Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | SUY NGÂM~ 5 | SUY NGÂM~ 6 | TÀI TÌNH | CHÚ Ý | CHÚ Ý [tt] | CHÚ Ý 1 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | TA.P GHI 40 | TA.P GHI 41 | TA.P GHI 42 | TA.P GHI 43 | TA.P GHI 44 | TA.P GHI 45 | TA.P GHI 46 | TA.P GHI 47 | TA.P GHI 48 | TA.P GHI 49 | TA.P GHI 50 | TA.P GHI 51 | TA.P GHI 52 | TA.P GHI 53 | TA.P GHI 54 | TA.P GHI 55 | TA.P GHI 56 | TA.P GHI 57 | TA.P GHI 58 | TA.P GHI 59 | TA.P GHI 60 | TA.P GHI 61 | TA.P GHI 62 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI [1] | VA(N VUI [2] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | LINKS | TIN BUÔ`N | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | THÚ VI. | HU'U~ ÍCH | HU'U~ ÍCH [tt] | HU'U~ ÍCH 1 | HU'U~ ÍCH 2 | TU'? TÊ' | TU'? TÊ' [tt] | TU'? TÊ' 1 | TU'? TÊ' 2 | TU'? TÊ' 3 | -DE.P | -DÔ.C -DÁO

TA.P GHI 62

 

Bộ Lư Đồng Mắt Tre

(Tác gi: Triu Phong - TPN -)

 

Tác giả tên thật Trần Phương Ngôn, cho biết ông là thuyền nhân trên chiếc tàu vào loại lớn nhất, chở 246 người, con số đông nhất trong một chuyến vượt biển. Tác giả cũng đã sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm và chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ từ 2004. Hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Bài viết mới nhất của Triều Phong là chuyện bàn thờ ngày giáp Tết.

 

* * *

 

Từ sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 khi cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam rồi thì đời sống của dân chúng thê thảm lắm. Hầu như gia đình nào cũng có ông bà, cha mẹ, anh chị em, đi tù cả. Họ hàng chú bác nhà tôi có năm sáu người ở tù từ Nam ra tới Bắc nên luôn bị chính quyền địa phương để ý bởi dòng họ có nhiều "sĩ quan Ngụy đang đi cải tạo". Tài sản của dân thì chính quyền tìm cách tịch thu hết. Nhà nào cũng xơ xác, đói nghèo tràn lan do chính phủ và người dân miền Bắc mang vào. Đi đâu cũng thấy nón cối, dép râu, xe đạp cọc cạch. Ở cơ quan, xí nghiệp, công nhân lo làm việc thì ít nhưng lo "chạy mánh", giành nhu yếu phẩm thì nhiều. Nơi trường học, nhiều hôm học trò ngồi lơ láo, đợi thầy cô đi nhận phần thịt hoặc cá đang chia ở phía văn phòng ban đời sống cả giờ đồng hồ vẫn chưa trở lại dạy ..

 

Trong cái không khí u ám ấy năm 1978 sau khi tốt nghiệp cấp ba xong, ba tôi thấy tình thế chắc là không ổn do chính sách đàn áp, phân biệt đối xử đối với dân chúng miền Nam nên ông quyết định cho tôi vượt biên. Nhưng tôi đi không thành và bị bắt. Tôi vốn nhỏ con, nên trong tù tôi khai tuổi mười ba dù đã mười tám do đó mỗi sáng tôi được cho ra sân nhổ cỏ. Lơi dụng cơ hội này một hôm tôi trốn mất! Về Sàigòn dĩ nhiên là tôi không dám trở lại địa phương nữa mà trốn nơi nhà bà nội tôi. Từ một học sinh mới lớn, thơ ngây, chả biết gì mùi đời bấy giờ tôi đã trở thành một tội phạm trốn chui trốn nhủi, sống bất hợp pháp, cuộc sống vô cùng khó khăn, lo sợ đủ thứ. Đúng là sống với Việt Cộng mà không hộ khẩu thì đời kể như hậu khổ rồi!

