Từ Tân Mão đến Tân Mão
(Tác
Giả: Đinh Từ Thức)
Mỗi dịp Tết, các
nhà tướng số thường đoán vận
mệnh cá nhân, hay cả một dân tộc.
Có người còn đoán cả vận mệnh
thế giới. Người viết là nhà
báo, không dám lạm bàn sang lãnh vực
của các nhà chiêm tinh. Nhưng người
ta cũng thường nói nhìn quá khứ
có thể đoán tương lai. Nhà báo
có thể nhắc lại chuyện quá khứ,
không khó. Còn đoán ra sao, tùy khả
năng và lối nhìn của mỗi người.
Từ Tân Mão đến
Tân Mão, là một chu kỳ trong âm lịch,
gồm 60 năm. Đặc điểm của những
năm Mão trong 60 năm qua, đều có những
biến cố nổi bật, rất đáng nhớ.
Xin kể ra như sau:
Tân
Mão 1951
Từ mấy chục năm nay, mỗi
dịp Tết, nhiều người lại nhớ đến
những chuyện khủng khiếp vào hồi Tết
Mậu Thân. Thật ra, không phải tới năm
1968 quân đội cộng sản Việt Nam mới
có sáng kiến mở chiến dịch vào dịp
Tết. Vào mùa thu năm Canh Dần 1950, sau khi thắng
lợi tại mặt trận biên giới Cao Bằng,
Đông Khê, Thất Khê, Pháp rút khỏi
Lào Kay, Lạng Sơn, Hòa Bình, bỏ lại
hàng chục ngàn tấn võ khí đạn
dược, cùng với cuộc tiến quân
như vũ bão lúc đầu của quân Trung
Cộng tại mặt trận Cao Ly, Việt Minh muốn thừa
thắng xông lên. Võ Nguyên Giáp
đã lập kế hoạch đánh vào
vùng đồng bằng Sông Hồng, với dự
tính lạc quan đưa Hồ Chí Minh về
Hà Nội ăn Tết Tân Mão, vào
tháng Hai dương lịch 1951.
Giữa tháng 01, 1951, khởi
đầu là chiến dịch Hoàng Hoa Thám I,
tấn công tỉnh lỵ Vĩnh Yên, 60 cây số
tây bắc Hà Nội. Cũng như cách tiến
quân của Trung Cộng tại Cao Ly, Tướng
Giáp áp dụng chiến thuật biển người.
Tân Tư Lệnh quân đội Pháp tại
Đông Dương là Tướng Jean de Lattre de
Tassigny đã tận dụng máy bay chở
quân từ miền Nam ra chống trả, và
dùng bom xăng đặc (napalm) đối phó với
biển người. Cả Địch Cường (翟强, Qiang
Zhai), tác giả China & The Vietnam Wars (2000), và
Stanley Karnow, tác giả Vietnam: A History (1983) đều
nói trong trận này Việt Minh bị sáu
ngàn người thiệt mạng; Karnow nói
thêm tám ngàn người bị thương.
Mới sau Tết Tân Mão,
vào tháng Ba dương lịch, tướng
Giáp mở chiến dịch Hoàng Hoa Thám II tấn
công Mạo Khê, Tây Bắc Hải Phòng, với
hy vọng kiểm soát hải cảng quan trọng này.
Tuy thắng lợi nhỏ lúc đầu, Việt Minh
đã phải rút lui với thiệt hại nặng.
Tướng Giáp lại thất
bại lần thứ ba vào cuối tháng Năm,
đầu tháng Sáu tại vùng Phủ
Lý, Ninh Bình, trong trận sông Đáy
phía Đông Nam Hà Nội. Theo Wikipedia, Việt
Minh bị thiệt tới chín ngàn người,
và một ngàn bị bắt. Nhưng thiệt hại
nặng nhất cho Tướng de Lattre, là người
con trai duy nhất, Trung úy Bernard 23 tuổi, bị hy
sinh tại Ninh Bình.
Sau trận này, cả Pháp
lẫn phía Việt Minh đều thấm mệt.
Phía Pháp, Tướng de Lattre đích thân
sang Washington yêu cầu Mỹ giúp đỡ,
nhưng không thành công. Ông qua đời
năm 1952 vì ung thư.
Sau chiến dịch biên giới,
Việt Minh muốn giữ cố vấn Trung Quốc Trần
Cảnh tiếp tục ở lại giúp, nhưng
ông đã được cử sang mặt trận
Cao Ly. Đứng đầu đoàn cố vấn mới
là La Quý Ba; các cố vấn này
không phải chỉ lo về quân sự, mà
đảm trách cả về chính trị,
tài chánh, văn hóa.
Trước thềm Tết Tân
Mão 2011, dư luận ngày nay quá quen với lạm
phát và tham nhũng ở Việt Nam. Những chuyện
này cũng đã được nói tới từ
Tân Mão trước. Ngày 22 tháng 1, 1951,
Lưu Thiếu Kỳ đã yêu cầu La Quý
Ba cảnh giác Việt Minh về sự nguy hiểm của
việc phát hành tiền bừa bãi. Và
chỉ trong hai tháng Tư và Năm, Lưu Thiếu
Kỳ hai lần gửi điện cho Hồ Chí Minh
than phiền tình trạng tham nhũng về tài
chánh, và xao lãng về vật dụng viện
trợ. Từ những giúp đỡ về mọi mặt
của phái bộ cố vấn Trung Quốc vào
năm này, đã đi tới thực hiện Cải
cách Ruộng đất hai năm sau.
