GẢ CON CHO GIẶC.
(Nguyễn Thị Thanh
Dương)
Cô Lạc
báo tin cho cha mẹ
là sẽ về thăm Việt Nam cả tháng nay
thì cả tháng nay anh chị Siêu mừng vui
đến mất ăn mất ngủ. Phen này
thì cả làng An Bình sẽ lên cơn sốt
như cách đây 3 năm họ đã
lên cơn khi biết cô Lạc nhà quê
nhà mùa, trình độ văn hóa lớp
6 kết hôn với một ông kỹ sư người
Mỹ.
Nhà anh
Siêu nghèo, mấy sào ruộng nhà nước
chia theo tiêu chuẩn đầu người không
đủ cho hai vợ chồng cầy cấy nuôi 3
đứa con, anh đi bộ đội về cảnh
nhà eo hẹp nên lấy vợ trễ, con còn
nhỏ. Cô Lạc lớn nhất nhà đã
được bố mẹ gởi gấm theo vài
người anh em họ vào thành phố Sài
Gòn làm ăn. Trong làng, nhà nào cũng
có người vào Nam kiếm sống nên
đồng hương cũng giúp đỡ nhau
nói chi là họ hàng.
Lạc xin vào
làm cho một hãng nhựa tư nhân ở Chợ
Lớn, ngày làm 12 tiếng, một tuần
làm 6 ngày quần quật cực nhọc không
thua gì làm ruộng nương nơi quê
nhà. Ăn dè để dành mỗi năm Lạc
cũng tom góp được chút tiền gởi
về quê phụ giúp cha mẹ nuôi hai em,
còn Lạc không dám mơ đến chuyện
về thăm quê, bởi tiền tàu xe từ Nam
ra Bắc sẽ ngốn hết những đồng tiền
để dành ít ỏi ấy.
Đột
nhiên người anh họ tên Chu của anh
Siêu từ Mỹ về thăm quê hương,
người anh họ mà anh Siêu chưa bao giờ
biết mặt, vì cách ngăn bởi vĩ tuyến
17 giữa hai miền Nam Bắc. Năm 1975 từ Sài
Gòn anh Chu cùng gia đình di tản qua Mỹ,
sau bao nhiêu năm yên ổn cuộc sống nơi
xứ người anh Chu mới thể theo lời trăn
trối của người cha già trước khi nhắm
mắt là hãy về thăm lại quê
quán, tìm gặp người thân nơi miền
Bắc.
Thấy cảnh
nhà anh Siêu nhà xiêu mái dột, con
cái nheo nhóc tương lai là cày thuê
cuốc mướn đói nghèo, anh Chu
thương cảm cho thêm quà, thêm tiền. Chợt
nhìn thấy tấm hình cô con gái lớn
anh Siêu đóng khung để trên bàn, tấm
hình mà Lạc đã chụp ở Sài
Gòn làm kỷ niệm gởi về để cả
nhà ngắm cho đỡ nhớ, trông cô hiền
lành xinh xẻo nên anh Chu chợt nảy ra một
ý định là kiếm chồng ở Mỹ cho
cô, đó là cách giúp đỡ
dài lâu và thiết thực nhất.
Anh Chu mang tấm
hình cô Lạc về Mỹ. Làm cùng
hãng với anh là một ông kỹ sư Mỹ
tuổi trung niên độc thân và cô độc.
Hai người ngồi cạnh nhau nên thân nhau, anh
Chu đã đưa hình Lạc ra và ngỏ
ý muốn giới thiệu cho ông.
Chuyện cầu
may mà thành sự thật, Richard mừng lắm, vì
cuộc đời ông đã mấy lần li dị,
lần này lấy một cô gái quê chất
phác, dòng máu Á Đông dịu
dàng chắc sẽ chung thủy với ông suốt
đời. Hơn nữa, lại là một cô
gái trẻ tuổi trinh nguyên và xinh đẹp,
thì làm sao mà ông Richard không vui vẻ
chấp nhận.
