Thiệt tìnhhổng có tí ti xôn xao cuống quít,
mộng mơ lãng đãng như vậy đâu, tất cả
cũng chỉ là sự tình cờ, hết sức tình cờ,
khi nhìn thấy cậu thanh niên da đen trong chỗ làm,mang một bộ tóc ni-lông màu tím
nhạt, dài quá lưng (ngày Halloween), tự nhiên câu thơ của
PCT xẹt ra nhanh như chớp, chụp lại cũng
không kịp:
.. giữa hồ, mọc giữa
hồ quế hương
tóc anh mọc dài che chở
hương
lúc mưa rơi,
lúc đông lạnh,
lúc chim chiều đi mất
..
(PHẠM CÔNG THIỆN
- 1967)
Cũng đâu dámhiểu
tác giả "Ngày sanh của Rắn" muốn nói cái gì ?
Chỉ cảm nhận theo cái run rẩy củatrái tim khờ khạo, để
rồi "nhập tâm" những câu này những mấy
mươi năm mà chẳng biết tại sao !!!
Tôi từng thấy
nhiều người đàn ông, nhiều thanh niên để
tóc dài, cả râu dài nữa, mà sao chưa bao giờ nghĩ
được rằng: chàng
"nuôi" tóc dài là để che chở, để phủ
ấm, để thể hiện tình thương "cụ
thể" của người này với cái-nửa-kia !!!
Mãi đến hôm ấy, chỉ làmớ tóc giả rẻ tiền thôi, đồ hàng mã
cho ngày ma quỉ ở Mỹ thôi, ở trên đầu của
một thanh niên da đen, khuôn mặt hiền hòa, dáng đi
nhẫn nại, phong cách lặng lẽ như muốn thu
mình vào một cõi riêng .. (Tôi đã từng làm chung việc với
chú bé này suốt mùa bận rộn năm ngoái ở DPI, mới
thấy chú thật là tốt, giúp đỡ người
già, hiếu hòa người trẻ, tóc tai cắt ngắn gọn
ghẽ sạch sẽ, quần áo tươm tất, con nhà
gia giáo hay sao đó nên chưa bao giờ thấy cái "mất
dạy" hoặc "kinh dị" lộ ra một lần
nào. Năm nay cậu ta lại trở vào làm Temp. như
thường lệ, tôi không còn làm chung chỗ nên khi thấy
chú bé đi qua với mái tóc dài, màu tím nhạt hiền dịu,
lòng tôi chợt rộn lên hình ảnh "mái tóc mọc
dài" êm ả vô bờ, "mái tóc tình" đằm thắm
của tác giả PCT).
Tôi cảm nhận
có đúng không, không thật biết, chỉ biết (rất
rất chủ quan) rằng: "tình" của tác giả
thật độc đáo, thật dễ thương, nói mấy
cũng không vừa, không đủ. Không phải kiểu
"mài trái tim" tặng nàng "Tôi cứ mài trái tim, Thành từng bài thơ nhỏ. Lặng
lẽ và âm thầm, Gửi dần cho em đó" (TÁC GIẢ
???). Không phải "xin
chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em" (VTA). Cũng
không phải bộc lộ bằng cách làm cái đuôi của
nàng Hoàng Thị .. Ngọ:"Em
tan trường về, anh theo Ngọ về, Chân anh nặng
nề, lòng anh nức nở, Mai vào lớp học anh còn ngẩn
ngơ, ngẩn ngơ .." (PD). Nhà thơ PCT của
chúng ta chỉ lặng lẽ nuôi tóc dài ra, lặng lẽ
để "cái tóc là góc con người" của mình
càng ngày càng mịn mượt như tơ, [tơ tình hay
tơ lòng], để mà quấn quít, để mà bao bọc,
phủ ấm cái-nửa-kia lúc ướt lạnh, lúc rét
căm !!!
