Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | TA.P GHI | TA.P GHI (tt) | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | SU'U TÂ`M .. TIN | NU. CU'̉'I VA(N HO.C | P.P. Slideshow

VA(N 10

TruyŒn vui

 

CÂY RAU DỀN MIỀN ĐẤT HỨA

(Bảo Tâm)

 

 

             Hãy cứ gọi Canada là miền đất hứa. Ðất hứa, đất lành hay đất lạnh tình nồng cũng đều là miền đất đang cưu mang, nuôi dưỡng, che chở và đùm bọc chúng ta. Ngay giữa cái thành phố thơ mộng chứa chan tình người nầy đã cho gia đình tôi an ổn định cư vừa được mười năm, mười năm với đầy ắp những kỷ niệm, cùng với biết bao vui buồn lẫn lộn.

             Sáng nay trời đã vào thu, gió hiu hiu lạnh, tôi thong thả từng bước tản bộ ra khỏi nhà sớm hơn bình thường, đi thẳng về phía nhà thờ, đến chỗ công viên quen thuộc. Tôi rề rề lại chiếc băng gỗ còn ươn ướt sương đêm, chầm chậm ngồi xuống nơi đàng đầu. Ðây là một công viên lớn nhất nhì trong thành phố, có nhiều cây xanh bóng mát, có hồ nước trong nhân tạo đẹp tuyệt vời, có cả vườn chơi cho trẻ em nữa. Có lẽ chỗ nầy hằng ngày nhiều người thích ngồi cho nên mặt băng nhẵn bóng. Ngồi chơi ở đây thưởng thức được nhiều cảnh đẹp, bởi ngước mặt lên là thấy được cả một khoảng trời xanh bao la, từng loài chim trời bay thành đàn gọi nhau tíu tít, nhìn xuống là cặp sườn đồi rộng mênh mông cỏ non thoai thoải dẫn đến bờ sông, có trăm hoa khoe sắc, có loài sóc gấm, thỏ tía nhỏ xíu trông thật xinh xắn dễ thương thích tìm đến gần gũi thân thiện với người.

             Không hẹn mà gặp, một ông bạn già cùng tuổi cầm tinh con chó với tôi cũng lần mò tới đây, dù nhà ông ở xa nửa giờ xe buýt. Thật là "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Sau vài phút thăm hỏi xã giao, bỗng cái miệng tôi mau mắn muốn vào đề ngay:

          - Hình như anh cũng có ý định tới đây để chúng mình cùng đi hái rau Dền đó hả ?

          - Uả ! kỳ quá, tại sao ông bạn lại biết ?

          - Biết là cái chắc, bởi tôi có tài bói toán mà ! Nói chơi cho vui, chứ hôm qua bà xã anh có phôn rủ nhà tôi hẹn ra gặp nhau chỗ nầy để cùng đi hái rau Dền, nhưng bất ngờ vào giờ chót nhà tôi đang kẹt bị lũ nhóc cháu níu chân níu cẳng không cho đi nên tôi tình nguyện đi thay. A Di Ðà Phật ! Trong bụng "cứ hơi lo xa" là ra đây sẽ gặp chị, không ngờ rất vui lại gặp anh, cho nên tôi đoán ngay là anh cũng có hoàn cảnh giống tôi, cũng tình nguyện đi thay chị nhà như tôi chứ gì ?

             Cả hai chúng tôi cùng hiểu nhau, bắt tay cười xòa vui vẻ.

           - Bây giờ mình định đi hướng nào ? Bờ sông khu The Fork, công viên Cây Phong Già hay bãi cỏ Cầu Xanh ?

           - Nơi nào cũng được, nhưng vội vàng chi, trời chưa nắng ấm, sương chưa tan.

             Thế là chúng tôi yên tâm ngồi nán lại cái băng gỗ ẩm ướt nầy để mà chuyện trò, mà moi móc kể cho nhau nghe những chuyện gần chuyện xa, chuyện đời chuyện đạo, chuyện kẻ thân người sơ, chuyện kẻ còn người mất - nhưng không hiểu vì sao chúng tôi cứ bị ám ảnh vòng vo quanh quẩn bởi chuyện Cây Rau Dền, mà sau nầy chúng tôi thường lấy làm đề tài được xem là hấp dẫn nhất để kể cho bà con đồng hương đồng hội cùng nghe.

