Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | TA.P GHI | TA.P GHI (tt) | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | SU'U TÂ`M .. TÊ'U | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | BÀI VIÊ'T 10 | BÀI VIÊ'T 11 | BÀI VIÊ'T 12 | SU'U TÂ`M .. TIN | NU. CU'̉'I VA(N HO.C | P.P. Slideshow

TA.P GHI 10

Đầu năm nói chuyện Hút Thuốc Lá

 

Đầu năm nói chuyện Hút Thuốc Lá

(Hoàng Long Hải)

 

Bây giờ ai cũng biết hút thuốc lá là có hại. Nhưng nói về cái hại ấy là việc của mấy ông bác sĩ, cũng như nói về nguồn gốc, lịch sử thuốc lá là việc của mấy nhà nghiên cứu. Tôi không bàn về hai lãnh vực đó. Tôi chỉ bàn chung về việc hút thuốc lá của người ta như thế nào.

 

Có một dạo, hễ nhà văn, nhà thơ, nhà… họa thì phải biết hút thuốc lá. Đó là cái “mốt” của giới nghệ sĩ. Do đó, có những anh chàng vừa làm được vài bài thơ Con Cóc, vài bài văn con cóc muốn to bằng con bò, vài bức tranh heo, gà, vịt, lợn, đã vội mua thuốc lá mà hút, cho ra vẻ ta đây là … nghệ sĩ. Người thì kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay, người cầm cái tẩu (ống điếu) phì phà, có người cầm điếu xì gà tổ bố. Báo Sáng Tạo xuất bản ở Saigon trước đây, thường có hình tác giả vẽ phác họa in ở đầu bài, không ít ông ngậm ống vố.

 

“Mốt” nầy nhập cảng từ bên Tây. Giới nghệ sĩ bên đó, nhiều người hút tẩu. Tôi từng thấy những tấm ảnh Jean Simon, Picasso, Saint Exupery tay cầm ống vố. Họ không ngậm ở miệng, sợ che mất cái mặt đẹp trai !

 

Thật ra, dù không phải là nghệ sĩ, bọn con trai cũng thường hút thuốc, không phải vì thích mà vì muốn chứng tỏ rằng ta đây là… người lớn. Dĩ nhiên, người lớn thì hút thuốc lá. Con nít thì không !

 

Con nít bị cấm hút thuốc, có thể bị rầy. Khi người ta thấy một đứa bé hút thuốc, người ta cho là đứa trẻ hư. Người lớn, đàn ông, hút thuốc thì không cho là hư; nhưng đàn bà, dù lớn tuổi, hút thuốc cũng bị coi là đàn bà hư. Xã hội Việt Nam như vậy đã đành mà xã hội Tây phương, hồi trước, đàn bà hút thuốc cũng bị phê phán. Bây giờ thì ít bị chê hơn. Tôi nói ít chớ không phải là không, có lẽ vì nam nữ bình quyền… hút thuốc.

 

