Chiếc áo dài nhung đỏ
(Tác Giả:
Phạm
Diễm
Hương)
- Grandma,
Grandma ..
.. ..
- Bà .. bàààà
.. ơơơi!
Tiếng của
Ixy vọng tới sau vườn từ sân trước,
cũng là lúc tôi vừa gỡ được
mớ rễ dài ngoằng chằng chịt của
cây Lan Vanda, vừa hết hoa, ra khỏi cái chậu
gỗ bé tí, tôi ngừng tay, đáp lại:
- Ơi,
bà đây!
Tiếng con
bé lại vang lên, lần này có vẻ
không giữ được bình tĩnh:
- Bà
hurry up, I found something.
Tôi đứng
lên chùi tay vào mảnh giấy đựng vỏ
cây vụn dành để trồng Lan, và men
theo lối đi nhỏ trải sỏi bên hông
nhà, đi ra sân trước, nhìn quanh
không thấy Ixy, tôi hỏi to:
- Con ở
đâu?
- Right here, in
the garage.
Giọng con
bé lại có vẻ hào hứng.
Tôi
nhìn vào nhà xe, cửa nhà xe cuốn
lên nửa chừng, đủ để con bé chui vào. Ixy, bảy
tuổi, cháu ngoại đầu tiên của
tôi, đang đứng sát thùng quần
áo cũ, đầu ngoẹo sang một bên, một
tay chống nạnh, một tay chỉ vào đống
quần áo vừa bị bới tung.
- Con found
something.
- Cái
gì?
Vừa hỏi,
tôi vừa nhìn Ixy và thùng quần áo
cũ.
Ixy cúi
xuống cầm chiếc áo dài nhung đỏ, vừa
ướm vào người, vừa rối rít hỏi:
- Con found
cái này. Đẹp quá trời luôn. Giống
áo của bà, nhưng con mặc vừa. Áo
này của ai vậy bà?
Tôi cầm
chiếc áo nhung đỏ thẫm, mịn màng,
dày dặn và còn mới nguyên.
Đây là chiếc áo dài tôi tự cắt
và khâu bằng tay cho Bê, con gái út của
tôi, để dự thi áo dài nhân
ngày Trung Thu, mấy chục năm về trước.
Tôi bồi
hồi, ngồi sụp xuống, vừa giúp Ixy mặc
áo, vừa nói:
- Đây
là áo bà may cho cô Bê, khi cô Bê
bằng tuổi con.
Ixy tròn
mắt nhìn tôi:
- Bà
có may cho mẹ không?
- Có,
nhưng bằng vải khác, mẹ con chạy bị
ngã, nên áo bị rách, bà không giữ
nữa.
Ixy cười
khúc khích:
- Mẹ
hư quá!
Nhìn Ixy
xinh xắn trong chiếc áo dài mấy chục
năm qua, hơi có mùi vải cũ, tôi lại
nhớ mẹ tôi ..
***
Hồi
đó, sau khi chúng tôi định cư ở
Úc, mẹ tôi thường điện thoại từ
Việt Nam sang thăm con cháu, lần nào cũng dặn:
bận gì thì bận, cũng phải dạy hai
đứa bé nói tiếng Việt, dạy
chúng nó phong tục lễ giáo Việt Nam. Phải
tiên học lễ hậu học văn, phải đi
thưa về trình, phải có hiếu đễ
với ông bà cha mẹ v.v .. Tôi cũng ậm ự
cho mẹ vui lòng, chứ bà cụ đâu
có biết tôi vừa đi học vừa đi
làm, quần quật suốt ngày mệt nhừ;
chiều về đến nhà đã tối mịt,
quơ quào được bữa cơm chiều cho cả
gia đình là cố gắng lắm rồi.