 

***

 

             Trong cuộc sống nổi trôi của hàng triệu con người Việt Nam trên khắp thế giới ngày nay, với những cái ăn thường nhật - nhất là các loài rau quả, chúng ta hãy đừng quên cây Rau Dền. Theo Dược Sĩ Bùi Kim Tùng (cựu giảng viên các trường Y - Dược Sài Gòn), thì cây Rau Dền có tên khoa học là Amaranthus, cái tên một loài rau xanh mà từ khởi thủy Tổ Tiên chúng ta đâu cần biết. Ðó là loài rau xanh thiên nhiên cố hữu chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt rất cần cho sức khỏe và đời sống con người. Ðồng dao ta có câu:

 

Thượng vàng hạ cám tìm ra,

Rau Dền, bí đỏ, hành hoa, cúc tần.

 

             Rau Dền mọc hầu hết khắp nơi trên mặt đất, quốc gia nào cũng có. Ở Việt Nam ta, Rau Dền phần nhiều do nhà vườn trồng, có tên địa phương là "Dền Mỡ" hoặc "Dền Cơm", loại nầy màu xanh, thân cao chừng bốn đến năm tấc nếu đất tốt. Có thứ mọc hoang như loài cỏ dại, màu tím sẫm, nhỏ cây (có loại có gai mềm), thổ ngữ ta gọi chung là "Dền Cứt Gà". Thân cây Rau Dền hết thảy đều mềm yếu, mình nước, lá hơi nhám, có mùi thơm âm ấm dễ chịu. Rau Dền già kết hoa thẳng theo đầu nhánh, hoa cùng mầu với lá. Hoa tàn, kết hạt li ti đen nhánh, hạt già rơi xuống đất hoặc được gió đưa đi khắp nơi. Tiếp cận đất, hạt nẩy mầm mọc lên cây, và cái chu kỳ sinh trưởng tiến hóa đó cứ thế mà tiếp diễn không ngừng. Riêng ở Canada, Rau Dền hoang bắt đầu mọc từ khoảng đầu tháng năm, sau mùa tuyết tan nắng ấm, và phát triển rộ nhất vào đầu tháng tám dương lịch, cho đến ngày hột cây Rau Dền già chịu an phận nằm ướp lạnh trong lòng đất kể từ trận tuyết đổ đầu mùa, báo hiệu mùa đông đến.

             Chung quanh chuyện Cây Rau Dền, ông bạn tôi kể:

             Nhớ lại buổi sáng mùa hè năm đầu tiên, kể từ sau ngày đặt chân đến Canada, vợ chồng tôi được mấy người bạn trong Hội Cao Niên rủ đi hái Rau Dền. Tôi ngây ngô trợn mắt ngạc nhiên:

             - Ði hái Rau Dền à ! Mà Rau Dền ở đây ra sao, có ăn được không ? Ai trồng cho mình hái ? Coi chừng Cảnh Sát bắt bỏ tù đó !  Cả bọn cười ồ lên làm tôi bẽn lẽn. Một người bảo:

           - Không ai trồng đâu ! Dền Canada ăn rất ngon, giống hệt Dền xứ mình, nó mọc hoang cùng khắp, nhất là những nơi có đất mới. Cảnh Sát còn đứng xem mình hái nữa kìa ! Ăn Rau Dền để nhớ Việt Nam .. Thế là vợ chồng tôi cùng nhập bọn, đi cho biết đó biết đây ! Ông bạn vui vẻ kể tiếp:

           - Chẳng phải đi đâu xa, chúng tôi chỉ cần lom khom quanh quẩn ở vài công viên gần đó, vừa ngắm cảnh đẹp, vừa hít thở không khí trong lành buổi sáng, có kẻ còn mon men ra tới tận bờ sông. Thế mà chưa đầy ba mươi phút, vợ chồng tôi mang về một "chiến lợi phẩm vẻ vang", đó là hơn ba ký Rau Dền ngọn non mơn mởn đào tơ, nhét đầy một bịch ni-lông lớn. Chiều hôm đó, bà xã tôi bắt đầu có dịp làm món "Rau Dền Ðộc Diễn", đó là Rau Dền luộc chấm mắm nêm có châm thêm chút dầu ô liu khử chín, pha thêm vừa đủ ớt, tỏi, chanh, đường. Nói thật anh đừng cười, cả nhà tôi hôm đó vô cùng sung sướng đón nhận một bữa cơm chiều ngon chưa từng có trên đất tạm dung nầy, cái bụng nào cũng no nê mà cái miệng vẫn cứ thòm thèm. Chưa hết, ông bạn tôi kể tiếp:            

