TIẾNG KHÓC TỪ TẬN
CÙNG TRÁI TIM
Lẩm cẩm Sài Gòn thiên
hạ sự - Số 193
(Văn Quang)
Ngày 15 tháng 1 năm 2007, giữa trời nắng
chang chang, trên 4 chiếc xe gắn máy, chúng
tôi phóng trên con đường số 5 thuộc
làng Thương Phế Binh Thủ Đức.
(Đó là cái tên những người
“Sài Gòn xưa” thường gọi cho
đến nay. Thực ra, bây giờ theo tên gọi
mới, người ta gọi là Phường Phước
Bình, Quận 9 - TP. Sài Gòn). Anh Giáo dẫn
đường, anh là người được anh
em vẫn gọi là “Trưởng làng
Thương binh” (thuộc QĐVNCH), dù không cần
bầu bán gì, chỉ vì anh thường
“ăn cơm nhà vác ngà voi”, đứng
ra lo toan mọi công việc, tận tụy giúp
đỡ những anh em Thương Phế Binh (TPB)
nghèo khó hơn anh. Anh tự coi như đó
là một bổn phận của mình từ gần
30 năm nay.
Chúng tôi gồm 7 người, lúc
này tôi ngồi đằng sau xe anh Giáo,
Hàm Anh ngồi sau xe anh thương binh một giò
Trần Văn Bảo, một Việt kiều từ Canada
về - cô Khánh Vân- ngồi sau xe anh
thương binh Đào Vĩnh Ký, cụt hai tay vẫn
“hành nghề” lái xe ôm mà tôi
đã có dịp tường trình với bạn
đọc trong những số báo trước.
Còn “công tử” Đoàn Dự
thênh thang đi một mình, vì anh đã mất
công chở tôi lên Làng Thương Binh, chạy
lạc cả đường, “mệt phờ râu
cáo”.
Ngay từ sáng sớm, sau khi đã đến
một địa điểm ở giữa TP. Sài
Gòn, tặng quà của Việt kiều ở
Canada và ở Mỹ nhờ Thời Báo Canada
-có ấn bản phát hành tại Mỹ- chuyển
về giúp anh em Thương Phế Binh và người
nghèo ở VN, chúng tôi đã đi Thủ
Đức thăm một số anh em đau ốm, bệnh
tật không thể đi được (tôi tường
trình trong đoạn sau bài này). Chúng
tôi đã đến vài ba gia đình
thương binh nghèo. Những căn nhà cấp 4
cũ mèm, nhem nhuốc, chật chội; trong
đó chứa những con người lầm than,
cùng khổ từng ngày. Nhưng chưa có
căn nhà nào “kỳ quái” như
căn nhà mà chúng tôi vừa tới.
- Căn nhà “kỳ
quái”
Nếu những căn nhà khác đông
đúc, chật chội thì căn nhà
nhà này lại vắng ngắt, suốt hai ba gian
trước không một bóng người. Gọi
là “gian nhà” cho có chữ mà gọi
chứ quả thật nó đã chật hẹp lại
tối om, quần áo đen đủi linh tinh treo bừa
bãi bên mấy bức tường gạch cũ
nham nhở nên trông không khác gì
cái “hang chuột”.
Gian cuối cùng còn nhỏ hẹp, tối
tăm, tàn tạ hơn. Nhưng tất cả những
cảnh tàn tạ đó không thể bằng
chính con người ở trong đó. Chúng
tôi đứng sững lại trước hình ảnh
một anh thương binh .. dường như không
còn ra hình người. Trong bóng tối mơ
hồ, toàn thân anh còng xuống, ngồi
khòng khòng trên chiếc giường nhỏ,
đầu tóc cắt ngắn lởm chởm,
khuôn mặt méo xẹo, hai tay co quắp tật
nguyền, một chân què cũng co rút lại.
Trời quá nóng bức oi nồng, anh ở trần,
bộ xương chỉ chực lòi ra dưới
làn da nhăn nheo, cái quần đang mặc tụt
xuống từ bao giờ, có lẽ anh biết,
nhưng vẫn để mặc nó “tự
do”, che được tới đâu hay tới
đó.