Thế là sau
một thời gian trao đổi thêm thư từ
hình ảnh giữa ông Richard và Lạc,
có anh Chu làm thông dịch cho đôi
bên, thì cả hai cùng đồng ý đi
đến hôn nhân dù ông Richard lớn
hơn Lạc hơn 20 tuổi, nhưng bù lại
ông sẽ mang Lạc đi Mỹ, sự trao đổi
cũng tương xứng, công bằng cho cả hai.
Anh chị Siêu
mừng lắm, đứa con gái nhà anh lấy chồng
được đi Mỹ có nằm mơ cũng chả
dám, dù là người chồng lớn tuổi,
nhưng còn hơn ở lại Việt Nam lấy
được thằng chồng trẻ ngang vai phải lứa,
cùng nông dân cày cuốc thì cái
nghèo đói lại di truyền từ đời
vợ chồng Lạc tới con cháu nó không
biết đến bao giờ mới ngóc đầu
lên nổi.
Để mong
thoát cảnh đói nghèo bao nhiêu con
gái quê Việt Nam phải lấy chồng ngoại
Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc, mà phần
nhiều là chồng già hay có vấn đề
về sức khỏe, sung sướng thì ít,
đau thương thì nhiều, chứ dễ gì
lấy được chồng Mỹ và đi Mỹ,
cái đất nước nổi tiếng to đẹp,
hùng mạnh nhất thế giới. Ông Richard
và anh Chu cùng về làng An Bình.
Đám cưới Richard và Lạc sẽ diễn
ra ở đây.
Đột
nhiên họ hàng, làng xóm thấy anh chị
Siêu phát lễ hỏi như dân phố Hà
Nội là trầu cau, trà sen, bánh xu xê,
bánh cốm trong hộp có giấy bóng
kính màu đỏ và thiệp cưới in
đẹp đẽ đến từng nhà, ai cũng
kinh ngạc vì quà đám hỏi to quá.
Tin Lạc sắp
lấy chồng Mỹ như một quả bom vừa
pháo kích vào ngôi làng bé nhỏ
êm ả này. Đám cưới diễn ra ai
được mời cũng không từ chối,
vì ai cũng tận mắt muốn xem mặt thằng
chú rể người Mỹ của làng An
Bình.
Sau đám
cưới ông Richard về lại Mỹ làm giấy
tờ bảo lãnh Lạc. Cả làng xôn xao
bàn tán, khi thì ở trên bờ đê
lúc tạm ngừng làm ruộng, khi thì trong
hàng chè xanh nơi đầu làng:
- Con Lạc sắp đi Mỹ
rồi. Sao số nó sung sướng thế nhỉ?
- Ôi giời, lấy thằng
giặc Mỹ mà hãnh diện à? Bố con Lạc
từng là anh hùng diệt Mỹ thời chiến
tranh chống Mỹ Ngụy đấy nhé.
- Nghe nói chồng nó
là kỹ sư cơ đấy?
- Phô trương thế
thôi, ai biết đâu mà kiểm chứng?
Có khi là thằng Mỹ đầu đường
xó chợ cũng nên?
- Chưa biết chừng
nó mang sang Mỹ bán cho động mãi
dâm như bọn buôn người qua Trung Quốc
đấy. Phúc đâu chưa thấy, họa lại
mang vào người.
Một ông
có vẻ hiểu biết, phản đối:
- Đời nào có,
tôi chưa nghe chuyện gái Việt Nam lấy Mỹ
bị bán vào động mãi dâm bao giờ.
- Bọn Mỹ là ác lắm,
việc gì chúng chẳng làm ….
