30 Năm, Nỗi Đau
Chưa Thấm
(Trần Trung Đạo)
“… nếu
chúng ta chưa thắng được độc
tài, áp bức, không phải vì độc
tài áp bức quá mạnh mà cũng
có thể trong mỗi chúng ta, nỗi đau Việt
Nam
vẫn chưa đủ thấm …”
Danh từ Bức Tường Than Khóc (Wailing
Wall), di tích lịch sử của đền thờ
đạo Do Thái ở phía Tây của
thành phố Jerusalem, không phải ra đời sau
thảm họa Holocaust hay từ ngày tái lập quốc
gia Do Thái năm 1948 mà đã có từ
hơn ngàn năm trước. Trong thời
gian bị đế quốc Roma chiếm đóng,
người Do Thái phải hối lộ cho binh
lính Roma để được đến cầu
nguyện dưới chân bức tường. Trong hai ngàn năm lưu dân, người
Do Thái phải vượt qua bao nhiêu gian khổ
để được đặt chân và cầu
nguyện trên thánh địa của dân tộc
họ. Nước mắt của người dân
Do Thái nhỏ xuống bờ tường suốt bao
nhiêu thế kỷ, đã thấm sâu,
không chỉ vào bức tường mà cả
trong thịt trong xương và trở thành một
sắc thái văn hóa riêng của dân tộc
Do Thái. Họ ôm nỗi đau
đi khắp góc bể chân trời. Người Do Thái đối diện với
nỗi đau như đối diện với chính
mình và sống với nỗi đau như một
phần quan trọng trong đời sống tinh thần của
họ. Nỗi đau lớn dần và trưởng
thành theo thời gian, cuối
cùng đã giúp họ trở về với
vùng Đất Hứa.
Hẳn nhiên không thể so
sánh nỗi đau và sự chiu đựng giữa
dân tộc Do Thái và dân tộc Việt Nam;
đúng ra, chẳng thể so sánh nỗi đau
nào với nỗi đau nào. Nhưng trong quan điểm
chủ quan của tôi, nỗi đau của dân tộc
Việt Nam
cũng sâu sắc, trầm trọng và vô
cùng đau nhức. Trên mỗi bước
chân chúng ta đi trên những nẻo
đường Việt Nam, từ Ải Nam Quan cho đến
Mũi Cà Mau, như vẫn còn nghe vọng lại
tiếng kêu thương của bao nhiêu người
đã ngã xuống. Màu đất đỏ
miền Đông không những chỉ là
màu đất mà còn được nhuộm
bằng mồ hôi và máu của những
người phu đồn điền đã tưới
lên mỗi gốc cao su ở Đồng Nai, Tây
Ninh, Bình Dương, Sông Bé. Tháng Chạp
năm 1944, trong lúc bầy ngựa chiến của
phát-xít Nhật vẫn đầy đủ
lúa thóc để ăn, những nhà
hàng sang trọng dành cho những kẻ đặc
quyền trong xã hội vẫn mở cửa, gần
hai triệu người Việt, đa số từ miền
Bắc, đã chết đói
trong nạn đói năm Ất Dậu. Dân số
Việt Nam trong năm 1945 chưa đến 20 triệu
người nhưng chỉ trong vòng 6 tháng, từ
tháng Chạp năm 1944 đến tháng Năm
1945, 10 phần trăm
dân Việt đã chết đói. Nếu tính theo
tỉ lệ của số tử vong trên tổng số
dân, nạn đói Ất Dậu phải là một
trong những nạn đói lớn nhất trong lịch
sử loài người, không thua gì nạn
đói Bengal 1943. Nhiều làng chết nhanh đến nỗi
không kịp chôn, nhiều người chết
không có một tấm ván làm hòm, chết
không có một manh chiếu quấn quanh người.
