Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | TA.P GHI | TA.P GHI (tt) | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | SU'U TÂ`M .. TIN | NU. CU'̉'I VA(N HO.C | P.P. Slideshow

VA(N VUI 3

Quá Giang và Quá Tải

 

QUÁ GIANG VÀ QUÁ TẢI

(Tưởng Năng Tiến)

 

 

Lúc bé, tôi vẫn thường xem phim cọp. Lý do, giản dị, chỉ vì tôi rất ít khi có tiền mua vé. Lỡ có, tôi lại muốn dùng tiền để mua những thứ khác: bắp nuớng, đậu phụng rang, cà rem, bánh kẹo … để nhai lai rai trong lúc coi phim.

 

Nhưng làm thế nào để vào cửa cọp mới được chứ ? Ít nhất cũng có hai cách. Thứ nhất là đứng xớ rớ truớc cửa rạp, thấy một ông hay một bà trông có vẻ bảnh bao và dễ tính là mình sà ngay đến:

- Thưa chú, thưa dì, thưa cô, thưa bác… con muốn coi cái phim này hết sức nhưng không có tiền, làm ơn dắt con vô luôn nha?

Nếu họ gật đầu là kể như … khỏe. Theo lệ, mỗi nguời lớn đi xem phim có quyền dắt theo một trẻ em - miễn phí.

 

Lối thứ hai rắc rối hơn một chút, kém đàng hoàng hơn một tí, và cần một ít vốn đầu tư. Mấy đứa phải hùn hạp đủ tiền cho một thằng hay một con nào đó mua vé (hạng nhi đồng) vào cửa. Rồi nó sẽ len lén mở cửa bên hông rạp, cho cả lũ vào luôn !

 

Có lần vì giông bão, nên dù là ngày chủ nhật, rạp chiếu bóng cũng chỉ có mấy ngoe mua vé vào xem. Lũ nhi đồng chúng tôi quên chi tiết đó, vẫn tiếp tục rủ nhau vào cửa cọp. Không những thế, nhiều đứa còn “mời” cả anh chị và bố mẹ “đi” luôn. Dân trong xóm tôi đều nghèo, đều rất ham… vui; do đó, gặp ngày mưa buồn bã và rảnh rỗi - rạp hát lại gần nhà - nên mọi nguời đều vui vẻ … vô luôn !

Chủ rạp kinh ngạc khi thấy vé không bán đuợc bao nhiêu mà bên trong rộn rã tiếng cười đùa vỗ tay của trẻ con, rôm rả tiếng bàn tán nói cười của nguời lớn. Không cần phải thông minh lắm nguời ta cũng tìm được lý do, không lâu, sau đó.

Thế là bất ngờ, sau một lời xin lỗi ngắn ngủi qua hệ thống phát thanh, đèn bật sáng lên, chủ nhân cùng nhân viên ào vào xoát vé. Lần lượt từng mạng một, không phân biệt già trẻ lớn bé, không xót một mạng nào, cả xóm bị “mời” ra khỏi rạp bằng những lời lẽ - tất nhiên - hoàn toàn không nhã nhặn.

 

Ðã có lúc vui miệng, tôi kể cho mấy đứa con bé nhỏ của mình nghe về cái kỷ niệm ấu thơ (không mấy êm đềm) này. Chúng đều tỏ vẻ ái ngại và vô cùng thất vọng về thái độ hơi thiếu đàng hoàng của tôi:

- It’s not fun. Như vậy đâu có vui bố.

- And it’s not fair, either ! Cũng không công bằng mấy bố à.

- Ờ thì bố cũng thấy là không vui gì cho lắm và có hơi kỳ kỳ một chút.

- Kỳ một chút sao được. It’s cheating, như vậy là ăn gian, đó bố !

Tôi miễn cưỡng đồng ý với tụi nó mà bụng dạ (nói thiệt) có hơi buồn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã gian lận gì nhiều trong chuyện xem phim mà vào bằng cửa cọp. Cũng như tất cả những nguời dân lớn nhỏ khác của cả xóm mình, tôi chỉ có tội nghèo mà ham… vui, và hơi láu cá chút đỉnh, thế thôi.

 

Láu cá (rõ ràng) không phải là một đức tính, dù nhìn theo quan niệm đạo đức của bất cứ ai. Bởi vậy, càng lớn tôi càng đàng hoàng thấy … rõ ! Những nguời tử tế, biết phục thiện, và đàng hoàng như tôi - tiếc thay - hơi ít.

 

Tạp chí Khởi Hành số 34, phát hành tháng 8 năm 99, từ California, có bài viết “Khi Chính Trị Chi Phối Văn Hoá”, của Trần Anh Tuấn, về những nguời … rất không đàng hoàng như thế. Những kẻ mà đến lúc chết vẫn còn (vô cùng) láu cá !

 

Một phần của bài viết, ông Trần Anh Tuấn dùng để điểm cuốn Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam, Những Gương Mặt Trí Thức, tập Một, do Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân và Tạ Ngọc Liễn sưu tầm và biên tập, nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998. Nội dung cuốn sách được ông Trần Anh Tuấn ghi nhận như sau:

 

“Với hơn 700 trang, các tác giả đã chọn ra 71 nhân vật mà họ vinh danh là những trí thức Việt Nam tiêu biểu trải qua 770 năm lịch sử, với 9 thời đại và thời kỳ (Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa V.N.)”.

