Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N 19 | VA(N 20 | VA(N 21 | VA(N 20 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | TA.P GHI 40 | TA.P GHI 41 | TA.P GHI 42 | TA.P GHI 43 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | LINKS | CÂ?N THÂ.N ! | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | CU'̉'I CHÚT CHO'I 1

VA(N 17

 

LẤY CHỒNG XA XỨ

(Huỳnh Trung Chánh)

 

 

Khí hậu Texas cũng di truyền được giòng máu ngang tàng hoang dại của những chàng cao bồi ngổ ngáo miền Tây thuở nào, nên đôi khi đang nắng thiêu đốt, chợt sấm sét nổi vang lừng, rồi thì mưa ồ ạt tràn ngập lụt lội đường xá, cuốn phăng xe cộ, nhà cửa, cầu kỳ… Mưa bão lụt lội Texas gây tai họa hơn cả những cơn động đất dữ dằn tại tiểu bang California, thế nhưng thím Mít lại cảm tình với giông bão chốn nầy. Xuyên qua màn nước trắng xóa, thím mường tượng ra hình ảnh cây dừa, cây cau ngả nghiêng đẩm mình trong cơn mưa đầu mùa tại quê hương yêu dấu. Ngồi trong câu lạc bộ, bao quanh bởi đồng nghiệp Việt, nói nghe tiếng mẹ, quan sát cơn mưa rào, thím cảm thấy mát mẻ, an ổn như đang sống tại quê nhà.

- Chị Mít ạ ! có chuyện gì mà con Sue rối rít chạy theo xin lỗi chị hoài vậy?, Thủy lên tiếng.

- Ơ ! nó giỡn mặt gọi tôi là "banana" chứ !

- Sao chị không "giũa" cho nó một trận !

- Dĩ nhiên là có ! Tôi nổi sùng gây : "Tên tao là Mít, đánh vần là M, I, T. Mít là jackfruit trong ngoài đều vàng lườm cả. Tao là thứ Á đông tự hào về màu da vàng, chớ chẳng phải là hạng mất gốc ham hố màu da trắng đâu ! Đừng giở giọng kỳ thị với tao !. Con Sue xin lỗi, đính chánh mãi là nó chỉ cà rỡn không hậu ý kỳ thị, nhưng ai tin được nó !

 

Trên nguyên tắc, thì không có vấn đề kỳ thị chủng tộc lộ liễu trong xí nghiệp, nhưng ai ngăn nổi chuyện ngấm ngầm, nhứt là từ trong đám thiểu số xô bồ nảy sanh ra lắm kẻ "cà chớn" vô nhân cách. Hiện tượng thấy rõ trong giờ giải lao tại câu lạc bộ là dân tộc nào quây quần theo dân tộc nấy : Mỹ trắng tán gẫu với Mỹ trắng, Mỹ đen tụ tập với Mỹ đen, Mễ quấn quít Mễ và Việt Nam cũng xúm xít bên nhau để kháo ba điều bốn chuyện. Dĩ nhiên, gần gũi với người cùng chủng tộc, ai cũng cảm thấy hòa hợp và thoải mái hơn, huống chi sau những giây phút căng thẳng thần kinh, bắt buộc phải nghe, phải nói tiếng nước người rắc rối, nhóm tị nạn tung tăng hội nhập với môi trường tiếng mẹ, sung sướng an lành như được tự do lặn hụp trong giòng nước mát. Trường hợp nàng "Mary Chuối" là một ngoại lệ. Tuy là người Việt chính cống, nhưng nàng chỉ muốn biến hóa thành trắng. Nàng sửa mũi cho cao, lột da mặt cho trắng, nhuộm tóc vàng óng ả, mang kính sát tròng mắt màu xanh … để tạo lốt Mỹ, và do đó, học đòi nói toàn tiếng Mỹ, lắng quắng chạy theo người Mỹ. Nàng lơ là tránh né người đồng hương, nên chẳng mấy ai thích dây dưa với nàng. Bọn Mỹ gán cho nàng biệt danh là "Mary Banana", tên Mỹ rặt nầy dĩ nhiên thời trang hơn cái tên cúng cơm Vũ Thị Gái khiến nàng tỏ ra vô cùng hãnh diện. Tên "Mary Chuối" phát xuất từ đó, chứ không ai có ác ý gợi đến gánh hàng rong chuối chiên, chuối nấu của nàng tại ngã ba Ông Tạ ngày nào. Chữ "banana", nguyên là một trong những tiếng lóng (1) mà người Mỹ dành cho dân Á đông : "Chink" và "Nip" vì chúng nhìn bọn da vàng nào cũng thành người Trung Hoa hay Nhật; "Slope" để chỉ chung cho đám mắt xếch; gọi "Guke" để chê bai hạng ngọng nghệu cù lần. Banana là trái chuối màu vàng, lột vỏ trắng tươi, nên gọi là "Banana" nhằm biếm nhẽ thứ da vàng mất gốc đua đòi Mỹ hóa mong lột xác thành trắng. Thấy công khai khinh lờn giỡn mặt mà Mary Chuối vẫn lóc cóc chạy theo, Sue nổi hứng ghẹo đến Mít không ngờ lại bị phản ứng khá mạnh.

 

Tránh nhắc nhở lại câu chuyện bực mình, Mít hỏi bâng quơ :

- Mưa Texas có nét tương đồng với cơn mưa tầm tã nước mình phải không các chị ?

