Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | TA.P GHI | TA.P GHI (tt) | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | SU'U TÂ`M .. TIN | NU. CU'̉'I VA(N HO.C | P.P. Slideshow

BÀI VIÊ'T 6

Từ tiếng Việt trên xứ người đến ngôn ngữ và lưu vong

 

Từ tiếng Việt trên xứ người đến ngôn ngữ và lưu vong

(T.Vấn)

 

 

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời...

(Tình ca- Phạm Duy)

 

1.

Tiếng Việt trên xứ người. Đó không phải là trăn trở chỉ của một số người viết lách ở hải ngoại, mà còn là mối ưu tư hàng đầu của nhiều những bậc cha mẹ có con cái sinh trưởng ngoài đất nước.

 

Dù có cố gắng cách mấy trong việc bảo tồn tiếng mẹ đẻ, thì những người trẻ vẫn cứ xử dụng ngôn ngữ nơi mình sinh sống như là ngôn ngữ chính, còn ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Việt) trở thành "ngôn ngữ thứ hai" (second language). Hồi xưa, cha mẹ chúng bỏ nước ra đi, đến xứ sở mới phải học ngôn ngữ địa phương như là ngôn ngữ thứ hai (thí dụ: English as a second language - ESL - lớp học này chắc chẳng xa lạ gì với hầu hết thế hệ thứ nhất người Việt định cư trên đất Mỹ). Bây giờ thì ngược lại. Hệt như thế hệ thứ nhất nói tiếng bản xứ bằng chất giọng đặc sệt Việt Nam, thế hệ thứ hai, thứ ba (con cái chúng ta) nói tiếng Việt bằng chất giọng lơ lớ của dân bản xứ. Lớp già chúng ta khi phát biểu một câu nói bằng tiếng bản xứ, vốn có thói quen suy nghĩ ý tưởng của câu nói ấy bằng tiếng Việt ở trong đầu trước, rồi mới chuyển chúng sang tiếng bản xứ khi nói chuyện (lâu hay mau của tiến trình chuyển ngữ ấy tùy thuộc vào khả năng sinh ngữ riêng từng người). Còn con cháu chúng ta khi cần nói một câu bằng tiếng Việt, phần lớn cũng sẽ có thói quen như cha mẹ chúng, nhưng ngược lại: suy nghĩ bằng tiếng bản xứ, rồi chuyển ý tưởng ấy sang tiếng Việt.

 

Đấy là nói về những người trẻ còn nói được tiếng Việt, còn đọc được tiếng Việt, còn viết được tiếng Việt. Còn những người, thậm chí đến không nói được tiếng Việt nữa thì sao ? Màu tóc màu da Việt Nam khiến những người trẻ ấy không bao giờ hội nhập được hoàn toàn vào xã hội bản xứ, mặt khác, không nói được ngôn ngữ mẹ đẻ khiến họ trở nên xa lạ với đất nước vốn là nơi nguồn gốc của họ phát sinh. Kết cuộc, họ trở thành những kẻ đứng bên lề. Hình như, có rất nhiều bậc cha mẹ chúng ta coi nhẹ cái bi kịch này của con em mình. Rồi đây, cái giá phải trả cho sự sai lầm ấy không phải là nhỏ.

 

Một cách tình cờ, tôi đọc được bài thơ trích dưới đây của một cô gái Việt nam, theo cha mẹ lập nghiệp ở Mỹ năm cô mới lên 13 tuổi. Và đây là tâm tình của cô gái:

 

người ta nói:

em là thi sĩ Việt nam của thế hệ cuối cùng

vì sau em,

tiếng Việt sẽ chết.

tiếng Việt sẽ chết

tôi nghe nói và không tin,

khi trở về phòng ngủ bên ngoài Little Saigon,

đặt mình xuống bên cạnh người tình da trắng,

người rất yêu tôi và yêu dân tộc tôi.

sau khi thỏ thẻ một câu 'I love you',

bỗng nhiên giận vô cớ

và làm tình với hắn trong tất cả căm hận của giống người da vàng.

 

tiếng Việt sẽ chết

tôi nghe nói và không tin,

khi hớn hở tới hộp đêm gặp bạn bè,

những người bạn sinh ở Phan Rang, Củ Chi, Sài Gòn, Đà Nẵng,

nhưng mang những tên Anh ngữ Pháp ngữ như Elle, Taylur, Nik, Etienne.

 

cả một đêm vui chơi nhậu nhẹt nhảy nhót,

tôi không một lần phát âm giọng mẹ đẻ.

khi hôn chia tay, tôi vang vửa một lời 'ciao'(1)

không phải chào.

 

tiếng Việt sẽ chết

tôi nghe nói và không tin,

khi len lỏi giữa dòng xe buổi chiều,

chợt vui mừng khi bỗng thấy bảng quảng cáo tiệm quần áo mới mở mang tên "Ra",

để rồi chỉ thất vọng khi hiểu rằng "ra" có nghĩa "đời sống" trong ngôn ngữ Ai Cập,

không phải tiếng nước tôi.

