35
NĂM MỘT CHUYỆN TÌNH
(Nguyễn
Duy An)
Tiến Sĩ
Nguyễn Duy An là một thuyền nhân tị nạn
đến Mỹ vào năm 1984. Như bao người
Việt tị nạn khác, ông gặp rất nhiều
khó khăn lúc ban đầu, nhưng vẫn quyết
tâm vừa đi làm, vừa theo học đại
học. Sau hơn 3 năm cố gắng, ông
đã nhận được văn bằng BS in
Computer Science tại đại học George Mason. Trước
khi ra trường ông đã được nhận
vào làm kỹ sư tại hãng TRW, mấy
năm sau lên trưởng toán, rồi giám
đốc kỹ thuật ... Như được khuyến
khích, ông càng cố gắng thêm nữa,
và ông đã nhận được các học
vị MS, MBA và Ph.D. Information Technology năm 1997. Ngay sau
đó, ông được mời làm Giám
Đốc Kỹ Thuật của tổ hợp National
Geographic tại Washington DC, và hiện nay ông
là Senior Vice President của tổ hợp này. Trong
cương vị này, ông điều hành phần
kỹ thuật điện toán giúp cho tổ hợp
nghiên cứu về đại dương, sa mạc,
Nam & Bắc Cực, về DNA của các động
vật hiếm ... và cung cấp dữ kiện để
hoàn thành nguyệt san National Geographic với 18 triệu
ấn bản bằng 30 ngôn ngữ khác nhau,
và các đài truyền hình National
Geographic trên 160 quốc gia. TS Nguyễn Duy An cũng là
tác giả của rất nhiều truyện ngắn
và tuỳ bút đăng trên nhiều báo
chí Việt ngữ tại Mỹ. Ông cũng rất
tích cực trong những công tác phát triển
cộng đồng, đặc biệt là các sinh
hoạt giới trẻ và sinh viên học sinh tại
vùng Washington DC.
***
Tôi uể oải trở về
văn phòng lúc gần 1 giờ chiều, sau một
cuộc họp kéo dài lâu hơn dự
tính. Vừa đặt máy "laptop" lên
bàn, chị thư ký đã theo vào:
- Duy ăn trưa chưa? Sao hôm
nay họp lâu vậy?
- Chưa, mấy người kia rủ
đi ăn nhưng mệt quá! Vả lại sáng
nay bà xã đã chuẩn bị ...
Tôi chưa nói hết
câu, Christine đã chặn ngang:
- "Lão James" ghé qua
lúc 11 giờ rưỡi, ngồi chờ cả tiếng
đồng hồ để mời "xếp" đi
ăn trưa, nhưng "lão già" ấy
cút rồi. Duy ăn đi rồi tôi kể cho nghe
chuyện lạ.
Tôi rất ngạc nhiên khi
nghe Christine gọi James là "lão già"
vì từ mấy năm nay chị ấy vẫn "o
bế" James rất kỹ mỗi khi ông ấy
có việc về văn phòng trung ương của
National Geographic ở Hoa Thịnh Đốn. Đã
có tiếng đồn trong sở là Christine
"mê" James, nhưng ông ấy vẫn lững
lờ theo kiểu "tình vờ".
Với tôi, Christine và James
đều là những nhân viên rất tốt
và lớn hơn tôi cả chục tuổi.
Christine là thư ký riêng của tôi từ
hơn 9 năm nay, và lúc nào cũng xem
tôi như "một đứa em trai dại khờ"
bất kể là trong sở hay ngoài đường.
James là trưởng phòng kỹ thuật của
National Geographic ở Evanston, Illinois nhưng lúc nào
cũng "thưa gởi" phân minh trong công việc,
và thân tình như anh em bạn bè
ngoài giờ làm việc.
Ngày mới về làm
giám đốc phụ trách khoa học và kỹ
thuật cho National Geographic, khi tìm thuê thư ký,
tôi đặt điều kiện với văn
phòng phụ trách nhân viên (Human Resources) rằng
tôi cần một người có bằng về
văn chương và "quen biết" công việc
của National Geographic để giúp tôi soạn thảo
và sửa chữa văn bản vì tôi là
người ngoại quốc. Lúc bấy giờ Christine
đang làm bên thư viện của tòa
báo, đã từng giúp biên soạn những
bài viết về Thuyền Nhân Việt Nam
vào đầu thập niên 1980, gọi điện
thoại xin gặp tôi chứ không nộp
đơn theo đúng thủ tục.