- Đúng vậy ! thuở ấu thơ mà được mưa to như thế nầy tắm vui biết mấy ! tranh dành được chỗ máng xối, nước đổ ào ào như thác chảy hấp dẫn làm sao ấy !, Thanh lên tiếng.

Thủy góp ý :

- Với em, tiếng mưa rơi là điệp khúc buồn khôn nguôi ! Có lẽ em chịu ảnh hưởng của bà già ! Thấy trời mưa là mẹ rưng rưng nước mắt. Quê ngoại gần xịt, cách có giòng sông Hậu, mà bà cứ than thở "thân phận lấy chồng xa xứ" nhớ nhà, nhớ quê ! Bà thường áo não cất tiếng ru :

Chim đa đa, đu cành đa

Chng gn không ly, li ly chng xa

Nh sau cha yếu, m già

Chén cơm, đôi đũa, b k trà ai dâng ?

- Có gì lạ đâu ! thuở xưa đường giao thông trắc trở, chỉ có người đàn ông thỉnh thoảng còn đi đó đi đây, chớ người đàn bà luôn luôn an phận lúc thúc trong nhà. Lấy chồng xa, đã bước ra đi thì coi như vĩnh biệt, chẳng có ngày về !, Mít giải thích.

Tuổi càng lớn càng nhớ quê hương "kịch liệt", Bác Tám nghe lóm đám đàn bà tán chuyện thấm thía nỗi niềm riêng, bùi ngùi chen vào :

- Ơ ! thân phận tị nạn của chúng mình, đàn ông hay đàn bà gì, thì cũng chẳng khác thân phận người đàn bà lấy chồng xa xứ ngày xưa bao nhiêu ? Khi vượt biên là đã đứt đoạn đường về, đâu còn dịp nhìn lại cha mẹ, họ hàng, xóm làng, bè bạn … nữa. Ôi ! …

Bác Tám cất giọng lâm ly như sắp vô sáu câu vọng cổ hoài lang, chợt thắng đứng lại, khi thấy nàng Mary Chuối lừng khừng bước đến. Sự hiện diện của nàng Mỹ lai căng nầy quá đỗi lạ lùng, khiến cả bọn ngạc nhiên nghi ngại, nên ai cũng dè dặt lặng yên chờ đợi.

Mary Chuối xề đến ghế trống cạnh Mít, ngập ngừng lên tiếng :

- Em xin phép ngồi đây góp chuyện với các chị nhé !

"Ối giời", Mít thầm nghĩ, "Mụ nầy chịu nói tiếng Việt quả là chuyện động trời ! thảo nào mà mưa gió bão bùng ngoài kia ! Hay là mụ ta định dò thám vụ đụng độ của mình với con Sue chớ gì". Mít hơi khó chịu nhưng vẫn nhỏ nhẹ mời mọc :

- Xin chị cứ tự nhiên !

Trước thái độ lạnh nhạt của mọi người, Mary Chuối khép nép ngồi xuống rồi ngượng ngập mở lời :

- Em có chuyện rối lòng, rất mong được thỉnh ý quý chị !

- Sao không vấn kế các bà Mỹ, nước non chữ nghĩa của họ, họ rành rẽ, chớ bọn nầy khù khờ đâu biết gì !, Thanh mỉa mai.

- Lòng dạ người Mỹ khác người mình mấy chị à ! Họ đâu có thể cảm thông nỗi đau khổ của em ! Số là mấy ngày trước, sau bữa tiệc rộn rịp mừng sanh nhựt thứ mười tám của con gái em, thì nó liền bỏ học, rồi cuốn gói theo thằng bạn trai sống công khai như vợ chồng. Em khuyên răn, năn nỉ, dọa nạt, ngăn cản nó bằng đủ mọi cách đều không hiệu quả, vì nó khăng khăng cho rằng nó đã thành niên nên được tự do định đoạt số phận của nó … Em than thở và nhờ đám bạn Mỹ liệu kế giúp đỡ, mà tụi nó chỉ bàn chuyện ăn trớt gì đâu không hà ! Con Sophia cười hô hố: "Mầy khờ khạo quá ! Nó dọn đi mầy vừa đỡ tốn hao lại được tự do bằng thích mà phàn nàn nỗi gì ! Con tao đúng mười tám tuổi, không ra khỏi nhà tự lo thân thì tao cũng đá đít đuổi đi tức khắc …". Con Wendy bĩu môi chê : "Đầu óc mầy lạc hậu quá, con nít nó cũng có quyền tự do của nó chớ !". Con Laura thì ra giọng dạy đời : "Ôi ! đừng thèm nuôi con nít làm gì ! Tụi nó phá phách, đòi hỏi đủ điều, tốn hao phiền muộn cho chúng rồi chúng cũng phản phé bỏ mình đi mất. Bởi vậy tao khoái nuôi chó với mèo, nó ở mãi với mình, trung thành với mình, mà chẳng tốn kém là bao ! …". Các chị cũng có con cái, các chị có kinh nghiệm gì chỉ dẫn em thể thức nhờ Cảnh Sát hay Tòa án đem con em về, chớ để nó sống đói rách với thằng bồ đó em điên mà chết …

 

Từ lâu, người ngợm Mary Chuối là một hiện tượng quái đản, một mục nhọt nhức nhối cộng đồng Việt nhỏ bé tại xí nghiệp nầy. Mít thầm khinh khi và xa lánh con người mất gốc đó. Bất ngờ, trong con người tưởng chừng như không còn một chút xíu gì là Việt Nam đó, khi thương con, lo lắng cho con thì cũng tràn trề tình mẹ, như bất cứ người mẹ Việt Nam nào khác. Cảm thông với người mẹ khổ đau, Mít dịu dàng an ủi :

- Chi ạ ! sống ở xứ nầy, chị em mình ai mà chẳng bạc đầu vì con ! Em chỉ có thằng con trai mà cũng điêu đứng nghẹt thở với nó !

