SU'U TÂ`M 2

Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | VA(N VUI 8 | VA(N VUI 9 | VA(N VUI 10 | VA(N VUI 11 | VA(N VUI 12 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI [1] | TA.P GHI [2] | TA.P GHI [3] | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | BÀI VIÊ'T 13 | BÀI VIÊ'T 14 | BÀI VIÊ'T 15 | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | SU'U TÂ`M .. TIN | SLIDESHOW

BÀI VIÊ'T 14

HANH TRINH TIM VE NHUNG NAM MO HOANG

 

HÀNH TRÌNH TÌM VỀ NHỮNG NẤM MỘ HOANG

 

LTS: Ngày 9 Tháng Chín, 2006, nhật báo Người Việt đăng bài viết "31 Năm Sau, Người Lính Ấy Ðã Về Với Gia Ðình .." kể lại cuộc hành trình của một người con gái tìm lại được xác cha là một cựu thiếu tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, qua đời trong tù cải tạo thuộc tỉnh Yên Bái (Hoàng Liên Sơn cũ). Ngay sau đó, Người Việt đã nhận được nhiều e-mail, điện thoại chia sẻ tình cảm. Bên cạnh đó, khá nhiều độc giả muốn tìm hiểu về việc đi tìm lại tung tích của những ngôi mộ của các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đã nằm lại Hoàng Liên Sơn trong thời gian đi tù cải tạo sau 30 Tháng Tư, 1975. Ðáp lại tình cảm của độc giả, cộng tác viên Trần Tiến Dũng của nhật báo Người Việt đã từ Sài Gòn lên đường đi Yên Bái. Sau gần một tuần lưu lại tại đây, phóng viên Trần Tiến Dũng đã tiếp xúc nhiều cư dân địa phương, ghi lại những tâm tình của người địa phương đối với "sĩ quan Ngụy" và đối với cuộc đi tìm lại những ngôi mộ hoang.

 

Sinh Nam tử Bắc

Lấy vé từ bến xe Mỹ Ðình đi Yên Bái, ngồi chờ chiếc xe khách loại xe 24 chỗ ngồi "nghĩa địa Nhật Bản" rời bến, tâm trạng chúng tôi lúc đó mất phương hướng. Với những người từ miền Nam ra, vùng thượng du Bắc Bộ đúng là sương giá mù mịt. Nhưng chúng tôi vẫn may mắn có những người bán hàng rong và những người nhà quê chân chất để làm bạn đường trò chuyện. Chỉ nội chuyện đó không thôi đã cực kỳ khác biệt nếu so với những người sĩ quan quân đội VNCH mà 31 năm trước, được đưa từ miền xuôi lên mạn ngược này để học tập cải tạo. Người ta kể, lúc ấy họ được đưa đi thẳng vào bóng đêm hun hút và đầu Xuân năm ấy tiết trời vẫn rất lạnh.

Cho đến tận hôm nay, một đặc điểm của các chiếc xe khách chạy các tuyến đường ở miền Bắc là không có ảnh thờ Phật hay Chúa bên cạnh tài xế.

 

Người phụ nữ ngồi cạnh tôi nói: "Tôi xuống Ðoan Hùng - Phú Thọ, đi xe 19 chúng vất giữa đường, xe 21 này mới về đến nơi. Bác có tiền đi chơi sướng nhỉ !"

Cảnh giác người lạ nên chúng tôi chỉ cho bà biết một phần của lý do chúng tôi phải lên ngược. Bà lại nói: "Bốc mộ là duy tâm, tốn kém, nhưng không bốc các cụ về lại không yên tâm. Hồi đầu chiến tranh anh tôi đi, tôi bảo giấy tờ nhà ở Hà Nội cho cháu thuê nhờ phải rõ ràng. Anh không nghe bảo đi chóng về ấy mà. Ðến giờ bên họ nhà chồng bảo trả xác. Nhà không trả cho tôi, nghìn năm tôi không trả xác anh. Tôi ở với anh dù anh sống hay chết có khổ, tang thương mấy chẳng màng nhưng tôi còn thằng con phải giữ cho nó để hưởng cái chính sách".

