GIAO THỪA
(Nguyễn Ngọc Tư)
Đã thấy mấy vạt hoa vàng
loè xoè, đã thấy những trái
dưa hấu bóng mẫy thẫm xanh chất tầng
tầng trên chợ. Thế là Tết thật rồi.
Tết cứ làm người ta nao lên nôn
nóng ngóng chờ, rồi lại nuối tiếc
cho tuổi xuân qua. Chợ Tết chạy dọc theo
các vỉa hè quanh ngã năm, bán
toàn dưa với hoa. Vô tình chỗ Đậm
bán đối diện với khu nhà đẹp nhất,
cao nhất và sầm uất nhất thị xã.
Sau lưng, cách một lớp chì gai oặt quẹo
là một bãi cát trống, cỏ xanh theo
gió chạy líu ríu từng triền, từng
triền mải miết. Cánh bán dưa ra chợ
từ 20 tháng chạp, chở từ sáng tới
khuya, hịch hụi. Lúc nghỉ mệt tay chống
hông ngó qua. Những
ngôi nhà cao. Những bảng hiệu sặc sỡ.
Đèn đủ thứ mầu. Sang quá. Người
ta đợi tết để trang hoàng cho thật
đẹp, mà càng đẹp thì cánh
bán dưa trong ruộng ra càng buồn. « Biết
chừng nào mình xây được cái
nhà cỡ đó hen ? » . « Bán dưa,
làm ruộng cỡ 40 năm ». «Giỡn
hoài, cỡ đó thì xuống lỗ rồi
còn gì » . « Ừ » ..
Chỗ Đậm ngồi dưới tán
cây còng bị tỉa nhánh chỏng chơ
như bàn tay cụt. Bên trái là vạt
bông của ông Chín từ miệt Sa
Đéc xuống. Và chỉ Đậm là ngồi
bán một mình chứ người ta chồng vợ
đùm đề, xoong nồi lủ khủ. Ngày
đầu cô chất dưa chưa khéo, dưa cứ
ỷ mình tròn, lăn lông lóc ra đường.
Dưa lăn, người hì hục đuổi theo.
Xe cộ giáp Tết đông nghẹt, người
ta cười, người ta cằn nhằn. Tủi cực
trào lên như người ta nhận cái
thùng vô lu nước đầy. Đậm lầm
lũi khóc nghẹn. Đậm 29 tuổi, hơi
đen, trên khuôn mặt lam lũ còn sót lại
chút duyên ngầm. Chưa thấy chanh chua như
đã từng quen chợ. Lúc chở dưa ra,
có anh chàng trẻ tuổi cao lỏng khỏng,
nước da đen lùi, lúc cười chỉ thấy
hơi hới hàm răng, chạy tới làm
giúp. Kéo tấm ni-lông che nắng, chặt mấy
cây chuối đem ra bao lại cho dưa khỏi
lăn, anh chàng cũng giúp. Đậm nằng nặc
bảo thôi đi, anh chàng cãi cố:
«Tôi tiếp cho, có sao đâu». Quần
anh chàng lấm nhớt, tóc bù xù đỏ
quạch như rễ vú sữa. Già Chín
bán bông thắc mắc :
- Con gái ơi ! Bác thấy thằng
đó hiền khô hà, ai vậy ?
Đậm bảo:
- Tên Quí, chạy xe lam, ở xóm
thôi, bác à.
- Chà, giỏi, tốt thiệt. Làm hăng vậy
tính kiếm tiền để cưới vợ hả
?
Anh chàng nghe lóm, cười chéo mắt:
- Có ai đâu mà cưới, bác.
Ông Chín cười khà khà, vuốt
chòm râu cụt ngủn.
Cái nắng xuân kỳ lạ, không gay gắt
đỏ, không nhàn nhạt như nắng chiều
hè mà vàng thắm thiết như mầu
bông sao nhái. Bấc lồng lộng lẫy qua từng
ngọn cỏ sau chợ, mang theo mù mịt cát. Mặt
mũi đầu tóc Đậm lúc nào cũng
nham nhám như hột me rang cát. Người ta quần
là áo lượt kìn kìn chạy qua
mà chợ dưa với hoa vẫn chưa sôi động.