Tôi nghe bà con kể lại, một
người cha phải đào một chiếc hố
sâu và ném xuống đáy hố một
đoạn mía thối để cho hai đứa con
nhỏ nhảy xuống giành nhau, ông lấp hố,
rồi treo cổ chết trên miệng hố. Dù có thật hay không, câu chuyện
đã phản ảnh một khía cạnh đau
thương của cuộc sống và nói lên
ý nghĩa của sự chịu đựng của
người Việt Nam.
Hãy tạm gác qua một bên những
chính nghĩa, phi nghĩa, bản chất, thực chất,
ủy nhiệm, ý thức hệ, xâm lăng, tự
vệ, hay lý do nào khác của 21 năm chiến
tranh từ 1954 đến 1975, số lượng súng,
bom, đạn, xe tăng, hóa chất mà ba nước
Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ đã
ném, đã rải, đã cày xéo
lên trên một mảnh đất có diện
tích 332 ngàn cây số vuông, chỉ bằng
với diện tích tiểu bang New Mexico của Mỹ,
đã quá lớn so với bất cứ một
cuộc chiến tranh nào trong lịch sử nhân loại.
Theo tài liệu của Viện Lịch sử Quân
sự Hà Nội, đáp ứng lời yêu cầu
của ông Hồ Chí Minh trong cuộc thăm viếng
Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ từ
ngày 22 tháng 6 đến 22 tháng 7 năm 1955,
các quốc gia đó đã bắt đầu
gởi súng đạn ồ ạt đến miền
Bắc Việt Nam. Tổng số viện trợ quân sự
Liên Xô, Trung Quốc và các nước
xã hội chủ nghĩa khác giúp cho Hà Nội
là 2 triệu 362
ngàn 581 tấn, trong
đó bao gồm một danh sách dài của
các loại vũ khí, từ 3 triệu 600
ngàn khẩu súng cá nhân cho đến 458
máy bay chiến đấu và hàng vạn
đại pháo, tên lửa nhiều loại. Về phía Mỹ, trong cao điểm năm
1969, tại miền Nam
đã có hơn nửa triệu quân với tất
cả quân trang, quân dụng và vũ khí cần
thiết. Trong suốt thời gian tham chiến, người
Mỹ đã chi dụng 623 tỉ Mỹ Kim theo thời giá hiện nay cho cuộc chiến
Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam là chiến tranh dài nhất
mà Mỹ đã tham dự trong lịch sử của
họ và Mỹ đã ném xuống Việt
Nam hơn 7 triệu tấn
bom, gấp 3 lần
rưỡi tổng số bom Mỹ đã ném xuống
khắp thế giới suốt thế chiến thứ hai.
Tôi sinh ra và lớn lên ở
Quảng Nam,
nơi đã từng diễn ra những trận
đánh vô cùng ác liệt. Phần lớn các ông anh họ
của tôi, ra đi theo bên
này hay bên kia, đều không trở lại.
Những ngày còn bé,
tôi thường đứng xem những chuyến trực
thăng tải thương hạ cánh trong sân
trường cấp một của tôi. Trong số những
người chết trên đường đến bệnh
xá, có người bên này và cũng
có cả người ở phía bên kia. Họ có thể khác nhau khi
còn sống vì khẩu súng họ mang, chiếc
áo họ mặc, chiếc mũ họ đội,
nhưng lại rất giống nhau khi đã chết,
vẫn mái tóc đen, vẫn màu da vàng sạm
nắng, và ở một nơi nào đó
trên đất nước mình, những người
mẹ Việt Nam vẫn ngày đêm mong ngày họ
trở về trong căn nhà tranh, bên ngọn
đèn dầu hiu hắt. Cánh cửa
nhà mẹ cũng như cánh cửa tâm hồn
mẹ vẫn mở, vẫn đợi chờ và
đợi chờ.
Không có trái bom nào
rơi trúng mái nhà mẹ
Không có viên đạn
nào bắn thủng mái nhà mẹ
Chỉ có
đứa con trai đi xa
Chỉ có sự
chờ đợi nặng nề giọt xuống.
Đã
xuyên thủng mái nhà thành những lỗ
to nhỏ khác nhau.
