BÀ TỔ TRƯỞNG
(Truyện ngắn:
Mây-Cao-Nguyên)
Mây
Cao Nguyên (Canada), bút hiệu của Trung Úy giảng
viên trường Anh ngữ Trung Tâm HLKQ Nha Trang.
Sau khi miền Nam bị
Việt cộng cưỡng chiếm, chúng đã
sát nhập hai tỉnh Phú Yên và
Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. Mật
khu Đồng Bò cách thành phố Nha Trang vào
khoảng năm cây số về phía Nam, nơi
đây Trung Đoàn Trường Sơn I qui tụ
những chiến sĩ can trường của Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ biết
hàng giặc, đã đánh phá ác liệt
cuối năm 1976 đã làm cho chúng mất
ăn, mất ngủ. Đồng Bò là phường
thứ 13 của tỉnh Phú Khánh, về phía
Đông có Cầu Đá là một hải
cảng của tỉnh, dọc theo bến tàu là
những cửa hàng bán hải sản và
quà lưu niệm. Vì là địa thế
chiến lược quan trọng sát với Không
Đoàn 2 và Trung Tâm Huấn Luyện Không
Quân cũ, nên chúng đã chọn những
gia đình có công với Cách Mạng
để lên đó khẩn hoang, lập ấp.
Đồng Bò trở thành Khu Kinh Tế Mới
được nhiều người mơ ước.
Bác Tư Tổ Trưởng Dân Phố được
cấp một diện tích đất bề ngang hai
mươi thước, bề dài tám mươi
thước để cất nhà ở và
làm nơi trồng trọt.
Đêm hôm
đó trời không trăng, sao, tối đen
như mực, chỉ có những con đom
đóm lập lòe trên những ngọn
cây. Trời càng tối sự yên lặng
càng nổi bật, mỗi tiếng động
dù nhỏ cũng nghe rõ mồn một. Xa xa về
hướng làng Phước Xuân tiếng chó
sủa nghe thật gần, và một người đàn
ông đang dò dẫm trên đường cũng
nghe thấy tiếng dội của những bước
chân của mình. Thỉnh thoảng chàng cố
gắng để đi thật yên lặng, nhưng
con đường đất đầy gai góc,
và tiếng kêu rắc rắc, xào xạc của
đám gai cũng lớn như tiếng bước
chân của chàng trên mặt đường.
Ngoài ra, chàng không cách nào đi nhanh
được.
Khi đến tại
căn nhà tranh của bà Tư chàng dừng lại.
Chàng nhìn vào khung cửa sổ leo lắt
ánh sáng, không màn che. Chàng thấy
bà Tư cúi mình trên bếp để nhấc
ấm nước. Chàng do dự và có vẻ
lo lắng. Thân thể chàng trông mảnh khảnh,
da ngăm đen, trang phục một bộ áo quần
màu nâu cũ kỹ đã bạc màu.
Chàng quyết định không gõ và
đưa tay đẩy cửa bước thẳng
vào.
Bà Tư đứng
gần bếp lửa quay nhanh lại nhìn.
-“Mày
đó hả Thanh?. Sao không chịu lên tiếng?”.
-“Cháu
không dám vì không muốn ai nghe thấy”.
-“Sao vậy?”.
-“Cháu
đang gặp nguy hiểm. Xin bác cứu giúp
cháu”. Đôi tay chàng hơi run.
-“Mày
đã làm gì?”.
-“Cháu vừa
mới bắn nhau với bọn công an phường”.
-“Trời
đất! Có ai chết không?”.
-“Làm sao
cháu biết được!”.
Trong giây
lát một sự im lặng đè nặng trong
căn bếp nhỏ, bề bộn. Ấm nước
đang sôi bà Tư nhấc nó để sang một
bên.
Bà là một
người đàn bà nhỏ con, gầy còm,
khuôn mặt khắc khổ, sạm nắng, khô
đét in hằn những nếp nhăn. Bà
chưa quá 60 tuổi, nhưng cuộc đời
đã đối xử với bà quá
tàn nhẫn. Bà đã lâm vào cảnh
góa bụa lúc tuổi ba mươi.
-“Mày muốn
tao giúp mày bằng cách nào
đây?”.
