PHÙ VÂN II

Home | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 91 | PHÙ VÂN 92 | PHÙ VÂN 93 | PHÙ VÂN 94 | PHÙ VÂN 95 | PHÙ VÂN 96 | PHÙ VÂN 97 | PHÙ VÂN 98 | PHÙ VÂN 99 | PHÙ VÂN 100 | PHÙ VÂN 101 | PHÙ VÂN 102 | PHÙ VÂN 103 | PHÙ VÂN 104 | PHÙ VÂN 105 | PHÙ VÂN 105* | PHÙ VÂN 106 | PHÙ VÂN 107 | PHÙ VÂN 108 | PHÙ VÂN 109 | PHÙ VÂN 110 | PHÙ VÂN 111 | PHÙ VÂN 112 | PHÙ VÂN 113 | PHÙ VÂN 114 | PHÙ VÂN 115 | PHÙ VÂN 116 | PHÙ VÂN 117 | PHÙ VÂN 118 | PHÙ VÂN 119 | PHÙ VÂN 120 | PHÙ VÂN 121 | PHÙ VÂN 122 | PHÙ VÂN 123 | PHÙ VÂN 124 | PHÙ VÂN 125 | PHÙ VÂN 126 | PHÙ VÂN 127 | PHÙ VÂN 128 | PHÙ VÂN 129 | PHÙ VÂN 130 | PHÙ VÂN 131 | PHÙ VÂN 132 | PHÙ VÂN 133 | PHÙ VÂN 134 | PHÙ VÂN 135 | PHÙ VÂN 136 | PHÙ VÂN 137 | PHÙ VÂN 138 | PHÙ VÂN 139 | PHÙ VÂN 140 | PHÙ VÂN 141 | PHÙ VÂN 142 | PHÙ VÂN 143 | PHÙ VÂN 144 | PHÙ VÂN 145 | PHÙ VÂN 146 | PHÙ VÂN 147 | PHÙ VÂN 148 | PHÙ VÂN 148 * | PHÙ VÂN 149 | PHÙ VÂN 150 | PHÙ VÂN 151 | PHÙ VÂN 152 | PHÙ VÂN 153 | PHÙ VÂN 154 | PHÙ VÂN 155 | PHÙ VÂN 156 | PHÙ VÂN 157 | PHÙ VÂN 158 | PHÙ VÂN 159 | PHÙ VÂN 160 | PHÙ VÂN 161 | PHÙ VÂN 162 | PHÙ VÂN 163 | PHÙ VÂN 164 | PHÙ VÂN 165 | PHÙ VÂN 166 | PHÙ VÂN 167 | PHÙ VÂN 168 | PHÙ VÂN 169 | PHÙ VÂN 170 | PHÙ VÂN 171 | PHÙ VÂN 172 | PHÙ VÂN 173 | PHÙ VÂN 174 | PHÙ VÂN 175 | PHÙ VÂN 176 | PHÙ VÂN 177 | PHÙ VÂN 178 | PHÙ VÂN 179 | PHÙ VÂN 180 | PHÙ VÂN 181 | PHÙ VÂN 182 | PHÙ VÂN 183 | PHÙ VÂN 184 | PHÙ VÂN 185 | PHÙ VÂN 186 | PHÙ VÂN 187 | PHÙ VÂN 188 | PHÙ VÂN 189 | PHÙ VÂN 190 | PHÙ VÂN 191 | PHÙ VÂN 192 | PHÙ VÂN 193 | PHÙ VÂN 194 | PHÙ VÂN 195

PHÙ VÂN 97

condoimeo_chome.jpg

 

 

NGƯỜI THY ĐẦU TIÊN

 

 

Hồi nhỏ, tôi rất ít nói, ít cười, ít đến cái độ má sợ tôi "HOÁ CÂM".