Quý
Mão 1963
Quý Mão, đầy những
chuyện lớn từ đầu đến cuối
năm, mà ở lớp tuổi 60, 70, hầu như ai
cũng còn nhớ ít nhiều.
Tết Quý Mão diễn ra
vào ngày 25 tháng 1, 1963. Tại phòng
khánh tiết Dinh Gia Long, các nhà ngoại giao tới
chúc Tết Tổng Thống Ngô Đình Diệm
như thông lệ hàng năm, đã chú
ý tới một chi tiết bất thường: Một
cành đào do Hồ Chí Minh từ Hà Nội
nhờ thành viên Ủy hội Kiểm soát
Đình chiến mang vào biếu ông Diệm. Một
dấu hiệu đẹp hiếm có vào ngày
đầu năm. Tuy trận Ấp Bắc mới ba tuần
trước gây xôn xao dư luận, nhưng một
cành đào mừng Xuân từ Hà Nội,
phải chăng báo hiệu sự thù địch
giữa hai bên bờ Bến Hải sắp đến
ngày chấm dứt?
Nhưng chuyện cành
đào chưa đi tới đâu, đã ập
tới biến cố 8 tháng 5, Phật Giáo xuống
đường và người chết trước
đài phát thanh Huế. Rồi một tháng
sau, ngày 11 tháng 6, Hòa Thượng Thích
Quảng Đức tự thiêu trước ống
kính của các nhà báo ngoại quốc
được hẹn đợi sẵn. Gần nửa thế
kỷ trước, tuy tin tức và hình ảnh
chưa phổ biến dễ dàng và mau lẹ
như thời internet, nhưng cảnh tự thiêu
trên báo chí cũng đã gây xúc
động mạnh khắp nơi. Và lời tuyên
bố của bà Ngô Đình Nhu cũng bay theo,
rất xa. Trả lời phỏng vấn truyền
hình chiếu tại Hoa Kỳ ngày 1 tháng 8,
bà nói: “Cái
mà những người được gọi là
‘lãnh tụ Phật giáo’ đã
làm là gì? Họ chẳng có chương
trình hay người đề nghị chương
trình. Tất cả cái họ đã làm
là nướng một nhà sư, và cũng
chẳng được làm với phương tiện
tự túc, vì họ đã phải dùng dầu
nhập cảng”. Bà Nhu đã
không cần dùng dầu nhập cảng để
đổ thêm vào lửa. Bà dùng nước
bọt của mình, “product of Vietnam”.
Hơn hai tuần sau, Tổng Thống
Kennedy tuyên bố thay thế Đại sứ Nolting ở
Sàigòn bằng ông Cabot Lodge. Khi ông Lodge
đến Sàigòn, nhiều chùa bị tấn
công, hơn 1400 sư sãi và phật tử bị
bắt, việc đầu tiên của vị tân
đại sứ không phải là trình ủy
nhiệm thư, mà lo chuyện đảo chánh.
Ngày 26 tháng 8, Trước
khi vào Dinh Gia Long trình ủy nhiệm thư hồi
10 giờ, ông Lodge đã gặp Lucien Conein để
căn dặn công việc liên lạc với
các tướng, và gặp Rufus Phillips, một giới
chức USAID, bạn thân của tướng Lê
Văn Kim. Phillips kể: “Tôi được Mike
Dunn (phụ tá của ông Lodge) gọi tới Đại
sứ quán vào ngày 26 tháng 8, và thấy
Conein đang đợi tôi. Dunn cho chúng tôi biết
rằng Washington - ông ta ám chỉ Tổng thống
- đã ra lệnh cho Lodge khuyến khích các
tướng làm một cuộc đảo chánh chớp
nhoáng (lightning coup). Khi tôi hỏi còn ông Diệm
thì sao, ông ấy nói các tướng
được cho biết tùy họ có muốn giữ
lại ông Diệm hay không.”
Ngày 28 tháng 8, trưởng
trạm CIA ở Sàigòn Richardson đánh điện
về Washington cho biết: “Tình hình ở
đây đã đạt tới điểm
không thể lùi được nữa.
Sàigòn là một trại lính. Nhà
Ngô cố thủ cho trận đánh cuối
cùng ….” Cùng ngày này, báo New
York Times đăng một bài của Tad Szulc, nói:
“Vài giới chức Washington tin rằng giải
pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại Việt
Nam là loại bỏ Nhu hay Nhu và Diệm nếu
hai anh em không thể rời nhau, bởi một cuộc
đảo chánh quân sự.”
Cùng ngày 28 tháng 8, Mục
sư Martin Luther King Jr. tổ chức một cuộc biểu
tình khổng lồ tại Washington, với trên 200
ngàn người tham dự, nghe bài diễn văn
“I Have a Dream” đòi dân quyền tại
Hoa Kỳ. Biến cố này đã giúp
ông King đạt danh hiệu “Man of the Year” của
báo TIME năm 1963, giải Nobel Hòa Bình năm
1964.
