Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N 19 | VA(N 20 | VA(N 21 | VA(N 20 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | TA.P GHI 40 | TA.P GHI 41 | TA.P GHI 42 | TA.P GHI 43 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | LINKS | CÂ?N THÂ.N ! | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | CU'̉'I CHÚT CHO'I 1

VA(N 8

 

 

Bầu Bí một giàn

(Tràm Cà Mau)

 

 

 

Người xưa viết rằng, tha hương mà gặp người quen biết cũ là một trong bốn cái thú lớn nhất trong đời. Tôi nghĩ, cần chi phải là quen biết cũ, tha hương mà gặp một đồng hương, cũng mừng đến lịm người đi chứ. Đó là trường hợp của anh Hy và tôi, khi gặp nhau trong cái thành phố Morris nhỏ bé, có dân số bảy ngàn người nầy, vào năm 1981. Tôi vì cơm áo, mà trôi dạt đến đây, gặp anh Hy Việt Nam trong thành phố nhỏ hiền hòa nầy. Không quen biết trước, mà chúng tôi quý và thân thiết nhau còn hơn cả anh em ruột thịt. Gia đình anh Hy có năm người, bà mẹ già, hai vợ chồng anh và hai đứa con nhỏ. Lần đầu tiên gặp chúng tôi, bà cụ mẹ anh Hy cầm tay vợ tôi mà mắt rưng rưng vì mừng, bà cứ vuốt ve lưng bàn tay vợ tôi mãi. Vợ tôi thân thiết ngồi ép sát vào bà.

 

Bà cười nói sung sướng, như vợ tôi là đứa con gái của bà thất lạc nhiều năm mới tìm lại được. Gặp người đồng hương là sung sướng thế đó. Chị vợ anh Hy thì không dấu được niềm vui, cười nói tíu tít, và nhìn hai vợ chồng tôi với ánh mắt đầy thiện cảm. Anh Hy hiền lành, ít nói, nhưng nụ cười trên môi nở mãi không tàn. Hai đứa con chưa biết gì, chạy nhảy, reo hò. Gia đình anh Hy sung sướng, chúng tôi cũng hân hoan mừng.

 

Một buổi tối, tôi đi làm về, được điện thoại của anh Hy, anh hớn hở báo cho tôi biết rằng, sắp có một gia đình Việt Nam tị nạn đến thành phố nầy. Giọng anh vui mừng ríu rít. Ông bà người Mỹ bảo trợ mới thông báo cho anh biết. Ông bà muốn anh xếp đặt thì giờ, để cùng mấy người trong họ đạo đi đón người mới đến, vào thứ tư tuần tới. Tôi vội vã báo tin mừng cho vợ, và trong lòng nghe lâng lâng vui. Có thêm càng đông đồng hương, càng đỡ buồn, và thỉnh thoảng qua lại chuyện trò cũng bớt cô đơn nơi quê người. Vợ tôi bàn thêm, nếu thuận tiện, thì chúng tôi cùng đi đón gia đình Việt Nam tị nạn nầy cho vui, và tỏ cái tình thân thiết lúc ban đầu.

 

Suốt trong tuần, vợ anh Hy và vợ tôi soạn nồi niêu, chén bát, ly tách, muỗng đũa, chia bớt các thứ cần dùng trong nhà, để dành mà tặng cho gia đình mới đến. Mỗi khi bà Mỹ bảo trợ tiết lộ một tin tức gì về người sắp đến, chị vợ anh Hy vội vã điện thoại báo cho chúng tôi biết ngay.

 

Máy bay sẽ chở gia đình người tị nạn đến phi trường Chicago vào hôm thứ tư, lúc mười một giờ đêm. Hôm đó anh Hy bị cảm mạo, lên cơn sốt, thân nhiệt nóng hơn một trăm độ F. Hai ông bà người Mỹ bảo trợ kêu điện thoại cho tôi lúc bảy giờ tối, khi tôi mới đi làm việc về. Họ yêu cầu tôi thay anh Hy, đi cùng họ, để đón người tị nạn mới tới. Bỏ tắm rửa, tôi ăn vội vã, để khởi hành lúc tám giờ rưỡi, phòng khi đường sá có gì bất trắc. Ông Mỹ bảo trợ tên là Gary có vợ là bà Eva, cả hai ghé nhà tôi để hướng dẫn và chỉ đường trên bản đồ. Tôi cũng run lắm, vì chưa bao giờ đi đến phi trường nầy, và thấy cái bản đồ ghi chằng chịt đường sá đan nhau, như cái nùi chỉ rối. Ông bảo tôi chạy bám sát xe ông, nhưng chưa được mười phút thì đã lạc nhau. Khi cách phi trường ba mươi dặm, thì xa lộ bị tắc nghẽn, vì chiếc xe vận tải hàng hóa bị lật, gây tai nạn dính chùm. Xa lộ bị đóng hoàn toàn. Khi vào đến phi trường, tôi bị lạc đường hai lần, chạy quanh mãi mới vào được nhà đậu xe. Ông bà Gary cũng đi lạc, và đến sau tôi. Tuyết rơi quá dày, nên máy bay cũng đến trễ.

 

Ông Gary cầm cái bảng lớn, đề tên người chủ gia đình là Phan Ly, đưa lên cao trước cổng đi ra của hành khách. Gặp dáng người Á Đông nào, tôi cũng chăm chắm dòm kỹ. Cho đến khi hành khách không còn ai cả, thì ông bà Gary bối rối. Ông chạy đi hỏi hãng máy bay, họ bay xác nhận là có gia đình anh Phàn trên chuyến máy bay vừa rồi. Hai vợ chồng ông Gary và tôi, cầm cái bảng đề tên anh Phàn đi quanh các ghế chờ trên phi trường, thấy gia đình Á Đông nào, cũng chìa cái bảng tên ra trước mặt họ, để dò hỏi. Đi quanh ba vòng, mà không tìm được, ông Gary nhờ loa kêu, hỏi gia đình anh Phàn ở đâu, cho biết để người bảo trợ đón về. Cũng vô hiệu. Đi tìm gia đình anh Phàn cả tiếng đồng hồ mà không kết quả, cả ba người chúng tôi ngồi xuống ghế nghỉ một chốc với lòng vô cùng chán nản. Tôi bảo hai ông bà Gary ngồi chờ, tôi cầm cái bảng tên đi tìm một lần nữa. Tôi đi dò tìm tên từng gia đình trên cái túi ni lông mà họ xách trên tay, của cơ quan ICM phát, khi họ cho mượn tiền máy bay. Tôi đến gần một anh mang cà vạt đỏ, áo vét ba mảnh bên trong, bên ngoài khoác áo bành tô bằng dạ. Tôi nhìn tận cái túi, và thấy loáng thoáng tên Phàn, tôi đánh bạo hỏi:

 

"Anh là Phàn phải không"

"Vâng. Tôi tên là Phàn, anh là ai?"

"Tôi đi theo hai ông bà bảo trợ người Mỹ đến đón gia đình anh. Sao nãy giờ chúng tôi đi qua đây nhiều lần, đưa cái bảng tên anh ra, mà anh lại ngồi im?" - Tôi nói với giọng hơi mất kiên nhẫn.

