PHÙ VÂN II

Home | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 91 | PHÙ VÂN 92 | PHÙ VÂN 93 | PHÙ VÂN 94 | PHÙ VÂN 95 | PHÙ VÂN 96 | PHÙ VÂN 97 | PHÙ VÂN 98 | PHÙ VÂN 99 | PHÙ VÂN 100 | PHÙ VÂN 101 | PHÙ VÂN 102 | PHÙ VÂN 103 | PHÙ VÂN 104 | PHÙ VÂN 105 | PHÙ VÂN 105* | PHÙ VÂN 106 | PHÙ VÂN 107 | PHÙ VÂN 108 | PHÙ VÂN 109 | PHÙ VÂN 110 | PHÙ VÂN 111 | PHÙ VÂN 112 | PHÙ VÂN 113 | PHÙ VÂN 114 | PHÙ VÂN 115 | PHÙ VÂN 116 | PHÙ VÂN 117 | PHÙ VÂN 118 | PHÙ VÂN 119 | PHÙ VÂN 120 | PHÙ VÂN 121 | PHÙ VÂN 122 | PHÙ VÂN 123 | PHÙ VÂN 124 | PHÙ VÂN 125 | PHÙ VÂN 126 | PHÙ VÂN 127 | PHÙ VÂN 128 | PHÙ VÂN 129 | PHÙ VÂN 130 | PHÙ VÂN 131 | PHÙ VÂN 132 | PHÙ VÂN 133 | PHÙ VÂN 134 | PHÙ VÂN 135 | PHÙ VÂN 136 | PHÙ VÂN 137 | PHÙ VÂN 138 | PHÙ VÂN 139 | PHÙ VÂN 140 | PHÙ VÂN 141 | PHÙ VÂN 142 | PHÙ VÂN 143 | PHÙ VÂN 144 | PHÙ VÂN 145 | PHÙ VÂN 146 | PHÙ VÂN 147 | PHÙ VÂN 148 | PHÙ VÂN 148 * | PHÙ VÂN 149 | PHÙ VÂN 150 | PHÙ VÂN 151 | PHÙ VÂN 152 | PHÙ VÂN 153 | PHÙ VÂN 154 | PHÙ VÂN 155 | PHÙ VÂN 156 | PHÙ VÂN 157 | PHÙ VÂN 158 | PHÙ VÂN 159 | PHÙ VÂN 160 | PHÙ VÂN 161 | PHÙ VÂN 162 | PHÙ VÂN 163 | PHÙ VÂN 164 | PHÙ VÂN 165 | PHÙ VÂN 166 | PHÙ VÂN 167 | PHÙ VÂN 168 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 170 | PHÙ VÂN 171 | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 173 | PHÙ VÂN 174 | PHÙ VÂN 175 | PHÙ VÂN 176 | PHÙ VÂN 177 | PHÙ VÂN 178 | PHÙ VÂN 179 | PHÙ VÂN 180 | PHÙ VÂN 181 | PHÙ VÂN 182 | PHÙ VÂN 183 | PHÙ VÂN 184 | PHÙ VÂN 185 | PHÙ VÂN 186 | PHÙ VÂN 187 | PHÙ VÂN 188 | PHÙ VÂN 189 | PHÙ VÂN 190 | PHÙ VÂN 191 | PHÙ VÂN 192 | PHÙ VÂN 193 | PHÙ VÂN 194 | PHÙ VÂN 195

PHÙ VÂN 153

 

* XÓM TÔI *

- Video và bài viết của PHẠM HỒNG-TRẦN -

 

(@ FB)

 

bar_flowers.gif

 

XÓM TÔI

 

 Dạo này tôi hay nhận vơ, nhận vào, nào là nước Mỹ của tôi, bầu trời của tôi, DPI của tôi, chợ Costco của tôi, và bây giờ, nhãn tiền, tôi gọi cái xóm mới ngụ cư hồi tháng 10 năm 2018, chưa được 2 năm nữa, là XÓM TÔI !

Biết làm sao khác được, thì chắc cũng có lý do mật thiết nào đó, chứ nhỉ !!!