Xã hội Việt Nam ngày xưa cũng không phê phán đàn bà hút thuốc là hư. Hồi mới lớn, tôi từng thấy nhiều bà - bà chớ không có cô - phì phèo điếu thuốc Cẩm Lệ to tổ bố. Hồi ấy, giàu có, văn minh mới hút thuốc lá vấn sẵn, gọi là cigarette của hãng thuốc MIC, Basto ở Saigon. Còn giới bình dân thì hút thuốc lá Cẩm Lệ, thuốc lá ngon nổi tiếng trồng ở làng Cẩm Lệ, ngoại ô Đà Nẵng. Thuốc được xắt lát mỏng, gói trong lá chuối tươi (để thuốc lâu khô) kèm với giấy quyến vấn thuốc. Tôi từng ngồi coi bà nội tôi xé giấy quyến. Đó là loại giấy mỏng, trắng, nghe nói làm bằng ruột tre - nghe nói vì tôi đã từng thấy bao giờ đâu - tờ giấy hình vuông, mỗi bề ba bốn gang tay. Khi xếp phải theo chiều mới dễ xé thành rẻo, mỗi rẻo gần bằng ba ngón tay ghép lại, rồi cuộn lại, lấy một hai rẻo kẹp vào chỗ mí hai mép lá chuối gói thuốc gặp nhau. Khi hút, lôi giấy ra, xé một đoạn dài bằng ngón tay, bỏ thuốc lá vào một đầu giấy, vấn lại như sâu kèn. Khi hút gần hết thì dán đầu ngậm, đầu nầy chỉ có giấy, không có thuốc, vào mặt dưới bộ ván ngựa, mặt sau cái tủ đứng... Khi hết thuốc, người ta lấy nó ra, gọi là tàn. Năm ba cái tàn gom lại thành một điếu thuốc mới. Thuốc tàn thường ngon hơn thuốc mới hút lần đầu, cũng tương tự như “thuốc ngon nửa điếu”. Người ta có câu ca dao:

 

Bạn vàng chơi với bạn vàng

Không tiền mua thuốc lượm tàn hút chơi.

 

Gọi là bạn vàng thì cũng được. Gọi là bạn nghèo thì đúng hơn vì rõ ràng “không tiền mua thuốc” tức là nghèo. Có người cho rằng tôi nói sai bởi vì nghèo mà vẫn chơi với nhau thì cái nghèo đó là vàng. Cũng có thể vậy, nhưng thói thường, hai người cùng nghèo thì chơi với nhau quí lắm, còn đến khi người ta giàu có thì “giàu đổi bạn, sang đổi vợ.”

 

Ở thành phố, chỉ mấy đứa trẻ lêu lổng, không đi học, lang thang đầu đường cuối chợ mới hút thuốc lá sớm - Ấy là nói thời của tôi, cách nay hơn nửa thế kỷ - Trái lại, con nít ở nhà quê, dù không phải là đứa trẻ hư, cũng hút thuốc sớm lắm.

 

Ở nhà quê, người hút thuốc tự trồng lấy thuốc mà hút cho đỡ tốn tiền. Người ta trồng năm mười cây thuốc lá trong vườn. Khi lá thuốc già, trước khi vàng, người ta hái vào, lấy lạt tre xâu vào đầu cuống lá thành từng xâu dài, đem treo trên mái nhà bếp cho có hơi nóng, lá thuốc mau khô. Khi thuốc lá trở sang màu nâu, hết mùi hăng là lúc có thể hút được. Họ cũng xắt thuốc, vấn những ngọn lá thuốc lại như con cúi, đút đầu cúi vào cái lỗ tròn của bàn xắt, và xắt bằng rựa. Người nhà quê ít vấn thuốc bằng giấy vì tiết kiệm. Người ta xé một miếng lá thuốc để vấn sâu kèn, thay cho giấy.

 

Khoảng đầu thập niên 1950, tôi thấy ở tiệm thuốc lá Cẩm Lệ Mụ Thôi, đường Trần Hưng Đạo, Huế, có máy xắt thuốc hiện đại hơn. Con cúi thuốc lá dài lắm, khoanh tròn như con rắn cuộn mình. Máy xắt thuốc chạy bằng mô-tơ, lại có nút điều chỉnh cho lát thuốc dày, mỏng. Mở công-tắc là máy tự động chạy, khỏi xắt bằng tay như trước kia.

Vì cái hình ảnh lá thuốc vấn lại như con cúi, lại đút vào cái lỗ của bàn xắt, nên người ta cũng gọi “chuyện ấy” là xắt thuốc.

 

Hoàn cảnh trồng thuốc lá ở thôn quê làm cho trẻ con ở đó biết hút thuốc rất sớm và cha mẹ cũng ít khi rầy la !

