TÔI SỢ BÓNG
MÌNH
(T.Vấn)
Ngựa về gục khóc trường
giang lạnh
Gươm súng đưa chàng
theo núi sông
(Khúc Minh)
1.
Đã lâu lắm rồi, tôi không
được hưởng cái thú vui thời trẻ
là đi dạo trên những khu phố
đông người, được ngồi bên một
mái hiên, uống ly cà phê đậm đặc
buổi chiều trời vừa đổ cơn mưa vội
vã. Dễ cũng hơn 15 năm, từ ngày tôi
rời quê đi định cư xứ người.
Nơi tôi ở là một thành phố nhỏ
miền Trung Tây. Người Việt không nhiều
lắm, mà lại ở rải rác. Hơn 15
năm nay, tôi như một kẻ sống lạc
loài, cố tìm cách thích nghi với cuộc
sống bản xứ, nhưng biết rằng, dù cố
gắng cách mấy, tôi vẫn là kẻ xa lạ.
Chiều nay, như một tình cờ định
mệnh, tôi thấy mình có mặt trên một
khu phố có nhiều người (Việt) qua lại.
Lần đầu tiên - sau nhiều năm xa xứ -
tôi đi trên một khu phố mà từ
lâu tôi chỉ nghe kể lại, hoặc đọc
đâu đó. Cũng chẳng khác lắm so với
những gì tôi được nghe kể bao
nhiêu. Nhưng, một cách kỳ lạ, những
thứ chung quanh chẳng thu hút tâm trí của
tôi nhiều lắm. Khi đập bước chân
trên những hè phố này, tôi chỉ nghĩ
về quá khứ. Về những ngày tháng chập
chững bước vào đời. Về một thời
tuổi trẻ đẹp và buồn. Đẹp
vì đó là tuổi trẻ. Buồn vì
tuổi trẻ của tôi bị bóng ma một cuộc
chiến tranh khốc liệt ám ảnh. Về những
mối tình đã qua đi. Về những cuộc
hẹn hò giữa phố đông người,
nhưng vẫn dễ dàng tìm thấy nhau. Về
những người bạn - bạn học, bạn lính.
Những người bạn mà chúng tôi
đã từng chia sẻ với nhau bao nhiêu ước
vọng đội đá vá trời. Nay, những
người tình không biết ở đâu, sống
hay chết, hạnh phúc hay đau khổ. Những
người bạn, có kẻ đã lặng lẽ
ra khỏi đời này, có người còn
vất vả quê nhà, có người mãi
long đong quê người.
Bước chân trên một hè phố
đông đúc, nhộn nhịp mà lòng
tôi chỉ nghĩ về quá khứ. Tôi hiểu
là mình đã già thật sự rồi.
Hình như có tiếng một cô gái gọi
tên tôi. Tôi giật mình quay lại.
Không phả i! Một người nào đó gọi
một người nào đó. Ảo ảnh ?
tôi dụi mắt quay bước. Nhưng cũng gặp
một người quen. Một người bạn tù
dạo còn ở ngoài Bắc. Chúng tôi bắt
tay chào hỏi nhau như vừa mới chia tay hôm
qua.
Khi rời khu phố, một cảm giác hụt
hẫng làm lòng tôi nôn nao, lo sợ. Cả
một khu phố người Việt đông đảo,
sầm uất, giàu có trên miền đất
lưu vong này không làm tôi sợ, mà
sao khi rời nó về lại nơi tôi quen thuộc,
thì cảm giác sợ hãi kia lại xâm
chiếm lấy tôi. Hay, sau bao nhiêu năm tôi
đánh mất mình giữa biển đời xa
lạ, nay tình cờ bắt gặp lại được
cái tôi lưu lạc giữa khu phố Bolsa,
tôi đã sợ chính tôi. Hay tôi sợ
bóng mình ? Nói theo lời một nhà
thơ nào đó lâu ngày tôi
đã quên. "Chiều nay tôi sợ
bóng mình".
Cái bóng của tôi. Tưởng chừng
như nó đã mất tăm giữa bao
điêu linh của 30 năm chinh chiến ngục
tù lưu vong. Tưởng chừng như nó
đã thuộc về một phần đời cổ
tích nào đó thật xa xăm. Tưởng
chừng như nó đã ngủ yên. Một phận
đời. Bao phủ bởi thật nhiều lớp
sương mù quá khứ. Hồi tưởng lại,
cái ngày tôi đánh mất bóng của
mình. Đó là một ngày ảm đạm,
ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Giữa
dòng người hốt hoảng trên Quốc Lộ
4 nối liền thành phố Sài Gòn và
các tỉnh miền Tây Việt Nam, tôi
đã cởi bộ quân phục mặc trên
người, đủ bình tĩnh để xếp
chúng lại thật ngay ngắn phẳng phiu, cẩn
thận cột giây đôi giầy trận theo
đúng quy cách quân trường, rồi đặt
chúng nằm cạnh bộ quân phục. Tôi
còn nhớ cái bóng của mình
đã đứng thật nghiêm, bàn tay
trái nắm chặt để ngón cái chạy
xuôi theo đùi chân trái, tay phải
đưa lên ngang tầm mắt, thật dõng dạc
chào một lần cuối những thứ tôi vừa
cởi bỏ trên người ở chân cầu Bến
Lức khi giọt nắng cuối cùng vừa biến
mất phía sau nhà lồng chợ quận.
