PHÙ VÂN II

Home | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 91 | PHÙ VÂN 92 | PHÙ VÂN 93 | PHÙ VÂN 94 | PHÙ VÂN 95 | PHÙ VÂN 96 | PHÙ VÂN 97 | PHÙ VÂN 98 | PHÙ VÂN 99 | PHÙ VÂN 100 | PHÙ VÂN 101 | PHÙ VÂN 102 | PHÙ VÂN 103 | PHÙ VÂN 104 | PHÙ VÂN 105 | PHÙ VÂN 105* | PHÙ VÂN 106 | PHÙ VÂN 107 | PHÙ VÂN 108 | PHÙ VÂN 109 | PHÙ VÂN 110 | PHÙ VÂN 111 | PHÙ VÂN 112 | PHÙ VÂN 113 | PHÙ VÂN 114 | PHÙ VÂN 115 | PHÙ VÂN 116 | PHÙ VÂN 117 | PHÙ VÂN 118 | PHÙ VÂN 119 | PHÙ VÂN 120 | PHÙ VÂN 121 | PHÙ VÂN 122 | PHÙ VÂN 123 | PHÙ VÂN 124 | PHÙ VÂN 125 | PHÙ VÂN 126 | PHÙ VÂN 127 | PHÙ VÂN 128 | PHÙ VÂN 129 | PHÙ VÂN 130 | PHÙ VÂN 131 | PHÙ VÂN 132 | PHÙ VÂN 133 | PHÙ VÂN 134 | PHÙ VÂN 135 | PHÙ VÂN 136 | PHÙ VÂN 137 | PHÙ VÂN 138 | PHÙ VÂN 139 | PHÙ VÂN 140 | PHÙ VÂN 141 | PHÙ VÂN 142 | PHÙ VÂN 143 | PHÙ VÂN 144 | PHÙ VÂN 145 | PHÙ VÂN 146 | PHÙ VÂN 147 | PHÙ VÂN 148 | PHÙ VÂN 148 * | PHÙ VÂN 149 | PHÙ VÂN 150 | PHÙ VÂN 151 | PHÙ VÂN 152 | PHÙ VÂN 153 | PHÙ VÂN 154 | PHÙ VÂN 155 | PHÙ VÂN 156 | PHÙ VÂN 157 | PHÙ VÂN 158 | PHÙ VÂN 159 | PHÙ VÂN 160 | PHÙ VÂN 161 | PHÙ VÂN 162 | PHÙ VÂN 163 | PHÙ VÂN 164 | PHÙ VÂN 165 | PHÙ VÂN 166 | PHÙ VÂN 167 | PHÙ VÂN 168 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 170 | PHÙ VÂN 171 | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 173 | PHÙ VÂN 174 | PHÙ VÂN 175 | PHÙ VÂN 176 | PHÙ VÂN 177 | PHÙ VÂN 178 | PHÙ VÂN 179 | PHÙ VÂN 180 | PHÙ VÂN 181 | PHÙ VÂN 182 | PHÙ VÂN 183 | PHÙ VÂN 184 | PHÙ VÂN 185 | PHÙ VÂN 186 | PHÙ VÂN 187 | PHÙ VÂN 188 | PHÙ VÂN 189 | PHÙ VÂN 190 | PHÙ VÂN 191 | PHÙ VÂN 192 | PHÙ VÂN 193 | PHÙ VÂN 194 | PHÙ VÂN 195

PHÙ VÂN 148

congtamquan_cho_honrua.jpg
(Hinh SUU TAM @ Internet)

RẠCH GIÁ TRĂM NHỚ NGÀN THƯƠNG

 

 

RCH GIÁ TRĂM NH NGÀN THƯƠNG !!!

https://www.facebook.com/100001340627209/posts/2791926990861961/

 

Chân thành cám ơn các tác giả có thơ văn trích đăng. Đặc biệt là tác giả CAO VỊ KHANH và các bạn LY CHÂU-Lý Minh Hào, GIANG MINH ÐOÁN (sưu tầm), DUYÊN PHÓ, NGUYỄN HOÀNG HIỆP (thơ) BẠCH LOAN, DAT, TRỊNH SƠN LƯỢNG (hình ảnh). Riêng cám ơn bạn CHÂU HIỀN QUANG đã chép và tặng tape vọng cổ "Tình anh bán chiếu"!!!