 

Chiếc xe khách vẫn cứ quay đầu vòng vòng để đón khách trong địa phận Hà Nội. Xe mấy lượt chạy qua chạy lại cơ quan ban quản lý dự án PMU 18. Bực mình bà lại chỉ tay vào cái tòa nhà to đùng ấy nói: "Ðấy không khéo chúng ấy ăn mất cả phần con tôi".

Người cán bộ trẻ vẫn đội mũ cối, ngồi ở băng ghế trước quay xuống hỏi: "Thế bác nhà bà hy sinh ở Ðiện Biên Phủ à ! May mà còn trông được cái bằng liệt sĩ, trông gì cái nhà ở Hà Nội mà bác gay gắt thế !"

Khi biết chúng tôi tìm ra tận Yên Bái - Hoàng Liên Sơn để tìm mộ người thân sau 1975 đi tập trung cải tạo. Bà Ðức (tên người đàn bà ngồi cạnh tôi) sửng sốt: "Ối giời ! thế tôi cứ tưởng chỉ có người vượt đường vào trong ấy tìm mộ bộ đội. Sao các bác nhà anh lại không may thế nhỉ. Chiến tranh kinh thật !"

 

Cảnh sống của người dân và bộ mặt các thị trấn ven quốc lộ 20 với các bảng hiệu, hàng hóa và các bảng quảng cáo tiếng Anh đa dạng mà bừa bộn như hình ảnh các thị trấn miền Nam vào thời kỳ người Mỹ có mặt ở thập niên 60. Những bảng hiệu chữ to mời ăn đặc sản dê núi, gà đồi là ấn tượng thượng du Tây Bắc "thời đại" nhất.

 

Ði qua khu di tích đền Hùng - Phú Thọ, bà Ðức xuống xe vì có việc. Người phụ nữ mặc áo màu hoa cà, ngồi thế vào chỗ bà Ðức. Một lúc sau, tôi đem chuyện đi tìm mộ sĩ quan "Ngụy" đi học tập cải tạo, để hỏi thăm quanh vùng này chị có nghe có biết về chuyện ấy không. Chị nói chuyện với tôi thông qua cái khẩu trang bít kín nửa gương mặt: "Nếu có nhà nước phải báo chứ đã đưa người ta ra tận đây kia mà".

 

Xe vào vùng núi Phú Hộ. Cô sinh viên sư phạm đi cùng tuyến với chúng tôi về huyện Trấn Yên - Yên Bái, loáng thoáng nghe chuyện, bỗng nhiên cô hỏi: "Thế người chú tìm ra ngoài này đi buôn hàng Trung Quốc hay du lịch ạ ?"

Nhìn vẻ hồn nhiên của cô gái Bắc thế hệ 8x, trong tình cảnh chuyện trò để giết thời gian trên xe khách này; chúng tôi không biết phải giải thích sao cho đủ nghĩa về lịch sử của các bên liên quan trong cuộc chiến tranh dai dẳng và ác liệt nhất của lịch sử dân tộc và số phận nghiệt ngã của những người lính miền Nam sau chiến tranh.

Không riêng gì người trong nước mà cả ở hải ngoại, có rất nhiều người lúc này cho rằng cái quí giá nhất mà dân tộc đã có là hòa bình. Ðã hơn ba mươi năm rồi không nên tiếp tục mở miệng vết thương chiến tranh. Nhưng trong trường hợp của chúng tôi, biết phải trả lời ra sao cho cô sinh viên này. Chúng tôi không thể đáp rằng: Không gì hết cháu ạ, người chú định tìm chỉ từ miền Nam ra đây để chịu đói khổ rồi chết mà thôi.

 

Mùa Thu Trung Du không phải là một quan tòa nhưng khí hậu khắc nghiệt, đồi núi và cây rừng chập chùng chắn ngang tầm mắt này luôn nhắc người ta rằng, không hề có một ý thức hệ, một giá trị tư tưởng nào biết tổn thương, chỉ sự thật của số phận con người mới biết đau đớn. Từng số phận con người mới chính là lịch sử chân thật nhất, phần vô giá nhất của lương tri dân tộc.

