Dòng nhớ
(Nguyễn Ngọc Tư)
Sáng nay,
má tôi lại ra đứng tần ngần ở
chợ Ba Bảy Chín, nghiêng nghiêng ngó
ngó một hồi, biểu con nhỏ chèo
đò chèo dài dài chợ nổi. Chợ
rao bán rau trái dậy động cả một
khúc sông, má tôi thấy ghe nào cũng
lần xuồng lại, dòm mặt chủ rồi
đi. Con nhỏ chèo đò chắc là
chèo mối, nó biết bà già định
đi đâu, định làm cái gì
nên nó biểu :
- Hỏng hỏi
thăm thì vô phương kiếm ra, ngoại
ơi.
Má tôi ngẩn
ngơ. Hỏi chớ, chú ơi, thím ơi,
tôi muốn hỏi thăm một người quen.
Tên gì? Ghe bán gì? Hai Giang. Ghe bán
hàng bông. Trời đất, ở xứ này
có tỉ tỉ ghe bán bán hàng bông, cũng
có biết bao nhiêu người tên Giang, vậy
tướng tá người đó ra làm sao?
Bây giờ đâu có biết ra làm sao, gặp
được một lần mười sáu năm
trước, nhớ sao tả vậy nghen. Đàn
bà, chừng sáu mươi, trạc tuổi
tôi, tóc dài, da ngăm ngăm, không đẹp
không xấu. Mới đầu đi với chồng,
sau chồng bỏ lên bờ vì cơ cực
quá trời, hồi trẻ có đứa con
gái đầu lòng chừng bảy tháng tuổi
thì rớt xuống sông chết.
Vậy thì
đông lắm, người sống trên chợ
này hễ mười thì có năm người
y chang hoàn cảnh vậy, dân Ba Bảy Chín
mà, “ba chìm, bảy nổi, chín lênh
đênh”, chị hỏng nghe sao ?
Má tôi chẩng
hẩng :
- Vậy ?
- Ừ, người
đó quen sao mà tìm coi bộ cực dữ ?
- Quen. Chà, hỏng
biết nói sao bây giờ, dài dòng lắm,
vợ của chồng tôi.
Nếu vậy
thì dài dòng thiệt, chuyện tình tay ba
mà phim dính vô chuyện nầy cũng năm bảy
tập trở lên, còn cải lương lâm
ly không biết bao nhiêu là nước mắt.
Má tôi cũng
khóc nhiều rồi.
Má tôi
nói hoài, ba mươi tám năm bà về
làm dâu nhà chồng, cực có, sướng
có, chưa bao giờ nội tôi khắt khe, nhỏ
nhặt, khó chịu với dâu, nhưng má
tôi vẫn hận nội tới chết mới
thôi. Hỏi sao kỳ vậy, má tôi kéo
chéo khăn lên chậm chậm vô đôi mắt,
“Bộ hết người rồi sao mà nội
bây cưới tao cho ổng, đó, bà chỉ
tay ra bến, gần hết đời rồi tao có
được vui đâu”.
Đó là
lúc “ổng”, tức ba tôi chống
cây gậy khật khừng lang thang xuống bến.
Ông dừng lại chỗ mấy cây tra, lấy tay
rờ rẫm, săm soi từng cái lá, cái
bông như tay bắt mặt mừng thằng bạn
lâu năm mới gặp. Rồi ông lần ra tới
đầu bến, đứng dưới hàng mấm
già ngày xưa ông trồng để giữ
đất cho khỏi lở, để mặc cho mấy
cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống
cái đầu húi cua, bạc trắng của
mình, ông già thao thiết nhìn ra sông.
Chỉ vậy thôi rồi khật khừng quay lên,
cái chân trái yếu ớt như tựa hẳn
vô cây gậy, cứ mỗi lần chân bước,
đầu gậy lại xoáy sâu vô đất
một lỗ tròn tròn.