Xây qua Thanh và Thủy, Mít tiếp lời :

- Hai chị đều có con gái, đã có kinh nghiệm đầy người, sao không góp ý giúp chị Mary đi !

- Luật lệ nước nầy qui định mười tám tuổi là đã thành niên, tự do chọn nếp sống, nên theo nguyên tắc thì chị không thể ngăn cản con chị ra riêng được. Chị chỉ có phương cách duy nhất là năn nỉ, giải thích cho nó hiểu để nó tự động về nhà mà thôi !, Thanh lên tiếng.

- Ôi ! em đã năn nỉ đủ mọi cách mà nó vẫn cương quyết bỏ học theo thằng đó, hai đứa đi làm bồi bàn sống bữa đói bữa no, thế mới đau xót chớ !

- Theo tôi thì mình phải hướng dẫn, răn dạy chúng từ lúc chúng còn nhỏ kia, chớ đợi đến lúc nầy thì khó lắm !, Thủy góp ý.

- Em cũng muốn dạy bảo chúng nó chớ ! nhưng nói tiếng Việt thì chúng ngẩn ngơ, còn mới sử dụng một câu tiếng Mỹ thì chúng đã ào ào viện dẫn đủ mọi lý lẽ, em không hiểu nổi thì còn tranh cãi gì với chúng được ! Có một lần bố chúng nổi nóng, vừa dợm cầm roi thì chúng đã chụp điện thoại đe sẽ gọi cảnh sát 911, nên đâu còn dám hó hé gì nữa !

Bác Tám già lại chen vào bàn chuyện với đám đàn bà :

- Thật ra, mình phải thấy cái nguyên nhân sâu xa kìa ! Lũ con cháu chúng mình, phải sử dụng hơn hai phần ba thời giờ, sống trong môi trường Mỹ, học hành, sinh hoạt, tiếp xúc thầy bạn … Mỹ, nên đương nhiên chúng phải tiếp nhận nền văn hóa xứ người; đó là việc không tránh được ! Vấn đề của chúng mình là làm sao vạch rõ chúng thấy văn hóa Việt Nam mình có những điểm cao quý như tình gia đình, lễ nghĩa, hiếu kính … phải gìn giữ, và ngoài ra, tuy cũng cần hội nhập văn hóa xứ người, nhưng phải biết tránh tiêm nhiễm thói hư tật xấu của họ …

Mỗi người nói một câu, tuy không ai trực tiếp giải quyết điều gì, nhưng được mọi người quan tâm chia xẻ nên Mary có lẽ cũng nguôi ngoai nỗi niềm đau. Giờ giải lao chấm dứt, thợ thuyền kéo nhau trở lại cơ xưởng làm việc. Mít đi sát bên Mary, khẽ an ủi :

- Cháu nó đi bụi đời một thời gian, nếm chút đau khổ thì mới biết thương mái ấm gia đình, chừng đó, cháu sẽ quay về với chị, chị đừng buồn lo lắm ! Mà ở xứ nầy, đâu ai coi chuyện trinh tiết là quan trọng ! Chị thương yêu chăm sóc thì cháu sẽ làm hại cuộc đời tốt đẹp chớ chẳng có điều gì nguy hại lắm đâu !

 

***

Tan sở ra về, trời tiếp tục mưa to, nhưng Mít vẫn cương quyết lái xe đi xa hằng mươi dặm đến chợ Việt Nam mua vài món gia vị đặc biệt, chuẩn bị những bữa cơm đón đứa con trai học Đại Học Austin, về nhà sum họp trong mấy ngày lễ Tạ Ơn. Suốt ngày làm việc cực nhọc, lại lái xe đường xa, thời tiết cực kỳ nguy hiểm, nên khi về đến nhà Mít đã mệt nhoài. Tuy nhiên, vừa tưởng tượng đến vẻ mặt thích thú của thằng con khi thưởng thức món ăn khoái khẩu, lòng Mít rộn ràng sung sướng, thím tung tăng xách giỏ thực phẩm nặng trĩu vào nhà, tíu tít hỏi han chồng để che dấu nỗi mỏi mệt, rồi phóng ngay vào bếp, lăng xăng nấu nướng. Mít vẫn trung thành với truyền thống của người mẹ Việt Nam ngàn đời, là luôn luôn gói ghém tình thương ngọt ngào của mình cho chồng con qua việc tận tình chăm sóc những bữa ăn tươm tất. Thằng bé lớn lên xứ người, nhưng Mít vẫn cố gắng dạy con sống theo nề nếp dân Việt, nói tiếng Việt, cũng như tập cho con ghiền thức ăn thuần túy Việt. Ghiền món ăn của mẹ, thì dẫu già đời, đứa con cũng thích quay về nhà, nếm hương vị ngày xưa, chớ không xa lìa biền biệt như con cái xứ người. Chính vì vậy, Mít đã đón con bằng một nồi "mắm sặt và rau", một món ăn quê mùa rẻ rề xứ mình nhưng lại cầu kỳ rắc rối tại xứ người.