 

31 năm trên đồi sương giá

Lúc tôi xuống thị xã Yên Bái, mặt trời đã khuất dù chỉ mới 15 giờ chiều. Và thật sự tôi không biết phải chọn bến nào để xuống trong cái thị xã nằm sát cạnh dòng sông Hồng mùa nước kiệt. Tôi có mặt ở đây chỉ với một thôi thúc nôn nao lạ kỳ là muốn đến ngay cái đồi Cây Khế thuộc xã Việt Cường. Trong sổ tay của tôi có cả số điện thoại của người đàn ông giữ gìn ngôi mộ của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô suốt 29 năm và chờ đến khi thân nhân của người sĩ quan bất hạnh ấy ra tận nơi đưa phần xương cốt và vài kỷ vật của một người tù cải tạo về nhà. Lúc ấy tôi không rõ lý do vì sao tôi không nói địa chỉ và nội dung câu chuyện "31 năm sau .." với người chạy xe ôm. Tôi chỉ nói với anh ta rằng tôi ra đây để tìm bà con họ hàng thất lạc và đồng ý cái giá một trăm ngàn để vào xã Việt Cường. Anh H. chạy xe ôm nói: "Bác yên tâm. Em là giáo viên tranh thủ vài cuốc xe. Không phải bọn láo nhận tiếng bác người trong ấy ra để chém đâu".

 

Qua cầu sắt Yên Bái bắc qua sông Hồng hướng về phía Nghĩa Lộ một đoạn, anh xe ôm rẽ trái. Với người gần như đã mất phương hướng như tôi, đường vào xã miền núi có lúc theo các chân các đồi chè mà lên trời có lúc lại theo các nấc ruộng bậc thang mà xuống địa ngục. Ðường cứ dài mãi ra, dân cư thưa dần, khí lạnh của núi rừng làm tôi ớn sống lưng; tôi thấy hối hận vì đã trao sinh mạng cho người chạy xe ôm. Núi-rừng-người lúc ấy quả là chập chùng ác hiểm.

 

Có vẻ như con đường này sẽ không đưa tôi tới nơi muốn tới. Tôi muốn dừng lại để hỏi thăm đường. Anh xe ôm lại nói chả cần, tôi biết nơi phải tới bác cứ yên tâm. Tôi đập vào lưng anh ta bảo dừng lại ngay ! Chiếc xe Honda đang xuôi dốc bổng xoay đầu. Anh xe ôm cười hì hì. Ðấy hỏi thì hỏi cho bác yên tâm. Trước mặt chúng tôi có ngôi nhà nhỏ, có bảng hiệu gỗ viết bằng phấn học sinh: Sửa xe đạp và xe máy. Nhận mặt người sửa xe, anh xe ôm reo lên: "Ối giời, bác Hùng ! Ðấy đã bảo bác yên tâm mà. Xã này toàn người quen của tôi cả".

 

Chúng tôi biết anh xe ôm gặp được người quen cũng chỉ là ăn may, chứ thật ra anh xe ôm áo trong quần, giày tây bóng loáng, hoàn toàn mù tịt đường đi nước bước cái xã miền núi này. Anh Hùng mời chúng tôi vào nhà uống chè. Và quan trọng hơn hết là điều anh Hùng cho tôi biết địa danh đồi Cây Khế ở ngay sau lưng nhà anh, còn ông Ðỗ Công Huyên chính là hàng xóm của anh. Từ Nam ra với ngần ấy đường trời nẻo đất, với bao lo âu nhưng chỉ trong một thoáng, trong ngôi nhà vách ván đơn sơ mà tươm tất của anh Hùng, cái cảm giác bình an tưởng mất đã trở lại với tôi. Sau này tôi được biết tất cả những người thân của các sĩ quan VNCH ra đây tìm mộ đều được người dân địa phương đối xử tử tế. Ai cũng biết dù sao tìm xác lính Mỹ cũng có lợi, tìm mộ lính "cách mạng" hưởng danh, còn lo cho lính "Ngụy" cải tạo chết là trọn nghĩa tử là nghĩa tận, trọn cái tánh người và chỉ cầu mỗi cái may là không bị chụp mũ.

 

Anh Hùng, tên đầy đủ là Lê Ðức Hùng, đại úy bộ đội phục viên. Khác với những người cùng làng dân kinh tế Nam Ðịnh - Thái Bình ra lập nghiệp, anh là người có cội nguồn ở đất Việt Cường. Biết mục đích ra đây của tôi, anh nói: "Ngày xưa tôi và các bác ấy ở hai bên chiến tuyến. Anh nghĩ có thể làm được gì khác ngoài chuyện bắn nhau nào. Bây giờ các bác ấy nằm lại đất này, làm gì được chúng tôi sẽ làm, thú thật không ngại gì hết".

