|
XIN ĐỜI MỘT NỤ CƯỜI ( Ngày 6/10/2006 Tháng Tư, 1985, kỷ niệm 10 năm ngày
Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Truyền
thông Mỹ sửa soạn rầm rộ để thực
hiện các phóng sự, cùng những cuộc
phỏng vấn hầu ghi lại một khúc quanh lịch
sử khó quên của đất nước
và quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến
Việt Nam. Trên đường lái xe đến sở
làm, suốt những tuần lễ đó,
lúc nào mở radio lên tôi cũng đều
nghe được các lời phân tích cũng
như nhận định về chính sách
cùng đường lối của người Mỹ
khi họ quyết định đưa quân vào
để bảo vệ miền Nam VN. Ngoài
những lời phát biểu chua cay của một số
cựu viên chức chính quyền thời tổng
thống Nixon và Ford, còn thì hầu hết
đều là những câu trả lời ngớ ngẩn
và không chính xác. Thì ra, chỉ
mới có một thập niên mà người
ta đã quên đi tất cả ?
Quên hay không muốn để ý tới, đối
với tôi lúc đó đều có ý
nghĩa giống nhau Là một người cố vấn
về di trú và tỵ nạn của cơ quan thiện
nguyện USCC thời bấy giờ, tôi được
mời vào thuyết trình về đề
tài "Người Tỵ Nạn VN" tại một
lớp học của trường UCLA. Trước khi bắt đầu
câu chuyện tôi đưa ra ba câu hỏi để
thăm dò xem trình độ hiểu biết của
các sinh viên về vấn đề VN vào thời
điểm đó cũng như trước năm
1975. Câu hỏi đầu tiên là "có
bao nhiêu bạn sinh viên trong lớp học này
biết người Mỹ có tham dự vào chiến
tranh VN ?". Hầu hết cả lớp
đều giơ tay lên. Nhưng khi
tôi hỏi vậy nước Mỹ ủng hộ miền
Bắc hay Nam VN, thì tất cả đều ngơ
ngác, chỉ còn có hai người đưa tay xin trả lời. Một nói rằng
Mỹ ủng hộ quân đội miền Bắc,
còn sinh viên kia thì nói người Mỹ
chống cả hai ! Câu hỏi kế tiếp "có bao nhiêu
bạn biết được lý do về sự hiện
diện của người tỵ nạn VN trên đất
Mỹ hiện nay ?" Có 6 người
giơ tay tình nguyện trả lời, nhưng chỉ
có một dùng chữ tỵ nạn (refugee)
còn 5 sinh viên kia thì cho là người Việt
đến HK vì muốn tìm một cuộc sống
tốt đẹp hơn (looking for a better life), người
khác thì bảo cũng như các di dân từ
Mễ Tây Cơ muốn trốn vào nước Mỹ
mà thôi. Ba em kia trả lời giống nhau rằng,
cha mẹ các em cho biết, đa số người Việt
sống ở Mỹ một cách bất hợp lệ ! Cả lớp học gần 30 sinh viên, mà chỉ
có một người biết dân VN đến HK
vì lý do tỵ nạn. Vậy thì làm sao
mà họ có thể hiểu nổi những đắng
cay, chua xót của một khối người
đã phải chấp nhận bao hiểm nguy, trăm
ngàn tủi nhục, bỏ lại sau lưng gia đình
và quê hương để tìm hai chữ Tự
Do. Hai chữ Tự Do đánh vần thật giản
dị, và lúc nào cũng lai láng trên
các miền đất hứa. Nhưng
nó là những gì thiêng liêng, cao
quý nhất mà hàng triệu người Việt
đang phải trả giá bằng nước mắt,
bằng máu xương, và bằng thân
xác họ. Dù đó là người
vượt thoát vào thời điểm khi
Sài Gòn vừa thất thủ, hay lang
thang qua rừng già, núi thẳm, hoặc lênh
đênh trên biển khơi. Mười năm
trước đây (1975), thời gian lúc
đó (1985) hay mười năm, hai mươi năm
sau nữa, nếu Cộng Sản vẫn còn ngự trị
trên quê hương đất nước, thì
người Việt cũng sẽ tiếp tục bỏ
nước ra đi ! Dư âm của buổi thuyết trình tại
trường đại học UCLA đã dằn vặt
tôi cả hơn một tuần lễ, nhưng
đó chính là những dữ kiện thai
nghén để tôi cho ra đời nhạc phẩm
"Xin Đời Một Nụ Cười",
đúng một tuần lễ trước ngày kỷ
niệm 10 năm mất nước. Tôi có nhờ
anh Ngô Chí Thịnh, một giáo sư Anh ngữ
dịch ngay sang tiếng Anh để đài truyền
hình CBS sử dụng trong buổi phỏng vấn chị