 

Hễ má đặt tôi ngồi đâu thì tôi cứ ngồi miết đó, giương mắt ngó rất chăm chú đàng trước mặt (dù chả có gì đáng để chăm chú). Vì vậy, dù bận rộn ngập đầu, ngập cổ, má lâu lâu lại phải buông bỏ hết để chạy đến khẽ khàng lay lay tôi, hoặc bế bổng tôi lên, dỗ dành gi chuyện, vì bà sợ cái lưỡi của cô con gái út cưng sẽ bị hoá thành vô dụng !!! (Mà nói cho cùng , cái dạo chạy Tây, chạy Việt Minh tứ tán ở Hòn Me, Hòn Sóc đó, tôi đâu có bạn để mà líu lo, chót chét, hoặc bày trò chơi này nọ cho má đỡ lo. Có mỗi một bà chị hơn tôi đến 9 tuổi đầu thì cũng lo phụ má làm lụng đầu tắt mặt tối, chứ có rảnh rang gì. Nên tôi cứ tha hồ ngồi .. ì ra một mình-ên, lặng lẽ giương mắt ngó mọi chuyện chăm chú một cách thờ ơ, thì cũng đâu có gì là trái tự nhiên đâu !!!)

 

Khi cả nhà dời ra Rạch Giá, ở bên khu Nhà Thờ Tạm, thì tôi đã quá cái tuổi để vào học lớp vỡ lòng rồi. Nỗi lo sợ tôi "HOÁ CÂM", hoặc trầm trọng hơn "HOÁ ĐẦN" làm má tôi chạy đôn chạy đáo tìm thầy dạy học cho tôi. Còn tôi thì chứng nào tật nấy, lặng lẽ nhìn và lười biếng nói năng.

 

Tôi còn nhớ cái nhà sàn của mẹ con tôi cất trên một con rạch đổ ra sông .. Tôi còn nhớ cả nỗi tiếc đến lặng người đi, gần như muốn mất thở, khi đồng bạc cắc má cho, mới tinh, lấp lánh, một lần lúc đang mân mê, ngắm nghía, bỗng tuột tay rơi tọt xuống kẽ sàn, mất tăm .. Chả hiểu tại sao mấy mươi năm rồi, cái đồng bạc cắc mới tinh bị con rạch nuốt mất ấy vẫn còn làm hiu hắt nhớ .. Như nhớ khúc sông từng có những cây tre ngâm, cột lại thành chùm thả nổi, biến đổi từ màu xanh sang xám xỉn, của chú Tàu hàng xóm làm nghề đan rọ heo .." (Trích PV6 - Lội được qua sông )

 

Tôi nhớ nỗi lo của má .. , nhớ cái nhà sàn.. , nhớ nỗi buồn của tôi khi mất đồng bạc cắc mới tinh .., nhớ đống tre ngâm .., nhớ chuyện "ma da" kéo giò khi tập lội .., chớ thiệt tình tôi quên béng mất ông thầy già - người thầy đầu tiên - đã xây nền đắp móng cho ngôi đền kiến thức riêng tôi từ cái thuở còn trứng nước ngây thơ .

 

Sao tôi nỡ đành quên lớp học xưa, người thầy cũ, quên tuốt luốt người lái đò chở khách sang sông ?!?!?!

 

Chuyện một con đò dầu dãi nắng mưa

Lặng lẽ chở từng dòng người xuôi ngược

Khách sang sông tiếp hành trình phía trước

Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò ???

(BẢO LINH)

 

***

 

Ai cũng gọi thầy là "thầy Năm" (không biết đó là tên thật hay tên gọi theo thứ trong gia đình). Cũng không thể nhớ hồi đó thầy có đeo kính lão hay không. Chỉ nhớ mái tóc của thầy đã bạc, râu cũng bạc, mặt mũi không béo tốt phương phi gì mấy, nhưng nụ cười hiền hòa làm an lòng tôi vô tả. Lớp học cũng là nhà riêng của thầy, mái lá, nền đất, mặt tiền trông ra giòng sông Kiên. Phần "hậu liêu" chúng tôi chưa bao giờ được phép bước vào, còn gian chính kê ba cái bàn học trò dính liền với ba cái băng ghế dài, màu nâu đen lốm đốm những vết mực tím mực xanh thâm sì thâm sịt, bây giờ cũng không đoán được là màu gì. (Những cái bàn này chắc thầy tự vẽ kiểu cho các bác thợ mộc đóng hay chính tự thầy "gò" lấy cũng nên mà dài ơi là dài, mỗi bàn có thể "chứa" 10 đứa lau nhau, lít nhít như chơi). Đàng trước lớp là cái sân rộng có mấy cây bã đậu khổng lồ rợp mát, tha hồ cho đám học trò học trẹt ấy bắn bi, nhảy cò cò, rượt bắt giờ ra chơi .. Lớp của tụi tôi lộn xộn hầm bà lằng gì đâu, nam có nữ có, lớn tướng có, bé tẻo teo có, đứa ăn bận bảnh bao, mang dép, đứa áo rách, nhọ nhem, chân đất . Có thể nói đây là lớp học "tư" chuyên dạy vỡ lòng, tập viết, tập đọc rân trời .. "a bê xê là xề bánh đức, u cờ úc là cục mắm tôm .." cho đủ mọi đứa con nít với ngàn lẻ một lý do "trục trặc" của gia đình sao sao đó, chưa thể bước vô trường Nam hoặc trường Nữ Tiểu Học tỉnh lỵ một cách đường hoàng !!!

