PHÙ VÂN II

Home | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 91 | PHÙ VÂN 92 | PHÙ VÂN 93 | PHÙ VÂN 94 | PHÙ VÂN 95 | PHÙ VÂN 96 | PHÙ VÂN 97 | PHÙ VÂN 98 | PHÙ VÂN 99 | PHÙ VÂN 100 | PHÙ VÂN 101 | PHÙ VÂN 102 | PHÙ VÂN 103 | PHÙ VÂN 104 | PHÙ VÂN 105 | PHÙ VÂN 105* | PHÙ VÂN 106 | PHÙ VÂN 107 | PHÙ VÂN 108 | PHÙ VÂN 109 | PHÙ VÂN 110 | PHÙ VÂN 111 | PHÙ VÂN 112 | PHÙ VÂN 113 | PHÙ VÂN 114 | PHÙ VÂN 115 | PHÙ VÂN 116 | PHÙ VÂN 117 | PHÙ VÂN 118 | PHÙ VÂN 119 | PHÙ VÂN 120 | PHÙ VÂN 121 | PHÙ VÂN 122 | PHÙ VÂN 123 | PHÙ VÂN 124 | PHÙ VÂN 125 | PHÙ VÂN 126 | PHÙ VÂN 127 | PHÙ VÂN 128 | PHÙ VÂN 129 | PHÙ VÂN 130 | PHÙ VÂN 131 | PHÙ VÂN 132 | PHÙ VÂN 133 | PHÙ VÂN 134 | PHÙ VÂN 135 | PHÙ VÂN 136 | PHÙ VÂN 137 | PHÙ VÂN 138 | PHÙ VÂN 139 | PHÙ VÂN 140 | PHÙ VÂN 141 | PHÙ VÂN 142 | PHÙ VÂN 143 | PHÙ VÂN 144 | PHÙ VÂN 145 | PHÙ VÂN 146 | PHÙ VÂN 147 | PHÙ VÂN 148 | PHÙ VÂN 148 * | PHÙ VÂN 149 | PHÙ VÂN 150 | PHÙ VÂN 151 | PHÙ VÂN 152 | PHÙ VÂN 153 | PHÙ VÂN 154 | PHÙ VÂN 155 | PHÙ VÂN 156 | PHÙ VÂN 157 | PHÙ VÂN 158 | PHÙ VÂN 159 | PHÙ VÂN 160 | PHÙ VÂN 161 | PHÙ VÂN 162 | PHÙ VÂN 163 | PHÙ VÂN 164 | PHÙ VÂN 165 | PHÙ VÂN 166 | PHÙ VÂN 167 | PHÙ VÂN 168 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 170 | PHÙ VÂN 171 | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 173 | PHÙ VÂN 174 | PHÙ VÂN 175 | PHÙ VÂN 176 | PHÙ VÂN 177 | PHÙ VÂN 178 | PHÙ VÂN 179 | PHÙ VÂN 180 | PHÙ VÂN 181 | PHÙ VÂN 182 | PHÙ VÂN 183 | PHÙ VÂN 184 | PHÙ VÂN 185 | PHÙ VÂN 186 | PHÙ VÂN 187 | PHÙ VÂN 188 | PHÙ VÂN 189 | PHÙ VÂN 190 | PHÙ VÂN 191 | PHÙ VÂN 192 | PHÙ VÂN 193 | PHÙ VÂN 194 | PHÙ VÂN 195

PHÙ VÂN 137

sen_qua_dep_duong_quoc_dinh.jpg
(Hinh DUONG QUOC DINH)

 

BÂNG KHUÂNG

 

Không biết ngẫu nhiên tình cờ hay chữ Duyên (trong thập nhị nhân duyên) đã khiến xui tôi xem film nhiều tập của Ấn Độ nói về : * ĐỨC PHẬT - BUDDHA (33 tập) * một ngày gần cuối tháng 02/2017 do hai bạn học một thời trung học Nguyễn Trung Trực chuyển cho (Thuy Nguyen và Vuong Hai) ..  

 

Tôi chúa ghét coi phim bộ (có nghĩa là nhiều tập) vì không có thì giờ, và rất sợ mắc mê rồi thức trắng dzờ con mắt ếch, rồi khóc rụng trụi lủi lông mi, khóc sưng bụp mắt cận, mỗi năm mỗi thay mắt kiếng mới mà vẫn "mơ .. huyền" thì chết chắc !!!

Lần này không phải mê mà coi, mà trước khi đăng vào web thì cũng cần thiết .. không thôi bị bạn đọc chửi lầm thầm là "dở ẹc" mà cũng đăng !!! Thế nên mới có những dòng này ..