Dĩ nhiên tôi có thấy
nhiều vị phù thủy fakir Ấn Độ không bao giờ
cắt tóc, cạo râu, mình trần, chỉ có một cái khố
be bé, mà không biết lạnh lẽo là gì dù mùa đông ở
tít thâm sơn cùng cốc Hy Mã Lạp Sơn. Tôi nghĩ tóc
râu của mấy ổng quấn vòng quanh cổ, quanh mình chắc
cũng thêm phần ấm áp, dù công lực yoga thâm hậu,
đâu sá kể cái nóng lạnh ngoại vi ??? Nhưng nom ra thì
"hình dong cổ quái" dị dị thí mồ đi !!!
Chắc có người cũng thấy dị dị khi
đọc mấy câu thơ ở trên của PCT quá nhỉ,
khi đàn ông choàng tóc của mình che chở người yêu dấu
(dù chỉ trong ý tưởng lãng mạn mà thôi) ??? Nhưng
mà đâu phải ba cái mớ tóc "tứ đại" đáng
ngại đó nói lên được điều gì, nếu
chưa thấy được căn cơ nguồn cội
chân thành ..
.. mười năm
rồi cây quế vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân
buồn phốmẹ ngày
xưa
trên bước chân
chiều phốlạ hôm nay
mưa làm tóc anh
thơm
mùi cây quế ..
(PHẠM CÔNG THIỆN - 1967)
BÀN TAY BÈ BẠN
Khi nói về
những người bạn một thời trung học Rạch
Giá, tôi không thấy chuyện "cái răng, cái tóc là góc con
người" nữa, tôi chỉ thấy
những bàn tay ..
Bàn tay em ngón chẳng thon dài,
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả.
Em đánh chắt, chơi chuyền thuở nhỏ,
Hái rau dền, rau rệu nấu canh,
Tập vá may, tết tóc một mình,
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.
(XUÂN QUỲNH)
Khi bàn tay của
má tôi, của những bà mẹ mồ côi mồ cút, của
những bà má "thân cò lặn lội nuôi con" đầy
những đường gân vất vả, các ngón chẳng
được thon thả búp măng bao giờ, thì bàn tay nữ
sinh của con cái mấy bà (là tụi tôi nè) nom "tiểu
thư", nom "cô nương" gì đâu !!! Gia
đình không thể gọi là giàu có(má bán hàng xén, má bán mắm, má thợ may, má cô giáo tiểu
học, má nội trợ, ngoại nấu cơm tháng .. ) mà
"phong lưu" lắm nhe. Con cái cứ cho ăn trắng,
mặc trơn, cắp sách tới trường, không lo lắng
gì tới thực tế "cơm, áo, gạo tiền"
hết trọi. Má không cần con gái má vô bếp, chợ
búa, cứ kiếm cái chữ cho nhiều đặng đỡ
cực cái thân (con) về sau, bao nhiêu chuyện khác má "bao
thầu" hết ráo. (Nhiều khi có bạn cũng muốn
sà vào phụ má một tay, nhưng bị má "đuổi"
ra như đuổi .. tà, vì chỉ tổ "vướng
tay, vướng chân" hoặc "ngứa mắt" má
mà thôi !!!). Bởi vậy, hồi đónếu cầm
bàn tay mấy cô nữ sinh này mà "nghía" thì mới thấy
nó nuột nà, mượt mà, thon thả, mềm
mại như thế nào. Nhất là khi bạn bè
tôi đạp xe đạp đến trường mà biết
lấy khăn mù-soa buộc ngang mu bàn tay (như sau này
đeo "găng") thì đôi tay còn trắng trẻo, mịn
màng bạo nữa !!! Ôi, những bàn tay
năm ngón để
cho người khác ngắm nghía mà "thả " thơ
ra, còn bản thân thì tối ngày bài học, bài làm, bài thi
"tá lả", thì giờ đâu mà trai gái lăng
nhăng..