Nắng mưa lọt
vào sau
Xuyên
Xói
Những sợi nắng,
những sợi mưa nếu có thể nói, cũng
chỉ dài bằng một phần sự mong đợi
Và những hạt
nắng, những hạt mưa nếu đem xếp lại,
có thể cao hơn một trái núi.
Mười
năm, cũng chỉ là thoáng qua,
Vì tuổi mẹ
sáu bảy lần hơn,
Mẹ vẫn
nói đời mình như nắng trận mưa
cơn…
(“Ngày
hoà bình đầu tiên”, PHÙNG KHẮC
BẮC)
Cách quê tôi
không xa, có một bà mẹ, cụ Nguyễn Thị
Thứ, được phong danh hiệu “Bà Mẹ
anh hùng” vì có đến 9 người
con trai là liệt sĩ. Ngôn ngữ Việt Nam
dù phong phú bao nhiêu cũng chẳng thể
nào tả được nỗi đau trong lòng cụ
khi nửa đêm thức dậy nhìn lên
bàn thờ dựng 9 tấm ảnh của những
đứa con trai mà cụ đã từng mang nặng
đẻ đau. Tại ai ? Tây ? Mỹ ? Quân đội
miền Nam ? Đảng Cộng sản ? Hay tại những
đứa con (chắc chắn trong đó có một
số người bất hiếu) của cụ ? Nhưng
dù tại ai thì họ cũng đã ra đi
và chỉ có nỗi đau là ở lại. Mỗi
khi đọc tin về cụ tôi lại nghĩ đến
nỗi đau, không phải chỉ vì cụ
có 9 người con chết, mà đau hơn khi mỗi
ngày, mỗi tháng trong phần đời còn
lại, như một “bà mẹ anh hùng” cụ phải
hãnh diện, phải tiếp tục cười
tươi trên sự bất hạnh và bạc
phước của chính mình.
Ngày 4 tháng 4
năm 1995, theo hãng tin AP, chính phủ Việt Nam
công bố con số tử vong và
thương tích do hậu quả của cuộc chiến
21 năm là 5 triệu người, gồm hai triệu
dân miền Bắc, hai triệu dân miền Nam
và một triệu một trăm ngàn binh sĩ. Bản
tin cũng giải thích lý do con số được
công bố cao hơn những lần công bố
khác trong thời chiến bởi vì nhà nước
Việt Nam không muốn làm nao núng tinh thần
dân chúng. Con số 5 triệu chỉ là con số
ước lượng chủ quan và có thể
hơi quá cao. Nhưng dù chỉ đúng một
nửa thôi, cũng đã quá lớn so với
một nước nhỏ về dân số và hẹp
về diện tích như Việt Nam. Nếu so
sánh với mức độ dân số Việt Nam
trung bình khoảng 40 triệu người trong thời
kỳ 1954 - 1975 và chấp nhận lời công bố
ngày 4 tháng 4 năm 1995, 13 phần trăm dân số
đã chết trong cuộc chiến. Tỉ lệ
đó tương đương với 28 triệu
dân Mỹ, 27 triệu dân Liên Xô và 107
triệu dân Trung Quốc vào thời điểm
1975.
Sau 1975, số lượng
người Việt đã bỏ xác trên biển
Đông, trong tay hải tặc suốt 22 năm từ
1975 đến 1997 khi các trại tị nạn
chính thức đóng cửa, lần nữa, cũng
chẳng thể nào thống kê được. Những
trại tị nạn Camp Pendleton, Leamsing, Palawan, Pulau Bidong,
Sungai Besi, Bataan, White Head, Panat Nikhom, Galang,… sau những
chuyến hải hành vô định trên biển
Đông trùng trùng gió bão trong
đói khát, lo âu. Bà mẹ quỳ lạy
những tên hải tặc để xin tha cho đứa
con gái chỉ mười lăm tuổi ốm o bịnh
hoạn của bà. Nước mắt và những
lời van xin của mẹ không lay động tâm
hồn của những con người không còn một
chút lương tri. Tiếng niệm Phật, lời cầu
kinh không ai nghe. Không có Chúa và
không có Phật, ở đó, trên bãi
san hô của đảo Koh Kra, phía nam vịnh
Thái Lan, chỉ có những thân thể trần
truồng, máu me nhầy nhụa, chỉ có tiếng
rên của những con chim nhỏ Việt Nam bất hạnh
và giọng cười man rợ của bầy
ác điểu Thái Lan. Chúng ta có thể
từng nghe kể lại những chuyến vượt biển
hãi hùng, những cái chết thương
tâm, tuy nhiên những cảnh hãi hùng
và thương tâm nhiều lần hơn như thế
sẽ không bao giờ nghe được, đơn giản
vì chẳng còn ai để kể.
