CHUYỆN VUI .. QUỐC TỊCH !!!
Cũng như đêm cuối
cùng của Đường Tăng trằn trọc
không sao ngủ được, chờ ngày mai
vào yết kiến Như Lai để lên kiếp
Phật, Cụ Phúc đêm nay cũng vậy.
Ngày mai cụ tuyên thệ vào quốc tịch
Mỹ. Cụ nằm trăn trở nghĩ đến cả
mười năm trời đằng đẵng, từ
khi đủ năm để hợp lệ nạp
đơn đến những đêm đứa con trai
đi làm về chở cụ đi học lớp luyện
thi vào quốc tịch ở văn phòng USCC . Cụ
nghĩ nó như con thoi giữa 2 thế hệ. Trong tuần
đưa cụ đi học tiếng Anh, bắt cụ phải
trả lời điện thoại "hello" chứ
nói "tôi nghe đây" làm sao Mỹ hiểu
được . Cuối tuần đưa con đi học
tiếng Việt, mắng con gọi xe "fire truck"
là "xe lửa" , phải nói là "xe cứu
hỏa" hay "xe chữa lửa" chứ. Nhiều
lúc cụ thấy phải chi mà thằng chắt
đi học tiếng Anh, còn cụ đi học tiếng
Việt thì mới đúng theo lý tự
nhiên của trời đất.
Thoạt đầu cụ tưởng
cả lớp luyện thi vào quốc tịch này,
đầy những cụ tuổi gần đất xa trời
, học để giết thì giờ, cho bớt nỗi
buồn xa xứ. Vậy mà ngày bà cụ
Ngà thi rớt (lần đầu) , cả lớp
xôn xao lên như ngày Mỹ rút quân ra
khỏi Việt Nam. Thực ra thì bà này rớt
cũng đáng đời lắm. Đời thuở
nào ông quan tòa hỏi tổng thống Mỹ
là ai, bà cụ lại trả lời là Nguyễn
văn Thiệu thì đậu làm sao được
.
Sinh nhật người nào
trong lớp, bà cũng làm cho một cái
bánh gà-tồ rồi bắt các cụ
vây quanh hát "Happy Birthday". Cụ không biết
đến ngày chết thì người ta có
hát "Happy Deathday" không, bởi vì cụ
nhớ bên quê nhà những ngày kỵ giỗ
mới thật là quan trọng . Con cháu tụ họp
ăn uống 2, 3 ngày liền. Chứ ngày bước
vào trần thế khổ ải này, người
ta phải dày công tu hành để thoát
ra khỏi vòng luân hồi, thì mừng rỡ
ngày sinh để làm gì ?
Vậy mà thời gian thấm
thoát qua đi, rồi cũng đến ngày cả
lớp đi thi. Các cụ sáng sớm đã
ngồi đầy ra ngoài phòng đợi của
sở di trú trong tòa đô sảnh thành
phố . Cụ nghĩ ngày xưa đi thi Hương
, thi đình cũng chỉ nhộn nhịp đến
thế là cùng . Con cháu đem theo cho nào
là bánh trái, nước uống , cả ghế
xếp để ngả lưng , như thi vào quốc
tịch đến mấy ngày trời. Bây giờ
trí nhớ các cụ kém cỏi , học
được tiếng Mỹ chữ nào , vài bữa
lại quên hẳn đi không biết phát
âm làm sao . Cho nên đi thi, cụ nào cũng
viết chi chít , như xâm mình trên tay ,
các câu trả lời phiên âm ra tiếng việt.
Thằng cháu cụ Tốc thì cứ nhắc
đi , nhắc lại ngoại nhớ ngày lễ quan
trọng nhất của Mỹ không phải là Tết,
mà là ngày Độc Lập . Cụ lại
kéo tay áo lên lẩm bẩm kiếm chữ "IN
ĐẺ BÊN ĐÀNG" (Independance) . Bà cụ
Ngà hỏi với qua "có phải là
ngày Tây về nước không , cụ
Phúc ? ". Cụ đành thở dài, biết
ông tòa muốn đánh rớt thí sinh
nào thì chỉ cần bắt hát bài quốc
ca Mỹ là thí sinh đó rớt ngay .