Ông kia tiếp
tục khoe sự hiểu biết:
- Các bác không đọc
báo, nghe đài à? Ta và Mỹ bây giờ
là bạn rồi, có cái tàu Mỹ đến
thăm Việt Nam và Hải Quân ta ra tận
tàu Mỹ nghênh tiếp nữa mà. Rồi lại
có cái tàu gì to lắm, có chỗ cho
máy bay đỗ và đáp cơ đấy,
cũng sang thăm Việt Nam và phe ta lên tàu
tham quan thích lắm.
Giọng
đàn bà nhà quê đanh đá:
- Gớm, to lớn mấy cũng
bị bộ đội ta diệt thời chống Mỹ
rồi. Mỹ vẫn là thằng giặc thua trận.
Ông “hiểu
biết” giảng giải chuyện đời miễn
phí:
- Biết đâu là
bàn cờ thế cuộc, chứ họ văn minh thế
kia mà. Nay thời thế đã đổi
khác, bạn hóa thù, thù thành bạn.
Xưa Trung Quốc là bạn hàng xóm gần
gũi thân yêu của
ta, như “môi và răng”, môi hở
thì răng lạnh, từng giúp đỡ ta trong
chiến tranh. Nay bạn hại ta đấy thôi, từ
chuyện kinh tế, hàng hóa đồ dùng
Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam để giết
chết ngành công kỹ nghệ sản xuất của
ta, cả trái cây Trung Quốc như nhãn, vải,
táo, cam cũng lấn chiếm thị trường
nông sản Việt Nam làm thiệt hại các
nhà trồng vườn, đến chuyện lấn
chiếm vùng đất, vùng biển Hoàng sa,
Trường Sa. Họ đã hiếp đáp, bắt giữ
tàu và ngư dân đòi tiền chuộc
hoặc làm chết ngư dân mình.
Một bà rụt
rè lẩm bẩm:
- Ừ nhỉ, lúc này
đi đâu cũng thấy hàng hóa Trung Quốc,
mà nghe nói toàn là hàng độc hại.
Trông mẫu mã đẹp mắt mà chết
người.
Những lời dị
nghị, đồn thổi không hay đã đến
tai vợ chồng anh Siêu, anh chị vừa tức giận
vừa xấu hổ chẳng biết đường
nào mà phân bua, mà cãi ..
Trong làng
có bà tên Cào, tên thật của
bà người ta không thèm gọi mà chỉ
gọi bằng cái tên nghề nghiệp vì
bà chuyên nghề đi thuyền cào tôm,
cá ngoài sông. Bà gặp chị Siêu
đã mát mẻ mỉa mai:
- Sướng nhé, có
con gái gả cho Mỹ rồi tha hồ mà hưởng
quà đế quốc Mỹ. Nhưng con gái
tôi thì không thèm đâu, thà ở
làng quê này đi cào cá cào
tôm như cha mẹ nó, tuy nghèo mà có
tình quê hương, chẳng phải lệ thuộc
thằng nước ngoài nào cả.
Chị Siêu
nén giận cười gượng:
- Vâng, mỗi người một
hoàn cảnh. Chúng tôi có dám mơ
ước cho con gái lấy Mỹ bao giờ
đâu, chẳng qua bác nó ở Mỹ muốn
giúp đỡ …
Lạc được
tòa lãnh sự Mỹ gọi phỏng vấn
và bị từ chối. Thời điểm này
chính phủ Mỹ khám phá ra mấy vụ
người Việt Nam và người Mỹ bản xứ
kết hôn với người bên Việt Nam
là “dịch vụ” lấy tiền để đưa người từ
Việt Nam nhập cư vào Mỹ nên họ nghi
ngờ và cho “rớt” khá nhiều. Anh chị
Siêu và Lạc lo lắm, Lạc không đi Mỹ
được thì dân làng lại có
đề tài mà mỉa mai châm chọc
thêm cho đáng đời kẻ ham muốn gả
con cho giặc Mỹ, chứ chắc gì họ
buông tha? Ông Richard đã làm đơn khiếu
nại, gởi bổ sung thêm những chứng cớ
cần thiết và Mỹ phỏng vấn Lạc lần
thứ hai đã chấp nhận hồ sơ cho Lạc
được đi Mỹ đoàn tụ với chồng.