 

Nhà bà nội tôi nằm kế nhà từ đường của dòng họ. Bà cố tôi ngày xưa ở đây và nghe kể lại là bà chuyên sống về nghề làm bún. Khi làm ăn khấm khá bà mở lò bún nên thiên hạ gọi bà cố tôi là bà chủ lò bún. Lúc giàu có bà mua nguyên miếng đất to gần cả mẫu rồi chia đều cho mười người con nên gia đình con cháu sống gần nhau là thế. Đó là lý do mà ba tôi đưa tôi về đây trốn cho an toàn hơn. Lúc ấy đất rộng người thưa, tôi ngày tối cứ quanh quẩn ngoài vườn. Sân vườn thì to lớn với đủ loại cây trái như xoài Thanh Ca, chuối sứ, chuối già, mận, ổi, mãng cầu (trái na), hồng quân .. mặc sức cho tôi leo trèo.

 

Tết năm 1979, ba tôi đem bộ lư trên bàn thờ ra sau hè rồi hai cha con hì hục chùi. Tuy không ăn tết gì rình rang nhưng sẵn tiện năm nay có tôi nên ba tôi muốn tôi phụ chùi bộ lư với ông bởi lẽ ba năm rồi đâu có ai còn lòng dạ nào mà lo tết với nhất nên bộ lư bị oxide đồng, đen sì sì. Lúc đó đâu còn có dầu chùi bóng nên hai cha con tôi hái khế để thay thế vì trong trái khế có acid acetic (CH3COOH) dùng để làm nhả oxide ra được. Lúc tôi trèo tuốt lên ngọn cây thì ông đứng bên dưới nhắc nhở:

- Thôi tới đó được rồi đừng leo cao nữa nha con. Người ta nói "nhất hóc xương gà, nhì sa cành khế" đó mày. Té cây khế là nguy hiểm lắm đấy!

 

Rồi ngoài khế ra ông còn lấy cát đất trộn với nước cho sền sệt và dùng nùi giẻ cũ chùi thêm. Hàng xóm ai nhìn thấy cũng cười cách ông làm. Tuy vậy cuối cùng là sau cả ngày bận rộn, chúng tôi đã có bộ lư sáng láng nhưng nếu nói về độ bóng thì nó không được bóng lắm. Dù sao như vậy là cũng tốt lắm rồi vì thời buổi ấy chỉ làm được tới đó thôi bởi cơm còn không có ăn thì lấy đâu ra dầu chùi bóng của tây?

 

Hôm sau sẵn trớn và hứng chí hay sao chẳng biết, ông đi sang nhà bà cố tôi và nói với người đang trông coi nhà thờ lúc này là chị em cô cậu với ông rằng để ông mang bộ lư trên bàn thờ về đánh bóng luôn. Dĩ nhiên là cô tôi hưởng ứng hết mình nếu ông có lòng bởi cũng như bộ lư bên nhà bà nội tôi bộ lư này cũng đen thui vì từ ngày các bác tôi bị đưa ra Bắc "cải tạo" thì đâu còn ai chăm sóc nó. Khi phụ ba tôi bưng bộ lư xuống, tôi mới chợt nhận thấy bộ lư này khác với bộ lư nhà nội tôi vì nó có hai nhánh hai bên với rất nhiều mắt như mắt tre mà thưở nhỏ dù nhiều lần sang đây chạy loanh quanh dưới bàn thờ tôi vẫn chẳng bao giờ để ý đến. Phía trên nắp nó cũng có trang điểm một khúc to hơn nằm ngang với nhiều mắt. Nhìn thấy ánh mắt tò mò của tôi ông giải thích:

- Bộ lư này gọi là lư tre vì nó có nhiều mắt như mắt tre. Bộ lư này quý hơn bộ lư bên nhà mình. Ngày xưa nghe nói bà cố con mua đắt lắm. Còn bộ lư bên nhà là lư trái đào vì nó có hai trái đào bên thân lư. Lư trái đào thì rất xoàng và rẻ tiền!