Chúng tôi được biết, đây
là nhà của anh Trần Văn Ngà,
trước đây là quân nhân thuộc Tiểu
đoàn 1, Trung Đoàn 12, Sư Đoàn 7 Bộ
Binh. Hồi anh nhập ngũ rồi bị thương,
còn rất trẻ. Anh sinh năm 1946, như vậy anh
nhập ngũ vào năm 1966 (20 tuổi). Suốt trong
khoảng thời gian đó anh phục vụ trong những
đơn vị chiến đấu cho đến khi bị
thương khá nặng. Có một vết
thương lớn trên đầu, không chết
đã là may. Nhưng sau đó chân tay anh
bị co rút lại và không nói được,
dù anh biết hết những gì người xung
quanh nói với anh.
- Tiếng rú từng chập trong
tiếng khóc
Tôi phải đóng vai đại diện
nói vài lời thay mặt cho độc giả Thời
Báo chuyển tiền giúp đỡ của Việt
kiều Canada
và Mỹ đến với anh. Anh hiểu và gật
nhẹ, cho đến khi Hàm Anh và cô
Khánh Vân (Việt kiều Canada) cầm phong bì một
triệu đồng trao cho anh. Anh há hốc mồm, muốn
nói lời cảm ơn, nhưng không nói
được. Cứ ập ọng mãi trong cổ họng,
không thoát ra thành tiếng. Nỗi tức bực
uất nghẹn khiến anh khóc rú lên. Tiếng
rú vang động trong cái “hang sâu”
này khiến chúng tôi bàng hoàng. Một
cảm giác rợn người cùng với nỗi
đau xé lòng. Chưa bao giờ tôi
“được nghe” hay “phải nghe” tiếng
rú dài cùng với tiếng khóc như thế.
Có một cái gì đó xuyên thẳng
từ trái tim này đến trái tim khác,
rất rõ ràng. Không còn là cảm
tưởng và cũng không còn là cảm
xúc nữa, mà là nỗi đau của
chính mình. Anh và chúng tôi cùng
có một nỗi đau chung, cùng có một nỗi
uất nghẹn như nhau. Nếu khóc được
cùng nhau, chúng tôi đã khóc rồi.
Chỉ có những giọt nước mắt lăn
quanh những khuôn mặt quanh đây. Lúc
này không khóc được mới là lạ.
Bây giờ thì 8 người chúng tôi
hòa làm một.
Cái “hang chuột” tràn ngập nỗi
đau, tràn ngập tình thương yêu, chết
lặng trong cảm xúc nghẹn ngào. Bàn tay
tôi run, cô Việt kiều cũng thế và
ngay cả đến anh thương binh cụt hai tay, cũng
biết run.
Không phải chỉ một lần anh Ngà
rú lên, mà từng đợt anh khóc
như thế, có lẽ anh muốn nói với từng
người trong chúng tôi một điều
nào đó. Không chỉ là một lời
cảm ơn những tấm lòng đồng bào,
đồng đội đã nghĩ đến anh.
Còn có một cái gì đó là sự
tức tủi không thoát ra được.
Còn có một cái gì đó như con
thú hoang bị người thợ săn bỏ
quên dưới hầm tối. Còn có một
cái gì đó của trái tim điên
cuồng vì bị cầm tù giữa căn
nhà lạnh lẽo, giữa xã hội xô bồ
ngoài kia… Anh biết hết và còn có
thể coi được ti-vi, nhưng không nói
được, như con người nằm dưới mộ
sâu nhìn rõ cuộc sống trên kia, đấy
mới là nỗi đau từ bao lâu nay, chìm
sâu trong đáy tâm hồn. Thà rằng
không biết cho xong !
Cho đến khi Hàm Anh ngồi dưới
chân anh, nói với anh rằng “chúng
tôi hiểu anh muốn nói gì rồi, xin đừng
khóc nữa”. Anh gật đầu rồi
nhìn tôi và có lẽ anh muốn nói lời
từ giã. Nhưng rồi anh không kìm hãm
được, anh lại bật rú lên với những
dòng nước mắt đầm đìa.