 

Không biết ngày nay, việc hút thuốc như thế ở nhà quê có còn không. Tuy nhiên, mấy năm tôi ở trong “trại tù cải tạo”, có mấy người Miên cũng bị bắt ở tù. Họ thuộc đội rau xanh, trồng cải, trồng rau cho trại tù, nên họ nhờ gia đình gởi hạt giống thuốc lá vào và tự trồng lấy để hút, đẩy lùi lại xã hội Việt Nam vào thời kỳ trước 1945 vậy.

 

Trước 1975, ở miền Nam, người ta đã biết hút thuốc lá là hại sức khỏe, dễ bị bệnh lao phổi. Và cũng tốn tiền, vì thuốc lá hồi đó như Capstan, Ruby, Grand Prix, Basto Đỏ, Basto Xanh sản xuất nội địa cũng không rẻ gì.

 

Thuốc lá là một nguồn lợi lớn như rượu, thuốc phiện nên từ khi đô hộ nước ta, Tây đã khai thác các nguồn lợi nầy. Thuốc phiện và rượu thì Tây độc quyền, còn thuốc lá thì Tây dựng hãng sản xuất rất sớm. Mấy hãng thuốc nầy từ bên Tây qua làm ăn khai thác ở Việt Nam. Hãng Basto có câu quảng cáo:

 

Bát-Tô tuổi đã dư trăm

Ngàn tám ba tám là năm ra đời.

 

Hãng nầy ra đời năm 1838, dĩ nhiên là ra đời ở bên Tây vì năm đó Tây chưa cai trị An-Nam.

 

Thuốc lá ngoại thì chỉ những người giàu có mới hút, hoặc chỉ để đãi khách trong dịp tết cho khách thấy mình quí khách, hay cho khách thấy mình giàu có. Thuốc lá ngoại hồi đó thì thông thường nhứt là thuốc hiệu Con Mèo, tên chữ là Craven - A, thuốc Ăng-lê

 

Khi quân đội Mỹ tới đem theo rất nhiều thuốc lá Mỹ, thứ nào cũng ngon; nhẹ thì có Salem, Menthol, nặng thì có Pall Mall, Lucky Strike, trung bình thì có Winston… Mấy chú GI, lính Mỹ bị gọi quân dịch, mới 18, 19 tuổi, khi qua Việt Nam, thường đi theo mấy đứa con nít hư, để chúng dẫn đường tới những cái bar, hay chỗ có em út. Bọn trẻ đòi tiền công bằng thuốc Salem, loại thuốc thơm, nhẹ, trẻ con cũng như đàn bà thích hút thuốc nầy. Bọn trẻ đòi, mấy chú GI thì OK và lôi gói thuốc Salem ra cho bọn trẻ. Do sự việc đó mà miền Nam, hồi đó, có danh từ “OK Salem”.

 

Thuốc lá nội hay ngoại, nếu là thuốc thơm thì phải có chữ Virginia bên hông gói thuốc. Đó là thuốc trồng ở tiểu bang Virginia hay lấy giống từ tiểu bang nầy, tôi không rành.

 

Hồi xưa, thuốc lá không có đầu lọc. Chỉ thuốc lá Mỹ mới có đầu lọc. Sau đó thuốc lá của mấy hãng Tây ở Saigon cũng sản xuất thuốc đầu lọc. Tuy nhiên, thuốc lá Mỹ Pall Mall hay Lucky Strike thì không có đầu lọc bao giờ.

 

Mấy năm Việt Cộng chiếm miền Nam rồi, không nhập cảng đầu lọc được, người ta làm giả bằng bông gòn, hoặc nhập lậu đầu lọc từ bên Liên Xô (Có ông làm ở bộ ngoại giao bị bắt vì tội buôn đầu lọc nầy khi đi Mốt-Cu về). Người ta cắt đầu lọc làm hai để tiết kiệm. Dĩ nhiên, dưới chế độ Việt Cộng, chế độ giả nên nhiều cái giả xuất hiện, như thuốc lá thiệt pha với lá đu đủ, hút vào cháy phổi như không. Nhưng việc ấy là việc của nhân dân, “nhà nước nhân dân” không cần biết tới.