 

“Nhưng nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách: trong suốt 720 năm (1225 – 1945) họ chỉ chấm có 38 nhân vật tức 53%. Ðó là Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Trãi, Triệu Thái, Lê Thánh Tông, Lê Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Lê Qúi Ðôn, Lê Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Võ Trường Toản, Phan Huy Chú, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Ðình Chiểu, Phạm Thuật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Truờng Tộ, Nguyễn Quang Bích, Lương Văn Can, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh, và Phạm Tuấn Tài.”

 

“Trong 50 năm sau cùng (1945 – 1995), họ đưa ra một số lượng khổng lồ là 33 nguời, tức 47%. Trong số 33 tên, chỉ trừ giáo sư Hoàng Xuân Hãn sống ở Pháp, còn lại 32 tên không ai khác hơn là những đảng viên cao cấp của Ðảng Cộng Sản Việt Nam và những nguời phục vụ chế độ cộng sản. Ðó là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Truờng Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Khánh Toàn, Ðặng Thái Mai, Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, Tôn Thất Tùng, Hồ Ðắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giáp, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Ngụy Như Kon Tum, Dương Ðức Hiền, Ðặng Văn Ngữ, Hoài Thanh, Nam Trân, Nguyễn Khắc Viện, Lê Văn Thiêm, Từ Chi, Nguyễn Ðổng Chi, Cao Xuân Hy, Trần Ðức Thảo, Hoàng Thúc Trâm, Ðào Duy Anh, và Hoàng Xuân Hãn.”

 

Cứ theo như lời của ông Trần Anh Tuấn thì “nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách”. Là kẻ hậu sinh, tôi không hề dám có nghĩ tranh luận hay bút chiến với một nguời cầm bút vào hàng truởng thượng - và nặng ký - như ông Trần Anh Tuấn; tuy nhiên, vì đã lỡ biện minh cho chuyện vào cửa cọp của chính mình, tôi tự thấy có bổn phận phải lên tiếng để bênh vực cho một số những nguời vừa được vinh danh là “trí thức Việt Nam tiêu biểu” - trong nửa thế kỷ qua.

 

Theo tôi thì quí ông Ðào Duy Anh, Trần Ðức Thảo, Hoàng Xuân Hãn… đều dư sức dắt theo ba trự lóc nhóc cỡ như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… đi vào lịch sử mà khỏi cần mua vé. Như đã thưa, tuy không bằng luật nhưng theo lệ (ít nhất cũng là lệ ở những thành phố thân miền Nam, khi tôi còn bé) mỗi nguời đi xem phim có quyền dắt theo một nhi đồng - miễn phí. Hồi nhỏ tụi tôi vẫn đi xem phim ké theo kiểu đó mà. Ðiều này đâu có gì là gian lận mà ông Tuấn phải phàn nàn và nặng lời dữ vậy ?

 

Giữa chuyện ham vui (của lũ bé con chúng tôi, ngày truớc) và chuyện ham danh (của những ông lãnh tụ cộng sản Việt Nam, bây giờ) có một điểm này chung: túng làm liều. Ðiểm chung đó, với ít nhiều chủ quan, tôi tin tưởng là thông cảm và chia sẻ được.

 

Nếu không, nghĩa là nếu ông Trần Anh Tuấn không đồng ý, tôi xin đề nghị chúng ta nên nhìn vấn đề theo cách khác - dựa vào hình ảnh, kinh nghiệm phổ cập hơn với phần lớn mọi người, và cũng vẫn với phong thái nhẹ nhàng tương tự. Hãy tưởng tượng đến cảnh quá giang.

 

Chiếc bè chở những “gương mặt trí thức Việt Nam tiêu biểu” của nửa thế kỷ qua đi vào lịch sử mà chỉ có vài ba ông cỡ như Ðào Duy Anh, Trần Ðức Thảo và Hoàng Xuân Hãn … thì ngó bộ hơi neo đơn và cũng (có phần) phí phạm. Nó còn rộng chỗ nên quí ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… xin được quá giang chút xíu - vậy thôi.

 

Nguời ta mượn lời để diễn ý. Ðặng ý thì bỏ lời. Thiên hạ mượn bè để qua sông. Miễn sao họ qua lọt thì thôi. Câu nệ quá tôi sợ… mất lòng và, chắc chắn, cũng sẽ mất vui !

 

Tôi chỉ tận tình chia sẻ nỗi bất bất bình của ông Trần Anh Tuấn về việc những vị sử quan đương đại - Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân, và Tạ Ngọc Liễn - theo chỉ thị, đã mở cửa hông cho thêm cả đống ông nữa (tổng cộng lên đến 33 mạng) ào ạt nhào luôn vào lịch sử.