Tuy đảo chánh chớp
nhoáng đã không thành, cuối cùng,
đảo chánh đã diễn ra ngày 1
tháng 11, Tổng Thống Ngô Đình Diệm
và cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị
giết vào sáng hôm sau, 2-11.
Hai hôm sau, tại Washington, Tổng
Thống Kennedy đọc vào máy ghi âm cảm
nghĩ riêng của mình:
"Thứ
Hai, 4 tháng 11, 1963. Cuộc đảo chánh
đã diễn ra cuối tuần qua tại
Sàigòn …. Tôi cảm thấy chúng ta phải
chịu nhiều trách nhiệm về vụ
này… Tôi xúc động vì cái chết
của Diệm và Nhu. Tôi đã gặp Diệm
với Thẩm Phán Douglas nhiều năm trước.
Ông ấy là một người có cá
tính phi thường và trong khi ông ấy trở
nên khó khăn hơn vào những tháng cuối
cùng, dầu vậy trong khoảng thời gian trên
mười năm ông ấy đã gìn giữ
đất nước của ông ấy khỏi bị
tan rã để duy trì nền độc lập
dưới những điều kiện rất khó
khăn. Cách mà ông ấy bị giết đặc
biệt kinh khủng …."
Không đầy ba tuần sau,
chính Tổng Thống Kennedy đã bị ám
sát chết tại Dallas ngày 22 tháng 11.
Năm Quý Mão còn
kéo dài đến ngày 15 tháng 2, 1964. Hai
tuần trước Tết, Nguyễn Khánh và Trần
Thiện Khiêm làm cuộc đảo chánh bỏ
túi ngày 30 tháng 1, 1964, gọi là “chỉnh
lý,” loại bỏ Thủ Tướng Nguyễn
Ngọc Thơ và mấy người hùng
cách mạng. Tướng big Minh vẫn được
toàn mạng, nhưng nếu mô tả theo lối
thơ Bút Tre, có thể nói “Đang
là quốc trưởng chuyển sang bù
nhìn.”
Ất
Mão 1975
Mười hai năm trước, báo New York Times viết
vào mùa Hè năm Quý Mão:
“Tương lai Đông Nam Á phần lớn
tùy thuộc vào sự thành công của cuộc
chiến đấu chống cộng tại đó.
Nhưng liệu chúng ta có thể thắng với
Diệm?… Đã bắt đầu thấy rằng,
nếu nhìn về lâu về dài, chúng ta
không thể….” Với mục đích
để cuộc chiến chống cộng có thể
thành công, chế độ Ngô Đình Diệm
đã bị loại bỏ vào năm Mão
trước, để đến năm Mão này,
Cộng sản làm chủ cả Đông
Dương.
Francis X. Winters trong
cuốn “Năm Mão” (The Year of The Hare)
đã trích lại lời Jonathan Schell viết
trên tạp chí The New Yorker:
"Tại tâm điểm sự
sụp đổ của miền Nam Việt Nam dường
như là một khoảng trống: đó là
chính quyền Sàigòn. Mới có đấy,
với một triệu một trăm ngàn người
võ trang và một Không Lực khổng lồ
- đứng hàng thứ ba trên thế giới - rồi
bỗng chốc biến mất … Tỉnh này tới
tỉnh khác, thất thủ không có giao tranh.
Đạo quân xâm chiếm từ miền Bắc,
vẫn mau lẹ như thường lệ, đã
không bắt kịp tốc độ sụp đổ
của miền Nam".
Rufus Phillips,
viên chức cao cấp của USAID tại Việt Nam từng
góp công cho biến cố 1-11-63, viết lại
trong Why Vietnam Matters:
"Xe tăng Bắc Việt từ
Hà Nội vào húc đổ cổng Dinh Tổng
thống tại Sàigòn vào tháng Tư,
trong khi những người Mỹ còn lại và
tương đối ít người Việt có
thể - chúng ta đã cứu được chừng
130.000 - tháo chạy thoát thân. Cảnh tượng
quá xấu hổ và thương tâm khiến
tôi không thể coi trên TV được
lâu. Đặc biệt tệ hại là nguồn
tin nói rằng trạm CIA đã thất bại
trong việc tiêu hủy tài liệu. Điều
này khiến danh sách những người
đã tiếp xúc với CIA - không cần phải
là nhân viên - có thể rơi vào tay
quân Bắc Việt - như là những bản
án tử hình …."
Cảm tưởng ban đầu
khi Bắc Việt lấy miền Nam có vẻ đỡ
hơn chờ đợi, căn cứ vào cuộc
tàn sát tập thể hồi Tết Mậu
Thân. Thận trọng hơn cho hình ảnh của
mình trên trường quốc tế, cộng sản
đã che đậy những cuộc hành quyết
- phần nhiều là giới tình báo Nam VN, cảnh
sát đặc biệt, nhân viên tình
báo tỉnh, thành viên các chính đảng
ở tỉnh, tình nghi làm gián điệp cho
Mỹ, và nhiều Việt Cộng bị coi là phản
bội, không phải chỉ những người đầu
hàng qua chương trình Chiêu Hồi, mà
tích cực chiến đấu bên cạnh Nam VN.
