Đời bốc
vác trong đêm
(THẾ ANH)
Khi thành phố đã lên đèn, họ
mới bắt đầu vào cuộc mưu sinh cho
đến rạng sáng. Họ từ các vùng
quê khắp nơi về Sài Gòn để
mưu sinh: từ miền Bắc xa xôi, miền Trung
khô cằn và miền Tây lũ
lụt... Với hai bàn tay trắng,
họ nỗ lực làm thuê với ước
mơ bình dị nhất: cơm cháo sống qua
ngày. Người ta gọi họ là
dân bốc vác. Phóng
viên Tuổi Trẻ cùng sống và làm việc
với họ trong những đêm trắng thật
dài.
Kỳ 1 - Những người cùng
khổ
Giữa Sài Gòn phồn hoa, vẫn
có hàng ngàn người xem bốc vác như
là một nghề, một nghề mà nhiều
người thành thị khi nhắc đến đều
tỏ ra xem thường.
Nhưng với họ, đó là
cơm áo gạo tiền, là cuộc sống.
Khi mặt trời tắt nắng
Để sống cùng cuộc sống
của giới bốc vác, chỉ cần có sức
khỏe và một bản “lý lịch miệng”
thật nghèo khó là đủ. Sau vài đêm ngồi than vắn
thở dài bên mấy anh bốc vác ở chợ
đầu mối nông sản Thủ Đức,
tôi được đồng nghiệp tên Mười
gật đầu giúp đỡ: “Ừ, chú
mày là sinh viên nghèo, ra đây làm
cùng anh em vậy, tao giúp”.
Nghe lời anh Mười dặn, cứ đến 6
giờ chiều mỗi ngày, khi mặt trời tắt
nắng là tôi có mặt cùng các
đồng nghiệp tại chợ đầu mối
nông sản Thủ Đức chờ đợi. Những
ngày Sài Gòn trời trở lạnh, chúng
tôi phải ngồi sát vào nhau để chống
lại những cơn gió lạnh hiếm hoi của
đất phương Nam.
Khác với anh em hợp tác xã bốc
vác, dân “bốc vác tự do”
chúng tôi ngồi ở rìa chợ chờ những
ông bà chủ trong vựa kêu sai việc vặt
và chỉ được khuân vác hàng từ
chợ ra, còn hàng đã vào chợ
thì không được sờ tới. Điều đó có nghĩa là
cơm cháo của chúng tôi hoàn toàn
phụ thuộc lượng khách đến mua sỉ
tại đây vào mỗi đêm. Mà điều đó cũng thất
thường lắm.
Đã gần 11giờ đêm, cả
nhóm chúng tôi vẫn ngồi ngáp ngắn
ngáp dài, chẳng một ai ngó ngàng đến
ánh mắt mỏi mòn của chúng tôi. Cu Nhân, con anh Mười, không
cưỡng lại được cơn buồn ngủ,
đặt nghiêng cái xe đẩy
của cha xuống rồi khoanh tròn trong cái
áo khoác đánh một giấc. Đưa tay sửa lại áo cho đứa con 13
tuổi, anh Mười thở dài buồn bã:
“Nó thích đi học lắm, nhưng
nhà nghèo nên phải bỏ giữa chừng. Hồi mới lên Sài Gòn, nó thấp
hơn cái xe đẩy, vậy mà giờ thì
phụ cha đẩy xe ngon ơ rồi”.
Mọi người đang dáo
dác đảo mắt chờ đợi thì bỗng
anh Mười đứng bật dậy, nét mặt mừng
như bắt được của. Từ xa, dáng một bà chủ
mập mạp đưa tay vẫy vẫy.
Nghe tiếng cha “Dạ, để tui làm cho
bà chủ” rõ to, cu Nhân đang ngủ cũng
bật dậy lấy xe kéo lọc
tọc chạy theo cha. Mấy anh em bốc vác
khác ngồi nhìn theo bóng
cha con họ với một chút ganh tị và thầm
mong đến lượt mình được người
ta sai khiến. Cô Loan ngồi nhìn trời đầy
ánh sao thở dài: “Trời lạnh, hàng
trái cây bán chậm nên ít người
thuê bốc vác lắm, ráng chịu khó chờ
nha con, đừng nản. Nếu có ai kêu, nhiều
việc thì cô san cho mày kiếm tiền ăn bánh mì. Mà sao hôm nay
trời mau sáng vậy, chắc đêm nay “lốc”
quá !”.
Hơn 3 giờ sáng, cha con anh Mười mới
chuyển xong số hàng ra xe cho
bà chủ. Sương và gió lùa từng
cơn lạnh thấu xương mà anh Mười vẫn
đánh trần thở hổn hển. Chưa kịp
nhai xong ổ bánh mì, lại có người tới
gọi anh đi theo lấy hàng. Chẳng
biết do mệt hay thương mấy đồng nghiệp
trẻ mà anh nói với bà chủ: “Đây
là thằng em tui, từ tối đến giờ
chưa có cuốc nào, tui kêu nó làm
cho bà chủ nghe”. Nói rồi anh dúi chiếc
xe đẩy vào tay tôi.
Tôi mừng rỡ kéo xe
theo bà chủ, còn bà ta thì cứ chăm
chú xem hàng, trả giá. Ghé chỗ
này mua vài ký rau, ghé nơi kia
mua dăm ký cà rốt, rồi lại đảo
qua hàng trái cây… Chẳng mấy chốc
cái xe kéo trên tay tôi nặng
trĩu, phải còng cả lưng, gồng hết sức
nó mới chịu đi theo ý mình. Chợ
thì đông, chen chúc người
mua kẻ bán, lâu lâu tôi bị kẹt giữa
đoàn xe kéo của các đồng nghiệp.
