Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N 19 | VA(N 20 | VA(N 21 | VA(N 20 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | TA.P GHI 40 | TA.P GHI 41 | TA.P GHI 42 | TA.P GHI 43 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | LINKS | CÂ?N THÂ.N ! | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | CU'̉'I CHÚT CHO'I 1

TA.P GHI 8

XUÂN ĐI XUÂN ĐẾN MÃI CÒN XUÂN

 

 

XUÂN ĐI XUÂN ĐẾN MÃI CÒN XUÂN

(Lý Minh Hào)

 

 

Phương phương tân xuân dạ

Hoa lạc đáo thùy gia?

 

 

 

(Xuân này, nối lại những dòng bút ký về xuân năm trước)

 

 

 

Ba người bạn rủ nhau ra ngồi ở cái quán có tên “Chim Én Biển” (Paloma) mà một số người Việt xa xứ thích ngồi hàng quán lại kêu là quán “Cái Chùa” Silicon Valley để đỡ nhớ cái quán “La Pagode” Sàigòn bên quê nhà nay chỉ còn là hoài niệm.

 

Khi đủ mặt ba người, buổi đầu định “ngồi trà đàm” nhìn ngắm thiên hạ ngoài kia du xuân, tận hưởng hết những ngày Tết còn vương vấn trong tiết trời se lạnh mùa xuân. Sau có thêm một người bạn hóa bốn. Như kinh nghiệm sống của người xưa qua câu nói “trà tam, tửu tứ,” trà uống ba người, rượu uống bốn người là đắc điệu nhất, dễ tạo được lạc thú nhất, vì không quá tẻ nhạt cũng không quá ồn ào. Còn như một mình ngồi uống rượu thường là chuyện không lành không ổn, người đó hoặc là sâu nát rượu, nếu không cũng chất chứa trong dạ vạn cổ sầu! Ngay như thi hào Lý Bạch được thiên hạ phong cho danh vị “Túy Thi Tiên” (ông Tiên Thơ Say) cũng còn cần rủ bạn đồng ẩm để cùng tát cho mau cạn cái hồ chứa nỗi sầu muôn thuở của kiếp nhân sinh, qua câu thơ “dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu” (xin cùng ta làm tan đi sầu vạn cổ).

 

Hai người bạn, một nhâm nhi ly rượu chát đỏ để sưởi ấm lòng, người mượn bia giải nhiệt. Hai người bạn còn lại mời nhau rượu Whisky Tô Cách Lan cay nồng, vỏ chai xanh, nhãn màu vàng, hiệu “Cutty Sark” hình chiếc tàu buồm trang bị bảy cánh buồm lớn nhỏ căng gió. Được biết, theo sự quảng cáo của chủ nhân hãng rượu, rượu mạnh thương hiệu Scot Whisky “Cutty Sark” bán chạy nhất và được vận tải trên các thương thuyền vượt biển nhanh nhất vào giữa thế kỷ thứ 19 phân phối bán ra khắp thế giới. Cũng qua tài liệu sách vở chiến tranh Việt Nam, vị tổng thống Hoa Kỳ bị thiêu rụi sự nghiệp chính trị của người trượng phu chí cả trong “hỏa lò Việt Nam” là Lyndon B. Johnson đã chọn loại Whisky “tàu buồm bảy cánh” để tiêu sầu sau ngày lui về mai danh ẩn tích tại trang trại nhà bên xứ cao bồi Texas. Bà vợ ông cho biết nhiều đêm ông uống say khướt và nằm ngủ vùi luôn dưới chuồng ngựa bên cạnh máng ngựa cho tới sáng khi đã tỉnh rượu. Chúng ta cũng ít nhiều cảm thương cho số phận buồn đau của vị tổng thống Hoa Kỳ có thể được ví như một thuyền trưởng của chiếc tàu buồm bị bão tố thổi gẫy hết cả bảy cột buồm! Ngôn ngữ thói thường bình dân nhiều khi cũng hay ví von người chồng, người đàn ông “gẫy cột buồm” là những người thua thiệt, bất lực trước những bà vợ, đàn bà đường đường lẫm liệt đủ mọi thứ chuyện trần đời!