           - Kể từ hôm đó ngày nào tôi cũng đi hái Rau Dền. Tôi lội hết bờ sông nầy tới công viên kia, nhất là tại những vườn hoa mới trồng có nhiều đất mới, Rau Dền hoang mọc xen với hoa, xanh tốt đẹp mắt lắm. Có hôm hái được nhiều quá ăn không hết đem biếu xén bớt bạn bè, còn dư lặt kỹ rửa sạch luộc hơi vừa héo, vắt từng vắt một, gói tròn vào bao ni-lông, cho vào ngăn đá tủ lạnh tích trữ ăn dần. Trong các bữa ăn gia đình hằng ngày, thỉnh thoảng bà xã tôi còn chế biến Rau Dền thành nhiều món, nào là gỏi Rau Dền bóp với hạt điều, muối mè hay đậu phộng, Rau Dền nấu canh với tôm khô, Rau Dền xào hành tỏi v..v... món nào cũng ngon hết biết. Hôm nào trong mâm cơm có món Rau Dền, là hình như các loài thịt cá đều được cả nhà cho hết vào tủ lạnh.

             Thế rồi năm nào cũng vậy và cho tới bây giờ, cứ tới mùa hè nắng ấm, đặt biệt vào những ngày cuối hè đầu thu, tuần nào chúng tôi cũng rủ nhau đi hái Rau Dền. Có khi còn ra đến tận ngoài Farm (nông trại), tới đó thì tha hồ mà hái, chủ trại cứ đứng cười xem "đám công nhân gốc Á" tranh nhau làm cỏ giúp mà không cần lấy tiền công. Tại khu nhà tôi ở hồi đó, có nhiều cộng đồng người Phi, Lào và Hoa thấy vậy cũng lân la trò chuyện nhập bọn. Có hai thằng nhỏ gốc Do Thái ngộ ghê, là bạn học cùng lớp với con tôi hay đến nhà chơi, gặp bữa chúng cũng được mời tập tễnh cầm đũa bưng cơm, gặp món Rau Dền đứa nào cũng híp mắt khen ngon: "Very good".

              Cũng từ cây Rau Dền, vợ chồng tôi khám phá ra một điều kỳ lạ. Cây Rau Dền có dược tánh làm mát gan, bổ mật, nhuận tràng. Bởi chính tôi cùng với anh Tám nhà bên cạnh luôn bị chứng táo bón kinh niên, ngày nào cũng dùng thuốc, sau nầy nhờ ăn Rau Dền riết nên cái chứng bệnh đáng ghét đó không còn nữa. Ðứa con gái út của tôi như anh biết, hồi còn ở Việt Nam đến tuổi dậy thì, mụn cám đỏ mọc đầy mặt, uống rất nhiều thuốc nhưng không hết, thế mà từ khi qua tới đây nhờ ăn Rau Dền rồi dần dần da dẻ nó trở nên hồng hào, xinh đẹp như xưa. Từ những khám phá tình cờ vừa nói, tôi còn được biết cây Rau Dền hằng đêm cho chúng ta một giấc ngủ ngon, an lành và thoải mái.

             Hồi mới tập tễnh làm quen với cây Rau Dền Canada, thú thật với anh tôi sợ tụi Tây nó cười. Mà nó cười thật. Nó dòm mình hái Rau Dền với ánh mắt khinh khi. Có lần tôi nghe cái thằng râu xồm nó nói mấy thằng Việt Nam mọi rợ (Savage), tìm ăn cái đồ ở bờ ở bụi, có ngày chết cả đám. Nghe nó nói tôi hiểu, nhưng kệ thây nó. Bây giờ chuyện cây Rau Dền trở thành phổ biến. Tôi thấy một số vườn tược, nông trại ở đây đều có trồng, và thỉnh thoảng tôi còn có thấy bày bán ở các chợ, kể cả chợ Tây. Thế thì dân mình đâu có mọi rợ phải không anh, người mình văn minh đi trước thằng Tây đó. Hữu xạ tự nhiên hương, cần gì phải phân bua giải thích, cần gì phải đối chọi với ai, đúng không ?