Thày giáo Đoàn Dự không chịu nổi,
nói với tôi:
- Chúng ta về thôi anh ạ, để cho
anh ấy nghỉ ngơi.
Cô Việt kiều dùng dằng “nửa ở
nửa về”. Cô móc bóp, còn bao
nhiêu tiền cô “vét” hết,
đưa tặng anh. Cô đã tặng mỗi anh
em Thương Binh cô gặp hôm nay, mỗi người
50 ngàn đồng VN. Tính ra cũng hơn 20 anh em
rồi. Bây giờ còn bao nhiêu cô
“móc sạch, đưa hết”. Nếu
không ai mời, có lẽ cô không có cả
tiền ăn cơm trưa.
- Dùng dằng nửa ở nửa
về
Thật ra hầu như trong chúng tôi, dường
như ai cũng không chịu nổi trước cảnh
tượng thê thảm này. Ai cũng muốn rời
khỏi chỗ này cho bớt đau. Nhưng chân vừa
bước đi, song vẫn còn nấn ná
không nỡ rời xa. Thế cho nên cái cảnh
“biệt ly sao mà buồn thế” cứ
tái diễn. Người trong cửa, người
ngoài sân, rồi người ngoài sân lại
vào trong cửa. Quanh quẩn mãi chẳng biết
làm gì hơn được nữa. Trong lòng
cứ rưng rưng, rộn lên một ý nghĩ
làm thế nào cho anh bớt khổ cả một
đời đây ? Sống thế này là một
sự đày đọa, bất công quá sức
tưởng tượng của con người !
Hơn mười hai giờ trưa chúng tôi
mới lặng lẽ rời khỏi nhà anh. Nét
đăm chiêu hiện rõ trên nét mặt
từng người. Lúc đó anh Giáo mới
cho biết, anh Ngà có vợ con, vợ đi mua
bán phế liệu, hay nói cho rõ là đi
nhặt rác, bới rác từ những bãi
rác người ta vừa đổ. Nhặt từng
bao ni lông, thu lượm tất cả những thứ
gì người ta mới quăng đi, bất chấp
nó có đủ thứ mùi, đủ thứ
tanh tưởi, miễn là còn có thể
tái chế để sử dụng được.
Hai đứa con anh đi làm công nhân khuân
vác, một cô con dâu nhận việc may đồ
ở nhà hàng xóm để thỉnh thoảng
chạy đi chạy về, săn sóc anh. Vài
đứa cháu đi học, nên cái
“hang” này thường vắng ngắt như
nấm mồ hoang. Đôi khi anh Ngà phải
bò ra ngoài đi vệ sinh, có lần nằm
sõng soài ngoài trời vì quá mệt
mỏi. Cho đến khi cô con dâu về mới
dìu anh vào nhà.
Hình ảnh người thương binh cứ
bám lấy tôi suốt những ngày qua.
Lúc nào cũng như nhìn thấy anh, nghe tiếng
khóc trong tiếng rú của anh văng vẳng,
ngay cả khi tôi viết bài này để
tường trình với bạn đọc.
Xin ghi lại địa chỉ của anh Trần
Văn Ngà: 103 Đường 5, Phường Phước
Bình, Quận 9, TP. Sài Gòn. Nếu có được sự
giúp đỡ của bạn đọc, xin gửi thẳng
về địa chỉ này, không phải qua bất
cứ trung gian nào.
Bữa cơm trưa, chúng tôi ngồi
cùng nhau trong một quán bình dân ngay tại
làng Thương Binh này. Câu chuyện về
anh Ngà vẫn chưa dứt. Tiếng khóc từ
trong tận cùng trái tim người thương
binh vẫn hòa chung đồng điệu với những
người đến thăm anh hôm nay.
