Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N 19 | VA(N 20 | VA(N 21 | VA(N 20 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | TA.P GHI 40 | TA.P GHI 41 | TA.P GHI 42 | TA.P GHI 43 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | LINKS | CÂ?N THÂ.N ! | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | CU'̉'I CHÚT CHO'I 1

TA.P GHI 42

Đêm nghe đọc truyện

 

Đêm nghe đọc truyện

(Hà Thúc Sinh)

 

 

Thế hệ những người Việt Nam ngày nay ở tuổi 60, 60+ thủa thiếu thời không có nhiều trò chơi giải trí, đặc biệt với những người sinh ra ở vùng sớm “được giải phóng” như liên khu tư chẳng hạn. Tất cả những trò chơi gần như đám trẻ đều tự chế lấy với nhau mà chơi. Năm sáu tuổi mà được mẹ mua cho vài con giống nặn bằng bột chua lòm được sơn phẩm xanh đỏ đã là thích lắm. Con cù, con khăng, cánh diều … gần như là những thú chơi quen thuộc của tuổi lên bảy lên tám. Lâu lâu có “ông xi-nê hộp” ghé vào một góc phố, trả hào bạc và được ép hai con mắt vào cái lỗ nhòm để coi những mẩu phim không đầu không đuôi do bác “chủ rạp” quay bằng tay thì thật là sướng cả ngày. Thời ấy cũng là thờ i… quốc cấm. Cái gì cũng quốc cấm. Sáng chủ nhật đi lễ, đám cán bộ VM đứng canh ngay đầu ngõ nhà thờ, thoảng tóc cô nào thơm thơm, họ nghi có tí nước hoa, họ lôi đến hạch sách. Và, “ngoan cố hả, chống đối hả?” Thế là có màn bắt gội đầu bằng nước vo gạo cho biết cái thân! Phấn son kiểu tạch tạch sè (tiểu tư sản) đều là thứ quốc cấm mà lại. Nói gì sách báo. Có sách báo trong nhà mang họa như chơi. Cán bộ VM thì i tờ, thành ra cái gì họ cũng nghi. Vô phúc họ thấy trong nhà mình có nhiều sách báo, họ nghi và họ khám, rồi họ diễn dịch theo sự … thông thái cách mạng của họ thì đi Ðầm Ðùn, đi Lý Bá Sơ chẳng khó chút nào. Vì lý do đó, các bậc cha anh ớn việc lưu giữ sách báo trong nhà như ớn lưỡi kiếm Damocles. Thế nên dẹp được là dẹp. Vì vậy, trẻ em thời đó lên tám, lên chín nhiều đứa chưa từng được cầm một quyển sách truyện trên tay, dù là truyện Tấm Cám, truyện Phạm Công Cúc Hoa … Cái thú của tuổi trẻ sớm “mê văn chương” chỉ được thoả mãn bằng cách được mẹ hay chị đêm đêm khẽ kể cho nghe. Mà đứa nào không có chị lại mồ côi mẹ sớm là kể như bù. Gia đình nào may mắn sớm thoát ra được khỏi vùng giải phóng, rồi lên Hà Nội chẳng hạn, tuổi trẻ mới bắt đầu biết tí trò chơi chế bằng nhựa, bằng kim loại, biết xi nê, và biết cái thú đọc sách hay nghe đọc truyện qua radio. Vâng, có lẽ nghe radio thời thập niên 50 là cái thú lạ thường của tuổi thơ, đặc biệt tuổi thơ chạy từ những vùng đồng chua nước mặn, hay ở những tỉnh nhỏ và ra tới được thủ đô. Radio như tiếng con người với đủ hỉ nộ ái ố hết sức lôi cuốn từ một cõi huyền bí nào đó thả ra cuộc đời. Nó là tiếng hát tiếng hò, tiếng cười tiếng khóc, chuyện vui chuyện buồn … nói tóm, nó thả ra cho người nghe những âm thanh tinh chất của cuộc đời. Nói là tinh chất vì nó chọn lọc. Làm gì có những tiếng vỗ đồm độp, rồi tiếng chửi rủa tục tằn của mấy bà mấy cô từ bé mình từng nghe thấy ở trong khu; ngay những tiếng nói bày tỏ sự giận dữ của cánh đàn ông nghe ra cũng văn vẻ gạn lọc lắm khi phát qua làn sóng điện. Còn âm nhạc thì khỏi nói rồi. Những điệu nhạc hay lời nhạc đầu tiên người ta nghe, thuộc, và xem chừng gây ấn tượng suốt đời cho thế hệ 60, 60+ ngày nay phần lớn đều “bắt” được từ làn sóng radio; nhất là khi đã vào trong Nam, một miền Nam tự do và từ từ ổn định. Phần lớn, nói không sợ quá lời, các bạn đồng thế hệ đều một thời mê mệt theo dõi những chương trình văn học nghệ thuật được phát qua các làn sóng phát thanh ở Sài Gòn. Và những giờ đọc truyện là một.