Cảnh thì
quen lắm, thì ngày nào, buổi nào ba
tôi chẳng làm vậy nhưng cứ tụm cả
nhà lại, rồi ngồi lặng lẽ dòm, ai cũng
nghe đau đau xót xót như ai lấy cật
tre cứa tới cứa lui trong lòng. Bởi cái
lúc này là lúc sum họp đây, vậy
mà sao vẫn thấy thiếu một người,
mà thiếu đúng cái người đang lững
thững đi dưới nắng kia mới chết.
Sau đợt tai
biến mạch máu não lần thứ nhất, nửa
người bên trái ba tôi yếu hẳn
đi, tưởng chỉ vậy thôi, đến lần
thứ hai bỗng dưng tâm trí ông già nhớ
quên, ít nói, lẩn tha lẩn thẩn.
Nhưng còn sống, còn tự mình đi
đứng được là may lắm rồi, ai cũng
nói vậy. Lúc đó cả nhà đang ở
chợ, ba tôi càng lúc càng buồn, hay chống
gậy đi, mấy lần cả nhà bỏ tiệm
may đi kiếm ông tở phở. Sau này chỉ cần
một mình tôi, vắng ông, tôi chạy xe
dọc theo con đường về vườn cũ
là gặp. Thấy tôi, ông già khựng lại,
không nói gì, nhưng cặp mắt khẩn cầu,
da diết, tôi làm như không biết, cầm
gậy, đỡ ông lên xe chở về, có lần,
ba tôi khóc, ông khóc rưng rức, nước
mắt nước mũi nhễu nhão, lòng
thòng.
Sau lần ấy,
cả nhà quyết định đưa ông về
sống trong vườn nhà nội. Vườn bỏ
lâu nay, nhưng nhờ cô dượng Ba ở kế
bên nhà trồng trọt, trông coi nên chỉ
cần dựng căn nhà lên là ở
được. Chuyện cắt cử người ở
lại với ba tôi thì khỏi phải bàn bởi
chừng nào mà má tôi bỏ ông
được, “làm gì làm má cũng
phải giữ ba”, tôi đùa. Má tôi
xua tay :
- Ổng còn
nguyên đó chớ có đi đâu,
trước không mất giờ còn sợ mất
mát gì nữa, mà, giọng má chợt cay
đắng, hồi đó giờ ổng có phải
của tao đâu mà giữ.
Ba tôi là
người của sông. Không phải ông nhớ
vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ
sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi
chống gậy ra bến, đôi mắt như đang
nhìn da diết, mà không biết nhìn ai, chỉ
thấy mông mênh vậy thôi. Chơ vơ,
cô độc. Tựa như ông đang ở
đây nhưng tâm hồn ông, trái tim
ông, tấm lòng ông chảy tan vào
dòng nước tự lâu rồi.
Và cũng y
như má tôi, ba cũng không sống được
mấy ngày vui, vui thật, vui đúng nghĩa. Hồi
tôi còn nhỏ, còn sống chung với bà
nội, đêm đêm cả nhà đi ngủ,
ba tôi ngồi hút thuốc trên bộ vạc
kê trước nhà, chống rèm lên,
ngó ra sông. Kiểu ngồi một chân xếp
bằng, chân kia dựng lên, rồi tì cái
tay cầm điếu thuốc lên cái đầu gối,
đêm này qua đêm khác, kiểu ngồi
không đổi. Nửa đêm, má tôi
đi ém mùng lại, tôi thức giấc,
ngó ra chỉ thấy đốm lửa lập
lòe, lúc đỏ rực, lúc lại tắt
thiu thiu. Má tôi ngồi trong mùng lặng lẽ
nhìn ba, còn ba thì nhìn ra sông. Sông
cách nhà một cái bến dài chẻ
ngang đám dừa nước. Nếu không vướng
tầm mắt vào đám ô rô mọc lởm
chởm chồm từ mé lá lên, không
vướng mấy bụi ráng, bụi lức dại
có thể thấy lồng lộng một khúc
sông. Đêm sáng trăng, ngồi trên
nhà có thể thấy một dòng chảy
líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con