Mấy ngày sau, đúng hẹn,
vừa vào văn phòng, chị đã mở lời
ngay: "Có lẽ Duy đã tìm hiểu về
tôi qua văn phòng nhân viên trước rồi,
phải không? Tôi đi thẳng vào vấn
đề nhé: Tôi đã làm ở
đây hơn 20 năm rồi, chồng tôi mới
mất, hai con đã lớn, tôi có thể về
hưu sớm nhưng thấy Duy xuất thân là một
thuyền nhân tỵ nạn, và tôi tin chắc
chắn mình dư khả năng và điều kiện
làm thư ký riêng cho Duy nên tôi muốn
giúp Duy thành công ở đây. Được
không?" Lẽ ra tôi là người phỏng
vấn Christine, nhưng ngược lại, chị ấy
đã "phỏng vấn" tôi hơn một
tiếng đồng hồ rồi kết luận:
"Tôi sẽ nộp đơn đúng theo thủ
tục, hy vọng Duy không từ chối chứ?"
Và mấy tuần sau, Christine đã xin chuyển về
làm thư ký riêng cho tôi.
Mấy tháng sau, tôi sắp
xếp đi thăm một số văn phòng của
National Geographic ở nhiều tiểu bang khác nhau tại
Hoa Kỳ. Lúc đến phi trường Chicago, ở
quầy nhận hành lý, tôi đã sững
sờ khi trông thấy một người Mỹ tuổi
trung niên tươi cười, hớn hở, một
tay vẫy chào, một tay cầm tấm bảng lớn
viết tên tôi rất chuẩn: Chữ Nguyễn
có dấu mũ và dấu ngã đàng
hoàng!
...
Chiều hôm đó, trước
khi rời văn phòng, James mở lời:
- Tôi sẽ đưa "xếp"
tới khách sạn, sau đó về nhà
dùng cơm tối với cha mẹ tôi vì
ông bà cụ rất mong muốn được gặp
"ông xếp Việt Nam" của tôi ...
Chúng ta có thể làm bạn ngoài giờ
làm việc được không "xếp"?
- Ông cứ gọi tôi
là Duy được rồi. Chúng ta là bạn
bè mà.
- Phải, chúng ta là bạn
sau khi ra khỏi văn phòng! Còn tại
đây, ông vẫn là "xếp lớn"
đến từ trung ương. Xin mời "xếp",
ta đi.
- Ai chỉ cho ông viết họ
của tôi có dấu vậy?
James vẫn nằng nặc:
- Bí mật mà "xếp"!
Lúc về nhà gặp ông bà thân sinh,
"xếp" sẽ biết!
- Hay chúng mình ăn tối
ở khách sạn trước ...
- Không được
đâu "xếp" ơi. Ông bà cụ
đã chuẩn bị hết rồi, "xếp"
không ăn thì họ không để tôi
yên đâu!
Tôi không còn cách
nào từ chối nên đành theo James về
nhà ăn tối với cha mẹ ông ta. Suốt bữa
ăn, ông bà đã hỏi tôi rất nhiều
về Việt Nam, về trại tỵ nạn, về sự
thành công của người Việt trên đất
Mỹ ... Sau cùng, ông bà và James dẫn
tôi lên lầu. James nghẹn ngào:
- Đây là căn phòng
của người em song sinh của tôi. Nó
đã hy sinh bên Việt Nam vào mùa thu
năm 1972. Cha mẹ tôi vẫn giữ nguyên như
ngày nào.
Tôi sững sờ khi nhìn thấy
tấm hình của "James" vào lúc chừng
20 tuổi trong bộ quân phục Thủy Quân Lục
Chiến đứng bên cạnh một cô gái
người Việt mặc áo dài, tay cầm
nón lá, chụp bên hàng dừa cạnh một
con kênh nhỏ, có lẽ ở Miền Tây Việt
Nam. Tấm hình được đóng khung lớn,
trịnh trọng đặt trên một chiếc
bàn nhỏ như kiểu bàn thờ tổ
tiên tại phòng khách của nhiều gia
đình bên Việt Nam. Trên bàn có một
bình hoa chưng mấy bông hồng màu trắng
rất dễ thương. Tôi thẫn thờ, bùi
ngùi xuc động không nói nên lời.
