Tôi
muốn con sau này đi chăn
bò
(Phan Nguyễn Như Ý)
Tôi nhớ cách
đây gần mười năm, trong một bữa tiệc
họp mặt đầu xuân, khi mọi người
ai cũng bày tỏ nguyện vọng con mình sau
này sẽ trở thành kỹ sư, bác sĩ
hay ông này ông kia thì ông bác ruột
tôi lại phán một câu xanh rờn làm mọi
người chưng hửng:
- Tôi chỉ
muốn con tôi sau này sẽ đi chăn bò!
Mọi cặp
mắt đều đổ dồn vào bác
tôi. Sau khi nhấp một ngụm trà, bác
tôi thong thả nói tiếp:
- Một
xã hội mà toàn những người chỉ
muốn làm thầy thì lấy ai làm thợ.
Cứ đà này rồi thì năm mười
năm nữa xã hội lại lạm phát cử
nhân với thạc sĩ, tiến sĩ, tốn tiền
cho ăn học rồi lại vắt giò lên cổ
tốn hàng đống tiền để chạy xin
việc. Có việc rồi thì lại ngày
đêm nơm nớp lo sợ bị đuổi việc
vì người xin việc quá đông.
Thôi thì cứ cho nó đi chăn bò cho chắc
ăn!
Tưởng
bác tôi chỉ nói chơi cho vui nhân
ngày đầu năm, ai dè bác lại
làm thiệt. Sau khi ông anh họ tôi tốt nghiệp
phổ thông trung học, ông bác tôi
không cho thi đại học mà gửi anh theo học
một lớp đào tạo dài hạn do một
trung tâm khuyến nông tổ chức.
Ngày anh
hoàn tất khóa học cũng là ngày
ông bác tôi mua đất và cất lên
một trang trại. Chăn bò bây giờ dĩ
nhiên khác nhiều so với ngày xưa.
Phải
có một vốn kiến thức căn bản về
chăn nuôi cũng như về các thành tựu
mới nhất của khoa học kỹ thuật. Với
hơn 100 con bò và mấy chục con dê, mỗi
năm ông anh họ tôi dễ dàng bỏ
túi năm bảy trăm triệu và sống
khá nhàn nhã.
Nhìn
ông anh họ tôi đi ra đường chạy xe
hơi đời mới, quần áo lịch sự
thì ai biết là chăn bò. Cứ mỗi lần
có người quen hỏi thăm làm nghề
gì, ông anh họ tôi đứng thẳng
người, ngực ưỡn ra:
- Tôi chỉ
là một cowboy!
Đó
là câu chuyện về ông bác ruột
và ông anh họ của tôi. Mới đầu
nghe có vẻ hơi tưng tửng điên
điên, nhưng đó lại là sự thật
về những con người có đầu óc thức
thời với một tư duy nhạy bén.
Suy cho
cùng tôi thấy bao nhiêu năm qua chúng ta
đã quá hám danh vọng
khi hướng cho con một con đường nghề
nghiệp cho tương lai, đôi lúc dẫn
đến mù quáng.
Ngày
còn đi học, tôi có một anh bạn học
rất dốt nhưng luôn bị ông bố bắt
ép phải thi vào trường y. Lý do
đơn giản là ông bố muốn con
mình sau này phải trở thành bác sĩ
để ông nở mặt nở mày với
thiên hạ.
Nhưng sau
ba lần thi vào trường y mà vẫn rớt, trước
sức ép quá lớn của bố, anh đã
mấy lần tính tới chuyện tự tử. May
mà gia đình phát hiện sớm nên mời
chuyên gia tâm lý tới giải tỏa sức
ép cho anh.
Sau
đó anh xin vào học ở một trường
trung cấp xây dựng và trở thành một
thầu khoán xây dựng. Thời gian bất động
sản nóng sốt, anh kiếm được khá
nhiều tiền và thành một đại gia. Mỗi
lần gặp tôi, anh lại mỉm cười:
- Cứ theo
lời ông già đi làm bác sĩ thì
chưa chắc đã có nhiều tiền như
hôm nay!
Nhiều
lúc ngồi suy nghĩ lại những gì mà
ông bác mình đã nói gần mười
năm trước, tôi thấy có vẻ
đúng. Thời buổi bây giờ hình
như đang lạm phát cử nhân, thạc sĩ,
tiến sĩ .. với cái lối đào tạo
không theo một quy hoạch nào cả.
Cách
đây vài tháng khi vừa xây xong ngôi
nhà cho mình, tôi mới tình cờ
phát hiện thì ra hai cậu phụ hồ ở
nhà tôi chính là hai cử nhân ra trường
đã ba năm nay nhưng vẫn chưa kiếm
được việc làm.
Mấy
ngày sau tôi lại biết thêm cô gái hằng
ngày vẫn bưng phở ở quán phở đầu
đường nhà tôi cũng đã có bằng
thạc sĩ mấy năm nay.