sông trước nhà tôi không ngủ,
nó thức theo những chiếc tàu rầm
rì trảy qua, theo tiếng mái chèo quẩy
chách bụp rất đều. Dài từ ngã
ba Vàm đến đây, nước chảy
êm, khuất gió, những chiếc ghe đi
đêm hay đậu lại, nghỉ ngơi. Lâu
lâu, có chiếc ghe hàng bông lặng lẽ
neo lại ngoài bến nhà tôi, treo ngọn
đèn chong lên cây đước chơm chởm
những cái nhánh con, mỗi nhánh lủng lẳng
trái khóm, trái bầu dầm nắng mưa
đã teo héo. Không thấy bóng người,
chỉ nghe tiếng gàu tát nước cọ
vô xuồng xao xác. Hừng đông chạy xuống
bến thì ghe đã đi rồi. Những
đêm đó, ba tôi hút thuốc dữ, cứ
nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối,
nhỏ nhoi, buồn hiu ngoài kia. Ba tôi thở
dài. Má tôi thở dài, chạy qua buồng
bên khóc với bà nội tôi, không biết
nói cái gì, chỉ nghe lỏm bỏm, tiếng
nội làu bàu, “vậy ra má đã
làm sai cái gì ?” và má tôi tuyệt
vọng “Kiểu này biết chừng nào ảnh
mới quên chuyện xưa hả má ?”.
Ngày xưa ba
tôi cũng yêu thương một người. Tự
ba tôi chọn. Nội tôi dứt khoát không
chịu (nội có tỉ tỉ lý do, nhưng
cái lý do lớn nhất là người phụ
nữ đó đã có một đời chồng),
ba tôi mới dắt díu người ta bỏ
nhà đi, sống kiếp thương hồ. Hai
người trải qua biết bao nhiêu cơ cực,
nào là gặt mướn, làm cỏ lúa,
đắp bờ … mới có được một
ít vốn, ba tôi sắm cái máy Koler xuống
rẫy bán hàng bông. Họ sống nghèo lắm.
Mỗi lần đi ghe đi ngang qua nhà, ba tôi khắc
khoải ngó lên, vừa nhớ, vừa đau
vì cãi nội. Rồi hai người có với
nhau đứa con, nhưng chị bạc mệnh chết
đuối, tận cùng đau khổ, ba tôi bỏ
về nhà, được về, ba tôi cũng phải
đáp ứng vài điều kiện của nội,
vậy là ba tôi bỏ người ta giữa
dòng bơ vơ. Tôi biết được
có bao nhiêu đó thôi, kể ra cũng mấy
dòng vậy thôi. Mà, cũng phải đợi
tới năm mười lăm tuổi, cả nhà mới
cho tôi biết. Tôi bật ngửa, chuyện xảy
ra lâu rồi, nhưng người ta vẫn còn nhớ,
vẫn còn cắm sào trước bến nhớ
ba tôi, vậy mà biểu ba tôi quên cái
rụp thì làm sao quên được.
Mà, cũng
vì ba tôi quên không được má
tôi mới thương ông nhiều, sau nầy, lớn
lên, biết yêu thương rồi, tôi mới
ngộ ra. Con người ta, nhất là đàn
ông thương ai mà vì nỗi gì
đó quay lưng lại quên mất tiêu
thì đúng là không tử tế,
không đáng tin chút nào. Với tôi,
ba tôi thì quên hay không cũng được,
ba đã sống tốt với cả nhà tôi
lắm rồi. Ông sống tử tế đến
vô cùng, đến thừa, dường như
ông gởi gắm tình thương yêu đến
cả những người vắng mặt. Ông ít
nói, hiền lành, từ tốn với má
tôi, những lần má tôi bệnh, ba chèo
một hơi mười mấy cây số vừa
đi vừa về đưa má tôi ra trạm
xá, không than mệt, không thở ra, tận tụy.
Lúc nào cũng mình mình tôi tôi, mấy
bà hàng xóm nghe tủi cho mình mà
khóc, má tôi cũng òa khóc theo, cảnh
mỗi người tự người đó biết,
người ta hay đứng núi này trông
núi nọ vậy mà.