 

Anh Phàn chỉ vào cái bảng và nói:

"Cái bảng nầy ấy à? Thấy ông Mỹ chìa ra trước mặt tôi ba lần, nhưng đâu phải tên tôi mà nhận. Tên ông Ly nào đó mà. Tôi là Phàn."

 

Tôi cười, nói nhỏ nhẹ:

"Đây là tên anh . Theo lối Mỹ, ghi tên trước, họ sau."

"Ngược ngạo thế thì 'bố giời' mới biết được".

"Thế thì loa kêu tên anh nhiều lần, sao anh cũng chẵng trả lời?"

"Nghe được cái quái gì đâu?"

 

Tôi chợt nghĩ ra, nếu người ta có gọi tên tôi trên loa, chưa chắc tôi đã nghe kịp, huống chi anh Phàn là người mới đến. Tôi quay lại báo tin cho hai ông bà Gary, và giải thích tại sao không tìm ra. Ông bà Gary mừng, và tôi đọc được sự kiên nhẫn, chịu đựng của hai ông bà, khi đêm khuya không ngủ, tuyết đổ, lái xe cả trăm đặm, đi đón một gia đình ngoại quốc, khác màu da, khác chủng tộc, không hề bà con, không hề quen biết. Và trước đó nữa, phải làm bao nhiêu giấy tờ, mất bao nhiêu  bao nhiêu thì giờ, tốn kém đủ thứ. Chỉ vì trái tim biết thương người mà thôi.

 

Gia đình anh Phàn có hai vợ chồng, năm đứa con, đứa đầu mười bốn tuổi, đứa út còn ẵm trên tay. Anh Phàn người da sậm, gầy ốm, cái má thóp, răng cỏ đen đủi vì khói thuốc. Vợ anh thấp, trắng hơn, có bề ngang. Chị mang váy đầm dạ xám, áo vét, ngoài khoác áo bành tô cứng ngắc. Gia đình anh còn có một bà già mù, mang váy nâu, đầu quấn khăn mỏ quạ, răng nhuộm đen, trên mắt có che miếng vải đen, gợi tôi nhớ rõ hình vẽ trong cuốn sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà ngày còn bé tôi hay đọc. Bà cụ y hệt cái hình vẽ bà già mù trong sách. Trang phục của vợ chồng anh Phàn có vẻ sang trọng hơn cả ông bà bảo trợ nhiều, nhưng cũng không dấu được vẻ quê mùa.

 

Hành lý được chất lên cao trên bốn chiếc xe đẩy. Ông Gary , tôi, vợ anh Phàn, và cháu bé gái mười bốn tuổi, mỗi người đẩy một chiếc xe. Anh Phàn đi tay không thong thả, rút thuốc lá châm mồi và hút trong hành lang, nhả khói mù làm bà Eva ho sặc. ( Dạo nầy, chưa có luật gắt gao cấm hút thuốc nơi công cộng). Bà Eva đi dang xa ra khỏi anh Phàn, và ghé lại chiếc xe của cháu bé gái, phụ đẩy. Thấy đi mãi trong hành lang dài, anh Phàn hất đầu hỏi tôi:

 

"Sao không kêu tài xế lái xe vào gần đây, mà phải đi xa quá vậy?"

 

Tôi cười và trả lời:

"Tài xế? Tài xế là ông Gary và tôi đây. Xe đậu trong ga-ra là nơi gần nhất rồi, không có nơi nào gần hơn nữa".

 

Anh Phàn hỏi tôi:

"Anh làm tài xế cho ông bà Mỹ nầy? Lương trả có khá không?"

"Không, tôi làm việc cho công ty tư vấn. Ông bà Mỹ nầy nhờ tôi đi đón, phụ đưa gia đình anh về. Đường xa, anh có mệt lắm không?"

"Cũng mệt, nhưng chẳng can gì cả."

"Có lẽ anh nên đẩy xe giúp cho cháu bé thì hơn"- Tôi nói.

"Kệ nó, để nó làm việc cho quen"

 

Hành lý quá nhiều, hai chiếc xe hơi không đủ chở. May mắn ông Gary gặp người quen, ông gởi bạn mang về nhà, hẹn ngày sau sẽ đến lấy.

 

Vào ngày chủ nhật đầu tiên của anh chị Phàn trên đất Mỹ, chúng tôi tổ chức một bữa tiệc lớn để chào mừng và đãi đồng hương. Anh Hy và tôi, mỗi gia đình đóng bảy mươi lăm đồng làm chi phí. Chị Hy và vợ tôi trổ tài nấu ăn, rộn ràng nấu nướng từ sáng sớm tinh sương. Anh Hy kê thêm thùng giấy làm bàn, mượn thêm ghế của các gia đình bên cạnh. Chai rượu nho hồng đậm đặt trên bàn bên cạnh bình hoa giả. Anh Hy và tôi lái xe đến tận nhà anh Phàn đón tất cả mọi người, cả cháu bé còn bế trên tay.

 

Ba gia đình vui vẻ nhập tiệc. Anh Phàn kêu bà cụ già mù bằng dì. Tôi cảm phục cái tình gia đình của anh Phàn, khi đem bà dì mù lòa di vượt biển. Anh Phàn uống rượu rượu nho như uống nước ngọt, tu một hơi hết nửa li lớn. Anh nói:

"Rượu nầy nhạt lắm. Có đế trắng hoặc rượu Tây mới đã miệng.

 

Anh Hy nghe vậy, vào bên trong lục tủ, lôi ra nữa chai Vodka, rót vào ly anh Phàn. Anh Phàn uống một hớp nói:

"Cái nầy mới thật là rượu."

 

Khi đã ngà ngà, anh Phàn hăng say kể về cuộc chiến anh hùng chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Hạ máy bay Con Ma, bắt giặc lái. Máy bay của ta núp trong mây, chờ máy bay Mỹ đến thì bắn hạ rụng như sung chín. Anh kể công ơn bác, đảng, văn minh tiên tiến. Những chuyện nầy, tôi đã nghe nhiều lần khi còn ở bên nhà. Chị vợ anh Hy giận, nói lớn, hỏi sao anh không ở lại với bác đảng anh hùng của anh, mà lại đi qua Mỹ làm chi. Anh trả lời là sống với bọn đó không được, sống không nổi, đời sống thua con chó, khoai sắn còn không có mà ăn, chứ đừng nói đến cơm.

 

Khi vợ anh Phàn khoe cái hay của ông chồng, chị nói:

"Ông nhà tôi thế chứ khảnh ăn lắm. Chỉ thích ăn quà, chứ không thích ăn cơm."

 

Chị vợ anh Hy nói:

"Sống với bác đảng, đói cho rã họng ra, ở đó mà thích quà không thích cơm. Nói làm sao mà tôi không hiểu chi cả."

