TÌNH
BẰNG HỮU
(Phạm
Xuân Thái)
Đã lâu lắm
rồi tôi mới có dịp ngồi đối ẩm
với ông niên trưởng mà tôi luôn
quý mến, kính trọng. Ông là người
vui tính, trẻ trung, từng trải, và sâu sắc.
Chúng tôi gọi một chai rượu đỏ,
vài món ăn ngon, khề-khà với nhau. Ngồi
uống rượu, học hỏi kinh nghiệm sống
nơi ông, nghe ông kể chuyện đời,
và luận về đời sống thật là
thú vị !
Trong những đề
mục của cuộc đời mà ông bàn
đến, tôi vẫn nhớ mãi những lời
ông nói về tình bằng hữu: “Trong
đời sống, nếu ta có được một
hai người bạn với ý nghĩa đích
thực của tình bạn là đã may mắn
lắm rồi ! Người bạn với ý nghĩa
đích thực của tình bạn là người
thấu hiểu tính tình và tâm tư ta;
vui khi ta thành công, phát đạt; nâng
đỡ khi ta vấp ngã, thất bại; an ủi
khi ta phiền muộn xuống tinh thần; bảo vệ
khi có người dèm pha... Hơn thế nữa,
tình bạn chân chính được ví
như một vì sao, nó chỉ thật sự chiếu
sáng khi ta trải qua những giai đoạn đen tối
bất trắc của cuộc đời - A friend in need
is a friend in deed”
Tôi ngẫm nghĩ
và cảm nhận lời ông nói thật
là chí lý ! Tại sao vậy nhỉ ? Tại
sao chúng ta có thể quen biết rất nhiều,
nhưng số người có thể gọi là bạn
với ý nghĩa đích thực của tình
bạn chỉ đếm được trên đầu
ngón tay ?
Ngạn ngữ
Pháp có câu: "Chúng ta là những lữ
hành trên đường đời. Điều tốt
đẹp nhất mà ta có thể tìm
được trong chuyến đi, là một người
bạn chân chính" .
Trong những truyện
cổ tích Việt Nam có một câu chuyện
nói lên tình bằng hữu tuyệt vời
mà ai trong chúng ta cũng biết, đó
là “ Lưu Bình Dương Lễ”.
“Lưu Bình
và Dương Lễ là hai người bạn
thân từ thuở ấu thơ. Lưu Bình sang trọng
giầu có, còn Dương Lễ bần cùng
nghèo khổ.Thương bạn, Lưu Bình
đã tận tình giúp đỡ Dương
Lễ bằng cách đưa bạn về sống
chung và cùng dùi mài kinh sử, chờ
ngày vinh quy bái tổ ..Vì biết thân phận
nên Dương Lễ rất chăm lo học
hành, trong khi Lưu Bình ỷ lại sự giầu
sang nên mải chơi. Kết quả Dương Lễ
thi đậu làm quan, trong khi Lưu Bình vẫn chỉ
là một thư sinh vô danh tiểu tốt.
Một ngày kia, khi
tiền của đã cạn Lưu Bình tìm
đến Dương Lễ hy vọng được
giúp đỡ, bấy giờ Dương Lễ
đã là một ông quan giầu sang nhiều
thế lực. Tuy biết bạn đến, nhưng
Dương Lễ không đích thân ra tiếp,
mà lại sai người hầu cận đem thức
ăn hẩm thiu ra bố thí cho Lưu Bình.
Lưu Bình buồn và tủi nhục vì
thái độ khinh khi của Dương Lễ,
nên bỏ ra về.
Trên đường
lang thang Lưu Bình gặp một cô chủ
quán tốt bụng là Châu Long. Cô này
đã tận tình khuyến khích Lưu
Bình đi học lại, và hơn thế,
còn cho Lưu Bình ở trọ để chăm
lo đèn sách chờ ngày đi thi. Năm
đó, Lưu Bình đã trúng tuyển.
Sau khi công thành danh toại, Lưu Bình trở
về quán cũ để tạ ơn, và để
ngỏ ý cầu hôn với Châu Long thì
bóng người xưa đã không còn thấy
nữa.
Ngày kia, Lưu
Bình đi ngang qua vùng của Dương Lễ
cai quản, chàng nhất định ghé vào
dinh của Dương Lễ với ý định trả
thù mối nhục năm xưa. Dương Lễ mừng
rỡ ra đón tiếp bạn, bên cạnh
là Châu Long, mà Dương Lễ giới thiệu
là hầu thiếp của mình. Lưu Bình
lúc đó mới hiểu và khâm phục
tấm lòng của bạn .”
*
* *
Tuy vậy "le respect est le lien
de l’amitié" tạm dịch là, sự
kính trọng là gạch nối của tình bạn.
