Đỉa - vị bác sĩ tốt
(Tác Giả: Minh Luân)
Dù nó dễ gây kinh
tởm nhưng loài sinh vật đồng minh với
ngành y đó đang xuất hiện trở lại
một cách đáng chú ý.
Anh thủy thủ Frederick Persson đang làm
công việc cặp bến trên chiếc tàu Thụy
Điển “Carmen” ở cảng Bristol thì sợi
dây quấn trên tay anh bỗng căng ra, nghiến
đứt 4 ngón tay. Anh được chuyển khẩn
cấp vào bệnh viện, tại đó các
bác sĩ cho rằng có 2 ngón hoàn
toàn không thể cứu được. Sau 8 giờ
vi phẫu thuật tinh tế, bác sĩ Donald Sammut
đã ghép lại được 2 ngón kia.
Nhưng 48 giờ sau đó, các ngón tay của
anh lại chuyển sang màu xám đen. “Một
cục máu đã hình thành” -
bác sĩ Sammut cho biết. Ngành phẫu thuật
hiện đại không còn làm gì hơn
được nên bác sĩ Sammut quay sang một
đồng minh xa xưa của y học : loài đỉa.
Ông đặt nhiều con đỉa lên các ngón tay của Persson. Chỉ
trong 2 ngày, chúng đã hút hết lượng
máu tích tụ và sự tuần hoàn trở
lại bình thường. Mười lăm ngày
sau đó, Persson có thể trở về Thụy
Điển.
Có tất cả 650 loài đỉa mà
kích thước căng ra thay đổi từ 1 đến
45cm. Giống giun đốt này có mặt khắp
nơi trên thế giới - và không phải tất
cả đều là loài hút máu -, thở
bằng da, có 2 quả tim và có thể nhịn
đói nhiều tháng. Nhiều loài có
giác hút ở 2 đầu tận cùng.
Loài đỉa luôn gây ra sự ghê tởm
cho mọi người. Tuy nhiên chúng đang trở
lại một cách oai hùng, và từ vài
năm nay loài đỉa Hirudo medicinalis đã cứu
sống được hàng ngàn bệnh nhân
phẫu thuật cũng như bị tai nạn trên khắp
thế giới. Khi cắm 300 cái răng nhọn
vào thịt (để lại vết hình chữ
Y ngược), con đỉa tiết ra một chất
gây tê mạnh khiến cho vết thương
không đau. Lúc bắt đầu hút
máu, nó lại tiết ra một hỗn hợp chống
đông máu để đảm bảo máu
được tinh khiết và không đông lại.
Dù việc hút máu không quá 20 hay 30
phút nhưng sự chảy máu có thể
kéo dài nhiều giờ, do đó có thể
làm tan các cục máu “lì lợm”
nhất.
Việc ghép vành tai là tinh tế nhất
vì những mao mạch ở đấy có
đường kính không quá nửa
milimét. Khi em Guy Condelli 5 tuổi bị một con
chó cắn sứt vành tai, bác sĩ
đã phải mất 12 giờ để khâu lại
vành tai cho em. Khốn nỗi, 3 ngày sau đó
vành tai của em lại chuyển sang màu xanh rồi
đến tím ngắt. Trưởng khoa phẫu thuật
Joseph Upton, vốn đã từng dùng đỉa
để cứu chữa thương binh trong cuộc chiến
ở Việt Nam, quyết định dùng đến
loài vật đó. Trong 6 ngày, ông đặt
lần lượt 12 con đỉa lên vành tai của
Guy. Một khi đã no đủ máu, đỉa sẽ
tự rơi ra. Ngày cuối cùng, sự tuần
hoàn đã trở lại bình thường,
và ngày hôm sau nữa, vành tai lấy lại
được màu sắc tươi tắn.
Bất chấp sự
dè dặt của các đồng nghiệp trong việc
sử dụng đỉa, bác sĩ phẫu thuật
Peter Mahaffey ở Anh đã góp phần nâng cao
giá trị của con đỉa như một trợ
thủ của ngành y học hiện đại.
Ông nhớ lại thời còn học ở trường
Y, người ta thường dùng đỉa để
chữa những quầng mắt thâm tím của
các cầu thủ bóng đá. Từ
đó ông luôn chứa sẵn một lọ
đỉa trong khoa phẫu thuật chỉnh hình của
ông tại bệnh viện Lister ở Stevenage.