Có hôm ăn xong, lăn ra salon đánh một
giấc đến giữa khuya tỉnh dậy mới
đi tắm thay quần áo, thì sức
đâu mà dạy ê
a tiếng Việt nữa. Còn các con, với
hệ thống giáo dục khai phóng tuyệt vời
của Tây phương, tôi chẳng phải lo
gì cả. Tôi yên tâm vì thấy hai con
ngoan ngoãn, học giỏi, dạn dĩ, và tự
tin, biết giúp đỡ chia sẻ với bạn
bè, hàng xóm. Hai chị em vẫn nói tiếng
Việt trong gia đình.
Đôi khi tôi lo các con không theo kịp
tiếng Anh ở trong lớp, nên lại bắt con phải
học thêm tiếng Anh trong những ngày cuối
tuần, thay vì học tiếng Việt!
Hình
như mẹ tôi linh tính tôi sẽ không
làm đúng lời bà dạy, nên một
ngày đẹp trời, tôi nhận được
gói bưu phẩm to từ Việt Nam với nhiều
vòng băng keo quấn chung quanh. Người gửi
là mẹ tôi.
Tôi hồi
hộp không hiểu mẹ tôi gửi cái
gì, loay hoay mãi mới cắt được lớp
băng keo cứng ngắc ở ngoài cùng; tới
lớp giấy dầu dán chặt phía bên
ngoài, lớp bao nylon bên trong, rồi mới tới
xấp vải nhung đỏ tuyệt đẹp,
được gấp cẩn thận vuông vắn, mặt
phải ở trong, mặt trái ra ngoài, kèm
theo bức thư ngắn của mẹ tôi, đại
ý là: Cô Tuyết ở Pháp gửi cho cụ
xấp vải nhung này để cụ may áo
dài, nhưng hoàn cảnh đất nước hiện
tại, cụ chẳng còn lòng dạ nào
để may mặc cả. Cụ gửi xấp vải
sang cho tôi để tôi may áo dài cho hai
cháu gái của cụ. Mẹ tôi còn dặn
nên cho hai con bé mặc áo dài vào
ngày Tết, cố giữ nền nếp Việt Nam
được tí nào hay tí nấy.
Chị em
chúng tôi từ ngày có trí khôn
đến giờ chưa hề được học cắt
may. Ngày xưa lúc tôi còn học bậc
Trung Học, mẹ tôi có cái máy may Singer.
Tôi được mẹ chỉ cho cách đạp
máy may, thế là tôi tẩn mẩn xin vải
vụn của bà thợ may bên hàng xóm,
may những cái túi đựng mấy miếng miểng
chai, miểng chén để chơi lò cò, hoặc
cái túi đựng bó đũa tre chơi
đánh thẻ, đánh chuyền. Tài nghệ
may vá của tôi chỉ có thế!
Khi lập
gia đình thì hầu như tôi chẳng bao giờ
lo đến đường kim mũi chỉ, cho đến
khi mất nước. Lúc ấy, cuộc sống
đảo lộn, tôi phải ghi tên vào tổ
đan len xuất khẩu để được ở lại
thành phố, mặc dù chưa bao giờ biết
đan. Tôi học thật nhanh và đan những sản
phẩm về len như mũ, áo quần thời trang
đủ cỡ tuổi.
Đến
khi đi vượt biên, tôi đinh ninh với nghề
đan len, tôi sẽ tìm được việc
làm dễ dàng ở xứ tự do. Nhưng khi chờ
đợi ở Kuala Lumpur để đi định
cư, những người đến trước bảo
nên học nghề may áo dài, kiếm nhiều
tiền lắm, vì ở ngoại quốc, nhiều
người muốn may áo dài mà không
có thợ. Thế là tôi ghi tên học cắt
may. Vừa học được cách đo và vẽ
áo trên giấy, thì chúng tôi có
tên trong danh sách rời trại đi định
cư. Tôi ôm theo bửu bối cắt may với
ý định sẽ hoàn tất chiếc áo
dài .. đầu đời cho mình trên xứ
người.
Nhưng
đến xứ sở mới, ngoại trừ chính
mình là cũ, còn tất cả từ
ngôn ngữ, phong tục, đời sống, công
ăn việc làm đều mới. E ngại, ngỡ
ngàng luôn thường trực trong đời sống.