Vì có 1 số THẦY CÔ và CÁC BẠN chưa đọc bài này, nên HS đăng lại như là 1 lời giải thích vì sao web mang tên :

RCH GIÁ--TRĂM NH NGÀN THƯƠNG!!!

 

***

.. "Biết bao giờ trở về RẠCH GIÁ, thăm đồng lúa vàng, thăm lại chùa Thập Phương. Nhìn từ Tam Quan qua chùa Láng Cát bóng mát vườn dừa xưa. Nếu mai này trở về Rạch Giá, bao bạn thân đã vượt biên xác tan.

Trên sông Kiên, đầu doi rẽ hai, không xa có nhịp cầu Đúc người ơi ! Sông ngang kia là nhịp Cầu Quay, con đường liên tỉnh nối Hà Tiên tới Vàm Rầy.

Đây sông Kiên nhìn ra biển khơi, chân mây cuối trời mờ bóng Hòn Tre. Trông sang kia là bãi Hòn Me, nhìn qua Hòn Đất lại de ra ngoài, trải dài bờ biển đến Cà Mau, ôi xa Rạch Giá ngày nào .." (Nhạc LAM PHƯƠNG - Ly Châu Lý Minh Hào sưu tầm)

Ôi xa RẠCH GIÁ ngày nào ??? Ôi xa RẠCH GIÁ ngày nào ???

Chắc mỗi người trong chúng ta - những người con Rạch Giá - đều có ngày tháng năm rời xa đất mẹ in hằn trong trí nhớ, dù không cần để kê khai lý lịch bao giờ .

Riêng tôi thì tôi đã chính thức rời nơi chôn nhau cắt rún từ năm 1970. Có nghĩa là tôi đã được sinh ra và lớn lên ở Rạch Giá tròn vẹn 21 năm .. Thì 15 năm HỌC TRÒ, 15 năm ÁO TRẮNG THƯ SINH.

Từ trường Nữ Tiểu Học tỉnh lị, cho đến trường trung học Nguyễn Trung Trực. Đến khi trường NTT hết lớp thì tôi bèn lên Sài Gòn tiếp tục cuộc đời sinh viên.

Cái mộng công danh đã được bản thân tôi ôm ấp đã đành, mà đó còn là giấc mộng nồng nhiệt của má tôi--một người đàn bà mồ côi, mồ cút, tự nuôi thân từ thuở 13. Bà không hề biết trường lớp là gì, nên tôi chính là giấc-mộng-nối-dài-của-má.

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

(NCT)

 

Vào trường tôi lại được ướp thêm, được tẩm thêm những giấc mộng lớn, mộng bé của các văn nhân thi sĩ. Thảo nào mà hồi đó tôi chả nổi tiếng là HỌC HÀNH CHĂM CHỈ, hay nói theo từ bình dân là HỌC GẠO. Học đến tàn tạ dung nhan, học đến thành NGÔNG SĨ hồi nào cũng chả thể nào tự biết.

.." Cứ thế .. Cứ thế .. Giật mảnh bằng Tú Tài 1, Tú Tài II, rồi Cử Nhân toàn phần. Rồi tiếp tục ghi danh Cao Học .. Cứ thế .. Cứ thế .. Cùng với cấp bằng cao nhất, thì trăm hoa cũng đua nở tràn lan, chi chít trên nét mặt 1 thời làm ngẩn ngơ, ngơ ngẩn bao cánh bướm đa tình ; tàn phá, huỷ hoại không chừa 1 kẽ hở nào cho má phấn, cho trán nhung êm, cho càm mướt mượt tay sờ. Cùng với mảnh giấy chứng nhận tốt nghiệp Đại Học cũng là lúc chính thức mang vẻ đẹp tầm cỡ nàng Vô Diệm họ Chung, làm Tề Tuyên Vương lừng danh háo sắc phải hồn phi phách tán khi chiêm ngưỡng dung nhan bà vợ ma ghen thua xấu, quỉ hờn kém ghê !!! Vẫn lì lợm, tỉnh bơ .. Vẫn lì lợm , tỉnh bơ .." (Trích Mỉm Cười)