- À, ra là vậy. Tôi vừa gật gù vừa ngắm nghiá bộ lư tre khá nặng đang cầm trên tay.

Nếu lư trái đào cha con tôi chỉ chùi một ngày thì bộ lư tre chúng tôi phải mất đến ba ngày vì nhánh tre vừa nhỏ lại vừa quằn quèo, nhiều mắt, khó cầm, khó chùi. Rồi sau khi làm xong thì hai bàn tay của tôi và ba tôi bị trầy xước chảy máu nhiều nơi do bị cắt bởi các mắt tre.

 

Tết năm đó khi cả dòng họ về thắp nhang cho bà cố tôi, thấy bộ lư tre sạch đẹp, bóng láng, ai ai cũng tắm tắc khen ngợi hai cha con tôi khiến ông nức lòng. Ngôi nhà thờ bà cố tôi gồm ba gian, hai chái, mái ngói âm dương, với mấy trụ xi măng tròn to cỡ một người ôm ở trước hàng ba mà bên ngoài trông vào người ta ngỡ đó là một ngôi chùa nhỏ khiến cho nhà từ đường có vẻ trang nghiêm cổ kính. Bên trong, nền nhà được lót bằng gạch Tàu. Ngay gian giữa có hai cột quá giang bằng gỗ mun vuông, đen bóng, dùng để đỡ lấy mái nhà và trên hai cây cột này cũng có hai tấm gỗ bằng gỗ mun được treo từ trên trần xuống tới gần mặt nền với hai câu đối viết bằng chữ Hán có mạ vàng nhũ mà tôi không hiểu nghĩa là gì. Ở vách bên phải từ ngoài bước vào có một bức tranh lụa thật to, vẽ bằng màu nước với hình Long Hổ Tranh Châu được lồng trong một cái khung cầu kỳ, hoa văn tao nhã mà cạnh viền từ trên xuống dưới cũng có hai hàng chữ Hán nhỏ hai bên.

 

Giữa nhà là bàn thờ gõ mun đen với bức vẽ chân dung to lớn của bà cố tôi đang ngồi trên ghế trong chiếc áo dài nhung xanh dương đậm. nom thật uy nghi. Nhìn khói bay nghi ngút, lượn lờ quanh bộ lư tre, làm mờ nhân ảnh của bà cố tôi khiến cho gương mặt của bà như từ chốn sa mù nào dội lại. Mùi hương thoang thoảng nơi bát nhang đang đốt tạo cho khung cảnh nét trầm mặc xa xăm, thiêng liêng huyền bí của cõi vô hình khiến lòng tôi bồi hồi mỗi lúc trông lên bàn thờ. Từ đó, hàng năm ngoài việc chùi bộ lư trái đào tôi còn lãnh thêm phần chùi bộ lư tre trên bàn thờ của bà cố tôi nữa.

 