Kiều Chinh cùng hai người tỵ nạn Cao
Miên và Lào. Nhưng tiếc rằng đến
khi chương trình CBS được phát
hình họ chỉ dùng phần nhạc, nên
khán giả theo dõi cũng chẳng
biết ý nghĩa của bài hát. Tôi
còn nhớ câu nói cay đắng của chị
Kiều Chinh lúc đó, chị bảo "tức
quá, phải chi mình có một quyển
sách Anh ngữ viết về người tỵ nạn
VN liệng vào mặt tụi nó, để họ
biết tại sao mình phải mang kiếp sống
lưu vong" ! Tôi chỉ biết nắm
tay và nhìn lên đôi mắt
buồn diệu vợi của chị. Ngày 23 tháng 10, 2002, tôi nhận được
lời mời của một giáo sư đại học
luật khoa, ông Donald Kerwin mời tôi đến
nói chuyện với các sinh viên trong một lớp
học tại trường đại học Georgetown
University ở Hoa Thịnh Đốn với khoảng
hơn 30 sinh viên, đặc biệt là có một
em người VN. Cô cho biết đã theo cha mẹ vượt biển tỵ nạn
và sang HK định cư vào khoảng giữa thập
niên 1980, lúc cô vừa được 1 tuổi.
Tôi hỏi em là có bao giờ chia sẻ với
các bạn câu chuyện nhọc nhằn của
thuyền nhân VN cho các bạn đồng lớp
được biết hay không ? Em
trả lời "chính em còn không biết
rõ cuộc hành trình đó gian khổ ra
sao" ! Thỉnh thoảng
xem TV hoặc báo chí cô có tò mò
hỏi cha mẹ về chuyện này, nhưng mẹ
đều trả lời là "chuyện dài lắm,
kể không hết, thôi lo học đi, để
khi khác". Nhưng theo em
thì dường như có điều gì
mà mẹ không muốn nói, "hoặc cũng
có thể vì cháu không nói rành tiếng
Việt, mà mẹ thì không nói giỏi tiếng
Anh nên câu chuyện chẳng bao giờ được
bắt đầu"! Tôi chợt nhớ lại
câu nói của chị Kiều Chinh gần 20 năm
về trước, và nói thầm trong bụng
là "tức quá, phải chi mình có một
quyển sách Anh ngữ viết về 'Vietnamese Boat
People' liệng vào tay cô bé, để nó
biết thế nào là thân phận của một
gia đình thuyền nhân, cùng những gì
mà họ đã phải trải qua trên
đường tìm tự do"! Nhưng chắc chắn
không thể là một quyển, vì có thể
hàng chục ngàn em như cô bé "thuyền
nhân" nói trên đã quên hay
không biết đến ý nghĩa của những
chuyến đi "tìm chết, để sống"
mà người tỵ nạn VN đã phải trải
qua. Tháng Tư 2005, kỷ niệm 30
năm tỵ nạn. Trung
tâm Thúy Nga thu hình DVD "30 Năm Viễn Xứ"
và phổ biến nhạc phẩm "Xin Đời Một
Nụ Cười" của tôi qua ba giọng
hát Khánh Ly, Trần Thái Hòa, và Thế
Sơn. Chỉ chưa đầy một tháng sau
ngày phát hành, thì trên số báo
ra ngày 21, tháng 5, 2005, tờ Công An Thành Phố,
qua một bài viết ký tên Phương Liên đã diễn tả (trích
nguyên bản) "Quê
hương không bao giờ chối bỏ bất cứ
ai, kể cả những người vượt biên
đã tự động rời bỏ quê mẹ,
nhưng đã được lý giải rất lệch
lạc, rằng không thể sống ở đất mẹ
mà buộc phải bỏ đi như bài "Xin
Đời Một Nụ Cười' .. bài hát
này đã cố tình tô vẽ và biện
minh cho sự ra đi, trốn chạy khỏi đất
nước của những kẻ phản quốc là
đúng đắn, ca ngợi những vùng đất
nơi xứ người là mảnh đất của
Tự Do .." 30 năm sau báo chí nhà
nước vẫn gọi những người ra đi
là "kẻ phản quốc". Bài "Xin Đời Một Nụ
Cười" tôi viết năm 1985, khi cao trào
vượt biển lên cao, khi mà "đất mẹ
không chối bỏ một ai", nhưng lại bắt
hết đám "sĩ quan ngụy" vào
tù, còn người miền Nam thì đi
vùng kinh tế mới. Nhà cửa bị tịch thu, nên "không sống ở đất
mẹ, mà buộc phải bỏ đi", tôi
không nghĩ đó là những lý giải
lệch lạc. Tôi đố tác giả bài
báo trích từng câu trong ca khúc "Xin
Đời Một Nụ Cười" và tìm
được tôi sai ở chỗ nào
? Nhưng tiếc rằng chuyện
đó sẽ không bao giờ xẩy ra với chế
độ thông tin một chiều ở VN hiện nay.