Cơm nước chuẩn bị sắp xong vẫn chưa thấy con về, thím Mít bồn chồn trông ngóng. Thím luống cuống hỏi chồng :

- Anh Năm ơi ! Sao đến giờ nầy mà thằng Sơn chưa về ?

- Ơ ! có gì đáng lo lắng đâu ! thời tiết xấu nên nó về trễ một chút vậy thôi !

 

Mít chợt nghe đau nhói ở ngực, ngột ngạt xuýt khuỵu xuống, khi nghĩ đến điều gở có thể xảy đến cho con trên xa lộ hiểm nghèo. Cơn đau của thím vụt tan biến, khi có tiếng chân bước rầm rập, rồi thằng bé phóng vào mang theo niềm vui rộn rịp cho cả nhà. Thằng bé reo vang khi nghe mùi vị mắm quen thuộc. Sơn tíu tít kể chuyện, vừa phụ giúp mẹ dọn bàn. Thế rồi, cha con chồng vợ, sau mấy tháng mới có dịp kề cận bên nhau trò chuyện, vừa thưởng thức bữa cơm gia đình ấm cúng và tràn đầy hạnh phúc. Nhìn cảnh hai cha con tận tình chiếu cố món ăn khoái khẩu, mà người nội trợ mát lòng mát dạ. Cùng ngồi ăn, nhưng thím chỉ nhai và nuốt. Bao nhiêu tâm trí thím đều đổ dồn cho con, thím say sưa thưởng thức con, như một người nghệ sĩ thưởng thức danh tác của họ. Tác phẩm của thím toàn bích, từ dung mạo cho đến tánh tình, từ chuyện học hành đến chuyện chơi đùa … chuyện gì cũng khiến thím hỉ hả hãnh diện trong lòng.

- Má ơi ! má !…, thằng bé đả đớt gọi mẹ.

Mít vẫn thích thú được con nhõng nhẽo, dẫu cho đến ngày đứa con biến thành cụ già. Thím xây qua bẹo càm con, ngọt ngào lên tiếng :

- Gì đó con trai cưng !

- Ơ ! con Pat nó muốn đến nhà mình chơi ngày mai !

Mít giật nẩy người như đỉa chạm phải vôi. Thím hơi sẵng giọng :

- Con Pat nào ? Phải con tóc vàng, miệng rộng … đến nhà chào má một cái, rồi phóng tuốt vào phòng con đóng cửa kín mít phải không ?

Sơn bẽn lẽn :

- Dạ !… con gái xứ nầy mà má. Đứa nào cũng tự nhiên, bạo dạn như vậy cả. Mấy đứa Việt Nam như Lyly, Mimi … đến nhà mình cũng chui vào phòng con kia mà !

Dĩ nhiên Mít dư biết điều đó, nhưng linh tính đàn bà báo cho thím biết nguy cơ ngấm ngầm bắt nguồn từ cô gái Mỹ nầy, nên thím đã phải lưu ý từng chi tiết.

- Ừa ! đến chơi thì đến ! mà việc gì phải xin phép ba má !

- Ơ ! tụi con thương nhau …, tính chuyện thiệt tình, nên nó muốn con giới thiệu ba má …

Viễn ảnh về một cô dâu Mỹ từ lâu vẫn ám ảnh Mít, nhưng thím đâu ngờ thảm trạng ghê gớm đó xảy ra đột ngột đến thế. Sau một thoáng sững sờ chết lặng, thím run rẩy gắt gỏng hét :

- Má không đồng ý ! không có vụ giới thiệu giới thiếc gì hết ! Má không muốn thấy mặt con đó đến nhà nầy !

Thấy thằng bé buồn hiu, xuội lơ … và có lẽ cũng tự biết phản ứng của mình quá quyết liệt, Mít dịu giọng :

- Con còn nhỏ lắm ! nghĩ đến chuyện bồ bịch làm cái gì ?

- Con đâu còn nhỏ nhít nữa. Con đã lớn khôn, đối đáp với người ngoài con đâu có thua sút ai đâu ?

- Ý má là con phải chuyên tâm học hành, chớ bày đặt dính líu tới con gái thì tương lai lở dở đi !

- Vậy miễn là con học giỏi thì má cho con tự do luyến ái hén ! … Nè, xin má xem bảng kết quả học vấn của con đây ! môn nào con cũng được A cả mà ! …

Nhận thấy đứa con vốn ngoan ngoãn vâng lời mình, nay mới dính líu tới đứa con gái Mỹ đã cù cưa đối đáp, Mít giận dỗi hét vang :

- Giao thiệp với ai cũng được ! mà tuyệt đối cấm liên hệ với con đó. Thứ con gái gì trơ trẽn, không chút lễ độ, ưa hổng vô … Mà tại sao đám con gái Việt, con bà Thanh và bà Thủy đứa nào cũng ngoan ngoãn dễ thương sao con không chọn …

- Má kỳ thị người Mỹ ai mà chẳng biết ! Đám bạn con đến nhà : gái Việt thì má vồn vã, gái Mỹ thì má lạnh lùng, má không cho người ta có cơ hội thân thiện thì làm sao đánh giá người ta được !