 

May quá, hai người bạn chia nhau những tuần rượu Cutty Sark đã không lâm cảnh ú rũ, mềm nhũn của ngài Lyndon Johnson! Chẳng qua tâm tư họ không quá vạn cổ sầu, chỉ nhâm nhi chừng mực lượng men giải sầu. Một người bạn nói nhỏ riêng, đêm về còn thấy hưng phấn nữa là khác. Có một nhà văn nào đó đã khen hết lời người đầu tiên đã khám phá hay chế ra rượu cho người đời. Bởi vì theo nhận xét của nhà văn đó, dù buồn hay vui, khóc hay cười, hạnh phúc hay đau khổ, người ta cũng đều uống rượu được cả. Rượu đắc dụng cho mọi tình huống của xã hội xưa nay. Có điều, không được lạm dụng hay nghiện ngập đê mê suốt ngày hết tháng, quên tuốt cả những cái đẹp đẽ trên đời. Riêng cụ Vương Hồng Sển, một bậc kỳ tài về thể loại viết tạp ghi và hồi ký, đã cũng nhìn rượu bằng biệt nhãn, tả thú uống rượu, nhất là lại được rượu ngon, như sau:

 

Rượu ngon chưa uống đã say

Mắt say vì sắc, mũi say vì tình

Rượu ngon uống chén bé xinh

Mát lòng mát dạ, buộc mình phải khen

- Hỏi khen làm sao?

- Khen một tiếng "khà"

(Trích Di Cảo "Cuốn Sách và Tôi")

 

Không khí quán rượu đầu xuân hôm đó còn có nhạc xuân cùng hoa xuân làm nền, làm cảnh đậm đà thêm hương sắc của một ngày xuân đất khách. Ngay cạnh chỗ lớp cửa kính sát tường, từ bên trong có thể nhìn rõ bên ngoài và từ ngoài dõi trông được vào người ngồi trong quán, hai chậu hoa hải đường được kê cao ai cũng dễ nhìn thấy khi ra vào quán. Đã qua nhiều ngày xuân, ngày Tết hai chậu hải đường hoa rậm sắc thắm đều mãn khai. Chậu đã nở đều có sắc hồng phấn, xem dịu nhã hơn so với chậu kia như còn muốn tỏa thêm sức sống và sắc màu nóng của loài hoa hải đường cuối độ mãn khai. Trong tiết trời của một mùa xuân có mưa nhẹ, có gió se lạnh buổi sáng mây giăng, trưa nắng ấm, như một sự thay son, đổi phấn của đất trời, một người bạn (là người viết) trong bọn “tửu phùng tứ nhân bang” (nhóm bạn rượu bốn người) chợt kích cảnh sinh tình, đọc thầm trong đầu bài Đường thi ngắn “Ngắm Hoa Uống Rượu” của thi sĩ tài tử Tư Không Thự:

 

Suy mãn thiên hành tuyết

Tha hương nhất thụ hoa

Kim triêu dữ quân túy

Vọng khước tại Trường Sa!

 

Nguyên tựa bài thơ là “Ngoạn Hoa Dữ Vệ Tượng Đồng Túy,” Vệ Tượng là tên người bạn đối ẩm của tác giả Tư Không Thự. Phỏng dịch nghĩa bài thơ:

 

Đầu đã bạc tóc cả ngàn sợi

Đất khách có được một khóm hoa

Sáng nay tôi được say cùng bạn

Quên đi chuyện khổ chốn Trường Sa!

 

Xin chú thích về địa danh Trường Sa, là nơi lam chướng và khổ ải thuộc nội địa Trung Quốc. Không phải đảo Trường Sa đang xảy ra tranh chấp lãnh hải địa lý chính trị gay gắt giữa Trung Quốc, Việt Nam và vài nước vùng Đông Nam Á. Vả lại, xưa nay sử sách Trung Quốc thường gọi hai đảo xa xôi Hoàng Sa, Trường Sa là Tây Sa, Nam Sa.

 

Nhà báo Long Ân (đã mất), trong những tháng năm, sống khốn đốn vì đam mê nghề viết và nợ làm báo tại Hoa Kỳ, thường mượn men rượu để tiêu sầu, một lần đã ứng khẩu đọc một đoạn thơ ngắn có một câu hàm ý tưởng triết lý nhân sinh:

 

Rượu còn na chai, đi cũng vy ...