“Tôi đã chứng kiến rất nhiều
ngón tay bị cắt đứt bởi máy in hay
máy tiện được cứu vãn. Đỉa
là một cách trị liệu rất rẻ tiền
vì nó có thể tránh được sự
thất bại của một cuộc phẫu thuật hao
tốn thời gian, phương tiện và cần
đến một đội ngũ bác sĩ-điều
dưỡng chuyên môn” - bác sĩ Mahaffey
cho biết.
Tại Anh có một cơ sở nuôi đỉa
được lập ra và chỉ đạo bởi
bác sĩ Roy Sawyer tại làng Hendy. Xí nghiệp
Biopharm đó cung cấp mỗi tháng 5.000 con đỉa
cho các bác sĩ và bệnh viện trên khắp
thế giới. Bác sĩ Sawyer đã tìm thấy
đỉa trong vùng đầm lầy xứ ông,
bang Nam Carolina (Mỹ). “Ngày xưa đỉa
được dùng để hút máu tại
chỗ trong các chứng viêm. Suốt trong nhiều
thế kỷ, cùng với việc cắt bỏ,
hút máu là thao tác phẫu thuật duy nhất”
- bác sĩ cho biết. Roy Sawyer đã lấy
được bằng tiến sĩ động vật học
tại Đại học Swansea xứ Galles. Sau khi bỏ ra
hơn 10 năm để viết quyển “Y học
và tập tính của đỉa”, ông
đã trở thành một người nổi tiếng
trên thế giới về lĩnh vực đó. Tại
Hendy ông nuôi được 80.000 con đỉa thuộc
nhiều loài khác nhau, chúng sinh sản trong
các bình thủy tinh mà nhiệt độ
được kiểm soát kỹ lưỡng. Một
lò sát sinh gần đấy cung cấp cho ông
những ruột heo chứa đầy máu để
nuôi chúng.
Hiện nay tương lai y học của đỉa
đã vượt quá khuôn khổ điều
trị hậu phẫu. Năm 1977, Sawyer hướng dẫn
một chuyến du khảo đến Guyana thuộc
Pháp để tìm loài đỉa Haementeria
ghilianii, loài đỉa to lớn này đã
được nhận dạng bởi Vittore Ghiliani, một
nhà tự nhiên học Ý ở thế kỷ
19 đã phát hiện ra chúng ở cửa
sông Amazone. Sau chuyến hành trình gian nan
dài 6 tuần lễ, nhóm của Sawyer mang về
được 30 con đỉa.
Khi tái tạo trong phòng thí nghiệm
môi trường sống của vùng đầm lầy
Nam Mỹ, Sawyer đã làm cho chúng sinh sản
nhiều thêm. Hiện nay ông đã có
10.000 con đỉa loại đó. Nước bọt
của chúng có chứa một loại enzyme
có khả năng làm tan những cục máu
đông mà ông đặt tên là hémentine.
“Chẳng bao lâu nữa việc sản xuất bằng
công nghệ sinh học sẽ giúp sản xuất
chất này theo tầm mức công nghiệp. Thật
trớ trêu khi một loài sinh vật của thế
giới thứ 3 lại đóng vai trò chủ yếu
trong việc điều trị bệnh tim mạch,
nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại
các nước công nghiệp” - ông nhận
xét.
Những chất sinh hóa lấy từ nước
bọt của đỉa chiếm 80% trong số 500.000 bảng
Anh doanh số hàng năm của Biopharm. Hơn 10 loại
thuốc hiện đang được điều chế
từ đỉa, và bác sĩ Sawyer hy vọng rằng
sắp tới đây chúng sẽ được
dùng để điều trị chứng nghẽn mạch,
viêm khớp và thiên đầu thống.
“Cuối cùng dường như có một
chân lý khoa học trong các phẩm chất
mà tổ tiên chúng ta đã gán cho
loài đỉa. Chúng quả thật là các hiệu thuốc di động” - bác sĩ
Sawyer kết luận.
MINH LUÂN - theo Sélection -
(Huon Doan sưu tầm và
chuyển)