Bà nói với
một giọng hơi chua chát.
-“Bác cho ẩn
núp ở đây để chờ yên tĩnh
cháu sẽ tìm cách ra đi. Bây giờ, bọn
công an Phường phối hợp với du kích
địa phương chúng đang lùng sục khắp
mọi nơi”.
-“Tao không
hiểu được tụi mày. Đã đi học
tập đường lối và chính sách
nhân đạo của Đảng và Nhà
Nước, sao còn hành động phản lại
Cách Mạng như vậy?”.
-“Bác cũng
dư hiểu, tụi cháu đang nằm trong địa
bàn chiến lược của chúng, chỉ
có hai con đường để lựa chọn: một
là chết, hai là sống tự do. Không
có cách nào khác. Vì vậy, cháu
đã lẻn ra điểm hẹn để cướp
tàu vượt biển, không ngờ lại bị
lọt vào ổ phục kích. Chúng
đã nổ súng, cháu phải bắn trả
lại. Bác hãy giúp cháu vì tình
bạn giữa cháu và Hưng”.
Bà Tư trầm
ngâm trong giây lát. Thanh nhìn bà dò
xét.
-“Lúc
đương quyền, mày đâu có
giúp đỡ được gì cho thằng
Hưng đâu mà kể công. Nó
đã bị sa thải khỏi Không Quân
vì tội làm nội tuyến”. Bà Tư
sừng sộ.
-“Cháu chỉ
là một sĩ quan cấp nhỏ, làm gì
có đủ thực quyền để cứu
Hưng với những bằng chứng và tội trạng
quá rõ ràng đã cung cấp bản đồ
phòng thủ phi trường cho Việt cộng. Tuy vậy,
Hưng và cháu vẫn là đôi bạn
chí thân từ trước đến nay. Nếu
có Hưng đêm nay ở đây, hắn
làm gì cũng van xin bác giúp đỡ
cháu qua cơn hoạn nạn”.
-“Tao không
nói nó quay lưng, ngoảnh mặt đối với
mày, nó luôn luôn nói tốt về
mày. Thôi được rồi, mày có thể
trốn ở đây chờ nó về, rồi
để nó phân xử. Nó vừa lên
trên đồn công an phường có chút
việc. Thằng đồn trưởng mới ra Bắc
nghỉ phép, nó phải lên thay. Nghe nói
lúc này, dân vượt biển quá nhiều
và bọn ngụy lại về quấy phá”.
-“Cháu chỉ
trốn ở đây đến gần sáng
cháu xin đi. Có thể cháu sẽ trốn ra
khỏi xứ”.
-“Mày
đi bằng cách nào?”.
-“Cháu
chưa biết. Có thể bằng đường bộ
hoặc cháu sẽ cướp tàu vượt biển.
Cháu chưa có đủ thì giờ để
suy nghĩ”.
-“Mày
có thể tính kế ngay ở đây,
đêm nay”, bà nói một cách khô
khan, mở cánh cửa nhà bếp thông ra
phòng nhỏ chứa ngũ cốc ở đàng
sau chái bếp. “Không có ai dám đụng
đến cái lông chưn của mày
đâu, trừ phi tao nộp mày cho chúng”.
-“Bác
đúng là một người: “Khẩu
xà, tâm Phật”. Ơn cứu tử của
bác cháu sẽ không bao giờ quên”.
Bà không
nói một lời nào, lặng lẽ đóng
cửa, và chàng đang ngồi trong bóng tối
vây quanh chỉ có một vệt sáng từ bếp
chiếu vào qua kẽ vách. Từ vệt sáng
này chàng có thể thấy bà Tư
đi lại, chuẩn bị bữa cơm tối cho
Hưng, đứa con độc nhất của bà.
Thanh tin tưởng Hưng sẽ giúp đỡ
chàng, vì hai người đã cùng chung một
làng, chung một trường, tốt nghiệp
quân sự cùng một khóa tại Trường
Bộ Binh Thủ Đức và cùng đổi về
làm chung đơn vị. Vì tội làm nội
tuyến cho địch, Hưng đã bị ở
tù và bị tước hết binh quyền
và bị sa thải khỏi quân đội.