 

Nếu bạn xem video sẽ thấy cây cột đèn đường, bóng vàng chói sáng đúng y câu tục ngữ "đèn khoe đèn tỏ hơn trăng" là 1 thí dụ nhé. Rồi nhà cửa với lối kiến trúc có dãy y chang nhau, có nơi cũng chả khác nhau là mấy, vẫn kiểu dạng Tàu không ra Tàu, Tây chẳng ra Tây, và dĩ nhiên chẳng thể gọi là kiểu Mỹ được. Nhà có 2 mái xoãi ra như đôi cánh chim, nhưng không phải là single house, mà có hai chủ trong ngôi nhà ấy. Có 2 bảng số nhà. Có hai bậc thang riêng và 2 chỗ đậu xe khác biệt. Chỉ có 1 bức vách ở giữa chung, nên nhà mình không có ai, chứ có tiếng chân lên xuống cầu thang, tiếng đóng mở cửa closet .. như ma !!! Khu xóm này không thể gọi là giàu, nhưng chính cái vẻ nghèo nghèo, dưới bậc trung làm tôi thấy dễ thở, vì mình cũng đâu có "ngon" gì hơn ai. Còn chuyện kỳ thị thì may là tôi đi làm ở hãng DPI 25 năm, quen mắt, quen tai, quen cái kiểu "hợp chủng quốc bỏ túi" này lắm rồi nên cũng không có gì đáng nói.

 

Một lần nào đó, còn đang tơ lơ mơ say ngủ chợt nghe tiếng gà gáy làm tôi tưởng trễ giờ đi học, định hét toáng lên "Má ơi sao không gọi con" .. thì mới hay tôi đang nằm co ở đây, không phải Rạch Giá, không phải Sài Gòn, tôi không còn đi học từ đời cố hỉ cố lai nào rồi và  tôi đang cách xa quê đến mấy đại dương mịt mùng sơn dã, má tôi cũng đang ở cõi nào đó .. đã 40 năm !!! Không biết người ta (người Mễ, người Ấn hay Pakistan) nuôi gà để làm gì, để giết thịt hay để nuôi làm kiểng mà năm thì mười họa mới nghe tiếng gáy, tiếng gáy của một thời quê xưa biệt tăm biệt tích thắt lòng.

"Thành phố không nuôi nổi một tiếng gà

bỏ vầng trăng đi lạc

Thành phố đói trăng

đẩy tiếng gà vào cổ tích

(TÔN PHONG)

 

Nơi tôi ở trọ không phải là thành phố, cũng không phải thôn quê, nhưng nhà cửa 2 bên, xe đậu đặc lừ làm con đường đã chật càng hẹp. Tôi phải thầm thán phục mấy bác tài xế xe bus, xe đưa rước học sinh, xe kềnh càng là thế mà vẫn chạy bon bon không va quẹt lần nào.

 

Tuy nhà trọ lần này rất gần chợ bán món Việt, gần nhà thương, gần trường tiểu học, gần nhà thuốc Tây, gần những con đường đại lộ, là nơi bảnh chọe có trạm xe buýt hẳn hoi. Vậy chứ cứ y như là nhà quê, vì rời đường lớn quẹo về nhà, là chui vào con đường ngoằn ngoèo, quanh co, như Khu Bàn Cờ ở SG, như trận đồ bát quái của Khổng Minh truyện Tam Quốc Chí bên Tàu. Mấy cây đèn đường vàng quạch lem nhem, khi lái xe đi làm sớm bửng thiệt rầu, vì nước Mỹ gì mà ... Và tên đường tôi ở, nếu viết theo tiếng Việt có dấu vào thì đích thị là RÙA TAN  (bỏ cái đuôi đi chỉ còn mỗi một chữ Rùa) làm tôi nhớ tới cái Xóm Biển Rạch Giá của tôi tận mạng. Xóm Biển có ông Rùa phía trước:

" .. Ai ngồi đó đếm từng con sóng vỗ

Ráng chiều buông lấp loáng đến muôn trùng

Ông Rùa vẫn nằm yên không ngọ nguậy

Đợi chờ ai giữa trời nước mênh mông

(HAI RẠCH GIÁ)

 