Nỗi
đau Việt Nam quả thật vô cùng to lớn.
Vài năm sau
ngày định cư ở Mỹ, tôi quen một
người Việt. Anh lớn hơn tôi khoảng
mười tuổi, rất nhiệt tình và
hăng say tranh đấu. Thỉnh thoảng trên
đường đi học về tôi ghé thăm
anh. Qua Mỹ từ 1975, anh có đời sống ổn
định và luôn muốn làm một điều
gì đó cho quê hương. Một lần,
khi tôi ghé thăm, anh trao tôi một tập
tài liệu của một tổ chức đấu
tranh chủ trương lật đổ chế độ
cộng sản Việt Nam bằng con đường
võ lực và dặn tôi về đọc kỹ
trước khi trả lời anh. Tuần sau, không nghe
trả lời, anh điện thoại mời tham gia tổ
chức. Tôi từ chối. Sau nhiều lần bị vặn
hỏi lý do, tôi đành phải nói thật
với anh, tuy ngắn gọn, phũ phàng nhưng diễn
tả đầy đủ nhất suy nghĩ của
tôi: “Thưa thiệt anh, với tôi, chiến
tranh Việt Nam bằng súng đạn đã chấm
dứt rồi.” Tôi nghe phía bên kia đầu
dây tiếng gác máy nặng nề. Tôi biết
anh cảm thấy bị xúc phạm khi nghe câu trả
lời tắt ngang như thế, nhưng biết nói
sao hơn, và dù muốn giải thích, tôi
cũng chẳng biết nên bắt đầu từ
đâu cho phải.
Tôi muốn nói với
anh, cũng như anh, tôi mong đất nước
mình được thật sự dân chủ, tự
do, no ấm, và cũng như anh, tôi mơ một
ngày trở về không phải rụt rè
bước qua cổng hải quan, không phải đối
diện với những cặp mắt soi mói,
không phải nghe lương tâm mình cắn rứt
khi nghĩ đến những người còn đang ở
trong tù, những người đang chờ thanh lọc
ở trại tị nạn, những đứa em đang
bán mình ở Thái, ở Miên. Tuy
nhiên, thành thật để nói, cuộc chiến
như các chú bác, anh chị đã tham dự
trước 1975, cuộc chiến bằng súng đạn
và đồng Đô-la của Mỹ, đã
chấm dứt rồi.