Cá tính và nghề nghiệp tuy khác nhau,
nhưng tình bạn giữa hai người vẫn
như cũ không hề bị sứt mẻ.
Thanh ngồi xuống
trên những bao thực phẩm khô ở góc
chái. Mùi vị chiên xào thơm phưng phức
từ bếp lọt vào, và chàng hy vọng
bà Tư không nỡ từ chối cho chàng
ăn ké phần cơm của Hưng khi hắn về,
vì chàng quá đói và còn phải
chạy trốn qua bao nhiêu chặng đường
dài. Chàng mệt mỏi và ngủ thiếp
đi lúc nào không biết, khi nghe tiếng
chân chạy thình thịch ngoài đường
chàng giựt mình thức giấc.
Trong khoảnh khắc
quả tim đập thình thịch khiến chàng
muốn nghẹt thở. Bọn công an vũ trang.
Chúng đã đoán biết chàng đang ở
đâu - với bà Tư, Tổ Trưởng
Dân Phố, mẹ của phó đồn trưởng
Nguyễn khắc Hưng bạn cũ của chàng.
Chàng đúng là một gã khờ lại
đem nộp mạng đúng ngay ổ. Gần mất
đi sự tự chủ, chàng co mình lại
trong hốc, run rẩy, gần bật khóc. Nhưng những
bước chân vụt chạy qua. Kế đó
bà Tư thò đầu vào trong chái kho
nói nhỏ:
-“Bọn du
kích xã đội mũ tai bèo. Tao vừa mới
thấy tụi nó chạy thoáng qua. Chúng
nó có súng và đèn pin. Có thể
tốt hơn hết mày nên lẻn ra, chạy
ngược lại về hướng Đồng Bò,
nhắm Cầu Đá, khu dân chài ở, để
kiếm kế cướp tàu vượt biển”.
Bà đi
vào trong phòng ngủ. “Đây, một
ít tiền mày cầm đi đường. Lỡ
có gì cũng có để mà tiêu
xài”.
Thanh nghẹn
ngào, xúc động và nói:
“Cháu không biết làm cách nào
để đền ơn bác”.
-“Không
ơn nghĩa gì hết. Tao có giúp mày cũng
chỉ để cái đức lại cho thằng
Hưng”.
-“Cháu hy vọng
bác sẽ không bị phiền phức khi
chúng biết được bác đã dung
dưỡng một tử tội như cháu”.
-“Đừng
sợ gì hết. Không có thằng nào, con
nào biết được mày trong căn nhà
nầy đâu. Tao là một Tổ Trưởng nổi
tiếng ác ôn đã được Tỉnh Ủy
tuyên dương nhiều lần. Không ai dám
đụng đến sợi tóc của tao. Hơn nữa,
thằng Hưng là Phó đồn Công An
Phường 13. Tao muốn mày trốn đi sớm
trước khi thằng Hưng trở về, nó
luôn luôn kéo bè, kéo bạn nhậu nhẹt
tại nhà, và đó mới là điều
phiền phức”.
Bà mở
cánh cửa nhà kho cho Thanh, nhưng cả hai
người đều đứng im lặng, vì
có tiếng chân của nhiều người từ
hướng Nam đang đi tới.
-“Có thể
thằng Hưng đi làm về”, bà Tư
nói.
-“Không phải
một người đâu bác, con nghe xì
xào nhiều tiếng nói lắm”.
-“Mày
nên trở vô lại, nhanh lên”, bà
nói vội. “Chờ cho chúng nó đi qua
khỏi rồi hãy hay”.
Chàng miễn
cưỡng lách mình trở vào ẩn
mình trong góc tối hôi hám, bụi bặm,
và bà Tư đóng và khóa cánh
cửa nhà kho.
Những bước
chân càng tiến lại gần hơn. Lúc
này nghe có vẻ chậm chạp và nặng nề.
Chàng đoán là chúng cũng chỉ
đi ngang qua, nhưng chúng băng qua những bụi
khoai mì trước cửa ngõ để tiến
vào nhà. Kế đó, có tiếng gõ
cửa. Như vậy, không phải là Hưng.