 

Mỗi tuần, các bà trong hội nhà thờ đến đưa vợ anh Phàn đi chợ hai lần. Họ nhờ chị Hy đi theo để hướng dẫn và thông dịch. Mỗi lần đi chợ về, thì chị vợ anh Hy cũng kêu điện thoại cho vợ tôi để than vãn:

"Chị biết không, lần nào em xấu hổ muốn độn thổ quách. Chị ấy lựa những tảng thịt bò đắt tiền nhất, lấy hai ba tảng to tướng. Lựa các thức ăn ngon nhất, đắt nhất trong chợ, chất đầy một xe cao nghệu. Em đoan chắc với chị rằng, cái bà bảo trợ chưa bao giờ dám đụng đến các thứ thịt đắt tiền đó. Bà bảo trợ cứ chỉ vào thịt gà, thịt heo, mà chị ấy lờ đi. Em thấy cái mặt bà bảo trợ nhăn như cái bị rách. Khi trả tiền, mặt mấy bà tái ngắt vì số tiền phải trả."

 

Có lần vợ anh Hy khuyên vợ anh Phàn rằng, nên chọn các thức ăn có giá trung bình hoặc rẻ mà mua, vì chính ngay các bà bảo trợ, cũng rất ít khi dám ăn các thứ đắt tiền đó. Vợ anh Phàn lắc đầu mà nói rằng, mình không trả tiền, tội gì không lựa món ngon mà ăn. Từ đó, vợ anh Hy sinh ra có thành kiến với gia đình anh Phàn.

 

Các ông bà bảo trợ trong nhà thờ rất chu đáo. Mua cho các cháu bé áo quần, giày vớ, áo lót chống lạnh, áo khoác đi tuyết, sách vở, viết chì, viết màu, túi xách mang lưng để đi học, ghi tên cho các cháu đến trường. Khi họ đến thông báo cho gia đình anh Phàn, để hẹn ngày đem các cháu đến trường, thì anh Phàn phản đối, nhất quyết không cho cháu gái đầu mười bốn tuổi đi học. Anh lấy lý do là nhà đông con dại, cháu nầy đã lớn, cần ở nhà giữ em, làm việc vặt, giúp mẹ nấu nướng. Ba bà bảo trợ cố gắng giải thích, qua sự thông dịch lõm bõm của vợ anh Hy, rằng luật pháp ở Mỹ bắt buộc trẻ con dưới mười tám tuổi phải đi học. Nếu không được đi học, thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chị vợ anh Hy cũng chỉ hiểu lơ mơ lời các bà, và thông dịch cho anh Phàn. Anh Phàn cứ lắc đầu, nhất quyết không chấp nhận lời khẩn cầu của các bà Mỹ, cho cháu lớn đi học. Các bà cứ thuyết phục mãi làm anh Phàn nổi giận nói gằn với chị vợ anh Hy :

"Con của tôi sinh ra, tôi muốn cho nó đi học hay không là quyền của tôi. Sao các bà ấy cứ muốn xía vào chuyện riêng của chúng tôi mãi thế."

"Pháp luật bắt buộc cho trẻ con đi học. Không phải các bà muốn đâu"

"Pháp luật nào mà lạ thế? Tùy hoàn cảnh gia đình mỗi người, mà cho con  đi học. Nhà nước nào mà can thiệp vào? Đây là xứ tự do mà."

"Đúng, xứ tự do, nhưng không phải cha mẹ muốn làm gì thì làm. Pháp luật bảo vệ con trẻ dưới tuổi trưởng thành."

"Thôi, chị đừng nói nữa, tôi đã nhất quyết rồi. Tôi đã có phương án riêng cho gia đình tôi. Vô ích. Chị đừng tuyên truyền tôi nữa."

 

Vợ anh Hy tức cành hông, muốn khóc vì không phá vỡ được cái vỏ cứng rắn của anh Phàn. Chị cùng ba bà Mỹ chán nản ra về. Tối hôm đó, bà Eva điện thoại cho tôi, nhờ giải thích cho anh Phàn hiểu luật pháp Mỹ .

 

Tôi chưa kịp kêu cho anh Phàn để giải thích, thì điện thoại reo. Anh Phàn ở đầu dây bên kia. Anh than phiền là các bà Mỹ, và vợ anh Hy cứ ép anh, buộc phải cho đứa con gái đầu đi học. Anh nói là họ làm áp lực anh, họ vô lý. Còn bày đặt ra là luật lệ bắt buộc để dọa anh. Nghe giọng nói của anh, tôi cũng phải chùn lại, vì biết rất khó thuyết phục anh trong lúc nầy. Tôi chỉ ừ è cho qua chuyện, và giả vờ theo phe anh, mà nói :

"Anh nói đúng, mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng, giải quyết theo cách riêng. Không ai có quyền ép ai cả. Về luật lệ xứ nầy, thì tôi cũng không được rõ lắm. Hay là anh thử kêu điện thoại qua Oklahoma hỏi những người anh quen biết từ ngoài Bắc, mà họ đã đến xứ nầy từ lâu rồi, để biết thêm cho rõ. Biết chắc luật lệ, mà thi hành. Không ai có quyền ép mình theo ý họ, nhưng mình cũng không nên làm trái luật. Có gì thì anh cho tôi biết với."

 

Không biết anh có kêu điện thoại cho người quen ở Oklahoma hay không, nhưng sau cùng, anh Phàn cũng phải nhượng bộ yêu sách của nhà thờ, để cho cháu gái mười bốn tuổi đi học. Anh nói rằng : "Thôi, thì tôi cũng  tạm thời lui một bước, mình mới đến đây mà căng quá cũng không nên. "

 

Các ông bà bảo trợ để anh chị Phàn nghỉ ngơi cho hoàn hồn trong hai tháng. Trời tuyết đổ bên ngoài, trong nhà đóng cửa kín mít, lò sưởi mở  tối đa, anh chị và bà cụ bó gối ngồi trên ghế bành . Cái máy truyền hình nhấp nhem, nói tiếng Mỹ ồn ào. Anh Phàn bảo rằng, không đi tù, mà cũng giống như bị giam lỏng, bị quản chế. Ra ngoài thì trời lạnh, tuyết ngập, đi gần cũng không biết đi đâu, đi xa thì không có xe cộ.

 

Khi hội nhà thờ muốn kiếm việc cho anh chị làm, thì anh gạt ngang. Anh nói với ông bà bảo trợ, qua thông dịch của vợ tôi:

"Chưa biết nghe, biết nói chi cả chưa thể đi làm được."

 

Bà bảo trợ thuyết phục:

"Công việc cần làm, không cần nói, cũng không cần nghe."

"Khi nào chúng tôi nói và nghe giỏi như các bà, chúng tôi sẽ đi làm việc. Gấp làm chi. Tôi cần đi học tiếng Anh cho giỏi."