Có nhiều khi tôi đã tự hỏi mình nhiều lần, rất rất nhiều lần:

Mưa nhòe bao chứng chỉ xưa,

Trăm bong bóng vỡ trên tờ bằng trơn,

Tiếc gì không quá khứ buồn

Nửa đời chữ nghĩa gặm mòn tuổi xanh ?!?!?!

(P.H-T)

 

Nửa đời chữ nghĩa gặm mòn tuổi xanh.Tiếc gì không ??? Tiếc gì không ??? Đôi khi câu trả lời khá chua chát và bi quan. Nhưng ở 1 góc cạnh tích cực nào đó, trong cái CÕI NỬA ĐỜI CHỮ NGHĨA này, đã tạo nên được cái DUYÊN BẠN BÈ mà mãi đến cuối đời tôi đã được diễm phúc tìm thấy (Xem thêm: PHÙ VÂN 20 - Rạch Giá, bạn bè và nỗi niềm xa xứ)

Ai về cho gởi chùm hoa tím

Dưới gốc bằng lăng, thuở học trò

Hãy nhặt dùm tôi, màu lá nhớ

Chôn lại bên trường, mộng ban sơ

 

Ai về cho gởi nhiều trang giấy

Ghi biết bao lời theo tháng năm

Hãy đến dùm tôi, ao hoa thắm

Kể lại, ngôi trường khóc lặng câm

(Duyen Pho)

 

Tôi đã xa Rạch Giá. Tôi đã xa trường xưa, lớp cũ. Tôi đã chôn mộng ban sơ 1 thời vụng dại. Giã biệt hết 1 thời thanh xuân. Lặng lẽ ra đi. Lặng lẽ chào từ biệt bạn bè .. 30 năm hơn rồi !!! Sao bây giờ tất cả bỗng ùa về như mới hôm qua, hôm kia ..

Ngay cả 1 nhân vật bán chiếu không có thật như cũng đang nức nở tâm tình :

"Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào .. Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào .."

Tuy chỉ là 1 bài Vọng Cổ được Út Trà Ôn (trước năm 72) lảnh lót cất lên trong cái máy cassette cà tàng. Nhưng ở giữa mùa đông vùng Bắc Mỹ mưa lâm thâm hoặc xám xịt lạnh lùng này, sao hình ảnh cậu thanh niên Cà Mau vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên Xóm Rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi bỗng làm tôi thương cảm đến nghẹn lời .. Có phải vì:

Thoảng hơi vọng cổ hoài tình

Cảm người sơ ngộ, xót mình tha hương ..

(HỒ VĂN HẢO)

 

Ngày xưa Thôi Hộ cũng đã làm 1 bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt để nói lên cái tâm trạng bâng khuâng hụt hẫng khi NGƯỜI XƯA thì vắng bóng trong khi HOA ĐÀO vẫn còn đó vô tình cười cợt với gió Đông

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông (ND). Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái (NK). Thiên nhiên thì vẫn vậy, vẫn vô tình muôn thuở, chỉ có CỐ NHÂN là vĩnh viễn xa rồi

.. Khi hỏi lại xóm giềng tôi mới biết

Cô theo chồng đã dược bốn trăng qua

Mình dám đâu sai hẹn với người ta

Mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác

Người ta đã có đôi rồi

Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung

Để mình vác cặp chiếu bông

Chờ đợi chi nữa cho uổng công đợi chờ

(Châu Hiền Quang chép lại)

 

Tôi không hề cố ý BÌNH VĂN ở đây đâu để so sánh cái hàm súc cô đọng cuả Đường Thi và cái dàn trải mênh mông cảm xúc của Vọng Cổ .. mùi !!!