Tiếng Sơn nói càng lúc càng lớn, lộ vẻ uất ức nhưng không đến nỗi hỗn hào :

- Con nói thiệt, con thương má con nghe lời má mọi chuyện nhưng chuyện yêu đương của con thì con sẽ làm theo ý con. Má không thể ép con được đâu ! Con cưới vợ cho con chớ đâu phải cưới vợ cho má, mà má muốn chọn lựa người đúng theo ý má …

Mít uất ức khổ đau vô hạn, thím không ngờ đứa con mà cả đời thím hi sinh, thương yêu dạy dỗ, nay lại có thể đôi co cãi lý với thím. Trong một thoáng chán chường, thím bỗng có ý nghĩ chết quách cho rồi, hoặc trốn đi biền biệt hay vĩnh viễn từ con, coi như không hề sanh ra nó.

- Sơn con ! - chú Năm bỗng nhiên lên tiếng, giọng chú chậm nhưng nghiêm nghị - dĩ nhiên trong việc hôn nhân, con được tự do chọn lựa người con thương, dù đó là người Việt hay ngoại quốc …

Mít sa sầm nét mặt thầm trách ông chồng lè phè không chịu dạy con, giờ nầy mới lên tiếng thì lại "bắt giàn cho nó leo". Thím phiền ông xã bao nhiêu thì thằng con hí hửng khoái "ông già" bấy nhiêu.

Chú Năm ngọt ngào nói tiếp :

- Tuy nhiên hôn nhân là việc quan trọng, ảnh hưởng đến suốt đời con, nên ba má phải lưu ý một chút, mà nếu má con có quan tâm hơi nhiều, chẳng qua vì bả thương con quá sức, lo sợ con bị lầm lạc đau khổ vậy thôi. Dù sao, ba cũng xác nhận ba má chỉ góp ý, còn con mới chính là người quyết định chuyện hôn nhân của con, con đồng ý không ?

- Dạ !

- Vấn đề trước mắt là chuyện học của con, đó là ưu tiên hàng đầu mà cả đời ba má lo lắng cho con. Năm qua con học khá, nhưng con còn đến ba năm nữa mới ra trường, mà ba không muốn chuyện tình ái ảnh hưởng đến việc học của con. Vậy ba quyết định như thế nầy : Bây giờ con có thể giao thiệp, nhưng không yêu đương sâu đậm, không hứa hẹn, không chung sống …, đợi đến khi ra trường thì con tự do chọn ai kết hôn cũng được, ba má không ngăn cản gì hết … Con đồng ý không?

- Dạ !

Thấy thằng bé tuy đồng ý mà có vẻ gượng gạo, chú Năm tiếp tục thuyết phục :

- Ba biết rằng con tự tin con đủ khôn ngoan để đương đầu đủ mọi vấn đề rồi! Điều đó dĩ nhiên chẳng có gì sai quấy, vì đúng ra, ba còn có thể xác nhận là con khôn và hiểu biết về nước Mỹ hơn ba nhiều. Nhưng chắc con đồng ý với ba điểm nầy : so với năm qua, mức độ khôn ngoan của con năm nay tiến xa vượt bực phải không ?

- Dạ ! quả thật như vậy !

- Đó ! cứ mỗi năm con sẽ khôn hơn một bực, ba năm nữa ra trường rồi, con sẽ khôn ngoan, hiểu biết hơn năm nay nhiều lắm. Chừng đó, con muốn yêu ai, kết hôn với ai, ba má cũng tán đồng tất cả. Chớ bây giờ con lậm tình quá sớm, học hành chểnh mảng, thì làm sao có nghề nghiệp vững chắc nuôi vợ nuôi con. Con có tin chắc rằng con Pat vẫn thương con, nếu con là kẻ vô gia cư, vô nghề nghiệp chăng ?

Ngưng một chút để cho con suy tư, chú Năm mới tiếp tục, giọng nghiêm trang quyết liệt :

- Tóm lại, nếu con thương ba má, biết vâng lời ba má, thì con hãy chấm dứt chuyện yêu đương lẩm cẩm: không hứa hôn, không chung sống … với ai trong lúc nầy. Con hẹn với con Pat ba năm nữa, nếu nó vẫn thương con như bây giờ thì ba rất vui lòng, còn má con dẫu không vui nhưng rồi cũng sẽ chấp nhận tác thành hai đứa …

Tuy không tin chắc đứa con hoàn toàn nghe lời mình, nhưng thấy vẻ mặt nó hòa hoãn, không còn lộ nét bất mãn nữa, chú Năm tạm yên lòng. Chú nghĩ, chuyện dạy con cần phải uyển chuyển, từ từ giảng giải mới mong thấm sâu, nên chú đổi đề tài sang hướng khác. Chú cười vui vẻ rồi cất tiếng :