James lên tiếng:
- Đây là tấm hình
cuối cùng của em tôi. Em tôi rất
thích hoa hồng trắng nên lúc nào mẹ
tôi cũng tìm mua về chưng trên bàn thờ
của "vợ chồng" nó. Em tôi tên
John, giống tên Mỹ của ông đó,
nhưng ở nhà vẫn gọi nó là Jack.
Bên cạnh là vị hôn thê người Việt
của em tôi, "cô ấy" cùng họ Nguyễn
với ông, tên là Nguyễn Thị Minh-Thu.
Đó là lý do tại sao tôi viết
đúng tên họ của ông theo cách
đánh dấu của người Việt. Hồi
đó, đáng lẽ tôi phải lên
đường sang Việt Nam nhưng Jack đã
tình nguyện đi thay, và em tôi chẳng bao
giờ trở về nữa! Nó đã gặp
và yêu người em gái của viên sĩ
quan Việt Nam cùng làm việc chung ở một tỉnh
nhỏ nào đó trên quê hương
ông. Tình yêu của họ gặp nhiều ngang
trái vì gia đình và họ hàng
cô ta phản đối! Em tôi đã kiên
trì theo đuổi, học hỏi ngôn ngữ
và phong tục tập quán người Việt suốt
3 năm trời, và cũng nhờ ông anh rể
tương lai giúp đỡ thuyết phục cha mẹ
và anh em bà con, tình yêu của họ mới
được mọi người chấp nhận. Em
tôi đã mãn hạn vào mùa hè
năm đó nhưng tình nguyện ở lại
làm việc trong khi tiến hành thủ tục giấy
tờ và chuẩn bị làm lễ đính
hôn để cùng Minh-Thu hồi hương ...
Nhưng rồi cả Jack và ông anh rể đều
hy sinh trong một cuộc tập kích vào mùa
thu năm 1972. Gia đình tôi cũng không biết
số phận Minh-Thu ra sao từ ngày ấy!
James và ông bà thân
sinh còn nói với tôi rất nhiều về
Jack và Minh-Thu, về những tấm hình và
những lá thư từ vùng lửa khói, về
cái chết của Jack, và nhất là những
cố gắng của gia đình để tìm kiếm
"người con dâu chưa về nhà chồng"
mà lúc nào họ cũng nhớ thương.
Đây là lần đầu tiên trong đời
tôi cảm nhận được ý nghĩa
đích thực của câu nói "tình yêu không
phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc ..."
Càng ngày tôi càng
quý mến James nhiều hơn khi biết được
mỗi khi có dịp ghé về vùng Hoa Thịnh
Đốn, ông ấy đều viếng thăm
đài tưởng niệm Binh Sĩ Hoa Kỳ Trong Cuộc
Chiến Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial), và lần
nào ông cũng đặt một bông hồng mầu
trắng dưới bảng khắc tên em mình.
Thêm vào đó, James cũng đã từng
tâm sự với tôi về việc dọn về ở
chung để phụng dưỡng cha mẹ sau khi họ
về hưu, cả chuyện gia đình đổ vỡ
và việc phụ cấp cho đứa con cho tới
lúc nó đủ 18 tuổi nữa. Đó cũng
là lý do ông ta "làm ngơ" với
tình cảm của Christine vì James không muốn
"chuyện tình mới" bị trục trặc
vì vấn đề "child support" từ cuộc
hôn nhân trước ...
...
Ăn trưa xong, tôi định
ra gặp Christine coi lịch trình công việc buổi
chiều để tiện bề sắp xếp thời
gian vì tôi đang tính dành vài tiếng
đồng hồ tâm sự với James. Nhưng
tôi chưa kịp lên tiếng, chị ấy
đã nhanh nhẩu:
- Chiều nay không có
gì quan trọng. Báo cáo Tam Cá Nguyệt
I-2007 tôi đã viết xong rồi đây,
lúc nào rảnh Duy xem lại nhé. Mà
này, "Lão James" sắp tái giá ... với
một cô người Á Đông xinh xắn, ở
đâu trên West Chester, Pennsylvania. Đúng
là "Lão Già mắc dịch!" Làm
phách bao nhiêu năm, tưởng lão
đã ...