 

Cũng như đi coi phim cọp, đi quá giang - dù là bằng thúng, bằng mủng, bằng bè, bằng ghe tam bản, bằng thuyền ba lá, bằng ca nô, bằng tầu, hay bằng thủy phi cơ … chăng nữa - nên tránh chuyện đàn đúm, kéo bè, kết đảng đông đảo quá. Xô đẩy, giành giật, chen lấn là cảnh (luôn luôn) rất khó coi và dễ gây hiểu lầm là một vụ thủy tặc hay không tặc. Ðó là chưa kể chuyện quá tải, rất không an toàn. Chìm xuồng, cả lũ, như chơi.

 

Nửa thế kỷ qua dân Việt dở sống dở chết. Giữa lúc muôn họ lầm than, nhân tâm ly tán, nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm; danh nhân, trí thức, kẻ sĩ …ở đâu mà hăm hở chen lấn đi vào lịch sử đông dữ vậy - hả Trời ? Chợ chưa họp mà kẻ cắp đã đến đủ mặt như thế, coi sao được !

 

Tôi vốn là nguời đa cảm; vì vậy, mỗi khi nhớ đến cảnh những người dân trong xóm nhỏ của mình bị đuổi ra khỏi rạp chiếu phim - vì tội vào cửa cọp - đều thoáng thấy buồn lòng. Từ nay, thỉnh thoảng, cứ nghĩ đến lúc 32 ông “trí thức Việt Nam tiêu biểu” bị thiên hạ “mời” đi chỗ khác chơi - vì thói ăn gian - thì không khỏi có đôi chút băn khoăn !

 

Tôi nói 32 chứ không phải 33 vì trong đám lau nhau đó tôi không kể ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ là một trường hợp ngoại lệ. Ông ấy đã nằm (vùng) trong lịch sử từ lâu, nằm trong một cái lăng kiên cố và an toàn tuyệt đối.

 

Báo Nhân Dân - phát hành tại Hà Nội, số ra ngày 31 tháng 8 năm 99 - có đi tin, với hàng tít nguyên văn như sau: “Cố Vấn Ðỗ Mười Thăm Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng Hổ Chủ Tịch.” Có cả một bộ tư lệnh - với quân số , ít ra, chắc cũng cỡ cấp sư đoàn - chỉ dùng để bảo vệ an ninh cho một yếu nhân (đã chết) thì thiệt là vô cùng an ninh. (Và, tất nhiên, cũng vô cùng … phí phạm; tuy nhiên, đây không phải là chuyện để bàn trong bài viết hôm nay). Tôi đã có lần khen ngợi ông Hồ là nguời “cư an tư nguy” mà. Phải chi ông Stalin và ông Lenin cũng biết lo xa như vậy thì đâu đến nỗi.

 

Vẫn theo nguyên văn lời ông Trần Văn Tuấn, qua bài báo dẫn thượng:

 

“việc thêm vào danh sách một số trí thức đáng kính trong lịch sử Việt Nam như Trần Quốc Tuấn, Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Hũu Trác, Lê Quí Ðôn, Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Bội Châu… chỉ là một cách lập lờ đánh lận con đen chẳng khác gì đem bạc thật tiêu lẫn với bạc giả.”

 

Một lần nữa, tôi vô cùng tiếc đã không chia sẻ đuợc với ông Trần Anh Tuấn về việc qui trách tội “tiêu bạc giả” cho những vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam. Lập luận của ông ta (e) không được vững. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (có thể) là một quốc gia không có tự do và hạnh phúc nhưng (chắc chắn) là một nước vô cùng độc lập - ít nhất thì nó cũng hoàn toàn độc lập (và tuyệt đối cô lập) với toàn thể thế giới, trong lãnh vực tài chính.

 

Tiền bạc của xứ sở này chưa bao giờ được in ra bởi một ngân hàng có trữ kim nên khi ra khỏi biên giới là (đương nhiên) trở thành giấy lộn. Khó có thể kết tội sài bạc giả cho những nguời (suốt đời) chưa bao giờ biết thế nào là bạc thật. Cũng vậy, không ai có thể gọi qúi vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam là những kẻ thiếu tư cách hay thiếu liêm sỉ. Họ có chút nào đâu mà lo thiếu với thừa.

 

Ở một thời và một nơi mà người ta có thể xem phim trong phòng ăn, phòng học, phòng ngủ, phòng họp, phòng làm việc, phòng khám bệnh, phòng làm răng, phòng tắm, phòng tập thể dục, phòng khách… nên hai đứa con tôi không hiểu (và không thông cảm nổi) chuyện bố của chúng đi coi phim mà phải vào cửa cọp. Tương tự, trong lúc mà nhân loại đang đi trên những xa lộ thông tin để tiến đến một thứ văn hóa phổ cập, có tính cách toàn cầu (world culture) tôi cũng hoàn toàn không hiểu nổi cung cách viết sử (lấy được) như thế của mấy ông sử quan - ở làng Ba Đình Hà Nội.

 

Nói theo tác giả Nguyễn Văn Lục thì “Đấy là thứ sử của đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải sử của 80 chục triệu người Việt… Thật là hiếp đáp lịch sử quá đáng.”

 

 

 

TƯỞNG NĂNG TIẾN

(Lê Minh Tuấn chuyển)

 

website counter