Cách
đây một năm, tôi xem trên tivi thấy
có một anh chàng chạy xe đạp khắp
thành phố, phía trước ngực có một
tấm bảng to tướng ghi tốt nghiệp tới
ba trường đại học gì đó
nhưng mấy năm nay vẫn chưa xin được
việc làm.
Tôi
có một người bạn cho con đi du học ở
Singapore bốn năm hết mấy tỉ bạc, tìm
việc mãi không được nên
đành về nhà mở tiệm bán ổ
khóa sống qua ngày ..
Trên
báo Tuổi Trẻ cách đây ít lâu,
tôi đã nghiền ngẫm rất kỹ loạt
phóng sự "Tốt nghiệp rồi thất nghiệp".
Những câu chuyện về các thạc sĩ phải
đi chăn vịt, chăn trâu hay cử nhân phải
đi bán nước mía bây giờ không
còn là chuyện lạ. Vậy nguyên nhân
nào gây nên một cuộc khủng hoảng thừa
cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như hiện
nay?
Theo ý kiến
của tôi, một trong những nguyên nhân
sâu xa là những bậc phụ huynh đã QUÁ HÁM DANH
trong khi một nghĩa vụ căn bản của những
người làm cha làm mẹ là phải
tìm ra cho con mình một nghề lương thiện
và căn bản.
Mang nặng
tư tưởng một người làm quan cả họ được nhờ
và cũng để nở mày nở mặt
với bà con dòng họ nên những
bậc phụ huynh thường hay ép con em mình phải
cố gắng thi đậu vào các trường
đại học.
Các
trường dạy nghề chỉ là giải
pháp cuối cùng khi con em họ đã tung cờ
trắng chào thua con đường vào đại
học. Hậu quả là thầy nhiều mà thợ
ít nên xã hội phải trả giá một
sự lãng phí khủng khiếp khi người ta
tốn không biết bao nhiêu tiền để
đào tạo những trí thức nhưng cuối
cùng không thể sử dụng được.
Sự
hám danh của chúng ta ở khâu đào tạo
con người còn có thể gây ra những hậu
quả khôn lường. Vì ai cũng muốn con
mình phải tốt nghiệp đại học
nên những trường đại học tư,
đại học dân lập mọc ra nhan nhản
như nấm sau cơn mưa.
Một hậu
quả nhãn tiền mà ai cũng nhìn thấy
là chất lượng đào tạo của hệ
thống đại học nước ta đã xuống
cấp một cách nghiêm trọng.
Các
trường đại học ào ạt tuyển sinh
cho đủ chỉ tiêu rồi sau đó cấp bằng
tốt nghiệp cho các sinh viên một cách
vô tội vạ để thu tiền. Người ta
không thể tưởng tượng rằng nhiều
nơi cơ sở vật chất của một trường
đại học chỉ là một căn nhà cấp
4 dột nát ọp ẹp và miễn bàn đến
chất lượng đào tạo.
Sinh viên
ra trường với tấm bằng đại học
trên tay tốn biết bao nhiêu tiền của cha mẹ
nhưng không biết phải sống bằng cách
nào vì đi xin việc ở đâu cũng bị
từ chối.
Cuối
cùng theo tôi nghĩ, sự hám danh trong
cách chọn nghề nghiệp cho con em chúng ta
có thể cũng là một trong những
nguyên nhân sâu xa cho quốc nạn hiện nay: nạn chạy chức chạy quyền và tệ tham nhũng.
Khi xã hội
đã quá dư thừa những ứng cử
viên công chức thì muốn có được
việc làm người ta phải chạy và phải
mất những khoản tiền hối lộ lớn.
Một thực
tế không thể chối cãi là muốn xin
được việc cho con em mình ở những
"nơi tốt", người ta có thể sẽ
phải chi ra vài trăm triệu đồng là
chuyện bình thường.
Khi
đã ngồi được vào một chiếc
ghế hay có một chức danh gì đó
thì việc đầu tiên người ta nghĩ
đến là phải bằng mọi cách lấy
lại số tiền đã đút lót.
Và thế
là nạn tham nhũng bắt đầu nhen nhúm
và hình thành, tầng tầng lớp lớp từ
dưới lên trên và cuộc chiến chống
tham nhũng cứ vẫn phải tiếp diễn không
biết bao giờ mới chấm dứt ..
Tôi
có một con trai đang học lớp 12, năm nay
chưa biết sẽ thi vào trường nào.
Trong tình hình xã hội tương lai sẽ
thừa mứa nhân lực theo cái kiểu "đầu đường tiến sĩ vá xe, cuối đường thạc sĩ bán chè đỗ đen" thì có lẽ
tôi lại phải bắt chước ông bác
ruột của mình: "Tôi chỉ muốn con
tôi sau này đi chăn bò". Hãy để
cho con cháu chúng ta trước mắt phải
có một nghề lương thiện và ổn định
trước khi nghĩ đến những điều cao
siêu ..
PHAN NGUYỄN NHƯ Ý
(Diễm
Trinh sưu
tầm và chuyển)