Thời kỳ này như bao gia đình khác, các cô bác bên nhà bà cố tôi, nhà tôi, đều phải mang bàn ghế tủ giường đem bán để lấy tiền mua cơm gạo nuôi con cái, sống lây lất qua ngày. Và bộ lư tre là một món đồ mà những thương lái, những người mua đồ cũ rất thích. Họ năn nỉ mãi nhưng gia đình tôi nhất định không bán bởi nó là một trong các kỷ vật sau cùng của bà cố tôi nhờ vậy mà chúng tôi mới còn giữ được nó cho đến bây giờ. Lúc ấy những gia đình khá giả còn có tiền đàn đúm nhau năm bảy người ra Bắc thăm thân nhân hay trèo đèo lội suối tới tận chốn thâm sơn cùng cốc để gặp người thân chứ còn gia đình tôi nghèo quá phải tiện tặn mọi thứ để thỉnh thoảng gửi quà ra miền Bắc qua đường bưu điện khi các bác tôi gửi phiếu thăm nuôi về nên nhà rất là đói khổ. Đây là giai đoạn cả miền Nam rơi vào tuyệt vọng bởi quá khứ vàng son đã lùi sâu vào dĩ vãng để lại một thực tại bi đát phũ phàng và tương lai là một vùng biển cả tối đen, người ta như các con thuyền nhỏ trôi bấp bênh trong mênh mông vô định. Suốt thời gian ảm đạm này, tuy không nói ra nhưng mọi người đều đọc được trong ý nghĩa của nhau về nỗi lo sợ sẽ nhận được hung tin chết chóc của những người tù trong một ngày không xa. Tuy nhiên may mắn hơn một số gia đình khác là nhà tôi không có ai bỏ xác trong tù cả. Các chú bác tôi lần lượt trở về, người "học tập" ít nhất là gần ba năm, người lâu nhất là mười hai năm!

 

Khi chương trình HO được ký kết giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam xong, một số chú bác tôi hội đủ điều kiện đã lên đường định cư. Hiện mọi người đang sống rải rác trên nước Mỹ. Sau gần hai mươi năm cố gắng làm việc cộng với năm tháng tù tội thì bây giờ tất cả đã về hưu vì già yếu và bệnh tật.

 

***

 

Tối hôm qua tôi gọi điện thoại về Việt Nam thăm nhà, sau một hồi chuyện vãn thì cô tôi trở giọng buồn buồn cho hay là bộ lư mắt tre của bà cố tôi vừa bị ăn trộm lấy mất cách đây ba bốn bữa rồi. Gần Tết thì chuyện trộm cắp ở bên nhà xảy ra thường xuyên lắm và như cô tôi nói thì hiện nay giá trị của một bộ lư tre chỉ chừng vài ba triệu đồng tiền Việt Nam. Số tiền đó so với cuộc sống bây giờ không phải là món tiền to tát nhưng đối với gia đình tôi thì đó là một mất mát lớn lao và vô giá bởi vì nó là của gia bảo do bà cố tôi để lại, là kỷ vật lưu dấu của gia phả về tình thương của bà đối với con cháu, người đã có công tạo dựng cho con cháu có được một cơ ngơi yên ấm, một mảnh đất dung thân nên trong lúc khốn khổ nhất mọi người vẫn cố gìn giữ suốt một thời gian dài.

 

Im lặng hồi lâu rồi tôi nghe tiếng cô tôi thở dài trong điện thoại. Tôi biết cô buồn lắm trước mất mát này và chắc chắn mọi người trong dòng họ cũng sẽ buồn như cô tôi bây giờ khi hay tin dữ. Riêng tôi cũng thẫn thờ xen lẫn tiếc nuối. Hình ảnh tôi lui cui ngồi chùi bộ lư mắt tre mỗi độ xuân về bên hiên nhà hơn ba mươi năm về trước vẫn còn in đậm trong tâm khảm. Lòng ngổn ngang như tơ vò, tôi chẳng biết nói sao hơn là dùng cái nguyên lý "có-không" của nhà Phật để an ủi cô tôi. Tuy vậy tôi vẫn không tránh khỏi bâng khuâng, và tự nhủ lấy lòng "xem như của đi thay người thôi!". Vì dù sao vật gì mất đi cũng còn có thể tìm lại được chứ như con người mất đi thì lấy gì thay thế đây? Ý nghĩ ấy làm tôi liên tưởng tới sự ra đi của nhạc sĩ Huỳnh Anh, nhạc sĩ Việt Dzũng, nhà báo Cao Sơn và nữ danh ca Hà Thanh vừa qua. Buổi nói chuyện với cô tôi cuối cùng rồi cũng chấm dứt trong bầu không khí khá nặng nề.