- “Hội đồng chuột”
Trở lại chuyện cũ, ngay sau khi cùng anh
em trong tòa soạn báo Văn Nghệ Úc
phát quà tặng đồng bào nghèo ở
mấy xã thuộc huyện Lộc Ninh, tôi lại
cấp tốc lên đường trở lại
Sài Gòn để họp “hội đồng
chuột” về việc tặng quà của độc
giả Thời Báo Canada và Mỹ cho anh em
Thương Phế Binh ở Sài Gòn và những
nơi khác. Đúng là “hội đồng
chuột” vì năm sáu anh em chúng tôi
gặp nhau trong một căn phòng tổ chim, nói
chuyện vừa đủ nghe nhưng bàn cãi cũng
rất hăng.
Việc phát quà không giản dị
chút nào. Trước hết là phải chọn
trong danh sách cả trăm anh em mà chúng
tôi có được để lọc ra những
người cần được giúp đỡ
trước. Danh sách không chỉ có một,
mà có tới bốn cái. Một danh sách
khá dài của chị Quỳnh Lan từ bên
Úc gửi về. Theo lời anh em kể lại
thì những người này đều
đã được chị Quỳnh Lan nhờ
người kiểm chứng chính xác (kể cả
việc phải thuê người đi xa tìm hiểu
từng hoàn cảnh). Danh sách của Hàm Anh
đã từng lặn lội xuống tận Vĩnh
Long, Sa Đéc, Cần Thơ mang về, danh sách của
anh em thương binh đi gặp từng người, gom
lại đưa cho anh Giáo và một số
người đã gửi thẳng cho tôi.
Ngoài ra trong đợt này lại có vài
vị độc giả chỉ định đích
danh chuyển quà tặng người nào. Trong số
đó, có vị tặng bằng USD, có vị
tặng bằng đô la Canada,
có vị tặng theo giá trị tiền Việt Nam. Lần
này tòa soạn Thời Báo lại gửi
4.500 USD. Hai phần ba giúp TPB, còn 1/3 giúp
người nghèo. Vì thế “hội nghị
thượng đỉnh” của chúng tôi quyết
định đổi hết thành tiền VN mới
giải quyết được.
“Hội đồng chuột” gồm có
anh Giáo, trưởng làng TPB, anh Đoàn Dự,
anh Bảo -đại diện cho anh em TPB, Hàm Anh
và tôi. Cuộc thảo luận diễn ra suốt
một buổi chiều. Nhân chia trừ cộng bằng
mồm, ghi vội ra giấy, “cân đong đo
đếm” cẩn thận, rồi trao cho từng
người, cứ thế thi hành. Chúng tôi
đồng ý “nguyên tắc” là lần
này tặng mỗi anh em một số tiền kha
khá để có thể chi tiêu vào một
công việc nào đó thật cần thiết
cho gia đình mà các anh ấy khó có
thể giành giụm được. Sửa cái
mái nhà, mua cái xe đạp cho con đi học,
chữa bệnh nặng cho chính mình hoặc cho vợ
con. Tạm thời cứ ấn định là mỗi phần một triệu đồng.
Sau khi mang 4 danh sách ra đối chiếu, chọn
lọc, mãi rồi chúng tôi mới có
được một danh sách chính thức.
Hơn 10 phần quà sẽ được tặng anh
em TPB tại TP. Sài Gòn, hơn 10 phần được
trao ở Thủ Đức, hơn 10 phần được
gửi cho các anh em ở tỉnh xa. Phần quà của
những độc giả đã chỉ định tặng
các anh có tên sẵn do tòa báo chuyển
đến sẽ được đưa tận tay.
Những chiếc bì thư được mua về,
tiền cho vào từng chiếc, mỗi người chịu
trách nhiệm một số, còn lại mang đến
tận nơi tặng cho những anh em bệnh tật
không đến nơi phát quà được.
Như thế trong ngày mai (15-1-2007) có hai
địa điểm phải đi. Một ở Sài
Gòn và một ở Làng Thương Binh Thủ
Đức. Tất nhiên là theo kiểu
“đánh nhanh, rút êm” cho đỡ phiền
hà. Anh nào nhận quà xong là “biến”.