 

Vậy chớ, không dễ mà tôi thèm đi học đâu. Không dễ mà "bứng" tôi ra khỏi cái nhà sàn yêu dấu đó đâu. Chả là hồi đó, ngoài cái tật lười biếng nói năng, tôi còn vô cùng sợ hãi khi bước ra khỏi nhà, (bởi mái tóc hoe hoe vàng màu râu bắp, bởi làn da trắng như bạch tạng, bởi những tràng chọc ghẹo ré lên "Ê .. ê .. đồ Tây lai, mười hai lỗ đít .."). Thế nên tôi thích ru rú trong nhà, thích làm con dán bơ vơ trong góc bếp hơn là đương đầu với những cái nhìn, cái điệp khúc "kỳ thị" điếng người !!! Má thì không muốn tôi mềm như bún thiu, hoặc nhão nhoét như nấu cơm lỡ tay đổ nhiều nước như vậy, bà muốn tôi cứng cỏi xông xáo như bà .. Câu châm ngôn bà rỉ rả cùng tôi, suốt từ thời đó đến giờ là .. "CỨ LÀM ĐI RỒI KHẮC BIẾT !" (má chả có đi học đi hành gì hết, mà má cũng làm được tất những gì má muốn làm: thuộc đầy bụng Ca Dao, Tục Ngữ, truyện Kiều, làm thơ, chữa bệnh, đan áo, nấu ăn, làm bánh - những môn Nữ Công Gia Chánh chỉ dành riêng cho các tiểu thư con nhà khuê các, ngày rộng tháng dài, dư ăn dư để - Má mồ côi mồ cút từ tuổi 13, lo nuôi thân không xong lấy gì được học được hành ! Vậy mà "trăm hay không bằng tay quen" !!!). (Trích PV6 - Lội được qua sông )

 

Cái lần đi học đầu đời, ôi sao mà khó quên đến thế. Dĩ nhiên là nước mắt nước mũi chàm ngoàm. Dĩ nhiên là tôi đeo cứng má, níu tay má, bám chặt quần áo má, chặt đến nỗi thầy cố gỡ tay ra cũng không được, thầy phải nhờ mấy đứa con trai to xác đứa thì giằng tay tôi, đứa thì nhấc bổng chân tôi khiêng vào lớp (trời đất, khiêng như khiêng heo con bỏ vào cái rọ của chú Tàu già !!!). Ứ .. ứ .. không .. Không phải cho vào rọ. Mấy đứa khiêng tôi đặt vào ngồi trên cái ghế riêng rẽ thầy đặt sẵn ở góc phòng .. (Lạ nhỉ. Ưu tiên nhỉ. Mấy đứa kia đều ngồi chung trên cái bàn học dài ngoằng à). Thế là tôi ngồi riêng biệt ở góc đó. Lầm lầm lì lì và giương mắt ráo hoảnh (có khóc lóc miết cũng chả ai buồn để ý nên tự ngưng .. ngang !!!). Tôi ngó thầy, ngó mấy đứa khác, như một khán giả theo dõi "sân khấu học hành" một cách lặng câm. Ban đầu cũng lơ đơ lãng đãng lắm. Riết rồi thấy cũng hay hay vì khi thầy hỏi cả lớp câu gì đó, cả lớp giơ tay. Thầy gọi một đứa. Thầy khen vì nó trả lời đúng hoặc đọc đúng. Có đứa mặt đỏ hơn trái gấc chín lí nhí câu gì làm cả lớp cười ầm lên vì trật lất, trật lơ .. Hay hay vì sau mỗi cái nhịp thước của thầy là cả lớp đồng thanh đọc bài ê a, trầm bổng, du dương ..