Vậy mà Giời phù hộ,
cả lớp đậu hết . Cụ còn nhớ
ngày ăn mừng tân khoa , cụ nào cũng
hí hửng như những đứa trẻ con vừa
lên lớp, cầm vẫy lá cờ Mỹ để
chụp hình lưu niệm. Bà cụ Ngà
hôm ấy đẹp hẳn ra, mặc cái váy
đầm thay cái quần đen vừa nói
"Con gà tui lội sông" (congratulations), vừa
high-five , vừa "hug" mọi người . Cụ thấy
mọi người như trẻ ra đến cả chục
tuổi. Có thể là vì cái ôm nồng
nàn da thịt của bà cụ Ngà làm cụ
thấy trong người đổi thay như cả một
mùa xuân hừng hực kéo nhau về. Có
thể là vào quốc tịch mới, làm
người ta tưởng như đổi thành một
kiếp người khác , trở lại cái tuổi
tập ăn tập nói, nên hồn nhiên
như một đứa trẻ thơ .
Thế mà đêm nay cụ
lại trằn trọc . Một phần là vì cụ
cứ nghĩ đến ngày mai ở tòa
đô chính , ông thị trưởng thành
phố tổ chức nghi lễ tuyên thệ vào quốc
tịch riêng cho cộng đồng người Việt
, để đánh dấu một chặng đường
gần phần tư thế kỷ tàn cuộc chiến
tranh của người Mỹ tại Việt Nam . Ông
chủ tịch mấy hôm nay hăm hở nhắc nhở
bà con mặc đồ cho đẹp để
lên truyền hình . Mọi người học thuộc
lòng câu "I am proud to be American " để khi
báo chí radio người Mỹ phỏng vấn
thì tỏ ra cộng đồng người Việt
mình mau hội nhập hơn các cộng đồng
sắc tộc khác .
Cụ cứ nghĩ tới lúc
trước cử tọa cả nghìn người,
có thống đốc tiểu bang, nghị sĩ ,
dân biểu quốc hội, quan chức các
ngành , người ta gọi tên cụ lên
khán đài nhận bằng công dân Mỹ,
là cụ lại xốn xang trong người. Chả
vì cụ ngang bướng giữ cái tên
cúng cơm của cụ. Tên họ trong tờ khai
sinh cụ là Dư Quí Phúc . Ỏ trại tỵ
nạn, cụ đã bao nhiêu lần cãi
gàn cãi bướng với mấy người
thông dịch viên là tên cụ phải
có dấu mới là tên của cụ Tiếng
Việt một chữ có hằng chục nghĩa nếu
không bỏ dấu. Thí dụ như LO có thể
là lờ, lợ, lờ, lơ, lộ, lô, lố,
lồ, lồ, lo, lọ ,lò, ló, lõ .. . Vậy
mà có ai nghe cụ đâu , người ta cứ
điền vào tên trước, họ sau .
Cho đến hôm cụ còn
nhớ mãi ngày nhà thờ First Bapstist Church bảo
trợ gia đình cụ đến thành phố
này . Hôm ấy chủ nhật, nhà thờ
đông đảo chật cứng đến nỗi
người ta phải đứng lan ra ngoài hành
lang. Ông mục sư trịnh trọng giới thiệu
gia đình cụ mới dịnh cư . Cứ mỗi
lần tả cảnh gian khổ gia đình cụ trải
qua, cả nhà thờ lại xướng ầm
lên Alleluja có nghĩa là ngợi khen chúa.
Cuối cùng ông mục sư nói dõng dạc
giới thiệu cụ: Please welcome , Mr. Phuc Du. Cái giọng
ông oang oang lên "Phuc Du !" Cả nhà thờ
đang xôn xao bỗng im lặng như chiếc xe lửa
thắng gấp lại rồi lấy trớn lao tới
cười nghiêng, cười ngửa . Ông mục
sư ngơ ngác sửa lại gọng kiến,
nhìn xuống tờ giấy viết tay rồi đọc
lại tên cụ lần nữa Phuc Du. Lần này
đến phiên ông mục sư gấp người
lại làm đôi, cười sặc sụa chảy
cả nước mắt nước mũi ra . Cụ
Phúc chân ướt chân ráo, tưởng
đó là phong tục địa phương
chào đón mình đứng bụm hai tay
đưa lên trán bái tứ hướng để
cảm ơn sự ưu ái của nhà thờ .
