BIỂU TƯỢNG
VƯỢT SÓNG
* HUY PHƯƠNG
Nhiều bạn tù khi xem phim Vượt
Sóng đã có ý phàn nàn về
cuốn phim có vài chỗ không chính
xác như thực tế họ đã trải qua. Họ bàn về y trang của
tù nhân, cảnh trại cải tạo, cũng
như chân dung những tên “quản
giáo” dường như không phản ảnh
cái thực tại qua cái nhìn của họ.
Thực ra nghĩ cho cùng Vượt Sóng không
phải là một cuốn phim tài liệu, mà
là một tác phẩm
nghệ thuật đầy
ắp biểu tượng, nhiều tâm tình
và ý tưởng của tác giả kịch bản
cũng như đạo diễn Hàm Trần.
Trong cái chế độ trên bảo dưới
không nghe, mỗi địa phương một
lãnh chúa, ba trăm trại tập trung trên
toàn cõi Việt Nam quả thực mỗi nơi một
vẻ, tuy tính chất tàn bạo là điểm
chung, nhưng chính sách cụ thế đối với
tù nhân thì mỗi nơi có phần
khác biệt. Trong khi ở các trại tù
ngoài bắc, có thể vì gần chính phủ
trung ương, gần “mặt trời,” nên
các trại tương đối còn tuân thủ
theo một vài nguyên tắc
nào đó. Trái lại, ở trong nam các
trại tù thuộc quyền địa phương,
nên luật rừng là chuyện phổ biến:
đánh đập bắn giết, tha ở, quyền
sinh sát tùy theo ngẫu hứng
bọn cai tù.
Theo lời kể thì ở một vài tỉnh
giáo viên biệt phái chỉ đi tù
vài tháng, trong khi đó ở Khánh
Hoà, khi tiếp thu chính quyền CS lưu dung tất
cả giáo sư, bác sĩ, kỹ sư một thời
gian, nhưng sau đó chúng lại đến
nhà còng tay từng người bắt đi
“cải tạo.” Ở các trại Hoàng
Liên Sơn, tôi có những người bạn
vượt trại đến ba lần, nhưng mỗi lần
bắt lại bọn quản giáo chỉ cùm
chân giam một tuần sau đó lại thả ra
đi lao động để có
cơ hội trốn tiếp. Thế nhưng ở trong
Nam, tại các trại như Suối Máu, Kỳ
Sơn, Tiên Phước, tù trốn trại nếu
bị bắt lại chúng đem ra xử bắn hết
ngày hôm sau. Thậm chí sau
các đợt học tập, chúng lại xử
tử vài người mà chúng cho là
thành phần ác ôn để dằn mặt
và khủng bổ những người tù
còn lại.
Một ông bạn của tôi nhất quyết
không tin vai cán bộ “quản giáo” do
Tuấn Cường thủ diễn là có thật
ngoài đời. Thật ra đó là nhân
vật biểu tượng tráo trở hai mặt của
những con người Cộng Sản, từ lúc
ăn nói nghe ra văn hoá, trí thức, lịch thiệp đến lúc bước
sang thô lỗ bạo tàn chỉ trong chớp mắt.
Người Cộng Sản cũng thường
sính việc trích dẫn danh ngôn của
nhà văn này triết gia nọ cho có vẻ
trí thức. Những tầm chương
trích cú mà trước đây thì
gói gọn trong văn học Pháp, do những
người trí thức tiểu tư sản theo kháng chiến truyền đạt,
còn sau này thì nhai lại những sản phẩm
của nền văn hóa Xô Viết. Chỉ đến
tận sau này khi vào Nam, thu lượm được
những cuốn sách của chúng ta mà họ
đã từng lên án là văn
chương phản động đồi trụy và
đã từng hô hào thiêu hủy theo
cái kiểu “phần thư khanh nho” của Tần
thủy Hoàng, người Cộng Sản Việt Nam mới
được mở rộng tầm mắt ra đến
những chân trời văn hoá xa rộng hơn ao
tù Nga Trung của họ.
Trong những đoạn phim mô tả trại
tù, chúng ta thấy có hai tù nhân bị
trói quặt tay vào hai cái cột
làm hậu cảnh. Hàm Trần
không hề quay cận ảnh hai nhân vật
này, và hai vai này cũng không hề diễn
xuất. Thiết nghĩ cảnh
đó không nhất thiết là một nhục
hình phổ biến trong tất cả trại tù,
nhưng nó lại gợi cho một số người
xem cảnh thập tự giá trên Núi Sọ
Golgotha. Người xem bồi hồi không khỏi
liên tưởng đến thân phận người
cựu chiến binh VNCH đang chịu khổ nạn
trên đường thập tự để chia xẻ
nỗi đau chung của dân tộc.
Nỗi đau của anh lạc em, vợ xa chồng, con mất cha giữa một xã hội
man dã mà “kẻ
gian ác đi nghênh ngang.”*
Hàm Trần chắc cũng không phải
không có dụng ý khi cho nhốt chung
Long (Nguyễn Long), một người lính có
lý tưởng và Thanh (Mai Thế Hiệp), một
tên trốn lính vào chung một conex. Thanh biểu tượng cho thế hệ sau
không mang lý tưởng quốc gia, xử sự
có phần khinh bạc, thực dụng, tàn nhẫn.