 

Vợ tôi bảo rằng, dù anh học thêm năm ba chục năm nữa, cũng không thể nói và nghe bằng họ được. Đi làm việc, chỉ cần cố gắng làm. Còn nghe và nói, thì ai cũng lơ mơ, nghe một phần, đoán một phần. Mình không lớn lên tại Mỹ, thì hiếm hoi lắm mới nghe và nói giỏi tiếng Mỹ. Phải vừa làm, vừa học. Nhưng anh Phàn nhất quyết rằng, chưa nghe, chưa nói giỏi thì chưa chịu đi làm. Nghe vậy, mấy bà trong họ đạo, ngày nào cũng thay phiên nhau đến nhà anh Phàn dạy tiếng Mỹ. Mỗi ngày dạy bốn giờ liên tiếp. Các ông bà Mỹ tin tưởng rằng, trong vòng ít tháng, thì cả nhà sẽ giỏi tiếng Mỹ, không giỏi bằng họ, thì cũng một tám một mười. Trong những buổi học tiếng Mỹ, anh Phàn và vợ thấy buồn ngủ khủng khiếp, cứ ráng chống mắt lên, mà cái đầu cứ gục lia lịa. Anh chị uống trà đậm chống cơn buồn ngủ cũng không hiệu quả. Anh chị thấy những buổi học nầy, như cực hình, như tra tấn, và nản lòng vô cùng.

 

Học được phút trước, thì phút sau quên béng đi. Không nhớ gì cả. Anh chị kết luận, là cái óc của anh chị đã hư rồi, không thể học được gì nữa. Sau một tháng dạy liên tục, các bà Mỹ cũng nản lòng, bỏ lớp dần dần, và không đến dạy nữa. Kết quả vượt bực. Anh Phàn thì chỉ ấp úng nói được hai chữ "yes" và "no", vợ anh giỏi hơn, nói được rất ngọng thêm chữ "thank you". Vợ tôi cho rằng, các bà Mỹ không có phương pháp sư phạm, nên dạy không kết quả.

 

Từ đó, anh Phàn mới chấp nhận là không thể học nói học nghe cho giỏi bằng các ông bà Mỹ được, và anh chị cắn răng để cho nhà thờ thu xếp việc làm cho anh chị.

 

Mỗi buổi sáng tinh sương, anh Hy đến chở anh Phàn đi làm, buổi chiều chở về tận nhà. Có những buổi chiều, khi tan sở, xe anh Hy là một đống tuyết khổng lồ, anh phải vất vả đào tuyết moi xe ra. Trong khi anh Hy quần thảo với đống tuyết, với mảng nước đá đông cứng trên kiếng xe, thì anh Phàn đứng hút thuốc lạnh lùng nhìn. Anh Hy bất bình, nhưng không nói. Một lần, mệt quá, anh Hy không nín được, quay qua hỏi anh Phàn:

"Anh không giúp tôi một tay dọn tuyết cho mau mà ra về?"

"Xe anh chứ có phải xe tôi đâu!"

"Nhưng ... anh có đi trên xe nầy không?"

"Anh lái xe mà, đâu phải việc của tôi"

 

Anh Hy giận lắm, im lặng, và không nói với anh Phàn trong nhiều ngày liên tiếp. Anh Hy nói với tôi rằng, vì đã lỡ nhận lời gởi gấm của bà Mỹ bảo trợ, nếu không, thì anh chẳng chở anh Phàn đi làm nữa. Tôi an ủi anh Hy, khuyên anh đừng giận anh Phàn, vì đồng hương còn có ai đâu, giận nhau nữa thì còn ai. Nhiều khi anh Phàn cự nự anh Hy vì đã đến đón sớm hơn giờ quy định. Những khi nầy, anh Phàn rề rà cho anh Hy phải ngồi chờ thật lâu trong xe dưới tuyết đổ. Có lần anh Phàn ngần ngừ hỏi:

"Tôi hỏi thật, anh đừng dấu nhé. Nhà thờ trả cho anh mỗi tháng bao nhiêu, để anh đưa đón tôi đi làm ?"

Anh Hy nghe mà buồn cười, hỏi lại:

"Anh hỏi làm chi vậy?"

"Hỏi cho biết bao nhiêu, nếu số tiền đó khá, thì tôi xin lãnh tiền, và kiếm chiếc xe đạp đi làm cũng được."

"Không có xu nào cả. Tôi chở anh miễn phí, vì anh là đồng hương, và vì tôi cũng đã từng qua thời kỳ mới đến định cư như anh. Đáng ra anh phải chia tiền xăng, tiền hao mòn xe với tôi mới phải lẽ."

"Tôi không tin."

"Không tin thì anh thử hỏi mấy ông bà bảo trợ xem."

Anh Phàn cười mũi:

"Có hỏi mấy ông bà Mỹ, thì vợ anh hay anh phiên dịch. Anh chị muốn nói chi mà không được. Thà đừng hỏi."

Anh Hy buồn lắm, nhưng không nỡ nói nặng lời, anh chỉ thở dài:

"Năm ba năm nữa, nếu nhớ lại chuyện nầy, anh sẽ biết rõ sự thực."

 

Mỗi ngày, có xe nhà trường đến tận nhà chở ba cháu bé đi học. Cháu lớn học ở trường xa hơn, hai cháu nhỏ học trường tiểu học gần nhà. Anh Phàn nói rằng, nhờ đấu tranh gay gắt với nhà thờ về vụ cho đứa con lớn đi học, mà nhà thờ phải nhượng bộ, bằng cách đem xe đón tận nhà, đưa luôn ba đứa đi học. Chị vợ anh Hy giải thích rằng, trẻ con ở thành phố  nầy, em nào cũng được vậy, không riêng gì các cháu con anh Phàn. Anh Phàn không tin và chỉ cười ruồi đáp lại.

 

Mùa đông miền Trung Bắc nước Mỹ, như mọi ngày đông khác, tuyết đổ ngập đường trắng xóa. Xe cào và thổi tuyết hoạt động liên miên. Muối được rải ra những con đường chính cho xe chạy. Một cháu trai nhỏ con anh Phàn đang ngồi trong lớp học, bỗng đứng dậy ôm sách vở ra về. Cô giáo cản lại. Hai bên trao đổi vài câu. Không ai hiểu ai. Cô giáo chỉ ra sân đầy tuyết trắng chất thành đống cao, như muốn nói cho em hiểu rằng không thể đi được, và dắt em về lại chỗ ngồi. Em rươm rướm nước mắt, và đứng dậy, nhất định ra về. Cản mãi không được, cô giáo kêu bà hiệu trưởng. Bà xuống lớp, khuyên bảo em. Hai bên cũng không hiểu nhau. Bà không thể để em bé bảy tuổi ra về một mình trong gió hú, trong tuyết cao chất đầy như thế. Bà cầm tay giữ em bé lại. Em khóc lớn. Hai bà giáo nhìn nhau thất vọng, không biết phải làm gì. Bỗng bà hiệu trưởng nhớ là em bé có con chị học trên nó hai lớp. Bà cho người đi kêu chị  nó xuống. Con chị xuống gặp đứa em, nói vài câu. Xong, con chị nắm tay thằng em dẫn nó ra về. Hai bà giáo vội cản lại. Kéo hai em vào bên trong lớp. Cả hai đứa đều khóc ròng. Bà hiệu trưởng dẫn hai chị em đứa bé về phòng, và kêu điện thoại cho bà Mỹ trong gia đình bảo trợ, nhờ giúp đở. Bà bảo trợ vào trường ngay. Bà dắt hai chị em về lớp, hai đứa không chịu đi, mà nhất định kéo nhau ra sân, để đi bộ về nhà. Ba bốn cô giáo họp lại bàn cãi. Một hồi sau, bà bảo trợ theo yêu cầu của các cô giáo, chạy xe đến công ty anh Phàn đang làm, xin cho anh được tạm nghỉ, đến trường giải quyết việc học của hai cháu. Anh Hy phiên dịch cho anh Phàn biết, là hai cháu không chịu học, mà đòi đi bộ giữa mưa tuyết, để về nhà. Anh Phàn giận hầm hầm và nói với anh Hy : "Con cái mất dạy. Đề tôi đến cho chúng vài bạt tai, cho bớt biếng nhác."