Mơ hồ dường
như mình mắc nợ ai đó, cả nhà
tôi lúc nào cũng cảm thấy không vui,
dù hạnh phúc (hai thứ nầy sao lại
không thể đi chung). Không thấy ai đòi
nhưng nợ vẫn cứ là nợ, nó rờn
rờn quanh quất trong chái bếp ngày ngày
khói tỏa, trong mấy chiếc giường ngủ
con con, trong hai bữa ăn mỗi ngày. Ngồi
quây quần như vầy trong bụng cứ nghĩ,
có một người nào đó cô độc,
bơ vơ. Mà tội nhất là nội tôi,
vốn mê cải lương, nhưng bữa nào
ti vi chiếu mấy tuồng có bà mẹ chồng
ác nghiệt chia rẽ duyên của con, dâu
là thấy nội tôi rầu. Cho tới lúc cuối
đời, chắc nội tôi vẫn băn khoăn
trong lòng câu hỏi : “ Vậy ra, mình giống
mấy bà già trong đó thiệt sao ?”
Má tôi thấy
nội bứt rứt cũng không tỏ ra phiền muộn
nữa, cốt để an ủi nội tôi lúc
cuối đời. Khi nội tôi vừa khuất,
má quyết định gặp đối thủ một
lần, chỉ định nhìn vậy thôi,
chưa biết làm gì mà cũng không biết
làm gì người ta, nhưng chắc chắn phải
biểu người ta buông tha ba tôi ra, còn
gì nữa đâu mà neo ghe trước
nhà ngó mong hoài.
Chờ đợi,
rình rập hụp hửi mấy lần, chiếc ghe
nhỏ với ngọn đèn đo đỏ lại
về đậu trước bến nhà tôi,
như mong đợi của má. Bữa đó,
má nói với ba tôi chèo xuồng về
chơi bên ngoại một đêm. Gà gáy
chập đầu, bà trở lại, trên xuồng
chất đầy mấy thứ rau đồng, bà giả
đò làm người đi chợ sớm.
Ngang qua, má
tôi tấp xuồng lại kế bên chiếc ghe,
than :
- Tính đi chợ
cho sớm mà gió quá, chèo không
lên, bậy thiệt.
Má tôi tin
rằng, người đàn bà kia, cũng như
ba tôi, những đêm như vầy không bao giờ
ngủ. Mà thật, dì đang chong đèn ngồi
thêu áo gối, nghe tiếng má tôi, dì
quay lại, dường như sững sờ, bất ngờ
một chút, dì cười :
- Dà,
đêm nay nhiều gió thiệt - Dì vẹt mớ
quần áo ngổn ngang trên cái sạp tre - Chị
vô mui ngồi cho ấm, chờ bớt gió rồi
đi, ngồi ngoài đó cảm sương chết.
Má tôi
không từ chối, bà buộc dây xuồng lại,
bước qua ghe. Bà cao người nên ngồi
trong cái mui lợp bằng lá chầm đóp
phải khom một chút. Họ ngồi đâu mặt
với nhau. Má tôi thấy lòng mình
bình lặng lạ lùng, hồi ngồi dựng
cái cảnh gặp mặt nầy, cứ tưởng
là phải làm một cái gì ghê gớm
lắm. Có thể vì người đàn
bà của ba tôi hiện lên rất hiền,
dì mặc chiếc áo cộc tay màu cau
khô ở trong, khoác thêm chiếc áo
bà ba ở ngoài, mỏng te, nhiều mụn
vá. Tóc đã bạc nhiều, lơ thơ
vài cọng rủ xuống mặt. Sương
gió đã làm cho khuôn mặt dì
đen sạm, nhăn nheo. Má tôi nghĩ thầm
trong bụng, “xấu hơn mình nhiều”.