Anh chị Siêu
mừng rối rít, gọi điện hỏi thăm
anh Chu là ông Richard đã “chạy”
đường dây nào mà hay thế? tốn
phí hết bao nhiêu tiền?
Tội nghiệp
anh chị Siêu, từ cha sinh mẹ đẻ quen bị
hà hiếp, bóc lột, quen phải hối lộ
cho chính quyền từ phường xã tới quận
huyện, từ việc lớn đến việc nhỏ,
và vì trình độ văn hóa thấp,
chỉ quanh quẩn ở làng quê không biết
gì ngoài ruộng lúa và lũy tre
làng, nên ngây thơ hồn nhiên tưởng
ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này cũng ăn hối lộ tận tình như quê hương Việt
Nam mình.
Anh Chu kể rằng
ông Richrd chẳng chạy chọt đường
dây nào cả, khi có đầy đủ chứng
cớ thì Mỹ phải chấp nhận cho đi.
Ngoài ra anh Chu còn kể thêm có những hồ
sơ bảo lãnh đã được phỏng vấn
và chấp thuận mà người bên Việt
Nam vì lý do gì đó chưa muốn
đi Mỹ nên chần chờ chẳng tiến
hành thêm gì cả, hàng năm sở di
trú vẫn gởi giấy nhắc nhở họ
có muốn đi Mỹ thì làm tiếp một
hai bước thủ tục sau cùng. Vẫn không
có trả lời dứt khoát, cuối cùng sở
di trú phải gởi cho người bên Việt
Nam một “tối hậu
thư” hỏi có muốn đi Mỹ hay
không? nếu không thì lần này Mỹ sẽ
đóng hồ sơ.
Anh chị Siêu
kinh ngạc quá, ai đời quyền lợi của họ,
họ không hưởng thì thôi, việc
gì Mỹ phải nhắc nhở họ và hỏi
đi hỏi lại mãi thế? Ở Việt Nam,
có mà cầu cạnh, đút lót cả
đống tiền chưa chắc mua được sự
việc như ý, dù mình có cả tỷ
lý do vô cùng chính đáng.
Lạc đi Mỹ
được hai năm thì tiền bắt đầu
gởi về cho cha mẹ xây sửa nhà cửa,
vì Lạc đã đi làm nail nên có
tiền riêng tha hồ gởi giúp gia đình,
người chồng Mỹ của Lạc, với đồng
lương sung túc của mình, chỉ cần Lạc
đẻ cho ông một hai đứa con và chung
thuỷ suốt đời là hạnh phúc rồi.
Hàng xóm họ
hàng càng bàn tán, càng vu khống nhiều
hơn, dù chị Siêu đã mang ra khoe với
họ những tấm hình vợ chồng Lạc
và 1 đứa con của họ.
- Tiền gởi về cho bố
mẹ nhiều thế này đích thực là
tiền làm gái mà ra chứ của
đâu sẵn thế?
- Ừ nhỉ, làm gì
mà ra tiền nhanh thế nhỉ?
- Nhưng bà Siêu
có khoe hình con Lạc chụp với thằng chồng
Mỹ, cái thằng đã về làng cưới
nó hẳn hòi mà.
Một bà gạt
phăng:
- Ối giời ôi, thằng
Mỹ nào trông cũng giống nhau, có khi
là thằng chồng thứ bao nhiêu rồi đấy?