 

Anh Hy vội vã níu anh Phàn lại, đặn dò: "Không được, đánh trẻ con thì cảnh sát còng tay đó . Đừng dại dột." Anh Phàn hất tay anh Hy ra, và chưa dứt cơn giận: "Vợ chồng anh được cái giỏi là hay hù họa tôi mà thôi. Con cái mà không đánh cho sợ, thì thành hư đốn. Dạy con từ thuở nên ba." Anh Hy biết khó thuyết phục anh Phàn, bèn nói vọng theo: "Bớt  nóng giận. Đừng đánh con, tội nghiệp. Có chi thì từ tốn, dạy bảo." Anh Hy sợ anh Phàn bị cảnh sát còng tay. Khi xe đến trường, anh Phàn hùng hổ, xăm xăm đi theo bà Mỹ đến gặp hai đứa con. Hai đứa bé mặt xám ngắt, trên mắt còn ướt sũng lệ. Anh lớn giọng gằn hai đứa bé. Sau vài câu trao đổi giữa ba cha con, mặt anh Phàn dịu xuống, đến nắm tay hai đứa con, dắt chúng ra về. Tuyết ngập trời, tuyết cao nghệu, các bà giáo cản cha con anh lại không cho đi. Không ai cho anh dắt trẻ con đi trong mưa tuyết lạnh lẽo nầy. Anh kéo con đi, nhưng một ông giáo to lớn như hộ pháp đang giữ tay hai em bé lại. Các bà giáo đang vây quanh thì líu lường xôn xao. Anh Phàn nhìn đám thầy cô người Mỹ với ánh mắt tuyệt vọng, với nét mặt anh nhăn nhúm đầy đau khổ, anh vội cúi xuống, banh quần thằng bé ra, và òa khóc lớn. Cả ba cha con cùng khóc vang thảm thiết. Mùi thối tha bốc lên làm ngát mũi. Mấy ông bà giáo người Mỹ cùng ồ lên một tiếng lớn, và cùng cười. Họ hiểu, em bé đã phóng uế ra cả quần. Em đã không biết nói sao để xin cô giáo đi ra phòng vệ sinh, và cũng không biết phòng vệ sinh ở đâu, ráng sức cầm cự, và khi hết chịu nổi, thì phóng ra quần.

 

Mỗi buổi chiều, sau khi anh Phàn đi làm về chừng một tiếng, thì có bà Mỹ đến chở vợ anh đi làm. Mấy ông bà Mỹ xin cho chị được chân rửa bát tại một khách sạn sang nhất trong tỉnh nhà. Khoảng mười giờ rưỡi đêm, thì mấy bà Mỹ trong họ đạo chia phiên nhau, lái xe trong tuyết lạnh, đến chở vợ anh Phàn về nhà. Mùa đông tỉnh lẻ, họ ngủ sớm, mười giờ đêm là đã say giấc, họ phải để đồng hồ báo thức. Vợ tôi thường biểu lộ sự cảm phục lòng tốt của các bà trong họ đạo. Khuya lạnh, ai mà không muốn thẳng giấc, phải thức dậy đội tuyết ra đi là một cực hình. Có nhiều đêm, vì lý do bất khả kháng, các bà kêu tôi, nhờ đến đón chị Phàn về. Thời đó, dù sáng phải dậy lúc năm giờ, để kịp năm giờ rưỡi khởi hành, đi làm, nhưng tôi vui vẻ nhận lời ngay, để cám ơn cái lòng tốt của các bà Mỹ, đã giúp cho người đồng hương của tôi. Có lần tôi bị cảm mạo, chóng mặt, mà không dám từ chối, sợ các bà cho là tôi không có lòng. Mỗi lần đi đón, thì tôi phải cào tuyết trên xe hơn mười lăm phút, chờ máy nóng mới đi được. Bởi thế, nên thường đến trễ. Chị vợ anh Phàn giận, không vui, ngồi trên xe mà không nói một lời nào . Cả không một lời cám ơn, một lời chào khi được đón và khi về thấu nhà. Có lần chị nói :

"Nếu đón tôi, thì đừng đến trễ. Ngồi chờ rất nản."

"Tôi được các bà Mỹ kêu, nhờ đi đón chị, thì tôi đi ngay. Phải mang áo, phải cào tuyết, phải chờ xe ấm máy, nên hơi trễ, chị đừng buồn. Các bà người Mỹ tử tế quá, đêm nào cũng đi đón chị trong lạnh lẽo, mưa, tuyết."

"Tôi có nhờ các bà đâu. Họ bắt tôi phải đi làm việc đấy chứ. Hừ, tử tế!"

 

Tôi không buồn mà thương cho chị. Có lẽ anh chị Phàn hiểu lầm rất nhiều về lòng tốt của những người chung quanh.

 

Một hôm, anh chị Phàn mời vợ chồng tôi, và vợ chồng anh Hy đến nhà, để nhờ chúng tôi một việc quan trọng. Hỏi anh chuyện gì, anh nói sẽ cho biết sau. Anh Hy cười nói với tôi rằng, sao cái lối nói nầy giống hệt cách thức của công an nhà nước cộng sản hồi trước. Buổi chiều đi làm việc về, có "giấy mời" tối nay ra trụ sở công an, lý do "Cho biết sau". Cứ thế mà run, mà thắc mắc, không biết có chuyện gì, không biết có bị nhốt luôn hay không. Ra đi mà hồi hộp, mà dặn dò vợ con phải làm gì để sinh sống, nếu bị nhốt tù. Chúng tôi rủ nhau cùng qua nhà anh Phàn mà không phải hồi hộp, không phải lo lắng. Anh Chị Phàn cùng bà cụ đã ngồi sẵn trong phòng khách. Họ rót nước trà mời chúng tôi, xem bộ trịnh trọng, không lạt lẽo như thường ngày. Sau một hồi thăm hỏi xã giao, anh Phàn tằng hắng nói:

"Tôi mời các anh chị đến đây, vì không còn ai có thể giúp cho chúng tôi được trong hoàn cảnh câm điếc này. Nhà thờ đã ăn chận của gia đình tôi mỗi tháng hơn hai ngàn đô. Tôi van xin các anh chị, nói với các ông, các bà trong nhà thờ, cho chúng tôi lại số tiền đó, để tôi làm vốn, ra làm ăn buôn bán, kiếm sống, chứ đi làm cu-li cho hãng sửa tàu, cho khách sạn, thì biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi? Chúng tôi van lạy các anh chị, xin giúp chúng tôi, và vì thương các cháu nhỏ ..."