 

Với nhiệt tình của người dân miền núi, anh vội vã đưa ngay chúng tôi đến nhà ông Ðỗ Công Huyên. Theo hướng mặt trời lặn, nhà ông Huyên nằm ở phía phải sát cạnh chân đồi Cây Khế. Ông Huyên được người nhà gọi từ nương chè về, tay còn lấm đất.

 

Trong bài báo "31 năm sau, người lính ấy đã về với gia đình .." kể từ lúc Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô nằm xuống trên đồi Cây Khế, cho tới khi chỉ tìm thấy một phần xương cốt và vài món vật dụng của một kiếp người, suốt chiều dài thời gian ấy hình ảnh ông Ðỗ Công Huyên luôn gắn bó thiết thân với linh hồn của Thiếu Tá Nô. Gắn bó như một người bạn chân tình ! Thiếu Tá Nô ngộ độc chết vì uống nước sắn luộc, điều này nhiều người bạn tù của thiếu tá biết. Họ cũng biết và luôn luôn nhớ sâu bền về nhiều trường hợp chết khác của các bạn tù. Nhưng từ ngày ấy, người ở lại kề cận với 51 ngôi mộ hoang, ở lại bầu bạn với 51 linh hồn trên đồi Cây Khế quanh năm sương giá này chỉ mỗi ông Ðỗ Công Huyên.

 

Ông Huyên có một danh sách người chết bằng giấy học trò, do tự bàn tay thô kệch thợ rừng của ông nắn nót ghi chép tên, tuổi, nguyên quán, ngày sinh, ngày chết của từng người sĩ quan VNCH học tập cải tạo đã chết trong khoảng từ năm 1975 đến 1978 ở trại cải tạo Việt Cường, tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ.

 

Ông Huyên đưa chúng tôi lên đồi Cây Khế. Ông từng đi bộ đội ở Lào, sau 1975 về đây làm người giữ rừng và bầu bạn với các ngôi mộ hoang. Suốt đoạn đường leo đồi ông Huyên không nói gì. Trong ánh sáng nhợt nhạt của chiều lạnh trên đồi, gương mặt nhân hậu đến mức thâm trầm của ông Huyên lúc ẩn lúc hiện giữa cây cỏ và gió rừng. Lúc đó tôi có cảm giác với riêng ông, trong không gian và thời gian trên ngọn ngọn đồi giá lạnh này không tồn tại biên giới giữa người sống và người đã khuất. Ông Huyên cúi thấp người vạch đám cỏ dại để lộ ra một tấm bia bằng xi măng đen xỉn, bia chỉ to bằng hai bàn tay. Ðột nhiên ông nói: "Ðây là mộ gởi lại. Bác này là Nguyễn Quang Tôn, sinh năm 1930 ở Hữu Quang - Sơn Tây, nhà ở phường cư xá, quận 3 Sài Gòn. Anh trai bác ấy là sĩ quan bộ đội cấp tá đấy. Ông ấy có cùng người nhà ra tận đây, tìm thấy mộ người em rồi nói. Thôi thì tìm thấy chú rồi, chú yên tâm mà ở lại đây bao giờ có điều kiện tôi lại ra đưa chú về. Thế là họ về, gởi mộ bác Tôn lại cho tôi mãi không thấy họ ra".

 

Trước mắt chúng tôi là cả đồi Cây Khế, trước đây là nơi yên nghĩ của hơn 51 sĩ quan cấp tá và tướng của quân đội VNCH; đến nay cả ngọn đồi này chỉ còn lại 12 ngôi mộ còn bia và 5 ngôi mộ mất bia. Và chỉ duy nhất ngôi mộ Nguyễn Quang Tôn phải ở lại dù đã gặp thân nhân.

Hơn ba mươi năm hòa bình, đa phần các người lính chết mất tích của quân đội cách mạng và của quân đội đồng minh mà đứng đầu là Hoa Kỳ đều đã được trở về nhà. Vì sao cùng một hoàn cảnh mà chỉ những người lính VNCH trong chiến tranh và sau chiến tranh là phải gánh chịu hết sự oan trái nằm lại với bờ bụi vô danh.

