Tháng Tư Buồn
(Mai
Thanh Truyết)
Không biết tự lúc
nào sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mỗi
năm vào dịp nầy lòng tôi dường
như chùng xuống. Mặc dù công việc
hàng ngày vẫn chu toàn 8 giờ để trả
nợ áo cơm, một vài giờ cho cái
business consultant của tôi, và thì giờ cho
các buổi phỏng vấn hay ngồi suy tư
và viết bài hay đi đó đi
đây … tôi vẫn cảm nhận được
một nỗi niềm u uẩn nào đó trong
tôi.
Bỏ qua những ngày tháng nghiệt ngã
còn lại ở Việt Nam trước khi vượt
biên, phải thành thật mà nói lúc
đó tôi không có thì giờ để
buồn như hôm nay, vì miếng cơm manh
áo và mải lo tìm đường ra đi (cứu
nước?) cho một gánh nặng với 4 đứa
con dại.
…
Bỏ qua những năm đầu
tiên sống đời tị nạn, tôi cũng
chưa thực sự quan tâm gì mấy cũng
như không có thì giờ để buồn … như tôi buồn
hôm nay vì cuộc "vật lộn" với cuộc
sống mới.
Chỉ trong vòng 20 năm trở
lại đây, khi gia đình tương đối
ổn định và sau khi bắt đầu bước
vào con đường tranh đấu cho Việt Nam
qua ngả môi trường,
tôi mới thực sự cảm thấy buồn.
Và mỗi năm nỗi buồn đo càng se sắt
hơn, ngậm ngùi hơn.
Buồn
để mà buồn một mình!
Không thể nào nói
tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
được. Mà tôi hiểu và hiểu rất
rõ nỗi buồn thực sự của tôi
vì hai lý do: - Đất Nước còn
điêu linh, - và
Bà con mình vẫn còn chìm đắm trong
nỗi nhục nhằn làm công dân hạng hai
cho một chế độ phản dân tộc chưa
từng thấy trong lịch sử Việt Nam.
Nhìn lại những ngày bắt
đầu từ giữa tháng tư năm 75, có
thể nói cả thành phố Sài Gòn
đang lên cơn sốt. Nào là chạy
đôn chạy đáo thăm dò tình
hình … mặc
dù biết rằng miền Nam đang trong cơn hấp
hối, nhưng cũng mong tìm và hy vọng một
phép lạ. Nào là, đối với những
người có chút tiền, lo chạy đi đổi
tiền, làm … áp phe, hay dò la tin tức tìm
đường ra đi.
Tin tức đồn đãi nhiều
khi trái ngược nhau, tin vui lẫn với tin buồn.
Nhưng nỗi buồn của
tôi thực sự buồn khi rời trụ sở USAID
ở đường Lê Văn Duyệt sau khi làm
thủ tục … ra đi. Cầm tấm thẻ vô tri
có hình của một ông giáo trẻ
đầy nhiệt huyết, mà khi về lại Việt
Nam năm 1973, nguyện sẽ làm một cái
gì cho thanh niên Việt Nam. Tôi không thiết
ăn cơm chiều hôm đó. Nếu tôi nhớ
không lầm, đó là ngày thứ tư
09/4/1975.
Tới thứ hai tuần sau
đó, lên Đại học Cao Đài
Tây Ninh, tôi lại được mấy anh
chàng CIA trẻ đóng trên đài
phát tuyến ở đỉnh Núi Bà cho
tôi biết rằng ngày mai, họ sẽ rút về
Mỹ và khuyên tôi nên rời bỏ
quê hương qua một giọng Bắc rất
rành rọt. Suốt các buổi lên lớp sau
đó, tôi nói như người mất hồn,
một tâm trạng mà chính giờ phút viết
lên dòng chữ nầy, tôi lại thêm một
lần phiêu diêu nữa.
Đi ? Ở ? Hai chữ
nầy ám ảnh mãi nơi tôi trong suốt thời
gian còn lại cho đến ngày 30/4 năm
đó.
Hình ảnh Ba tôi lẩn quẩn
trong đầu. Hình ảnh một ông giáo
già đã về hưu từ lâu, cặm cụi
viết thư cho con mình đi du học mỗi buổi
sáng thứ năm trong tuần, để rồi, sang
sáng thứ bảy đem thư ra Bưu điện gửi
đi cho kịp chuyến máy bay Air France bay về
Pháp, để cho con mình nhận được
thư đúng ngày thứ hai. Việc nầy xảy
ra đúng như in, không hề sai sót suốt
hơn hai năm trời cho đến khi Ba tôi mất.
Ba tôi mất ngày chủ nhựt và thứ hai
sau đó tôi vẫn nhận được thư
ba tôi viết trước khi nhận được
điện tín của anh tôi.
Còn Má tôi. Một
người mẹ già gặp lại và sống với
con chưa đầy hai năm .… Mà cũng
chính trong thời gian nầy, tôi luôn bận bịu
với những đam mê cho cuộc sống, chuẩn
bị cho con đường công danh của mình … thì làm sao
tôi có thì giờ chăm sóc hay hỏi han
đến mẹ già. Và mỗi khi nhìn lại
mình, chính tôi cũng phải tự thú rằng
mình cũng không có thì giờ để
nghĩ đến mẹ mình nữa trong thời gian nầy.
Tôi thật có tội với má tôi.
Trở lại thời gian giữa tháng
4 năm xưa. Tâm trí tôi luôn bị ray rứt
với tâm trang nửa Ở nửa Đi.