Thêm vào đó, tất cả viên chức
chính quyền và giới kinh doanh tư nhân
trên hạng thư ký và toàn thể sĩ
quan quân đội Nam VN, cũng như nhân viên
các sở Mỹ, vào khoảng từ ba đến
bốn trăm ngàn người, đã bị tập
trung và gửi tới các trại học tập,
một thứ Soviet Gulag của Việt Nam. Tại
đó, nhiều người bị giam hàng chục
năm, một số lâu tới mười bảy
năm, và một số chết vì bị mất
quyền sống hay bệnh tật. Cũng có những
người bị bắt và bị tù trong nhiều
năm vì bị “tình nghi” là người
ủng hộ tích cực Mặt Trận Giải
Phóng đã không chính thức gia nhập
phong trào. Nông nghiệp bị tập trung hóa,
và trên một triệu dân thành thị bị
tống đi các “vùng kinh tế mới,”
nơi họ phải tự kiếm sống. Không biết
có bao nhiêu người đã chết
đói. Đó là cuộc trả đũa dự
trù như những gì Việt Minh đã
làm khi họ làm chủ cả miền Bắc
vào năm 1954 và 1955, chỉ thiếu những
tòa án nhân dân hoặc xử tử địa
chủ tại làng xã. Binh sĩ và cựu
công chức Nam VN bị từ chối việc
làm, con cái họ bị từ chối vào
trường trung học và đại học. Ngay cả
nghĩa trang quân đội Nam VN cũng bị
đào xới. Đó là cuộc trả thù tập thể.
Rồi tới vụ đào
thoát của trên một triệu người bằng
thuyền qua Biển Đông tới Philippines, hay qua Vịnh
Thái Lan để tới Thái Lan, Mã Lai,
và Indonesia. Những người đào thoát
không phải chỉ có gia đình những
người thuộc chế độ cũ hay những
ngưởi ủng hộ, nhưng gồm cả những
nông dân thường và người
đánh cá. Mỉa mai thay, trong số thuyền
nhân còn có một số lãnh đạo của
Mặt Trận Giải Phóng, gồm cả
Trương Như Tảng, Tổng Trưởng Tư
Pháp của MTGP ….
Đó là ghi nhận của
người Mỹ về những nét lớn của
năm Ất Mão đối với tình hình
Việt Nam. Đối với người Việt, năm
này cũng thuộc loại hiếm có trong lịch
sử. Chỉ trong 10 ngày, từ 21 đến 30
tháng Tư, ba ông Tổng thống mất chức
Năm Ất Mão 1975 đã
diễn ra cuộc đổi đời cho cả nước.
Hà Nội đặt tên cho biến cố 30
tháng 4 là “Giải phóng.” Không phải
chỉ có người dân miền Nam được
“giải phóng” khỏi địa vị,
tài sản và nếp sống cũ của
mình. Dân chúng nửa nước phía Bắc
cũng được giải phóng khỏi sự u tối
do hậu quả bưng bít và dối trá của
chế độ toàn trị trong suốt 30 năm.
Tổng thống Ronald Reagan gọi Cộng
sản Liên Xô là “Đế quốc Ma quỷ”
(Evil Empire). Trước năm 1975, vì chưa được
giải phóng khỏi sự u mê của trí thức
thiên tả, linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã
bênh vực cộng sản bằng chân lý:
“Cộng sản cũng là người.” Vấn
đề chính là ở điểm này. Với ma quỷ, chỉ cần cúng vàng mã hay
tiền giả là xong. Nhờ Ất Mão, nhiều người mở mắt, vì cộng sản cũng là người, phải cúng nó đất thật, nhà thật, vàng thật, tiền thật mới xong. Vì cũng
là người, nó cướp vợ người, ức hiếp con cái người ta. Không phải là người như ma quỷ,
hay súc vật,
đâu có thế?
Đinh
Mão 1987
Đầy đọa cả nước
bằng đầu óc thiển cận và
đôi bàn tay sắt trong 12 năm, cuối
cùng, cộng sản đã phải mở mắt
vào năm Đinh Mão 1987. Đại Hội Đảng
Cộng Sản lần thứ VI diễn ra vào
tháng 12, 1986, Nguyễn Văn Linh đã được
cho làm Tổng Bí Thư. Tuy việc này xẩy
ra vào cuối năm Bính Dần, nhưng sang
năm Đinh Mão ông Linh mới có thêm nhiều
quyền; ngoài việc được bầu làm
Đại Biểu Quốc Hội khóa VIII, còn
được nắm chức vụ quan trọng hơn
nhiều là Bí thư Đảng ủy Quân sự
Trung ương.
Chính sách Đổi Mới
với kinh tế thị trường và “cởi
trói” về văn nghệ đã được
áp dụng, giúp cả nước thoát chết,
và mọi người bắt đầu dễ thở
đôi chút. Nhưng trước sự sụp
đổ của cộng sản Liên Xô và
Đông Âu, rất tiếc, Nguyễn Văn Linh
đã chỉ tồn tại được một nhiệm
kỳ.
