CÁI SƯỚNG Ở ĐỜI
(Huy Phương)
Ở đây tôi không dám
bàn tới cái sướng của nền văn
chương "miệt dưới" đang làm ầm
ĩ trên báo chí, mà cụ Trạng Quỳnh
xưa kia cũng đã tham gia bằng các câu
nói lái, "may cái tóc" và
"sương cho sáo". Cũng có người
hiểu lầm tứ khoái là bốn món tầm
thường như cái loại ăn, ngủ ..,
và chúng ta cũng nghe bốn cái sướng
của người xưa:
"Cửu hạn phùng
cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng kiến danh đề !"
Thường thì chúng ta nghĩ
thì trong bốn cái sướng của cổ
nhân, trừ cái sướng thứ ba là
cái sướng của xác thịt, còn ba
cái sướng kia thuần là
sướng tinh thần. Nhưng Lâm Ngữ
Đường thì lại phản bác sự
phân biệt ấy, ông cho rằng không thể
phân biệt cái sướng tinh thần và
cái sướng vật chất vì phân biệt
như vậy là không đúng. Lạc
thú thuộc về cảm giác, cái cảm
giác khi được ăn ngon và cái cảm
giác vui sướng khi đọc được một
bài thơ hay có khác nhau không
? Con người nhờ cảm giác mà thấy
lạc thú ở đời. Nhờ
cái gì mà ta có được cái cảm
xúc cao cả, đẹp đẽ nhất, nếu
không phải là giác quan. Thưởng thức
âm nhạc là cái thú thanh cao, nhưng nhờ
vậy là vì chúng ta có
giác quan, mà dùng tới giác quan
là dùng tới vật chất rồi.
Nhà văn Thoreau thì thích
nghe tiếng dế kêu, Whitman thì có
cái thú nhìn, nghe và ngửi mùi tuyết
rơi. Ông Kim Thánh Thán, nhà
phê bình của Trung Hoa thì cho rằng những
lúc tinh thần và cảm quan liên hệ chặt
chẽ với nhau, là những lúc sung sướng
nhất. Trong ba mươi cái vui của ông Kim, thiết
nghĩ chúng ta có lúc cũng đã
có như : -mùa hè nóng nực, trời bỗng
đổ cơn mưa, - mưa dầm suốt tháng,
sáng nay trời bỗng hửng nắng, - đêm
xuân uống rượu, có người đem
pháo ra đốt,- mua được một món
đồ nhỏ muốn mua ở ngoài chợ trời,
- có tiền cho bạn nghèo mượn lại mời
bạn ở lại uống rượu với mình, -
ngẫu nhiên cất được nhà lớn,
hoàn tất nhà và có bạn bè tới
chơi đông đủ .. Tôi thích nhất ba
cái thú của ông là: - đêm
đông, mở cửa thấy tuyết rơi ngập
đầy ngoài sân, - xa quê lâu ngày trở
về, nghe bà con nói tiếng quê hương,- mở hòm rương cũ, vô
tình tìm được một bức thư của
cố nhân. Nhưng ông cũng có những
cái thú rất lạ: - lở trong chỗ
kín, thỉnh thoảng lấy nước nóng ra rửa,
- nếu đi tu mà cho ăn thịt, thì cạo
đầu cũng thú, - sáng sớm nghe tin một
thằng vô lại trong xóm mới chết
đêm qua, - đêm nghe chuột phá, bỗng
nghe tiếng mèo đuổi chuột.
Ông lại khoái thấy diều
đứt giây (!), thấy cảnh đốt cỏ
ngoài đồng, mở cửa cho con ong bay ra
ngoài; làm quan mà tới giờ bãi việc;
thấy viết chữ triện lớn; trả hết một
món nợ. Nếu lạc thú ở đời
như ba mươi cái thú của Kim Thánh
Thán thì chúng ta đâu có tìm
đâu xa mà ở ngay trong cuộc sống, mỗi
ngày cũng hưởng được dăm ba
cái thú, đâu đến nỗi để cuộc
đời khó khăn, băn khoăn, mặt mày
nhăn nhó như "khổ vì bệnh trĩ".