............ .....

 

tiếng Việt sẽ chết

tôi nghe nói và không tin.

(Đỗ Lê Anh Đào)

 

2.

Ngôn ngữ và lưu vong

 

Ngày 12 tháng 10 năm 2006, Hàn Lâm Viện Thụy Điển công bố người đọat giải Nobel về văn chương: Nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk. Bản tuyên bố quyết định trao giải cho ông của Hàn Lâm Viện Thụy Điển đặc biệt nhấn mạnh đến "cuộc truy tìm cái mảnh hồn u uẩn của thành phố quê hương" bàng bạc trong các tác phẩm của nhà văn lưu vong này. Trả lời cuộc phỏng vấn qua điện thọai của viên Tổng biên tập Trang Web Nobelprize.org chỉ vài giờ sau khi bản tin được công bố, Pamuk đã nói rằng thành phố Istanbul (thủ đô Thổ nhĩ kỳ) nằm chênh vênh giữa biên giới của Đông và Tây, nó vừa huyền bí, vừa lạ lùng và rất không khoan nhượng. Mặt khác, thành phố đó cũng là một trong những thành phố hiện đại sớm sủa của thế giới mà tính hiện đại đã suy tàn nhanh hơn là người ta tưởng. Ông cho rằng sự đổ nát của quá khứ cũng góp phần dựng nền cái hồn u uẩn ấy, cùng với sự nghèo đói.

 

Đọc những câu trả lời của nhà văn vừa đọat giải Nobel về văn chương, tôi lại chợt nhớ đến những thân phận Việt Nam lưu vong. 30 năm nay, cái mảnh hồn u uẩn của một quê hương bỏ lại sau lưng vẫn cứ bàng bạc trong hầu hết nhiều tác phẩm thành danh của dòng văn học hải ngọai. Cũng những trăn trở về một cội rễ ngày một phai nhạt dần trong những lớp người trẻ sinh đẻ nơi xứ người, hai chân đứng ở trên hai mảnh đất Đông và Tây, nhưng cái chân phía bên phía Tây dường như vững chãi hơn, có ảnh hưởng hơn và sớm muộn gì cũng làm nghiêng ngả cái chân bên phía Đông.

 

Ở một điểm khác, sự thành công của Pamuk, theo ghi nhận của Hàn Lâm Viện Thụy Điển là cái cái cách nhà văn đặt vấn đề và giải quyết những xung đột của các nền văn hóa khác nhau mà Thổ Nhĩ Kỳ tượng trưng cho nền văn hóa nằm giữa hai lằn đạn. Theo Pamuk, Văn hóa (thế giới) là một sự pha trộn. Và thành phố quê hương của ông (Istanbul) là sự pha trộn ấy.

 

Về mặt tinh thần, những cộng đồng người Việt sinh sống khắp nơi trên thế giới, theo định nghĩa văn hóa là sự pha trộn của Pamuk, cũng nằm trong phạm trù ấy. Hơn thế nữa, sự pha trộn còn đi sâu vào ngõ ngách từng gia đình, qua cách phục sức, thực phẩm ăn uống ngày, cách giao tế, ngôn ngữ xử dụng. Chỉ cần vào sinh hoạt chung với bất cứ gia đình người Việt nào sống ở hải ngoại, sẽ thấy rõ sự pha trộn "văn hóa" rất điển hình cho thế giới toàn cầu hóa ngày nay.

 

Nhưng liệu người Việt chúng ta có giải quyết được những xung đột văn hóa ấy một cách hợp lý và cân bằng không, hay, khi các bậc trưởng thượng trong gia đình nằm xuống, con cháu sẽ chôn theo quan tài họ những "tàn dư cũ kỹ" mà, theo họ, lẽ ra chúng phải được cất vào những ngăn kéo lịch sử từ lâu rồi.

 

Cũng trong cuộc phỏng vấn chớp nhoáng của viên Tổng biên tập trang Web Nobelprize.Org, vấn đề ngôn ngữ đã được đặt ra và trả lời rất trung thực giữa hai bên người hỏi và người trả lời. Pamuk nhấn mạnh đến ngôn ngữ mà ông dùng để diễn tả mảnh hồn u uẩn của quê hương ông, đó là tiếng Thổ nhĩ kỳ.

 

Không thể khác được, vì viết là kết quả của suy tưởng. Mà suy tưởng kết thành bởi hai yếu tố: ngôn ngữ và hình ảnh. Do đó, dù ông là nhà văn lưu vong, có đôi tác phẩm viết bằng Anh ngữ, nhưng căn bản nhất để xác định căn cước một nhà văn phải là ngôn ngữ ông ta xử dụng. Nói cách khác, phải là ngôn ngữ mẹ đẻ.

 

Vài năm sau, có thể sẽ có một nhà văn Việt Nam được trao giải văn chương Nobel. Nếu đó là một nhà văn Việt Nam sống lưu vong, thì chắc hẳn - như nhà văn Thổ nhĩ Kỳ 54 tuổi nhận định - phải là người xử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong các tác phẩm quan trọng nhất của mình.