Những lời
dèm pha này lại cố tình đến tai vợ
chồng anh Siêu. Nghe những lời ganh tị mấy
năm nay anh chị đã quen tai, nhưng anh chị cũng
đã thấy vài kẻ trong làng thèm thuồng
được như anh chị lắm, khi họ ghé
vào thăm ngôi nhà 3 tầng khang trang mới
xây trên cái nền đất của căn
nhà xộc xệch cũ, khi họ nhìn những tấm
hình Lạc đẹp đẽ từ Mỹ gởi
về, và thấy cuộc sống vật chất
nhà anh Siêu thong thả hẳn ra.
Một người
họ hàng bên vợ anh Siêu, ở tận
Hà Nội, nhà giàu có, con cái đứa
thì bằng cấp đại học, đứa
đang chuẩn bị thi vào đại học,
mà còn mong ước gả cô con gái lớn
cho người Mỹ, các em thì không thèm du học ở
Anh, Úc, Canada, mà chỉ thích Mỹ. Xưa nay
anh chị Siêu mấy lần có dịp lên
Hà Nội nào dám bén mảng tới
nhà họ chơi, vì khoảng cách giàu
nghèo và trình độ, nhưng từ dạo
Lạc đi Mỹ, từ dạo nhà anh Siêu
xây to nhất làng, thì chính người họ
hàng đó đã vồn vã mời
chào, nhờ thế anh Siêu mới biết
được những tâm tư khát khao của
gia đình họ và của nhiều người
dân thành thị, người ta không còn
căm thù người Mỹ nữa, giới trẻ
đua nhau học tiếng Mỹ, các nhà khá
gỉa còn cho trẻ con học tiếng Mỹ từ
thuở vỡ lòng song song với tiếng Việt,
các cửa hàng, dịch vụ trên phố
xá từ Hà Nội đến Sài Gòn,
đến các thành phố lớn nhỏ
khác đều kèm theo tiếng Mỹ, con gái
Việt Nam nhiều người lấy chồng Mỹ rồi,
và nhờ thế anh chị Siêu mới vơi bớt
mặc cảm tội lỗi gả con cho giặc Mỹ
mà một số dân làng An Bình
đã ganh tị và ác cảm đổ cho
anh chị.
Qua con gái anh
chị Siêu đã biết được một
nước Mỹ tự do dân chủ, cuộc sống
thoải mái .. Lạc kể mua cái ti vi về coi
mấy tuần thấy không vừa ý đã
đem trả lại tiệm, hay đơn gỉan có
lần Lạc mua một cây Lê trong chợ Mỹ về
nhà trồng, cây bị chết sau đó, Lạc
đã gọi phone than phiền với chủ tiệm,
vây mà người ta xin lỗi và mời
cô đến chọn lại cây lê khác, dĩ
nhiên là không phải trả tiền lần nữa
và họ cũng không cần Lạc mang bằng chứng
cây lê đã bị khô chết kia. Thật
là trung thực, tin cậy lẫn nhau, một xã hội
có cuộc sống, có nếp suy nghĩ như thế
không biết đến đời kiếp nào Việt
Nam mới bắt chước được?
Ở Việt Nam
người ta mua gian bán lận, làm hàng giả,
lừa đảo khách hàng vì lợi nhuận,
vì lòng tham sao cho đầy túi, làm
gì có chuyện mua hàng về nhà xài
rồi đem trả lại? chúng đã không
đổi cho mà còn mắng chửi té
tát vào mặt. Ngay như mua vàng hôm
trước, hôm sau mang ra chính tiệm ấy
bán lại, chúng cũng kiếm cách ăn chận,
nào là hôm nay vàng vừa mới xuống
giá, nào là vàng … hao hụt, để
trả giá rẻ, để lời nhiều.
Hàng hóa
giả, còn có cả bằng cấp "rổm"
nữa, những anh chị y tá có công với
đảng được “đề bạt” học bổ túc
chuyên môn là trở thành bác sĩ, hay
con ông cháu cha học hành thì ít
ăn chơi thì nhiều nhưng chạy chọt
vào trường Y khoa, cũng ra trường bác
sĩ như ai dù kiến thức thì chẳng bằng
ai. Nên các bệnh nhân ở Việt Nam gặp
nhiều ‘biến cố” chết người
không có gì làm lạ.