 

Ðứng trước ngôi mộ "gởi lại", chúng tôi định kể cho bác Huyên, anh xe ôm và ba đứa trẻ chăn trâu nghe chuyện: Sau cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ, ngay giữa nghĩa trang thủ đô Hoa Kỳ của phe miền Bắc thắng trận vẫn có một khu mộ và tượng đài tưởng niệm những người lính miền Nam.

 

Bác Huyên tiếp tục đưa tôi đi và tự tay vạch tìm từng tấm bia mộ nằm khuất trong đám cỏ dại đẫm sương chiều. Bác hỏi: "Thế anh ra đây không quen có thấy lạnh không ? Trước đây rừng còn độc hơn giờ nhiều. Mà lúc ấy đa số các ông sĩ quan miền Nam này ra đến đây đều có tuổi cao cả đấy".

Thời gian bác Huyên bầu bạn với những linh hồn lính miền Nam đã dài hơn cả cuộc chiến tranh mười ngàn ngày trước đây. Chiến tranh tuy đã kết thúc nhưng sao cuối cùng chỉ mỗi nắm xương tàn và linh hồn không tan của những người này phải tiếp tục trả giá, phải tiếp tục chịu mọi hậu quả của cuộc chiến tàn khốc đó.

 

Gió lại lạnh hơn, nhưng không gì có thể nghe thấu cái lạnh vùng thượng du đất Bắc bằng chính những tấm mộ bia đang nghiêng đổ trên đồi Cây Khế. Những tấm mộ bia nhỏ bé, sơ sài mang trên đó là những cái tên, ngày sinh, ngày chết, mang trên đó là cả khát khao mong ngóng gặp người thân đến mức tuyệt vọng. Ðó phải chăng là sự bấu víu cuối cùng trước khi chết một lần nữa, trước khi lạc mất vào vô danh.

 

Suối nước mắt

Nhà ông Ðỗ Công Huyên là một ngôi nhà xây thô, nằm ngay bên chân đồi Cây Khế, ngay cạnh dòng suối nhỏ không có tên, chảy về phía hai mỏm núi sánh đôi. Nơi ấy, mỗi ngày mặt trời buổi chiều như được treo bằng sợi dây và thả rơi chầm chậm.

Từ trên đồi Cây Khế xuống lại nhà, bác Huyên nói. Anh đi lối chuồng gà vào cho dễ. Rồi bác cười. Anh không phải lo gà bị cúm, gà mò rất khỏe. Dưới xuôi, gà mò gọi là gì nhỉ ?

Tôi nói, lúc lên thăm mộ các sĩ quan VNCH, tôi có thấy đàn gà mò của bác bay đầy trời, có phải mỗi lần đãi cơm khách cần giết gà thì phải hẹn với lũ gà trước một ngày không.

 

Nằm tựa lưng và hơi chếch về bên trái đồi Cây Khế xưa kia có một trạm xá của trại cải tạo. Bác Huyên cho biết: "Khi ấy chắc là các bệnh nhân ở trạm chết đều được đưa cả lên đồi Cây Khế mà chôn. Thế nên trừ một số mộ lẻ rải rác, hầu như các ông ấy đều nằm đây".

Chúng tôi hỏi vì sao ở đây lại có tên là đồi Cây Khế. Bác Huyên nói: "Ðúng là có cây khế thật. Trước đây to lắm kia, cả vùng núi này có mỗi nó đấy, mấy năm trước bỗng gãy ngang, chỉ mới đâm chồi trở lại trong năm".

Trên đường quay trở lại đồi để chụp ảnh cây khế, chúng tôi định hỏi bác Huyên cây khế ấy có trái ngọt hay chua. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn tin rằng vào ngày đầu ra đây "học tập cải tạo", nhìn thấy cây khế, một giống cây quen thuộc thường trồng trước sân nhà ở miền Nam, chắc các bác ấy cũng thấy an ủi được phần nào.