Tôi giật mình khi nghe
Christine nhắc về cô vợ sắp cưới của
James nhưng đoán biết chị ta đang đau
lòng và khó chịu nên tôi chỉ với
tay nhận bản báo cáo rồi dịu giọng:
- Cám ơn Christine. Chiều nay
chúng ta khá rảnh rỗi đấy. Nếu chị
cần làm gì hay đi đâu, cứ tự
nhiên nhé. Tôi ngồi nghiên cứu xấp hồ
sơ này cũng hết mấy tiếng đồng hồ
rồi.
- Thế nào "Lão
James" cũng dẫn cô ả trở lại để
khoe với "xếp"!
Rồi với giọng thê
lương, chị ấy bộc lộ tâm sự :
- Ôi! Chán quá! Hay Duy cho
phép tôi nghỉ chiều nay đi "shopping"
cho khuây khỏa nhé? Tôi không muốn
nhìn thấy bản mặt "câng câng"
(quite impudent) của "Lão James" bên cạnh một
người đàn bà khác!
- OK.
Trở vào văn phòng,
nhưng thay vì xem lại bản báo cáo,
tôi lại ngồi thẫn thờ suy nghĩ, thắc mắc
tự hỏi không biết vợ sắp cưới của
James có phải là "cô ấy" hay
không.
***
Hơn nửa năm về trước,
khi tôi triệu tập một cuộc họp đại
diện các văn phòng kỹ thuật của
National Geographic ở Hoa Thịnh Đốn, James
đã năn nỉ xin tôi cho phép về Thủ
Đô trước vài hôm vì một
lý do riêng.
James là một trong những
trưởng phòng xuất sắc nhất của sở
nên tôi cũng chẳng tiếc gì mà
không duyệt chi thêm vài đêm khách sạn
và tiền ăn; thêm vào đó, tôi vẫn
có thể nhờ James giúp thêm một số
công tác chuẩn bị cho ngày đại hội.
Với Christine, có lẽ chị ấy sẽ vui nhiều
vì có dịp cho hai người gặp nhau nhiều
hơn ...
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận
phòng ở khách sạn, James đã gọi
điện thoại cho tôi:
- Chiều nay "xếp"
có rảnh không?
- Để xem. Ông định
xin phép dẫn Christine bát phố, phải
không?
- Không đời nào.
Hôm nay là ngày giỗ của em tôi!
Đó là lý do tôi xin "xếp" cho về
Thủ Đô trước ngày họp. Tôi chỉ
muốn dẫn "xếp" đến giới thiệu
với em tôi rằng ông đã dạy cho
tôi biết về phong tục tập quán của
người Việt Nam lúc nào cũng tưởng
nhớ ngày chết của người thân.
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" phải
không "xếp"?
- Xin lỗi, tôi vô ý
quá! Bây giờ ông đến văn phòng
rồi cùng mình đi.
- "Xếp" đón
tôi được không? Tôi ngại đụng
đầu Christine lắm! Nếu chị ấy
đòi theo,"xếp" sẽ khó xử nữa.
- OK.
Sau khi đậu xe ở góc
đường 21 và Constitution, chúng tôi tản
bộ theo dòng người hướng về
phía bờ tường cẩm thạch khắc
tên 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh thời
chiến tranh Việt Nam. Hai tay James nâng niu một
bông hồng mầu trắng, mắt hướng về
một cõi xa xăm, thẫn thờ, lặng lẽ
cùng tôi tiến gần tới chỗ có khắc
tên người em song sinh tên Jack đã bỏ
mình bên Việt Nam. Tôi đã từng theo
James đến thăm nơi này vài lần
nhưng chưa bao giờ đúng vào ngày giỗ
như hôm nay.
Khi tới gần bờ tường
có khắc tên của Jack, hai chúng tôi sững
sờ khi nhìn thấy một phụ nữ Á
Đông "mặc áo nâu sòng" đang
nhắm mắt đứng yên như chìm vào
cõi hư không vô định, một vài
giọt lệ trào ra từ khóe mắt, long lanh nhỏ
giọt trên hai gò má dưới ánh nắng
vàng mùa thu.
Người phụ nữ ấy cũng
cầm trên tay một bông hồng mầu trắng,
hai tay chậm rãi dò theo từng nét khắc
trên bảng tên của Jack, miệng lẩm bẩm
như đang nức nở nghẹn ngào ...