- Nè ! con nên nhớ nằm lòng rằng má con là thứ "Mít" chánh cống, tuy sinh sống ở nước ngoài mà lòng dạ, tư tưởng của bả vẫn rặt ròng là "Mít" ! Ơ ! mà con có hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của chữ "Mít" chưa ? Chuyện dài dòng xa xưa lắm, thuở mới xâm lăng nước ta người Pháp gán dân Việt là "An-nam-mít", tiếng lóng gọi tắt là "dân Mít", danh xưng nầy là một sự mạ lỵ, nhắc nhở tủi nhục của thời lệ thuộc Trung Quốc khiến người Việt yêu nước phẫn uất chống đối. Tuy nhiên, sau một thời gian tranh đấu không xóa bỏ được chữ nầy, người xưa nghĩ đến giải pháp là hiên ngang tự nhận mình là dân "Mít" với tất cả niềm tự hào dân tộc. Điều nầy cũng tương tợ như chuyện gần đây, có những người bị gọi sỉ nhục là "ngụy", bèn ưỡn ngực chấp nhận mình là "ngụy" với sự hãnh diện trong lòng. Ông cố ngoại con là nhà nho yêu nước khi bôn ba xứ người cảm thấy thương nhớ gốc mít đậm đà : Mít là dân Việt và cũng là hình dáng quê hương gầy guộc qua gốc xoài, gốc mít. Ông cố ngoại đặt tên má con là Mít chính vì lẽ nầy …

Chú Năm vỗ vai con cười hề hà :

- Nè con ! Ba má đâu thể giữ con trong vòng tay ba má mãi được, rồi đây, có ngày con sẽ xa ba má, như con chim đủ lông đủ cánh vươn mình bay cao. Niềm ước mơ của ba má là mong con giữ chút đạo đức gia phong và đừng bao giờ chối bỏ gốc "mít" của mình, vậy thôi !…

 

***

Mít thất vọng chán chường. Bao nhiêu tình thương và tin tưởng thím đặt trọn vào đứa con trai cưng. Thím hi sinh tất cả cho con, dẫu phải tan xương nát thịt để chăm sóc cho con, thím chẳng hề ngần ngại. Ước mơ đơn giản của thím là được gần gũi con cháu, một nhà vui vầy vậy thôi. Thế nhưng coi bộ chuyện đó có vẻ gay go mù mịt lắm ! Ôi dâu Mỹ làm sao thấu hiểu tình gia đình quấn quít, đâu dễ gì cảm thông tình mẫu tử thả lỏng chồng về thăm nom cha mẹ. Con quên mẹ nhưng mẹ làm sao quên con được ! Rủi ro thím nhớ con, lò dò đi thăm nó cũng đâu phải chuyện dễ dàng : con dâu nó dám viện cớ không có hẹn trước, bận rộn, thiếu chuẩn bị … cấm cửa không cho vào nhà thì lại bẽ bàng ! Thím lại nghĩ đến đám cháu nội tương lai mà lo lắng chẳng biết bà nội có quyền bồng ẵm, tưng tiu chăng? Và dù giận con, nghĩ đến chuyện ăn uống của nó thím lại bồn chồn rối rắm : thằng nhỏ quen được chiều chuộng, chăm sóc …, thế mà sẽ bị đày đọa, cho "dộng" toàn bộ đồ hộp ngán ngẫm thì chịu đời sao thấu ?

Chú Năm ái ngại nhìn dáng dấp thiểu não của vợ, ân cần an ủi :

- Em à ! chuyện đâu còn đó ! rầu rĩ làm gì cho nhọc xác !

- Nè em ! thằng con mình tương đối cũng ngoan ! thủng thẳng dạy dỗ rồi nó cũng nghe lời mình mà !

Vỗ về đôi phen, mà mụ vợ vẫn bùng thụng hờn dỗi, chú Năm bèn trỗi giọng cười cợt trêu ghẹo :

- Chà ! coi bộ người ta sắp có con dâu Mỹ nên làm tàng quá hén ! Nè ! tui báo cáo cho bà biết : bọn Mỹ yêu cuồng sống vội, đâu đứa nào chịu hẹn hò ! vài tháng chờ đợi là nó đã kiếm thằng khác rồi. Bà dễ dầu gì có được dâu Mỹ đâu mà lộ vẻ đắc chí quá sớm như vậy ?

Té ra ông chồng chỉ dùng kế "hoãn binh" chớ không hùa theo phe với thằng con, hiểu ra. Mít thấm ý tủm tỉm cười :

- Rủi như ba năm nữa, mà con đó vẫn còn thương thằng Sơn thì ông quyết định ra sao ? Mít vẫn còn lo lắng.

- Trường hợp đó hiếm hoi a ! Ơ … mà rủi ro hai đứa nó thương nhau chân tình, ba bốn năm chẳng đổi thay thì cũng đáng khen, thôi thì mình cũng nên tác hợp cho chúng nó.

Đang hớn hở Mít bỗng tiu nghỉu, rồi chắc lưỡi thở than :

- Ôi ! Con cái thời buổi nầy chỉ toàn gây phiền não cho cha mẹ mà thôi !

- Em ạ ! thật ra ở thời đại nào giữa con cái và cha mẹ cũng có những điểm cách biệt. Đòi hỏi của con cái bao giờ cũng bị coi là quá trớn, là nguyên nhân gây khổ đau cho cha mẹ cả ! Uốn tốc quăn, mặc quần trắng, áo eo, quần ống túm ống xòe, mang guốc cao gót … ngày nay là việc bình thường nhưng có thời cũng bị lên án là đua đòi chuyện động trời động đất !… Thôi em ạ ! bỏ qua chuyện thằng nhỏ đi ! Thông cảm nó như ba má đã bao dung, tha thứ biết bao hành động lỗi lầm sai trái của mình ngày xưa. Mình cũng làm cho ba má điêu đứng "y chang" như ngày nay thằng con gây ra cho mình ! Không nói dông dài, chỉ riêng chuyện chúng mình lẹo tẹo với nhau cũng đã làm cho ổng bả nhức đầu nhức óc lắm rồi !