Chiến tranh Việt Nam
là mối ám ảnh hãi hùng trong ý
thức của những nhà lãnh đạo cũng
như người dân nước Mỹ, không phải
chỉ trong vài thập niên vừa qua mà cả
trong nhiều năm tới. Việt Nam có thể vẫn
là điểm quan trọng trong chính sách
đối ngoại và là mối quan tâm cho quyền
lợi của Mỹ trong vùng Thái Bình
Dương, nhưng sẽ không bao giờ quan trọng
đến mức họ phải mang Hạm đội Thứ
Bảy đến để bảo vệ hải phận
Việt Nam hay chuẩn chi nhiều tỉ Mỹ kim để
thay đổi chế độ độc tài đảng
trị tại Việt Nam hiện nay. Đừng quên Hạm
đội Bảy cũng có mặt dày đặc
trong vùng biển Đông trong lúc hải
quân Trung Quốc an nhiên tiến chiếm quần
đảo Hoàng Sa. Lý tưởng tự
do dân chủ không phải là món quà
nhân đạo mà bao giờ cũng gắn liền
với quyền lợi của đất nước họ. Lịch sử bang giao quốc tế đã nhiều
lần chứng minh, các chính quyền Mỹ
có khuynh hướng thích bảo trợ, bao che,
nuôi dưỡng những kẻ cầm quyền độc
tài nhưng biết nghe lời hơn là các
nhà lãnh đạo yêu nước nhưng
khó bảo. Trường hợp Pinochet của Chile,
Noriega của Panama, Somoza của Nicaragua, Marcos của Phi Luật
Tân là những thí dụ điển
hình. Tiếng kêu trầm thống của nhân
dân Tây Tạng từ nửa thế kỷ qua, lời
kêu gọi từ trong tù của bà Aung San Suu
Kyi vẫn vang vọng mỗi ngày trên đài
truyền hình, nhưng ngoại trừ đôi lời
an ủi và dăm ba lần tiếp xúc không
chính thức, không một áp lực quốc tế
nào cứng rắn đủ để buộc Trung Cộng
ngồi vào bàn đàm phán hay buộc tập
đoàn quân phiệt Miến Điện phải
trả quyền quyết định đất nước
lại cho nhân dân Miến. Tại sao ? Đơn giản
bởi vì hai quốc gia vừa nêu đều
nghèo khó, không giữ vị trí quân sự
có tính cách chiến lược và cũng
không có một giọt dầu để thu
hút các đại công ty tư bản.
Tôi muốn nói với
anh, nhân dân Việt Nam đang đối diện với
một cuộc chiến tranh mới, một thách thức
mới, khó khăn và tế nhị hơn nhiều
so với cuộc chiến bằng súng đạn
trước đây. Cuộc chiến ngày nay
không giới hạn bởi lằn ranh, vĩ tuyến,
hiệp định; kẻ thù của nhân dân
Việt Nam không phải ở bên này hay
bên kia sông Bến Hải, mà ở bất cứ
nơi nào và nhiều khi còn ở ngay trong
chính bản thân mình. Cuộc chiến mới
là chiến tranh giữa trí tuệ và tăm
tối, giữa lòng bao dung dân tộc và
tính bảo thủ hẹp hòi, giữa tình
thương và thù hận, giữa khai phóng
và lạc hậu, giữa nghèo nàn và thịnh
vượng, giữa dân chủ và độc
tài, giữa các giá trị truyền thống
dân tộc nhân bản và ý thức hệ
ngoại lai vong bản nô dịch.
Tôi hình dung một
con người Việt Nam trong thời đại mới,
ngoài đầu mình, tay chân và các bộ
phận cần thiết khác, còn có thêm
hai cái cánh. Nói rõ hơn, Con Người
Việt Nam Mới là những người biết bay.
Để làm gì ? Xin thưa, để bay qua
các vực thẳm của hoài nghi, thù hận,
chia rẽ trong lòng dân tộc, cũng như bay qua
những ao tù nước đọng của tính
ganh tị, tự ái và mặc cảm cá
nhân.
Mỗi chúng ta tuy
có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ
khác nhau, tôn giáo khác nhau và có thể
mang trên thân thể những thương tích
khác nhau nhưng đất nước chỉ có
một tương lai. Không ai có quyền bắt
đất nước phải đau giống cái
đau của cá nhân mình hay bắt cả
dân tộc phải chịu đựng, phải hy sinh từ
đời này sang đời khác cho quyền lợi
của đảng phái mình. Sinh mệnh của
dân tộc Việt Nam không nằm trong tay thiểu
số người, dù họ là ai, mà phải
do chính nhân dân Việt Nam quyết định.