Nhà nước CS chỉ lợi dụng quyền tự
do báo chí ở hải ngoại phổ biến bừa
bãi, để kết tội và vu khống. Trong
khi đó thì lại bưng bít những tin tức
từ nước ngoài gởi về quốc nội. Gần đây nhất, ngày 18 tháng 9,
2006, trên tờ Công An Thành Phố HCM,
đã phổ biến một bài báo ký
tên Phúc Huy, "chửi rủa" thậm tệ
nhạc sĩ Việt Dzũng, có một đoạn
nói về thuyền nhân tỵ nạn VN như sau
(trích nguyên bản) "Việt
Dzũng sáng tác, trình bầy hàng loạt
ca khúc phản động như Kinh Tị Nạn,
Lưu Vong Khúc .. để kích
động nạn vượt biên trái phép.
Nhiều người đã bỏ mình trên biển
cả hoặc bị hải tặc cướp bóc,
hãm hiếp, chịu đau đớn cả đời,
gia đình tan nát cũng vì tin theo những luận
điệu xuyên tạc như thế .."
Nếu CSVN thực tâm muốn tìm hiểu
chuyện này thì thử làm một cuộc
thăm dò ý kiến để xem trong số gần
một triệu thuyền nhân, có bao nhiêu
người vì nghe nhạc của ông Việt Dzũng
"xúi dục" mà xuống thuyền đi tỵ
nạn ? Hãy tạm bỏ
ra ngoài những phán quyết về tư
cách của các bài báo nói trên.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu
các thế hệ sau có hiểu được
lý do và ý nghĩa của cuộc tìm kiếm
tự do vĩ đại nhất trong lịch sử
dân tộc VN hay không ? Liệu những
người dân hoặc thế hệ trẻ ở
trong nước, nếu không được giải
thích, họ có bị ảnh hưởng bởi
những bài báo đang cố tình bóp
mép và xuyên tạc lịch sử hay không ? Làm sao để cho người
bản xứ, đặc biệt là các sinh
viên đại học ở HK hoặc các nước
tự do khác có được những tài
liệu chính xác để đối chiếu với
lịch sử cận đại về cuộc hành
trình tìm tự do đầy bi hùng của một
dân tộc không chấp nhận chế độ Cộng
Sản ? Chắc chắn không
có gì trung thực hơn bằng chính lời
tự thuật của những người trong cuộc, bằng
các nhân chứng sống và bằng tiếng
nói chân thành từ trái tim
của một con người VN đích thực với
tấm lòng nhân bản. Những câu chuyện
"Viết Về Nước Mỹ", "Chuyện
Tù Cải Tạo", "Hành Trình Biển
Đông", "Người Thương Binh VNCH"
v..v.., sẽ là những câu trả
lời chính xác nhất. Và đó cũng
là lý do tôi hỗ trợ công việc
làm hiện nay của anh Ngụy Vũ hay bất cứ
ai đang có những nỗ lực sưu tầm, dịch
thuật, phổ biến và gìn giữ những
tác phẩm văn học và nghệ thuật cho
đời ta và cho đời sau. Quá khứ dù có
buồn thảm đến đâu, dù có hận
thù thế nào, thì vẫn là lịch sử.
Mà lịch sử thì cần phải
ghi nhận một cách trung thực
và đứng đắn. Cần
phải lưu giữ và lại càng phải
lưu truyền. Kẻ nào không tôn trọng
hay cố tình làm sai lạc, chắc chắn sẽ
có tội với giống nói và quê hương,
tổ quốc. (Tháng 10, 2006) (Bai
Chuyen & VIỆT HẢI TRẦN đồng chuyển) |
||||||||||||
|
|