             Ðể dự phòng về lâu về dài, mỗi lần đi hái Rau Dền tôi thường khuyên mọi người là chỉ nên hái cây nhỏ, chừa cây lớn lại để làm giống, nhất là những nơi kín đáo không người qua lại, sang năm mình còn đi "hành quân" tiếp, chứ nếu tham mà bứt cả già lẫn non, cả lớn lẫn bé thì Rau Dền sẽ "tuyệt nọc tông đường" hết, còn đâu cho chúng mình hưởng thụ năm sau. Nói tới đây, ông bạn tôi cao hứng xuất khẩu thành thơ:

 

Thượng Ðế thương dân Việt chúng mình,

Cho Dền mọc khắp đất văn minh.

Bản xứ khù khờ không biết tới,

Tha hồ ta nhặt, đố ai khinh ! ..

 

              Tôi như bị thôi miên bởi những mẫu chuyện về cây Rau Dền do ông bạn thân vừa kể, chẳng lẽ cứ ngồi mà nghe, mà không đóng góp chút ý kiến nào. Ngắt vội lời anh, tôi nói:

           - Mới ăn Rau Dền trộn gỏi hôm qua mà bây giờ nghe anh tả cũng thèm chảy nước miếng. Nãy giờ ngồi nghe anh kể toàn chuyện "Rau Dền Ngoại", Dền Canada. Bây giờ tôi nói chuyện "Rau Dền Nội", Dền quê hương Việt Nam của mình cho anh nghe nhé !  

           - Vâng, giờ nầy hãy còn sớm, sương chưa tan. Anh nói đi, tôi rất thích nghe cái lối kể chuyện têu tếu của anh.

            - Tôi thì có cái tật thích hoài cổ, có những chuyện xa xưa, chuyện từ đời "tu huýt tu lai" bây giờ bỗng dưng nhớ lại vanh vách. Hình như người già mình ai cũng vậy, người già ai cũng thích sống nhiều cho quá khứ. Quá khứ càng xót xa, càng đau thương, càng nhớ kỹ. Quá khứ càng đẹp, càng quyến luyến, càng say sưa kiếm tìm. Chính vì thế nên tôi muốn đem những mẫu chuyện về Cây Rau Dền Việt Nam qua đây để "hội nhập" với chuyện Cây Rau Dền Canada của anh vừa rồi cho "có thủy có chung", trong đó tôi cũng muốn nhắc lại chút kỷ niệm hồi còn con nít, sống lăn lóc trong thời nhiễu nhương ly loạn.

            - Ðúng đấy, tôi cũng thích vậy !

 

***

                                        

              Nhích lại gần ông bạn một chút, như có cái rạo rực trong lòng từ lâu nên tôi vào đề ngay:

              Như anh biết, tôi người Quảng Nam, gốc gác miền Trung. Nhớ lại những ngày cuối năm 1945, ông bà già tôi gồng gánh, bồng bế dắt díu bầy con mười đứa chạy giặc Pháp, bỏ hết ruộng vườn nhà cửa, chạy tản cư tuốt qua bên kia sông Ô Gia (nhánh sông lớn nhất của sông cái Thu Bồn), là vùng đất tạm thời được Việt Minh Cộng Sản thời đó kiểm soát. Vùng đất Ô Gia xã Phúc Hương năm đó được mùa đậu, nhưng chỉ có đậu đen và đậu cút (có da màu trứng cút) là trúng mùa nhất. Là đất Ba Châu (ruộng khô), dân không thích trồng lúa vì năng suất thấp nên không có gạo để ăn. Thông thường muốn có gạo, dân làng phải đan bầu gánh đậu về các vùng có ruộng cấy nhiều lúa (đất Công Ðiền), đó là quê nhà của tôi để đổi lấy gạo. Trong thời loạn ly, nên cái thông lệ nầy có mấy ai dám làm, họa chăng chỉ có kẻ liều mạng. Một buổi sáng nọ, có bà nhà giàu có nhất nhì trong làng tục gọi là bà Phó Dấn, bà ra khỏi nhà dang hai tay với tấm lòng hào hiệp, bà la lớn:

            - Bà con tản cư chạy giặc Tây ơi ! Ai có đói thì hãy tới đây, cứ vô nhà tôi lấy đậu về ăn. Ðậu trong nhà tôi nhiều lắm, bà con cứ tự nhiên mà hốt, muốn xúc bao nhiêu cũng được, cứ đem ra vườn mà nấu ăn cho đỡ đói.    

