Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | TA.P GHI | TA.P GHI (tt) | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | SU'U TÂ`M .. TIN | NU. CU'̉'I VA(N HO.C | P.P. Slideshow

BÀI VIÊ'T 8

Bức tường của các huyễn tưởng

 

Bức tường của các huyễn tưởng

(Dương Thu Hương)

 

 

Giữa hai cá thể luôn luôn tồn tại một bức tường vô hình.

 

Ấy là sự nhầm tưởng. Sự nhầm tưởng nảy sinh trên những khác biệt về văn hóa, cách cảm thụ và nhận thức đời sống, thiên hướng và ảo tưởng (bởi các ảo tưởng là một bộ phận quan trọng trong cuộc sống của con người). Khi bức tường ngăn cách hai cá thể không đủ cao để che khuất tầm mắt, người ta còn có thể hiểu nhau. Nếu bức tường che chắn đường chân trời, sự cảm thông là bất khả.

 

Hiện thực này cũng thấy rõ trong quan hệ giữa dân tộc, hai quốc gia, giữa phương tây và phương đông. Xu thế phóng chiếu bản thân lên phần còn lại của thế giới là đặc tính chung của con người, từ kẻ mù chữ đến bậc hiền triết. Càng học rộng tài cao, nhu cầu thống trị tinh thần càng mãnh liệt. Chính từ sự đam mê mãnh liệt ấy, những ảo ảnh nảy sinh. Những ảo ảnh này tới lượt chúng tạo nên bức tường của sự huyễn tưởng. Một vật cản ngăn cách con người với hiện thực và chân lý.

 

Nếu quý vị đã quên, xin cho phép tôi nhắc lại sự kiện này: vào những năm 60 - 70, những bộ óc vĩ đại nhất nước Pháp đã quay cuồng vì hình ảnh Mao Trạch Đông, những cái đầu mẫn tiệp nhất của nước Pháp đã ngẩng lên nhìn “người cầm lái vĩ đại Trung Hoa” như nhìn một thiên tài xuất chúng, vị thần tái sinh cứu rỗi loài người.

 

Dưới ảnh hưởng của các ông thầy danh tiếng, sinh viên Pháp ào ạt đổ xuống đường biểu tình, tung hô Mao Trạch Đông với sự say mê rồ dại như xưa kia, tiền nhân của họ từng tung hô Napoléon. (Thật bất công với Napoléon khi dùng so sánh kiểu này. Tôi xin được thứ lỗi vì chưa tìm ra cách diễn đạt nào khác). Như thế đó, cơn si cuồng tập thể kéo dài khá lâu. Phải có một độ lùi đáng kể của thời gian để các bậc học giả Pháp nhìn rõ chân dung thật sự của Mao: một trong những tên đao phủ kinh tởm nhất lịch sử nhân loại, không thua kém một ly Staline hoặc Hitler nếu cần so sánh.

 

Gần như cùng thời gian đó, Jean-Paul Sartre đã lập tòa án Nuremberg để bênh vực những người cộng sản Hà Nội trong cuộc chiến tranh Mỹ - Việt. Cũng phải chờ năm tháng trôi qua, tới khi xác các thuyền nhân trôi dạt khắp bốn biển để nhà văn này nhận ra sai lầm của mình. Ông hối tiếc là đã biện hộ cho những tên sát nhân, những kẻ hành quyết chính nhân dân của chúng.

 

Không riêng Jean-Paul Sartre mà rất nhiều văn nghệ sĩ trên thế giới đã có chung một hối tiếc. Trong số ấy phải kể tên Jane Fonda, người đặt tên con trai là “Trỗi” và đã cất công bay sang tận Hà Nội để chụp ảnh chung với bông hoa mỹ miều nhất của chính phủ cộng sản Bắc Việt - nữ diễn viên đại biểu Quốc hội Trà Giang.