Run rẩy trong nỗi
lo lắng và tò mò, Thanh đặt mắt
vào trong một những khe hở của ngạch cửa
và nhìn xuyên qua nhà bếp. Chàng thấy
bà Tư đi mở cửa, nhưng trước khi
bà đưa tay mở cửa tên công an
đã nhanh nhẹn lách mình vào và
đóng cửa lại.
Thanh nhận ngay
Linh, một tên công an khét tiếng đanh
ác, mà bất cứ một người nào bị
bắt vào đồn cũng đều kinh sợ,
và chàng cảm thấy tay chân của
mình lạnh ngắt. Như vậy, chúng
đã biết chàng ở đây rồi chứ
không sai. Chúng đã đuổi theo chàng.
Chúng đoán chàng ẩn trốn trong căn
nhà này vì sự quen biết. Nhân dân
là tai mắt của Đảng, một con chuột cũng
không thể nào chui lọt khỏi màn lưới
an ninh của chúng được. Tại sao chàng
không nghĩ cách thoát thân nào hơn lại
chui vào đây nạp mạng? Thật là một
điều xuẩn ngốc. Sợ tái cả người,
đôi chân của chàng bủn rủn, và
chàng ngồi bệt trên nền đất sét.
Tên công an
hình như có một cái gì khó
nói với bà Tư. Hắn đứng lặng im
trước mặt bà, tay mân mê vành
nón cối.
-“Cái
gì đó, Linh?” Bà hỏi.
-“Má
Tư, con muốn thưa với má một chuyện”.
Thanh áp
má vào kẽ vách gióng tai nghe, vì nhịp
tim của chàng đập thình thịch gần
như át cả tiếng nói ở bên
ngoài nhà kho. Chàng đoan chắc, bà
không lẽ nào đem giao nộp chàng cho bọn
chúng. Bà đã hiểu quá nhiều về
thủ đoạn gian manh bịp bợm của bọn quỷ
đỏ vô lương, nên ngoài mặt
bà đã đóng rất trọn vai trò của
bà Tổ Trưởng Dân Phố chỉ hại những
tên cộng sản 30 hà hiếp dân lành
và luôn luôn bao che cho những người
vô tội. Bà chỉ còn đứa con trai
độc nhất là Hưng. Bà đã
tâm nguyện suốt quãng đời ngắn ngủi
còn lại, bà phải hy sinh cho con với bất
cứ giá nào.
-“Chuyện
gì?” Bà hỏi với một giọng đanh
thép, trong khi tên công an còn cứng lưỡi.
-“Má
Tư, con xin báo cho má một tin buồn”.
Sắc diện
bà thay đổi.
-“Không phải
thằng Hưng chứ?”.
-“Anh Hưng
đang ở ngoài kia”, tên công an nói.
-“Mày
nói cái gì tao chẳng hiểu” Bà vừa
nói, vừa lách mình đi ra cửa.
-“Đừng
má. Chờ đây đến khi con thưa hết
chuyện với má”.
-“Thưa chuyện
gì nữa? Trời đất! Còn chờ gì
nữa, kể nhanh lên”. Và bà cố đẩy
hắn sang một bên để bước đi.
-“Anh Hưng
đêm hôm nay có nhiệm vụ đi phân
bổ công tác, bố trí địa điểm
phục kích bọn tàn quân. Chúng con nghe
tiếng động bất thường từ một bụi
rậm …. Trời tối quá không thấy
gì hết, chỉ thấy một bóng đen
phóng mình vụt chạy - Chúng con đã
nổ súng thị uy, và hắn đã bắn
trả lại ….”.
Tên công an
ngừng nói và nhìn bà dò xét,
như thể mong bà hiểu ngầm đoạn kết
của câu chuyện. Trong góc nhà kho chính
Thanh là bóng đen đã nổ súng để
trốn thoát.
-“Hưng
ơi! ...” Bà Tư nghẹn ngào.
Bà phóng
nhanh ra cửa. Bọn công an bên ngoài đang
đứng chờ dấu hiệu, và chúng bước
vào, khiêng vật gì đó, chúng
đặt nhẹ xuống nền nhà.
-“Nó chết
chưa?” Bà Tư hỏi một cách khô
khan.