 

Không kể xì gà hay thuốc hút ống vố, thuốc lá chia làm loại có đầu lọc và không có đầu lọc, thuốc lá thơm và thuốc lá đen. Thuốc lá thơm thì sợi thuốc có màu hơi vàng như Ruby; thuốc lá đen vì sợi thuốc màu đen như Basto xanh. Thuốc thơm đắt tiền hơn thuốc đen vì lá thuốc thơm phải nhập cảng từ bên Mỹ, bên Tây. Thuốc đen trồng trong nước nên rẻ. Dân thầy như thầy thông, thầy ký, thầy giáo, làm văn phòng, làm police, thầy đội, thầy quản (hạ sĩ quan) thường hút thuốc thơm. Dân thợ, nói chung là dân lao động, nghèo, lương tiền ít ỏi thì hút thuốc đen, không thơm đã đành mà nặng mùi thuốc lá.

 

Theo “Chàng Lẩn Thẩn” (Một bút hiệu của Khái Hưng) viết trên báo Việt Nam (của Quốc Dân Đảng năm 1945, 46) thì ông Hồ Chí Minh có hai gói thuốc lá (Truyện tên là “Hai gói thuốc lá”). Một gói là thuốc lá thơm Lucky của Mỹ, ông để dành hút một mình, trong phòng vắng, để ở túi ngực bên nầy. Túi bên kia là gói thuốc lá đen, sản xuất nội địa, để hút trước mặt mọi người hay với cận vệ, để chứng tỏ “bác” tiết kiệm!!! Ông Hồ Chí Minh kỹ tính lắm, ông chẳng rút lộn gói thuốc bao giờ. Chuyện lật tẩy “bác” Hồ như thế nầy, Khái Hưng trả giá khá đắt. Khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, lợi dụng lúc lộn xộn, Việt Minh giết ông rồi thả trôi sông.

 

Ông Ngô Đình Nhu và cả tổng thống Ngô Đình Diệm đều là những người nghiện thuốc lá nặng. Để hạn chế ông chồng, bà Nhu thường ngắt điếu thuốc ra làm hai. Mỗi lần hút, ông Nhu chỉ hút có nửa điếu, bớt hại hơn. Tổng thống Ngô Đình Diệm thì ngược lại. Ông đốt cả điếu nhưng chỉ hút khoảng nửa điếu thì dụi tắt. Khi hút lại, ông đốt điếu khác. Ông cũng chỉ hút thuốc lá đen mà thôi.

 

Khi tôi còn đi dạy, ông hiệu trưởng trường tôi mỗi lần hút, ông cũng bẻ điếu thuốc làm hai. Ông thành thật nói rằng vừa giữ sức khỏe vừa đỡ tốn tiền. Ngược lại, có người anh của một anh học trò của tôi ở chung trại tù Suối Máu, thì “đạo đức” hơn. Anh ta nói: “Hút thuốc hại lắm, tui không hút mô !” Người em anh ta thì hút dữ, nghe ông anh nói vậy, bực mình bèn nói thẳng: “Anh hà tiện thì cứ nói thẳng hà tiện. Cứ đạo đức giả hại sức khỏe. Có những cái hại sức khỏe hơn anh vẫn cứ làm thì răng ?” Nghe hai anh em lật tẩy nhau cũng buồn cười !

