NGƯỜI
MẸ TẬT NGUYỀN
(Kha Tiệm Ly)
“Xóm Cùi!”.
Không biêt cái xóm nầy ngày xưa
có bao nhiêu người cùi cư ngụ,
nhưng từ lâu suốt cả xóm, người
ta không thấy một ai đang mắc chứng bệnh
quái ác nầy! Bởi vậy ngày nay khi
nói đến “Xóm Cùi”,người
ta không hề nghĩ về một xóm có nhiều
người lở lói chân tay, máu me, nước
vàng nhầy nhụa, hay những bộ mặt sần
sùi nổi cục nổi nần gớm ghiếc;
mà ai cũng nghĩ đến đó là một
xóm lao động bát nháo, đầy đủ
mọi thành phần bất hảo: Chôm chỉa,
nhậu nhẹt, bài bạc, số đề! Tiếng
chửi mắng rủa xả mở hết vô-lum
(volume) xảy ra như cơm bữa đến nỗi
đã làm cho mọi người nhàm
chán. Tiếng chân rượt đánh nhau
kêu la ơi ới cũng không thèm ai để
ý, dù cho những kẻ hiếu kì!
Nói vậy Xóm Cùi
không phải là không có người lao
động hiền lương sinh sống. Họ sống
bằng mọi nghề hạ đẳng mà số tiền
kiếm được cũng chỉ đủ đổi
gạo hằng ngày, nếu không bị bệnh hoạn
yếu đau.
Xóm Cùi tuy xô bồ
bát nháo nhưng ít ai để ý đến
ai. Duy có một người, và nay là một
“gia đình”, đã “được”
mọi người luôn nhắc đến: Đó
là chị Hạnh.
Chị là người con
gái có gương mặt hơi thon, nước
da hơi trắng, môi hơi đỏ, má hơi hồng,
để lộ những tia máu li ti. Tóc chị cắt
ngắn để lộ cái cổ tròn trịa
nõn nà. Mắt chị lại đen láy,
mày chị thon thon, mi cong vút. Đặc biệt
cái miệng lúc nào cũng sẵn nụ
cười chào đón mọi người.
Gương mặt của chị mà “lên lịch”
thì chắc hẳn phải ăn trùm những tấm
hình của các “sao”. Mà có thể
người xem lại thích hơn vì ảnh chị
toát ra nhiều nét dịu hiền, hoàn
toàn không pha tạp cốt cách kiêu
căng khinh mạn!
Tạo hoá thật khéo
trêu ngươi! Khoảng giữa xương sống
chị từ nhỏ như bị bẻ gập lại một
góc, đến nỗi người ta nghĩ chị
không thể nào nằm ngửa được.
Có người cắc cớ hỏi, chị
đáp tự nhiên: “Thì em chêm hai
cái gối hai bên!”. Nếu chỉ như thế
thì không có gì đáng nói.
Đàng nầy hai chân chị dường như
không có khớp háng. Chúng quặt
quà quặt quại dính vào thân hình
chị một cách vô tích sự, cho nên chị
có thể giắt chúng lên cổ khi thấy cần
thiết, như lúc chị “đi” qua vũng
nước chẳng hạn!
Trông chị di chuyển, người
ta vừa xót thương, vừa cảm phục: Hai
tay chị cầm hai ghế cóc (loại ghế cao chừng
một tấc mà các bà bán hàng
dưới đất thường dùng). Bước
một, chị để một tay (cầm ghế) về
trước, vừa một bước chân, đồng
thời lấy đà hất mình lên, sao cho
mông chị ngồi trọn lên ghế ấy!
Bước hai, chị để tay kia (cũng cầm ghế)
về trước, rồi cũng hất mình lên
cho mông ngồi trọn trên ghế nầy! Lối
đi độc đáo nầy rất có lợi
là chị khỏi phải lết, quần khỏi bị
rách, và tất nhiên suốt ngày mông
chị chẳng dính chút dơ!
Mọi thứ sẽ đỡ khổ
cho chị hơn rất nhiều nếu chị không phải
kéo lê theo hai khúc chân tong teo ăn hại!
Và nếu chỉ như thế,
thì chị cũng như hàng trăm người
tật nguyền bán vé số trên xe lăn,
hay không xe lăn trên khắp nẻo đường,
có gì khiến người ta đáng để
ý, đáng quan tâm?
