, yếu quá. Nhà
phát hành Đà Nẵng có xin
phép tôi và cho
in Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân. Họ cho
tôi 20 quyển bảo tôi bán lấy tiền
thay tiền nhuận bút. Tôi bán được
rất ít nên còn đó.
Ông lấy
một quyển sách ra cho tôi coi, Tuyển Tập
Nguyễn Văn Xuân, in dày khoảng trên 500
trang, bìa cứng, bìa có hình ông. Quyển
sách trông đẹp, tôi hỏi:
- Mỗi quyển
bán bao nhiêu thầy ?
- Một trăm
ngàn.
- Thầy bán cho
con 2 quyển.
Ông gọi vào trong:
- Hải ơi, lấy hai quyển sách.
Người
con ông đem ra hai quyển sách, trong lúc
tôi đưa tiền cho người con, ông ngồi
cặm cụi ghi : "Thân biếu anh TYH với cảm
tình của tác giả".
Tôi nhận
sách và hỏi tiếp:
- Ở đây thầy
sống ra sao, Hội Văn Nghệ thành phố
Đà Nẵng có gúp đỡ thầy
gì không ?
Ông lắc
đầu, nói:
- Tôi sống qua
ngày, bữa đói bữa no.
Tôi nói
tiếp:
- Anh Thành
Tôn ở Mỹ có gởi lời thăm thầy.
Ông hỏi
lại:
- Thành Tôn
qua Mỹ rồi à, thế mà tôi không biết.
- Anh Thành
Tôn nói trước khi đi Mỹ có ghé
thăm thầy mà.
- Thế hả,
tôi quên hết, giờ già rồi có nhớ
được gì đâu.
Tôi nhờ
người con thầy chụp cho tôi và thầy
Xuân bức hình làm kỷ niệm, thầy ngồi
trên ghế thấp, tôi phải đứng
cúi sát thầy. Thầy cười rất hiền
lành, bức hình đó khi rửa xong, tôi
thấy thầy ốm quá, thầy bận quần
xà lỏn nên thấy rõ đôi chân thầy
như hai khúc xương, chỉ có nụ cười
là còn tươi.
Tôi rời
nhà thầy Xuân mà thấy lòng ngùi
bùi vô hạn. Thầy là một nhà
văn lớn của Việt Nam,
cây cổ thụ của văn học Quảng Nam
Đà Nẵng, mà bây giờ đời sống
thấy hiu hắt quá. Căn nhà tối om,
không quạt máy, trên giường thì treo
cái mùng để thòng xuống, trời
bên ngoài nóng như đổ lửa, với
tuổi già trên tám mươi tuổi
làm sao mà thầy sống nổi ? Nhưng với
khả năng và tấm lòng tôi, tôi chỉ
làm được chừng đó công việc.
Chiều
hôm đó tôi dọn đồ đạc
để vào Sài Gòn bằng tàu lửa
thống nhất. Chị tôi và mấy đứa
cháu trong Tam Kỳ ra đưa tôi đi. Tôi mời
tất cả đến cái quán trước
nhà ga Đà Nẵng để ăn. Quán
có món chim cút chiên bơ trông rất
hấp dẫn. Tôi kêu bia cho tôi và thằng
cháu lớn uống. Khi dĩa chim cút đưa
ra. Tôi uống một ngụm bia. Bỏ con chim cút
chiên vô miệng và nhai, có mủi thum thủm.
Tôi nhả ra và nói:
- Sao chim cút
có mùi gì nghe hôi quá.
Thằng
cháu cũng nhả miếng chim cút ra và
nói:
- Con cũng nghe
hôi quá, chắc chim cút hôm qua bán
không hết, họ chiên lại bán cho
mình đây, để con đem vô trong đổi
lại.
Thằng
cháu bưng dĩa chim cút vào trong, một
lúc sau nó đi ra, miệng chửi thề:
- ĐM, đã bán chim
cút thiu, bảo đổi dĩa khác mà
không chịu đổi, còn nói mình
ăn rồi thì ráng chịu. Làm ăn
gì khốn nạn quá.
Tôi cũng
bất mãn ra mặt nhưng không nói gì,
vì biết có nói cũng vậy thôi.
Tôi bèn kêu tính tiền rồi đi
vào trong nhà ga lo chuẩn bị lên tàu.
Lên tàu, tôi ngoắc tay từ giã mọi
ngưởi. Chị tôi nhìn theo khóc.
Xin giã
từ Đà Nẵng.
TRẦN YÊN HÒA
(*) XQ ghi chú:
Bài thơ "Hai Miền Thương" của
Tường Linh
Quê hương tôi bên ni đèo Ải
(Hải Vân)
Nhấp nhô bóng thuyền cửa Đại,
Già nua nếp phố Hội An
Ngũ hành Sơn năm cụm ngắm sông
Hàn
Đêm Đà Nẵng vọng về cơn
sóng biển
Chùa Non Nước trầm tư hương
khói nguyện
Bún chợ Chùa thương nước mắm
Nam Ô
Có ai về Trung Phước giữa mùa
ngô
Thăm quê ngoại Đại Bường (Đại
Bình) cam đỏ ối
Sớm Duy Xuyên tơ vàng giăng ngập lối
Chiều Điện Bàn xe đạp nước
thay mưa
Sông Thu Bồn chẳng thiếu đò
đưa
Bùi khoai Tiên Lãng mát dừa Kiến
Tân.
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)