Miễn sao quà tới tay anh em là được.
Còn phần quà của anh em ở tỉnh xa sẽ
tìm cách chuyển đến tay anh em nhanh nhất.
Mãi đến tối chúng tôi mới
làm xong được công việc phức tạp
và có phần tế nhị này. Nhưng
nói thật là chúng tôi chưa thể bằng
lòng hoàn toàn với chính mình
được. Bởi vẫn còn những người
chưa được quà, tất nhiên trong lòng
chúng tôi, mỗi người đều có một
chút áy náy riêng cho từng người
mà mình đã định chọn, nhưng lần
này chưa được “hội đồng chuột”
chọn. Thôi thì hứa với lòng mình:
“Đợi lần sau vậy, chúng tôi nhất
định không quên các bạn
đâu”.
- Cuộc gặp mặt bất ngờ
con gái ông Từ Chung
Từ hai hôm trước khi còn ở
nhà quê, bất ngờ tôi nhận được
cú điện thoại của một Việt kiều
từ Canada về VN, cô nói là độc giả
của Thời Báo, ngỏ ý muốn gặp
tôi. Quả thật tôi không biết mục
đích của cuộc gặp mặt này và
cũng không tiện hỏi. Khi tôi về đến
Sài Gòn, địa chỉ cái tổ chim ở
chung cư của tôi khó tìm, nên người
anh cô Việt kiều đề nghị tôi đến
nhà anh, cũng ở gần đây thôi.
Đó là đường Nguyễn Lâm,
bên chợ Nguyễn Tri Phương. Khu này
không xa lạ gì với tôi vì trước
khi đi định cư ở Virginia, ông Vương
Đức Lệ đã ở đó, sinh thời
ông Lê Xuyên khi “đếch thèm viết
văn nữa”, ngồi bán vé số đầu
đường, cũng ở gần đó.
Mười giờ sáng ngày 14-1 tôi
tìm đến nhà anh em “cô Việt kiều
Canada”.
Vừa bước chân hết thang lầu, tôi
đứng ngẩn ra vì có bức ảnh của
anh Từ Chung, “cố tổng thư ký nhật
báo Chính Luận” cũ, trang nghiêm
trên bàn thờ. Nhìn cái vẻ ngẩn
ngơ của tôi, cô Khánh Vân tự giới
thiệu tên và nói ngay:
- Bố cháu đó, bị ám sát hồi
xưa, chú còn nhớ không ?
- Sao lại không nhớ. Hồi đó
tôi viết feuilleton cho báo Chính Luận
thì anh Từ Chung là Tổng thư ký
tòa soạn. Tôi viết “Chân Trời
Tím” và “ Người yêu của
lính” ở báo Chính Luận vào thời
gian đó. Đến tòa soạn, tôi thường
gặp anh. Anh còn là bạn thân của anh
Hoàng Hải (tên thật là Lưu Duyên- anh
của cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương) cũng
đều là bạn của tôi.
Tôi nhớ và kể lại với gia
đình Khánh Vân, anh nhiều tuổi hơn
tôi, già dặn kinh nghiệm và từng trải,
anh gọi tôi bằng “cậu”. Có lần
anh bảo tôi: “Một nhà văn phải biết
làm mới mình. Cậu phải đi nhiều
vào, làm nhiều việc và gặp nhiều
người”. Anh thẳng thắn chỉ thẳng
vào ngực tôi, nói: “Cái ông Đại Úy của cậu
và cả cái anh nhà văn của cậu chẳng
là cái quái gì cả. Quan
trọng là cậu viết cái gì, làm
được gì, tác phẩm của cậu
như thế nào thôi. Nói như thế
không có nghĩa là cậu không có quyền
tự hào, tự hào bằng cách tự tin
vào mình, chứ không phải vác cái
mặt lên. Mặc những kẻ tiểu nhân
xúc xiểm, bất chấp kẻ thù dùng mọi
cách nham hiểm hại mình. Đó là
chuyện tất nhiên, đã cầm bút
dám viết thì phải chấp nhận thôi,
tôi cũng có khối kẻ thù...”. Điều này anh Từ Chung
“tiên tri” đúng, chúng không thể
làm hại uy tín của anh, không làm anh
chùn bước, thậm chí chúng phải
dùng đến mưu toan hèn hạ nhất
ám sát anh.
