Home | SUY NGÂM~ | SUY NGÂM~ [tt] | SUY NGÂM~ 1 | SUY NGÂM~ 2 | SUY NGÂM~ 3 | SUY NGÂM~ 4 | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N 19 | VA(N 20 | VA(N 21 | VA(N 20 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | TA.P GHI 29 | TA.P GHI 30 | TA.P GHI 31 | TA.P GHI 32 | TA.P GHI 33 | TA.P GHI 34 | TA.P GHI 35 | TA.P GHI 36 | TA.P GHI 37 | TA.P GHI 38 | TA.P GHI 39 | TA.P GHI 40 | TA.P GHI 41 | TA.P GHI 42 | TA.P GHI 43 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | LINKS | CÂ?N THÂ.N ! | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHÚT CHO'I [tt] | CU'̉'I CHÚT CHO'I 1

TA.P GHI 32

 

 

XE ĐÒ HOÀNG Ở CALIFORNIA

(Nguyễn Tài Ngọc)

 

 

 

Chiếc xe tăng đầu tiên của quân đội Cộng Sản đâm đổ hàng rào Dinh Độc Lập của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 30-04-1975 đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chiến Nam Bắc, nhưng nó cũng bắt đầu cuộc phiêu lưu của 135,000 người Việt tỵ nạn sang Hoa Kỳ. Là quốc gia đã có bao kinh nghiệm đối phó với vấn đề tỵ nạn của người Âu Châu sang Mỹ vào Đệ Nhất Thế Chiến và Đệ Nhị Thế Chiến, Tổng Thống Gerald Ford đã vạch sẵn chính sách đón nhận người Việt tỵ nạn: phân tán tất cả mọi người trên năm mươi tiểu bang trên nước Mỹ.

 

Chính sách phân tán này thực hiện được bốn điểm chính:

1.     Tái định cư người tỵ nạn một cách nhanh chóng để họ có thể tự túc dễ dàng sau này.

2.     Tránh được một số đông người tỵ nạn tập trung vào chỉ một thành phố làm tỷ lệ thất nghiệp của thành phố đó sẽ gia tăng vì không đủ công việc.

3.     Tìm người bảo trợ dễ dàng hơn trong việc hoà đồng người tỵ nạn vào đời sống nước Mỹ.

4.     Tránh được một khu đông dân cư nghèo đói mà dân vùng đó toàn là người đến cùng một quốc gia.

 

Thế nhưng mình có câu “Tổng Thống Mỹ tính không bằng dân An Nam Mít tính”. Vì lý do thời tiết và vì muốn sinh sống nơi đông dân cư,  dân Việt Nam từ khắp mọi nơi dồn về ba tiểu bang Florida, Texas, và nhiều nhất, California. Năm 1975 số người Việt tỵ nạn ở California chỉ là 20% tổng số dân tỵ nạn. Đến năm 1980 con số đó nhẩy vọt lên 35%, và cho đến năm nay, khi những gia đình làng xóm của tôi ở chợ Bàn Cờ là ông Phó Bạc, bà Tư Rỗ, ông Trọng bán tem, chú Tám Tôm Càng, chị Bá bán bar dọn về Santa Ana ở đông với nhau cho vui thì tỷ lệ người Việt Nam ở California bây giờ đã tăng lên một triệu phần trăm. Buổi  chiều nấu cơm có thiếu trứng gà thì qua nhà kế bên gõ cửa chị Ba làm nail mượn đỡ hai trứng , khỏi cần ra siêu thị mua.

 

Người Việt Nam ở California có rất nhiều sự việc tiện ích mà người Việt ở các tiểu bang khác không có: thức ăn Việt Nam (không thua Sàigòn, gì cũng có từ cốm dẹp đến bánh tằm bì), chương trình ca nhạc Việt Nam (có thể đi xem Tuấn Vũ hay Chế Linh mút chỉ), khách sạn Việt Nam (room service gọi một bát phở thay vì món steak chán ngấy, cable TV xem cải lương thay vì CNN), vũ trường, người dậy lái xe bằng tiếng Việt Nam (dành riêng cho mấy người ở Mỹ hai mươi năm nói tiếng Anh vẫn không được sõi), đưa đón phi trường, tuyên thệ công dân tài xế là người Việt Nam, và cuối cùng điểm quan trọng nhất: di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác bằng xe đò do người Việt Nam làm chủ.