Nhớ hồi đó, tôi chỉ dám nói
câu chào hỏi: How are you? rồi trả lời: I
am fine, thank you. Sau đó là nín thinh, không
dám nói tiếp vì sợ .. sai văn phạm.
Chị em chúng tôi vừa học lại Anh Văn
để hy vọng trở lại đại học; vừa
đi kiếm việc làm ở các hãng xưởng,
nên hy vọng may chiếc áo dài Việt Nam
trên xứ người đã trôi vào
dĩ vãng.
Cho đến
khi mẹ tôi gửi xấp vải sang, tôi mới
nhớ mình đã có học may
áo dài. Trong niềm hứng khởi sẽ chụp
hình hai đứa con mặc áo dài nhung đỏ
nhân dịp Tết Trung Thu bên này gửi về
cho mẹ, tôi bắt tay ngay vào việc đo
đo vẽ vẽ, sau cùng cắt áo trên vải.
Xấp vải
dư dả cho hai áo dài người lớn.
Tôi muốn giữ một áo cho mẹ, nên cẩn
thận cắt để dành một áo, phần
còn lại may cho hai con. Thế nhưng, không biết
tôi cắt thế nào mà hai mặt vải
ngược nhau, thế là phải cắt lại
và rất hao vải. Rốt cuộc, nửa xấp vải
dành cho áo dài người lớn, tôi chỉ
may được một áo dài cho con bé con.
Đó là lý do tại sao áo dài của
con gái lớn của tôi phải may vải
khác.
Như ước
nguyện, tôi may xong hai chiếc áo dài cho
các con, tôi chụp ảnh gửi về cho mẹ.
Mẹ tôi sung sướng khi thấy hai cháu
gái nhỏ của mình súng sính xinh xắn
trong tấm áo dài, thế là đủ. Mẹ
tôi chẳng thắc mắc tại sao chỉ có
con em mặc áo dài nhung? Tôi cũng giấu
luôn vụ may vá.
Thời gian
trôi qua, chúng tôi bảo lãnh bố mẹ
sang đoàn tụ. Các con tôi lớn khôn,
chiếc áo dài nhung đỏ thơ ngây
được xếp cất trong hộp, và một nửa
xấp vải nhung còn lại năm xưa vẫn nằm
im trong ngăn tủ. Cho đến ngày em gái
út tôi có bạn trai, rồi dự tính
đám hỏi, đám cưới. Mẹ tôi
muốn may áo dài nhung, tôi mới nhớ đến
xấp vải còn lại. Tôi nói với mẹ:
"Xấp vải nhung cô Tuyết cho, mà mẹ gửi
sang cho con đó, con còn giữ lại một
áo cho mẹ đấy!". Mẹ tôi cười
thật tươi.
Xấp vải
nhung được đưa đi may, và mẹ
tôi khai trương chiếc áo nhung đỏ trong
ngày đám cưới con gái út của
mẹ.
Sau
đó, áo được mẹ tôi hấp tẩy
và cất kỹ trong tủ cho đến 10 năm sau,
đến đám cưới của Bê.
Đám
cưới Bê được dự tính cả
năm trời, lúc ấy mẹ tôi còn khoẻ.
Bà cụ thử chiếc áo dài nhung đỏ,
chật ních không vừa. Thế nhưng sau
đó mẹ tôi bị bệnh nặng, trước
đám cưới của Bê ba tháng, mẹ
tôi gầy xọp đi, bà cụ mặc thử
chiếc áo dài nhung đỏ mà tưởng
chừng như một hình nhân lêu khêu phập
phùng trong đống vải.
Con tôi
định tạm hoãn đám cưới để
chờ mẹ tôi khỏi bệnh, nhưng cả
nhà biết rõ căn bệnh của mẹ,
nên khuyên Bê vẫn tiếp tục cử
hành lễ cưới.
Ngày
đám cưới cháu, mẹ tôi mặc chiếc
áo dài nhung đỏ, ngồi trên xe lăn.
