CHẾT CŨNG VẪN
CÒN ÔM NHAU
Năm cùng tháng tận mà
đem chuyện chết chóc ra nói thì rất
không nên. Nhưng bài viết này nhất định
không nói đến những chuyện không vui
mà chỉ xin nói đến những chuyện vui
quanh những cái chết.
Benjamin Franklin, một trong những người
sáng lập ra nước Mỹ nói rằng
trên đời chỉ có hai điều chắc chắn
thế nào cũng xẩy ra. Ðó
là chết và thuế. Không
ai ra khỏi cuộc đời này mà không chết.
Và cũng không ai sống ở nước
Mỹ mà không đóng thuế. Chuyện chết là chuyện tất
nhiên. Thần chết không nghỉ
ngày nào cả. Giáng Sinh, năm mới,
Tết nhất... thần chết làm việc không
bao giờ nghỉ. Làm như thế mới
đúng là làm ngày không đủ,
tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày
nghỉ, làm kỹ mới thôi, làm rồi...
làm lại. Thế thì tại sao lại
kiêng nói chuyện chết ?
Có khi nói chuyện chết mà nghe sung
sướng hạnh phúc đến lịm người.
Thí dụ hai người yêu nhau, đang ngồi
nhìn về cùng một phía như
Saint-Exupéry một lần đã viết: "yêu nhau không phải là
nhìn nhau mà là cùng nhìn về một
phía". Ðang ngồi
với nhau nhìn cùng về một phía
thì người này nói với người kia rằng "Em để cho anh chôn em
nhé." Nghe vậy, người
bình thường và khỏe mạnh, đầu
óc minh mẫn ai mà chẳng hét lên rằng
sao đang yêu nhau lại nói chuyện chết
chóc, chôn cất, mai táng ra như thế.
Nhưng nghĩ lại một chút thì đó
chính là một câu tỏ tình hay tuyệt,
một lời hứa như người ta vẫn hứa
với nhau tại lễ hôn phối. Ðó
là sẽ ở với nhau đến lúc chết.
Chỉ có chết mới chia lìa
được đôi ta. Until death do us apart. Phải ở với nhau
mãn đời, mãn kiếp thì anh mới
chôn được em chứ. Câu
nói có nghĩa là như thế. Nếu
muốn chắc ăn hơn, tránh bị
bẻ queo, xuyên tạc ra thành anh định chờ
cho tôi chết để chôn thật nhanh cho rảnh
nợ hả, thì nói thêm rằng nếu anh
không chôn được em thì em chôn anh
nhé. Thế là tốt đẹp cả. Chồng
còn sống thì chôn vợ. Vợ còn sống
thì chôn chồng. Hạnh phúc cho đến
lúc cuối đời.
Những cặp lãng
mạn hơn thì nói với nhau rằng
đã không được sinh ra cùng
ngày, thì xin được chết cùng
ngày, cùng giờ vậy. Nhưng mấy ai
làm được đúng điều
đó. Cũng có vài ba trường hợp một
người đi trước, người kia quá
xúc động, tuổi tác đã cao,
máu nhồi cơ tim dồn dập và đi theo
luôn. Nhưng như người ta vẫn nói: Sống mỗi
người một nhà, chết mỗi người một
mồ.
Chuyện những hồn
phiêu bạt muôn năm cũ nay đã về
chung một chỗ nằm như trong thơ Ðinh
Hùng thì khó lắm. Jacqueline Bouvier Kennedy sau khi
qua đời được đưa về chôn cạnh
mộ của chồng ở nghĩa trang quốc gia
Arlington. Nhưng đó chỉ là chôn cạnh
chứ không chung một mồ. Tưởng tượng
huyệt vừa lấp thì một ông già
bước tới hỏi ngay "Bà đi những
đâu kể sau cái hôm tôi bị bắn ở
Texas nói tôi nghe coi." Thế là phải kể
ra những Oanassis, những Kempelman, cùng vài ba
người đàn ông khác thì chuyện
gặp lại cũng mất vui đi nhiều. Chỉ khi
nào hai người chết cạnh nhau cùng một
lúc như Romeo và Juliet thì may ra chuyến
đi về bên kia mới không có những chuyện
lấn cấn. Cũng có khi vừa được hạ
huyệt, thì người đi trước lúc ấy
đã ở một hoàn cảnh khác, xuất
hiện cạnh một khuôn mặt chưa thấy bao
giờ thì cũng khó nói.
Tuần qua, các
nhà khảo cổ khi đào bới một khu phế
tích ở gần thủ đô Roma của Ý
đã tìm thấy hai bộ xương nằm cạnh
nhau trong một tư thế rất tình tứ. Hai bộ
xương quay mặt vào nhau. Những cánh tay
trong tư thế ôm chặt lấy nhau. Chân của
hai người cũng gác lên nhau. Các nhà
khảo cổ cho biết cả hai còn rất trẻ,
tuổi tác có thể chỉ khoảng dưới
ba mươi và nhất định phải là một
cặp nam nữ.
Khu phế tích
được khai quật, theo các nhà khảo cổ
học, phải có từ thời tân thạch
khí, thời đại bắt đầu khoảng
mười ngàn năm trước. Hai bộ
xương, theo những ước lượng sơ khởi,
phải nằm ở đó từ 5 đến 6
ngàn năm.
Tại sao hai người
lại đến nằm chết bên nhau trong một
tư thế âu yếm như thế ? Bí mật
đó nằm trong những cuộn não nay
đã biến thành cát bụi. Chỉ
còn hai bộ xương câm nín. Ở thời
đại mà hai người sống, ngôn ngữ,
tư tưởng chưa phát triển nhiều.
Tình yêu có thể có, nhưng một thứ
tình yêu lãng mạn đến độ hẹn
nhau chết cùng một lúc thì hơi
khó. Ðời sống vẫn còn nhiều bất
trắc, chuyện sống còn, lo cho cái dạ dầy
chắc quan trọng và được nghĩ tới
nhiều hơn là yêu nhau một cách lãng
mạn kiểu Ðồi Thông Hai Mộ như
chúng ta bây giờ.
Nhưng tại sao lại
ôm nhau chết âu yếm như thế ? Một trận
dịch kéo qua, cả làng chạy được,
chỉ còn hai người, một trong hai bị bệnh,
người kia cũng đã bắt đầu nhuốm
bệnh, không đủ sức bỏ đi nên nằm
xuống bên cạnh để cùng chết ? Nếu
đúng là như thế thì đây
có thể là cái chết lãng mạn
đầu tiên của thế giới loài người
chăng ? Mong là toán khảo cổ sau khi xem
xét và thí nghiệm hai bộ xương
này sẽ để lại những mảnh
xương ở chỗ cũ để hai ngưòi
chết cùng nhau được yên giấc
ngàn thu như họ đã đưọc yên
giấc hơn 5 ngàn năm qua.
BÙI BẢO
TRÚC
(Bai Chuyen)