.. Trên bàn tay năm ngón
Có ngón dài, ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo nhẫn
Ngón tay tô môi
Ngón tay đánh phấn
Ngón tay chải đầu
(.. ) Ngón tay thử corset
Ngón tay cài khuya áo
Em còn ngón tay
nào
Để giữ lấy tay anh ?
(NGUYÊN SA)
Mà đâu phải
chỉ có mình tôi, 2 nhỏ SUNG BA KHÍA ở Delaware và Florida mới
"Hội Ngộ bỏ
túi" bữa hổm nè, cũng như mấy bạn suốt
một thời áo trắng, ai nấy đều "cá mè một
lứa" hết trơn. Nói nào ngay cũng có vài bạn
"bỏ cuộc chơi" sớm, thì cũng đã
được mấy bà má khéo tay Rạch Giá "truyền
bí kíp nấu nướng" nên công lực thâm hậu vô bờ
..
(Xin mở
ngoặc ở đây chút xíu, vì thế nào cũng có người
"théc méc" về cái vụ "sung ba khía" có nghĩa
gì và tại "nàm thao" ? Số là Liên Trường Kiên
Giang thường tổ chức Hội Ngộ 2 năm một lần, nhưng đến
HNLT 2013 thì có nhiều hiện tượng lạ:
- Lạ nhất
là trưởng ban tổ chức " .. tôi cứ đinh ninh bạn
Từ Thị Ngọc Nga là mẫu người của gia
đình, của nội trợ, là vợ thảo, là mẹ
hiền. Sao tự dưng lần này bạn dám đứng
ra hiên ngang "lãnh đạn"; dám gan cùng mình "ăn
cơm nhà, vác ngà voi .." giữa thời buổi "gạo
châu củi quế" nhãn tiền này ???
- Lạ nhì
là ".. nhiều bạn hiền từng im-lặng-là-vàng
giờ "nhập cuộc" với người bạn
cùng trường, cùng tỉnh ngày xưa một cách sôi nổi
không ngờ .. Tôi nghe nhỏ bạn ở Delaware rôm rả
trong phôn, say sưa nói về kỳ "hội ngộ .. 9
nút" này như chính nhỏ là người trong ban tổ
chức vậy (mời mọc người này, kêu gọi bạn
kia, góp ý chuyện nọ ..) bởi nhỏ thương
"sư phụ dạy nấu ăn" cũng có, bởi
nhỏ lo cho người bạn cùng lớp đang
"đứng mũi chịu sào" cũng có, phải
không ?
- Lạ thứ
ba là: " .. Để Nga kể cho HS nghe nghe, người
đầu tiên ghi danh tham dự hội ngộ là Tăng Mỹ
Mỹ. Người thứ nhì là ai HS biết không ? - là Phù
Thị Ngọc Thúy đó. Người đầu tiên làm mạnh
thường quân làPhan Mỹ
Dung & Huỳnh Hồng Long. Còn chị em hùn nhau lại
để yểm trợ BTC khi nghe tin Ngacần tiền gấp để
mở "account"là năm
chị em Lâm Cô Nương .." (HỘI NGỘ .. 9 NÚT)
Người
đầu tiên và người thứ nhì .. ghi danh tham dự
mà được gọi sung là phải rồi, vì mấy nàng này
"lặn" kỹ lắm, ít khi xuất đầu lộ
diện những lần hội ngộ khác lắm (thì .. tại,
bị, bởi .. tùm lum). Thế nên kỳ này đột
nhiên hiện ra "mở hàng sốt dẻo" như vậy,
thì SUNG BA KHÍA quá đi chứ còn gì. Lại còn mời gọi,
níu kéo hết bạn này bạn kia .. Bận chuyện nhà
chuyện sở tới đâu, cũng xẹt dzô xem web site
KIÊN GIANG REUNION 2013 lia chia đặng coi coi được bao nhiêu người tham dự,
bao nhiêu người ủng hộ tài chánh vv .. Ủa. Còn tại
sao gọi là sung-ba-khía á hả ??? - Cái này là "chữ"
của nhỏ Hoa Sứ Texas tặng "chùa" đó à, hỏi
đi hỏi lại nàng ta nói không biết. Huề tiền
.. hihihihi .. !!!)