Sau này ông mục sư cho
người đến đề nghị cụ đổi
tên gọi để lấy lại sự nghiêm
trang . Một là cụ lấy hẳn tên Mỹ
như John, Peter, Larry .. cho dễ gọi. Hoặc phiên
âm tên cụ tiếng Việt Ông Phúc
Dư ra tiếng Mỹ là Mr. Foot Joy . Cụ bực lắm
, tên cụ từ Việt Nam là Quí Phúc ,
nghĩa là ơn phước quí báu của
trời phật ban cho , sang đến đây thì lại
thành Túc Hân , là bàn chân hân
hoan. Cụ bỏ xứ sở ra đi, mất hết chỉ
còn một cái tên Việt là cái di sản
gốc gác của cụ mà đành phải mất
luôn sao . Từ đó cụ không đi
nhà thờ Tin Lành nữa, nhưng tên cụ
thì cứ tạm thời giữ vậy. Cụ đi
tỵ nạn vài bữa, khi nào quốc gia thanh
bình thì cụ lại dắt các con cháu
về. Thà làm cụ Phúc nước Việt
, hơn làm cụ Túc nước Huê Kỳ.
Ngày mai cụ tuyên thệ
vào quốc tịch Mỹ. Thế mà cụ
Phúc lại trằn trọc đêm nay không sao
ngủ được. Cũng bởi vì mấy
hôm trước các cụ tân khoa bàn về
chuyện tiếp tân mừng ngày nhập tịch
Mỹ. Bế tắc từ đầu chỉ vì
các cụ phải chọn món ăn cho buổi tiệc
. Món ăn nào đãi khách vừa
thích hợp với quốc tịch mới , vừa
có bản sắc dân tộc .
Ông Hai Bò lên tiếng
ngay. Ông này tên việt nam là Cao Văn Tự,
trong giấy tờ viết là Tu Cao. Mỹ đọc
là " two cows " nghĩa là 2 con bò . Từ
đó có tên Hai Bò . Vốn là
dân thông dịch viên cho Mỹ ở căn cứ
Long Bình , sang bên này ông bán bảo hiểm
nhân thọ. Cụ nào mà được
ông kéo riêng ra góc phòng đều sợ
run lên như tử thần đến, vì ông
Hai Bò cứ thúc dục luôn "cụ thử nghĩ coi cụ còn sống
được bao lâu, trời gọi ai người nấy
dạ . Thú chết để da, người ta chết
để tiếng . Mấy cụ qua đây ăn
phút-tem thì có tiếng gì mà để,
chi bằng mua cái bảo hiểm nhân thọ ,
đến khi chết để lại cả bạc triệu
cho người ta xây một cái chùa hay
nhà thờ có phải là tên tuổi
mình khắc vào bia đá nghìn năm, bất
tử với đời khôn ". Tưởng
ông dọa chết thì cóc ai thèm mua, thế
mà từ ngày cụ Hanh mua cái bảo hiểm
nhân thọ đầu tiên, Hai Bò bỗng đắt
khách như tôm tươi.
Chả vì cụ Hanh mới
đoàn tụ gia đình vài năm nay. Mấy
đứa con qua từ năm 75 , nhà cao cửa rộng
, ngày cụ đến phi trường không thấy
đứa nào ra đón . Thằng Tư thì
đùn cho chị Ba , vợ thằng Bảy thì
nói nhà nó có lầu cao , sợ ổng
già đi chỏng gọng, té bể đầu .
Hôm ấy, cụ Hanh lủi thủi đi với
bà Mỹ USCC về ở cái phòng trong khu
housing Mỹ đen. Hôm nghe Hai Bò dụ mua bảo
hiểm nhân thọ, lại chịu lấy bằng
phút-tem, cụ Hanh mua ngay . Vài hôm tin đồn
cụ có cái bảo hiểm bạc triệu, mấy
đứa con bỗng có hiếu hẳn ra , tranh nhau mời
cụ về nhà ở. Chồng con Năm Thúy
đánh lộn với thằng Tư chỉ vì tội
không để cho nó báo hiếu nuôi
ông già vợ . Ngày nào cụ muốn
ăn thức gì , đám con rối rít đi
mua về ăn không hết . Có điều hơi
lạ là không đứa nào mua sâm cao-ly
để cụ uống cho khoẻ người , sống
thọ thêm ra.
Thỉnh thoảng trái gió
trở trời , cụ mới ho hen cảm cúm nằm
trên giương vài ngày là cả
nhà xúm lại bàn chuyện làm cái
di chúc sao cho hợp lệ với thủ tục tiểu
bang , để lãnh tiền bảo hiểm mà
không phải đóng nhiều thuế.