 

Phương tiện giao thông công cộng chính yếu nối liền các thành phố ở nước Mỹ là xe bus, xe lửa, và máy bay. Hầu như thành phố nào nhỏ đến đâu đi nữa cũng đều có phi trường nên người Mỹ đi máy bay như đi taxi . Đi xe bus hay xe lửa rẻ hơn không là bao nhiêu mà lại tốn nhiều  thì giờ nên số người đi xe bus và xe lửa càng ngày càng ít. Càng ít người đi mà luật lệ chính phủ ấn định bắt buộc chạy những lộ trình đông người lẫn lộ trình ít người, xe bus và nhất là xe lửa do đó luôn luôn lỗ lã. Xe lửa ở nước Mỹ do chính phủ làm chủ nên hàng năm quốc hội phải trích ngân quỹ  bao thầu phần thiếu hụt. Trong khi đó, xe bus Greyhound của Mỹ sau mấy năm lỗ lã liên tiếp đã phải bán cho một công ty của Tô-Cách-Lan vào tháng Hai năm 2007.

 

Xe bus trên nước Mỹ chỉ có người nghèo đi nên thường xẩy ra trộm cướp gần khu vực trạm xe bus. Không biết hành khách ngồi bên cạnh mình gia cảnh như thế nào nên đi xe bus Mỹ không cảm thấy an toàn. Một trường hợp ghê rợn xẩy ra trên chuyến xe bus Greyhound ngày 30-07-2008 đi từ   Edmonton đến Winnipeg: một người Trung Hoa ngoại kiều được phép nhập cảnh vào Canada tên Vincent Li khai với nhà cầm quyền là trong lúc đi xe bus, trong đầu anh ta nghe tiếng gọi của Thượng Đế là phải giết tên quỷ sứ ngồi kế bên cạnh, anh Tim McLean người Gia Nã Đại, 22 tuổi, làm trong ngành hát xiệc. Vincent Li rút ra một con dao đâm liên tiếp vào Tim khi Tim đang say ngủ, cắt đầu Tim, móc mắt, mổ bụng lấy ruột tim ra, một phần bỏ vào giỏ giữ lại, một phần đem ra ăn ngon lành. Tháng 3 năm 2009, thẩm phán của thành phố Queen, Winnipeg xử Vincent Li không có tội vì lý do ... điên! Thay vì đi tù thì Tòa xử giam Vincent Li ở nhà thương trị bệnh tâm thần.

 

Số hành khách đi xe bus trên nước Mỹ do đó tương đối ít. Làm chủ xe bus trên nước Mỹ như làm chủ một trạm điện thoại công cộng giữa thời đại dân chúng dùng cellular phone, ấy thế mà xe đò Hoàng ở California, thiết lập từ năm 1999, thành công vẻ vang đến nỗi bây giờ có những hãng khác nhẩy vào bắt chước.

 

Nhận thức được nhu cầu giao thông giữa hai vùng thành phố đông người Việt Nam cư ngụ nhiều nhất trên nước Mỹ: San Jose ở Bắc California và Los Angeles, Orange County ở miền Nam California, anh Hoàng sáng lập ra tuyến xe đò, trong những năm đầu tiên dùng xe van Mỹ cỡ lớn. Bây giờ mười năm sau cái xe van nhỏ đó đã được thay thế bằng xe bus du lịch khổng lồ 55 chỗ ngồi, có restroom trên xe và thậm chí có cả WiFi internet! Xe từ miền Nam California khởi hành từ bãi đậu xe của siêu thị ABC góc đường Bolsa và Magnolia, chạy đến khu El Monte, Chinatown đón thêm khách rồi trực chỉ bánh mì Lee’s Sandwich ở San Jose, Oakland, và cuối cùng ngừng ở McDonald’s trên đường Van Ness ở San Francisco.