Dòng người, như dòng đời, cuốn
tôi mất hút trong đó. Tôi đi về
một phía, và em đi về một phía.
Bóng tôi xiêu đổ theo cả một nửa
đất nước đổ xiêu cái ngày
tháng 4 định mệnh ấy. Ngày ấy, với
đôi chân trần rướm máu lê những
bước mệt mỏi về lại thành phố
Sài Gòn, tôi không biết rằng, rồi
đây, cũng đôi chân trần ấy
tôi sẽ bước những bước lưu đầy
trên khắp miền đất nước : Trảng Lớn,
Long Giao, Kà Tum, Suối Máu, Yên Bái,
Lào Cai, Vĩnh Phú ..
2.
Lại nhớ đến bóng em chiều cuối
cùng mình chia tay trước cửa rạp Rex.
Cái bóng tất tả như đời em.
Cái bóng còm cõi như đời tôi.
Cái bóng đã bị đám đông
nuốt chửng giữa buổi chiều, sau cơn mưa
bất chợt rất Sài Gòn. Trước
đó, chúng ta đã đi khắp các
khu phố quen thuộc một lần cuối. Để
được cùng nhau nhìn Sài Gòn một
lần cuối. Để cùng ưu tư khi nghe qua
làn sóng điện đài Phát thanh
Sài Gòn truyền đi trực tiếp buổi lễ
bàn giao Nội Các giữa Cụ Hương và
ông Minh. Những ưu tư đã bị nhận
chìm trong những chai bia 33 cuối cùng mình uống
với nhau trên vỉa hè Lê Lợi. Và
chúng ta chia tay nhau lần cuối ..
Từ bấy đến nay, đã bao lâu rồi
em nhỉ ? Hình như chúng ta đã đi gần
hết cuộc đời mà cứ tưởng
như chưa bao giờ bắt đầu. Vận nước
nổi trôi kéo theo biết bao nhiêu những anh
hùng và thục nữ. Có phải chúng ta
đã sống dật dờ như những thanh củi
mục trên dòng sông nước cạn, loay
hoay mãi cũng không qua được một bến
bờ. Cuối cùng, khi biết mình sắp chết
đuối trên những hoài niệm thì lại
quá muộn cho những lời trăn trối.
Hôm rồi, tôi có gặp lại những
người bạn cũ. Những người bạn
chưa một lần gặp kể từ ngày cuối
cùng năm ấy. Họ hỏi tôi về em. Về
con đường Bình Thới quen thuộc của
chúng ta. Bây giờ em ở đâu ? Cõi u
minh mù mù mịt mịt hay miền trần gian
như điên như dại ? Có phải tiếng
gọi tên tôi ban chiều giữa biển người
đông đúc là tiếng của em gọi
tôi về từ trong quá khứ ? Có phải
bà cụ già ngồi ngắm nắng chiều buồn
bã trước hàng hiên một cửa tiệm
trông ra khu phố Bolsa chiều nay tôi thoáng thấy
chính là em ? Có phải cô gái nhỏ
mặc cái váy ngắn trên đầu gối
vừa bước ra khỏi chiếc xe xinh xắn trước
mắt tôi kia chính là em ?
Chính
là em đó ư em ?
Mà sao lạ
cả người quen thế này ?
(Hoàng
trúc Ly)
Thực ra, từ
ngày rời nước ra đi, tôi đã
có lần quay về lại thành phố xưa,
và đi trên những con đường cũ.
Nhưng không còn ai quen thuộc ở những
nơi tôi quen thuộc ấy. Những con đường,
những quán xá đã đổi tên.
Dù vậy, ký ức còm cõi của
tôi vẫn có thể nhận ra được từng
gốc cây, từng mặt đường, từng bầu
trời cũ. Tôi cũng có về ngồi lại
chỗ tôi và em chia nhau chai bia 33 cuối cùng lần
cuối cùng của buổi chiều cuối cùng ấy
trên vỉa hè Lê Lợi. Phía cuối
đường, cũng vẫn một đám
đông, cái đám đông đã nuốt
chửng em buổi chiều hôm ấy. Và trời
Sài Gòn vẫn những cơn mưa vội
vã, vẫn những chiếc dù xanh đỏ, vẫn
những đôi trai gái đứng trú mưa
dưới hàng hiên, vẫn những bàn tay nắm
chặt lấy nhau hạnh phúc.
Qua làn nước
mưa nhòe nhoẹt trên mặt, tôi thoáng
thấy cái bóng tôi và em trong số những
đôi trai gái ấy.
3.
Chiều nay, tôi
tìm lại được bóng tôi. Chiều
nay, tôi bắt gặp lại bóng em. Cái
bóng của những hoài vọng không bao giờ
trở thành thực tại.
Chiều nay, tôi
nhìn lại tuổi trẻ đã qua đi.
Tôi ước gì mình có thể bắt
đầu lại đời mình. Chiều nay, tôi
ý thức hơn lúc nào hết, buổi chiều
là hoàng hôn.
Hoàng
hôn một ngày.
Hoàng
hôn một đời.
T.VẤN
(Sưu Tầm Liên Mạng)