Không giống như
trường hợp Tiệp Khắc, Đông Đức,
Ba Lan, Bulgaria, Albania, v.v.., nơi đó các đảng
cộng sản thực chất chỉ là những
dây chùm gởi sống nhờ vào sức mạnh
của đồng Rup, xe tăng và hỏa tiễn
Liên Xô, khi cây đại thụ Liên Xô
thối ruột thì cả chùm cũng khô
héo theo. Đảng Cộng sản Việt Nam thì
khác, họ bám sâu vào cây đại
thụ Việt Nam, sinh sôi nẩy nở bằng nhựa
nguyên và nhựa luyện Việt Nam. Quá
trình hình thành và phát triển của
Đảng Cộng sản Việt Nam là một
quá trình đầy ngộ nhận lịch sử
và họ tồn tại đến ngày nay, một
phần cũng nhờ vào những ngộ nhận
đó. Với không ít tuổi trẻ lớn
lên trong nền giáo dục một chiều và
phản khoa học hiện nay, sự có mặt của
Đảng Cộng sản trong đời sống
chính trị và sinh họat xã hội Việt
Nam tự nhiên chẳng khác gì bốn mùa
xuân hạ thu đông. Nói như Mác, tự
do là sự thừa nhận các quy luật tất
yếu, và sự tồn tại của Đảng Cộng
sản Việt Nam cũng được giải thích
như là tất yếu. Tư duy lạc hậu
đó cũng tồn tại trong một số
không ít những người được gọi
là trí thức. Muốn tháo gỡ ra, muốn
tách hệ ý thức lạc hậu đó ra
mà không phải làm ung thối đi nguồn
nhựa sống hay làm ngã cây cổ thụ dân
tộc không phải là một chuyện dễ
dàng.
Chúng ta thường
hỏi nhau, tại sao sau 30 năm Việt Nam vẫn
chưa có một Aung San Suu Kyi, chưa tạo
được một phong trào đối kháng
có tổ chức, có hệ thống, có
cơ sở hoạt động vững vàng ? Việt
Nam chưa có một Aung San Suu Kyi không phải
vì Việt Nam thiếu những nhà dân chủ
can đảm, thiếu những phụ nữ đảm
lược, sẵn sàng ở tù, sẵn sàng
hy sinh, mà bởi vì các nhà dân chủ
Việt Nam chưa bao giờ có được cơ hội
hoạt động công khai hay bán công khai
như bà Aung San Suu Kyi. Đảng đối lập
Liên minh Dân tộc Dân chủ (National League for
Democracy) của bà Aung San Suukyi có cơ sở hạ
tầng vững chắc và đã thắng 396 trong
tổng số 485 ghế Quốc hội trong cuộc bầu
cử dân chủ công khai được quốc tế
công nhận năm 1990 trước khi bị
đám quân phiệt đàn áp. Tuy
nhiên, một lý do khác quan trọng hơn, tập
đoàn lãnh đạo Miến Điện hiện
nay dù sao cũng chỉ là một tập
đoàn quân phiệt tay ngang, võ biền, chứ
không phải là một chế độ độc
tài toàn trị được tổ chức tinh
vi, nắm trong tay không những quân đội,
công an, nhà tù, sân bắn mà còn
có khả năng kiểm soát từng ngôi
chùa, nhà thờ, thánh thất, từng hộ
khẩu, từng cân đường, cân gạo của
mỗi người dân như Đảng Cộng sản
Việt Nam. Đừng quên, giới lãnh đạo
Việt Nam là những người “khôn
nhà dại chợ”, đối với Trung Quốc
thì rụt rè, khép nép, thể hiện
qua cách giải quyết vụ ngư dân Thanh
Hóa vừa qua, nhưng trấn áp dân mình
thì rất giỏi.
Khó khăn hẳn
nhiên là khó khăn đó nhưng
không có nghĩa chúng ta sẽ phó
thác sinh mạng dân tộc cho thiểu số
ăn trên ngồi trước và nắm giữ
quyền lực theo kiểu cha truyền con nối. Lịch
sử dân tộc đã chứng minh rằng thời
đại nào cũng có người yêu
nước và người yêu nước bao giờ
cũng đông hơn kẻ bán nước.