Điều khiến ai cũng biết
chị, làm chị đột nhiên “nổi tiếng”
như một người trúng số độc đắc
cá cặp là chị … có bầu!
Đó là tin giựt gân đến nỗi những
người rỗi chuyện tìm chị để
nhìn tận mặt xem có phải là tin vịt
hay không! Cái bụng chị đã trả lời
chính xác bao thắc mắc tò mò ,
và là sự phũ phàng cho ít kẻ
có chút lòng nhân: “Thằng nào
mà ác dữ!”. Nhưng cái ác
đâu chỉ là do hành động thủ
ác, mà có nhiều cái miệng độc
địa cũng góp phần không nhỏ, thậm
chí có phần lớn hơn! Nó xuất phát
từ đủ hạng người, mọi ngả
đường. Chúng bàn tán xôn xao, đặt
nhiều nghi vấn tưởng tượng, mỉa mai
thô bạo, và tự đề ra một luật lệ
nghiêm khắc là loại người như chị
không được hưởng quyền đẻ
cái nuôi con: “Cái thứ không biết
thân còn bày đặt!”. “Bày
đặt” theo ý họ là cái “chuyện
ấy”chỉ có những người lành lặn
như họ mới được độc quyền
hưởng thụ, hay gì gì đó!
Mấy quán cà phê tồi
tàn trong xóm luôn là tụ điểm của
những kẻ rảnh nghề mà háo sự. Mấy
tay xồn xồn không biết làm nghề ngỗng
gì mà cứ la cà nơi đây suốt
ngày tám tiếng để bàn chuyện
năm trên, chuyện thiên hạ, mà không từ
bỏ một lời lẽ nghiệt ngã nào, miễn
sao chúng được vui với những trận
cười hô hố: “Ê gù! (chúng gọi
chị Hạnh) Mầy nói cho tao biết rồi tao mua
cho tờ vé số: Cái lưng mầy gù một
cục, làm sao mầy nằm ngửa mà
“làm ăn” được vậy mậy?”.
Một tên khác đưa tay lên diễn tả
rồi hắng giọng: “Cái đó mới
ngon à nghen! Nó giống như cái đu, chổng
lên, chổng xuống vậy mà! hố hố...”.
Cả quán cười vang, kể cả bà chủ
quán. Mụ cười làm hai tảng thịt
trên má mụ bạnh ra, lòi hai hàm
răng lổn cổn, đen thùi nhựa thuốc. Mụ
hỏi chị khi hai cục môi dày cộm,
tím ngắt như hai lạng thịt trâu ế ở
chợ chiều vừa khép lại, để lộ
nét hung tợn, tràn trề vị đắng cay,
độc địa.
- Cái thằng nào có
phước dữ vậy mậy? Mà mầy cũng
có phước lắm đó nghe! Ha ha!
Chị lặng thinh, nhẹ
nhàng quay xe đi. chị thấy hai mắt của chị
hơi cay. Dù chưa đến trường ngày
nào, nhưng với tuổi đời gần ba
mươi, chị cũng thừa hiểu tiếng
“có phước” được lập lại
hai lần nó mang ý nghĩa thế nào! Tiếng
đầu là thuần mai mỉa, tiếng sau lại
được tạt thêm bao vùa miệt thị
chua chát đến xé lòng!
Chị âm thầm quẹt vội
nước mắt.
Chị dừng xe lại, lặng im
để cho lắng bớt những lời lẽ thô
tục nặng lời phỉ báng, thẳng tay bôi
nhọ nhân phẩm của chị. Gọi là
“nhân phẩm”, vì dù sao trong xã hội
nầy, chị cũng là một con người. Chị
cũng đã lấy sức lao động chân
chính của mình để đổi lấy miếng
cơm trắng sạch. Nói cho cùng, chị cũng
đã ít nhiều mang niềm vui, hay ít ra
là niềm hy vọng tới cho mỗi người khi
mua tờ vé số! Chị cũng biết buồn, biết
khổ, biết vui sướng, biết suy tư, biết
rơi nước mắt, và nhất là chị
đang biết nói tiếng người. Thì chị
phải là con người chính cống, không
thể chối cãi, không thể phủ nhận!