Không phải Nguyễn Văn
Linh tự mình đổi mới. Chuyện này bắt
đầu từ hai nước đàn anh Liên
Xô và Trung Quốc. Mikhail Gorbachev cầm quyền từ
năm 1985, nhưng tháng 1, 1987 mới đề nghị
đổi mới, và đến giữa năm mới
đưa ra chính sách đổi mới về
kinh tế. Từ đầu năm sau, các xí nghiệp
Liên Xô được áp dụng sáng kiến
tại địa phương, và tự chịu
trách nhiệm về sự thành bại của
mình. Boris Yeltsin, Bí thư Cộng đảng
Moscow lên như diều, nhờ ra tay diệt tham nhũng
và chỉ trích đổi mới quá chậm.
Bị Gorbachev cách chức, Yeltsin nổi tiếng nhiều
hơn nữa. Chẳng bao lâu thành người
hùng cứu Gorbachev, trước khi thay ông này
cai trị nước Nga hậu cộng sản.
Sáu năm trước, tại
nước láng giềng khổng lồ phía Bắc,
dưới sự bao che của Đặng Tiểu
Bình (Deng Xiaoping), ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang)
đã bắt đầu cuộc cải tổ mạnh
bạo. Chẳng những thay đổi nhiều về
sinh hoạt kinh tế, Hồ Diệu Bang còn nới lỏng
về chính trị, đưa tới nhiều cuộc
xuống đường của sinh viên. Chính
ông Hồ là người đã bỏ loại
áo bốn túi kiểu Mao, đem lại cho Trung Quốc
một bộ mặt mới qua y phục.
Tháng 1, 1987, trong khi ông Nguyễn
Văn Linh chuẩn bị cuộc đổi mới tại
Việt Nam, ông Hồ Diệu Bang bắt buộc phải
từ chức Tổng Bí Thư tại Trung Quốc.
Tuy mất chức, nhưng ông được sự
yêu mến của nhiều người, nhất
là giới sinh viên. Ông qua đời ngày
16 tháng 4, 1989, sinh viên đòi làm lễ quốc
táng cho ông, đưa tới cuộc đàn
áp đẫm máu tại Thiên An Môn
vào đầu tháng Sáu.
Cho đến nay, Tổng Thống
Reagan được coi là một trong những Tổng
thống sáng giá nhất, nổi tiếng với
lời tuyên bố tại Berlin (1987), thách thức
Gorbachev phá bỏ bức tường ô nhục
(Mr, Gorbachev, tear down this wall). Tuy vậy, bầu đàn
ông Reagan đã gần thân bại danh liệt
vì vụ “Iran-Contra” (lấy tiền bán
võ khí cho Iran để giúp nhóm Contra chống
cộng ở Nicaragua). Sau nhiều tháng điều
tra, ông Reagan đã bị quy trách không
tôn trọng hiến pháp và lừa dối Quốc
Hội, người thân tín của ông là
Giám đốc CIA William Casey phải từ chức, Bộ
Trưởng Quốc Phòng Caspar W. Weinberger cũng phải
từ chức.
Nói tới thân bại danh
liệt, không thể quên những gì
đã xẩy ra cho Nghị sĩ Gary Hart, người
nhiều hy vọng là ứng cử viên tổng thống
sáng giá của đảng Dân Chủ,
đã bị báo chí phanh phui du dương với
cô người mẫu Donna Rice trên tầu
“Monkey Business”; đã phải rút khỏi
cuộc tranh cử vào ngày 8 tháng 5, 1987.
Gần Việt Nam hơn, tại Nam
Hàn, sau khi nhà độc tài quân phiệt
Chun Doo Hwan chọn người kế vị là Tướng
Roh Tae Woo, sinh viên đã ào ạt xuống
đường phản đối bằng những cuộc
biểu tình lớn. Phía quân phiệt
đã phải nhượng bộ, đồng ý
cho bầu cử trực tiếp, nhà đối lập
mang án tử hình Kim Đại Trọng (Kim
Dae-jung) được ra khỏi nhà tù, phục hồi
quyền công dân, lập đảng chính trị,
và tranh cử Tổng thống. Nhà đối lập
khác Kim Young Sam cũng được tranh cử.
Phía đối lập bị chia phiếu, khiến
ông Roh đắc cử. Nhưng những gì xẩy
ra vào mùa Hè Năm Đinh Mão đã
mở đầu và đặt cơ sở cho tiến
trình dân chủ khiến Đại Hàn
được như ngày nay.
Cũng còn chuyện
đáng ghi nhớ vào năm 1987 đã xẩy
ra tại Tunisia. Tổng thống Bourguiba, một “cha
già dân tộc” đã có công
đưa Tunisia từ tình trạng Trung cổ bắt
kịp thế kỷ 20, đã chọn Tướng
Zine el-Abidine Ben Ali làm thủ tướng vào
năm 1987. Tân thủ tướng “báo hiếu”
bằng cách cho một nhóm y sĩ tuyên bố
cụ Bourguiba 84 tuổi, không còn đủ minh mẫn
để tiếp tục cầm quyền, và bị
canh giữ tại nhà. Tướng Ben Ali cầm quyền
liên tục bằng chế độ cảnh sát
trị từ đó đến đầu năm nay.