 

Vạch đám cỏ và cúc dại nở trắng trên bờ suối cho chúng tôi bước qua, bác Huyên vẫy tôi lại gần và chỉ vào ngôi mộ hoang không còn bia nằm thoai thoải trên triền đồi. Bác Huyên nói: "Trước ở đấy có hai ngôi mộ đều không còn bia, nằm cạnh nhau như hai luống rau nhỏ. Bây giờ thì người nhà ra lấy một cái về rồi, đấy anh xem cái hố vẫn còn. Cái bác được về với vợ hẳn là vui rồi cái bác còn nằm lại tôi nghĩ cũng phấn khởi. Tôi không là người duy tâm nhưng có chuyện lạ đến mức không thể tin mà lại thật anh ạ".

Bác Huyên kể, chỉ còn nhớ tên người dưới mộ không bia mới được bốc về nhà là ông Thạnh, người vợ ra đưa chồng về có tên là bà Lanh. Những năm tháng vừa kết thúc chiến tranh với Trung Quốc đường đất nơi đây còn khó khăn vô cùng. Lần đầu khi tìm được nhà Bác Huyên người vợ sĩ quan học tập cải tạo ấy đã khóc nức nở. Bà Lanh kể với bác Huyên rằng chồng bà về báo mộng chỉ rõ địa danh này để bà tìm. Và trong mộng người chồng luôn lập đi lập lại với vợ mình rằng: "Anh nằm cạnh con suối, lạnh lắm !" Bác Huyên hiểu chuyện, tận tâm đưa người vợ đi xem từng tấm mộ bia nhưng không tìm được mộ. Chắc là thời gian và trâu bò làm mất dấu vết cả rồi. Chỉ tay vào hai ngôi mộ hoang nằm cạnh dòng suối, bác Huyên nói. Tôi nghi một trong hai cái mộ này là chồng bà. Bà Lanh hoang mang. Lỡ không đúng là chồng tôi thì tội lắm bác ơi !

 

Bà ở lại nhà Bác Huyên đôi ngày rồi quay về Nam. Năm sau trở ra, lại vừa nói vừa khóc. Anh ấy lại về báo mộng là nằm cạnh con suối, lạnh lắm ! Nhưng rồi bà vẫn không quyết định được chuyện phải bốc ngôi mộ nào. Trong suốt những năm dài đằng đẳng ấy người chồng vẫn cứ tìm vào giấc mơ người vợ chỉ để nói mỗi một câu. Anh nằm cạnh con suối, lạnh lắm ! Bác Huyên nhớ là người đàn bà ấy phải dành dụm từng đồng tiền, một thân một mình đi ra đi vào bốn lượt. Lần cuối cùng bà Lanh chỉ vào ngôi mộ đất thấp, nằm gần kề con suối nhất. Rồi bà quỳ xuống cầu nguyện trong nước mắt. Ngôi mộ không bia đó được bốc lên. Mấy mươi năm rồi đất mềm như đất mới cày, xương cốt chẳng còn được là mấy. Duy chỉ còn một cái lọ sành nhỏ mà các bạn tù ngày ấy chôn theo xác là lành lặn. Ðập vỡ ra, trong đó có cái thẻ căn cước vẫn còn rõ tên người chồng.

 

Cầu nguyện giữa núi lạnh

Chúng tôi từ Việt Cường đi Vân Hội, con đường độc đạo quấn quít ôm chân các đồi chè, đồi cọ, đồi bạch đàn. Cả con đường hàng chục cây số không hàng quán, không trạm điện thoại; chỉ xa xa một căn nhà xây thô, nếu có gọi chủ nhà hỏi thăm cũng không ai trả lời, đến cả mấy chú chó cũng theo người đi nương hết ấy mà.

 

Anh Lê Ðức Hùng bỏ việc nương rẫy để hướng dẫn tôi đi tìm mộ. Anh bảo tôi qua cho anh chở, anh cho rằng đi trên đoạn đường núi tôi sẽ không an toàn nếu tiếp tục ngồi sau tay lái của người chạy xe ôm không quen đường.

Ở vùng này chỉ có vài ngọn đồi được người dân đặt tên riêng. Theo thông tin của anh Hùng thì ở đồi Con Trăn có ba ngôi mộ sĩ quan VNCH không biết còn hay đã mất dấu. Tôi hỏi vì sao họ lại chôn ở đây. Anh cho biết. Trại cải tạo Việt Cường ngày xưa bao trùm hết vùng núi này và chia ra nhiều phân trại, chắc chết ở đâu chôn tại đó chứ làm gì có nghĩa trang chung.

