LỖI TẠI ANH hay LỖI
TẠI EM ?
(Huy
Phương)
Một hôm, sau một hồi cãi vả
không ai chịu nghe ai, để làm dịu
không khí căng thẳng, người thanh niên
đã đến ôm lấy vai vợ như một
dấu hiệu để giảng hòa. Được
thể, người vợ bỗng khóc nức nở
làm cho người chồng bối rối không biết
chuyện gì sẽ xẩy ra đây, rồi trong giọt
ngắn giọt dài, người vợ kể lể những điều
tệ bạc của chồng, rằng anh không còn
yêu cô ấy nữa, anh không còn là anh
ngày xưa nữa.
Ngày xưa khi mới quen nhau, lúc nào anh
cũng dịu dàng, lịch sự. Anh mở cửa xe
cho cô ấy, chờ cho cô ngồi yên chỗ mới
đóng cửa xe, rồi đi vòng qua phía
bên kia, mở cửa lái xe đi. Bây giờ, mạnh
ai người ấy lên xe, nếu cô ấy
chưa kịp đóng cửa xe, có thể anh
đã vọt xe đi. Ngày xưa đi qua
đường anh nắm tay cô, bây giờ anh
băng băng đi trước, cô đi không kịp,
chẳng may đèn đỏ thì ráng đứng
lại chờ bên kia đường.
Ngày xưa vào tiệm ăn, anh mở cửa
cho vợ vào trước, kéo ghế cho cô ấy
ngồi, lịch sự đưa thực đơn cho
cô, hỏi cô thích món gì. Bây giờ
anh đi trước, có khi quên đỡ
cánh cửa ra vào, suýt đập vào mặt
cô. Vào tiệm anh kéo ghế ngồi trước,
gọi ngay những món ăn gì anh khoái khẩu.
Anh không còn mua những món quà cô
thích. Anh không mua quà cho ba má cô trong những
dịp Lễ Tết. Anh không còn hôn cô
âu yếm mỗi đêm thức giấc hay buổi
sáng trở dậy đi làm. Anh quên cả
ngày sinh nhật của cô và đương
nhiên luôn cả ngày cưới.
Anh quả là thằng đàn ông khốn
nạn, bạc bẽo, chóng thay đổi.
Cô ấy càng khóc lớn hơn, anh thấy
càng bối rối. Đúng ra anh cũng muốn
nói lại cho nàng vài điều, nhưng
không thể nói ra
trong lúc này. Trong lúc nàng nói
“Lỗi tại Anh!”, không lẽ tôi trả
ngay là: “Lỗi tại Em !”
Xưa kia, biết anh thích bún bò Huế,
cuối tuần nào nàng cũng chịu khó bỏ
thời giờ trổ tài nấu nướng, vui
sướng nhìn anh ăn. Biết anh không bao giờ
đụng đũa đến món canh bí đỏ,
mà bây giờ thỉnh thoảng anh cũng phải
ăn món canh ấy vì không có gì
khác. Bây giờ nàng thức dậy quá trễ
vì đêm qua bận xem phim bộ tới khuya, anh
phải tự lo khoản cà phê, bánh mì,
có khi là mì gói, không như ngày
mới cưới. Bây giờ nàng không chờ
anh ở cửa khi anh đi làm về và hỏi
chồng có mệt không, công việc ở sở
như thế nào. Bây giờ nàng bận
điện thoại cho bạn bè, khi anh cần gọi
về nhà, nàng cũng không chuyển
đường giây sang.
Bây giờ khi đi làm về, anh không thể
nói “Anh đây Em”, vì nàng đang
bận ngồi trước TV, la con cái ào ào
và không để ý đến những
gì anh đang nói với nàng.
Nàng quên cả sinh nhật của chồng,
đừng nói gì chuyện bắt nàng phải
nhớ tới ngày giỗ của bố anh.
Chính sự trách móc bùng phát của
nàng chiều hôm ấy cho anh thấy rõ
được con người mình. Xưa kia anh
chú ý tới từng điều nhỏ nhặt
để làm nàng vui lòng, bây giờ
nàng và anh đều
chẳng ngó ngàng chi tới niềm vui của
người bạn đời.
Muốn thông cảm, thương yêu, muốn
cho hai người mỗi ngày đừng cách xa
nhau thêm như con thuyền không buộc chặt,
đang dần dần trôi xa bờ, chỉ có sự
đối thoại thẳng thắn mới hàn gắn
được tình trạng này. Hai bên, cả
anh và nàng đều giữ kín những bất
mãn của mình quá lâu, lên men ở
trong lòng, mỗi ngày mỗi lạnh lùng, xa
cách và chán
ngán nhau.