Má tôi sợ cứ nhìn chằm chằm
người ta hoài cũng không phải nên
má ngó lơ chỗ khác. Đồ vật
trên ghe món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh
toàng. Ngay sau lưng chỗ má tôi ngồi, bỏ
khoang tát nước có một cây ớt hiểm,
một cây sống đời đang trổ bông trồng
chung trên miệng cái khạp bể. Dì
lúi húi dẹp miếng vải đang thêu dở,
vói lấy bình thủy, châm nước
vô cái bình trà sứt vòi, ho khúc
khắc. Má tôi chép miệng, “Cha, có
trà uống thì còn gì bằng, mà, chị
bịnh hả, mấy lá sống đời nầy ngậm
với muối cũng đỡ ho lắm”. Dì
ngước lên cười, “Dà, lúc nầy
trở gió, cũng nhờ nó …”. Má
tôi hỏi :
- Chị đi ghe
một mình à, một mình cũng được
sao ?
- Dà, cũng
được, chị.
- Ủa, chồng
chị đâu ?
- Dà, dì bối
rối, ảnh … đi xa lắm.
- Còn chồng
tôi thì theo vợ bé mất rồi, má
tôi nói luôn.
Dì nhìn sững
má, dường như để xem xem nỗi đau mất
chồng của má với dì có giống nhau.
Hồi lâu, dì chợt cúi mặt :
- Uống trà,
chị, hoàn cảnh của chị cũng buồn thiệt.
Nhưng thể nào rồi ảnh cũng quay về.
Thiệt đó, chị, đa số đàn
ông đều tốt.
Tốt sao ? Người
ta bỏ cô để cưới tôi mà
là tốt à, má tôi ngồi lặng, tự
hỏi, mà không biết nói gì nữa,
cái câu quan trọng nhất chắc không phải
nói lúc nầy. Má tôi ngồi ngó
quanh, một ánh đèn nhỏ nhoi thôi cũng
đủ hắt sáng vài xâu cốm gạo
treo trên vách, mấy hũ kẹo, bánh ngọt,
tiêu tỏi để bên này, trái cây
như khóm, bí rợ, khoai lang thì chất
thành hàng bên kia. Sát bên hông
dì, dưới tấm vải trắng thêu dở
là hai xấp quần áo cũ, người lớn
có, trẻ con có được xếp ngay ngắn,
nhưng hết thảy đều cũ kỹ, bạc
màu. Má tôi vọt miệng :
- Ủa, chị
có cháu nhỏ à ?
Sau nầy, má
tôi nói, đó là cái câu tàn
độc nhất mà má lỡ miệng
đánh ngay vào nỗi đau của dì.
Dì nhìn trân trân vào ngọn
đèn, cái nhìn đau lặng. “Con
bé Phước nhà tôi vô phước lắm
chị à, tại tôi không cẩn thận
nên cháu vừa mới biết bò đã
té sông, trôi mất. Cũng mười mấy
năm rồi, bây giờ, nó còn sống, chắc
tôi thêu gối cưới cho nó cũng vừa.
Tôi … tôi chiêm bao thấy cháu nó
hoài, chiêm bao lãng nhách hà, tự nhiên
tôi thấy con tôi biết nói, nó biểu
má đừng bỏ con, trời ơi, tiếng
nó thấy cưng lắm kìa, vía tôi trả
lời, mẹ sẽ sống trên sông hoài,
hoài hoài với con, vía tôi thấy
nó cười…” Dì nói một hơi
dài, giọng dì hơi nghẹn lại, “trời
ơi, chị có chuyện buồn lòng mà
tôi lại kể chuyện buồn lòng nữa, chắc
chị phiền tôi lắm. Mớ đồ nầy
tôi cất lâu rồi, sợ mốc, cứ mấy
tháng là tôi đem ra giặt lại, của
con bé con tôi có, của chồng tôi
có. Chồng tôi … tôi chỉ còn giữ
lại bao nhiêu đây thôi. Chị coi, tôi
khùng hôn, không giặt thì không
được mà giặt hoài, tới hơi chồng
cũng bay, tôi cũng quên mất rồi
…”
Dì cười
quay quắt. Má tôi chút nữa đã bật
khóc, bà cố nén nghẹn ngào :
- Đàn
bà mình sao khổ vậy ?