 

Ông Bảo Đại cũng hút thuốc lá, và có khi ông hút thuốc Lào  ! Có người nói rằng ông quen hút thuốc Lào sau khi ông thoái vị và ra sống ở Hà Nội làm cố vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh. Người ta cũng nói khi về sống ở Bạch Dinh, Đà Lạt khoảng đầu năm 1950, Quốc trưởng Bảo Đại vẫn còn hút thuốc Lào. Ông dấu cái điếu cầy sau bức màn rủ thấp ở phòng khách. Điếu ông Bảo Đại hút là điếu cầy, loại điếu nầy thường làm bằng ống tre, dài hơn gang tay. Ngày xưa, các ông nhà giàu hút thuốc Lào bằng điếu bát - bình nước bằng sành to như cái bát - hay điếu bằng gỗ đen, khảm ốc xa-cừ, có vòi hút thuốc dài như cái cần câu. Thân sinh ông bạn tôi, dân địa phương thường gọi là cụ Nghè, mỗi khi ông hút thuốc Lào, bạn tôi, có khi chính tôi phải “hầu thuốc” cho ông cụ vì tay ông bị bệnh phong, các ngón tay bị rút lại, không tự hút được. Khi cần hút thuốc, ông gọi: “Cậu hút thuốc bây!” - Cha nhưng gọi bằng cậu - Vậy là chúng tôi bưng điếu ra để trước mặt ông, vo điếu thuốc Lào cho tròn, nhét vào nõ. Xong, quẹt lửa, mồi vào miếng tre mỏng rồi đưa mồi vào nõ. Ông cụ lấy cánh tay với cần hút xuống, ngậm vào đầu ống. Lửa chúng tôi đưa vào nõ không được gần quá, nóng miệng ông cụ, không được xa quá, thuốc cháy không hết, bị rầy.

 

Đã hút thuốc Lào rồi, khó bỏ được, nhớ vô cùng. Vì vậy, ca dao có câu:

 

Nhớ ai như nhớ thuốc Lào,

Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên.

 

Tại sao gọi là thuốc Lào ?

Đó là câu chuyện tình giữa một công chúa Lào với chồng là một hoàng tử Việt Nam. Món quà của người vợ cố giữ để khỏi bị chồng bỏ quên.

Tuy nhiên, mê thuốc Lào cũng có thể bị bồ đá hay mất vợ đấy. Trước đây khá lâu, tôi có nghe bài hát:

 

Người đẹp tôi yêu có đôi bàn tay diễm kiều

Và một làn môi duyên dáng

Người đẹp tôi yêu lấy chồng mà phụ tình tôi

vì tôi… say thuốc Lào

 

Người Bắc có thói quen hút thuốc Lào và mời bạn hút một điếu cho “thơm râu”.

 

Trước 1954, ở Saigon hiếm lắm người ta mới thấy người hút thuốc Lào hay thấy cái điếu cầy. Trong cuộc di cư của người Bắc vào Nam sau khi có hiệp định Genève chia cắt Việt Nam, một triệu người Bắc mang theo trong hành trang cũng như trong tâm khảm họ món thuốc Lào. Vì vậy, sau di cư, trên đường Võ Di Nguy nối dài, bỗng xuất hiện tiệm thuốc Lào ba số 8. Dĩ nhiên, tiệm thuốc Lào nầy cũng không đơn độc. Nó có đồng nghiệp ở trên đường Lê Văn Duyệt, ở Xóm Mới, ở Hố Nai… Ở dinh điền Cái Sắn, vùng kinh C, kinh D, nhiều nguời bỗng giàu lên vì nghề trồng thuốc Lào. Nếu độc giả tinh ý, sẽ thấy dưới gầm tay lái xe Lam ba bánh chạy về đường Gò Vấp, Xóm Mới, có treo tòn ten cái điếu cầy của bác tài xế. Hiện đại hơn, loại điếu cầy nầy được làm bằng nylon.