Người xưa cũng
khuyên nhủ "tương kính như
tân". Tình bạn muốn được bền
vững phải luôn được vun bồi bằng
tấm lòng chân thật, và sự đối
xử tử tế, lễ độ. Treat a friend the way you want to be treated -
Hãy đối xử với bạn bằng
phương cách quý vị muốn được
đối xử.
Đôi khi vì quá thân, chúng ta hay
đùa giỡn quá lố, quên đi chữ Lễ
đối với nhau, gây tổn thương tự
ái, làm sứt mẻ tình bạn, và
có thể đưa đến thảm trạng
như câu chuyện dưới đây.
“ Ngày xưa tại kinh thành nước
Trung Hoa có hai người bạn thân nhau từ hồi
nhỏ, thương nhau hơn ruột thịt, chia sẻ
với nhau tất cả tâm tư, ngọt bùi của
cuộc đời. Khi lớn lên, người bạn
con vua trở thành Hoàng Đế. Hoàng Đế
nhớ đến bạn, phong tước cho bạn
mình làm Tể Tướng. Ngày ngày, hai
người cùng hưởng cảnh giàu sang
phú quý, ngâm vịnh thi phú, yến tiệc
linh đình, cung phi mỹ nữ hầu hạ
ngày đêm
Ngày kia, giặc giã từ
xứ lân bang nổi lên tấn công bờ
cõi. Nhà vua cho gọi quần thần
tới họp, tìm kế ngăn giặc. Tể
Tướng nghĩ mình đã được vua
ban nhiều ân sủng, chưa lập
được công trạng nào, nên xin vua cho cầm
quân đi đánh giặc. Vua vì thương
bạn, không muốn bạn bị cực khổ,
đi vào chốn binh đao, nên gạt phắt
đi:
- Mi cả đời chưa đi đánh giặc
lần nào, văn dốt võ dát, biết
gì mà đòi đi đánh giặc
?
Tể Tướng mặt đỏ bừng
lên vì xấu hổ trước mặt quần thần,
nên cương quyết xin đi đánh giặc. Vua thấy bạn
cương quyết xin đi, nên đành chấp
thuận, và phát cho Tể Tướng một
đạo quân tinh nhuệ với đầy đủ
lương thực. Sau nhiều
tháng ròng rã nơi chiến trường,
quân của Tể Tướng thua trận và Tể
Tướng bị giặc bắt cầm tù.
Nhà vua sai sứ đem vàng bạc châu
báu sang xứ lân bang cầu hòa, và chuộc
bạn về.Tể Tướng về nước phủ
phục trước mặt nhà vua tạ tội,
và cám ơn vua đã cứu mạng.
Nhà vua nhìn bạn thương xót trong bụng,
nhưng trêu bạn:
- Nhà ngươi là một kẻ bất
tài, bại trận, làm nhục quốc thể
nay còn về đây làm gì ?
Tể Tướng cúi gầm mặt
trước bệ rồng, cố nuốt nhục,
không nói nên lời. Nhà vua truyền đứng
dậy, cho về nhà thăm vợ con, và bắt
trở lại Hoàng Cung tối hôm đó để
gặp nhà vua.
Tối hôm đó, một yến tiệc linh
đình đã được tổ chức để
mừng Tể Tướng được tự do. Sau khi
mãn yến tiệc, hai người bạn ngồi
đánh cờ bên tiếng đàn hát, nhẩy
múa của cung tần, mỹ nữ, nhà vua thắng
bạn ván cờ, thích chí quá ông
nói:
- Mi tài nghệ kém quá nên mới
thua trận phải đầu hàng, khiến ta phải
tốn bao tiền bạc mới chuộc về được !
Các cung tần, mỹ nữ nghe vua
đùa bạn, ôm miệng cười khúc
khích. Bị nhà
vua trêu chọc nhiều lần trước
đám đông, và trong cơn say Tể Tướng
đã không dằn được cơn tức giận,
ông nhấc bàn cờ bằng đá lên
giáng xuống đầu vua. Nhà vua bể
sọ, ngã xuống chết tươi.”
*
* *
Ôn cố tri tân, ngẫm lại cuộc đời,
tôi nghĩ tới những người bạn cũ,
những người bạn mới, những người
bạn đã xa, những người bạn
đã nằm xuống mà không bao giờ tôi
còn có dịp gặp mặt. Tôi muốn
nói cùng tất cả những người bạn
của tôi rằng: “Đời sống quá ngắn
ngủi, hãy xích lại gần nhau thêm nữa;
và dẫu thế nào, cũng xin cám ơn
quý vị đã là người bạn với
ý nghĩa đích thực của tình bạn.
Quí vị đã là một phần
của đời sống mà tôi không thể
thiếu.”
PHẠM XUÂN THÁI
11/3/2007
(Việt Hải Trần chuyển)