 

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,

Gắng công mà học, có ngày thành danh ..

(SƯU TẦM @ Internet)

 

Về nhà má hỏi, tôi nín thinh, nín thít vì có gì đâu mà nói. Đến lớp thầy vẫn để tôi ngồi yên, coi như tôi là đứa vô hình, không đếm xỉa, hỏi han gì ráo. Mấy đứa bạn học thì đâu có "thèm" đụng vô cái đứa "câm như hến và lạ hoắc như ở một cõi lãng .. nhách" nào đó, trong cái góc "kỳ cục" của thầy trò chúng nó !!! Thế nên, tôi ngồi chóc ngóc đó suốt một tuần lễ dài .. thoòng !!!

 

Ôi, cả một tuần lễ bị lưu đày - tự mình tách biệt hoặc "thầy trò họ" cố tình cho tôi ra rìa - làm tôi xốn xang, bứt rứt gì đâu. Thà là "chúng nó" lêu lêu mắc cỡ tôi bởi cái thứ "Tây lai 12 lỗ đít" đi. Thà là ông thầy ngó về tôi một lần, chỉ một lần giật mình nhớ ra có tôi đi, thì cũng là vạn hạnh biết bao. Vậy mà .. vậy mà .. hu hu .. hu hu ..

 

Thế rồi .. thế rồi ..

 

Gà con theo mẹ

Thập thò luống khoai

Lũ sáo láu táu

Đua nhau học bài ..

(VI THÙY LINH)

 

Cuối cùng .. như con nhộng chui ra khỏi kén, như chú gà con chiêm chiếp ra ràng, tôi cũng giơ tay, nhón chân, khua khoắng mấy ngón tay ngắn cũn mong thầy gọi .. Được thầy chú ý đã là một diễm phúc, được thầy khen thì vinh hạnh tót vời, vậy mà thầy còn thưởng cho đồng bạc cắc mới tinh nữa chứ. Ui da, trái tim đập ầm ầm chắc con nhỏ hàng xóm đang ngồi ở đầu đàng kia cũng nghe thấy và tròn xoe con mắt lánh đen, cười nhe răng sún vui "hùn" với tôi nữa quá !!! (Sau này, tôi mới hiểu, tất cả là một sự dàn xếp hết sức tế vi giữa thầy và má, là sự thành công ngoại lệ của một phương pháp "siêu" sư phạm cho "cá" tự ý "vượt vũ môn" đặng hóa thành rồng !!! Không ai đùn đẩy hay cưỡng bách. Không ai quát nạt hoặc đòn roi !!! Chỉ có tiếng khen và thưởng là "điều kiện ắt có và đủ" cho cả đời tôi, từ đó về sau, thành dân học "gạo" hạng cừ !!!)

 

Thế rồi, qua những ngày mưa, tháng nắng học hành, những lớp sơn đần độn, ngốc nghếch được cây thước thần của thầy gõ vào nên tróc vỏ "giả mạo" trụi trơn. Cái tối tăm ban đầu, cái "ăn chưa no, lo chưa tới" được 24 chữ cái làm bùa đeo rượt đuổi nên ma dốt chạy có cờ, chạy thục mạng vào cõi hỗn mang. Để từ đó hồn vía đứa học trò thơ ấu nào cũng vỡ ra, cũng sáng dần cái chữ, cái nghĩa thầy ban. Cái tinh hoa tiềm ẩn cũng phát tiết dịu dàng ..

Hồn quả mồng tơi tím ngẩn ngơ

Tuổi xanh tập viết đến bây giờ

Lòng xưa be bé, trời tim tím

Nghe cả chùm hoa cũng thắt nơ.