 

Chuyện tình của Mít lâm ly, gay cấn từng hồi, Mít ghi nhớ không sót một chi tiết nhỏ. Bà già vốn mơ ước con rể là một giáo sư đạo mạo, hiền lành, lại hiểu rõ xuôi gia … chớ đâu chấp nhận bản mặt "du côn", đi sĩ quan Biệt Động hiểm nghèo như "cái ngữ" đó. Điều éo le là Mít lại mê cái bản mặt "ba gai" ngang tàng của chàng quân nhân Biệt Động, nên nhất quyết sống chết vì tình, dọa bỏ nhà bỏ cửa, bỏ học, tự tử …, để cuối cùng biết không thể khuyên lơn cấm cản được ổng bả đã phải nhượng bộ cô con gái. Từ chuyện nầy dắt dây qua chuyện khác, thím hồi tưởng cả quãng đời niên thiếu, thực sự quán sát mình, để bàng hoàng khám phá rằng mình cũng là đứa con tội lỗi ngập trời, chớ không phải là người con hoàn toàn hiếu thuận, ngoan ngoãn như từ trước đến nay thím từng yên trí.

 

Ôi ! không biết thời bú mớm Mít đã đày đọa mẹ thế nào, nhưng thời bé thơ còn nhớ được, Mít là đứa con cưng được nuông chiều, nên nhõng nhẽo và bướng bỉnh ngoại hạng. Đòi hỏi nào của con bé cũng có giá trị như mệnh lệnh để mẹ phải cuống quít hầu hạ. Mẹ mà chậm chạp một chút, thì bé giận dỗi, bỏ ăn bỏ uống cho mẹ phải năn nỉ ỉ ôi. Ăn uống mẹ phải đích thân đút, ngủ mẹ phải ru, phải quạt …, thế mà, bé vẫn thường dẫy nẫy khóc la làm tình làm tội mẹ. Bé yếu đau nhẹ nặng gì cũng có mẹ âu yếm chăm sóc chẳng rời, đã vậy, bé còn cố ý rên to, cho bà cuống cuồng sợ hãi.

 

Lớn lên, tánh nào tật nấy, mình cũng ham hố ganh đua với bè bạn, đòi hỏi cho được áo quần, giày dép, xe gắn máy thời trang, để cha mẹ phải sói đầu quần quật kiếm tiền cung phụng. Đã vậy, tuổi dậy thì tâm tính biến đổi kỳ hoặc, chợt vui, chợt buồn, chợt lầm lỳ quạu quọ. Nhưng vui là vui với bè bạn, chớ về nhà chỉ biết câu mâu, nhăn nhó, đày ải mẹ, thế mà mẹ vẫn vui vẻ xum xoe bên con để cưng yêu chiều chuộng và cũng để chầm chập kiểm soát giữ gìn. Mẹ kềm kẹp kể ra khá nghiêm nhặt : mẹ cấm đoán giao du, kiểm soát giờ giấc, lục lọi thơ tín, mà lại còn ron ren dò xét cả chuyện kinh nguyệt trồi sụt nữa. Thời đó, Mít bực bội, oán giận bà, lên án bà cổ hủ, vô lý, bất công …, nhưng giờ đây, có con lớn, từng nơm nớp sợ con sa vào băng du đảng, vướng xì ke ma túy, bệng Aids nan y … Mít mới thấu hiểu được nỗi phập phòng âu lo canh cánh của mẹ đối với đứa con gái thơ ngây hơ hớ trước bẫy rập của cuộc đời. Cũng nhờ nhớ lại tâm trạng mình khi tiễn con đi học đại học xa nhà, đường liên lạc thuận tiện, mà đã đờ đẫn như chết nửa thân người, thì Mít mới hình dung được nỗi đớn đau ruột gan quặn thắt của mẹ, khi bà phải gượng gạo dối lòng cắn răng khuyên con vượt biên chọn con đường sống.

 

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

 

Mít đã học thuộc làu làu câu ca dao từ thuở lên năm, nhưng phải đợi đến hơn bốn mươi tuổi, thực sự nuôi con, thực sự lo lắng đau khổ vì con, thím mới "thực chứng" được tình cha mẹ cao sâu diệu vợi như thế nào.

 

Ngày xưa, mỗi khi ru con cháu, mẹ thường rưng rưng lệ, thiết tha cất tiếng đong đưa

 

"à ơ, …

Cha mẹ ơi, sanh con là gái

Biết chừng nào trả ngãi mẹ cha !

Chừng nào cho cá hóa rồng

Đền ơn cha mẹ, ẵm bồng thuở xưa !"