 

Để điện thoại trở lại bàn xong tôi ra sofa ngồi mà đầu óc vẫn còn nghĩ ngợi miên man. Dẫu biết là "sinh lão bịnh tử, thành trụ hoại không" thì mọi sự vật trong cuộc đời này không có gì là vĩnh cửu, nhưng trong những ngày vừa rồi nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại đột ngột giã từ cõi tạm này khiến cho người tôi bần thần, tiếc nuối và cộng đồng người Việt khắp nơi thì bàng hoàng đau xót, buồn nhiều hơn vui.

 

Mùa đông năm nay vốn đã trắng vì tuyết tràn ngập, phủ đầy khắp nơi, giờ lại thêm bạc thếch vì cơn lạnh kỷ lục. Suốt cả tháng trời qua tâm tư tôi cứ bứt rứt, khó chịu mà tôi không thể diễn tả được vì sao trước các mất mát trên. Tôi chưa gặp nhạc sĩ Huỳnh Anh bao giờ. Tôi chỉ gặp Việt Dzũng một lần khi anh sang trại tị nạn Palawan và có một kỷ niêm nhỏ với anh thôi. Tôi cũng không biết nhà báo Cao Sơn vì khi ông tới tìm hiểu tình hình lập Làng Việt Nam bên trại tị nạn năm 1996 hoặc 1997 gì đó thì tôi đã rời trại đi Manila rồi. Nữ danh ca Hà Thanh thì tôi lại càng không có dịp hạnh ngộ nào, nhưng tại sao tôi lại xốn xang trong lòng khi nghe tin họ từ trần? Tôi hiểu rằng dù tôi chưa gặp hay gặp họ không lâu nhưng các tác phẩm hay giọng ca của họ đã quen thuộc, mến yêu với tôi từ những ngày tôi còn rất nhỏ. Đó là lý do tôi buồn và cảm giác tổn thất này khiến tôi hụt hẫng, tạo nên một lỗ trống to lớn trong tôi.

 

Sáng nay cơn lạnh lại xuống cực thấp làm vạn vật bên ngoài chết cứng. Từ trong cửa sổ đứng nhìn ra con đường trước mặt, cảnh vật trắng toát một màu tang! Tận thâm tâm của niềm xúc cảm vô biên ấy, ngắm mọi thứ im lìm rất lâu tôi chợt nhận thức được cái vô thường của kiếp người. Vì có thể nó bình thường với những người khác nhưng lại hoàn toàn mới đối với tôi bởi cái căn nguyên, cái duyên nghiệp, cái giác tánh nguyên sơ và sau cùng là cái trình độ "ngộ" của mỗi người mỗi khác và không ai giống ai. Có sinh thì có tử! Tử để về một cõi khác rồi trở lại kiếp người nếu sống có đức độ ở kiếp này. Cái cõi khác đó chính là cái cõi Tịnh Độ trong thuyết luân hồi của nhà Phật vậy!

 

"Tâm thức chợt giác ngộ" khiến tôi thanh thản hơn, như người vừa cất được gánh nặng khỏi đôi vai và thấy lòng nhẹ tênh. Tôi hít một hơi thật dài đầy khoan khoái, đầu óc tỉnh táo hẳn ra khi thấu triệt cái lý lẽ của "sinh, trụ, hoại, diệt" rồi thầm cầu nguyện cho những người vừa khuất sớm về cõi Phật, nước Chúa. Nắng lên cao, xuyên qua các nhánh cây trụi lá, chiếu lên đống tuyết cao trước nhà dọi ánh dương quang lấp lánh. Hôm nay tuyết sẽ tan, ngày mai tuyết lại đổ xuống. Tuyết tan rồi tuyết lại tới. Đông sẽ tàn cho xuân qua trong sự tuần hoàn của vũ trụ, cho một khởi điểm bắt đầu trong kiếp luân hồi tái sinh có không, không có!

 

Miami Township, ngày 06 tháng 01 năm 2014

 

Triều Phong - TPN -

 

(Khánh Dung sưu tm và chuyn)

 

 

website counter