 

Khi nói đến đi xe đò, người Việt Nam nào cũng hình dung được chỗ khởi điểm:  bao nhiêu là xe đò đậu song song với chữ in sơn to tên thành phố đi và đến, người ngợm tấp nập, kèn xe inh ỏi, hành lý đầy mui, tiếng người lơ xe gọi khách ơi ới, dân chúng tranh nhau mua vé, hành khách lũ lượt tay xách vai đeo, giai nhân xinh đẹp như Thẩm Thúy Hằng. Xin lỗi tôi viết nhầm. Giai nhân xinh đẹp chỉ thấy ở trạm Hàng Không Việt Nam chứ đời nào mà gặp ở Xa Cảng Miền Tây hay miền Đông. Một người mang những hình ảnh đó đến trạm xe đò Hoàng dừng ở chợ  ABC trên đường Bolsa với hy vọng xem trạm xe bên Mỹ giống như ở SàiGòn thì sẽ thất vọng lớn: thứ nhất là mỗi ngày chỉ có một chuyến, và thứ hai nếu không chủ tâm để ý thì sẽ chẳng biết đó là xe đò đợi khách vì bãi đậu xe của siêu thị bên Mỹ rộng mênh mông bát ngát. Dù cái xe bus có to lớn đến đâu cũng tiệp vào với các xe khác trong bãi đậu, trừ khi mình đến gần thấy chữ Xe Đò Hoàng sơn bên hông xe.

 

Hành khách đi xe đò Hoàng đến từ đủ loại tầng lớp: người Việt du khách ở nơi khác đến California, người ở Santa Ana nhưng có việc làm ở San Jose, mẹ đi thăm con học ở UC Irvine hay Standford, bố mẹ đi thăm con, cụ già tám mươi đi thăm bồ nhí sáu mươi lăm mới quen nhau chỉ được vài ba tháng. Không một ai phải cần bỏ tiền mua vé trước (họ thu tiền trên xe), nhưng nếu gọi đặt chỗ trước thì ưu tiên hơn  người không giữ chỗ, cho dù người ấy là một cô chuyển bụng sắp sửa sinh trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Từ Westminster đi San Jose giờ khởi hành là 9:45 sáng, đến San Jose lúc 4:15 chiều. Quãng thời gian đi khá dài, hành khách nếu không ăn e rằng sẽ có người xanh máu mặt viếng thăm nhị tỳ bất đắc kỳ tử, phiền lòng tài xế phải ghé vào Tô Bia không dự định trễ giờ cả chuyến xe nên trước khi xe lăn bánh, chú tài xế đến phân phát cho từng người thực phẩm hiến tặng từ Hội Hồng Thập Tự Liên Hiệp Quốc: một ổ bánh mì thịt, một chai nước uống và một đĩa thạch nhỏ. Xe đò có thể thua máy bay vì thời gian đi quá lâu, thế nhưng so sánh với máy bay nội địa ngồi máy bay lâu méo cả mặt sưng cả mông, hành khách không được cho ăn, muốn ăn phải bỏ tiền túi ra mua thì xe đò Hoàng bứt xa máy bay nội địa Mỹ việc cho không bánh mì thịt nguội này.

 

Những ai không thích xem DVD nhạc Việt Nam thì chớ nên đi xe Hoàng vì khi xe vừa mới khởi hành là màn ảnh TV bắt đầu chiếu Thúy Nga Paris liên tục từ số 1 đến số 150 cho tới khi xe đến San Jose.  Tôi để ý vợ tôi ở nhà xem Paris By Night một mình thì khung cảnh yên lặng, nhưng một khi có mấy chị em họp nhau lại xem cùng một lúc thì khung cảnh náo nhiệt hẳn lên với lời bàn tán ra vào. Cả cái xe bus là một rạp hát di động với khán giả hành khách rất là đắc ý bình phẩm cho nhau nghe lời bàn Đông Châu Liệt Quốc. Tất cả người trên xe đều là chuyên gia ba mươi lăm năm kinh nghiệm biết ngay tên tuổi ca sĩ và tên bản nhạc, từ bài “Cô Thắm Về Làng” đến bài “Máu Nhuộm trước Sân Chùa”, hay “Quần Ai Treo Trước Ngõ”:

 

- Cái cô Diễm Liên này hát thật là điêu luyện...