Khi anh Từ Chung mất rồi, tòa soạn
báo vẫn cứ đề tên “cố Tổng
thư ký tòa soạn Từ Chung” cho đến
khi tờ Chính Luận không còn nữa.
Một người đàn bà, có thể
gọi là “bà cụ”, tóc bạc
như cước, khoảng gần 90 tuổi, nhưng
còn đẹp lão và nét quý
phái còn hiện trong phong thái rất đĩnh
đạc. Khánh Vân ôm vai bà cụ:
- Đây là mẹ cháu.
Vâng, đó là chị Từ Chung. Chị
nhận ra người quen cũ, vui vẻ ngồi vào
bộ salon gỗ. Chị còn minh mẫn lắm, nhớ
rất nhiều chuyện xưa.
Khánh Vân nói ngay
- Cháu là con nuôi của bố mẹ Từ
Chung, nhưng cháu sống với bố mẹ nuôi
từ năm còn nhỏ đến năm 13 tuổi.
Khi bố cháu bị ám sát, cháu cũng
có mặt. Và bây giờ mỗi khi về Việt
Nam, cháu ở với mẹ cho đỡ nhớ.
Sau đó, Khánh Vân cho biết qua về
tình hình Việt kiều và sự trợ
giúp TPB cùng người nghèo ở VN, cô
bày tỏ sự tin tưởng vào công việc
của chúng tôi. Đó là lý do
chính cô muốn gặp tôi và nhân dịp
này, cũng muốn biết rõ hơn về cuộc
sống thật của anh em TPB ở VN hiện nay thế
nào.
Tôi nói ngay:
- Rất mừng có một độc giả từ
nước ngoài về VN, ngày mai (15-1) chúng
tôi sẽ có một buổi tặng quà của
Việt kiều Canada cho anh em TPB, nếu cô muốn
đi, tôi sẵn sàng hướng dẫn.
Khánh Vân “mừng như bắt
được vàng”, cô vui vẻ nhận lời.
Tôi phải nói trước rằng việc tặng
quà sẽ chỉ diễn ra “êm đềm”
.. Khánh Vân hiểu ngay những khó khăn
và những vấn đề tế nhị của chúng
tôi. Cô hứa là sẽ kín đáo
đến nơi hẹn.
Ngay lúc đó, tôi lại được
gặp một anh thương binh, dường như quen với
gia đình anh Từ Chung. Anh là Phạm Văn Tiết, trước kia
mang cấp Đại úy.
Theo lời anh kể thì lâu nay, anh chưa hề nhận
được quà bao giờ. Gia đình
Khánh Vân cho tôi xem qua hồ sơ của anh.
Sau đó, tôi mang địa chỉ của anh cho
anh em TPB để xác minh tiếp và nhân dịp
này tôi đề nghị với anh em dành tặng
anh một phần quà cũng như những anh em
khác. Đoàn Dự còn một số tiền
của báo Văn Nghệ cũng tặng anh thêm một
triệu đồng nữa, vì đây là lần
đầu anh nhận được quà tặng của
Kiều bào.
- Lại phát quà dưới
chân Chúa
Sáng hôm sau (15-1-2007), tôi và Hàm
Anh đến nơi hẹn phát quà cho 12 anh em TPB,
cũng ở một địa điểm mà
chúng tôi cho là thuận tiện nhất. Một
nơi dành cho con chiên đến cầu nguyện.
Cô Việt kiều đã có mặt ở
đó rồi. Những anh em què cụt, đui
mù lần lượt đến. Bao gồm cả những
người đã được tặng nhưng
còn rất khó khăn và những anh em
chưa được tặng lần trước.