(TRẦN MẠNH HẢO)

 

***

 

Sao bỗng dưng tôi chợt nhớ lại người thầy dạy học vỡ lòng ngày xửa ngày xưa ấy .. Có phải cơn động đất quái lạ ở đây, bão lụt ở kia, thiên tai, nhân tai nhan nhản khắp toàn cầu làm lòng tôi quay lui lại cái thuở ấu thời: Buổi đi học đầu tiên phải có người khiêng vào lớp, như người ta khiêng con nghé, con bê, con heo con .. đặt vào chuồng lót đầy thảm chữ lạ lùng và ngộ nghĩnh .. "O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu ..". Thuở đó, đâu đã biết rằng chính cái buổi ấy, ngày ấy mình đã được chính thức tham dự vào sự hoạt động vĩ đại, để duy trì vĩnh viễn ánh vinh quang của sự tiến bộ và văn minh nhân loại:

 

".. Mỗi bui sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những đứa trẻ lếch thếch trên những đường hẻm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng : chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đng mông quạnh, hoặc ngi "xe trượt" trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội sui, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.

Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẫn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điu bằng những th thức khác nhau.

Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ : ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm. Sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy .." (EDMOND DE AMICIS - Tâm Hồn Cao Thượng)

 

Bây giờ, dù đang ở bất cứ nơi đâu trên xứ người, khắp bốn bể năm châu, mỗi người chúng ta, dù khởi nguồn từ Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc (nói riêng), người Việt Nam (nói chung), tôi tin các nam nữ học sinh ngày xưa ấy, hết thảy ..

 

Chúng con như chim tung cánh

Hát ca muôn nẻo cuộc đời

Hoa thơm nở trên xứ lạ

Lòng đâu quên thuở xa xôi ..

(NGUYỄN HẢI ĐƯỜNG)

 

Vâng. Chắc chắn chúng ta không thể quên người đã từng cong môi mớm chữ, tròn miệng đánh vần, khàn hơi dạy đọc; từng mỏi nhừ vai luyện tập đồ, tập viết cho chúng ta; từng rát cổ bỏng họng cao giọng đọc bài cho chúng ta nhập tâm; từng còng lưng chấm điểm bài viết chánh tả hàng đêm bên ngọn đèn dầu; để hôm nay chúng ta hãnh diện là người Việt Nam viết đúng, viết hay, viết rành rọt ngôn ngữ quê nhà !!!

 

Chúng ta đâu quên những Thầy Cô dù kè kè cuốn Quốc Văn giáo khoa thư, dạy các bài toán cộng trừ nhân chia căn bản, hay những kiến thức cao hơn, phức tạp hơn .. vì "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" [1 chữ cũng là thầy, ½ chữ cũng là thầy]. Mà nói cho cùng kỳ lý ra, dù cá nhân mình chẳng nhận được chữ nào, nhưng bạn bè mình, thế hệ đàn anh, đàn em mình thọ nhận thành quả của thiên chức nhà giáo cao cả đó, thì chúng ta cũng trân trọng nhớ ơn "người lái đò, người gieo hạt, người đã thắp sáng bao ước mơ, người đã chắp cánh cho chúng ta bay vào bầu trời kiến thức bao la .."

 

Xin được mạn phép mượn lời thơ của THẢO NGUYÊN để kính gửi lời biết ơn dành đến má tôi, người đàn bà thất học, chịu đầu tắt mặt tối để cho con được bước ra ánh sáng, (nay đang ngậm cười nơi chín suối, hay đang thung dung hạc nội mây ngàn, hoặc đã tái sinh về nơi dương thế ???). Kính gửi đến tất cả Thầy Cô .. (kể cả "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ" - VĐL) lời tri ân dẫu quá muộn màng :

 

Một nửa đời em

Cách làm người là của mẹ

Hạnh phúc cuối cùng của mẹ ở nơi em ..

 

Một nửa đời em

Tri thức muôn phương

Thầy góp nhặt trao cho em tất cả

Những kiến thức, những kỹ nghệ tối tân vô giá

Viên phấn trên tay thầy mòn mỏi nhường lại thời gian ..

 

Hai nửa con người em

Từ hai người thầy trao tặng

Bài thơ em chia đôi với tất cả lòng biết ơn, kính trọng

Theo suốt trong em trọn vẹn một kiếp người

(Thảo Nguyên)

 

 

 

 

 

Tháng 10/11

 

danvit_divephiamattroi.jpg

website counter