Năm nay dưa trúng mùa cả núi vầy
ăn gì cho hết. Người ta nán đợi
tới ngày rước ông bà, lúc
đó coi dưa có rẻ hơn bây giờ
không. Những người bán ngồi chéo
queo, buồn teo. Bông vạn thọ, bông cúc
trái nết nở bung từng khóm, lái
bông than như bọng : «Năm nay chắc thua rồi».
Đậm bắt chước cánh lái
dưa xóm Vàm Xáng, đi chợ mua xấp liễn
dán dưa cho bắt mắt khách, tiện thể
mua cho bé Lý bộ đồ. Mứt gừng, mứt
dừa ở nhà má làm rồi để coi
mua gì thêm. Má thì thích bánh ngọt.
Con út thích cắn hột dưa, Đậm mua mỗi
thứ vài trăm gam. Về khui ra thấy bộ đồ
bé Lý hơi lớn, nhưng không sao, lớn
thì mặc tới năm sau. Già Chín hỏi :
«Đồ ai mà bây ôm ấp vậy
?» . Đậm bảo của con gái con. Hỏi
thêm một chút về ba của đứa nhỏ,
Đậm cúi mặt thưa : «Không
có». Nghĩa là không có. Ông
Chín không phăng tới nữa. Ông già rồi,
lăn lộn trên đời, ông biết chắc
có chi lầm lỡ. «Con lầm lỡ tới mức
phải bỏ nhà đi luôn đó, bác
Chín à. Tới lúc ba con buồn rồi chết,
má mới rước con về. Bây giờ,
có cực khổ thế nào con cũng ráng chịu,
miễn sao năm tháng cuối đời má con
vui. Mà, chắc bù bi nhiêu cũng không
đủ». Sau này, Đậm mở lời. Giọng
Đậm khao khao. Cô thấy mình giống như
cỏ ven đường, người ta đi qua đạp,
đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống
cỗi cằn.
Những mùa lam lũ. Những mùa cực nhọc.
Một mình chống chọi. Đàn ông con
trai coi được một chút mới lòng
vòng ở ngoài đã nghe thiên hạ rần
lên : «Thứ gái hư đâm đầu
vô làm gì ». Ai mà muốn, chỉ tại
còn nhỏ, thấy gió yêu gió, thấy
hoa yêu hoa, đam mê bồng bột. Nghĩ
mình học chưa tới đâu nhưng là học
những bài học bự nhất, đắt nhất.
Đếm đi đếm lại chỉ còn
Quí, khi biết được còn mỗi Quí
thì Đậm đã sắp 30. Nhà Quí ở
Lung Giữa, Quí gửi xe sân nhà cô.
Làm một vài chuyện nhỏ như chở
Đậm đi chợ không lấy tiền, tiếp
Đậm cất cái nhà củi .. thì cho
là có qua có lại đi. Nhưng ánh mắt
Quí ngày càng nồng nàn trói buộc,
bắt Đậm phải day dứt giữa nỗi
khát khao và tủi hổ. Quí trai tơ,
chưa vợ, lại nhỏ hơn Đậm gần 4 tuổi.
Nhưng Quí tốt quá, rất tốt. Má
Quí già rồi, than với Đậm hoài,
có một mối trong Nhà Phấn Ngọn, coi
được lắm, vậy mà biểu thằng
Quí cưới vợ mà nó hổng nghe,
làm như nó còn chờ ai đâu.
Thời gian bị người ta chở kĩu kịt
đi. Khiếp, mới đó đã 29 Tết.