- Tui thấy một bài nhạc mà cho hai ca sĩ thế hệ cũ và thế hệ mới hát chung quá hay...

- Cô này ngày xưa ngực nhỏ sao bây giờ bự quá vậy trời?...

 

Tôi biết một cô Việt Nam có một anh bồ người Mỹ, rủ anh ta đi chơi Tijuana, Mexico bằng xe bus từ Los Angeles do người Việt Nam tổ chức. Trên chuyến xe chỉ có một mình anh ta là Mỹ Trắng, lên xe phát khúc bánh mì Việt Nam anh ta còn ăn được thế nhưng ba tiếng đồng hồ ngồi nghe Paris By Night, đã mấy lần anh ta định mở cửa sổ nhẩy ra ngoài tự tử vì vừa phải nghe lời bàn tán của hành khách, vừa phải nghe cái tiếng nhạc rên rỉ Việt Nam không thua gì người mình lắng nghe nhạc Ấn Độ cà răng căng tai làm anh ta chỉ muốn kết liễu cuộc đời thay vì để lỗ tai bị tra tấn. Sau chuyến du lịch Mexico ghê rợn còn hơn chuyến tầu hoả Thống Nhất từ SàiGòn đi Hà Nội, mối tình ấy những tưởng đã phải un point final nhưng nhờ cả hai đi therapy mà cuộc tình được cứu vãn.

 

Nhiều người  vì thấy giá tiền quá rẻ, du lịch bằng xe bus do người Tầu tổ chức đi San Francisco, Yosemite ..., khi ngồi trên xe bus mới khám phá ra một sự thật chết người mà những người bán tour cho mình không đề cập đến:  tài xế loan báo là toilette trên xe bus không được dùng vì họ tiết kiệm tiền lau chùi. Người nào cần làm công việc vệ sinh thì xin học cấp tốc môn yoga, vận hai trăm thành công lực án binh bất động chờ xe bus ngừng ở trạm nghỉ McDonald’s kế tiếp. Nhân viên ở McDonald’s phụ trách việc lau chùi restroom được trả lương tối thiểu $7.50 một giờ hôm đó bỗng nhiên khám phá ra phải lau restroom sau khi hơn 50 người dùng. Có chửi thầm trong bụng đến bao nhiêu cũng không biết là cái dịch vụ restroom McDonald’s đó thuộc vào một phần của tour bus người Tầu mà McDonald’s không bao giờ hay biết. Xe đò Hoàng thì ngược lại, toilette trên xe khách được dùng thoải mái không hạn chế. Khách được tự do sử dụng nên nhiều lúc cũng không dùng toilette vì chương trình nhạc quá hay, nín thở ngồi xem quên luôn việc phế thải.

 

Mấy năm trước em vợ tôi ở San Jose xuống chơi. Nó đã đặt chỗ xe đò cho chuyến về nhưng buổi sáng hôm về nó còn cố kỳ kèo nán lại đi ăn điểm tâm với bạn bè nên trễ chuyến khởi hành từ Chinatown Los Angeles.  Nó ở nhà tôi là phía Bắc Los Angeles, xe chạy từ Chinatown L.A. về San Jose phải qua hướng nhà tôi. Từ Chinatown đến nhà tôi mất khoảng 35 phút. Gia đình ai cũng rầu rĩ cho nó mất một ngày đi làm vì phải lấy chuyến xe hôm sau thì nó nghĩ ra ý gọi số điện thoại của xe đò Hoàng xin số điện thoại tay của anh tài xế. Có được số phone, nó gọi cho anh tài xế, hỏi anh ta đang lái ở đâu. Anh tài xế  đồng ý với nó một chỗ hẹn trên freeway 5 rồi tôi hối hả chở nó đi, bắt kịp xe đò vừa mới đến đúng chỗ hẹn trên freeway, ngừng lại giữa đường để cho nó leo lên. Phục vụ khách hàng như thế thì bảo đảm ít có công ty nào sánh bằng!