 

Giờ đây, quay lại nhìn bức tường huyễn tưởng dựng lên giữa hai thế giới, tôi thấy nó vẫn còn nguyên ở đó, che khuất mọi tầm mắt. Dù có thiện chí, phương Tây vẫn gần như bất khả khi muốn tìm kiếm hiện thực cuối cùng, thứ hiện thực đáng tin cẩn trong giới hạn của thời gian và không gian. Ở đây, họ vấp phải một thứ mánh khóe, tôi tạm đặt tên là “phương thức châu Á”.

 

Vậy, thế nào là “phương thức châu Á” ?

 

Đó là cách hành động riêng biệt của những người cộng sản châu Á, hoàn toàn tương thích với thể chế chính trị. Thể chế này là món nộm hòa trộn ba đặc tính: phong kiến, độc tài và mafia.

 

Vì nghi ngờ khả năng biện hộ non yểu của mình, tôi xin tạm chứng minh bằng một sự kiện cụ thể: Cách đây chừng một thập kỷ đã xảy ra vụ nổi loạn của nông dân Thái Bình. Những người dân cày đói ăn biểu tình yêu cầu bọn quan chức địa phương hoàn lại những món tiền bị cưỡng đoạt trái phép. Cuộc khởi loạn thoạt tiên xảy ra trên bảy huyện trong tỉnh, trước hết là Quỳnh Phụ, sau đó lan ra các tỉnh lân cận như Hải Hưng, Vĩnh Phú, Quảng Ninh …

 

Phóng viên nước ngoài rầm rộ đổ đến Hà Nội. Đương nhiên đây là bộ phận đáng e ngại nhất đối với nhà cầm quyền Hà Nội vì ở Việt Nam chưa có báo chí theo đúng nghĩa. Đối với đảng Cộng sản, phóng viên là con cháu trong nhà, bảo gì phải nghe nấy, nếu hỗn hào sẽ đuổi ra khỏi cửa, bẻ gẫy cần câu cơm .. Cho dù vẫn dương dương tự đắc là độc lập, quan lại Việt Nam chỉ e ngại mấy ông mắt xanh mũi lõ, vì chỉ mấy ông này mới có khả năng gia tăng hoặc làm hao hụt hầu bao của các bậc lãnh đạo dân chúng. (Những chiếc vé xanh là quốc hồn quốc túy bây giờ). Vậy thì họ sẽ phản ứng ra sao với đám phóng viên ngoại quốc ?

 

Họ đón tiếp niềm nở, nụ cười thường trực gắn trên môi: trà ngon, gà vườn, quà tặng rẻ tiền nhưng lạ mắt .. Kèm theo đó là sự hứa hẹn mềm mỏng: “chúng tôi sẽ để các ông các bà xuống tỉnh Thái Bình trong thời gian ngắn nhất, với điều kiện đảm bảo được sự an toàn của quý vị”. Sự trì hoãn đó có hiệu lực. Một tuần, hai tuần, ba tuần trôi qua. Các ông tây bà đầm không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Quỹ thời gian có hạn. Hà Nội chỉ là một quán trọ xoàng. Hành tinh mênh mông còn có biết bao nơi chốn mời gọi .. Họ lần lượt ra đi.

 

Khi phóng viên nước ngoài cuối cùng lên máy bay và các ống kính đã chĩa về hướng khác là lúc cuộc đàn áp bắt đầu. Trong một đêm, hàng nghìn cựu chiến binh đã bị bắt. Không một tờ lệnh. Hoàn toàn là lệnh mồm. Ở Việt Nam, lệnh mồm là thứ hiệu lực nhất. Lực lượng đàn áp là bộ phận được trả lương hậu hĩnh nhất trong guồng máy này. Trên 40% kinh phí quốc dân dành để nuôi họ. Vì thế, cuộc vây bắt diễn ra êm nhẹ. Hoàn toàn trong bóng đêm. Sót lại là tiếng kêu khóc của đám dân quê đói khổ, thất học, thân nhân của những người bị cùm trói và tống vào xe thùng sắt.