Những chuyện
đời thường của nước Mỹ mà
nghe xong anh Chị Siêu còn giật mình
không muốn tin, nếu không do chính con
gái anh chị kể ra thì chắc chắn anh chị
cho là bịa đặt, là chuyện hoang
đường trên trời rơi xuống.
Anh chị dần
dần cảm mến nước Mỹ, những nước
thuộc thế giới tự do họ có lý
tưởng của họ trong chiến tranh, Mỹ có
căm thù gì dân Việt Nam đâu mà
tàn ác giết hại dân Việt Nam?.
Anh chị thương thằng con rể
Mỹ, nó hiền hòa, trung thực, nó
đã đổi đời cho Lạc, thương
yêu chiều chuộng con gái anh, đối xử
tốt với gia đình nhà vợ. Người
xấu người tốt ở đâu cũng
có, cũng tùy người ..
Anh Siêu thấy
xấu hổ khi nhớ lại ngày xưa anh
đã căm thù đế quốc Mỹ,
hình ảnh những người lính Mỹ
là tàn ác, ghê gớm, là gieo rắc
đau thương cho xóm làng, nhân dân Việt
Nam. Anh đã
đăng ký đi bộ đội sớm, khi
chưa đủ tuổi để mong tiêu diệt kẻ
thù, bằng chứng là tấm giấy khen
công anh hùng diệt Mỹ của anh vẫn
còn kia, vì anh đã cùng vài người
khác tóm cổ được một lính Mỹ
đi lạc trong rừng. Năm ấy anh Siêu mới
18 tuổi, cái tuổi trẻ mới lớn dễ tin
người, tin đời. Anh hãnh diện nghĩ
mình đã lập được công trạng
cho đất nước, cho đồng bào.
**************
Ngày anh chị
Siêu mong chờ cũng đã đến. Từ Mỹ
vợ chồng Lạc và đứa con về thăm
làng An Bình. Anh chị thuê chiếc xe tải
nhỏ ra phi trường Nội Bài đón con
cháu.
Xe về làng,
về nhà, mấy va ly, mấy thùng quà Mỹ
được mở ra, mùi thơm thơm lạ
lùng từ một phương trời xa mà cả
đời anh chị Siêu chưa được biết
đến. Anh chị hoa mắt sung sướng với
đủ những
món quà anh chị Siêu đã dặn con
gái mua cho, nào kính mát, áo vét cho
anh Siêu, nào áo khoác ấm cho chị
Siêu, vì mùa Đông miền Bắc
dài và lạnh, rồi quà cho các em, họ
hàng chú bác, đến hàng xóm
láng giềng ít nhất cũng được cục
xà bông hay bịch kẹo “sô cô
la”, cũng được hưởng mùi
quà Mỹ.
Lần này
thì dân làng tận mắt thấy mặt chồng
Lạc, vẫn là ông Mỹ cách đây 3
năm. Có khác chăng là bây giờ
ông Richard biết nói những câu tiếng Việt
thông dụng, ai hỏi thì ông vui vẻ
và thân thiện trả lời, giọng nói
âm hưởng Mỹ nhưng tiếng Việt Nam ngọng
ngịu của ông Richard làm mọi người
cười vui. Họ không thấy ở ông Richard
một chút nào hình ảnh thằng giặc Mỹ
tàn ác thời chiến tranh mà họ
đã nghe qua sự tuyên truyền của đảng
vẫn còn ít nhiều trong tâm tư họ nữa.
Lạc thì
đổi mới hẳn ra, đẹp xinh với quần
áo lụa là sang trọng, không phải
là cô Lạc nhếch nhác quần đen ngắn
lấc cấc với áo vải ngày nào.