Nhưng , không phải như các bạn đang nghĩ đâu. Mắt coi phim, coi những tài tử Ấn Độ xinh đẹp, những cảnh sắc quen quen, những nội dung đạo lý thuộc cỡ nửa bụng, chớ tôi chợt thấy lại tôi, thấy con bé con ở Xóm Biển, thấy cái đứa con nít ham mê những tờ quảng cáo chương trình hơn mọi thứ trên đời thuở đó ..

.. "Tôi bắt đầu biết dành dụm, biết mân mê, biết nghệt mặt ra mà ngắm nghía những tờ quảng cáo phim Ấn Độ của rạp Châu Văn, hay là những tờ in đào kép Cải Lương của rạp Đồng Thinh, Hòa Lạc .. Tôi chui vào thế giới ấy những khi đã làm bài, học bài đầy đủ, xong xuôi .. Đó là  thế giới của một cô bé con không có ai dẫn đi coi chiếu bóng, không có tiền coi cải lương dù hạng cá kèo. Vì má tôi đầu tắt mặt tối buôn bán nuôi tôi và rất ư là cần kiệm nên cái chuyện xi nê, cải lương là cái chuyện không tưởng vô cùng.

.. Nhưng ! Không phải thảnh thơi mà có được những tờ quảng cáo lòe loẹt ấy đâu nhé.  Tôi phải chạy theo mấy chiếc xe quảng cáo ấy đến hụt hơi, mặt xanh lè, xanh lét. Đã vậy phải bỏ cả dép, guốc mà chạy thục mạng theo xe .. Đường Hoàng Diệu lồi lõm, lởm chởm đá đâm gan bàn chân học trò đau thấu trời xanh. Nhưng khi nắm được tờ giấy chương trình rồi, chạy u vô nhà, vuốt tờ giấy cho phẳng phiu, thẳng thớm, nhìn say mê những chân dung thần tượng là sung sướng đến lịm người.

Mệt đến đâu. Đau đến đâu. Có sá gì đâu !!!" .. (CON MỐI)

 

Tôi còn thấy lại cái nỗi đam mê mấy cô đào chiếu bóng (không phải Tây, không phải Mỹ) mà là những tài tử xi nê Ấn Độ thôi. Tại sao ư ??? Theo quan niệm riêng của con gái tỉnh lẻ nhé, ở Rạch Giá thuở ấy, những phim ăn khách nhất, được ái mộ nhất cho đại đa số những tâm hồn dân dã, biết coi trọng chữ nhân nghĩa, sự thủy chung .. thì phim ca vũ nhạc Ấn Độ đáp ứng cái thị hiếu ấy rõ nét nhất, đậm đà nhất. Do đó, mấy chủ nhân rạp chiếu bóng Kiên Giang bèn cho nhập về phim Ấn Độ đều chi, toàn là những phim hốt bạc và hốt nước mắt người xem.

" .. Mấy "chị" tui đẹp lắm, nhất là đôi mắt bự thiệt là bự, lại còn được viền màu đen đậm thiệt là đậm, khi mấy chị liếc một cái, rồi nhoẻn miệng cười duyên, hàm răng đều rưng rức, cánh mũi lại còn lóng lánh hạt vàng, hạt ngọc gì đó nữa, mèng ơi, trái tim tôi cũng như là trái xoài trên cây "toòng teng, toòng teng" muốn rụng cái bụp xuống bao tử .. đói meo (vì phải nhịn ăn hàng lâu lắc lắm mới đủ tiền coi phim chớ bộ). Mấy chị thường mặc y phục khoe bụng, rồi trang điểm cho cái rún, cho cái vòng hông .. xệ nhiều thứ trang sức thiệt là lạ và hấp dẫn, (nếu mấy chị là tiểu thơ hay con gái nhà giàu), chưa kể trên mái tóc dài đen mun, thắt bín, quấn không biết bao nhiêu là vàng, ngọc, hoa lá .. Khi mấy chị múa, thân mình vặn vẹo, cái bụng thon thả lượn qua, lượn lại, cái mông cũng "xàng xê", lắc lắc đảo đảo hết sức điệu nghệ, trời ơi thiệt là đã con mắt. Bàn tay thì dẻo quẹo, các ngón tay xòe ra, cụp vô, lung linh như những bông sen nở, cườm tay còn đeo tùm lum vòng vàng, mười ngón tay đầy nhẫn ngọc lóng la, lóng lánh, đẹp thấy bắt ham.  Tôi cười với mấy chị, tôi khóc theo mấy chị, tôi khổ như người bị hành hình khi mấy chị gian truân, tôi sung sướng khi mấy chị được yên bề hạnh phúc .. Nhưng phần lớn, nước mắt tôi đã đổ ra không biết bao nhiêu mà kể từ cái tuổi đúng lý ra chỉ nên coi mấy cái phim hoạt họa về muông thú, về cảnh thần tiên dành cho con nít, con nôi với những kết thúc "có hậu", đầy màu sắc tuyệt vời, âm nhạc thánh thót, du dương (như ở bên đây) ..