Tôi chỉ muốn hỏi chính tôi rằng hà cớ chi mà 30 năm sau (trải qua biết bao thăng trầm thế sự, trải qua biết bao những vui buồn nhân thế, thiếu gì những thể loại Entertainments từ VN đến hải ngoại) sao tôi lại thấy thương 1 anh chàng Cà Mau bán chiếu chơn chất nhưng quá đỗi si tình .. Si tình đến độ ngờ nghệch, khờ khạo, si tình đến độ VỌNG TƯỞNG trầm trọng .. thấy mà tội nghiệp !!!

Không ai hứa hẹn gì với mình, chỉ là vấn đề đặt mua đôi chiếu bông có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng! Không ai cho 1 dấu hiệu nào để bảo rằng người ta có cảm tình với mình ngoài việc muốn dặn dò kỹ lưỡng hơn : "5 hôm sau khi tôi sắp sửa lui ghe, cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng, sau khi cô đà quay gót, chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre, cô có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang để dấu đôi giòng nước mắt vì không muốn bàng quang thiên hạ họ cười tôi là 1 kẻ si tình!"

Không ai bắt mình phải tận tụy hết lòng: "Cô ơi đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cộng lác sợi gai .. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu !"

Không ai ép mình đừng bán đôi chiếu để giữ làm kỷ niệm trong khi bao tử lép kẹp vì đôi chiếu bị Ế .. ĐỘ rồi:

"Đôi chiếu bông sắc màu tươi thắm

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu

Chiếu này tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm".

Cái dạng TÌNH CHO KHÔNG BIẾU KHÔNG ( L'amour c'est pour rien ) hình như nó dã biến mất từ thế kỷ 18 , 19 rồi thì phải, nên MỐI TÌNH ĐƠN PHƯƠNG KHỜ KHẠO của anh chàng bán chiếu Cà Mau này đã đi vào viện bảo tàng được gọi tên CÙ LẦN LỬA, hoặc VÔ THƯỢNG CÙ LẦN .. mất rồi quá, phải không ???

Tôi chỉ có 1 tình yêu thứ nhất

Dành cho em kèm với 1 lá thư

Em không nhận và tình tôi đã mất

Tình cho đi không lấy lại bao giờ

(XD)

 

Chúng ta đánh mất mối tình đầu - đôi khi thoang thoảng nhớ, đôi khi da diết từng khi -, chúng ta đánh mất trái tim riêng khờ khạo tình si .. Và chúng ta còn đánh mất cả 1 biển-tình-quê-mẹ khi làm ĐÁM LỤC BÌNH TÌM HY VỌNG TRONG THẤT VỌNG ! (Ly Châu-LMH)

 

.. "Chúng ta trở thành đám dân Do Thái mới, lang thang giữa 1 thế giới lạ lùng. Chung quanh không còn con đường đất đá lởm chởm mà là những đồi thông kiêu hãnh, không còn những mái nhà tranh trống hoác bên con hẻm lầy lội mà là những cao ốc ngất ngưởng với hàng trăm cửa kiếng kín mít như những con mắt lạnh lùng. Và nhất là tiếng nói, cách sống, nếp suy nghĩ ở vùng đất mới đã làm ta ngất ngư không ít. Bỗng nhiên ta lạc mất 1 quê hương nghèo nàn nhưng quen thuộc biết bao nhiêu, để rồi lọt vào 1 thế giới giàu có nhưng xa lạ đến muôn vàn .." (CAO VỊ KHANH)

Chúng ta đã đánh mất :

Chợ Sài Gòn cẩn đá

Chợ Rạch Giá tráng xi mon

Giã em ở lại vuông tròn

Anh về xứ sở hết còn ra vô

(Ca dao)

 

"Sao lại có tên Rạch Giá ? Chữ Rạch Giá ý nghĩa như thế nào ?