James và tôi lặng lẽ
vào đứng bên cạnh người phụ nữ.
Tôi nghe thoang thoảng trong gió một giọng
nói tiếng Việt thì thầm: "Em nhớ anh
nhiều lắm ... Mãi mãi em vẫn yêu anh
..."
Tôi giật thót người.
James cũng quay phắt qua tôi, hai mắt nhớn
nhác nhìn tôi như dò hỏi xem
"cô ấy" nói gì. Tôi chưa kịp
lên tiếng, nàng đã mở to mắt trợn
trừng nhìn James một lúc thật lâu rồi
oà lên khóc lớn: "John! Có phải anh
đây không?" Tôi chưa kịp hoàn hồn
thì chẳng hiểu sao nàng đã quay phắt
lại, vừa khóc vừa chạy.
James thả vội bông hồng
trắng dưới bảng tên của em mình, vừa
rượt theo vừa hét lớn: "Minh-Thu. Minh-Thu
..."
Phải mấy phút sau tôi mới
nhớ lại câu chuyện gia đình James
đã kể cho tôi nghe hôm đầu tiên
tới ăn cơm tối với họ.
Tôi cố moi óc nhớ lại
tấm hình phóng lớn treo trong phòng ngủ
của Jack nhưng không thể nào mường
tượng được một chút gì
liên hệ giữa cô gái trong hình và
người phụ nữ tôi vừa gặp.
Tôi nhắm hướng đuổi
theo hai người. Tôi bắt gặp nàng đang
ngồi khóc bên bức tượng đồng
"Ba Chiến Sĩ" - "The Three Servicemen" (also
referred to as "Three Fighting Men" or "Three Infantrymen")
is not a war Memorial but a Memorial to those who served in the war, both
living and dead - là đài tưởng niệm những
chiến sĩ đã từng phục vụ trong cuộc
chiến, người chết cũng như còn sống.
James đang sững sờ đứng bên cạnh, hai mắt
cũng chan hòa nước mắt.
Tôi không còn nhớ hai
người, kẻ đứng người ngồi,
khóc tới bao lâu, nhưng trước khi
hoàng hôn xuống, chị Minh-Thu đã đồng
ý cùng đi ăn tối với tôi và
James.
Qua câu chuyện, tôi hiểu
được lý do chị Minh-Thu nhìn lầm
James với người em song sinh ngày trước chỉ
nhờ cặp mắt chứ vóc dáng bề
ngoài thì chị ấy không tài nào nhận
ra. Phần James, ông ta cũng không giải
thích được tại sao đã buột miệng
gọi "Minh-Thu" khi nàng bỏ chạy. Phải
chăng là hương hồn của người em
đã khuất thôi thúc James phải chạy
theo Minh-Thu như một nhân duyên tiền định?
Trong nức nở nghẹn ngào
và nước mắt, chị Minh-Thu đã kể
lại cho chúng tôi nghe về quãng đời
gian nan của chị từ mùa thu năm đó.
Chị đã quyết định để tang
người chồng chưa cưới 3 năm cho trọn
đạo rồi xin quy y cửa Phật. Tuy nhiên, tang
chồng chưa mãn vận nước đã
đổi thay và gia đình ly tán ... Minh-Thu
theo gia đình người chị ruột về lập
nghiệp tại một vùng "Kinh Tế Mới"
gần biên giới Cao-Miên sau khi người anh rể
đã khăn gói lên đường đi học
tập cải tạo.
Mấy năm sau, một lần nữa,
nàng lại theo chị và các cháu chạy
loạn vì chiến tranh Việt-Miên. Thôi
thì trăm cay ngàn đắng dồn dập đổ
xuống suốt bao nhiêu năm trường nhưng
Minh-Thu vẫn một lòng "tu tại gia" thờ
chồng.