Cái sướng như bông hoa nở
rộ trong vườn, cũng dễ kiếm. Mua được một món hàng ưng
ý, tìm được một cuốn sách cũ,
nghe một người bạn cố tri, lâu không gặp
gọi lại để lời nhắn trong máy.
Ông Viên Linh có nói: "Đọc
được một bài thơ hay, sướng cả
một ngày !" Theo
tôi, sướng cả hai ba ngày cũng chưa chừng.
Có khi nghe được một bản đàn
hay, thấy một phong cảnh đẹp tráng lệ
hùng vĩ, sướng đến ứa
nước mắt. Thấy một giò lan đẹp
đã sướng, thấy được một
người đẹp cũng sướng chứ sao ! Cũng có lúc
tình cờ mở radio, nghe được một
bài nhạc hay, lại do một ca sĩ mình
ưng ý hát, cũng thấy sướng lâng
lâng. Chúng ta đâu kém
người xưa. Xưa có cái sướng
xưa, thì nay ta cũng có cái sướng
nay:
- Buổi sáng ra phố thấy giá xăng xuống
thấp, bình xăng cũng sắp cạn, trong
túi còn đủ tiền, đổ một
bình xăng đầy. Chẳng khoái ư ?
- Trong một buổi họp mặt bạn
bè, đang nói chuyện rôm rả, bỗng
thèm hít một hơi thuốc, sờ túi,
đứng dậy. Thấy hai bạn khác "đồng
bệnh tương lân", cười cười, cũng đứng dậy ra theo. Chẳng
khoái ư ? (cái
sướng này làm tôi nhớ tới ông
Ngô Mạnh Thu và Phạm Quốc Bảo)
- Xuống phi trường, gặp thằng
bạn cũ ra đón, tóc đã bạc
phơ, nhưng còn khỏe mạnh, tươi tắn.
Chẳng khoái ư ?
- Những hôm trời Cali âm u trở
rét, đi với bạn hiền ăn được
một bát phở ngon, uống được một
ly cà phê pha đúng, hay thưởng thức một
tách trà thơm. Chẳng khoái ư
?
Sướng theo lối này, tôi cam đoan
chúng ta tìm ra cả trăm cái "chẳng
sướng ư" cho đời bớt khổ
? Trong đó cũng có cái sướng
phải la lên: "Ôi ! sướng quá !", nhưng cũng
có cái sướng làm cho chúng ta lặng
người đi và rơm rớm nước mắt
!
Là người sinh sau, đẻ muộn,
luận về cái sướng, tôi trách cả
hai ông Lâm Ngữ Đường và Kim
Thánh Thán. Ông Lâm Ngữ Đường
thì nói rằng: "Sau một bữa ăn ngon,
tôi ngả người trong chiếc ghế bành,
chung quanh không có một người nào
mà tôi ghét cả, cùng nhau mạn
đàm bâng quơ ..". Vậy,
nếu không để bụng ghét ai, có phải
mình dễ tìm cái sướng hơn không ? Còn ông Kim Thánh
Thán thì sáng sớm thức giấc, nghe
đêm qua con người giảo quyệt, mưu
mô nhất trong thành vừa chết, ông
bèn "chẳng khoái ư ?".
Đã là con người với nhau, tôi trộm
nghĩ, có thằng giảo quyệt
ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng
dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy
sung sướng được, như thế chẳng
hóa ra bất nhân !
Tôi còn nhớ bài thơ học thuộc
lòng "Nghỉ Hè" ngày trước:
"Sung sướng quá giờ
cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về .."
Đó là cái sung sướng của
tuổi thơ khi niên học vừa chấm đứt.
Giá mà quí cụ lúc ra đi cũng
có cái sướng như vậy, có gì
sướng bằng "giờ cuối cùng
đã hết !", khi con cháu đầy
đàn, nhiệm vụ đã xong !
HUY PHƯƠNG
(Sưu Tầm Liên Mạng)