Theo sự cắt nghĩa dễ hiểu bấy lâu nay thì sở dĩ gọi tên RẠCH GIÁ vì thời kỳ vùng đất này mới khai phá, 2 bên bờ con kinh (RẠCH) mọc nhiều loại cây giống cây tràm gọi là cây GIÁ. Vì vậy lấy vật đặt tên, địa phương này từ đó được gọi là Rạch Giá .

Nếu xét về văn hóa và văn minh, Rạch Giá tương đối chậm tiến so với các tỉnh vùng miệt trên như Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho. Cứ nghe qua mấy câu ca dao là đủ biết rồi:

Má ơi đừng gả con xa

Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu !

Đó là tâm trạng e ngại, ấn tượng kinh hoàng của những cô gái miệt trên phải đi lấy chồng ở miệt dưới như U MINH - RẠCH GIÁ - CÀ MAU (GIANG MINH ÐOÁN)

 

Chúng ta đã đánh mất:

Em xóm biển, tiếng còi tàu mệt lả

Chị Minh Lương mát rượi bóng dừa xanh

Nhớ không anh, nhan sắc gái Kiên Thành

Xui đắm đuối cậu trai chùa Láng Cát

Chuyến xe sớm qua ngang phường Vĩnh Lạc

Đón em về, nắng xế cổng Tam Quan

Ôi hai hàng khuynh diệp hắt hiu vàng...

(CAO VỊ KHANH)

 

30 năm với những ĐƯỢC-THUA, CÒN MẤT rất riêng tư, cũng như những ĐƯỢC-THUA, CÒN MẤT hơn 20 năm qua của cả 1 dân tộc, câu hỏi vẫn còn nguyên nỗi cộm trong tôi như vết phỏng in hằn dấu sẹo trong nỗi nhớ 1 đời

 

30 năm với những ĐƯỢC-THUA, CÒN MẤT rất riêng tư, cũng như những ĐƯỢC-THUA, CÒN MẤT hơn 20 năm qua của cả 1 dân tộc, câu hỏi vẫn còn nguyên nỗi cộm trong tôi như vết phỏng in hằn dấu sẹo trong nỗi nhớ 1 đời ...

Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng,

Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi ..

(TÔ THÙY YÊN)

 

Sao tôi lại nhớ từ 1 anh chàng bán chiếu Cà Mau thoát thai từ 1 làn điệu Vọng cổ lâm ly đến 1 Rạch Giá Địa Dư Chí; từ những ngôi trường đầu đời ươm mơ dệt mộng cho đến những trắng tay thua thiệt trường đời; từ cái lúc ban đầu bỡ ngỡ cho đến khi đắng cay, tức tưởi lúc lìa xa

Ôi Rạch Giá, buổi gặp đầu bỡ ngỡ

Sao khi xa như núm ruột cắt lìa

Nhớ vô cùng từng nẻo rẽ, đường chia

Này góc phố, cụm hoa, này bực thạch...

Này tiếng sóng thầm thì như tiếng trách

Này bờ sông, cột đá vẫn chờ ai

Làm sao về cho kịp buổi chiều nay...?

(CAO VỊ KHANH)

 

Sao tôi cũng như bạn bè tôi vẫn chưa quên được dù những trò chơi thơ dại, những ham thích thật trẻ con và những ước mơ thật nghèo nàn còm cõi :