              Ðang cơn đói lả, không cửa không nhà, lại được tin có ân huệ lớn - mừng quá, thế là cả đám dân chạy loạn trên hai trăm con người vừa lớn vừa nhỏ ào ào kéo vô tận kho tận lẫm của kẻ ban ơn mà hôi của. Vì lâu ngày không có cơm, mà ăn đậu hoài ngán tới cổ, Ba tôi nảy sinh sáng kiến, cứ ngày ngày dẫn mấy đứa con lớn (trong đó có tôi) chạy tuốt ra tận bờ sông hái Rau Dền. Nơi đây còn có rất nhiều ruộng dâu (dâu tằm ăn) đang tới lứa nhưng bị bỏ hoang vì không ai còn nghĩ tới nghề nuôi tằm, họ sợ chiến tranh sẽ ập tới bất cứ lúc nào. Má tôi lấy kinh nghiệm học hỏi được từ ông bà ngoại tôi cho biết Rau Dền đem luộc chung với đọt dâu non vừa chín, ăn vào vừa mát vừa bổ tứ chi. Thế là từ đó không những gia đình tôi mà tất cả mọi người đều túa ra đi hái Rau Dền lẫn Ðọt Dâu về tha hồ "cải thiện". Anh biết không, Rau Dền nhất là Dền Cơm ở đó nhiều vô số kể, Dền mọc khắp đồng tốt như cỏ lác, xanh non mơn mởn đào tơ, trâu bò ăn hoài con nào con nấy đều no tròn, mập ú. Cứ thế, ngày nầy qua ngày khác, chúng tôi được ăn "tái bản đều chi" món Rau Dền luộc chung với Ðọt Dâu chấm .. nước muối. Còn nhớ có một hôm ngồi nhìn đàn con thơ quây quần ăn chiều trước lều cỏ tạm trú, Ba tôi tức cảnh làm năm câu thơ, rồi từ từ ngâm nga, khoái chí:

 

Sáng ung dung nhấp đậu đen,

Chiều lăng xăng ăn đậu cút,

Ðọt Dâu, Rau Dền trộn vào thơm phức,

Ăn no rồi, ngồi "rậm" nghe bình bịch,

Ðời như ri - phó mặc, cứ gượng cười.

 

              Rất tiếc Ba Má tôi không còn sống để đến cái xứ Canada nầy mà nghe thằng con mình kể lại chuyện năm xưa.     

              Sau ngày hồi cư về làng cũ năm đó, dân làng tôi đều bị dịch ghẻ hoành hành vô cùng khủng khiếp. Người người có ghẻ, nhà nhà mang ghẻ, làng làng đều chịu ghẻ, khắp khắp trong nhà ruồi nhặng vây quanh. Hồi đó thuốc men đâu có, xà bông tắm ghẻ cũng không. Nghe tin có ông thầy "Bồ Chét" ở tận Tứ Sơn, ông chú tôi phải lặn lội tới đó suốt một ngày đêm, can đảm vượt qua hai đồn Tây mang về được năm lọ "nhị thiên đường bồ chét". Thuốc bôi tới đâu la làng tới đó vì rát quá chịu hổng thấu. Làng trên xóm dưới, kẻ rên người la, có nhiều người kiệt sức vì ghẻ, bị chết vì ghẻ, đúng là địa ngục trần gian đâu có khác. Thế rồi dần dần ai nấy cũng chỉ nhờ ăn món "Thần Dược trong cây Rau Dền", mà chỉ vài tháng sau đám quân giặc ghẻ tác oai tác quái, tung hoành hung hãn lần lượt đều bị tiêu diệt gọn sạch hết. Ông bạn nghĩ có vui không ? Nếu không có đề tài chính là cây Rau Dền trong mẫu chuyện nầy thì kể cho anh nghe nó đâu có thú.

           - Câu chuyện anh kể nghe sao mà hấp dẫn quá ! Kể tiếp nữa đi. Quả thật cây Rau Dền nó cho mình lắm chuyện để nói.