 

Tuy nhiên, với tình cảnh tuổi tác và công ăn việc làm giờ đây của cả “tửu phùng tứ nhân bang” chúng tôi, ai cũng đều đã hơn lục thập nhi nhĩ thuận hay ngấp nghé thất thập cổ lai hi, người viết mạn phép Long Ân cố tiên sinh được sửa hai chữ trong câu thơ thành “Rượu sp cn chai, đi cũng vy” thì mới tương hợp với những người đang phải bảo trọng sức khỏe, giữ ý tứ từng bước cẩn trọng đi lần xuống dốc, từ từ hạ san trong nắng vàng hoàng hôn ngày qua từng ngày...

 

 

Tháng qua tháng, năm qua năm, lặng lờ như dòng nước chảy ... Xuân đến rồi xuân đi, lãng đãng như áng mây trôi ... Nhưng mỗi năm, vào độ giữa tháng Chạp, thanh điệu và hương sắc mùa xuân như lao xao đâu đó, báo hiệu một sự trở về của mùa xuân, sau một chu kỳ đã qua hết ba mùa hạ, thu, đông. Lòng người cũng ít nhiều man mác, xa xôi trong tiết xuân về, mỗi khi nghe lại hay hát khẽ đôi câu của một xuân khúc, giai điệu du dương, lời nhạc thi vị, tình tứ: Một vùng mây trắng, bay đi tìm nhau/ chẳng còn thấy nhau, mắt hoen hoen sầu/vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi ... Em biết không em, anh như bóng mây tìm nơi đỗ bến/Đâu bến xa vời mà tình vẫn rơi, mây hoài vẫn trôi ... (Bản "Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa?" của Nhạc Sĩ Quốc Dũng).

 

Người đời cũng thường hay than vãn mùa xuân qua mau, tuổi xuân chóng tàn. Trải nghiệm qua kiếp nhân sinh cũng vậy, niềm vui thường ngắn ngủi còn nỗi buồn thì lê thê, hạnh phúc thì khó giữ mà khổ đau thường khó phai. Nhà thơ lãng mạn nổi tiếng Lamartine cũng ở vào tâm trạng sợ “niềm vui ngắn ngủi, hạnh phúc khó giữ” khi cùng người yêu Elvire tình tự bên bờ hồ Bourget đã thốt ra những dòng thơ để đời:

 

O temps, suspend ton vol!

Et vous, heures propices

Suspendez votre cours...

(Ôi, thời gian! Hãy dừng cánh lại

Giờ vàng ngọc, xin hãy khoan bay...)

 

Bởi thế, trong đời thường hay trong khoa học, nhận thức về thời gian đều cho ý nghĩa của thời gian là tương đối (relative). Theo sự nhận xét của nhà văn Võ Đình Cường thì trên trái đất này không có thời gian chung cho cả vạn vật, cho cả nhân loại, mà thời gian trôi qua mau hay chậm tùy sự cảm nhận, tùy tâm trạng, tùy cảnh ngộ qua bài viết “Nghĩa Thời Gian,” như sau:

 

Một phút chờ đợi dài hơn một giờ hạnh ngộ

Một ngày vui qua mau như tiếng pháo nổ

Một đêm đau khổ dài tợ một thế kỷ đứng yên ...

 

Đối với chúng ta, có phải khát vọng hay nỗ lực đi tìm thời gian hạnh phúc dài lâu, một mùa xuân miên viễn là ảo vọng, là phi lý? Nhưng không hẳn vậy trong tư tưởng Thiền học. Theo đó, người tu đạt Thiền đạo có thể sống một thế giới mùa xuân miên viễn cho tới ngày chấm dứt đời sống xác phàm. Trước nhứt người tu Thiền phải cảm niệm “mùa xuân miên viễn” khác với “mùa xuân thời tiết” có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cứ năm này qua năm khác. Kế đến, người tu Thiền quan niệm vẫn sống ‘với’ và ‘trong’ hiện tại nhưng tránh bước trên “con đường hiện tại” (kim thời lộ) của người đời thường, tức con đường danh, lợi, tài, sắc mà ai nấy đang ganh đua, chen lấn nhau mà đi ... Được vậy, một mùa xuân không còn lệ thuộc thời tiết bốn mùa, nóng lạnh, mưa nắng, và không chú trọng tới "thời gian" được xem đó là “mùa xuân thoát ra khỏi mùa xuân thường” (kiếp ngoại xuân) sẽ đến như trong câu kệ:

