Tuyên truyền phản tuyên truyền
(Trương Duy Nhất
- Theo blog Trương
Duy Nhất)
Báo chí
vô tình tạo một hiệu ứng ngược,
họ đang bêu lãnh tụ của mình
mà lại cứ tưởng thế là ngợi
ca.
Từ chuyện bắt Tổng
Bí thư đi xe máy
“Tân Tổng
Bí thư đi xe máy tới thăm thầy cũ”-
Một tít bài khiến ai cũng cảm động.
Một vị Tổng Bí thư vừa nhậm chức
ngày trước thì ngay ngày sau tự
lái xe máy (giữa trời giá rét) về
thăm thầy dạy cũ? Mới đọc tôi cũng
nghĩ đây là chuyện thật. Có thể
lắm chứ, vì tân Tổng Bí thư
là cựu sinh viên khoa Ngữ văn Đại học
Tổng hợp Hà Nội. Chính vì thế ngay
buổi sáng khi nghe tin ông thành Tổng Bí
thư, tôi đã vội mừng và viết
ngay câu này: Hi vọng nhờ thế đảng sẽ
nhân văn hơn!
Nhưng chỉ cần
đọc xong vài câu đầu đã thấy
ngay sự dối láo. Chuyện ông Nguyễn
Phú Trọng đi xe máy từ 10 năm trước,
khi đó ông còn là Bí thư
thành ủy Hà Nội lại được dựng
thành “Tân Tổng Bí thư đi xe
máy tới thăm thầy cũ”. Tôi tin đọc
được bài này, ông Trọng sẽ
không vui mà ngược lại phải xấu hổ
vì chuyện cách đây 2 nhiệm kỳ
được báo chí tìm lôi dậy
để gán cho ông ngay khi vừa nhậm chức
Tổng Bí thư.
Đến việc dựng Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á
Câu chuyện
ngợi ca Thủ tướng trước đó
còn lố bịch hơn. Hàng loạt báo
chí trong nước chạy những hàng tít
to tướng “Báo chí châu Âu
đánh giá Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
xuất sắc nhất châu Á”. Thật ra, chả
có tờ báo châu Âu nào đánh
giá Thủ tướng Việt kinh hoàng thế. Một
công ty dạng trách nhiệm hữu hạn của
Đức đăng bản “thông tin báo
chí” trên mục quảng cáo của một
trang báo điện tử loại xoàng, diện bạn
đọc (khách hàng) tự post bài. Mà nội
dung bản “thông tin báo chí” trên cũng
chỉ là trích đăng lại thông tin một
vài trang báo trong nước bình chọn Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật
của năm.
Vậy mà từ
bản tin cậy đăng quảng cáo này, một
số báo lập tức “thổi” thành
hiện tượng “Báo chí châu Âu
đánh giá Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
xuất sắc nhất châu Á”. Không dừng
lại đó, có báo còn tự sáng
tạo ra là: “Nhật báo Firmenpress của CHLB
Đức nhận định Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đã rất thành công với
các chính sách khôn ngoan, chiến lược
và tầm nhìn xa trông rộng. Ông
đã làm được nhiều việc mà
các Thủ tướng khác ở các nước
Châu Á không làm được ... (còn
nhiều đoạn nữa mà tôi không muốn
trích thêm bởi càng đọc càng xấu
hổ).
Tôi không
tin là Thủ tướng và Văn phòng
Chính phủ lại chưa đọc chưa nghe
chưa biết chuyện này. Nhưng
vì sao tất cả đều im lặng? Khi dựng chuyện
như thế, báo chí phương Tây họ sẽ
nghĩ gì về báo chí Việt và Thủ
tướng Việt?
Tuyên truyền
thế là phản tuyên truyền. Báo chí,
vô tình tạo một hiệu ứng ngược,
họ đang bêu lãnh tụ của mình
mà lại cứ tưởng thế là ngợi
ca.
Im lặng nhường thế trận thông tin cho “địch”
Sau những sự
cố bi hài đến lố bịch trong tuyên
truyền, báo chí không những không
thèm xin lỗi bạn đọc, mà cơ quan quản
giáo (quản lý báo chí và tuyên
giáo định hướng) cũng chọn
phương cách im lặng. Nghe bảo tuần
nào cũng giao ban định hướng với
các Tổng Biên tập, không biết những
chuyện như thế này có được
đem ra nhắc nhở phê bình rút kinh nghiệm?
Về phía Tổng
Bí thư và Thủ tướng, tôi không
tin họ không biết chuyện này. Nhưng
vì sao họ im lặng, vì sao Văn phòng Tổng
Bí thư và Văn phòng Thủ tướng
không yêu cầu báo chí đính
chính. Hay họ xem những kiểu lối thông tin
trên là chấp nhận được, không ảnh
hưởng và chẳng có gì nguy hại
đến uy danh nguyên thủ và quốc thể?
Còn nhớ 2
năm trước, khi nhiều trang mạng tung hàng loạt
ảnh tư gia cựu Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu lên bêu riếu, tôi đã viết
bài này: Nhà cựu Tổng Bí thư
Lê Khả Phiêu. Viết xong, tôi điện
khuyên Tổng Biên tập nên đăng để
bảo vệ uy tín cho ông Phiêu, nếu cần
thì nên điện “xin ý kiến bên
tuyên giáo”. Tiếc rằng bài viết sau
đó chỉ có thể đăng trên blog. Tất
cả hơn 700 tờ báo đều chọn cách
im lặng, giả điếc giả câm mặc cho
các trang mạng "phản động" bêu riếu
vị cựu Tổng Bí thư khả kính của
mình.
Những sự im
lặng đó, tôi nhìn nhận còn nguy hại
và ... phản động hơn nhiều so với những
kêu gào dân chủ và chỉ trích
chính phủ của những “phần tử cấp
tiến phản động”. Trong những trường
hợp này, im lặng
là dại, là nhường thế trận
thông tin cho “địch”.
Một thực tế
rất nực cười: Nhiều thông tin xảy ra
trong nước nhưng người dân lại chỉ
biết được, đọc nghe được qua
đài báo nước ngoài. Hồi ông
Võ Văn Kiệt chết, dân tình trong nước
cũng chỉ biết tin qua đài báo ngoại
quốc, phải một tuần sau báo chí trong
nước mới được phép đưa tin.
Thời buổi
mà ngồi Hà Nội hắt-xì 1 phát, 1
phút sau ở New York người ta cũng tỏ, mọi
chuyện vào Google gõ 1 phát là ra mà vẫn
làm báo và quản báo như thế
thì không chỉ dại mà là dốt, thậm
chí là ... phản động!
Trở lại
câu chuyện “Tân Tổng Bí thư đi
xe máy tới thăm thầy cũ” và
“Báo chí châu Âu đánh giá Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất
châu Á”, thú thật đọc xong tôi
rất xấu hổ. Làm báo thế chẳng
khác chi tự ... đái vào mặt mình.
Còn phía các người được ngợi
ca, Tổng Bí thư và Thủ tướng
có cảm giác xấu hổ như tôi
không nhỉ?
Admin gửi hôm Thứ
Sáu, 21/01/2011
TRƯƠNG DUY NHẤT
(Lưu Linh Giang Tử sưu
tầm và chuyển)