Còn đứa con gái của họ vừa có
nét thùy mị Việt Nam vừa có nét
phương tây mạnh mẽ trông thật dễ
thương.
Chị Siêu
mang quà của con gái đi biếu hầu như
cả làng, đến nhà bà Cào, chị
hơi e dè, sợ lại phải nghe những lời
mỉa mai. Nhưng lạ chưa, bà Cào
đã nắm tay chị Siêu, nói với tất
cả niềm chân tình và rất lịch sự:
- Tôi cám ơn chị
và cháu lắm. Nhờ chị nói với
cô Lạc rằng về Mỹ xem có anh Mỹ
nào thì làm mai cho con gái tôi với
nhé, tôi còn hai đứa con gái chưa lấy
chồng đây. Khổ quá, con lớn nhà
tôi lấy chồng cùng thời với cô Lạc,
tưởng ở lại làng để làm nghề
cào lưới tôm cá cũng đủ sống
rồi, ai ngờ khốn khổ chị ơi, bữa
đói bữa no. Thà cứ gả quách cho giặc
Mỹ … ấy chết, xin lỗi chị tôi cứ
quen mồm, thà cứ gả quách cho người
Mỹ như cô Lạc nhà chị mà sướng
tấm thân và cả nhà được nhờ.
- Vâng, để em bảo
cháu. Nhưng chẳng phải dễ đâu,
bác nó ở Hà Nội có con gái vừa
đẹp vừa học giỏi cũng đang kiếm chồng
Mỹ cho con để xuất ngoại đổi đời
mà chưa có
đám nào.
Bà Cào
nài nỉ:
- Thì tôi cứ dặn
phòng xa thế, may ra có duyên nợ thì gặp.
Chị nhớ nhé?
Chị Siêu về
nhà thấy hả hê nhẹ cả lòng,
bà Cào là người đanh đá mồm
miệng nhất làng mà đã chịu xuống
nước, nhìn vào sự thật như thế
thì từ đây cả làng cũng sẽ
nguôi ngoai, không ai có lý do gì để
động chạm đến việc Lạc lấy chồng
Mỹ, hay kết tội anh chị gả con cho giặc Mỹ
nữa ..
Gia đình Lạc
ở làng quê An Bình chơi 4 tuần, ông
Richard theo vợ đi chơi khắp làng, đến
thăm họ hàng, hàng xóm. Đến
nhà nào ông Richard cũng chào hỏi tử
tế bằng mấy câu Việt Nam thấy mà
thương. Đến ngày trở về Mỹ, chiếc
xe tải nhỏ lại được thuê chở
khách Việt Kiều ra phi trường Nội
Bài.
Anh chị Siêu
kể cho họ hàng và những nhà hàng
xóm thân rằng sang năm Lạc có quốc tịch
Mỹ và sẽ làm đơn bảo lãnh cha
mẹ sang Mỹ định cư. Tin này đã
nhanh chóng lan ra cả làng, ai cũng nói
là vài năm nữa cả nhà anh Siêu sẽ
sang Mỹ đoàn tụ với con gái. Cái
nhà ấy có phước to.
Có người
thật tình, có người vì tò
mò đến nhà anh Siêu chơi để nghe
thêm chuyện. Họ thấy trên tường,
nơi phòng khách trang trọng nhất, nơi
mà từ hồi căn nhà cũ, trên
vách tường cũ vẫn treo tấm giấy khen
“Anh hùng diệt Mỹ” đóng khung, lồng
kính và đã bạc màu hoen ố theo thời
gian của anh Siêu không còn nữa, mà thay
thế vào là khung hình mới tinh, trên bức
tường cũng mới tinh, hình gia đình
cô Lạc, cô với người chồng Mỹ
và đứa con gái của họ, thật
là đẹp và hạnh phúc chứa chan.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
-
April- 2011-
(Hiep_tanco sưu tầm,
Vương Hai & A Trinh chuyển)