 

Bất đạp kim thời lộ

Thường du kiếp ngoại xuân

 

tạm dịch nghĩa:

 

Không giẫm đường trần hôm nay

Mùa xuân ngoại kiếp dạo hoài thảnh thơi

 

Coi vậy chứ khó lắm ai ơi! Thuyết dị hành nan. Nói dễ mà làm thì khó. Bởi vì như Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông đã viết một câu nhạc rất sát nhân sinh và cận nhân tình trong bài Chiều Mưa Biên Giới là: “vì người trần còn mơ bao khanh tướng mà đường trần còn nhiều mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi!...”

 

 

Đêm xuân, mưa lạnh ngoài trời. Miên man suy nghĩ đông tây chuyện nhân sinh thế sự, trong đó có con đường trần mưa bay gió cuốn vì người trần còn mơ bao khanh tướng mà chỉ có người không còn sống mới miễn phải đi, lòng chợt nhớ tới người bạn văn vong niên đã khuất bóng - Xuân Vũ. Nhà văn Xuân Vũ (tên thật Bùi Quang Triết) đã mất đúng vào ngày đầu năm 2005 tại San Antonio, Texas. Được biết anh là bạn học đồng liêu xứ Bến Tre thuở thiếu thời với danh tướng Ngô Quang Trưởng. Theo lời kể của Xuân Vũ, có lần được thân phụ của tướng Ngô Quang Trưởng dẫn cả hai chú thí sinh trẻ cùng đi thi bằng tiểu học, và cũng là bạn đồng môn (Trường Trung Học Mỹ Tho) với Kỹ Sư Khương Hữu Điểu, cựu thứ trưởng kinh tế thời trước 1975, anh đã đào thoát khỏi Việt Nam ngày 30 tháng 4, 1975 qua ngả Đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Qua Mỹ, anh sống chỉ một nghề cầm viết cho tới ngày nhắm mắt. Người viết còn nhớ anh rất thích hai câu cổ thi Trung Hoa dùng làm tiểu tựa của một bài “Chúc Phúc Hỷ” đã gởi tặng ái nữ anh nhân ngày vu quy:

 

Hảo tri thời tiết

Đương xuân nãi phát sinh

 

Có hai chữ được tách ra và ghép lại là bút danh của anh. Bút danh nhà văn Xuân Vũ (Mưa Xuân) được hiểu bao hàm nhiều ý nghĩa cao đẹp là “Mưa lành đúng tiết trời, mùa xuân bừng sống dậy.” Và người con gái nào đi lấy chồng cũng không mong mỏi gì hơn có được sự phúc hỷ tròn trịa nhất đời là mưa lành đúng thời tiết mùa xuân bừng sống dậy!

 

Tới đây, người viết cũng nhớ lại lời chiêm nghiệm nhân sinh mà các nho gia, thi sĩ xưa nay thường hay ngâm nga:

 

Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất kiến lai giả

 

Nhìn về phía trước thì không thấy người đã đi trước ta. Còn nhìn lại phía sau thì chưa thấy người sẽ đến sau ta. Tuy nhiên, trước ta và sau ta đều đã có và sẽ có những người như ta hiện hữu, hiện sinh hôm nay.

 

Mùa xuân cũng vậy. Trước mùa xuân năm nay là xuân năm ngoái, xuân năm xưa. Sau xuân này là xuân năm tới, xuân tương lai. Theo đó, người đời chúng ta cũng nên thanh thản mà đón và tiễn mùa xuân lãng đãng đến và đi.

 

Xuân đi rồi xuân cũng lại về. Vậy hãy mở lòng đón đưa mùa xuân với cảm niệm mùa xuân ngoại kiếp dạo hoài thảnh thơi, và với chút tâm tình lãng mạn nhìn nhân gian đón xuân sang, cùng chung hưởng những giờ phút tiết trời giao mùa của "đêm tân xuân hương thơm ngát, để xem gió xuân lay hoa rụng trước nhà ai?"

 

Phương phương tân xuân dạ

Hoa lạc đáo thùy gia?

 

 

 

 

 

LÝ MINH HÀO

 

 

 

(Tăng Mỹ Mỹ chuyển)

 

 

website counter