Bọn chúng gật
đầu. Chúng chưa bao giờ nghe ai hỏi với
một giọng dửng dưng, khô héo như giọng
của bà.
Trong nhà kho
Thanh không còn toát mồ hôi và run sợ
nữa. Sức mạnh đến trong sự tuyệt vọng,
vì chàng biết bây giờ mới là
giây phút tuyệt vọng. Ngoài ra, chàng
không còn mong muốn trốn thoát trước
sự việc mà chàng đã hành động
trong đêm hôm nay. “Hưng ơi! Tha tội cho
tao. Đâu có ngờ lại là mày,
người mà tao thương mến như tình
ruột thịt lại lãnh viên đạn oan nghiệt.
Tao không còn muốn sống nữa”, Chàng
đưa tay ôm mặt thì thầm.
Bà Tư
đang ngồi trên chiếc ghế bành đan bằng
mây cũ kỹ kế bên bếp lửa. Một
trong những tên công an lên tiếng:
-“Con chạy
qua nhà bác Hai mời bác ấy qua ở với
má cho đỡ buồn. Đây là một thảm
kịch cho gia đình của má. Với bất cứ
giá nào, tụi con sẽ thẳng tay trừng trị
tên phản động ác ôn này mới thỏa
lòng. Ngày mai tụi con sẽ triệu tập hết
tất cả bọn sĩ quan ngụy lại một chỗ
để điểm danh, thằng nào còn, thằng
nào mất là biết ngay”.
Thanh đứng thẳng
dậy, nhìn qua kẽ hở của cánh cửa.
Chàng thấy bà Tư đang mệt mỏi gượng
đứng dậy, nhìn xuống khuôn mặt của
xác chết. Chàng thấy bà cho tay vào
túi áo, trong đó bà cất xâu
chìa khóa nhà kho.
-“Tụi con
đã bố trí du kích chận khắp các
ngả đường, lùng sục tất cả những
nơi khả nghi. Đêm hôm nay má có nghe
thấy có ai chạy ngang qua đây hay
không?”.
Im lặng một
lúc. Bà nói “Không. Từ sáng
đến giờ tao không thấy một ai bén mảng
quanh đây và cũng chẳng có dấu hiệu
gì đáng nghi cả”. Bà rút tay ra khỏi
túi áo.
-“Thôi, sự
việc đã xảy ra như thế này xin
má cũng đừng quá bi lụy. Con đi mời
bác Hai qua đây ở với má cho có bầu,
có bạn”.
Bà Tư gật
đầu.
-“Tụi
mày khiêng xác thằng Hưng vào trong
phòng ngủ đến mai có người đến
tẩm liệm, rồi muốn đi đâu thì
đi”.
Bốn tên
công an cúi xuống nhấc cáng và
khiêng xác Hưng vào phòng ngủ. Sau
đó mỗi tên đến nắm tay bà an ủi
và ra đi.
Bà chờ cho
đến khi chúng đi khỏi hẳn. Bà
gài cửa, rồi bà đi thẳng đến
nhà kho. Thanh cảm thấy lạnh bắn cả
người. Chàng không thể nào chịu
đựng nổi. Chẳng thà để cho bọn
công an bắt còn hơn đối diện với
bà Tư. Chàng nghe bà tra chìa khóa
vào ổ khóa và chàng muốn hét
lên. Nhưng bà không nói lấy một lời.
Bà chỉ mở khóa cửa kho và lê từng
bước nặng nhọc vào căn phòng nơi
xác của Hưng đang nằm để chờ tẩn
liệm.
Thanh biết
chàng phải làm gì - Chỉ có một
điều duy nhất bà Tư muốn chàng phải
làm là mở cửa kho và thầm lặng trốn
đi.
Đã ba
mươi lăm năm mất nước, chàng
đã mang một nỗi buồn vô tận
trên bước đường lưu lạc nơi xứ
người. Thanh vẫn luôn luôn chu cấp cho
bà Tư để đền ơn cứu tử
và chàng coi bà như một người mẹ
thứ hai trong đời.
Mây-Cao-Nguyên
(VoHongVang sưu tầm, LiH COCO
chuyển)