 

Có điều người Anh người Mỹ hay dùng chữ story-teller để chỉ nhà văn. “He [or she] is a great story-teller” có nghĩa rằng “Ông (hay bà) ấy là một người kể chuyện (thường là truyện ngắn) tài tình.” Nhưng mỗi khi đọc lời ca ngợi một nhà văn bằng câu này, người viết không sao tránh khỏi ý nghĩ rằng nếu câu đó được dùng để chỉ ngưi đc truyn qua các làn sóng phát thanh - một bộ môn người viết mê từ thiếu thời - thì chỉnh hơn và công bằng hơn. Họ mới chính là người kể chuyện, là một story-teller. Họ tốn nhiều thì giờ để sửa soạn và dùng nhiều kỹ thuật diễn tả qua giọng đọc nhằm truyền đi một câu chuyện họ cho là đáng hoặc nên gửi đến tai người nghe và gửi như thế nào để sau đó người kể lẫn người nghe đâm ra đồng điệu, đồng cảm với nhau về chính nội dung câu chuyện đó. Nhà văn viết văn có lẽ … thoải mái hơn nhiều. Ðộng lực phần lớn do sự bốc hứng. Và thành quả có được phần lớn lại cũng … nhờ trời. Người đọc truyện hay kể chuyện thì khác. Hứng khởi dù có nhưng là việc nhỏ; họ còn có nhiều cân nhắc của ý thức và chọn lựa của cảm thông khi quyết định thực hiện đọc một hay nhiều câu chuyện của một tác giả mà họ muốn chia sẻ với thính giả của họ. (Ở đây chỉ nói người thực hiện có trình độ thưởng thức và lòng yêu nghệ thuật ở một mức độ cao, không nói tới sự tính toán làm ăn của quý vị chỉ thuần túy vì thương mại). Nếu đưa ví dụ, nhà văn có thể ví như người bố, còn người diễn đọc câu chuyện ấy ví như người mẹ. Ông bố cao hứng “đúc” xong đứa con là … xong; trong khi ấy việc của bà mẹ (hoặc dưỡng mẫu) nhiêu khê hơn nhiều, lý do bà đã có chủ đích muốn giúp đứa con (của ổng) nom sao cho nó ngon lành hơn, không bổ chiều ngang cũng bổ chiều dọc cho tâm hồn đại chúng.

 

Vì thế, vào Nam thời thiếu niên, đem theo cái thiếu thốn ở quê Thanh vốn đã được “giải phóng,” và cái không khí chộn rộn, hưởng mùi văn minh tí đỉnh với … radio nhưng thực thì chả đâu vào đâu của một Hà Nội sửa soạn tiếp thu, người viết đã mê tơi với những quyển truyện mà vài quyển còn nhớ là Phạm Công Cúc Hoa, Tề Thiên Ðại Thánh, Tâm Hồn Cao Thượng và mấy quyển truyện tranh Tintin et Milou … được ông anh lớn mua cho nơi một kiosque nằm ở góc đường Mayer và Charles de Gaul, sau này là đường Hiền Vương và Công Lý; hơn thế, được hưởng cái thú nghe radio thả cửa với đủ thứ mục mà mục đọc truyện là ưng hơn cả. Ðến nay qua bao nhiêu tháng năm, lẽ tất nhiên làm sao còn nhớ nổi đã có bao nhiêu chương trình đọc truyện trên các hệ thống phát thanh Sài Gòn, và những giọng đọc nào từng được mến mộ thời đó. Có nhớ là nhớ mỗi khi nghe được một câu chuyện hay, được diễn đọc bằng một giọng đọc như rót mật vào tai, nhất là lúc ấy bên ngoài trời Sài Gòn lại có chút mưa đêm tí tách, nằm chùm chăn, ăn lạc rang nóng nữa, thì nghe rồi ba ngày sau vẫn chưa hiểu ra tại sao mình lại có cái sướng lạ thường dường ấy. Năm ấy có lẽ là năm 1963 hay 1964 gì đó, người viết vẫn còn nhớ như in cái đêm được nghe một giọng nam trầm ấm, khoan thai, rõ từng chữ, đọc một cái truyện của nhà văn Hồ Hữu Tường. Truyện ấy không hay vì văn chương nhưng hay vì ý nghĩa. Nó làm cho một thanh niên chưa từng đọc một quyển sách nhà Phật thế mà thấm thía ngay cái nghĩa của chữ nghiệp, chữ nhân quả, và hiểu thế nào là bỏ dao thành Phật và cũng có thể suy diễn thêm thế nào là vừa rơi y bát đã có thể trở thành quỉ sứ yêu tinh. Ðó là truyện ngắn “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp.” Nhớ mãi cái giọng đọc của người diễn đọc đêm ấy khi anh đổi giọng sắc, khô, phát một chữ “đét” để tả cảnh nhà sư nổi giận quất cái chầy (?) làm con thằn lằn chết ngay trong đĩa dầu. Chỉ một chữ với một âm sắc thay đổi thế nào đó đã khiến được người nghe lúc ấy tự nhiên thấy đau thắt, và thốt ngay một tiếng than thầm đầy hối tiếc giùm cho nhà sư: “Ôi thôi, tiêu một kiếp tu!” Cụ Tường mà còn tại thế, đọc đoạn này, cụ khó mà không tìm cách cám ơn người đọc truyện cụ đã làm cho một kẻ như người viết đã một lần xém tí nữa là chạm được vào cái bờ giác ngộ.