 

Ngoài dịch vụ chở khách hàng, xe đò còn nhận chuyên chở hàng hoá lặt vặt. Ba năm trước, cậu con trai cháu vợ tôi ở Paris từ San Jose về nhà chúng tôi để hai ngày sau bay về Pháp từ Los Angeles. Nó bỏ quên cái laptop. Em trai vợ tôi ở San Jose đem cái laptop ra xe đò Hoàng. Anh ta cho tôi biết giờ xe đến ở Bolsa để tôi ra lấy. Tôi đến thì không thấy xe ở đâu hết. Ngồi trong xe đợi mười phút thì điện thoại cầm tay reo:

 

-Dạ tui muốn nói chuyện với anh Ngọc.

-Tôi là Ngọc đây anh.

-Tui là xe đò Hoàng anh ơi. Xe đến rồi, anh có cái laptop, nhờ anh ra lấy.

-Đến rồi sao anh? Xe đậu ở đâu?

-Ở trước chợ ABC.

-Anh nói chợ ABC nào, góc Bolsa & Magnolia?

-Đúng rồi.

-Tôi đang đậu xe chờ trước chợ ABC ngay đây mà tôi đâu có thấy xe đò nào đâu?

-Anh đậu ở đâu? Ngay chỗ cây xăng đó anh.

-Thì tôi đang đậu ngay chỗ cây xăng ...

 

Vừa nói tôi vừa bước ra xe ngó dáo dác. Cái xe đò to chình ình không thể nào không thấy mà tôi không thấy bóng dáng nó ở đâu. Đang thắc mắc ghê gớm thì tôi thấy cách tôi chỉ chừng hai mươi  thước, quay lưng lại phía tôi là một anh Việt Nam trẻ, tay cầm cell phone gác tai, dưới chân là vài món đồ đạc. Tôi tiến đến, giới thiệu tôi là Ngọc. Anh ta đưa cho tôi cái laptop, nói là xe hôm nay đến sớm, anh ta đứng ở đây chờ mọi người đến nhận hết đồ xong thì anh ta về. Gửi một cái laptop bằng Federal Express hay UPS overnight, giá chắc có lẽ vào khoảng $40, $50 mà mình còn phải bỏ vào thùng đóng cẩn thận, viết hoá đơn tên địa chỉ người nhận gửi rõ ràng. Ấy vậy mà món hàng chỉ đến ngày hôm sau. Ở đây gửi buổi sáng buổi chiều đã nhận được, không cần giấy tờ phiền phức mà chỉ tốn có năm dollars. Only in America!

 

Không phải chỉ riêng người tỵ nạn Việt Nam, mà để đối phó với tất cả các người tỵ nạn khác như Do Thái, Ba Lan, Lithuania, Ý Đại Lợi ... khi gia nhập vào nước Mỹ, chính phủ Mỹ luôn áp dụng chính sách trải đều mọi người trên khắp toàn quốc. Người Việt tỵ nạn đã chứng minh cho thấy chính sách này thất bại một phần nào vì đa số cuối cùng cũng tập trung vào một chỗ họ thích sinh sống  như California. Hèn gì  mà bất kỳ Tổng Thống Mỹ nào, Dân Chủ hay Cộng Hoà, sau nhiệm kỳ bốn năm là mái tóc nâu trở nên bạc trắng, già đi hơn hai mươi tuổi vì nhức đầu với chuyện tưởng đã được giải quyết, phân tán người Việt Nam tỵ nạn trên nước Mỹ, nhưng không ngờ Xe đò Hoàng đơn thân độc mã mỗi ngày một chuyến kéo hai thành phố đông dân cư Việt Nam lại càng gần với nhau hơn nữa.

 

 

 

Nguyễn Tài Ngọc

 

(Lưu Linh Giang Tử sưu tầm và chuyển)

 

 

 

website counter