Chúng tôi vui và thật hạnh phúc
vì mẹ tôi cười suốt trong lễ cưới
của cháu. Sau này nhìn hình đám
cưới, tim tôi thắt lại, vì mẹ
tôi tiều tụy quá, nét cười như
một gắng gượng tột cùng chống lại
cơn đau, vì mẹ tôi không muốn
chích morphine hôm ấy, để được tỉnh
táo, vui với gia đình.
Chiếc
áo dài nhung đỏ được mẹ tôi
mặc lần thứ hai trong đám cưới
Bê, con gái út của tôi.
Ba tháng
sau, mẹ tôi mất. Trước đó, như
có linh tính, mẹ tôi bảo nếu trời bắt
mẹ đi, thì mặc cho mẹ chiếc áo
dài nhung đỏ.
Ngày tẩm
liệm mẹ, tôi mới nhớ chiếc áo
dài nhung đỏ mẹ mặc hôm đám
cưới Bê, chưa kịp hấp tẩy; chúng
tôi cùng vùi đầu trong áo hít lấy
hít để hơi hướm của mẹ. Khi mặc
chiếc áo dài nhung đỏ cho mẹ, tôi
có ý tưởng kỳ lạ là sinh khí
trong áo có sẽ khiến mẹ hồi sinh
không?
Mẹ
tôi mặc chiếc áo nhung đỏ lần thứ
ba trong chuyến đi thật xa và không trở về
***
- Grandma,
bà sao vậy? bà buồn hả?
Giọng
nũng nịu ướt rượt của Ixy khiến
tôi choàng tỉnh, tôi vội ôm nó
vào lòng và nói:
- Bà
không sao cả, con mặc áo của cô Bê
làm bà nhớ cô Bê hồi nhỏ.
Ixy vuốt
vuốt tà áo:
- Cô
Bê lớn rồi, không mặc vừa áo
này nữa, bà cho con nghe.
Tôi gật
lia lịa:
- Chắc chắn
rồi, áo này bây giờ là của con.
Bà sẽ đem tới tiệm dry clean để
nó hết mùi xưa cũ. Con hứa với
bà con sẽ giữ nó thật kỹ nhé.
Đây là kỷ niệm của Cụ đấy.
Bà giữ một nửa, còn một nửa
đã đi với Cụ. Con còn nhớ Cụ
không?
Ixy lơ
đễnh nhìn tôi:
- Bà
nói nhiều quá hà, con nhớ Cụ, nhưng
con không có biết bà nói cái gì
hết chơn hết chọi.
Nói xong
nó đứng dậy, thoát khỏi vòng tay của
tôi, vừa nói vừa dang tay làm điệu bộ:
- Mẹ
nói dài thiệt là dài như thế
này nè, còn bà cũng nói dài thiệt
là dài luôn. Sao bà với mẹ phải
nói dài hả bà?
Không trả
lời, tôi đứng lên, dắt Ixy ra ngoài,
đóng cửa nhà xe. Tôi men theo lối đi
nhỏ bên hông nhà, trở lại vườn
sau, Ixy theo sau tôi, vừa đi vừa hỏi:
- Bà
ơi, con mặc áo này đi chơi nhà bạn
được không?
- Chắc
không được con à, vì con sẽ chạy,
sẽ vấp ngã như mẹ con ngày xưa
và áo sẽ rách.
Tiếng con
bé khúc khích:
- Mẹ
hư quá há bà!
Nắng
lên cao, tôi bảo Ixy:
- Con kiếm
cái ghế ngồi chờ bà làm xong chậu
Lan, rồi mình vào ăn trưa.
Nhìn Ixy
mặc chiếc áo dài nhung đỏ ngồi
trên chiếc ghế thấp, loay hoay kéo tà
áo sau để lên phía trước, tôi
thầm cảm ơn mẹ đã cho tôi một kỷ
niệm vô giá.
PHẠM DIỄM HƯƠNG
- 09/13 -
(Diễm Kiều sưu
tầm
và chuyển)