Những lúc như thế bà chủ lại tỏ
ra bực bội, lớn tiếng: “Mới vô nghề
hả, chậm như rùa vậy, nghèo mà
làm biếng quá sao khá nổi”. Sau khi xếp
một đống hàng ngay ngắn lên xe, chưa kịp lau những giọt mồ
hôi cay xè ở mí mắt thì bà chủ
đã dúi vào tay tôi mười ngàn
bạc rồi vẫy tay kêu một anh bốc vác
khác. “Bữa sau gặp bà
thì đừng đưa cái mặt đần ra
nữa nhé. Chậm mà yếu vầy
thì có ma nó mướn !”-
bà chủ gằn giọng từng
tiếng.
Bình minh đã lấp ló ở
phía chân trời.
Tôi móc túi đưa Nam - đồng nghiệp
bốc vác của tôi trong đêm - sáu
ngàn đồng tiền thuê xe,
số tiền còn lại chúng tôi gom mỗi
người hai ngàn để mua mỗi người một
ổ bánh mì lót dạ. Trở về căn
nhà trọ gần đó cùng với Nam, mặc
cho bụng đói cồn cào, cả hai chúng
tôi ngã vật xuống sàn nhà. Tay chân
rã rời, mắt như muốn sụp xuống sau một
đêm thức trắng mệt nhoài.
Người không chọn nghề
Khi tôi hỏi tại sao lại chọn nghề
này, anh Mười cười kể: “Nghề
này chọn tao chứ tao đâu có chọn nghề
này ! Bán mấy
sào ruộng ở quê, tao và vợ dẫn hai
đứa con lên đây mong cuộc sống đổi
thay, ai dè lại đi làm bốc vác. Lúc mới lên, tao cùng vợ cũng
buôn bán lặt vặt, nhưng dân quê cả
đời đâu có biết bán buôn,
vì thế đồng vốn cứ cụt dần.
Đến khi không còn vốn, vợ
bệnh con đói tao mới bò ra đây
làm rồi thành bốc vác lúc nào
không hay”.
Cô Loan là nữ bốc vác
duy nhất trong nhóm chúng tôi, năm nay
đã ở tuổi 49 nhưng đêm đêm vẫn
phải chầu chực khuân vác như
đám thanh niên mới lớn. Khi hỏi đã bao nhiêu năm
làm nghề bốc vác rồi, cô chỉ nhớ
láng máng: “Cũng đâu mấy chục
năm. Nhà nghèo nên cô phải đi
làm từ thời còn bé tí. Lúc đầu thì phụ người ta
nhặt rau, hốt rác ở chợ Cầu Muối.
Lớn hơn chút nữa thì đi bốc
vác với người ta, ai kêu chi làm
đó, miễn là ngày có vài chục
bạc để nuôi thân và mẹ già gần
90 tuổi. Làm riết rồi tay chân gợn
cả cơ bắp, tiêu tan mất thời con
gái”. Trong bóng đèn vàng phủ
sương, tôi thấy mắt cô ngấn lệ
khi vô tình hỏi đến chuyện chồng con:
“Ai mà lấy dân bốc vác làm vợ
hả con ! Ước chi ai cho một đứa
con cũng đỡ buồn lúc về già”.
Rời quê nhà
Sóc Trăng khi mới 16 tuổi, Nam cũng không hề
nghĩ rằng mình lại trở thành bốc
vác: “Nhà đông anh em, lại nghèo
nên học hết lớp 9 là cha em bắt nghỉ
học theo bạn bè trong xóm lên Sài
Gòn kiếm ăn, làm thuê gánh mướn
ở những chợ đêm”. Cũng như Nam,
có lẽ sau này cu Nhân con anh Mười cũng
không thể nhớ nổi tại sao nó lại
đi làm bốc vác. Bởi năm nay nó mới
13 tuổi nhưng đã theo cha đi làm mấy
năm rồi, ai kêu gì làm đó, miễn
là có tiền. Nhìn Nhân hồn nhiên,
cười nói cùng mấy đứa bạn
bán vé số ở chợ, tôi hiểu rằng
nó chưa hề ý thức được
thân phận bốc vác của mình. Có
chăng, Nhân chỉ biết được là
vì nghèo mà phải đêm đêm cầm
xe đẩy phụ cha kiếm cơm qua ngày.
Trong những phận
đời bốc vác mà tôi gặp ở những
phiên chợ đêm, dường như chẳng
có ai nhớ nổi mình đã trở
thành bốc vác lúc nào, điều duy nhất
họ nhớ là bắt đầu vào nghề khi
trong túi không còn đồng bạc và
trước mắt là những đêm dài
không nghề nghiệp. Họ cứ bước
vào cái nghề rẻ mạt này một
cách vô định, không được quyền
chọn lựa.
Phận người bốc
vác là vậy, họ biết rằng cuộc
mưu sinh hôm nay đang bị đánh đổi
bằng tương lai của chính họ và con
cái họ. Dù có mù lòa hay bệnh tật
thì đó là chuyện của mai sau. Còn
hiện tại, những lo toan hằng ngày đang
đè nặng lên cái bóng gầy nhỏ
của đời người bốc vác trong những
đêm dài bạc mắt.
THẾ
ANH
(TRỊNH SƠN
LƯỢNG sưu tầm từ:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=189497 )