Đáng lẽ cuộc gặp mặt rất nhanh
chóng, nhưng cô Việt kiều cứ thăm hỏi
hết người này đến người
khác, lại còn “bày vẽ” mua
thêm năm ba tút thuốc lá “ngoại”
để gửi anh em mỗi người một gói,
phì phèo nhân dịp Tết đến. Tôi
phải “dọa” cô còn nhiều thì
giờ gặp những anh em khác nữa, nếu
cô muốn đi cùng lên Thủ Đức.
Khánh Vân chọn ngay một anh thương
binh cụt một giò làm “tài xế”
đưa cô đi. Cô giao hẹn trước:
- Đến Thủ Đức rồi là khi về,
cháu đi theo xe của anh Ký, cụt hai tay đấy.
- Đồng ý, nếu cô đủ can đảm
làm xiếc trên xa lộ.
- Thương binh giúp người
dân khổ ba đời
Chúng tôi đến nhà anh Giáo
vào khoảng 11 giờ trưa. Một số anh em gần
đó còn khỏe mạnh, rải rác đến
nơi. Mỗi người nhận một phần quà
xong là ra về ngay, tránh những con mắt
dòm ngó. Anh Giáo cũng phải đề
phòng như chúng tôi vậy. Một anh
Thương Binh cho biết gần đây có gia
đình một người đàn bà rất
cùng khổ, có một người con bị
tâm thần, một đứa cháu bị
điên, cả 7 gia đình chung sống trong một
ngôi nhà, tội nghiệp lắm. Anh thương
binh đưa ra kết luận gọn lỏn: “gia
đình này khổ 3 đời rồi”. Anh
đề nghị nên giúp đỡ người
này. Khi một anh thương binh cùng khổ
còn nghĩ đền việc giúp đỡ
người dân cùng khổ như mình, quả
là một điều đáng trân trọng.
Chúng tôi và các anh em TB có mặt
đều đồng ý giúp đỡ gia
đình đó. Và chúng tôi kéo
sang thăm gia đình “người cùng khổ
ba đời” này.
Anh Đào Vĩnh Ký được cử
làm đại diện Thương Binh, chuyển
quà của Việt kiều tới bà Nguyễn Thị
Hưởng. 7 gia đình sống lúc nhúc
trong cái nhà nhỏ hẹp và dài
thòong, cũng chẳng khác gì hang chuột chũi.
Sau đó chúng tôi đến thăm một
số gia đình anh em khác, tàn phế,
đui mù không thể đi lại được.
Ở đâu cũng nhìn thấy toàn những
nỗi khổ.
Sau cùng chúng tôi đến “cái
hang chuột” của anh Trần Văn Ngà, như
tôi đã tường trình với bạn
đọc ở trên.
Quà tặng những anh em ở tỉnh xa cũng
đã được chuyển đi ngay hôm sau.
Còn một số tiền, độc giả yêu cầu
tặng những người nghèo khó, tôi
đang liên lạc để tặng vào dịp gần
Tết. Tôi cũng cần tường trình
rõ, trong số tiền tặng đồng bào
nghèo, chúng tôi đã đồng ý
giúp cho 2 nghệ sĩ thuộc loại “rách kinh
niên” ở Sài Gòn một phần
quà. Dù các anh này chưa bao giờ
yêu cầu điều gì, nhưng chúng
tôi thấy cần phải giúp. Tuy nhiên
vì tôn trọng các anh này nên tôi
không ghi tên ở đây.
- Nhà của Thương Phế
Binh chế độ cũ cũng phải hóa giá
Khi cùng ngồi ăn trưa với chúng
tôi, các anh em trong làng TPB Thủ Đức
bàn tán xôn xao về chuyện nhà đang
“được bán hóa giá”. Rất
nhiều anh em không thể xoay xở đâu ra số
tiền qua lớn đó, nên cứ ở lỳ,
chứ biết làm thế nào hơn. Theo lời kể
của các anh em này thì nguyên nhân dẫn
đến tình trạng này chẳng có
gì khó hiểu.