Thấy cụ Hanh chỉ mua
cái bảo hiểm nhân thọ mà được
con cái hậu đãi, đi học mặc áo
vest, tay cầm mô-bai thì các cụ ngộ ra rằng
tội gì ở xứ cờ hoa này mà
không làm triệu phú . Sống trên đời
mà không mua bảo hiểm nhân thọ, xuống
âm phủ biết có hay không, bèn ùn
ùn theo năn nỉ Hai Bò để được
giá rẻ. Chết được bonus một cái
hòm cẩm lai của nhà táng xác tặng
quảng cáo .
Hai Bò bỗng dưng trở
thành ân nhân của hội bô lão ,
nên khi Hai Bò nói bất cứ cái gì
, mọi người đều lắng nghe. Hai Bò trịnh
trọng xoa 2 tay vào nhau . "Cái tradition của
người Mỹ từ trước đến nay, party
mà có tính cách dân tộc là phải
có barbecue . Barbecue là chữ ghép bởi 2 chữ
"Barbaric" and "cuisine" có nghĩa là
cách nấu ăn cách mọi rợ . Ám chỉ
một sinh hoạt văn hóa bán khai của
người da đỏ ngày trước . Họ mới
là người Mỹ chính hiệu con nai
vàng. Tuy những người da trắng đến
đây, dùng vũ lực cướp hết đất
đai của người da đỏ để lập
nên Hiệp Chủng Quốc , người Mỹ
luôn luôn nhắc nhở con cháu họ ông tổ
Mỹ là người da đỏ bằng cách
ăn barbecue . Do đó chúng ta trở thành
công dân Mỹ, uống nước nhớ nguồn,
drinking water remember origin hole . Tôi xin đề nghị
món ăn barbecue "
Cụ Can't Do đứng lên khua
tay phản đối . Tên thật cụ là Đỗ
Thành Cẩn. Viết theo lối Mỹ thì họ
tên lẫn tên đệm là Can T. Do . Bà
cô dậy Anh ngữ thấy cụ chả bao giờ chịu
làm homework , bèn đọc luôn là
"Can't Do". Cụ là người duy nhất
không mua bảo hiểm của Hai Bò vì
bà xã cụ còn sồn sồn. Cụ chỉ
sợ có bảo hiểm nhân thọ thì nhiều
khi chết sớm vì lâu nay cụ Can't Do không
còn hăng hái trong chuyện phòng the, mà
vợ cụ còn xuân xanh lắm. Ngày xưa
bán bánh cuốn ngoài chợ Thị Nghè,
vợ cụ ngồi xổm nhiều nên cái
bàn mông mẩy ra tròn trịa to như hai
cái lồng bàn. Ở Việt Nam thì cái
quần đen với cái áo bà ba che hết
đi, qua Mỹ mặc cái quần jean vào nó
lồ lộ , khêu gợi làm sao . Thế mà cụ
Can't Do lại cứ cố tình phớt lờ như
thể cụ là một nhà hiền triết đạo
mạo. Ngày nào cụ cũng tập Tai Chi cho cứng
gân cứng cốt , mà hễ cứ gần vợ
cả người cụ rủ nhau mềm nhũn ra
như bún . Lần nào vợ cụ cũng thở
dài thườn thượt , bảo cụ chết
quách cho xong. Nói vậy thì cụ mua bảo
hiểm nhân thọ để làm quái gì
. Nghe Hai Bò trình bày món ăn barbecue, cụ
Can't Do gạt phắt đi .
"Miếng thịt Barbecue là
biểu tượng cái đầu óc thực
dân, kỳ thị của người da trắng . Họ
coi sự chinh phục những người bản xứ
da đỏ là một chiến thắng vĩ đại
trong lịch sử Hoa Kỳ. Món barbecue của người
Mỹ thường là do các đấng mày
râu đứng nướng để biểu lộ
hùng tính và cương vị thủ
lãnh của phái nam, nhắc nhở chúng ta
hình ảnh các chiến sĩ xẻo thịt rồi
xóc vào gươm mà nướng để
khao thưởng sau các trận mạc. Nước Mỹ
là nơi melting pot, hợp chủng quốc .Món
ăn tiêu biểu phải là hamburger , món thịt
bằm hầm bà lằng. Người Mỹ ăn
hamburger còn để nhắc nhở con cháu họ
về cuộc chiến Nam Bắc phân tranh tương
tàn của họ. Tôi xin đề nghị
món thịt băm hamburger ".
Bà Loan To , tên Việt
là Tô thị Loan, Mỹ lại đọc là
Lôn To, đưọc dịp đứng lên
phát biểu . Bà này lại có chồng Mỹ
da đen Frank Quaker , hoả đầu quân của
lính bộ binh Mỹ tham chiến thời trước.