Ngày 17 tháng 12 vừa qua, Mohamad Bouazizi, một anh
bán rong trái cây 26 tuổi, giằng co với một
nữ nhân viên công lực khi hàng của
anh bị tịch thu, và anh bị một cái
tát. Bực mình và xấu hổ, anh
đã tự thiêu để phản đối.
Châm ngòi cho một biến cố gây chấn
động cả một vùng, được mệnh
danh là cuộc “Cách mạng Hoa Nhài”.
Ba tuần lễ trước Tết Tân Mão,
nhà độc tài Ben Ali đã phải bỏ
nước ra đi. Cần một ông tướng để phế bỏ một lãnh tụ như
Bourguiba, nhưng
chỉ cần một anh bán hàng rong để lật đổ nhà độc tài Ben Ali.
Kỷ
Mão 1999
Thời sự Hoa Kỳ mở đầu
năm 1999 bằng vụ án truất quyền Tổng
thống Bill Clinton (impeachment trial), vì bị truy tố
có liên hệ thầm kín với cô thư
ký tập sự Lewinsky. Thủ tục truất quyền
tổng thống được quy định trong hiến
pháp, do Hạ viện đóng vai công tố,
biểu quyết theo đa số thường, và
Thượng viện đóng vai thẩm phán, quyết
định với đa số hai phần ba, dưới
quyền chủ tọa của chủ tịch Tối cao
Pháp viện. Vì là vụ xử truất quyền
tổng thống lần thứ nhì trong lịch sử
Hoa Kỳ, khiến dư luận quốc nội và quốc
tế rất chú ý. Ngày 12 tháng 2, 1999,
Thượng Viện bỏ phiếu tha Clinton.
Một vị tổng thống
khác cũng bị xử truất quyền trong năm
này, là ông Boris Yeltsin của nước Nga. Nếu
năm Ất Mão Sàigòn có ba tổng thống
trong mười ngày thì năm Kỷ Mão
nước Nga có ba thủ tướng trong ba
tháng. Nga, Mỹ vốn là hai đại cường
nắm vận mệnh cả thế giới. Nay, tổng
thống cả hai nước đều là tay chịu
chơi. Trong bốn món đổ tường (tứ
đổ tường: tửu, sắc, yên, đổ),
hai ông Mỹ Nga lãnh hai thứ đầu. Ông
Mỹ vướng món sắc, ông Nga mắc
món tửu. Cả hai ông cùng phải ê chề
trải qua thủ tục truất quyền, và cả
hai cùng may mắn thoát hiểm. Tuy xấu hổ,
nhưng là dịp tốt để hai ông sửa
mình. Ông Mỹ đem … chó đi thiến;
Ông Nga về … cách chức thủ tướng.
Ông Yevgeny Primakov, mới làm thủ tướng
được 8 tháng, bị Yeltsin cách chức
vào tháng Năm, thay bằng Sergei V. Stepashin. Ba
tháng sau, thấy mình chưa hết say, lại
cách chức thủ tướng nữa. Lần
này, vớ được ông cựu sĩ quan mật
vụ KGB Vladimir Putin. Với ông này, khi tỉnh
rượu mới vỡ lẽ, muốn cách chức
cũng khó, ông Yeltsin bèn chọn giải
pháp … tự cách chức mình, là từ
chức. Thế là ông trao hết quyền
hành cho ông Putin vào nửa đêm ngày
31 tháng 12, 1999, mở đường cho ông
này thành tổng thống. Nước Nga
thoát được bàn tay sắt của Cộng
sản, trở lại với bàn thay thép của
KGB. Hết hai nhiệm kỳ tổng thống, ông Putin
tiếp tục cai trị ở cương vị thủ
tướng, đợi ngày trở lại làm tổng
thống.
Nhưng năm Mão cũng
có chuyện đẹp, đó là việc
ông Nelson Mandela chấm dứt nhiệm kỳ tổng
thống đầu tiên vào mùa Hè,
và quyết định không tái ứng cử.
Wikipedia viết: “Theo một bài trên tạp
chí Newsweek, ‘Mandela chính đáng giữ một
địa vị không thể bàn cãi trong
trí tưởng của người dân Nam Phi.
Ông là người giải phóng dân tộc,
một vị cứu tinh, là cả Washington và
Lincoln gộp lại của họ’”. Tháng 11
năm 2009 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
đã tuyên bố lấy ngày sinh của
Mandela, 18 tháng 7, là “Ngày Mandela” ghi nhận
sự cống hiến của ông cho tự do thế giới”.
Sau khi lãnh đạo thành
công cuộc cách mạng chống Đế quốc
Anh, George Washington có thể xưng hoàng đế,
lập một triều đại để con cháu nối
ngôi, nhưng ông đã nhất định chỉ
làm tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ, rồi
thôi. Mandela chỉ làm một nhiệm kỳ 5
năm. Hồ Chí Minh chẳng những không
rút lui khi còn sống, chết rồi vẫn
còn tại chức. Ngô Đình Diệm nếu
biết rút lui đúng lúc, chắc
đã tránh khỏi chết thảm. Nguyễn
Văn Thiệu, mấy tháng trước khi hết nhiệm
kỳ cuối cùng theo hiến định, trong khi vận
mạng đất nước như chỉ mành treo
chuông, vẫn lo sửa hiến pháp để
có thể tái ứng cử nhiệm kỳ ba.