Bánh mứt, dưa hành, quần mới, áo mới
như nước tràn lên phố. Đây
là một thời điểm rộn rịp nhất,
phơi phới nhất trong năm. Tết này
không có 30, 29 rồi tới mùng một,
như người ta bước hụt, thấy thiếu
một ngày. Những khóm vàng hoa của
ông Chín nở sớm từ 24, 25 đã ngả
mầu vàng sậm. 4 giờ sáng, ông đi qua
bên kia đường gánh nước về
tưới, than : «Thời tiết năm nay kỳ cục
quá» ông vấn điếu thuốc, phà
khói bảo : «Con biết không, nghề
bán bông tết cũng như bán lồng
đèn Trung thu, qua rằm tháng 8 có cho người
ta cũng không thèm lấy. Buôn bán kiểu
vậy như con gái có thì, qua rồi,
khó lắm ..» Ông nói tới đây,
thấy Đậm ngẩng đầu ngó sao muộn,
ông thôi không nói nữa. Đậm nhớ
con gái quá. Nghe Quí đem đồ về lại
đem tin ra bảo : «Bộ đồ bé Lý mặc
vừa lắm, nó đòi ra với Đậm.
Buôn bán như vầy cực quá, chở
nó ra đây, tội nghiệp ...». Rồi
Quí bảo mớ bông mồng gà Đậm
gieo sao mà khéo quá, bông đỏ bông
vàng trổ ngay Tết.
Đó là lúc chờ sáng, còn rỗi
rãi xẻ dưa mời nhau, chứ ngày 29 là
một ngày tất bật, nói theo dân
đá banh là thắng với thua. Người mua
xúm xa xúm xít. Mới một buổi
đã lử lả, Đậm một mình phải
coi trước coi sau. Tưởng dưa hấu đắp
đập ngăn sông mà đã vợi đi
quá nửa. Nhưng chắc phải đợi cho tới
giao thừa. Người ta chờ tới đó sẽ
rẻ nữa. Chạy xong mấy chuyến xe buổi
sáng, chiều Quí lại giúp. Từ bến
xe lam lại đằng chợ chừng 100 m. Quí
kêu : «Có ai mua nhiều, Đậm hứa
đi, tôi chở tới nhà cho». Đậm thấy
vui, phần thì bớt lo dưa ế, phần thấy
nao nao trong lòng. Cái không khí đẹp thế
này, ấm thế này, không vui sao được.
Quí hỏi : «Nhà Đậm có gói
bánh tét không ?». Đậm hỏi lại
: « Có, mà chi ?». « Tôi cho, má
tôi gói nhiều lắm ». Quí mặc
áo đứt mất tiêu cái nút trên,
lồ lộ ra mảng ngực ráp nắng. Trong Đậm
nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức
khó tả, chỉ mong nép đầu vào
đó để quên nhọc nhằn, để
quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời.
Lúc ngẩng lên được đã
năm mới mất rồi. Nghe được tiếng
trống giao thừa vọng về từ trung tâm thị
xã. Ở đó có một lễ hội thật
tưng bừng. Ông Chín đốt 6 nén nhang,
chia cho Đậm nửa, biểu : «Con cúng giao thừa
đi. Cầu an khang, sức khỏe, cầu năm tới
giàu hơn năm nay». Mùi nhang thơm trong
gió sực lên mũi Đậm một nỗi nhớ
nhà. Dù đây về đấy chưa tới
một tiếng đi xe. Ở chợ, người muốn
về trước giao thừa thì đã bán
thốc tháo để về. Những người
còn lại cũng cố dọn dẹp làm sao
mùng một có mặt ở nhà, pha bình
trà cúng tổ tiên. Ông Chín đứng
chỉ huy cho con trai ông bưng mươi chậu hoa
còn lại lên xe hàng, quyến luyến :
«Hồi nãy con tặng bác dưa ăn, giờ
bác tặng lại cho con với cậu nhỏ hai chậu
cúc đại đóa này. Năm tới,
bác có xuống không biết được ngồi
gần cháu như vầy không. Cha, đây về
Sa Đéc chắc phải nhâm nhi dài dài
cho đỡ buồn quá».
- Dạ, bác về mạnh giỏi, ăn Tết
cho thiệt vui.