Trở lại chuyện
"bàn tay" của các bạn tôi, "khi trời đất
nổi cơn gió bụi" 1975, mấy nàng da trắng, tóc
dài, bàn tay 5 ngón của các nàng .. "mưa sa" hết ráo. Ai lấy chồng sớm
thì thăm nuôi chồng, lệ rơi chan chứa. Ai chửa
chồng thì lăm le "Quy Mã" cho mau, có yêu
đương thì cũng "cắt đứt dây
chuông" cái cụp. "Chẩu" trước cái
đã, tình ái lẹo tẹo tính sau. Bị bắt đi bắt
lại, nhốt tới nhốt lui, nướt mắt cạn
queo luôn, vẫn "vượt biển" tới cùng. Ai
quá nghèo thì "cạp đất ăn" (trồng trọt
rẫy nương, làm vườn, làm ruộng) và quơ
quào trong cái rọ .. cố hương !!!
Bây giờ, có nghĩa là mấy
chục năm qua rồi, liên lạc được với
nhau nơi xứ người, nói chuyện trong phôn rôm rả
hoặc Email ì xèo. Có vài bạn được gặp trực
tiếp tay bắt mặt mừng, thức đêm, thức
hôm tâm tình xả láng !!! Xem ra "sau cơn mưa .. quê nhà, trời lại
sáng .. xứ người". Ai nấy đều an
hưởng hạnh phúc gia đình, con cháu đông vui, tự
do, thoải mái .. Lén lút nhìn lại các bàn tay "tiểu
thư Rạch Giá" cũ, hoặc mân mê các ngón tay
"Kiên Giang cô nương" xưa, hay nghe chính miệng
các nàng kể lể mới hay:
- "Hồi xưa đâu có biết làm "con mẹ"
gì đâu, nhỏ đi học, lớn lên đi làm. Chuyện
nấu nướng đâu phải chuyện của mình. Bây
giờ, có chồng, có con, hổng lẽ đi ăn tiệm
hoài chịu sao thấu, nên phải chui vô bếp thôi. Mà cà
ràng ông táo hồi nào giờ có quen đâu, nên chồng ăn
ít, con ăn ít, thương quá phải ráng học đặng
ráng làm đồ ăn cho ngon .. !!!".
Có bạn lại "tự
hào" là: - "Cái "gien" nấu ăn ngon, làm
bánh khéo, thập bát ban "nồi niêu xoong chảo" của
má Kiên Giang, cho dù không được "bàn giao" trực
tiếp, vẫn không bị thất truyền, bị mai một
được đâu nha !!!"
Nhưng, cứ nhìn, cứ thấy
bàn tay đầy gân xanh, các ngón không còn thẳng, đầy
gút mắt thừ lừ của bạn và của mình, mới
thấy ở xứ người ta, cuộc sống dễ
thở gấp bội quê nhà nhưng không có nghĩa là không cực.
Thức khuya dậy sớm, đùm đề "cơm hộp,
nước chai", tứ thời bát tiết phải
đi làm mới có cái ăn. Đó là chuyện phải
"bươn" ra xã hội, về tới nhà còn phải
lo "tề gia, nội trợ", bao thứ chuyện
không tên dồn đống, dồn cục, và "những"
cái bao tử thì chờ đợi cơm nóng canh sốt ..
Tôi thấy lại bàn tay của các bà má ngày xưa qua 5 ngón
tay của bè bạn bây giờ ..