Tất cả dân cư quanh đồi Con Trăn từ người già cho đến trẻ chăn trâu khi được hỏi về vị trí của ba ngôi mộ "mấy ông Ngụy" đều có vẻ rất rành. Lần đầu tiên trong suốt mấy ngày đi tìm mộ tôi được nghe người dân địa phương nói rõ cấp bậc trong quân đội VNCH của một người đã chết, Ðại Tá Phạm Hổ.

Mộ của Ðại Tá Phạm Hổ nằm trên lưng chừng đồi con Trăn. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao vị đại tá tù cải tạo này "nổi tiếng", ngày ấy dân địa phương cho rằng ông bị bệnh hủi, càng xa lánh ông họ lại càng đồn đại về ông. Với dân miền núi bệnh hủi là một thứ nan y, là nỗi ám ảnh tai họa. Ðến lúc chết ông cũng được chôn riêng. Ðại Tá Phạm Hổ nằm một mình một vạt đồi hướng mặt về phía Ðông. Dân sống quanh đồi nói với tôi rằng, lúc mới có mồ ông, ngọn đồi đó đến trẻ chăn trâu còn không dám héo lánh tới. Nhưng ngày nay thì những người có tuổi biết chuyện và cả anh Hùng lại nói khác. Nào có phải hủi gì đâu. Ông bị bệnh nước ăn, lở loét không trị được.

Cách đó chừng nửa cây số đường đèo cũng dưới chân đồi Con Trăn có một ngôi mộ không còn bia. Mộ của Thiếu Tướng Hoàng Công (văn) Dực. Lúc băng qua con suối lên tìm mộ ông thiếu tướng, anh Lê Ðức Hùng có ghé vào nhà bà Tuyên hỏi thăm. Bà Tuyên nói: "Ðấy nằm trên cái miếng đất bằng của tôi, nhưng người nhà ra lấy về năm nào rồi". Một anh nông dân đi theo chúng tôi lại nói: "Còn trên đấy, lúc bé chăn trâu ngày nào tôi cũng qua đấy. Ông ta cùng họ Hoàng với tôi, sao tôi nhầm được".

Anh nông dân cùng với anh Hùng sục sạo tìm cả một góc đồi Con Trăn. Cuối cùng họ xác định một khoảng mô đất nhỏ chính là mộ của Thiếu Tướng Hoàng Công Dực. Anh Hùng nói:"Thế mộ nằm trên dốc đồi này thì không lẫn vào đâu được".

Anh nông dân thì chỉ vào một gốc cây cằn cỗi lẫn trong cỏ dại cao lút đầu người khẳng định: "Ðúng là tại gốc cây Mỡ này đây". Chúng tôi hỏi vì sao các bác không nhớ vị trí và tên của người nằm trong ngôi mộ thứ ba. Anh Hùng nói, cần có thời gian để hỏi các cụ già.

 

Theo thông tin truyền miệng của dân địa phương cho biết: "Trên đường vào Vân Hội có bốn ngôi mộ. Rời khỏi đồi Con Trăn chúng tôi đi thêm gần chục cây số nữa thì đến xã Vân Hội. Trên suốt đoạn đường đi gặp ai anh Hùng cũng hỏi: "Có biết mộ của mấy "ông Ngụy" không".

Bốn ngôi mộ ven đường mà chúng tôi tìm thấy thật ra chỉ còn lại ba. Một anh nông dân đang gặt lúa cho biết. Bị nước năm rồi cuốn đi một ngôi, ngôi mộ ấy có bia nhưng cũng trôi mất, hai ngôi còn lại phía kia.

Vạch đám cỏ sát chân miếng ruộng tôi và anh Hùng chỉ tìm thấy một ngôi mộ còn bia, Tấm bia bị đất lấp hơn một nửa, chúng tôi cố đọc dù chữ rất mờ: Ðặng Văn Thương, sinh ngày 19-8-1928, Quận 4. Riêng ngôi mộ còn lại chúng tôi cố hết sức để tìm tấm bia nhưng không thể. Tôi hỏi: "Các bác có ai biết ngôi mộ còn lại tên gì không ?" Một người phụ nữ đang gặt lúa nói. Tìm bà Hải, phía quán kia mà hỏi.