Khởi đầu Long đã tỏ
ý xem thường và khinh bỉ Thanh là một
thằng trốn lính, nhưng rồi qua thời gian
cùng chịu nhục hình trong conex chật hẹp,
mối cảm thông dần dà nảy sinh. Tuy Thanh không có lý tưởng,
nhưng không phải Thanh không nhận ra và phản
kháng lại sự vô nhân và dã man của
chế độ. Tuy Thanh thực dụng
nhưng Thanh cũng còn biết cảm động
và chia xẻ con dế, món tươi, với
Long. Tuy Thanh tàn nhẫn nhưng biết
nghe lời Long bỏ ý định giết người
đàn bà thiểu số trên đường
trốn trại. Long đã dần
đảm nhiệm vai cha anh, vừa bảo bọc vừa
dạy dỗ cho Thanh, cùng nhau tìm ra con đường
vượt thoát gông cùm.
Cũng có bạn cho rằng câu chuyện lịch
sử “Lê Lai cứu Chúa” có vẻ lạc
lõng trong toàn nội dung cuốn phim. Theo thiển
ý người viết, đoạn sử ký
này chắc hẳn biểu tượng sư hy sinh của
cá nhân cho sự nghiệp dân tộc, sự hy
sinh của những người lính cho hậu
phương, của thế hệ trước cho
tương lai thế hệ sau, trong những giai đoạn
đen tối nhất của dân tộc. Không
có sự hy sinh đó thì không có niềm
hy vọng, không có sự kế thừa, và cũng
không có những biểu tương hào
hùng can đảm làm gương sống cho nhiều
thế hệ mai sau. Trong Vượt Sóng, người
xem chắc hẳn ít nhiều ngạc nhiên khi thấy
Long trong khi đang cùng Thanh lẩn trốn nơi con suối,
bỗng dưng lại ngờ ngờ đứng thẳng
lên để nhận một viên đạn từ
sau lưng từ họng súng của kẻ truy
lùng. Nhưng nhờ đó khi bọn công an quản trại còn bận bịu với
việc nhận diện Long, Thanh đã trốn
thoát, Trong một cảnh sau, Thanh nước mắt
ràn rụa đứng dưới dòng suối nhặt
từng tầm tranh kể chuyện Lê Lai cứu
chúa. Những tầm tranh lịch sử mà Long từng
ôm ấp trong lòng trôi theo
dòng suối chảy đến tận tay Thanh phải
chăng đã nói lên sự trao truyền di sản dân tộc
và trách nhiệm đấu tranh cho thế hệ
mai sau.
Thanh có thể không ủng hộ cuộc nội
chiến Quốc Cộng qua việc tự hủy hoại
thân thể để trốn lính, nhưng Thanh
rõ ràng cũng không chấp nhận chế
độ Cộng Sản, một chế độ mà
chính Thanh cũng đã là nạn nhân, cũng
đã từng chứng kiến sự dã man
và ngu dốt của giai cấp cầm
quyền. Trong phim, Long và Thanh đã
cùng nương tựa vào nhau để vượt
thoát gông cùm trại cải tạo.
Ngoài đời, thế hệ Long và thế hệ
Thanh cũng đã dần hiểu nhau hơn, để
cùng dìu dắt nhau mưu ngày giải
phóng đất nước ra khỏi nhà tù
lớn của ngu dốt và bạo
tàn. Thế hệ trước như Long vẫn tiếp
tục cống hiến những kinh nghiệm máu
xương, những tư tưởng nhân bản,
và quyết tâm hy sinh cho nghĩa cả trao truyền
lại cho thế hệ sau, nối tiếp dòng lịch
sử của dân tộc.
Cuốn phim không dừng ở
đó. Hàm Trần
đã khá tham lam tiếp tục đưa ra nhiều
chủ đề khác trong phim. Nào là sự
xung đột giữa các thế hệ khác nhau
trong việc truyền đạt thông điệp cho
con cháu, nào là khó khăn của trẻ
em Việt nam trong việc hội nhập giáo dục Mỹ,
nào là ngôn ngữ bất đồng của
người tỵ nạn, nào là xung đột sắc
tộc giữa các giống dân thiểu số, v.
v. . . Tưởng chùng như Hàm Trần sợ rằng
không còn có dịp để nói để
kể trong một cuốn phim khác, hay là nỗi uất
ức và tâm sự u uẩn bây giờ mới
có dịp khai thông ?
Nhân mùa quốc hận năm nay, cộng
đồng chúng ta nên khuyến khích nhau
đi xem phim Vượt Sóng, “Journey From
The Fall.” Chúng ta đi xem để nhớ,
con cháu chúng ta đi xem để biết, bạn
bè Mỹ Mễ của chúng ta đi xem để
hiểu. Để nhớ tại sao
chúng ta lại có mặt trên đất nước
xa lạ này. Để biết những khổ
đau mà thế hệ cha anh đã trải qua cho
lý tưởng tự do. Để hiểu con người
miền Nam
nhân bản nhưng gan lỳ, trong khổ đau vẫn
tràn đầy hy vọng và ý chí
vươn lên. Để nhớ, để biết
và để hiểu tại sao 32 năm trôi qua
mà chúng ta vẫn chưa ngơi nghỉ đấu
tranh cho một Việt Nam
tự do và dân chủ. Cuốn phim sẽ
là ngọn cờ văn hóa và chính nghĩa
khi được các sinh viên đưa vào
các trường trung đại học chiếu cho
các bạn học cùng xem. Cuốn
phim sẽ là vũ khí đấu tranh khi
được chúng ta đưa vào trong nước
cho người ở lại xem để nhớ những
quá khứ tội lỗi của chế độ vẫn
chưa có một lời sám hối.
Quá khứ nếu không nhớ
thì sẽ không biết đường nào dẫn
đến tương lai.
Huy Phương
30/4/2007
*lời trong bài “Hai Mươi
Năm” của Phan Văn Hưng
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)