Điều khó khăn là chúng ta chỉ
có thể nói những điều ấy trong
cơn nóng giận, những lúc gần gũi lại
e dè không dám nói lên những điều
bất mãn ấy, vì nói ra lại sợ mất
hòa khí. Như vậy chúng ta đều phải
là những người bình tĩnh, dám nhận
lỗi và dám đương đầu với sự
thật. Và anh đã nói: “Anh thực sự
hối lỗi. Anh thành thật xin lỗi em. Anh thật
là người vô tình. Anh sẽ chú
ý lại những việc làm nhỏ nhặt
như những ngày mình mới gặp nhau.”
Còn nàng, nàng sẽ nói sao ? (1)
Đó là những ngày còn trẻ.
Bây giờ già rồi, có phải chăng
“tình không còn, chỉ còn nghĩa”
như nhiều người vẫn biện minh. Ông than
phiền bà nằm ngủ hay cựa quậy hay thường
lục đục tới khuya chưa chịu vào
giường. Bà than ông hay dậy đi tiểu
đêm, khi ngủ ngáy lớn tiếng làm
bà không ngủ được. Không chỉ những
“đồng sàng dị mộng”, hai ông bà
cũng “dị sàng” từ vài chục
năm trước, họ thỉnh thoảng vẫn
“thức chung” nhưng tuyệt đối ngủ
riêng. Ban đêm bà có trúng lạnh,
ông có lên cơn suyển, ngộp thở cũng
chẳng buồn kêu đến người kia vì
sợ phiền. Bà đi Việt Nam thăm chị,
thăm em cả tháng trời, ông cũng không
thấy có gì thay đổi trong nếp sống hằng
ngày. Ông theo bạn bè đi du lịch Trung Quốc
cả mười lăm hôm, vì bà than đau
chân không đi bộ nhiều được, cũng
chẳng sao. Vào mùa hè, có khi bà sang
nhà con gái ở bên miền Đông vui với
cháu ngoại hai tháng mới về. Không
thương, không nhớ, chẳng có thói quen
gần nhau, nên cái câu “... chim quen lồng,
lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi” bây
giờ nghe không còn đúng nữa.
Người mình vẫn hay nói tới
“nghĩa” thay cho tình, nên cuộc sống
của người già không còn mặn nồng,
âu yếm như những người Tây
Phương, vẫn thường đi du lịch, nghe nhạc,
ngồi ở bờ biển tình tự hoặc cầm
tay nhau hoặc hôn nhau như thời trẻ trung.
Bây giờ họ không còn gọi nhau bằng
tên hay “anh-em” như ngày trước,
mà gọi nhau là “bà-tôi”, “ba
nó-má nó” hay “ông ngoại-
bà ngoại”. Gọi “anh-em” hay tỏ cử
chỉ âu yếm, sợ con cháu nó cười,
bảo “già mà không nên nết”.
Ra đường ông đi trước cả đoạn,
bà mới lụp chụp theo sau. Ngày xưa, vợ
chồng vẫn thường được chúc
“trăm năm hạnh phúc”, đẹp
đôi cho tới khi “đầu bạc răng
long”. Nhưng chắc chắn hai người không
thể cùng nhau đi hết một đoạn
đường, bên nhau cho tới ngày cuối
cùng. Bây giờ đầu đã bạc,
răng đã long rồi là những lúc phải
cần đến nhau hơn.
Cái này nó không phải tự
nhiên một ngày mà có, cũng không phải
“lỗi tại anh” hay “lỗi tại em”,
mà nó từ từ
như con thuyền không buộc chặt mỗi
ngày mỗi trôi xa bờ như đã nói
ở đoạn trên. Hy vọng rằng cụ ông
hay cụ bà hôm nay vẫn là anh và em thuở
xưa, của những tháng ngày đã bốn,
năm mươi năm về trước.
Khí hậu mùa xuân, hạ đủ ấm
áp, nhưng tới mùa đông, có lẽ
phải cần nhen lên ngọn lửa trong bếp lửa
gia đình để xua tan nỗi băng giá
và phiền muộn của thời gian.
Tuesday,
20 February 2007
HUY PHƯƠNG
(1)Theo Tỳ Kheo Visuddhàcàra- Không Tuệ