Bà Hải, chủ một tiệm tạp hóa nhỏ, lúc được bà mời vào nhà, chúng tôi có chào cô con gái của bà, lúc ấy cô đang ru con mọn, đứa bé ngủ trong một cái nôi kiểu thành thị. Chính người mẹ trẻ này là đầu câu chuyện tìm mộ mang nhiều màu sắc huyễn hoặc của một sĩ quan VNCH.

 

Bà Hải kể, ngoài đấy có tổng cộng bốn ngôi mộ. Cái ngôi mộ mất bia ngoài đấy mà các anh tìm là: Phạm Văn Thành ở tận Phnom-Penh. Ngôi còn bia tên là Ðặng Văn Thương, ở Quận 4. Ông bị suối cuốn mộ mất bia tôi không biết tên. Một ông thì người nhà bốc về rồi. Ông ấy tên là Phan Văn Ở, tôi còn nhớ là nhà ở số 57, đường Nguyễn Khoái trong Sài Gòn. Tôi là dân kinh tế lên, từ lúc lên đây trước nhà tôi đã có bốn ông ấy nhưng con gái tôi nó không biết anh ạ. Năm trước nó về xuôi ở Quỳnh Phụ - Thái Bình học nghề may. Nó đi coi thầy ở Quỳnh Hương vì việc cưới xin, thầy nhìn nó rồi bảo: "Ngoài nhà mẹ cô có bốn ngôi mộ, họ tù đày ở đấy, quê người ta ở xa lắm. Về bảo mẹ cô nhớ hương khói, người ta phù hộ cho". Con gái tôi điện về hỏi mẹ. "Anh xem có linh không ? Tôi mua cả bảy thước vải hàng mã về đốt, ngày nào cũng thắp hương. Ít hôm cô con lại điện về bảo. Mẹ ơi thầy nói vài hôm nữa có người nhà của người ta ra bốc mộ. Thế mà anh con ông Ở ra thật đấy, đi một mình, tìm đúng nhà tôi, tôi đưa anh ra nhận mộ bố, anh khóc kể như giời mưa: Mười bảy năm con không một lần nằm mơ thấy bố, mấy tháng nay đêm nào con cũng mơ thấy bố. Bố linh thiêng phù hộ ngày mai con đưa bố về nhà ! Anh con ở nhà tôi một đêm. Năm sau có bao xe đưa cả mẹ và họ hàng ra đây cảm ơn tôi. Bà mẹ tên là Lở, trước khi về có đặt lên bàn một triệu đồng. Tôi nhất định chỉ lấy một trăm nghìn bạc. Chuyện là thế anh ạ. Năm sau nữa bà Lở có mời mẹ con tôi vào Sài Gòn ở chơi nhà bà. Trước khi chết vì bệnh ưng thư ở nước Mỹ bà Lở còn để quà, bảo với anh con trai là nhất định phải gởi ra".

 

Trong ánh sáng bình minh trong suốt của vùng Thượng Du đất Bắc, chúng tôi chỉ có mỗi hối tiếc là không ra được nơi này sớm hơn, nếu sớm hơn ít năm chắc còn kịp níu giữ danh tính của những mộ đã bị quên lãng suốt 31 năm.

 

Trở lại đồi Cây Khế, tôi nhờ anh xe ôm mua ít lễ vật, hương nến. Giữa trưa, tôi, vợ chồng bác Huyên, anh xe ôm và những đứa trẻ chăn trâu cùng thắp nén hương dâng lên những linh hồn người lính năm ấy dù nay có còn tên hay đã mất tên. Những đốm lửa rất nhỏ không đủ ấm đồi Cây Khế !

 

Cầu nguyện cho các vong linh còn ẩn khuất được sớm trở về nhà. Chúng tôi tin, chỉ khi nào những linh hồn của các bên liên quan trong cuộc chiến tranh cũ thất lạc về được trong vòng tay hương khói của gia đình, chừng ấy bao nỗi oan khiên sẽ tan. Sẽ không bao giờ có sự bình an đúng nghĩa cho một cá nhân, một dân tộc nếu cho đến tận hôm nay đêm đêm vẫn còn những linh hồn khóc giữa núi lạnh. Người lính VNCH cũng ra đi vì lý tưởng yêu nước chân thành. Một dân tộc cao thượng không có núi lạnh.

 

 

TRẦN TIẾN DŨNG

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

 

website counter