 

Cả bốn người chúng tôi bàng hoàng, không tin vào lỗ tai mình. Chị vợ anh Hy ấp úng hỏi lại:

"Nhà thờ ăn chận tiền của anh chị? Mỗi tháng hơn hai ngàn ? Sao? Anh nói rõ hơn được không?"

 

Anh Phàn gằn giọng, nói lớn, rõ ràng:

"Đừng vờ vĩnh. Gia đình tôi có tám người, nhà nước Mỹ cấp cho, ít nhất cũng trên ba ngàn bạc mỗi tháng. Cứ cho tiền chợ, tiền nhà mà mấy ông bà bảo trợ chi cho chúng tôi, chừng mấy trăm là cùng, thì cũng còn hơn hai ngàn đồng mỗi tháng, chứ có ít đâu. Nếu không ăn chận, thì tiền đó  để đâu, vào túi ai?"

 

Chị vợ anh Hy tái mặt, hỏi:

"Ai nói với anh điều đó? "

"Chúng tôi biết rõ lắm, không cần ai nói cả."

 

Anh Hy ôn tồn giải thích rằng, anh cũng đã đến đây trước. Anh rõ thủ tục. Ban đầu hội nhà thờ thuê giúp nhà, cho tiền chợ, mua cho đủ các thứ cần dùng hàng tháng. Rồi họ kiếm việc cho mình làm. Khi đã có lương tiền, thì mình phải tự túc lấy. Đó là chính sách của nhà thờ."

 

Mặt anh chị Phàn và cả cụ già đều sậm lại. Giọng chị Phàn chua ngoét:

"Chúng tôi đâu có ngu. Tôi biết rõ hai ông bà Hy nầy là những con cò mồi của nhà thờ. Biết rõ đến mười mươi."

 

Anh Hy run lên vì giận, chị Hy thì mặt đỏ bừng, thét lên the thé:

"Làm cò mồi để được cái gì? Ăn nói như những kẻ vô ân bạc nghĩa. Nói như vậy mà không biết tự xấu hổ sao? Giao thiệp với hạng người nầy thêm xấu hổ, thêm nhục nhã cho cái giống nòi mình mà thôi."

 

Chị Hy kéo anh chồng đứng dậy, giận dữ ra về. Anh Hy quay lại nói với anh Phàn:

"Tuần tới, ông tự kiếm lấy phương tiện mà đi làm. Tôi không muốn làm mọi cho ông nữa."

 

Vợ tôi cũng giận và muốn ra về theo vợ chồng anh Hy. Tôi làm dấu, bảo ngồi yên. Anh Phàn phân trần tiếp:

"Chuyện trợ cấp cho người mới định cư là luật của nhà nước Mỹ. Rõ ràng, không ai chối được. Chúng tôi đã biết rõ từ hồi còn ở trại tị nạn Hồng Kông. Nay nhà thờ ăn chận tiền, rõ ràng thế, mà còn chối loanh quanh."

 

Tôi thấy tội nghiệp cho vợ chồng anh Phàn, vì hiểu lầm, nên có nhiều suy nghĩ và hành động đáng tiếc. Tôi cũng không dám nói thẳng là anh đã hiểu lầm luật lệ. Biết là khó mà giải thích cho gia đình anh Phàn hiểu, không chừng càng giải thích, thì càng gây thêm nhiều ngộ nhận khác. Tôi ngồi im một lúc suy nghĩ. Anh Phàn nói tiếp :

"Bây giờ chỉ còn hai anh chị. Tôi nhờ anh chị 'báo cáo' lại cho nhà thờ những đòi hỏi chính đáng của gia đình chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng."

 

Vợ tôi nghe cái giọng điệu giống hệt những anh cán bộ trong các buổi học tập chính trị bên nhà, thì phì cười, hết giận. Vợ tôi nói:

"Xem bộ mấy ông mấy bà trong họ đạo nầy dư công rỗi nghề gớm nhỉ. Mình ở xa ngàn dặm, không bà con, không quen biết, không ân nghĩa, không nợ nần, lại nai lưng ra bảo lãnh mình vào đây, cho nhà ở, cho cơm ăn, cho áo mặc, lo cho đủ thứ. Lại bị ghét bỏ, thật đáng đời. Của nợ giữa đường mà mang cõng lên lưng. Anh chị xem, không biết họ bảo lảnh cho mình, thì được lợi lộc gì nhỉ ? "

 

Hai vợ chồng anh Phàn cùng nói lớn một lúc, với giọng chắc nịch:

"Để lập thành tích chứ để làm gì. Ai mà không biết."

 

Vợ tôi bật cười ha hả và nói tiếp:

"Đúng. Lập thành tích dâng lên đảng !"

 

Tôi ôn tồn bảo vợ tôi đừng đùa nghịch. Tôi hứa sẽ cố gắng giúp hai anh chị Phàn và gia đình. Chữ hứa của tôi, trong thâm tâm, là hứa cố gắng giúp anh chị giải tỏa những hiểu lầm đáng tiếc, nhưng có lẽ anh chị Phàn tưởng là tôi sẽ đến nhà thờ đòi tiền "ăn quỵt" giúp cho anh chị.

 

Chúng tôi về, ghé lại nhà anh chị Hy. Anh chị Hy chưa nguôi giận. Chị vợ anh Hy nói:

"Chúng nó là thứ vô ân bạc nghĩa, không biết đạo lý làm người. Khi nào cũng ngoác miệng ra nói lời dóc lác, đao to búa lớn, nào là đấu tranh, nào là thắng lợi, kiên quyết. Nghe mà ngứa lỗ tai, chịu không nổi."

 

Vợ tôi nói:

"Họ còn cho rằng, nhà thờ muốn lập thành tích nên bảo lãnh họ đến đây."

 

Anh Hy phì cười, nói:

"Mấy ông bà trong họ đạo mà nghe câu nầy, chắc tức mà hộc máu chết hết không còn một mống. Thôi, anh chị cũng nên tránh xa gia đình anh Phàn, để tránh bực mình và rắc rối về sau. Những hạng người nầy, không chơi được."

 

Tôi nói:

"Thôi, anh chị bớt giận. Tất cả cũng do hiểu lầm. Người ngoài, không cùng màu da, không cùng dòng giống, mà họ còn tận tình giúp đỡ. Mình không giúp nhau, thì làm sao cho lòng yên ổn được."

"Nhưng họ nói cái giọng khó nghe của 'bọn dân tộc anh hùng', ngứa tai chịu không nỗi."

 

Tôi dịu giọng:

"Họ cũng là nạn nhân dài hạn của chế độ. Họ còn đáng thương hơn chúng ta nữa, vì chịu đã chịu đựng chế độ lâu dài hơn hai mươi mấy năm. Nếu chúng ta sống trong hoàn cảnh đó, được giáo dục theo lối đó, thì không chừng chúng ta tệ hại hơn anh chị Phàn bây giờ. Anh chị đừng buồn nữa. Thứ hai nầy, anh cứ đến chở anh Phàn đi làm như thường nhé. Chúng ta không thương nhau, thì ai thương chúng ta được?"