 

Các cựu chiến binh Thái Bình, những người đã hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, những thương bệnh binh nạn nhân của chất độc da cam, những người thường được ca ngợi véo von là anh hùng cứu nước. Họ sẽ được đảng Cộng sản thân yêu đối xử ra sao ?

 

Họ bị phân tán vào khắp các trại tù, sống trà trộn giữa đám tội phạm thật sự. Ở đó, họ sẽ chết trong một thời gian rất ngắn bởi chính các bạn tù này. Bọn tội phạm được lệnh thủ tiêu họ. Đương nhiên, “lệnh mồm” và ban bố một cách thì thầm đến tận từng cá nhân.

 

Đây chính là “phương thức châu Á”, nhóm danh từ tôi tạm mượn ông Karl Marx tôn kính ở phương Tây. Bọn tội phạm được hứa hẹn giảm án theo thành tích: giết một người án 20 năm giảm xuống 18 năm. Giết hai người, 18 năm còn lại 16 .. Cứ thế mà thực thi.

 

Khởi sự là các cuộc khiêu khích, gây hấn. Sau đấy là cuộc tàn sát bằng các hình thức khác biệt, trong đó một hình thức đặc biệt hiệu nghiệm và rất ấn tượng: giết người bằng đũa ăn. Người châu Á ăn cơm bằng đũa. Dụng cụ ẩm thực biến thành vũ khí sát nhân là sự ứng biến tuyệt vời. Người ta vót những chiếc đũa bằng gốc tre đực, thứ tre cứng như sắt, một đầu đũa được chuốt nhọn như kim đan. Khi các cựu chiến binh Thái Bình đang ngủ, bọn tội phạm bất thình lình đóng chiếc đũa này vào lỗ tai của họ. Với độ dài 25cm, đũa xuyên suốt từ tai nọ sang tai kia. Nạn nhân chết tức khắc không kịp bật một tiếng kêu.

 

Như thế, trong bóng đêm và trong sự im lặng, những người cầm đầu cuộc biểu tình của dân cày Thái Bình đã chết theo kiểu ấy. Chính quyền Việt Nam thực sự là kẻ sáng tạo lỗi lạc. Với nguyên tắc: hiệu quả tuyệt đối trong sự an toàn tuyệt đối, họ đã thực hiện một Thiên An Môn nhung lụa mà sự thành công ở mức tối đa. Hiệu quả tuyệt đối vì số người bị giết nhiều gấp bội số người chết bởi xe tăng và súng liên thanh trên quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc. An toàn tuyệt đối vì không một nhà báo nước ngoài nào nhòm ngó nổi nhà ngục Việt Nam, không một ống kính nào ghi lại được, dù một hình ảnh nhù nhòa, tội ác của họ. Đó, “phương thức châu Á”. Nói một cách văn vẻ hơn, cách thức hành xử của loài rắn rết hay ác thú chốn rừng già.

 

Về đời sống chính trị ở các xứ hậu cộng sản đã có nhiều người phân tích. Tôi chỉ xin đơn cử một nghiệm sinh. Khi dấn thân vào cuộc đấu tranh cho nền dân chủ, tôi cũng như nhiều anh em khác xác định nhiệm vụ của mình là vạch trần sự thật. Nói đúng hơn là duy danh định nghĩa những sự thật hiển nhiên mà dân chúng chỉ dám thì thầm trong xó bếp hoặc góc tường. Tuy nhiên, trước khi thật sự bắt tay vào việc này, có hai điều tối cần thiết phải thực thi tức khắc:

 

Thứ nhất, tôi phải tự thiến mình bằng cách sử dụng thứ thuốc gọi là thuốc “triệt kinh”. Thuốc “triệt kinh” nhằm phá hủy oestrogène, loại hormones xui khiến các góa phụ thời xưa khôn ba năm dại một giờ. Hẳn các bách khoa toàn thư ở phương Tây không đưa vào danh mục loại thuốc này vì nó là một trong các bí truyền nảy sinh từ các hậu cung của triều đình phong kiến phương đông, trước hết là Trung Quốc.