Đậm vén tóc, cười, thấy
thương ông quá. Ông Chín leo lên xe
còn ngoắc Quí lại nói thì thào:
«Ê cậu nhỏ, tôi nói cậu nghe,
ông bà mình có câu: Ra đường thấy cánh hoa
rơi. Hai tay nâng lấy, cũ người mới ta. Mạnh dạn lên, cậu
thương con gái người ta mà cà lơ
phất phơ thấy rầu quá. Cháu Đậm,
thấy vậy mà như trái dưa, xanh vỏ
đỏ lòng». Nói rồi xe vọt đi, mấy
người nữa lên xe vỗ vào thùng xe
thùm thùm như gửi lại lời chào tạm
biệt. Khói xe xoắn ra từng ngọn tròn
tròn như con cúi. Đậm lui cui quét dọn
chỗ của mình, hỏi:
- Ông Chín nói gì vậy?
- Đâu có gì - Quí cười bối
rối.
- Về nghen, chạy xe chất đồ chở về.
Biểu Quí đứng chờ mà không nghe,
vì tôi mà ngày nay Quí bỏ mấy mối
xe, uổng quá.
- Đâu có gì còn 31 trái
dưa...
- Tôi tặng Quí chục trái ăn
dài dài.
Quí cười :
- Nhà tôi đơn chiếc, có mấy
người đâu, ăn gì nhiều vậy.
Những chiếc xe vẫn nối đuôi nhau chạy
về phía đại lộ. Lễ hội giao thừa
vẫn chưa tan, chưa muốn tan. Người ta vẫn
muốn cùng nhau đi hết Tết này. Một
vài anh bạn trẻ chạy xe qua, gọi Đậm:
«Nhanh lên chế ơi, trễ rồi. Tết
đâu có đợi». Lúc Đậm
lên xe thì đã qua lâu giao thừa, Đậm
ngồi đằng trước ngang với Quí. Xe ra
khỏi thị xã, con đường nhỏ lại,
vắng hoe. Đậm ngoái lại nơi cô từng
nếm sương, nếm nắng, nghe gió. Những đóa
cúc sau sàn xe rung rinh những sắc mầu rực
rỡ. Quí bảo:
- Đậm biết cúc đẹp gì
không ?
Đậm lắc đầu. Quí cười:
- Lòng chung thủy. «Diệp bất ly chi, hoa bất ly
đài».
- Ai nói với
Quí vậy ?
- Bác Chín.
Năm tới, tôi trồng cúc đi bán với
Đậm nghen.
Đậm muốn cười,
rất muốn cười mà sao nghẹn lại.
Làm sao vượt qua những trở ngại trong
lòng người. Hai bên đường rập rờn
hoa dại. Những đống lửa rơm còn nghi
ngút khói, bọn trẻ cơi lên khoe áo
mới rồi mỏi mòn đi ngủ.
Quí cho xe chạy thật
chậm, nghe gió thổi qua lỗ tai lạnh
quánh. Lạnh như khoảng chiếu nửa
đêm Quí chạm tay vào, tượng lên
một nỗi nhớ rờn rờn lúc mờ
lúc tỏ. Những nỗi nhớ phơ phất
mái tóc một người, đôi mắt một
người, dáng dấp một người. Đến
tỉnh dậy vẫn còn bồng bềnh như
khói. Quí nhìn Đậm, ánh nhìn rất
lạ. Anh không biết vì một nỗi gì
mà tới bây giờ anh chưa nói lời
thương với người ta. Anh không ngại đứa
con, anh không ngại chuyện lỡ lầm xưa cũ,
tuổi tác cũng không thèm nghĩ đến.
Cô luống cuống khi thấy chiếc xe chạy chậm
dần:
- À... Ờ... Tết
này nữa, Quí bao nhiều tuổi rồi ha ?
Quí im lặng, dừng
xe hẳn. Lúc này anh thấy cần nắm lấy
bàn tay lạnh tái của Đậm, rất cần.
Khi ấy giao thừa đã đi qua lâu, lâu lắm
rồi nhưng rõ ràng vẫn chưa hết Tết.
Mai là mùng một.
NGUYỄN NGỌC TƯ
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)