.. suốt một thời bé con và thanh xuân Rạch Giá - cho tới tận bây giờ, già chát ở xứ người, chứ "cụ" vẫn làm tôi không nguôi .. nhớ !!! Nhớ cụ Rùa, không phải Rùa Vàng [Thần Kim Qui] một thuở Mỵ Châu "trái tim lầm lỡ để trên đầu" !!! Tôi chỉ nhớ cụ Rùa Xanh tươi mát màu cây lá, nằm nhởn nhơ giữa thảm biển xanh lơ, trên mình là những áng mây đủ màu, đủ sắc, tụ tán lộng lẫy, huy hoàng .. (trích PV 141 - HÒN RÙA CỦA TÔI)

 

Ở đây không có tiếng sóng " .. Tiếng sóng êm đềm của một thời bé thơ và thiếu nữ ở Rạch Giá, xóm biển, đường Hoàng Diệu. Còn mùi thum thủm khai khai, gây gây của cá đuối xẻ phơi khô, mời mọc hàng đàn ruồi nhặng .. Còn từng nhà giăng lưới ra phơi, rồi ồn ào vá lưới đập chì ..

.. Có nhiều khi tiếng sóng dữ dằn, gầm rú hất những tảng nước hung bạo lên mái tôn, hất cả những dề lục bình nằm phơi xác trên mái, lùa những khối nước khổng lồ tràn qua khe cửa làm ngập lụt tứ bề, làm chai lọ, nồi niêu trôi lềng bềnh trong nhà y như trong cơn hồng thủy.." (Trích PV 20 - RG, Bạn bè và nỗi niềm xa xứ)

 

Ở đây có tuyết trắng lạnh tháng ngày già, tháng ngày .. "Dài thương mặt nước mênh mang gió, Lòng bỗng trôi ra biển mấy trùng" (ĐINH HÙNG)

 

Ở đây có ngày ngày, tháng tháng, năm năm ..

"Riêng thương chiếc bóng đi về,

Nửa vườn hoa lá, tư bề khói mây"

(QUÁCH TẤN)

 

Ở đây, có ngày mưa rầu rĩ, cũng có buổi nắng tinh khôi. Có bình minh lộng lẫy đất trời, có hoàng hôn với ráng chiều rực rỡ đẹp không mơ thấy nổi. Cây cối trong xóm được từng nhà chăm sóc khá kỹ - nghe như nếu để bừa bộn, mất vệ sinh bị biên bản phạt khá bộn - Hoa lá mùa nào thức ấy. Cũng có hàng rào gỗ, lá bên kia chui qua bên này ..

 

Nhưng trong hơn 2 tháng cao điểm của đại dịch Coronavirus, toàn cầu và riêng nước Mỹ, thật là kinh tâm táng đởm ! Tôi không muốn lặp lại con số người chết cao ngất ngưởng của nước đại cường nơi tôi ở, chỉ muốn gửi đến các bạn những hình ảnh "tang thương đến cà hoa kia cỏ này" của XÓM TÔI, cái xóm bé tẻo tèo teo .. Mây trời luôn xám xịt. Mùi tử khí ngợp không gian yên ắng. Trăng rằm kinh dị. Hoa úng héo, rơm rớm nước mắt mưa. Dù xe Emergency chỉ ghé 1 lần rước người phụ nữ khỏe mạnh, không rời khỏi nhà nửa bước, ở đối diện nhà tôi. Đến hơn 4 tuần mới trả về yên ổn. Vậy mà nỗi sợ dâng cao ngập ngụa thần hồn hàng xóm láng giềng chỉ lét mắt ghé nhìn len lén.

 

 Xin được cầu nguyện tâm thành đến mọi người, mọi nơi, mọi nhà trên toàn hành tinh được "thân tâm an lạc" như trời xanh mây trắng thong dong suốt đời còn lại !!!

 

.. "Xin Thiên Chúa từ bi nhìn đến tình cảnh đau xót của con cái Ngài, những người đang đau khổ vì đại dịch; xin xoa dịu nỗi đau của những bệnh nhân; ban thêm sức mạnh cho những người chăm sóc họ; đón nhận những người đã qua đời vào nơi an nghỉ ngàn thu; và ban cho chúng con tìm được an ủi nơi tình yêu thương xót của Chúa trong suốt thời gian đại dịch." (HỒNG THỦY - Vatican News)

 

(Tháng 06/2020)

 

1hong_1cuc_pht.jpg
(Hinh PHAM HONG-TRAN)

website counter