 

Anh Hy im lặng. Chúng tôi ra về. Không biết nghĩ sao, vào tối chủ nhật, anh Hy nhờ tôi điện thoại báo cho anh Phàn biết là sáng thứ hai, sẽ đến đón anh Phàn đi làm như thường lệ. Tôi nghe mà mừng. Nhưng anh Hy và anh Phàn vẫn còn buồn nhau. Cùng đi cùng về mà giữ im lặng, không nói một lời. Sau nầy, anh Phàn nói với tôi rằng: "Bố bảo, thằng Hy cũng không dám thôi đưa rước tôi đi làm. Nó còn phải rình mò, dò xét tôi, để báo cáo cho nhà thờ nữa chứ."

 

Mỗi sáng Chủ Nhật, các ông bà Mỹ đến chở toàn gia đình anh Phàn đi nhà thờ xem lễ. Với ý nghĩa làm ơn, làm phước, cứu vớt linh hồn của một gia đình ngoại đạo tội nghiệp, chưa biết đến danh Chúa Trời, đem ơn phước đến cho họ. Nhưng gia đình anh Phàn cắn răng chịu đi nhà thờ, là để làm ơn cho các ông bà Mỹ, làm họ vui lòng, may ra họ nghĩ lại mà trả lui số tiền họ đã ăn chận. Chứ đến nhà thờ, theo anh Phàn nói, chỉ nghe xi-lô xi-la không biết họ nói gì, buồn ngủ lắm, ngồi lâu mỏi lưng, tê chân. Anh Phàn nói với tôi rằng: "Mấy ông bà Mỹ sang trọng, giàu có nầy, nhưng keo kiệt không ai bằng. Mỗi khi lễ xong, có người cầm cái vợt đi thu tiền, tôi thấy họ chỉ cúng vào vợt tờ bạc một đồng thôi. Để cho họ xấu hổ, nhục nhã, khi nào tôi cũng bỏ vào vợt mười đồng." Tôi chỉ cười, không dám có ý kiến.

 

Một hôm anh Phàn lội tuyết qua nhà tôi vào buổi tối, đem tặng một gói trà Tàu bèo nhèo mà anh đã mua từ Hồng Kông. Sau một vài câu chuyện vu vơ, anh lôi trong túi ra một xấp điện tín có mười bốn tờ, đưa cho tôi xem, và hỏi những món hàng ghi trong điện tín có thể mua ở đâu, làm sao tìm ra tiệm bán giá rẻ. Tôi lật từng trang điện tín từ Hãi  Phòng, Hà Nội. Móng Cáy điện qua, do nhiều người khác nhau đánh đi, yêu cầu gởi những món đồ gia dụng như máy nghe nhạc, máy chụp hình, xe đạp đua, vải vóc, bột ngọt, thuốc trụ sinh và những món linh tinh khác nữa. Anh nói :

"Bên nhà tưởng tôi qua đây đi ăn cướp tiền của thiên hạ anh ạ. Tiền đâu mà đòi hỏi đủ thứ như thế nầy? Tôi cũng nhức đầu về mấy cái điện tín và thơ từ liệt kê dài lòng thòng các món hàng họ đòi hỏi. Điên lên  được đấy chứ ."

 

Tôi an ủi anh:

"Bên nhà họ khổ quá, mình giúp đỡ được ít nhiều chi, thì giúp trong khả năng của mình. Anh lo buồn làm chi cho khổ tâm vô ích."

"Người ta tưởng qua đến Mỹ là hốt tiền thiên hạ như hốt lá vàng. Mỹ nó ngu cả hay sao? "

 

Tôi hứa khi nào rảnh, sẽ lái xe đưa anh lên Chicago, tìm các tiệm bán hàng cần thiết để anh dò hỏi giá cả. Anh hỏi vay tôi năm trăm đồng, có tiền lời mười phân, và sẽ hoàn trả lại khi lảnh được tiền trợ cấp. Tôi cười bảo anh:

"Để tôi bàn lại với vợ tôi, thuyết phục vợ cho anh vay. Vì hầu bao trong gia đình do các bà nắm giữ, và giữ chặt lắm. Mỗi ngày tôi phải ngửa tay xin tiền quà, tiền xăng. Và nếu có cho anh vay, thì cũng không dám lấy lời. Ở Mỹ mà cho vay cắt cổ, thì cũng dễ vác chiếu ra tòa lắm."

"Tiền lời là do tôi đề xuất, và bằng lòng, chứ anh có ép tôi đâu? Anh tự quyết định cho tôi vay không được sao? Các anh yếu đuối quá, anh Hy cũng vậy, để cho vợ lấn lướt, qua mặt. "

 

Tôi cười, nói đùa:

"Đàn ông miền Nam chúng tôi không được dũng cảm như các anh. Mà khi ở trên đất Mỹ nữa , thì chúng tôi càng xìu như sợi bún thiu."

 

Làm việc được bốn tháng, anh Phàn bỏ việc mà không thông báo cho công ty, nên anh bị sa thải. Mấy người bảo trợ trong nhà thờ đến nhà anh tìm hiểu sự việc để giúp đỡ. Họ kêu vợ chồng anh chị Hy đi thông dịch, nhưng anh chị Hy từ chối. Họ đến nhờ vợ tôi. Nhóm nhà thờ gồm năm ông bà, đi hai xe. Họ hỏi lý do thôi việc. Anh Phàn lừng khừng đáp:

"Không muốn làm việc nữa, thì nghỉ."

"Thế anh đã kiếm ra việc làm khác chưa ?"

"Chưa"

"Không có việc làm, lấy tiền đâu chi tiêu, thuê nhà, ăn uống?"

"Tôi không biết!"

"Tại sao anh không muốn làm việc đó nữa? Có vấn đề gì không? "

"Không có vấn đề chi cả. "

"Anh có muốn nhà thờ tìm việc khác cho anh không?"

"Chưa muốn. Khoan đã."

 

Mấy ông bà trong nhà thờ lắc đầu, nhìn nhau, rồi nhìn anh Phàn với ánh mắt thương hại. Các ông bà hỏi, bây giờ anh muốn gì không? Anh nhờ vợ tôi nói, là muốn nhà thờ trả lại cho anh số tiền hơn hai mươi ngàn mà họ đang giữ giúp, để anh tính kế làm ăn. Vợ tôi tái mặt, không biết phải nói làm sao, để hội nhà thờ không bất bình. Ngập ngừng, vợ tôi nói trại ra rằng, anh Phàn tha thiết muốn biết những chi phí của nhà thờ đã chi tiêu cho anh, và ai đã đóng góp bao nhiêu, quỹ nhà thờ bao nhiêu, và nhà nước cho bao nhiêu, để anh tri ân họ. Các ông bà khoác tay, bảo là không cần thiết, đừng nghĩ đến, đừng thắc mắc. Vợ tôi năn nỉ, nói rằng, nếu không được biết những điều đó, thì anh Phàn cứ thắc mắc mãi, không yên tâm để làm ăn. Các ông bà cười sung sướng, thoải mái.