"Mỗi lần ra chơi ( lúc đó mình đang học luyện thi Ðệ Thất ở trường Nam tiểu học, lúc trường NTT còn ở ven biển ) là cả đám con trai con gái chạy uà xuống biển. Biển lúc đó nước ròng nên lộ ra 1 vùng cát mịn thiệt là mịn, thiệt là êm , êm như đường cát vàng cực mịn, âm ẩm, ấm áp , thiệt là mướt dưới đôi bàn chân trần. Thế là mình đi bắt những con dã tràng hoặc những con cua, con còng (con dã tràng nhỏ xíu chạy thiệt là nhanh và lủi trốn thiệt là tài). Đôi khi chơi nhảy cò cò...Nhảy cò cò thường là ở chỗ đất cứng, lót gạch hoặc tráng xi măng bằng phẳng phải hôn, nhưng không ở đâu thấy thích cho bằng nhảy cò cò ở cái vùng cát mịn đó .. Rồi mỗi lần có tiếng la:" nước lớn kìa ! " là co giò chạy thục mạng. Càng chạy càng quính quíu. Nước rượt theo thiệt là nhanh. Bị té. Phải lồm cồm đứng lên chạy tiếp .. Quần áo ướt nhẹp còn sợ bị thầy đánh vì thầy đã cấm rồi không được xuống biển chơi mà .."

Chị Rừng Lan kể cho tôi nghe bằng cái giọng sôi nổi vui tươi và tiếng cười ròn tan trong phôn khi hồi tưởng. Cũng y như má tôi sau khi kể lại 1 trò chơi nào đó hồi bé, sau 1 hồi cười rũ ra rồi, bà thường chép miệng thở dài :" Chưa quên trò chơi thuở bé mà đã già ..

 

.." Anh quả là người " Giang hồ quen thói vẫy vùng", dọc ngang ngang dọc trên yên con " thiết mã " thân thiết hơn cả bồ bịch của anh, chứ không phải như hồi năm sáu tuổi thèm thuồng chiếc xe đạp đồ chơi muốn chết mà đành phải biết ngó suông thôi chứ làm sao mà rớ tới được đâu !

Cho tới bây giờ, năm chục tuổi đầu, anh vẫn còn nhớ như in nỗi thèm khát của 1 đứa trẻ, 1 nỗi ham muốn, ưa thích vượt quá khả năng gia đình, trong khi đối với những đứa trẻ khác, con nhà khá giả, thì rất bình thường, đòi là được bố mẹ mua ngay.

Anh vẫn còn nhớ, hồi ở quê ngoại, nhỏ xíu, khệ nệ xách cháo cho ông già ăn, được ông chủ khen giỏi, khen bố có thằng con hết sức bảnh, rồi cho chiếc nón đỏ thật đẹp, đội lên đầu sướng mê cả người. Nhưng khi thấy chiếc xe đạp của con ông chủ thì lại đứng lặng người, rưng rưng, tức tưởi. Muốn khóc nhưng không thèm khóc. Vì bố dạy con trai phải cứng cỏi, không được quyền uỷ mị, yếu hèn .." (MỐI TÌNH HTT KIÊNGIANG)

Bây giờ anh Lâm Sốc có xe hơi chứ anh vẫn nhớ chiếc xe đạp đòn dông thời trung học ngày nào và dĩ nhiên là làm sao quên được những ngõ ngách Rạch Giá hồi xưa .. Cũng như anh bạn nay là thiền sư Đạm Nhiên đã từng kể về cái thời thơ ấu lẻ loi :

 

.. " Hồi nhỏ tui không mấy vui cô à .. Ông già khó tánh, không muốn tui rời khỏi nhà nửa bước. Ông chỉ muốn tui sau khi đi học về, hoặc đi bán mía, bán bánh, bán chuối luộc .. về, là phải ở trong nhà. Không được đi tạt lon, đi bắn bi, đánh đáo .. như con người ta. Nếu tui la cà, trễ nãi đâu đó cả tiếng đồng hồ là tui bị ổng đánh cũng dã man lắm chứ không chơi đâu ..

.. Tuy phải đội mía, đội chuối, đội bánh trên đầu đi bán nhiều khi nặng đến muốn thun cái cần cổ lại, tướng tá tui cũng vẫn càng ngày càng cao lớn, phổng phao, nở nang, vạm vỡ. Có lẽ nhờ đi bán rảo rảo xóm biển, xóm bánh tầm, xóm chợ, xóm chùa .. đôi chân thành dẻo dai, và ăn khỏe, ngủ ngon như là con nhà giàu được tẩm bổ và được tập thể dục đều đặn vậy .. (MỈM CƯỜI)

Ngay cả trong bài thuyết pháp hiên nay, Đạm Nhiên vẫn nhắc đến cái kỷ niệm đội cái rổ nặng đầy quà nhà nghèo đi bán dạo.Nặng đến muốn thun cái cần cổ lại .. Ơi Rạch Giá của chúng ta, của những đứa con hàn vi nay đang vươn dậy giữa nơi xứ lạ quê người ..