Còn ông Hosni Mubarak của Ai Cập, phía cực
Bắc Phi châu, khi ông lên cầm quyền,
ông Nelson Mandela còn trong tù với bản
án chung thân ở phía cực Nam Phi châu.
Ông Mandela ra tù, được giải Nobel
Hòa Bình, làm tổng thống, về hưu từ
năm Kỷ Mão, đến năm Tân Mão,
ông Mubarak vẫn còn cho quân đội và
cảnh sát nã đạn vào dân xuống
đường, để bảo vệ địa vị
của mình. Cùng là dân Phi châu, sao
ông miền Bắc không biết theo gương
ông miền Nam.
Có vài chuyện buồn tại
nước Mỹ vào năm Kỷ Mão:
Chuyện thứ nhất là vụ
hai học sinh 17 và 18 tuổi, mang súng vào
trường Trung học Columbine ở Littleton, Co, bắn chết
12 học sinh, một thầy giáo, trước khi tự
sát (20 tháng 4). Nước Mỹ có nhiều
cái hay, cũng có lắm cái khá kỳ cục.
Mỗi lần có chuyện bắn giết
thương tâm như vậy, lại có dư luận
đòi kiểm soát chặt chẽ việc tư
nhân mua bán và sử dụng súng. Nhưng
lần nào cũng bị chống lại rằng quyền
có súng đã được công nhận
trong hiến pháp. Hiến Pháp Mỹ đã
làm ra từ trên hai trăm năm trước,
vào thời các phương tiện giao thông
và thông tin còn thô sơ, luật pháp
lỏng lẻo, người dân chưa được
bảo vệ một cách hữu hiệu, mỗi
người phải tự lo bảo vệ mình
và gia đình, mỗi cộng đồng phải
tự bảo vệ lẫn nhau, nên cần phải
có súng. Ngày nay, cảnh sát nhiều
nước không được quyền mang súng,
trong khi người dân Mỹ vẫn có quyền
mua súng, cả súng liên thanh! Điều
gì trong hiến pháp đã lỗi thời, sao
không sửa đổi? Ông Obama tranh cử và
đắc cử với khẩu hiệu “Thay đổi”
(Change), mà vẫn chưa thấy thay đổi, ngay cả
sau vụ bắn chết nhiều người, gồm cả
một ông chánh án, một em bé 9 tuổi
và khiến một bà Dân Biểu bị trọng
thương ở Tucson, vào trước Tết
Tân Mão.
Chuyện buồn khác là
con trai Tổng Thống Kennedy, John Jr., thường
được gọi thân mật là John John,
đã tử nạn cùng với vợ và chị
vợ, khi chiếc máy bay tự tay mình lái
đâm đầu xuống biển gần đảo
Martha’s Vineyard (Mass.) vào 16 tháng 7, trên
đường về nhà ăn cưới cô em họ.
Hôm 4 tháng 11, 1963, Tổng Thống
Kennedy đang nói vào máy ghi âm cảm nghĩ
của mình về cuộc đảo chánh tại
Sàigòn hai ngày trước đó, John John
chạy vào, bố phải ngừng lại, nói
vài câu với con về chuyện tại sao
lá rụng. Ba tuần sau, hình ảnh John John ba tuổi,
đứng bên mẹ, chào quan tài bố theo lối
nhà binh, được loan đi khắp thế giới.
Lá mùa Thu
năm Quý Mão đã được thả từ Air Force One xuống nghĩa trang Arlington trong
đám táng John Bố, biển mùa Hè năm Kỷ Mão đã hòa
tan nắm
tro cơ thể John Con.
Tân
Mão 2011
Chuyện gì sẽ xẩy ra
trong năm Tân Mão 2011? Trước khi thời gian
trả lời chính xác, Tân Mão 2011
đã hé mở bằng hình ảnh sau
đây, được trích đoạn từ
bài “Hẹn hò với Cách Mạng”
(Date With a Revolution), của nữ nhà văn Ai-cập
Mansoura ez-Eldin, viết từ Cairo, đăng trên
báo New York Times ngày 30 tháng 1, 2011:
Hôm thứ Sáu (28-01),
“ngày cuồng nộ,” tôi ở trên
đường phố với những người biểu
tình. Bạn bè cùng tôi tham dự một
cuộc biểu tình ôn hòa, bắt đầu
tại Amr Ibn al-As Mosque ở khu Cairo Cổ, gần nhà
thờ Thánh George. Chúng tôi bắt đầu
hát “Nhân dân muốn chế độ xụp
đổ!” và chúng tôi được
chào đón bằng một loạt hơi cay do cảnh
sát bắn. Chúng tôi bắt đầu hô
to “Hòa bình, Hòa bình,” cố gắng
cho cảnh sát thấy chúng tôi không
thù hận, chúng tôi không đòi hỏi
gì ngoài tự do. Điều này chỉ
làm họ tàn bạo thêm. Đánh nhau bắt
đầu tỏa rộng sang bên các đường
phố cổ, phần nhiều ở khu Coptic …
Rõ ràng, mùi
hương của “Cách mạng Hoa nhài”
từ Tunisia đã mau chóng lan tỏa tới Ai Cập.