Độc giả sẽ
hỏi người yêu nước như thế
tìm đâu ra ? Trước đây tôi
đã có viết và xin nhắc lại, theo
quan điểm chủ quan của riêng tôi, họ
có thể ở trong nước hay tại hải ngoại;
có thể đang đấu tranh trực diện với
chế độ hay vận động trong âm thầm,
kín đáo; có thể đã từng chịu
đựng hàng chục năm trong nhà tù cộng
sản và cũng có thể là những đảng
viên cộng sản đã nhận ra con đường
sai trái mà họ vừa đi qua; có thể
là những giáo sư đại học đang giảng
dạy tại các đại học quốc gia, đại
học bách khoa, đại học tổng hợp
Hà Nội, Huế, Sài gòn và cũng
có thể là những trí thức Việt Nam
mang quốc tịch Anh, Mỹ, Pháp đang sẵn
lòng cứu giúp quê cha đất tổ;
có thể là những nông dân lam lũ
trên cánh đồng khô cháy ở Nghệ
An, Hà Tĩnh và cũng có thể là những
công nhân đang đổ mồ hôi trong
nhà máy dệt ở khu công nghiệp Biên
Hoà; có thể những thanh niên, sinh viên
mang thao thức đi vào xã hội Việt Nam
đầy bất công sai trái và cũng
có thể là những sinh viên gốc Việt
sinh ra ở hải ngoại đang mơ ước
làm một điều gì tốt đẹp cho
quê hương. Tâm thức Việt Nam của họ
được kết tinh được bằng lòng
yêu nước chân thành, đức tính
kiên nhẫn, không sống ngoài mà sống
trên những hiện tượng tiêu cực
đang tồn tại và biết đau nỗi đau
chung của dân tộc mình.
Phục hưng Việt
Nam là một cuộc vận động cách mạng
tư duy chứ không đơn giản là một
cuộc đấu tranh chính trị đoản kỳ. Mặc dù khi
các nhân tố cách mạng chín muồi
và cần thiết, những người yêu nước
có thể phải kết hợp thành một
đảng chính trị tranh đấu trực diện
và công khai thách thức quyền lãnh
đạo đất nước, nhưng nếu chưa
chín muồi họ sẽ hoạt động một
cách thích hợp với hoàn cảnh cá
nhân của họ.
Cuộc tranh đấu
ngày nay không bắt đầu từ những trận
đánh lớn ngoài mặt trận như trong thời
chiến mà bắt đầu từ công việc mỗi
chúng ta đang làm; không bắt đầu từ
cấp cao xuống cấp thấp, từ trung ương
đến địa phương mà bắt đầu
từ những việc làm nhỏ, trong phạm vi nhỏ
của mỗi người, mỗi gia đình,
thôn xóm, trường học, quận huyện,
thành phố và tiến dần đến phạm
vi toàn xã hội. Mỗi người Việt
Nam yêu nước, trong hay ngoài nước,
tùy theo hoàn cảnh và điều kiện thuận
lợi của mình, chủ động tạo nên
một mặt trận riêng nhưng nhằm theo đuổi
mục tiêu chung là cô lập, bào mòn,
tẩy chay và cuối cùng loại bỏ cơ chế
chính trị độc tài, độc đảng,
mở đường cho công cuộc phục hưng
toàn diện Việt Nam. Con đường
đó có thể dài hơn con đường
từ thủ đô Washington đến Kabul hay Baghdad,
nhưng sẽ là con đường của niềm
tin và hy vọng, của giấc mơ Việt Nam
đang trở thành hiện thực, và của
mùa xuân dân tộc đang đơm hoa trong mỗi
trái tim người.
Vũ khí của cuộc
chiến mới này không phải là B52 hay SAM
2, không phải bằng AK47 hay M16, mà đứng dậy
từ nỗi đau chung của dân tộc Việt Nam.
Và nếu chúng ta chưa thắng được
độc tài, áp bức, không phải
vì độc tài áp bức quá mạnh
mà cũng có thể trong mỗi chúng ta, nỗi
đau Việt Nam vẫn chưa đủ thấm.
TRẦN TRUNG ÐẠO
(Bai Chuyen)