 

Thuở đó, Mít ngạc nhiên chẳng hiểu câu ca dao tầm thường, vần điệu lệch lạc đó đâu có hay ho gì sao lại gây xúc động nơi bà. Té ra, tâm trạng bà như tâm trạng Mít hôm nay. Nuôi con mới thấu rõ được ân nghĩa cao sâu của cha mẹ, để bất chợt khám phá rằng chuyện trả ơn cha mẹ chỉ là chuyện không tưởng xa vời như chuyện cá hóa rồng mà thôi. Và, do đó, thương nhớ cha mẹ ngập tràn mà chỉ biết ngậm ngùi thở than …

 

Không cất tiếng ru, mà Mít cũng rưng rưng nước mắt, thím thầm thì :

- Ba má ơi ! công ơn của cha mẹ vô biên không ngần mé, thân con dẫu băm vằm cũng chưa chuộc nổi lỗi lầm huống chi viển vông nghĩ đến chuyện báo đền ân nghĩa. Con chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi, mơ một lần gần gũi ba má, được nghe, được nhìn, được rờ … được ấp ủ trong vòng tay gầy gò của ba má như thuở ấu thời. Rồi con sẽ hôn ba má và thưa rằng "Con thương ba má lắm ! ba má ơi !". Thế nhưng ước mơ của con mong manh quá, đời con vô phần bạc phước có lẽ chỉ có thể vô vọng trách than thân phận mình, thân phận kẻ lấy chồng phương xa :

"Than ôi ! cha yếu mẹ già !

Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng !?"

 

- Vừa nhắc tới ba má thì bà lại "mít ướt" (2) nữa rồi !, chú Năm ái ngại hỏi han vợ.

Sụt sùi một lúc lâu, Mít ngập ngừng cất tiếng :

- Anh Năm à ! có bao giờ cá hóa thành rồng không anh ?

- Chà ! điển tích ngư hóa long tui không mấy rành đa ! Chỉ biết trong thiền viện, chuyện con cá chép lội ngược giòng, vượt qua bậc tam cấp để thành rồng được so sánh như người hành giả lội ngược giòng đời, vượt qua ba ải tham, sân, si … thành bậc chánh đẳng chánh giác. Thành Phật thì cha mẹ đời đời kiếp kiếp cũng cứu độ được, ân nghĩa thâm sâu thế nào cũng đền đáp vẹn toàn phải không em ?

- Ôi ! anh đề cập chi chuyện không tưởng đó ! mình là con người tội lỗi, tham sân si mờ mịt làm sao dám ước mơ thành Phật ?

- Sao bà bi quan như vậy ? Theo lời Phật dạy thì bà là Phật sẽ thành (3) kia mà. Còn nói theo ngôn ngữ bộc trực của chư thiền sư thì bà đã là Phật sờ sờ (4) ra đó, tại bà chưa nhận chân ra được mà thôi !…

Rồi chú cất tiếng ngâm nga :

"Là cá hóa long tự thuở giờ !

Mê mờ nước đục dập dờ nổi trôi !"

 

--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú :

1. Tiếng lóng mỗi nơi mỗi khác. Những chữ ghi trong truyện nầy xuất hiện tại Houston và Dallas (Texas). Tác giả không rõ tại tiểu bang khác, những tiếng lóng nầy có thông dụng không ?

2. Mít ướt là loại mít múi mỏng cơm và nhão, được sử dụng theo nghĩa bóng để chỉ những kẻ mềm lòng, mau nước mắt …

3. Đức Phật dạy : "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành"

4. Giai thoại về câu hỏi "Phật là ai" có rất nhiều trong thiền sử. Xin đơn cử vài trường hợp điển hình :

a. Linh Huấn, đệ tử của Tri Thường, một hôm hỏi thầy :

- Phật là ai ?

- Ta sẽ nói cho ngươi, nhưng ngươi có tin không ?

- Dĩ nhiên là con tin.

- Phật chính là ngươi đó !

b. Một tăng sĩ hỏi Đại Long Tri Hồng :

- Phật là ai ?

- Phật là ngươi !

- Làm sao con hiểu ?

- Ngươi sợ bình bát không có quai à ?

c. Huệ Siêu hỏi Pháp Nhãn :

- Phật là ai ?

- Chính ngươi ! tức là Huệ Siêu đó !

Tuyết Đậu thiền sư, tác giả Bích Nham Lục, có bài tụng luận bàn như sau :

Giang Quốc xuân phong xuy bất khởi

Chả cô đề tại thâm hoa lý

Tam cấp lãng cao ngư hóa long

Si nhân do đậu dạ đường thủy.

 

Việt dịch của hòa thượng Mãn Giác :

Giang Quốc gió xuân thổi không lên,

Chim sáo hót trong bụi hoa sâu.

Ba bực sóng cao cá hóa rồng,

Kẻ mê vẫn múc nước hồ đêm.

(trích Bích Nham Lục)

 

Tác giả cũng xin phỏng dịch :

Gió xuân lặng tại xứ Giang

Thâm sâu hoa lý, hót vang sáo nhồng

Vượt sóng cao, cá hóa rồng

Người ngu lẩn thẩn tát sông tìm cầu !

 

Tác giả cũng xin góp chút thiển ý : Cá hóa long mà chưa nhận chân được mình là rồng, thì đâu thể lồng lộng bay cao, chỉ lúc thúc cam phận cá chui rúc trong giòng nước đục nổi trôi :

Là cá hóa long tự thuở giờ

Mê mờ nước đục, dập dờ nổi trôi …

 

 

HUỲNH TRUNG CHÁNH

 

(NNS sưu tầm, DP-Canada chuyển)

 

 

website counter