Tiếng gà
gáy xa xa, con nước đêm nay mau lớn
quá, mới đây thôi đã ngập nửa
cây sào neo ghe rồi. Lúc nầy, nước lớn
không nghe bìm bịp kêu, mà, nhờ
không có, chứ nghe bìm bịp kêu
càng buồn nữa. Má tôi ngồi bình
tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì
mà dành với người ta chút nầy nữa.
Năm nầy qua năm khác mình được sống
chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban
đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn
cơm, ngủ cũng đâu mặt lại ngủ
… Còn người ta, nhớ thương đứt
ruột cũng đành ngồi đây ngó
lên, giữa đường gặp nhau chỉ
nhìn vậy thôi mà không chào hỏi tiếng
nào. Đau lắm chớ. Má tôi nhìn ra
ngoài trời, vẫn còn khuya lắm, nhưng
đã thấy mấy chiếc xuồng đi chợ sớm
lướt qua, tiếng mái chèo quẫy chủm
trên mặt sông ngọt, nhẹ, cứ tưởng
từng lát nước xếp lên nhau như những
lát đất cày. Dường như trời bớt
gió nhiều rồi. Dì nghiêng đầu ra
ngó trời, chừng như nuối tiếc, thảng
thốt :
- Trời đất,
đêm qua lẹ thiệt. Chắc tôi phải
đi bây giờ.
- Sớm vậy
sao ?
- Dạ, tôi
thường đi … trước lúc người
ta thức …
- Tại tôi
nhiều chuyện làm chị thêu không xong
…
- Không, người
đàn bà cười, nét mặt thốt
nhiên buồn bã, tôi thêu cho hết
đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra, tôi sợ,
nếu không làm gì, tôi … tôi sẽ
nhớ chồng con tôi rồi mắc … khóc, cầm
lòng không được. Mà, đàn
ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy
nước mắt trói buộc họ nữa, tội
họ lắm, chị à.
Vậy rồi hai
người chia nhau đi. Ghe nổ máy rồi,
khói xịt tơi bời, dì còn dặn lại
: “Nếu ảnh có quay về, chị đừng
giận ảnh nghen. Người ta có đi
đâu làm gì thì cũng thương
mình chị thôi”. Má tôi không
nói, quay đi và khóc.
Tháng sau,
má tôi quyết định gom mớ của cải
cả nhà có được ra chợ, mua cái
nhà. Ba tôi biết chút ít nghề mộc
nên nhận đóng tủ, bàn ghế ở
nhà, má tôi chiên đậu hũ bỏ mối,
chị tôi mở tiệm may, tôi vào Đại
học. Mọi thứ được sắp đặt lại,
mới mẻ, gọn ghẽ. Má tôi bứt ba phải
xa sông, nhưng chính bà cũng biết, những
dòng nhớ vẫn tiếp tục chảy mãi
trong hồn ông. Mà, chính má tôi cũng
không quên cái hình ảnh cái rổ
úp chén đan bằng nan tre đã xỉn
màu, trên đó có cái dĩa, cái
tô và ba cái chén, ba đôi đũa
như thuở người đàn bà trên ghe
còn nguyên một gia đình.
… Tới
bây giờ má tôi vẫn chưa tìm
được dì. Tôi hỏi má tìm
làm gì, má tôi nói để cho hai
người gặp lại, coi thần trí ba mầy
có đỡ hơn không. Bây giờ thì ba
tôi cũng nằm xuống, ông nằm ở lớp
mả thứ ba trên cái liếp chôn cất
ông bà. Má tôi vẫn không ngừng
tìm kiếm dì, hỏi để làm gì,
má tôi nói để cho dì hay và
nói với dì, nếu sống mà không gần
được, chừng nào chết, mời dì
lên nằm trên đất vườn tôi.
Đó là
nỗ lực cuối cùng má tôi làm để
chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má
mà hồn vẫn hướng về những dòng
sông miên man chảy.
NGUYỄN NGỌC TƯ
(Nguyên Khai sưu tầm
và chuyển)