 

Chúng ta đã đánh mất 1 Rạch Giá của ca dao êm đềm lẫn những hình ảnh dễ thương hoặc kỷ niệm in hằn những nỗi đau nghèo khó .. Chúng ta đã mất .. Nhưng tôi có thật thà không khi nói về chữ MẤT MÁT này. Nếu thật sư đã mất rồi sao ta vẫn còn nhớ như in ??? Nếu thật sự đã mất rồi sao những hình bóng cũ vẫn tái hiện rõ ràng như mới hôm qua ???

Hương sen còn thoang thoảng

Trêu con tim đọa đày

Ngỡ chìm vào quên lãng

Sao hồn vẫn còn say ?

.

Muốn quên nhưng lại nhớ

Tuy xa nhưng lại gần

Tuổi học trò một thuở

Trọn cuộc đời bâng khuâng

(NGUYỄN HOÀNG HIỆP)

 

Có phải vì trái tim TA vẫn đập nhịp yêu thương bền bỉ và trầm lặng thủy chung, mà TA không hề tự biết vì còn mải mê lăn lộn giữa đời ???

Có phải vì giòng máu trong châu thân TA vẫn thắm đỏ ân tình : tình người, tình đồng hương, tình bè bạn mà TA cũng chả hề hay vì còn mãi trôi lăn theo nợ áo cơm ???

Chỉ biết rằng dù TA cố tình chối bỏ nghiệp dĩ của mình, bôi đen hết quá khứ, và có 1 khoảng đời dường như bị tẩy xóa sạch sẽ bởi những tai ương đi nữa. Tất cả vẫn còn đó. Không có gì bị mất đi. Không có gì bị tiêu diệt . Chả khác nào luật tuần hoàn của vũ trụ không sai chạy mảy may:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua xuân trước 1 cành mai...

(Thiền sư MÃN GIÁC

Thầy THANH TỪ dịch)

 

" Kể ra thời gian cũng có cái hay của nó. Nó cướp mất tuổi thanh xuân thơ dại nhưng nó cũng để lại sự cứng cỏi an toàn. Nó dập tắt ngọn lửa hừng hực nhưng nó cũng thay vào đó những bếp than nóng dịu và bền bỉ...

...Tôi bỗng khám phá ra 1 điều KỲ DIỆU: dường như là vẫn còn đâu đó, trong cõi quạnh hiu này, những đốm lửa tin yêu chỉ chực chờ sáng lên sưởi ấm lòng những đời lữ thứ..."

Cám ơn nhà thơ Cao Vị Khanh đã khám phá ra điều kỳ diệu ấy và cám ơn Thầy đã nói dùm rất nhiều cho tôi và cho tất cả những người "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", cũng như chính cá nhân Thầy (và các BAN TỔ CHỨC CÁC BUỔI HỌP MẶT ở Ca-Li và ở Canada ) đang làm sáng thêm hơn đốm lửa tin yêu sưởi ấm lòng những đời lữ thứ.

Người Việt Nam ra đi

Họ mang những gì đến Mỹ

1 cây hồng tự mọc trên đá

Và biết cách nở hoa, đâm chồi, kết lá...