Hơn 15 năm trước, gia
đình chị nàng được qua Mỹ theo
diện H.O. Mấy năm sau, nhờ sự giúp đỡ
của anh chị, Minh-Thu và đứa cháu
còn kẹt lại vì "quá tuổi"
đã xin xỏ, chạy chọt giấy tờ để
dọn về Sàigòn. Ở đó Minh-Thu an phận
sống đời buôn thúng bán bưng trong
các ngõ hẻm để sống qua ngày với
cháu. Nhưng rồi bốn năm sau người
cháu rồi cũng ra đi đoàn tụ gia
đình. Minh-Thu không hy vọng gì nhiều
vào giấy tờ bảo lãnh của chị
mình nên dự tính sẽ thật sự
"phát nguyện quy y". Lâu nay chị cứ
lưỡng lự không dám vào tu ở
chùa vì thỉnh thoảng John vẫn còn hiện
về trong giấc mơ và nàng không bao giờ
quên được hình bóng người chồng
chưa cưới đã vĩnh viễn ra đi!
Hơn một năm trước,
Minh-Thu được qua Mỹ đoàn tụ với
gia đình người chị ở tiểu bang
Pennsylvania. Ngay khi vừa đến Mỹ, ước
mơ duy nhất của nàng là tìm dịp về
Thủ Đô viếng "mộ chồng" một
lần cho thỏa lòng thương nhớ.
Sau bao nhiêu ngày tháng chuẩn
bị, Minh-Thu đã sắp xếp tới viếng
"mộ chồng", dù "mộ" chỉ
là một tấm bảng ghi tên trên bức
tường của đài tưởng niệm Binh Sĩ
Hoa Kỳ Trong Cuộc Chiến Việt Nam, với một
bông hồng mầu trắng, vào đúng
ngày giỗ thứ 34 của chàng.
Minh-Thu đã ngừng kể từ
lâu nhưng nước mắt vẫn dầm dề.
Tôi nhìn lên thấy James cũng đang nghẹn
ngào xúc động. Tôi kể cho chị
Minh-Thu biết về gia đình James ... Chị ấy
đã bật khóc nức nở khi biết rằng
từ mấy chục năm nay cha mẹ của John
đã nhận nàng làm dâu và tấm
hình cuối cùng của hai người cũng
như tất cả thư từ, kỷ vật còn lại
của John vẫn được giữ nguyên trong
phòng như ngày nào John vẫn còn ở
với cha mẹ. James vội vã gọi điện thoại
về báo tin cho cha mẹ. Hai ông bà năn nỉ
nhờ tôi thuyết phục Minh-Thu dọn qua ở với
ông bà, nhưng nàng chỉ hứa sẽ tới
thăm khi hoàn cảnh cho phép và nàng cũng
rất muốn được nhìn xem nơi John
đã được sinh ra và lớn lên, nhất
là nhìn lại những tấm hình ngày
xưa mà nàng đã đánh mất trong
thời di tản. James và Minh-Thu trao đổi điện
thoại, địa chỉ ...
***
Tôi giật mình trở về
với hiện tại vì một giọng nói tiếng
Việt rất ngọng, ngượng nghịu và ồm
ồm:
- Chào "ông xếp".
Tôi muốn giới thiệu "nhà tôi sắp
cưới".
Tôi nhìn lên thấy James
đang "tươi rói" đứng chắn
ngang cửa văn phòng và vài tiếng cười
khúc khích mé ngoài. Tôi dí dỏm
đáp lại bằng tiếng Việt:
- Chưa cưới thì vẫn
là "nhà người ta" chứ không phải
"nhà tôi" đâu James à! Vào
đây, vào đây!
Chị Minh-Thu tay trong tay với
ông James e thẹn bước vào văn phòng.
Chị ấy đã hoàn toàn lột xác.
Hình ảnh một người phụ nữ gầy
còm ốm yếu, đôi mắt u uẩn đau buồn
và lúc nào cũng sẵn sàng nhỏ lệ
không còn nữa. Khuôn mặt của chị
Minh-Thu bây giờ là biểu tượng của sự
tươi trẻ, hồn nhiên và hạnh
phúc mặc dầu chị đã trên 50 tuổi.
James nâng tay Minh-Thu hớn hở tuyên bố bằng
tiếng Anh:
- Chúng tôi mới
đính hôn cuối tuần vừa rồi "xếp"
ạ. Tôi đang hạnh phúc lắm!
Tôi đáp lại bằng
tiếng Việt vì cố tình nói cho chị
Minh-Thu nghe:
- Chúc mừng! Chúc mừng
anh chị!
- Nói tiếng Anh đi "xếp"!