Nên tên bà nay có thêm họ Mỹ
là Loan To Quaker. Mấy cụ trong lớp thì Việt
Nam hoá tên bà là Lôn-To-Quá-Cỡ.
Bà Lôn To phát biểu " Dạ tui không
biết nhiều về lịch sử Mỹ, chỉ biết
ngày đầu tiên về nhà chồng
được ông xã tôi cho ăn món Hot
Dog . Tui thấy hot dog mới là biểu tượng
đúng cho chức vị siêu cường quốc
, hùng mạnh của nước Mỹ. Tui xin đề
nghi Hot Dog, mà size loại Jumbo à nghen ".
Bà cụ Ngà ngồi
bên đắc ý hùa theo "Cùng là
bò mà thịt bò Mỹ nó khác thịt
bò Việt Nam chị ạ . Để cả tuần
trong tủ lạnh , bỏ ra nó cứ đỏ ửng
lên. Còn thịt bò Việt Nam mình để
từ sáng đến trưa nó tái hẳn
đi như thịt trâu ấy " .
Các cụ ông lấm
lét nhìn nhau không biết bà cụ
Ngà đang bàn về văn hóa của những
miếng thịt hay nói xéo qua về những
đồ gia dụng hàng ngày của các cụ
ông .
Cụ Quýnh trưởng ban tổ
chức thấy mọi người nhao nhao lên ,
nên theo tinh thần dân chủ của Mỹ đề
nghị là sẽ có cả 3 món barbecue,
hamburger và hot dog. Ông Hai Bò lại có
thêm ý kiến để có tinh thần Mỹ
Việt đề huề, các món ăn trong thực
đơn phải dịch ra tiếng việt . Cụ
Quýnh sẽ cho ghi bên cạnh là barbecue (thịt
nướng kiểu mọi), hamburger (thịt bằm dập),
hot dog ( thịt chó nóng) .
Đã gần nửa
đêm mà Cụ Phúc chưa thấy ai lên
tiếng về phần món ăn Việt Nam. Có thể
là vì người Việt mình ở Tây
phương trong những xã hội tự do nhất
hoàn cầu lại cảm thấy mình như
côi cút, lạc lối , xa lạ cả với
chính tình tự quê hương của
mình. Từ xưa đến nay cụ vẫn tự
hào về bản sắc văn hóa riêng biệt
của người Việt . Ra ngoại quốc cụ thấy
rằng cái mà xưa nay ta vẫn tưởng
là Việt tính, nay chỉ còn lại chẳng
bao nhiêu là Việt, mà tính cũng chẳng
còn là bao ; cái mà xưa nay ta vẫn
tưởng là của ta , ngờ đâu chỉ
là cái đàn cha, đàn chú,
đàn anh của ta vay mượn từ lâu của
ngoại nhân . Với cái hoang mang đó , cụ
nghĩ đến câu văn hào Paul Valry "Muốn biết văn
hóa của giống dân nào thì cứ
nhìn vào sinh hoạt hàng ngày của giống
dân đó" . Cụ nghĩ nếu
đãi khách bằng một món ăn có
bản sắc dân tộc, biểu tượng cho
người Việt thì phải chọn là
món ăn gì . Không gì Pháp bằng
crêpe, không gì Mỹ bằng hamburger, không
gì Ý bằng pizza, không gì Đức bằng
bratwurst, không gì Mễ bằng taco , không
gì Nhật bằng sushi . Còn Việt nam là phở
ư ?
Ở bên này Cụ thấy
hầu hết những đám cưới,
đám hỏi người ta giữ đủ phong tục
nghi lễ cổ truyền mà có đám
nào đãi ăn phở đâu mà gọi
là món ăn dân tộc ? Hay là tại sao
mình không tổ chức tiếp tân tại
nhà hàng Tàu cho tiện . Chỉ có thế
thôi mà giông bão nổi lên trong
phòng hội chỉ vì sự khủng hoảng về
hiện tượng bám víu thê thảm
vào cái tính đồng nhất riêng biệt
của hành trang ý thức và tình cảm
quê cha đất tổ .
Trời đã quá
đêm. Ánh trăng còn lại một
chút trên khung cửa ẩm uớt hơi
sương. Cụ Phúc vẫn còn nằm trăn
trở không sao ngủ được ...
Tác
giả: KHIẾT BÔNG = KHÔNG BIẾT
(Khai
Nguyên sưu tầm
và chuyển)