Nhưng với nhiều kẻ không còn sót lại
trong cặp mắt họ một chút nhân
tình, thì trong tim họ, trong đầu họ, dẫu
bào cho mòn, dẫu vạch cho kỹ, cũng
không tìm thấy một chút xíu
lương tri. Trong lồng ngực họ, trái tim
nhân ái đã biến mất, hay đã bị
lẫn lộn trong vùng bụng đầy chất cặn
bã của đại tràng che lấp! Với họ,
chị là con thú dị hình, may mắn mang
được tên người, không hơn
không kém!
“Thằng nào có phước
vậy mậy?” Câu hỏi đến tận
cùng của sự mỉa mai, dư thừa sự
tàn nhẫn và đầy rẫy sự khinh bỉ
nầy dù cho chị có muốn trả lời, chị
cũng không thể. Bởi chị có biết
“thằng nào” đó là ai?!
Chị không biết là ai,
nhưng chị không thể quên một chi tiết
nào trong cái buổi định mạng ấy
….
Như bao ngày, khi chị
được tờ kết quả dò vé số,
chị bương bả lăn xe, tranh thủ bán bớt
những tờ vé số ngày mai cho tới sậm
tối mới thư thả trở về theo ngả tắt
nhị tì. Và cũng như mọi ngày, theo
thói quen, khi đến đoạn đường dốc
gồ ghề đá sỏi, chị thường dừng
lại nghỉ tay! Thì bất ngờ từ phía
sau, xe chị được ai đẩy tới. Chuyện
đẩy giùm lên một đoạn dốc của
một tấm lòng nhân ái cũng đã
thường xảy ra, nên chị không nhìn ra
sau mà chỉ “Cám ơn”! Nhưng lần
nầy xe chị lại bị đẩy nhanh về
phía trong chòm mả lớn, rồi một
cánh tay chắc nịch bồng chị chạy tuốt
vào trong. Hắn để chị xuống …
Sự việc xảy ra nhanh
chóng, bất ngờ. Chị loạn xạ thần hồn,
muốn la, cũng không ra tiếng. Trong chỗ tận
cùng của ý thức, đột nhiên chị
biết sự việc sẽ diến biến thế
nào! Chị sợ sệt, lo lắng, hồi hộp, rồi
phó mặc! Bao ý nghĩ lộn xộn trong đầu
óc chị, mà sự phập phồng để
đón nhận việc sắp tới đã chiếm
phần ưu thế. Chị muốn hé mắt
nhìn xem người ấy là ai, nhưng có
nhiều thứ làm chị không dám, trong
đó có việc sợ người ấy hoảng
hốt bỏ đi (!)... Mùi rượu nồng nực,
làm chị muốn ngộp thở khi thân thể
kia dán vào mình chị, tiếp theo là những
cảm giác lạ kỳ ...
*
Đứa con chị ra đời
là cả niềm hạnh phúc, và cả niềm
hy vọng lớn lao của chị. Chị đã
có con, chị đã được quyền
làm mẹ, được quyền thương
yêu con mình như bao nhiêu người
khác. Chị thỏa thê hôn hít nựng nịu,
vuốt ve con mình như bao người. Chị
không còn tủi thân khi phải chịu những
lời lẽ, những thái độ khó chịu
khi chị thuận tay nựng nịu những gương
mặt các bé thơ ngây dễ mến. Thậm
chí, khi chị khen em bé đẹp, dễ
thương , họ cũng chẳng hài lòng! Họ
nghĩ bàn tay chị như chứa đầy những
vi trùng của bệnh nan y; và lời chị,
dù là những lời chúc tụng tốt
lành, cũng không khác những lời nguyền
độc địa! Nhiều khi chị nghĩ lại, lời
mụ chủ quán cà phê cũng có
lý: “Mầy cũng có phước lắm
đó nghe!”. Đúng vậy, chị rất
may mắn, rất “có phước” khi đẻ
một đứa con xinh đẹp, khoẻ mạnh,
điều mà chị thường ước ao, nghĩ
là vô vọng, mà nay mới được toại
nguyền. Chị thầm cám ơn ai đó tại
khu gò mả năm xưa.
Cô bé càng lớn, chị
phải “làm thêm” để đủ sức
nó ăn. Thân nó càng tròn, thì
thân chị càng teo lại. Có nhiều khi
nhường con ăn thịt mà chị thèm y
như những ngày tháng cấn thai.