 

Một ông vua da vàng thường có vô số vợ, được phân hạng bằng các phẩm tước khác nhau: hoàng, phi, mỹ nữ, cung tần… Thời thịnh vượng con số này có thể kể đến vài trăm. Trong số vài trăm ấy, rất nhiều người có thể vẫn còn là gái trinh cho đến lúc chết vì bị vua quên dùng. Một số khác trải qua thời sủng ái rồi rơi vào thân phận thất sủng. Đám người đẹp thất sủng chính là duyên cớ gây ra những vụ mưu sát tàn độc, xúi bẩy đám cấm quân hoặc kiêu binh khởi loạn, gây sóng gió cho triều đình và đôi phen ngai vàng sụp đổ. Vì hiểu rõ căn nguyên cuối cùng của những sự khởi loạn này là sự thiếu hụt tình dục: “cung không đáp ứng được cầu”, nói cách khác là cuộc cạnh tranh khốc liệt và tuyệt vọng giữa 300 con gà mái trước một con gà trống, các bậc lương đống triều đình phải tìm phương thuốc triệt kinh. Thuốc triệt kinh là biện pháp hóa giải cuộc nổi loạn của đám quần hồng, một thứ thuốc độc dài hạn khiến người đàn bà suy tàn nhanh chóng: tóc bạc và rụng, lưng đau, xương giòn, răng hư hoại, bàn tay bàn chân lạnh và nhu cầu tình dục cạn kiệt. Bản sắc châu Á đậm đà ở chỗ nó dành quyền dâm dục tối đa cho một số tối thiểu và khuyến khích tuyệt đại đa số con người thực thi một cuộc sống khổ hạnh với một mớ giáo lý nhằm khống chế và phỉ báng phụ nữ. Trong xã hội kiểu ấy, cái đũng quần của người đàn bà là mục đích tối thượng cho những cuộc thanh trừng cũng như tấn công chính trị. Tự xét rằng cái đũng quần là nơi xung yếu nhất, là con mồi dễ ngoạm nhất của đảng Cộng sản Việt Nam nên tôi tự hoạn để được an toàn.

 

Việc thứ hai cũng quan trọng không kém, ấy là việc từ bỏ mọi người thân. Phật đã dạy con cái là những sợi xích bằng vàng. Nhưng không chỉ con cái mà cha mẹ và anh em cũng có thể trở thành vũ khí tấn công những người tranh đấu. Đã dấn thân vào trận tuyến thì phải chấp nhận cuộc sống đơn độc để tránh mảnh đạn bắn vào những người xung quanh và giữ cho được tinh thần tự chủ.

 

Cách hành xử như vậy hẳn là xa lạ với các chính khách Mỹ cũng như phương Tây. Muốn hiểu rõ hiện thực này cần phải làm đổ sập bức tường huyễn tưởng. Giờ đây, tại Việt Nam những đồng đội của tôi vẫn đang tiếp tục chịu sự hành hạ của bộ máy cầm quyền. Vì là đàn ông, họ chẳng cần tự thiến nhưng họ bị tra tấn và khống chế qua phương tiện trung gian: gia đình. Những liên hệ hình cảm trở thành một thứ vũ khí cột trói chân tay và ngôn từ của họ.

 

Sự đổi thay ngoại diện ở Việt Nam dễ tác động lên giác quan của người phương Tây nhưng dưới vẻ tưng bừng náo nhiệt của Sài Gòn và Hà Nội vẫn tồn tại dai dẳng một hiện thực tàn khốc. Hiện thực ấy được tóm tắt như sau: bóng đêm, rắn rết và nước mắt.

 

Paris, tháng 4/2007

DƯƠNG THU HƯƠNG

 

(Vi Nguyen sưu tầm)

website counter