 

Hút thuốc Lào đỡ tốn hơn thuốc điếu nên trong đời sống khó khăn của người “tù cải tạo” Cộng Sản, hiện tượng hút thuốc Lào trở nên phổ biến. Gói thuốc Lào dễ mua, dễ dấu và điếu cầy được làm bằng từ mọi vật liệu trong đời tù mà người ta có sáng kiến tìm ra như vỏ trái sáng bằng nhôm, một ống tre, hay miếng tôn gò lại như ống điếu…

 

Hút thuốc là một món ghiền, món nghiện, không hút được thì người đâm ra bứt rứt, khó chịu. Theo các bác sĩ thì hiện tượng đó có là vì trong máu thiếu chất nicotin. Muốn hết thèm, dán một miếng thuốc dán có chất nicotin vào ngực hay vào lưng. Chất nicotin từ miếng thuốc dán thấm vào máu nên người ta hết thấy thèm. Cái hại của thuốc lá không phải ở chất nicotin mà ở giấy vấn thuốc; khi cháy, giấy nầy tạo ra chất CO (Ốcxít Cácbon) có hại cho sức khỏe, người hút cũng như người ở bên cạnh.

 

Hút thuốc là một thói quen. Khi bỏ thuốc, người ta nhớ cái thói quen ấy. Thói quen đó là một sự thư giãn, chớ không phải như nhiều “nhà văn” nói, hút thuốc để trí óc sáng suốt, nảy ra nhiều ý tuởng hay.

 

Trên gói thuốc Mélia Jaune của hãng thuốc MIC Saigon, sản xuất vào những năm đầu thập niên 1950, có hình một bà đầm ngồi vách đốc củ tỏi trên ghế xích đu, tay kẹp điếu thuốc lá, trong tư thế nghỉ ngơi thoải mái. Ở Saigon, khoảng 1950, 60. khi cuộc sống còn dễ dàng, buổi trưa, anh phu xe xích lô, sau khi ăn no, tìm một bóng im, nằm ngửa trên xe nghỉ ngơi, đọc tờ nhật báo và phì phèo điếu thuốc. Đó là lúc nghỉ ngơi thư giãn, thoải mái. Trong lúc nghỉ ngơi như thế, không có điếu thuốc lá cũng là một sự thiếu sót lớn vậy. Hút thuốc không nên vội vã, vừa đi vừa hút, vừa … chạy vừa hút, hoặc hút bên lề đường, trong cái lạnh gay gắt của vùng Đông Bắc nước Mỹ nầy. Hút trong nhà, trong tiệm không được, bị cấm thì ra lề đường mà hút, hút cho lẹ mà vào nhà vì lạnh. Hút như thế thì không còn gì là thú vị cả. Tuy vậy, có người vẫn thích hút ngoài đường, không ngay tại chỗ ngồi ăn. Đi ăn với người quen, với bạn bè, khi bồi sắp đem bill ra trả tiền thì anh ta rời chỗ ngồi để bỏ ra ngoài với cái cớ là… đi hút thuốc. Chờ khi trả tiền xong thì anh ta lại vào để chuẩn bị ra về. Ai biểu cách hút thuốc như thế là không có lợi cho túi tiền ? Nếu nó có hại thì chỉ hại cho cái nhân cách của mình mà thôi. Tuy nhiên, với một người coi đồng tiền nặng hơn phẩm giá thì việc tôn trọng phẩm giá trở thành vô nghĩa. Đời cũng lắm trò vui đấy chớ !

 

Buổi chiều xuân, trời có nắng ấm, mặt trời như thỏi sắt đỏ chói xuống chầm chậm sau đồi, chiếu lên mây những màu rực rỡ. Ngồi trên ghế xích đu ở sân sau, với một ống vố đầy thuốc 79, hít một hơi thuốc thơm, rồi nhìn khói tản mạn bay lên cao, khó mà quên những bài thơ của Hồ Dzếnh:

 

Ngó trên tay thuốc lá cháy lui dần

Anh khẽ nói làm sao mà nhớ thế !

 

Hay hát thầm theo Dương Thiệu Tước:

 

Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây !

 

Hút thuốc như thế thì đời còn đáng sống lắm !

Phải không quí vị ?

 

 

Mùa xuân 2007

HOÀNG LONG HẢI

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

website counter