 

Những ngày còn sống trong thế giới báo chí ở Nam California mà vì nhu cầu, radio trong các tòa soạn thường có người mở liên tục suốt ngày hết đài này sang đài khác. Nhiều phen có nghe anh chị em đem truyện của mình đọc trên đài này đài nọ nhưng quả tình chưa bao giờ người viết chú ý lắng nghe cho hết một đoạn. Lòng dửng dưng thế nào ấy. Không thể tìm lại được cái thú lắng nghe trịnh trọng, say mê như thủa Sài Gòn. Tại sao?

 

Cuối tuần qua coi như đánh dấu một năm đến Úc rồi lại xa Úc, bất ngờ người viết nhận được một điện thư ngắn gọn của người có giọng đọc truyện nhà nghề của đài phát thanh VNRA (sau làm xướng ngôn và biên tập viên cho chương trình Việt ngữ của đài SBS liên bang Úc): Chị Tuyết Lê. Tuyết Lê thì người viết đã có dịp gặp ở nhà anh chị Hồ Ông, học và chơi với em người viết, nhưng thôi ở đây cứ gọi cô bằng chị cho cô thích. Nội dung điện thư viết rằng “… Như đã dự trù thực hiện những audio truyện của anh, TL và nhóm thân hữu HTS hôm nay gửi anh hai đoạn diễn đọc hai truyện ‘Ðêm Hè’ và ‘Thằng Bé Câm’. . . . Truyện ‘Hương Xưa’ sau lễ Phục Sinh mới hoàn tất được. Anh nghe thử và xin cho biết ý kiến.”

 

Chỉ 3 phút 5 giây một đoạn Ðêm Hè, quý vị ấy đã hành tội người viết quá lắm. Quý vị khi không kéo trả chúng tôi về với cái đêm hè miền tây năm 65 không sai một mảy may, từ quang cảnh đến tâm tình, từ tiếng động của đêm thâu đến tiếng cười của ân ái, từ những khoảng khắc thời gian xưa và sau dây dính vào nhau trong nhịp điệu hồi tưởng của một đời người … Giọng Bắc nữ chính nhập vai điềm đạm, dẫn câu chuyện đi bằng những nhịp độ đổi thay, lôi cuốn. Nhưng phải nói cái giọng nữ phụ, giọng cô gái miền Nam (sau mới biết đó cũng là giọng Tuyết Lê) mới là nổi da gà. Sao mà nó lẳng và sống đến như thế. Xin kéo cờ trắng thôi. Và với 3 phút 25 giây của một đoạn Thằng Bé Câm thì quý vị ấy lại bắt chúng tôi một lần nữa nghiêng ngả như kẻ say sóng rồi say đất, say cả nỗi muộn phiền của thời vượt biển mà đến nay, sau một phần tư thế kỷ, mấy hôm nay tự nhiên hay thức giấc nửa đêm và cứ thoáng đâu đó như có dồn tiếng sóng, và thấy môi mình như có vị mặn mà trong cơn váng vất không làm sao phân định được nó là mặn muối biển hay mặn nước mắt. Tiếng khóc của anh chủ đài VNRA sao âm hao giống quá cái tiếng khóc của những người sống sót giạt vào Bidong năm nào. Lại xin kéo cờ trắng nữa thôi!

 

Và nhạc chọn nữa chứ. Khéo quá. “The Summer Knows” của phim “Mùa Hè 42” đi với “Ðêm Hè,” và Exodus của phim “Di Dân” đi với “Thằng Bé Câm” thì thiết tưởng không khác nào nhạc đã được viết ra từ nhiều chục năm trước chỉ để chờ đi với truyện được diễn đọc ở nhiều chục năm sau.

 

Ðêm nghe đi nghe lại mấy mẩu truyện đọc mà cứ như được sống lại với cái thời thiếu niên, thời nằm nghe những câu chuyện kể phát ra từ chiếc radio Phillip bên trong còn đỏ những ngọn đèn giữa khi trời đêm Sài Gòn buông xuống những hạt mưa thơm. Ra là thế. Tự nhiên người viết hiểu vì đâu lòng mình dửng dưng những ngày nghe đọc truyện dưới miền Nam California. Mà nói cho cùng chia sẻ thế nào được những câu truyện đọc phát ra từ giữa một tòa soạn kẹt khách hay giữa những siêu lộ kẹt xe!

 

Tự nhiên người viết nhớ lại một câu nói tinh tế của người tây phương: miếng ngon chưa ngon nếu không có chỗ ăn ngon; có chỗ ăn ngon chưa ngon nếu không có người cùng ăn ngon. Họ nói đúng quá. Và liệu ta có sai nếu nói thế này: truyện hay chưa hay nếu không có chỗ nghe hay; có chỗ nghe hay chưa hay nếu không có người kể hay?

 

 

Hà Thúc Sinh

20-4-06

 

(Đỗ Thị Minh Giang sưu tầm và chuyển)


website counter