BẦU ƠI !
THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG !
(Chu Tất Tiến)
Tuần qua, báo chí, truyền thanh
cũng như truyền hình Việt Nam hải ngoại
đồng loạt đăng tin về cơn bão Trân Châu
tạt qua vùng biển Ðông gây tử vong cho hàng trăm
người đánh cá. Theo các bản tin do nhà cầm
quyền Cộng Sản đưa ra, còn chưa kiểm
chứng đủ, khoảng hơn 200 ngư phủ đã
bị chết, và đã kéo theo trên 200 gia đình hiện
đang lâm vào cảnh khốn khổ, nếu không muốn
nói là "khốn nạn." Thực tế, những
chữ "khốn khổ" và "khốn nạn"
kia vẫn không đủ để tả sự tiêu
điều, nỗi đau đớn, sự mất mát,
tang thương đang đè nặng trên đầu
những người vợ góa, những đứa con
mồ côi, những bà mẹ, những ông bố chỉ trông
mong vào mỗi mình người con trai làm cần câu cơm
cho cả nhà .. Cái chết bất ngờ đến mang theo
cả sự sụp đổ của toàn thể gia
đình, là năm, sáu miệng ăn, già trẻ lớn bé; là
mấy đứa con nít còn chạy rông trên bãi biển
mỗi ngày nhặt ốc, nhặt sò, chơi đùa vô
tư. Có thể là hai bố mẹ già, lưng còng, tay run vì
bao tháng ngày qua làm thợ mộc, thợ đóng tàu, buôn gánh
bán bưng .. vất vả kiếm cơm. Cũng có thể
là một cô vợ trẻ, nước mắt nước
mũi giàn dụa vì thương, nhớ, hãi hùng, lo sợ
không biết nuôi mấy thằng con còn lon ton chạy
nhảy bằng phương tiện nào đây .. Tiền
đâu mua gạo cho chúng ? Tiền đâu sắm cho chúng
bộ quần áo mới thay cho bộ đồ cũ
đã rách teng beng .. Làm gì nói đến chuyện cho chúng
đi học nữa !
Vai chính trong nhà đã chết
rồi, mất thật rồi, đã táng thây ngoài biển
khơi kia, trong bụng cá, mép đảo hoang, hay trôi
nổi dập dềnh trong làn nước xanh .. Rồi ai
sửa lại cái mái nhà bập bùng mỗi khi bão ùa tới ?
Ai xây lại cái bếp ? Ai bít khe cửa hở chắn gió
lùa mùa Ðông ? Ai cắm cọc tre chuồng heo, cột lại
dây phơi ? Trên hết, ai mang tiền về để
đi chợ ? Thằng Út đang dẫy dụa đòi
sữa. Thằng Ba ngồi trên bậc cửa, khóc lặng
lẽ, sụt sùi nhớ ba ..
Trên bàn thờ, một nắm nhang
khói mù mịt che gần kín tấm hình người quá
cố chụp từ hồi nảo hồi nào. Một bát
cơm khô. Một quả trứng luộc. Ngoài sân, vẳng
đâu tiếng khóc nức nở của chị Tư hàng xóm
cũng mất chồng. Mới cưới xong, chưa
được một năm, bụng còn đang mang
bầu to như úp thúng. Xa xa, tiếng đàn nhị kéo
nghẹn ngào trong nhà anh Năm. Bác Bảy vừa mất
cậu con trai cả, tương lai của toàn gia, niềm
hãnh diện của cả họ, vì Sáu là một thanh niên giỏi
giang, vừa biết ca vọng cổ, vừa chài
lưới thiện nghệ.
Tất cả khung cảnh ấy
đang xảy ra trên một số làng chài miền Trung,
"Trời làm cơn lụt mỗi năm, a à ơi !
Khiến đau thương tuôn tràn .." Ngày xưa,
người ta từng hát cho miền Trung nghèo khổ - nghèo
thì đi liền với khổ. Ngày nay, báo chí, truyền
thanh vừa thông báo cho hải ngoại biết tin về
cơn bão, cho biết số người chết, tả
về cảnh tang tóc của các làng chài, nhưng chưa
thấy mấy ai lên tiếng kêu gọi đóng góp cho các gia
đình đang rũ xuống như miếng vải xô
thấm nước ấy. Chưa thấy ngày gây quỹ,
chưa thấy địa chỉ gửi tiền về,
chưa thấy chương trình nào được dự
định .. để cứu người.
Bầu ơi ! Có thương
đến bí không ? Chúng ta cùng một giàn quê hương,
cùng một gốc Việt Nam, cùng hưởng một dòng
sông tưới, cùng máu đỏ da vàng .. Bầu đang nhà
cao cửa rộng, tiện nghi, mát mẻ có nhớ
đến bí đang tang thương, hoạn nạn không ?
Xin được gửi vài hàng
đến những người, những tổ chức
vẫn thường làm việc thiện nguyện, vẫn
hằng tâm, hằng sản giúp người nghèo và khổ
ở quê hương. Nhất là các hội ái hữu
miền Trung, Quảng Nam-Ðà Nẵng, Huế, hay hội Cà
Mau .. Hãy tưởng tượng đến nỗi đau
xảy ra cho chính mình mà bắt tay vào hành động. Quá
bận, không thể làm gì được, thì gửi chút
tiền, hai ba chục, một trăm .. cho những con người
được gọi tên là "bất hạnh"
ấy. Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc
cứu cho một người .. Xin những trái tim mang
chữ "Từ Bi" của Ðức Phật, mang
chữ "Bác Ái" của Chúa Giê Su hãy thể hiện
những ý nghĩa của câu kinh nhật tụng trong lúc
khẩn cấp này.
CHU TẤT TIẾN
(Việt
Hải Trần & Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)