Sau khi thành công trong việc xua đuổi khỏi
Tunis nhà độc tài Zine el-Abidine Ben Ali, lời
kêu gọi đã xuất hiện trên Facebook, bắt
đầu từ ngày 25 tháng 01, một cuộc
cách mạng Ai Cập. Công chúng ở
đây đã chê cười những người
trẻ tuổi dùng Facebook và Twitter kêu gọi
biểu tình rằng: Có bao giờ ngòi
châm của một cuộc cách mạng được
bùng nổ trong một ngày được hẹn
trước? Bộ cách mạng cũng xẩy ra giống
như chuyện hẹn hò lãng mạn của trai
gái? .…
Chỉ trong chớp mắt, thế
hệ Twitter và Facebook đã thành công
trong việc tập hợp được cả hàng
trăm ngàn người cho chính nghĩa của
mình. Phần lớn họ là những người
trẻ không hề hoạt động chính trị,
và không thuộc những hệ phái chính
trị đối lập truyền thống. Huynh Đệ
Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) không đứng sau cuộc
cách mạng đại chúng này, như luận
điệu của chế độ. Những người
khởi sự và tổ chức chỉ vì giận
dữ cảnh sát tàn ác cùng với sự
đàn áp và tra tấn gây ra bởi chế
độ Hosni Mubarak.
Và từ đầu, chính
quyền đã quyết định thương lượng
với dân chúng bằng cực kỳ bạo
tàn và độc ác, với hy vọng kinh
nghiệm Tunsia không tái diễn. Đã nhiều
ngày nay, hơi cay là dưỡng khí cho
người dân Ai Cập thở hít. Quá nhiều
hơi cay đến nỗi có báo cáo
nói rằng nhiều trẻ em và người
già bị ngạt thở vì khói ngay trong
nhà mình. Lực lượng an ninh Cairo khởi
đầu bắn đạn cao su vào người biểu
tình, trước khi tiến tới dùng đạn
thật, chấm dứt cuộc sống của hàng chục
người ….
Nhiều người bán
hàng cung cấp những chai nước cho người
biểu tình, và thường dân thỉnh thoảng
phân phối đồ ăn. Phụ nữ và trẻ
em từ các cửa sổ và lan can, cùng
hát với những người chống đối.
Tôi không bao giờ quên hình ảnh một
phụ nữ quý phái, lái xe qua ngõ hẹp
trong chiếc xe sang trọng, hô hào người biểu
tình giữ vững tinh thần, cho họ biết sắp
có thêm hàng chục ngàn người đến
với họ từ nơi khác trong thành phố
…
Xáo trộn tăng lên từng
giờ vào chiều thứ Sáu. Nhiều trạm cảnh
sát và văn phòng đảng cầm quyền
(National Democratic Party- Đảng Quốc gia Dân chủ)
bị cháy khắp nơi. Tôi đã khóc
trước nguồn tin 3.000 người tình nguyện
lập thành hàng rào người chung quanh bảo
tàng viện quốc gia để bảo vệ khỏi
bị cướp phá. Những người làm
như vậy chắc chắn thuộc loại có
giáo dục và văn hóa cao, không thể
là những kẻ phá hoại và trộm cắp,
như lời cáo buộc của những kẻ
đã phá hoại và trộm cắp Ai Cập
trong nhiều thế hệ …
Khuya tối thứ Bảy, khi trực
chỉ phố Corniche bên sông Nile, tôi
đã đi qua một con đường trong khu Garden
City là xóm thượng lưu, nơi tôi gặp
một phụ nữ đang khóc. Tôi hỏi
bà sao lại khóc, bà nói rằng con trai
bà, công nhân tại một hotel sang trọng,
đã bị cảnh sát bắn vào cổ họng,
cho dù anh không ở trong nhóm những người
biểu tình. Anh hiện nằm tê liệt trên
giường nhà thương, và bà đang
trên đường đến hotel xin phép cho anh
được nghỉ phép vì lý do y khoa.
Tôi ôm bà và cố dỗ dành bà,
và qua những hàng lệ, bà nói,
“Chúng ta không thể im lặng về những
gì đã xẩy ra. Im lặng là tội
ác. Máu của những người đã
ngã xuống không thể bị phí phạm.”
Tôi đồng ý. Im lặng
là tội ác. Ngay cả khi chế độ tiếp
tục tấn công chúng ta bằng đạn
và hơi cay, tiếp tục ngăn chặn sử dụng
internet và cắt điện thoại di động,
chúng ta sẽ tìm cách để tiếng
nói của chúng ta đến với thế giới,
để đòi hỏi tự do và công
lý.
* Người viết
hãy còn nhớ, Việt Nam vốn là nước
đầy dẫy hoa nhài. Choáng ngợp trước
những khẩu hiệu rợp trời “Mừng Đảng,
Mừng Xuân”, liệu người Việt có
nhìn thấy, hay ngửi thấy hoa nhài trong
năm Tân Mão?
ĐINH TỪ
THỨC
(Trịnh
Cuối Huôn sưu tầm và chuyển)