Tuy tôi cố chắt mót, nhịn ăn, nhịn thèm (cỡ như mấy nhà tu khổ hạnh trong phim Ấn Ðộ chớ hổng phải vừa), nhưng má tôi cấm đoán cái chuyện này dữ lắm. Vì nhịn ăn (còn trốn má, nói dối má đi coi phim với bạn) là một điều đáng bị đòn rồi, lại còn cái tật khi về đến nhà là cứ như bị mất hồn mất vía vậy, cứ tơ tơ tưởng tưởng tới mấy chị không, thần trí lơ lơ, lửng lửng .. Học hành không vô, làm bài tập không được. Mảng lo thổn tha thổn thức thương xót đứt ruột, đứt gan khi hình ảnh mấy chị bị đày đọa, bị đánh đập, mà nỗi oan tình thì cũng cỡ như chú tiểu Kỉnh Tâm (bị Thị Mầu vu khống ..) cứ lượn lờ trước mắt, nên không ít lần tôi bị bắt quả tang vì cái tật "lo ra" hết sức nhăng nhít này khi ngồi ăn cơm với má. (Và hậu quả là "được" ăn "thặng dư" vài con lươn .. trên đít, chứ sao !!!). (MƠ TIÊN)


honrua_hoanghon_moinhat.jpg
(Hinh @ Internet)



Cũng có thể nói, những tờ quảng cáo và phim ảnh Ấn Độ, những trang sách báo (có bao nhiêu tiền đều chui vào tiệm sách Tiến Thành) rồi những bài học giờ Văn suốt 15 năm ròng .. đã nhào nặn tôi thành tôi hiện giờ .. chưa kể cái Hòn Rùa rỡ ràng trước mặt nhà số 47 đường Hoàng Diệu ..

.. "Tôi thấy lại được hòn Rùa nằm muôn đời giữa nước, giữa trời. Xa xa là hòn Sơn Rái ..(Cho tới bây giờ tôi cũng chả biết là cái đầu của hòn Rùa dính liền hay rời ra với thân mình của nó nữa. Vì có những bữa trời quang mây tạnh, rõ ràng là có sự bứt rời. Nhưng khi biển động, mây trời vần vũ, vết đứt lại được liền trơn. Không biết ai đó kể một huyền thoại về một con rùa tu luyện thành tinh, hay bò đi phá xóm phá làng, bị trừng phạt bằng cách bị chém lìa đầu, nên bây giờ bất động chung thân !!!)

Và tiếng sóng không bao giờ nguôi trong lòng tưởng chừng đang lặng yên giông bão:

.. "Rõ ràng là tiếng sóng. Tiếng sóng êm đềm của một thời bé thơ và thiếu nữ ở Rạch Giá, xóm biển, đường Hoàng Diệu. Còn mùi thum thủm khai khai, gây gây của cá đuối xẻ phơi khô, mời mọc hàng đàn ruồi nhặng .. Còn từng nhà giăng lưới ra phơi, rồi ồn ào vá lưới đập chì ..

.. Có nhiều khi tiếng sóng dữ dằn, gầm rú hất những tảng nước hung bạo lên mái tôn, hất cả những dề lục bình nằm phơi xác trên mái, lùa những khối nước khổng lồ tràn qua khe cửa làm ngập lụt tứ bề, làm chai lọ, nồi niêu trôi lềnh bềnh trong nhà y như trong cơn hồng thủy. Hai mẹ con quần xăn cao lên tận bẹn, ngồi chồm hổm trên cái chõng cây, lúi húi xên mứt cà chua đỏ lưỡng, xên những trái cà na dôn dốt, nước đường vàng óng như mật ong, hoặc luôn tay luôn chân với cái chảo dầu đầy ắp bánh mì chiên (những món quà đầy hấp dẫn để bán cho ngày hôm sau). Bếp lửa nổ lách tách, tiếng sóng vỗ ì ầm, ì ầm vây bủa, bóng hai mẹ con in lên vách bởi ánh lửa bập bùng, chập chờn, lủi thủi bên nhau, quấn quít lấy nhau .. (Mỉm cười)


***

***


Mới coi vài tập phim ĐỨC PHẬT, chưa được phân nửa là tôi đã dừng lại. Thắng lại cái két để chạy u một hơi về những ngày Xóm Biển đường Hoàng Diệu xa xưa. Nghe đâu hiện giờ, "khu lấn biển" đã xóa sạch hết kỷ niệm tuổi thơ và một thời thiếu nữ của tôi rồi.