 

3.

Ngôn ngữ vốn luôn luôn chuyển động. Những từ ngữ mới được sinh ra theo với sự phát triển của cuộc sống, đồng thời, một số từ ngữ cũng chìm dần vào quên lãng. Đó cũng chỉ là định luật đào thải trong lĩnh vực văn hóa. Số phận của tiếng Việt ở ngoài đất nước cũng không thoát khỏi định luật ấy. Chỉ khác một điều là vì nó tồn tại ngoài môi trường quen thuộc, nên số từ ngữ mới được sinh ra thì ít, mà số từ ngữ bị bỏ quên không dùng đến thì lại hơi .. nhiều. Chính bản thân tôi, đôi lúc đã phải lúng túng trong việc tìm một từ chính xác để dẫn giải một vấn đề nào đó. Đó là hệ quả của việc sống xa quê hương, không tiếp xúc thường xuyên với những cái rất vật chất, rất đời thường: nước, đất, thực phẩm, con người, những thứ tạo nên bản sắc một ngôn ngữ, một nền văn hóa. Đó là những khó khăn trong việc duy trì tiếng mẹ đẻ ở những người thuộc thế hệ đi trước, đến xứ người sinh sống khi ngôn ngữ ấy đã ăn vào da thịt, vào trí não.

 

Ở những người trẻ sinh trưởng tại hải ngoại, vấn đề này tưởng chừng như sẽ không có lối ra. Trong nhiều gia đình, thức ăn truyền thống cho lũ trẻ trong nhà không còn là cá kho, dưa xào, canh ngót nữa. Thay vào đó, là hambuger, french fries, coke. Những thứ này tuy vẫn có thể dịch sang tiếng Việt dễ dàng nhưng một phần do thói quen, một phần khác - quan trọng hơn - tiếng Việt (như bánh thịt băm, khoai tây chiên, nước ngọt) không diễn tả được chính xác, không tạo được cái hồn cho món ăn được nói đến. Thế nên, lựa chọn cuối cùng vẫn là hamburger, french fries, coke. Đó mới chỉ là khía cạnh ăn uống trong môi trường sống hàng ngày. Ở khía cạnh học hành, chơi đùa, giao tiếp bè bạn của những người trẻ, vấn đề ngôn ngữ (mẹ đẻ hay bản xứ) thậm chí còn nổi cộm hơn nữa. Và thế là, tiếng mẹ đẻ cứ từ từ đội nón ra khỏi nhà mà không cần tới tác động của định luật đào thải xua đuổi.

 

Tính chất pha trộn văn hóa ấy, như vết dầu loang, đi từ gia đình ra tới cộng đồng, kéo theo sự èo uột của tiếng Việt trên xứ người. Chả trách gì cô gái trẻ vừa buồn bã kêu lên:

 

tiếng Việt sẽ chết

tôi nghe nói và không tin.

 

Cũng nên công bằng ghi nhận những nỗ lực rất đáng khích lệ của các trung tâm giảng dạy Việt ngữ có mặt khắp nơi ở những thành phố lớn nhỏ nơi có người Việt cư ngụ, các nhà thờ, chùa chiền, ngoài công việc thờ phượng tôn giáo còn dùng uy tín, phương tiện sẵn có của mình để giúp các người trẻ có cơ hội rèn luyện tiếng mẹ đẻ, qua đó, làm quen và tìm hiểu thêm văn hóa tổ tiên, những lề thói tập tục cần lưu giữ, ít nhất là những gì cha mẹ chúng khi rời quê hương đã mang theo.

 

4.

Ngôn ngữ, cùng với lối phục sức và cách chế biến thực phẩm là biểu trưng rõ nét nhất cho một dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, mà cụ thể nhất là ở môi trường sống ngoài đất nước của những người thuộc dân tộc ấy. Người Việt sống xa quê hương, coi ngôn ngữ Việt như là căn cước về nguồn gốc. Quan trọng hơn, tiếng Việt ngoài đất nước còn giữ vai trò chiếc cầu nối một người xa xứ với quê hương đất nước mình. Không nói được tiếng Việt, không đọc được tiếng Việt, không viết được tiếng Việt tức là cây cầu nối ấy không còn nữa.

 

Tôi không dám nghĩ đến một ngày nào trong tương lai, 30 năm, 50 năm sau, cái khái niệm quê hương Việt Nam bên kia nửa vòng quay trái đất chỉ còn là một khái niệm rất mơ hồ, rồi từ từ biến thành xa lạ, cho đến khi nó biến mất hẳn khỏi tâm tưởng người Việt (thế hệ thứ ba, thứ tư) sống ngoài đất nước.

 

Tiếng Việt chết, cũng có nghĩa là người Việt xa xứ không còn một mảnh đất để quay về. Có ai dám nghĩ đến và tin rằng điều ấy sẽ xẩy ra?

 

T.Vấn

(1) ciao - tiếng Ý mang nghĩa chào hay tạm biệt.


(Bai chuyen)

website counter