Tôi chỉ mới học nói được
vài câu tiếng Việt nhưng nghe thì
không hiểu gì cả. Tuy nhiên, với
"cô giáo" dễ thương này,
tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.
Chị Minh-Thu chỉ tủm tỉm
cười trong hạnh phúc chứ không nói
tiếng nào. Tôi chưa lên tiếng thì
James đã xổ một tràng dài, không kịp
thở:
- "Xếp" phải đi
đám cưới tụi tôi nhé. Cha mẹ
tôi nói sẽ gọi cho xếp đó.
Nhưng chuyện đó tính sau, tôi cần
"xếp" giúp tôi việc này ngay
vì Minh-Thu không chịu giải thích cho
tôi. À quên, "xếp" có biết
không? Tôi đã yêu Minh-Thu ngay sau lần gặp
đầu tiên với "xếp" đó
và tôi đã ngỏ lời ngay khi đón
Minh-Thu qua Evanston thăm cha mẹ tôi; nhưng
"cô ấy" cứ làm khó dễ
hoài. Cha mẹ tôi qua Pennsylvania thăm gia
đình Minh-Thu và phải năn nỉ mãi
cô ấy mới đồng ý. Tuy nhiên,
"cô ấy" lúc gọi tôi là James,
lúc Jack, lúc John... Tôi không quan tâm, miễn
chúng tôi yêu nhau là được rồi.
Nhưng sau hôm "đám hỏi", ông anh rể
của Minh-Thu đề nghị rằng chỉ cần gọi
là "J" được rồi, vì cả 3
cái tên đều bắt đầu bằng
"J"... Nhưng vì tiếng Việt không
có chữ "J" nên ông ấy bảo
tôi sửa lại thành "Dê", nghĩa
là "goat" đó. Tại sao vậy "xếp"?
Rồi ông ấy lại bảo theo phong tục Việt
Nam, "Dê" tượng trưng cho số 35, rất
phù hợp quãng đường 35 năm từ
khi Minh-Thu và em tôi dự tính làm
đám hỏi cho tới ngày tôi và
nàng đính hôn. Ý Trời! Tôi
mù tịt, chẳng hiểu gì cả!
James chưa dứt lời mà chị
Minh-Thu đã nháy nhó ra hiệu cho tôi
đừng giải thích. Tôi nghĩ chắc chị
ấy sợ "người yêu" hiểu lầm về
chuyện "dê cụ" lắt léo trong tiếng
Việt. Tôi đánh trống lảng:
- Từ từ chứ ông bạn.
Ông hỏi nhiều quá tôi biết làm sao
mà trả lời?
- "Xếp" thông cảm
nhé. Tôi đang yêu mà!
Tôi cũng cảm nhận
được hạnh phúc của hai người
nên đề nghị:
- Chúng mình kiếm chỗ
ngồi uống nước rồi nói chuyện nhiều
hơn.
- OK "xếp". Em thích chứ,
Minh-Thu?
Chị Minh-Thu nhỏ nhẹ:
- Duy đưa chị và
"ông ấy" đến Eden được
không? Chị nghe nói chứ chưa bao giờ tới.
Hai người vẫn tay trong tay
theo tôi vào thang máy xuống nhà lấy xe.
Trông họ thật hạnh phúc và đẹp
đôi. Tôi nhớ lại một câu nói
đã nghe ở đâu đó: "Khi đang
yêu và được yêu, người con
gái nào cũng trở nên xinh đẹp lạ
thường!" Lần đầu tiên trong đời
tôi thực sự cảm nhận được
phép mầu của tình yêu nam nữ.
Tôi xin phép hai người
để viết lại những dòng này như
một lời chúc mừng cho tình yêu của
họ. James chỉ xin tôi đừng tiết lộ
"tên họ" (last name) của gia đình
và "chị ấy" yêu cầu tôi đổi
tên của chị thành Minh-Thu để người
ta không biết chị là ai ...
Sau 35 năm, một chuyện
tình bắt đầu trong gian khổ và nước
mắt từ Cái Sắn (Tỉnh Kiên-Giang ) Việt
Nam đang bắt đầu "nẩy chồi đơm
bông" tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn,
và trong tương lai rất gần sẽ "kết
trái" ở vùng Evanston, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ
...
Nguyễn
Duy An
(Sinh
Phung Nguyen sưu tầm, Trung Lam chuyển)