 

Có vài bạn đã chuyển cho tôi coi Video về Kiên Giang ngày nay với những nhà hàng tân kỳ, hiện đại, tiệm cà phê sang hơn Mỹ. Chợ búa ngăn nắp, khu nào ra khu đó, cả những cây cầu làm lại, với dàn đèn nom sang hơn Tây .. Tôi chỉ hờ hững lướt qua. Đâu phải là Rạch Giá của tôi đâu mà tha thiết. Có phải Kiên Giang của tôi đâu mà trầm trồ.

 

Nét quê Rạch Giá của tôi đâu ? Cái chân tình mộc mạc nằm ở chỗ nào rồi ? Ngoài 2 cái biểu tượng Cổng Tam Quan và Hòn Rùa đang được chùi rửa ba mớ mốc meo ? Người ta đang hãnh diện vì những khu nhà cao tầng. Người ta đang mời mọc khách thập phương về những tụ điểm xa hoa để mặc tình hưởng thụ. Làm như cái xứ cù lao đầy sông rạch đó đang là thiên đàng hạ giới thứ thiệt rồi vậy !!! Vui không bạn. Tôi thì không. Cho dù nếu có rủng rỉnh tiền cũng về làm chi, vì những hào nhoáng đó ở Mỹ, ở Canada, ở Pháp, ở Úc, ngay cả ở Sài Gòn .. không thừa mứa hay sao nè !!! Những thương nhân làm ăn khá giả, khoe nhà cửa lịch sự, nội thất sang trọng hơn Việt Kiều mấy bực, cứ ậm à ậm ừ đầu môi chót lưỡi chửi bới chế độ thế này thế nọ, mà ơn đảng thì thọ lãnh tì tì !!! Hay ho không bạn ???


(Người Rạch Giá thứ thiệt không phải hễ được mời mọc trọng vọng mới quay về, được săn đón rủ rê mới "hồi đầu thị ngạn" đâu bạn

(Người Rạch Giá thứ thiệt không phải hễ được mời mọc trọng vọng mới quay về, được săn đón rủ rê mới "hồi đầu thị ngạn" đâu bạn. Thẳng thắn, rõ ràng,  Người Rạch Giá không mời cũng về, không được săn đón rủ rê cũng quay trở lại. Không phải vì ba cái hào nhoáng xa hoa nó rù quến, không phải vì những cái lộng lẫy huy hoàng làm mù lòa con mắt, vì những lời đường mật tỉ tê làm điếc lác nghĩa nhân.  Họ tự động, tự nguyện về thăm cốt nhục tình thâm, thăm ông bà cha mẹ anh chị em vò võ trông chờ, thăm người còn người mất một thuở hàng xóm láng giềng, bạn bè một thời cắp sách vang danh "nhất quỉ, nhì ma ..". Họ dù ở phương trời nào cũng nhớ thương về Rạch Giá, không phải nhớ những tụ điểm ăn chơi đàng điếm, mà nhớ thương cây đa cũ, bến đò xưa, tưởng nhớ người nằm yên trong mộ phần,  thương nhớ cố nhân phương nào luân lạc, càng xót xa cho người bạc phước, kẻ bạc phần .. Thế nên không ít Người Rạch Giá ở Mỹ, ở Úc, ở Canada .. âm thầm góp công, góp của, góp sức, góp tình, ký cóp mang quà hoặc gửi bạn trao tận tay cho trẻ mồ côi, kẻ bệnh hoạn tật nguyền, người già tứ cố vô thân .. gọi là chút tình "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi" !!!)


***

 

.. "Mấy chục năm trôi qua. Những con mối thời gian đang gặm nhấm mái đầu lốm  đốm bạc. Làm lỏng la lỏng lẻo từng khớp xương, bắp thịt. Làm mắt mờ, răng rụng, nặng tai. Nhưng không còn những giọt nước  mắt ròng ròng thơ trẻ. Không có tiếng khóc rấm ra rấm rứt tủi thân. Chỉ còn những giọt lệ khô vô sắc hoặc bắt buộc phải chảy ngược vào lòng cay đắng dấu che.

Sông biển Kiên Giang vẫn dạt dào trí nhớ

Mặt trời Mỹ Châu đâu ấm nổi tâm tình

Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn mớ :

Một thuở quê nghèo, nắng sáng lung linh ..  

 

Mấy chục năm trôi qua ... Những con mối thời gian gặm nát những niềm tin hoang tưởng, giờ cho ta tìm về sự chân thật hồn nhiên .

  có rơi , lá lại về cội.

Nước có đi ra bể, nước lại mưa về nguồn (Tản Đà)

Ta có xa quê, ta chỉ làm người viễn xứ, chỉ tội nghiệt thay cho những con mối đang đục ruỗng quê nhà một cách vô tâm !!! (CON MỐI)

 

- cui tháng 02/2017 -

 

 

dao_mai_kn_dx.jpg
(Hinh KHANH NGA & DIEM TRINH)

website counter