Mẹ ơi ! Trên cõi
đời này
Con yêu quý nhất bàn tay mẹ
hiền
Chính bàn tay mẹ tay tiên
Bồng con suốt mấy
năm liền mẹ ơi !
Vuốt ve con lúc trở
trời
Cơm no, áo ấm, đồ chơi, đồ dùng
Biển trời cao rộng
mênh mông
Ơn bàn tay mẹ vô cùng
lớn lao !
(TÁC
GIẢ ???)
Thế đấy, nước
mắt chảy xuôi. Tay chân các con của bạn tôi bây giờ
ắt hẳn đẹp đẽ, dễ thương gấp
ngàn lần tay chân của ba má chúng nó hồi xưa ?!?!?!
Nếu được hưởng
phước lành, được chồng thương yêu,
chăm chút, gia đình "ngon cơm, ngọt canh", vợ
lại càng "hết mình" cho xứng với tình anh quá
đẹp:
.. Trời mưa lạnh, tay em khép cửa,
Em phơi mền, vá áo cho anh.
Tay cắm hoa, tay để treo tranh,
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.
Năm tháng đi qua, mái đầu cực nhọc,
Tay em dừng trên vầng trán lo âu.
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả ..
(XUÂN QUỲNH)
Còn bạc phận
hẩm hiu, chồng đổi "tông" hòa đàn cùng kẻ
khác, thì người vợ nghiêng về "mẫu tử
tình thâm". Bạn sẽ làm cây cao, là giếng ngọt, là
lúa mới, là 4 mùa thơm .. dành cho con và riêng vì con:
.. Mẹ cây cao rợp
bóng mát đời con
Mẹ giếng ngọt uống
muôn đời vẫn mát
Mẹ lúa mới ăn
hoài không vơi hạt
Mẹ đại
dương bát ngát bốn mùa thơm ..
(TÁC
GIẢ ???)
Và phần tôi, một
người bạn "dở ẹc" từ hồi
xưa đến giờ, muôn đời vẫn cứ y
chang. Má không cần, bạn không cậy. Không có duyên nên chả
nợ nần ai. Nhưng tôi quả là người có phước
lộc trời ban:được
thương yêu, được đối xử thân tình
như người trong nhà, như người con của
trăm họ vậy .. Bạn rủ đến chơi
(Louisiana, Cali, New Jersey, Delaware .. ) đãi đằng hậu
hỹ, cho ăn cho uống no nê, còn được
"gói" mang về. Bạn trồng được trái
gì, phơi khô, hoặc xấy kỹ, dù "nghìn trùng xa
cách", vẫn đóng gói gửi qua cho làm thuốc hoặc
ăn dần. Bạn chưa gặp thì cứ hẹn lúc gặp
sẽ nấu món này, món nọ cho ăn ..
.. "Khi thọ lãnh thức
ăn, biết rằng đã có bao sức lực, tâm trí bỏ
vào việc sửa soạn, tôi cảm thấy mang ơn mọi
người đầu
bếp gần xa, cảm ơn tất cả cả những
người đã cắt, gọt, rửa, nấu nướng,
cảm ơn người trồng cây, chăm bón, thu hoạch.
Tôi muốn trải rộng lòng biết ơn đến cả
những người đầu
bếp từ bao thế hệ đã truyền thừa cho
chúng ta biết cây nấm nào có công dụng làm sao, biết
ngâm trái chanh, biết xào, biết chiên. Bao nhiêu bàn tay đã chịu
đựng nắng mưa, đông lạnh, chai sạn, nứt
nẻ để ta có thức ăn, có thức uống
.." (THIỀN và NGHỆ
THUẬT NẤU ĂN - Diệu Liên dịch)
Và hôm nay đúng
boong ngày TẠ ƠN của Mỹ, tôi chép lại những
giòng này của tác giả CAO NGUYÊN gởi đến các bạn
hiền Rạch Giá- Kiên Giang của tôi, thay lời "nghĩa
trọng tình thâm" nhé !!!