 

 

Cuộc đấu tranh kiên cường của anh Phàn gần thành công mà anh không biết. Khi nhà thờ thấy anh chị đều thôi việc, không chịu đi làm nữa, họ cũng quýnh lên, lo lắng lắm. Họ đạo cũng nghèo, tín hữu cũng không giàu có chi, không thể đài thọ dài ngày cho cái gia đình đông đảo nầy được. Các ông bà bảo trợ chịu thua, định ngày đem gia đình anh Phàn lên sở xã hội xin trợ cấp của quận hạt. Nhưng anh Phàn loan báo rằng, anh sẽ dời nhà về Oklahoma City. Cả họ đạo thở phào. Anh Phàn có nhiều bạn bè quen biết trong trại tị nạn cũ, họ đã định cư ở Oklahoma, và biết rành mạch cách xin trợ cấp xã hội.

 

Anh Phàn nhờ tôi mua vé máy bay cho cả gia đình về Oklahoma City, đồng thời dàn xếp xe cộ để chở anh chị ra phi trường. Ông Gary và bà Eve hứa thuê một chiếc xe có thùng sau lớn, để chở hành lý cồng kềnh của gia đình anh. Tôi và anh Hy, hai xe sẽ chở người trong gia đình. Anh Phàn nói nhỏ với tôi rằng, trước khi đi anh sẽ đốt căn nhà để trừ vào số tiền nhà thờ đã ăn quịt của anh. Ăn của ai thì được, ăn của anh thì nuốt không trôi đâu. Tôi can gián, và dọa anh rằng FBI của Mỹ giỏi lắm, thế nào họ cũng điều tra ra. Và tội chi đi tù cho khổ thân, con cái không ai nuôi. Mình đến đây, đời sống còn dài, còn sức thì còn làm ra tiền. Vả lại, có đốt căn nhà, mình cũng không được đồng xu nào, chưa chắc đã hả được cái tức tối, mà mua thêm lo lắng vào thân. Lỡ cháy lan qua nhà lân cận, thì thêm tội nghiệp những người láng giềng tốt của anh. Anh nói rằng, nếu không đốt được nhà, thì trước giờ đi, anh sẽ phá cho tan tành, đập vỡ bồn cầu, nhà tắm, bẻ ống nước, phá tủ lạnh, đập bếp. Tôi cười bảo rằng, anh cứ lo đi trước, sau khi anh đến Oklahoma rồi, tôi sẽ thay anh làm các việc đó. Đừng làm sớm, mà họ giữ anh lại, không đi được, mất toi tiền máy bay.

 

Ngày anh Phàn ra phi trường, tôi và anh Hy xin nghỉ việc, thay phiên nhau đến nhà anh, lấy cớ là phụ soạn hành lý, nhưng thật tâm là để ngăn cản anh phá hoại căn nhà. Khi cả nhà lên xe hết, anh Hy chạy vào một vòng bên trong nhà, xem có gì hư hại không. Anh Hy ra xe và đưa hai ngón tay lên làm một vòng tròn, cho tôi biết là mọi sự tốt đẹp. Tôi thở phào.

 

Trong khi chờ máy bay, anh Phàn nhờ tôi nói với ông Gary và bà Eva rằng, qua Oklahoma, anh sẽ gởi tiền, mua vé máy bay, mời cả họ đạo của ông bà qua chơi, anh sẽ bao tiền ăn ở, bao tất. Tôi dịch khác đi, nói là anh biết ơn hai ông bà lắm, và không bao giờ quên cái ơn bảo bọc lúc ban đầu nầy. Hai ông bà nghe xong cảm động, ôm chầm lấy anh chị mà nói cám ơn rối rít. Anh Phàn thì tưởng hai ông bà mừng vì được anh hứa cho vé máy bay, cả họ đạo sẽ được đi chơi.

 

Khi đưa gia đình anh ra máy bay, chúng tôi ôm nhau thân thiết, và mắt anh Phàn cũng rươm rướm, nói nhỏ với tôi, giọng run run rằng, thôi đừng phá căn nhà nữa. Tôi gật đầu.

 

Đưa gia đình anh Phàn đi rồi, anh Hy nói với tôi rằng: "Thế mà tôi cũng thấy buồn, trống trải, như mất mát một cái gì đó. Bây giờ chỉ cỏn hai gia đình mình trong thành phố nầy thôi.". Trong lòng tôi cũng thấy buồn.

 

 

****

 

Mười sáu năm sau, kể từ khi đưa gia đình anh Phàn về Oklahoma, tôi tình cờ gặp lại anh trong một tiệc cưới tại Houston, Texas. Anh nhận ra tôi, mà tôi không nhận ra anh. Vì bây giờ anh mập mạp, trắng hồng, ăn mặc chững chạc, không còn dáng quê mùa như xưa. Chị vợ anh thì sang trọng trong bộ áo kim tuyến lóng lánh, như cô ca sĩ. Anh ôm chầm lấy tôi, hỏi có còn nhớ ra anh là ai không. Anh nói: "Phàn đây, Phàn ở Morris, Illinois đây mà." Tôi cũng mừng vui gặp lại người quen biết xưa. Anh xin chuyển bàn, để vợ chồng anh ngồi cạnh chúng tôi mà hàn huyên. Anh cho biết ở Oklahoma được hai năm, thì dọn về Houston, bây giờ cả hai vợ chồng đều làm việc cho một hãng sản xuất đồ nhựa. Suốt hơn mười mấy năm anh làm hai việc toàn thời gian, mỗi đêm chỉ ngủ năm sáu giờ thôi. Ngày nghỉ thì đi sửa chữa nhà cửa, ống nước. Hai cháu gái lớn đã có gia đình. Cháu trai kế thì vừa tốt nghiệp đại học. Bây giờ anh chị Phàn có ba căn nhà, một căn để ở, hai căn cho thuê.

 

Tôi mừng cho anh. Anh nói với giọng thành thật:

"Hồi mới qua, chắc anh chị buồn chúng tôi lắm. Nhiều năm sau tôi còn ân hận, và xấu hổ vì chuyện xưa. Bị thông tin sai lạc, tôi hiểu lầm, làm nhiều chuyện lố lăng, kỳ cục, bậy bạ. Lại ăn nói ngang ngược. Tôi nhớ ơn anh chị, và cả vợ chồng anh Hy, chịu đựng được chúng tôi, mà không đấm cho vỡ mồm, hộc máu mũi. Càng lâu, tôi càng thấm thía cái câu "Bầu bí một giàn" của anh Hy nói ngày xưa."

 

Chị vợ anh Phàn cười vui vẻ, nói tiếp:

"Ông nhà tôi thay đổi nhiều lắm rồi. Nhưng không bỏ được cái phét lác đã ăn sâu vào máu. Cứ một tấc thấu trời."

 

Chúng tôi cùng cười với nhau. Tôi nói đùa:

"Nếu phét lác mà không hại đến ai, thì cứ để anh phét lác cho sướng cái miệng. "

 

Anh Phàn ôm lấy vai tôi và lắc lắc, cười vui vẻ.

 

 

 

Tác giả: Tràm Cà Mau

 

 

(VuCongHien sưu tầm, Toan Lat chuyển)

 

 

website counter