(HUY LỰC-BÙI TIÊN KHÔI)

 

Chúng ta đang MANG trong mình 1 hạt giống, theo Huy Lực thì là giống của 1 loại hồng có gai góc để tự vệ và và biết cách phát triển (nở hoa, đâm chồi, kết lá) trong cuộc tồn sinh .. Nhìn chung quanh bè bạn, chúng ta càng thấy ấm lòng hơn về những người con Rạch Giá thành đạt, ngoài những chỗ đứng vững vàng về mặt xã hội, kinh tế giữa thương trường Mỹ Quốc, còn những ưu tú về mặt khoa bảng công danh, nào là kỹ sư ngành này, khoa nọ, hoặc giả là những công thành danh toại của thế hệ con em, vì tuổi tác và thực tế áo cơm đã giới hạn chúng ta rất nhiều .. Nhưng có hề gì đâu "con hơn cha là nhà có phúc" mà .. Xin thành thật ngợi ca và chúc mừng các bậc phụ huynh đã hy sinh đời mình cho tương lai con cháu !!!

 

"Ngày xưa công chúa Huyền Trân qua Chiêm Thành để thực hiện sứ mạng hòa bình của vua Trần Nhân Tông tức Trúc Lâm Đại Sĩ. Ngày nay con hãy cứ nghĩ là DÂN TỘC ĐÃ GỬI CON TỚI NƠI ĐÂY. Hãy như 1 hạt đào nẩy sinh thành cây đào nơi đất lạ. Cả đân tộc của con có mặt nơi con, dân tộc đã phú thác cho con 1 sứ mạng..." (NHẤT HẠNH)

Dân tộc đã gửi TA tới nơi đâỵ .. Chúng ta không phải là 1 kẻ tha phương chỉ để cầu thực. Chúng ta không phải là:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa,

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Biển vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh ..

(VŨ HOÀNG CHƯƠNG)

 

Chúng ta ra đi vì không thể ở lại được với 1 chế độ mà ta không đồng tình. Không hề bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh. Và lại càng không hề thấy sóng cả mà ngả tay chèo.. hoặc thả nổi đời ta .. Vì chúng ta đã được un đúc bởi giòng máu kiên cường bất khuất của tiền nhân thời khai rừng mở đất. Vì chúng ta có bản năng tự tồn bất diệt của loài chim thiên di biết đi tìm ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU!!!

 

Và TA đâu thì DÂN TỘC TA ở đó, phong tục tập quán, truyền thống nghìn đời vẫn hiển hiện cùng tạ .. Tôi không cường điệu và lạc quan quá mức, mà bằng chứng là hai lần tổ chức họp mặt ở Ca-Li đã thể hiện được rõ nét cái tình đồng hương, và tình Thầy Trò của Rạch Giá vẫn thắm đẹp vẹn tình .. Và nghe đâu kỳ họp mặt lần tới ở Canada sẽ là nơi qui tụ những người con Rạch Giá ở Úc, Thụy Sĩ, Tây Đức, Pháp, Ái Nhĩ Lan, Mỹ và Canada ..

.. " Tưởng đâu người ta đã cướp mất luôn cái nơi chốn thân yêu sau khi đã đuổi mình đi tan tác. Nhưng không, ngôi trường cũ của em đã không bị cướp mất mà còn được NHÂN LÊN mấy lần nhiều hơn nữa .. Bởi vì cái xác trường thì còn kẹt lại đó, chớ cái hồn trường thì đã theo em và bạn bè đi lưu lạc tứ phương ..

.. Nó đã hoá thân thành muôn vạn tấm lòng rải ra khắp cùng mặt đất. Đến đỗi chừng như nơi nào có đôi ba học trò cũ là có trường mới dựng lên, hồn nhiên và thành khẩn. Những người học trò cũ đã chắt chiu mang theo từng mảng vụn để rồi dựng lại thành những ngôi trường mới, những nơi chốn mới để cùng trở lại hành hương .." (CAO VỊ KHANH )

 

Và RẠCH GIÁ là nơi vĩnh viễn của TRĂM NHỚ NGÀN THƯƠNG phải không thưa THẦY CÔ và CÁC BẠN ???

 

THY PHƯƠNG

 

***

Video cũng được post trong YouTube nữa bạn:

https://youtu.be/JMf-0f04068

 

 

banc_dautien_cuoicung.jpg
(Hinh DE NHI BAN C - NTT)

website counter