Đi không đành cũng
vì mẹ già đơn côi. Đi không
đành cũng vì bầu nhiệt huyết của
tuổi trẻ kíu kéo lại để làm một
cái gì cho quê hương. Và đi cũng
không đành vì một suy nghĩ non dại (mà
chắc cũng có nhiều người suy nghĩ
như tôi), đó là Mình có thể
đối thoại với người cộng sản,
vì trước khi họ là cộng sản, họ
là người Việt Nam với đầy đủ
dân tộc tính; vì vậy mình có thể
hợp tác được.
Khi đã biết sai lầm
thì đã muộn, tôi phải trả cái
giá gần 8 năm trong nhà tù lớn Việt
Nam dưới chế độ nầy.
Chiều thứ hai 28/4, khi một
tên phi công (tôi không muốn nhắc tới
tên nầy lên đây, vì làm sao
tôi quên được tên những kẻ phản
bội quê hương) dội bom dinh Độc Lập,
và từ đó lịnh giới nghiêm 24/24 được
ban hành. Tôi liền chạy lên nhà một
người bạn vong niên trên cư xá
giáo chức ở đường Tự Đức.
Tôi đã chứng kiến
được gì và đã học được
gì?
Xin ghi lại
vài dòng để chiêm nghiệm nỗi
đau thương, nhục nhằn của những đứa
con Việt trước cảnh quốc phá gia vong. Đó
là:
Hình ảnh một Trung tá
TQLC chạy từ Đà Nẵng về nhà người
anh cũng ở cùng cư xá, hình ảnh giọt
nước mắt lưng tròng khi anh cổi chiếc
áo trận và cắt từng nút áo cũng
như hai bông mai bạc trên cầu vai. Anh nói
với người anh qua giọt nước mắt
và trong từng tiếng nấc "Anh xem như em
đã chết rồi ngày hôm nay."
Hình ảnh từng
đoàn trực thăng Mỹ chiếu đèn
sáng rọi vào mặt chúng tôi trên
sân thượng của cư xá trong lúc
tháo chạy và chở người đi ra hạm
đội.
Hình ảnh những người
lính tôi không còn nhớ Dù hay Thủy
Quân Lục Chiến tiếp tục chiến đấu
ở cầu Phan Thanh Giản trên con đường
đi ra Ngã tư Hàng Sanh. Tiếng súng bắt
đầu ngay sau khi tướng Minh tuyên bố đầu
hàng lúc 10 giờ 37 phút sáng 30/4. Tiếng
súng chỉ im lặng lúc xế trưa, có
nghĩa là tất cả anh em binh sĩ đã chiến
đấu cho đến quả lựu đạn cuối
cùng.
Chuyện ĐI và Ở
đã được tôi quyết định ở
khúc quành định mệnh nầy.
Qua ngày thứ năm 1/5, lệnh
trên radio yêu cầu (bắt thì đúng
hơn) mọi công chức phải đến
trình diện tại trụ sở làm việc của
mình. Sáng đó, tại cư xá có
mặt Ông Khoa trưởng, Ông Phó Khoa trưởng
và một số giáo sư, tôi và một
giảng nghiệm viên tình nguyện vào
Trường Sư phạm xem tình hình.
Mọi sự có vẻ êm
xuôi vì họ chưa có người vào
tiếp quản, ngoài một số cơ sở địa
phương thôi. Nhưng một hình ảnh khác
làm bẽ bàng và làm đảo lộn
những suy nghĩ tốt đẹp trong tôi khi
nhìn thấy một số đồng nghiệp của
mình mới chỉ vừa cách đây một
ngày, nay đã mang băng đỏ cách mạng
từ cung cách hướng dẫn chỗ để
xe, cho tới thái độ trong lúc nói chuyện.
Đáng phỉ nhổ nhứt là những người
ngày nào thưa anh, xưng em với tôi,
mà nay trở mặt dương dương tự
đắc tự xưng tôi, tôi, anh, anh một
cách trơ trẽn.
Có những chị giáo
sư thướt tha, dịu hiền trong khi lên lớp
mà nay ngoài băng đỏ, thậm chí
còn để lá cờ vàng ba sọc đỏ
dưới chỗ chân bàn đạp xe hơi nữa.
Và hơn nữa, có giáo sư trong suốt thời
gian chưa đầy hai năm ngắn ngủi của
tôi, đã xem tôi như thần tượng mặc
dù biết tôi đã lập gia đình rồi,
thường xuyên đi ăn uống chung; thậm
chí đã dám cùng tôi nhậu thịt
chó nữa. Người đó bây giờ
là một công thần của chế độ.
Trên đây, tôi xin diễn
lại bức tranh vân cẩu chập chùng những
ý nghĩ lộn xộn trong những ngày quốc
phá gia vong. Xin chia sẻ cùng bà con.
Đây không phải là lời tự thú
hay than thở, hay nói về mình.
Nơi đây tôi chỉ muốn
nói lên vài điều suy nghĩ chủ quan.
Đó là:
. Truyết, mầy đừng bao giờ
mơ tưởng người Việt cộng sản
là người Việt Nam.
. Tình đời như chiếc
lá, đổi trắng thay đen và lòng
người thật khó lường (hơi cải
lương một chút).
Và để thoát khỏi
ý nghĩ tiêu cực trong những ngày đau
thương của Đất và Nước, tôi
tự điều hướng cho chính mình cần
phải hành xử trong tương lai như:
. Đứng trước quá khứ, hãy ngả mũ. Đứng trước tương
lai, hãy XẮN TAY ÁO (H.L.Mencken).
. Người
khôn ngoan đi tìm nguyên do lỗi lầm ở bản
thân. Kẻ khờ dại đi
tìm nguyên do ở người
khác. (Câu nói của Khổng Tử
giản dị như vậy mà còn có kẻ
không học được!).
Xin góp phần vào những
Ngày Buồn Tháng Tư .
Mai
Thanh Truyết
West Covina 15/4/2011
(Việt
Hải Trần sưu tầm và chuyển)