           - Khát nước quá, chờ tôi đi kiếm cái vòi nước công cộng đâu đây làm vài hớp cho bớt khô cái cổ họng.

           - Khỏi lo, có kẹo Halls chống khát nước tôi mới mua ở chợ Ðồng Thái hôm qua. Ðây, cứ tự nhiên, mời anh !

          

***

 

             Nhanh tay bóc bỏ viên kẹo Halls vào miệng, như đang lên tinh thần, tôi thích thú kể tiếp:

             Nhớ sau cái ngày "mắc dịch", cái ngày hận đời 30 tháng 4 năm 1975, tôi và các anh em trai trong gia đình cùng mấy chú em rể đều ngậm đắng nuốt cay kéo nhau đi tù ráo, tù "cải tạo" đó. Cũng như bạn bè cùng lớp cùng lứa, đứa nào về sớm nhất cũng phải lột hết năm cuốn lịch. Vào tù mới có vài tuần đã chịu cái cảnh đói nghẹt thở, đói lả đói lơi, đói tơi đói tả, đói triền miên bất tận. Cách mạng cái chi chi mà trả thù dân tộc tàn ác khắc nghiệt không chỗ nói, không bút mực nào tả cho hết. Tuy nhiên càng đói mình  càng khôn, cái đói nó lòi cái khôn là vậy !

             Trong những lần bị cưỡng bức lao động, đi phá rừng phát rẫy, đoàn tù trong đội tụi tôi gồm có bốn mươi đứa, ngày nào chúng tôi cũng đi ngang qua vườn rau của tụi cán bộ quản giáo. Cái loài rau quá ư hấp dẫn thường đập vào mắt chúng tôi, đó là những luống Rau Dền Cơm xanh tươi mơn mởn dài cả trăm thước. Biết là Rau Dền đó được bón phân tươi của tù, rùng mình gơm gớm, nhưng hễ thấy vắng "lũ chó vàng" là cứ việc nhào vô hái. Chuyện tù chôm chỉa Rau Dền của cán bộ xảy ra hằng ngày, mỗi ngày một tinh vi hơn. Lâu lâu bọn lính đi kiểm tra thấy mất Rau Dền nhiều quá nên nghi anh em chúng tôi hái, nhưng không có bằng chứng cụ thể nên không kết tội ai được. Xui xẻo làm sao, trong đội tù chúng tôi có ông Lê xuân T. thuộc lớp tuổi đàn anh  (nghe nói ngày trước ông ta làm ở Bộ Thông Tin), không rõ quờ quạng thế nào mà bị bắt quả tang đang hái trộm Rau Dền của phòng Quản Giáo. Hậu quả là ông bị chúng cho vào cùm, cùm hai tay lẫn hai chân trong suốt hai ngày hai đêm. Trong tờ kiểm điểm, vì không kềm chế được nỗi uất ức bị hình phạt quá khổ nhục, ông viết:

            - Rau Dền của cán bộ đưọc bón phân tù, phân tù trong đó có cứt của tôi. Tôi nghĩ rằng cán bộ ăn được, tôi cũng có quyền được hưởng chút đỉnh. Không ngờ chuyện có qua có lại tự nhiên như vậy xảy ra mà khiến tôi phải vào cùm.

              Hậu quả  tác hại của tờ kiểm điểm đó đã đưa ông bạn đáng thương vô Nhà Ðá suốt ba tháng trời. Trong Nhà Ðá, có một lần nửa đêm ông la lớn: - Bác Hồ Chí Minh ơi, tại sao bác đào tạo đám con cháu của bác làm cái việc quá ư tàn nhẫn, độc ác như thế nầy? Thằng Quản Giáo tên Ðảo đi tuần trực tiếp nghe được, nó im lặng đi lấy chiếc kìm sửa xe Honda, mở cửa xà-lim vào trấn áp. Nó tát thẳng tay vào mặt ông, banh miệng ông ra rồi lạnh lùng dùng kìm sắt rút đi hai chiếc răng cửa hàm trên, máu me tuôn ra xối xả. Sau khi gieo xong tội ác, nó bình thản khóa cửa xà-lim ra ngoài. Phản ứng tự nhiên vì đau gần chết, ông ráng đưa hai tay bị cùm trước bụng lên đầu lấy gói muối sống được tôi lén cho tuần trước trút hết vào mồm. Ðúng là Trời thương kẻ gặp nạn, hơn tuần lễ sau chỗ nướu hai chiếc răng bị cưỡng nhổ, thịt từ từ mọc bồi lên. Ðến ngày ra cùm Nhà Ðá được lành hẳn, di tích để lại cái hàm răng sún, hận không nguôi. Nghe nói bây giờ ông ta ở Mỹ, còn khỏe và đang làm nghề viết báo. Nếu tình cờ đọc được mấy dòng nầy, chắc ông sẽ không tránh khỏi bụm miệng mà cười, cười cho quên đi những quá khứ ê chề khổ nhục, đầy máu và nước mắt.