Cô bé càng lớn,
càng trắng trẻo hồng hào, tóc
càng óng ả mượt mà, môi càng
đỏ thắm. Mười sáu tuổi thì nổi
danh ... “Hoa Hậu Xóm Cùi”!
Hoa đẹp dù mọc bất
cứ nơi nào thì hương thơm vẫn quyến
rũ được đàn bướm ong từ bốn
hướng bay về.
Xóm Cùi lại một phen
lé mắt khi mà căn chòi lá tồi
tàn của chị được thay bằng ngôi
nhà tường khang trang, mô đen nhất
xóm; lại được chiếc xe tay ga đời
mới cáu xèng trang điểm, làm tăng
thêm phần uy thế.
Ở được nhà đẹp,
nhưng chị Hạnh lại không thấy vui, bởi
chị biết số tiền xây nhà con chị
đã kiếm được từ đâu!
Thông thường trong gia
đình, hễ ai có nhiều tiền thì
được nhiều quyền. Sự hiện diện của
chị trong ngôi nhà nầy không còn cần
thiết, hay đúng hơn là chị đã mất
hẳn chỗ đứng. Một lần khi về, chị
thấy nhiều xe lạ dựng trước, nhìn
vào thì thấy mấy gã sang trọng đang
chè chén với con chị. Chị còn do dự,
thì “Hoa Hậu Xóm Cùi” chạy ra xua
tay, kèm theo cái nháy mắt khó chịu:
“Không mua! Không mua! (vé số) Đi đi!
Đi đi!”
Chị đã hiểu! Con chị
đã không muốn thân thể tật nguyền
của chị làm bẩn mắt những người
bạn sang trọng của nó. Nó không muốn
thân thể tồi tàn của chị làm mờ
nhạt, hay bôi đen gương mặt diễm lệ
của mình; dù gương mặt “hoa hậu”
nầy được nuôi nấng bằng những giọt
sữa chắt chiu bởi một thân thể gầy
còm tàn tật! Thân thể nầy đã
gánh nặng oằn cả cuộc đời gian khổ,
tủi nhục. Đã nhịn ăn, nhịn uống.
Nói mà không sợ xấu hổ, nhiều
lúc nhìn con ăn mà nước giãi chị
trào ra vì quá thèm thuồng bởi từ
lâu chị chưa hề nếm thịt!
Một lần người ta nghe
trong nhà chị:
- Ngày mai tôi có
khách suốt ngày, tối bà hãy về,
nghen!
- Nhưng ngày mai là
đám giỗ bà ngoại con ...
Giọng bực bội:
- Ngoại, ngoại, ngoại! Giỗ,
giỗ cái gì? Bữa khác đi!
Sáng hôm sau, tại một
góc phố vắng, trên bàn bán vé số
của chị người ta thấy một gói nhỏ
thịt lợn quay, một chén cơm trắng và
ba cây nhang cháy dở. Chị lâm râm khấn
gì đó. Một kẻ qua đường vui miệng
nói:
- Cha! Lúc rày làm ăn
khá, “chơi” heo quay há!
Lại có người nhìn
chị bĩu môi:
- Học làm sang!
Chị không để ý lời
họ, mà nghe cay xè trên hai mắt.
Cuối phần đất nhị
tì là một con mương giáp ranh với miệt
vườn. Khi thủy triều xuống, nước cạn
trơ tận đáy; khi thuỷ triều lên,
nước xâm xấp cây cầu dừa bắc
ngang. Tờ mờ sáng, một người hốt hoảng
khi phát hiện xác chị nằm úp mặt
xuống sình, cạnh bên là chiếc xe
lăn. Mương không lớn, nước không
sâu, không chảy xiết nhưng đủ
dìm chết kẻ tật nguyền như chị!
Chị chết đi, những tủi
nhục trần gian được xóa hết. Niềm
hy vọng của chị theo đó cũng tiêu tan:
Đứa con mà chị đặt tên là Hiếu,
với bao kỳ vọng là nó trả hiếu cho
một cuộc đời khốn khổ lúc về
chiều, giờ cũng không còn!
KHA TIỆM LY
- Thái Quốc Tế -
(Huon
Doan sưu tầm và chuyển)