Nguyên những căn nhà này của anh
em TPB (QĐVNCH) đang ở là do “chế độ
cũ” của chính quyền Sài Gòn
làm cho nên có tên gọi “Làng
Thương Binh Thủ Đức” từ trước
những năm 1975. Tuy nhiên, trong giấy giao quyền sử
dụng ghi rõ “không được sang nhượng,
mua bán”… Vì thế bây giờ
chính quyền địa phương căn cứ
vào đó đòi người chủ nhà
(tức anh em TPB của QĐVNCH) phải thuê lại (cũng
như những chung cư cũ ở Sài Gòn, nếu
chưa trả hết tiền cho nhà nước cũ,
thì nhà nước mới tiếp tục thu tiền
thuê và ai muốn mua thì phải mua lại của
nhà nước, được gọi là nhà
hóa giá).
Bây giờ chính quyền địa
phương truy thu luôn tiền thuê nhà từ
năm 1975 đến nay. Số tiền khoảng trên
năm sáu triệu đồng một nhà. Tiền
“hóa giá nhà” là hơn ba
mươi triệu. Tính ra hết hơn 40 triệu
đồng. Làm sao anh em què cụt, thiếu thốn
đủ thứ, thậm chí không đủ
ăn, lấy tiền đâu mà trả tiền
thuê nhà và tiền hóa giá ? Thôi
thì cứ “đánh võ lỳ”, tới
đâu thì tới.
Tôi không biết nhà nước VN sẽ
phải giải quyết việc này như thế
nào. Theo tôi thì có muốn đuổi cũng
không được, thà rằng tặng luôn
cho anh em còn hơn. Những căn nhà cấp 4
đó nay cũng đã xuống cấp trầm trọng
rồi. Nếu không giao cho họ có quyền sử
dụng để tu sửa, rất có thể sẽ
có ngày tai nạn thương tâm xảy ra.
Đó cũng là nguyện vọng chính
đáng của những người cùng khổ
mà từ hơn 30 năm nay bị bỏ quên, trong
khi những thương binh khác được hưởng
khá nhiều quyền lợi. Có “an cư mới
lạc nghiệp”. Nếu chính quyền thật sự
muốn lo cho dân và cũng chẳng nên
phân biệt Thương Binh chế độ cũ hay
mới.
- Phát quà tiếp cho đồng
bào nghèo
Ngày hôm sau, tôi lại “hành
quân” về Lộc Ninh để kịp liên lạc
và tổ chức phát quà cho đồng
bào nghèo những xã lân cận, lần
trước chưa được nhận. Lần
này không còn ai phụ giúp nên tôi
phải nhờ đến gia đình bà Thụy Vũ,
cháu Khôi Hạo và những người quen ở
đây xác minh và hướng dẫn.
50 phần quà của dộc giả Thời
Báo được chia cho 3 xã Lộc Hòa, Lộc
Thiện và Lộc An. Cũng như báo Văn Nghệ
đã tặng lần trước, mỗi phần gồm
10kg gạo, 1 thùng mì 30 gói và 100
ngàn đồng VN. Ngay buổi sáng chủ nhật
21 tháng 1-2007, chúng tôi đã đến
nơi phát cho từng gia đình. Ở
đây, một số đông là đồng
bào “người dân tộc”. Họ sống
trong nương rẫy rải rác trên những
căn nhà sàn chênh vênh, cuộc sống rất
khó khăn. Khôi Hạo phải đứng ra nhận
phiếu, đưa phong bì, người địa
phương phụ giúp chuyển những thùng
mì và gạo.
Vẫn còn một số người bệnh tật
đau ốm, những bà già sống neo
đơn, phải nhờ những người hàng
xóm nuôi dưỡng, không thể đến
được. Trong những ngày sắp tới,
chúng tôi sẽ lại phải đến từng
nhà, gặp từng người, thay mặt kiều
bào Canada và Mỹ giúp đỡ cho họ một
phần quà khá hơn để có thể chữa
bệnh hoặc kéo dài một mùa xuân mới
đẹp hơn những mùa xuân trước.
Xin cảm tạ những
tấm lòng nhân hậu.
VĂN QUANG
(Bai Chuyen)