             Biết là đi tù không có ngày về, anh em chúng tôi bèn tính kế lâu dài. Ngày ngày đi lao động ra ngoài rừng gặp Rau Dền già, cả đội chúng tôi đều tuốt lấy hột cho vào túi áo. Ðến những nơi có đất tốt, các nương rẫy vừa đốt cháy, hoặc những khu rừng mới phá là đem hột Rau Dền đến gieo lung tung ở đó. Ngoài số Rau Dền kiếm ăn được trên đường đi lao động hằng ngày, hết thảy chúng tôi đều làm cái công việc "Cho Di Dân Rau Dền" ở hầu hết những nơi chúng tôi đi qua. Năm đầu đi gieo rắc hạt Dền, năm sau mưa xuống Rau Dền mọc lên cùng khắp. Năm nay tù ăn Rau Dền không hết, năm sau Rau Dền mọc càng nhiều hơn. Và cũng kể từ khi khu rừng Cải Tạo Ðại Bình có "Rau Dền Di Dân" phát triển, lớp lớp người tù của "Chế Ðộ Chết Tiệt", xin lỗi - "Chế Ðộ Ưu Việt" sau nầy tha hồ mà hái về ăn. Hái Rau Dền là đi làm cỏ lúa, cỏ bắp, cỏ khoai mì (sắn) cho nhà tù, nên anh em chúng tôi không còn lo sợ nữa. Tôi biết sau ngày được phóng thích rồi lãnh thêm cái "án quản chế ba năm", cái "Gia Tài Rau Dền" của lớp tù đàn anh chúng tôi để lại cho đám tù đàn em sau nầy quả thật nhiều vô số kể. Có nhiều bạn tù về sau gặp tôi cho biết, cũng nhờ cây Rau Dền mà nạn đói trong trại Cải Tạo Ðại Bình ngày càng được dễ thở hơn.

            Tôi còn muốn kể thêm nữa, và cũng muốn tiếp nối trở lại cái đề tài "Cây Rau Dền Trên Miền Ðất Hứa" của ông bạn kể còn dang dở. Tôi nghĩ là chắc còn rất nhiều câu chuyện mới hấp dẫn lắm, nhưng ông bạn già vội đứng lên vỗ mạnh vai tôi:

          - Thôi thôi, đủ rồi ! Ðể dành khi khác kể tiếp. Mặt trời đã lên cao, sương tan hết rồi. Chúng mình nên tranh thủ sớm mà đi hái Rau Dền. Lẹ lẹ lên, kẻo mấy ông công nhân cắt cỏ có biết gì đâu, họ "nạo" hết uổng lắm ! Hãy để dành những chuyện vui khác về Cây Rau Dền, từ từ mình kể cho con cho cháu của mình nó nghe, để biết thêm về cuộc đời của cha ông chúng nó. Tôi có cuốn sách nói về Cây Rau Dền của ông dược sĩ gì đó ở Việt Nam mới viết, hay lắm. Hôm nào rảnh rổi mời anh ghé nhà chơi, tôi sẽ đưa anh mượn đem về mà đọc. Cả tuần nay nhà hết Rau Dền trong bữa cơm, tôi cảm thấy nhớ nhớ thèm thèm làm sao ấy ! Nào, chúng mình cùng đi ! Hành khúc "CÂY  RAU  DỀN TRÊN MIỀN ÐẤT HỨA" bắt đầu !! ...

 

 

BẢO TÂM

(Ngày Xưa Hoàng Thị chuyển)

 

                                 

website counter